Ngà khoác túi lên vai. Đứa con gái nhỏ chạy theo, níu áo:
- Mẹ, cho con theo với! - Ngà cúi xuống ôm con và thấy lười, không muốn ra khỏi nhà. Ngà nói với con:
- Mẹ ở nhà nhưng con đừng nhõng nhẽo, chịu hôn?
Mặt con bé sáng rỡ. Nó ôm cổ Ngà:
- Mẹ ở nhà, sướng quá!
Ngà ngồi vào bàn, viết được vài dòng đã thấy con gái
bỏ dở mớ hàng xén bày la liệt trên nền gạch. Nó dụi cằm vào đùi mẹ:
- Cho con ngồi trong lòng mẹ!
- Ngà đặt con vào lòng. Nó lại đòi:
- Mẹ cho con gõ chữ!
Ngà cầm ngón tay trỏ nhỏ xíu của con và ấn vào bàn phím. Nó tròn xoe mắt nhìn dòng chữ hiện ra trên màn hình, reo lên:
- Con giúp mẹ được rồi!
Gõ được vài dòng, chán, nó lại đòi vẽ.
Trò chơi này thì nó thích và thích nhất là vẽ ông mặt trời. Có lẽ, đó là hình ảnh quen thuộc trong lời hát, trong
tranh, trong truyện kể và cũng là hình ảnh nó thấy mỗi sáng trên đường đến nhà trẻ, tuy ông mặt trời thường vướng những cao ốc, ăngten, mạng điện. Con bé vẽ thêm đôi tay với những chiếc ngón tõe ra như củ gừng. Nó bảo: “Con tặng đôi cánh cho ông mặt trời!”
Lúc bé, Ngà cũng thích vẽ ông mặt trời, chỉ khác là không vẽ trên máy vi tính. Ngà vẽ bằng bút chì và chỉ có mỗi một màu đen. Nhưng mặt trời rạng rỡ lắm. Quả cầu vàng bao giờ cũng hiện ra sau rặng dừa xa xa trên cánh đồng kéo dài tít phía chân mây và quanh năm như chỉ luân chuyển giữa hai màu, xanh và vàng. Màu xanh nõn của lá mạ, màu xanh mượt của lúa đòng đòng và màu vàng óng ả của lúa chín, màu vàng giòn tan của rơm rạ. Khi mặt trời sắp lặn, hình ảnh còn rực rỡ hơn. Mặt nước lao xao sóng của con sông vắt qua nhà ngoại như được nhuộm ngọc, một thứ ngọc lung linh hắt lên nền trời.
Khi vẽ, thỉnh thoảng, Ngà cũng được ngồi trong lòng ngoại. Bà chỉ cho Ngà chỗ này đậm, chỗ kia nhạt và đừng vẽ miệng ông mặt trời méo xẹo như khóc coi xấu lắm. Ngà hỏi ngoại: “Ông mặt trời cũng biết khóc hả ngoại?”. Ngoại ậm ờ, tránh câu hỏi. Bà vuốt tóc Ngà: “Ai cũng biết khóc, con à!”. Ngà biết, người lớn không khóc ầm ĩ như bọn trẻ con. Họ chỉ khóc thầm, giống như ngoại.
Ngà thấy ngoại khóc. Bà ngồi trước hiên, đăm đăm nhìn dòng sông tím đỏ ráng chiều. Ngà đang chơi trò trốn tìm với lũ em và nép vào mấy cái lu đặt cạnh hàng tre, rất gần ngoại. Bà ngồi như bất động, quên cả chùi nước mắt. Giọt ngắn giọt dài lặng lẽ rơi. Trong nhà, ông ngoại nằm ngửa trên bộ ván ngựa, thở phì phì, chân này gác lên đầu gối chân kia, nhịp nhịp bàn chân theo tiếng chửi của mình. Một tháng hết hai mươi tám ngày, chiều nào cũng như chiều nào, khi mặt trời loang đỏ mặt sông, khi gà vịt lục tục kéo hết vào ổ, khi khói un muỗi tỏa khắp nhà là lúc men rượu kịp khiến ông đủ say để hành vợ. Ông ca cẩm cái điệp khúc mòn cũ rằng, bà chỉ thương cái lũ cháu của thằng chồng trước, lũ cháu bị cái tụi làm cha làm mẹ vô tâm vứt lại. Ông bảo ngoại là cái bao, hứng hết lũ con của những kẻ không có trách nhiệm với con cái, không hiếu thảo với mẹ cha, chỉ xách đít làm chuyện bao đồng, giỏi lo việc thiên hạ. Càng chửi, ông càng hăng. Ông nối chuyện này, ông kết chuyện nọ, ông xâu, ông chuỗi, dây nhợ nhằng nhịt. Nhiều khi không chịu nổi, bà gào lên: “Ông mà chửi tiếng nữa, tui đi!”. Ông thách: “Bà giỏi thì cứ đi, đem theo ráo trọi cái lũ ăn báo!”
