Bụi Cay Mắt Người Truyện 13


Truyện 13
Những cánh chim

Tặng nhà văn Sương Nguyệt Minh và "Giếng cạn"

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa...

Nhà ông Hợi ở xóm Giữa, có ngôi nhà gỗ cổ và nổi tiếng vì con trâu nái mắn đẻ. Nhà ông không giàu, cũng chả nghèo. So với dân làng thì tàm tạm, cơm canh đạm bạc, cà bung cà muối, thi thoảng cải thiện lạng thịt, con cá, cái chân giò... Ông Hợi được dân làng gọi là ông Cuội, chẳng hiểu vì sao, từ bao giờ. Nhưng hễ nghe vậy ông vui lắm, vuốt vuốt chòm râu bạc phếch bằng bàn tay nhăn nheo. Tóc ông như cước, người nhỏ thó, chỉ đôi mắt là long lanh. Vì ông nhỏ người mà bọn trẻ con trong làng đã nghĩ ra một câu vè, đọc rất vui: “Ông cuội ngồi gốc cây đa. Đem cân cả rễ chỉ già chục cân...”. Ông Hợi mặc, càng vui. Giận gì cái lũ trẻ con.

Nhà ông có hai con trai, không con gái. Bà Hợi hễ


gặp những người bạn tâm giao trong làng lại lắc đầu:
“Như người ta thì cháu bồng cháu bế, đằng này hai thằng con trai, dở dở ương ương. Buồn ơi là buồn. Giá có thêm đứa con gái...”. Các bà an ủi, sớm muộn gì chúng cũng lấy vợ, lúc đó chả tha hồ cháu bế cháu bồng. Bà lo làm gì cho thêm bạc tóc. Kệ chúng, không phải giục. Bà còn nói với ông Hợi, bảo ông nghĩ cách gì đi, nhà ta vô phúc thế hay sao. Tôi với ông ăn ở có tình làng nghĩa xóm, xưa nay chưa thất đức với ai bao giờ. Ông lại là người có công với Cách mạng, huân chương có, huy chương có. Trên Uỷ ban người ta nể trọng ông. Tôi cũng từng được ghi danh là phụ nữ đảm đang việc nhà, hoàn thành xuất sắc công việc trên những cánh đồng, để chồng yên tâm ra trận. Xã khen, làng cũng khen, vậy mà con chúng ta... Ông Hợi chỉ thở dài, nhìn xa xăm.

Anh con lớn năm nay đã băm ba, con thứ hăm ba. Con cả tên Khai, con thứ tên Tuất. Tuất mới xong cấp ba được vài năm. Trượt thi đại học, ông Hợi gửi đi làm công nhân, được nửa tháng Tuất bỏ về, nói không chịu được khổ, không chịu được người ta sai. Về làm ruộng với bố mẹ, vất vả tí chút nhưng tự do, lúc mát làm lúc nắng nghỉ, tối cùng thanh niên nam nữ trong làng tụ tập. Đình làng, gốc đa, cống bê tông cuối xóm, đêm nào cũng nô nức tiếng cười.

Cả Khai và Tuất đều được gọi là Cuội. Cuội anh cuội em. Cha truyền cho con. Có người nói thế thì nhà ông ấy toàn cuội cả. Cuội thì tốt hay xấu, tùy người. Nhưng chắc chắn rằng, trong làng không ai có ý châm chọc, xỏ xiên cả. Chỉ hơi giận là Cuội anh không chịu làm gương, lấy vợ trước sửa lối cho Cuội em. Chuyện này có thể bị trêu ghẹo thật. Cuội anh chẳng thèm để ý. Những thằng nói vớ vẩn vậy đều là những thằng chíp hôi, không đáng, một đá thì thiếu hai đá thì thừa. Nhưng Cuội em thì đỏ mặt, hiểu những gì đang diễn ra. Giá mà Cuội anh cứ cưới luôn một đứa con gái nào đấy.

Nhà tôi cách nhà cuội bằng năm phút đi bộ của chú trâu mắn đẻ. Tôi vừa xong cấp III, chẳng có đứa nào cùng chí hướng, buồn không có bạn. Tôi cũng chẳng thèm thi đại học. Mẹ bảo: Học làm gì, ở nhà làm cho mẹ vài năm nữa, lấy một tấm chồng, đẻ lũ con, chả phải lo lắng gì. Tôi hứ một tiếng, mẹ chẳng tân tiến gì, lúc nào cũng nói đến chuyện đẻ đái, vợ chồng. Con chả lấy chồng. Mẹ lườm tôi, rồi kéo con gái vào lòng, dịu dàng: “Mày đừng học anh em nhà Cuội”.