Có lần, bà đi thiệt. Bà cuốn hai chiếc chiếu, guộng hai cái mùng, kéo Ngà và đám em lít nhít con dì con cậu xuống xuồng, chèo qua sông, đến nhà một người bà con. Lạ chỗ, Ngà cứ lăn qua lăn lại trên nền đất, còn ngoại thì chui ra chui vô giữa hai cái mùng, hết gãi lưng đứa này đến xoa bụng cho đứa kia. Ngà ngủ lúc nào không nhớ, chỉ nhớ tiếng ru khẽ như thì thầm của ngoại, cho đến khi giật mình tỉnh dậy bởi tiếng gõ cửa. Cửa mở. Trời chưa sáng hẳn. Ông ngoại như chui ra từ màn sương, ướt át, tỉnh táo, cử chỉ, lời lẽ dịu dàng như của một người nào khác chứ không phải là kẻ nồng nặc mùi rượu, phun ra toàn lời độc địa và đẩy bà cháu ẵm bồng lếch thếch ra đi trong đêm. Ngoại chưa nguôi giận. Bà nhìn thẳng vào ông, nói: “Với tui, ông mặc sức chửi rủa, xài xể nhưng ông không được xử tệ với sắp nhỏ!”. Ông bước vào trong nhà, guộng mùng, xốc lũ cháu dậy. Ông cõng, ông dắt, ông chèo, ông chống...
Khi không rượu, ông ngoại hiền như đất. Ông ra đồng từ lúc Ngà và lũ em còn ngủ mê mệt. Đầu vấn khăn rằn, lưng trần, quần lửng dây rút, ông làm việc quần quật dưới nắng, dưới mưa để nuôi lũ cháu không máu mủ ruột rà. Trước khi ra đồng, ông còn rảo một vòng, bắt sạch lũ rắn rít, cóc nhái bò vào những cái hầm tránh bom đạn do ông hì hục đào, đào rải ra khắp vườn và dọc bờ dừa chạy dài theo cánh đồng. Từ ngoài đồng về, ông thường xách nào dừa, chuối, củ năn, ngó sen, lỏi bồn bồn, nhiều khi còn có những con cá lia thia “ác chiến” bóng ngời được bọc trong lá sen hay lá súng. Nhưng khi mặt trời lặn, khi bóng tối trùm xuống dòng sông, cánh đồng, ngôi nhà là lúc ông buông xuôi cho lũ ma men hoành hành. Bà chịu đựng và chai lỳ trước những cơn thịnh nộ. Tuy nhiên, nhiều lúc bà cũng bất chấp, xù gai như một con nhím nếu ông đụng đến lũ cháu...
*
* *
- Đố mẹ con vẽ ông mặt trời cười hay khóc?
Nghe con hỏi, Ngà mới để ý thấy nó vẽ đường môi ông mặt trời giống như củ ấu lật ngược. Hình ảnh này quen lắm. Ngoại bảo cười mà mếu. Ai có nụ cười đó sẽ khổ. Ngà chợt hỏi con:
- Con nhớ bà cố hôn?
- Con nhớ! - Nó đáp và tiếp một hơi - Bà cố ăn trầu, bà cố hái ổi, bà cố gọt xoài...
- Con có muốn về thăm cố?
- Con muốn!
- Vậy thì mình về!
Con bé tuột khỏi ghế, chạy một hơi đến phòng chị nó, đập cửa:
- Chị ơi, mình được về cố!
Ngà tìm số điện thoại trong cuốn danh bạ, gọi một chiếc xe tốc hành. Ba mẹ con lẹ làng cho những thứ cần thiết vào túi xách. Bốn mươi lăm phút sau, Ngà và hai con gái đã ngồi trên xe.
Trên xe, con gái lớn của Ngà với tay lên trần xe, kéo cái quạt gió về hướng mình. Nó càu nhàu:
- Máy lạnh gì mà nóng toát mồ hôi!
- Ráng chịu một chút, chớ ngày xưa...
- Thôi mà mẹ, xưa khác, giờ khác!
Ừ thì khác, khác nhiều nhưng Ngà vẫn nhớ, nhớ như in những lần về ngoại và về thường là những năm tháng còn là sinh viên. Để mua được chiếc vé, Ngà chầu chực xếp hàng rồng rắn cả buổi. Khi lên xe nào được ngồi yên. Chen chen lấn lấn lên lên xuống xuống muốn sụm chân ở các loại trạm kiểm soát mọc nhanh và nhiều như nấm sau mưa. Rồi nạn kẹt xe triền miên ở bến phà Mỹ Thuận. Chờ đợi, nóng bức, ngột ngạt, khát và đói. Vậy mà, dịp nghỉ nào Ngà cũng nôn nả quay về. Đến nơi, quẳng cái túi lên bộ ván, ngổ ngáo như thằng con trai, nhảy ùm xuống sông. Sau một hồi ngụp lặn, vào nhà thấy ngoại chuẩn bị xong một bữa cơm...thịnh soạn. Trên chiếc mâm nhôm được kỳ cọ lên nước sáng choang, ngoại đặt lên đó những món ăn bốc khói, thơm phức. Thường là đĩa rau luộc, một tô canh rau nấu với tôm hay cua hoặc một tô canh chua cơm mẻ nấu thật nhiều cá, một đĩa cá chiên, một tộ cá kho và bao giờ cũng có một tô nước cơm trắng như sữa. Mãi cho tới bây giờ, dù nhiều lần được thưởng thức những món ăn ở những nhà hàng khách sạn nhiều sao nhưng Ngà không tìm được cái cảm giác ngon miệng như khi ăn những bữa cơm của ngoại. Ngon miệng và hạnh phúc. Hạnh phúc được ngoại chăm chút như Ngà vẫn còn là con bé mặt mũi lấm lem ngày nào.
Buổi tối trước khi Ngà trở lại trường, ngoại lọ mọ cụ bị lỉnh kỉnh các loại thức ăn cho Ngà mang theo. Những món “chiến lược”như mỡ thắng, tép rang, thịt kho hột vịt bao giờ ngoại cũng cho vào những cái lon guy-gô. Những cái lon đó lần lượt được trao lại cho những đứa em Ngà. Chúng cũng nôn nả trở về với ngoại mỗi khi được trường cho phép. Và ngoại lại lặng lẽ chùi rửa kỳ cọ sáng bóng những cái lon guy-gô mỗi khi lũ cháu mang về “thay ruột”.
*
* *
Đã có cầu Mỹ Thuận, không phải mất mấy giờ kẹt phà nên mẹ con Ngà về đến nhà ngoại khi mặt trời còn chói lọi trên ngọn cây tre. Cửa trước đóng. Bốn bề tràn nắng, vắng lặng. Ngà và hai con cùng gọi:
- Ngoại ơi! Cố ơi!
Nghe tiếng chó khụt khịt trong nhà, Ngà vỗ cửa gọi lớn:
- Ngoại ơi, con về đây!
Tiếng chó hậm hực, mừng rỡ. Nó cào vào cửa, sủa. Sốt ruột, Ngà đập cửa:
- Ngoại ơi, con đây, con Ngà về đây!
- Ờ, ờ, ngoại nghe! - Ngoại lên tiếng và lập bập gọi:
- Út... Út ơi... mẹ con con Ngà về!
Một hồi sau Ngà mới nghe tiếng bước chân hấp tấp và tiếng đẩy cửa. Dì Út mặt mũi chao đảo, quần ống thấp ống cao, chùi vội đôi tay ướt vào vạt áo, vừa nói vừa thở:
- Út đang giặt đồ tuốt đằng sau...mẹ con bây sao về bất thình lình vậy, sao không điện thoại báo trước...
Có cái gì khuất tất trong cách diễn đạt và trong ánh mắt của dì Út, người đàn bà chịu thương chịu khó, chân chất như củ khoai. Thường thì người mở cửa bao giờ cũng là ngoại. Không kịp hỏi thêm dì Út lời nào, Ngà dẫn con chạy ào vào nhà. Đi qua bộ ván ngựa, qua tủ thờ, qua tấm vách buồng, Ngà thấy ngoại đang cố chống hai tay lên võng để nhỏm người dậy. Ngà tối sầm mặt mũi. Ngoại xanh và mỏng như một chiếc lá. Ngà buông túi xách, chạy lại đỡ ngoại. Dì Út lẹ tay lấy mấy chiếc gối mềm chêm vào lưng ngoại. Một chiếc gối nữa, cao hơn kê nơi vai. Ngà sụp xuống, choàng tay ôm lấy ngoại, ôm luôn cả võng, nước mắt trào ra.
- Ngoại con té trong cầu tắm...
- Sao Út không cho con hay?
- Ngoại sợ tụi con về, bỏ công bỏ việc.