Cuội anh hay trêu tôi, đưa lời vờn vỡ. Có lúc nghe khó chịu, về nhà tôi nghĩ lại. Thấy Cuội anh cũng hài hước,
trí tụê ra trò. Không giận nữa, nhưng trước mặt Cuội
anh không thể tỏ ra yếu thế. Một lần trên đồng, tôi lom khom cấy, Cuội anh gánh phân cho mẹ già. Mồm Cuội
anh hát:

 “Cô Sao đi cấy đồng sâu/ Suốt ngày cô chổng phiêu câu lên trời”.

Sao là tên tôi. Tôi ngượng đỏ mặt. Bên cạnh chỗ tôi còn nhiều người nữa. Nhưng chẳng lẽ lại ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua chuyện này. Phải cho Cuội anh biết con gái làng Đà không phải tầm thường. Tôi cất giọng:

“Ngọn gió cũng tuổi xuân thì/ Em mà không chổng lấy gì anh xơi”.

Cả một khoảng rộng người ta vỗ tay hoan hô. Những người ở xa không hiểu đầu đuôi, ngẩng cổ lên nghe ngóng. Cuội anh cắm cổ bỏ đi mất. Tôi biết rằng cuộc chiến với Cuội anh chưa kết thúc.

Rằm trung thu, sau ngày hội làng, cả trẻ con và người lớn đều được hả hê. Trai gái trong làng, đêm đó đẹp như huyền thoại. Bến sông, trăng sáng vằng vặc. Những cô gái được tuyển chọn sẽ bơi thuyền ở dưới, từng người ra một câu hát đối. Các chàng trai ở trên bờ, ai đối được câu của cô gái nào sẽ được cô gái đó mời xuống thuyền, dạo trên mặt sông, ngắm trăng. Nhiều đôi trai gái làng tôi đã nên vợ chồng từ những đêm trung thu như thế.

Tôi được chọn vào số những cô gái đó. Câu đối của tôi được chuẩn bị từ lâu, tưởng đã làm khó được trai làng Đà, ai ngờ người đối được lại là Cuội em. Lúc đó, tôi gần như thất vọng. Không ai bắt được ý nghĩ của mình. Sau một hồi im lặng thì có tiếng hát vang lên. Hay quá, chỉnh quá. Mọi người vỗ tay. Thế mà Cuội em cứ giấu tài. Cuội em xuống thuyền tôi, đêm tròng trành ánh trăng, đẹp như cổ tích. Người Cuội em có mùi thơm là lạ, tôi chưa từng ngửi thấy. Khen. Cuội em cười, nụ cười hiền loa lóa ánh trăng.

- Đây là mùi lăn khử mùi người anh ở phố tặng. Thơm đặc biệt phải không?

Cuội em hỏi chuyện về tôi, khen tôi xinh. Sau nói về mình. Cuội em bảo mình có tài đặc biệt, làng Đà không ai làm được, đó là khả năng trèo cây. Mà trèo cây đi đằng đít chứ không phải đầu. Trèo cau hai chân bám vào thân cây trước, đu người lên, hai tay sau bám phía dưới đẩy người lên. Trèo cây gì cũng vậy. Lên đến nơi rồi hai chân đu vào cành, còn tay tha hồ hái quả, làm gì thì làm, nhanh như con khỉ. Cuội em còn biết chọc cười, hài hước. Tôi cười rũ rượi, cười vung vãi trên sông trăng, trăng cũng vung vãi.

 

*

*       *

 

- Sao anh không lấy vợ đi, anh lấy vợ chắc làm cho vợ vui lắm. Cuộc sống vợ chồng thế mới hay?

Sau khi nghe lời tôi, Cuội em chợt thở dài, niềm vui ban nãy rơi tõm xuống sông.

 

- Nhưng anh tôi chưa chịu lấy, tôi làm sao dám vượt mặt. Tôi là em, có những cái phải thiệt thòi.

- Anh giục anh ấy đi chứ. Già quá thì chẳng em nào thèm đâu.

- Nhưng, hình như hai anh em tôi không ai có cái duyên... lấy vợ. - Cuội em ủ dột. Đêm dạo sông thành ra mất hứng, mà không ai muốn về. Cuội em cứ muốn ngồi mãi. Tôi cũng muốn ngồi mãi. Tự dưng thấy thương Cuội em, vì chuyện gì không biết nữa, khó hiểu quá!

Nam nữ đã tản về gần hết, tôi quay mũi thuyền. Trăng sáng hơn, càng lúc càng vành vạnh, thuyền dùng dằng, muốn ngồi lại nhưng phải bước lên.