Nghe dì Út nói, Ngà chợt nhớ, có mấy lần điện thoại về, chuông reo nhiều lần mà không có người nhấc máy. Gọi tiếp mấy lần thì chỉ gặp dì Út. Gần đây mới nghe tiếng ngoại. Ngoại bảo ngoại hơi yếu yếu trong người nhưng không sao, đừng lo gì cho ngoại. Lúc đó, Ngà mới thấy chiếc máy điện thoại nằm trên cái ghế đẩu được đặt ngay đầu võng, trong tầm tay của ngoại. Ngà nhìn sững chiếc máy, lần đầu trong đời, Ngà mới nhận ra sự bất lợi, thậm chí là bất nghĩa của cái phương tiện liên lạc hữu dụng này. Người ta có thể bán sạch lúa giống chỉ vì tin cái tai nghe. Người ta cũng có thể tự lừa dối mình bởi cái cảm giác ngọt ngào của lời nói. Còn Ngà, suýt nữa không còn kịp thấy ngoại...
- Ngoại còn sống sờ sờ đây mà khóc cái nỗi gì - ngoại nói, cố cười và cuộn miếng trầu bỏ vào miệng nhai bỏm bẻm -Thôi, mẹ con bây đi thắp nhang cho ông ngoại, rồi tắm rửa, cơm nước.
Ngà lau nước mắt, dẫn hai con gái ra bàn thờ thắp nhang cho ông. Trong khung ảnh, ông không ở trần như khi ra đồng. Ông mặc chiếc áo bà ba tròn cổ, chiếc khăn rằn không vấn đầu mà vắt một bên vai. Ông cười thật hiền, nụ cười lúc ông hỉ hả nhìn lũ cháu tranh những phần quà ông mang về từ đồng ruộng. Trước mặt ông, đặt lưng lưng một chai rượu trắng, thứ rượu đốt cháy gan ruột ông, và đã khiến bà ngoại thêm một lần lẻ loi.
Lần quần trò chuyện nắn bóp tay chân ngoại một hồi, Ngà thấy dì Út khệ nệ bưng mâm cơm đặt gần chiếc võng ngoại đang nằm. Vẫn những món ăn cây nhà lá vườn, cũng tô nước cơm đục như sữa và cũng được đặt lên cái mâm nhôm sáng bóng quen thuộc nhưng Ngà nuốt không trôi. Lần đầu tiên, bên mâm cơm không có ngoại ngồi cùng. Ngoại cố nhổm dậy trên võng, nhắc:
- Sao bây ăn uống lơ là vậy?- Bà quay sang dì Út-Út mày ngâm mấy lon gạo, lát nữa xay đổ bánh xèo cho sắp nhỏ ăn!
Ngà muốn ngăn nhưng sợ ngoại buồn.
*
* *
Trông ngoại tươi tỉnh hơn. Bà ăn hết một cái bánh xèo và hai lát xoài chín. Bà với tay đẩy đĩa xoài về phía hai đứa con Ngà:
- Ăn đi con, đừng để lâu hôi gió. Lát nữa ra vườn, xoài chín đỏ cây!
- Lát nữa cố cũng ra vườn, nghen cố! - Con gái nhỏ của Ngà buột miệng.
- Em khùng quá, không thấy cố bệnh sao? - Con chị vội rầy con em.
Ngoại làm thinh một hồi, rồi nói:
- Ba tháng rồi, bà có thấy mặt mũi ông mặt trời ra làm sao đâu!
Có lẽ sợ mấy đứa cháu nói năng lung tung làm bà thêm nghĩ ngợi, dì Út vội kéo hai đứa ra vườn. Lát sau đã nghe tiếng cười nói ríu ran. Chắc bọn trẻ bẻ được những quả chín trên cành.
Ngà đẩy chiếc ghế có năm cái bánh xe nhỏ gắn nơi chân đến bên ngoại. Trên chiếc ghế có gắn những cái bánh xe nho nhỏ này, ngoại có thể nhìn được vườn cây ăn trái, ngắm được cánh đồng trải dài tới chân mây và ngoại cũng có thể bắt gặp cái màu hoàng hôn lao xao trên mặt sông. Bà nhìn Ngà lấy mấy cái gối tấn quanh ghế, nói:
- Vậy mà bà với Út không nghĩ ra!
Lúc ngoại ôm cổ Ngà, Ngà ôm ngoại gọn trong vòng tay và nhấc bà khỏi võng, Ngà không ngờ ngoại nhẹ đến thế. Nhẹ như một đứa trẻ bị còi xương. Ngà cố giữ thật lâu trong vòng tay mình cái thân thể gầy gò thân thiết, cái thân thể đã chửa đẻ nuôi dưỡng một đàn con và cưu mang một lũ cháu, cái thân thể vắt kiệt mình cho một trái tim tràn ngập tình yêu.