Từ hôm đó hay chơi với Cuội em, Cuội em quan tâm đến tôi. Trai gái hay ngồi tụ tập ở chiếc cống bê tông đầu làng. Mấy đứa con gái thắc mắc: “Từ ngày chơi với thằng Tuất cuội, con Sao hay ra đây hẳn. Trước nào có thấy”. Có đứa lại nói tôi thích Cuội em, thích từ hôm rằm đưa Cuội em lên thuyền. Một con thuyền, một ánh trăng trai gái nên duyên, đáng lắm, đẹp lắm! Tôi không cãi cũng không gật, chỉ thấy mặt mũi nóng bừng, cảm giác là lạ khó tả. Cuội em nhìn tôi làm tôi phải quay mặt đi, sợ chúng nó nhìn thấy, trêu. Có hôm chăn trâu cùng nhau, tôi và Cuội em bỏ trâu gặm cỏ, chui vào bóng râm cây đề ngồi trò chuyện. Cuội anh đi lấy dong nước cho lợn, đạp xe qua, thấy tôi và Cuội em, vứt xe đạp ngoài vệ cỏ, sà vào đong chuyện. Cuội anh nói xin lỗi tôi về chuyện lần trước. Nói không ngờ tôi lại trả đòn giỏi thế. Cuội anh khen tôi xinh. Lúc này Cuội em như biết ý, ra chỗ khác ngồi cho Cuội anh nói chuyện.

- Sao xinh thế mà chưa lấy chồng. Chắc kén quá...

- Thì anh cũng đã lấy vợ đâu, như vậy có phải quá
kén không?

Cuội anh lắc đầu:

- Không, tại tôi bị người ta chế. Không có ai yêu tôi. Tôi già rồi.

Định nói làng này vẫn còn khối người như chị Xăng, chị Xái con ông Xai, Cuội anh có thể lấy làm vợ. Nhưng
sợ Cuội anh buồn, có khi nổi khùng cho tôi phát đá, toi mạng. Thôi.

Chị Xái và chị Xăng là hai cô con gái ông Xai. Xăng là chị, Xái là em. Chị Xăng quá khiêm tốn về nhan sắc, bù lại ông trời cho cái tài thêu thùa. Nhiều ông bà trong làng bảo con lấy cái Xăng làm vợ. Chàng trai nào cũng giãy nảy: Ôi trời! Bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Chả thèm. Người ta ví Xăng như Thị Nở thời hiện đại. Còn chị Xái mới đúng là một người đặc biệt, hay quên, lả lơi, ăn nói lại bỗ bã, bạ đâu là nhổ nước bọt. Chẳng ý tứ rườm rà. Được cái nước da trắng, dáng người cân đối. Hai chị em mà đổi một phần cho nhau, người là tiên, còn người kia...

Cuội anh cười hềnh hệch khi thấy Cuội em bỏ ra ngồi một mình. Chuyện lâu quá Cuội anh quên mất việc lấy dong lợn. Mặt trời đã kề mặt mình sau lũy tre xa, gần đến lúc phải cho trâu về. Cuội em giục Cuội anh, Cuội anh cuống cuồng lao xuống sông, nói với lại một câu: Tối gặp nhau nhá? Tôi nhìn Cuội em, Cuội em nhìn tôi. Sờ sững.

Trên đường về, Cuội em lấy tay vỗ vào mông mấy con trâu cho chúng đi trước. Rồi nói nhỏ vào tai tôi.

- Sao đừng chơi với anh tôi. Chơi với tôi là được rồi. Một mình Cuội em chăm sóc được cho Sao.

Mắt tôi trân trân nhìn Cuội em. Hai mắt Cuội em long lanh. Tôi hiểu rằng những lời vừa rồi là lời tỏ tình của Cuội em, mộc mạc quê mùa. Nhưng ích kỷ, mà phải vậy, có người nói tình yêu phải giành giật nên ích kỷ, chỉ muốn sở hữu một mình. Cuội em yêu tôi?

Nghe lời Cuội em tôi cố tình tránh mặt Cuội anh. Cuội anh lùng sục cả xóm, sang tận nhà tôi, mấy hôm liền mà không thấy. Cuội em nanh nọc quá, kéo tôi ra ngoài bãi dứa, gần bờ sông, mỗi tối chuyển một vị trí. Cuội anh tài mấy cũng không tìm được. Nên có lúc Cuội anh nghêu ngao hát ngoài bãi sông một mình: “Hoa mặt trăng mà tránh quả mặt trời. Em ơi có biết ngàn lời anh yêu...”. Có lúc hai chúng tôi nghe thấy, Cuội em muốn bịt tai tôi để tôi đừng nghe thấy lời Cuội anh hát. Tuy không hiểu nhưng tôi vẫn muốn nghe Cuội anh hát như thế nào. Nỗi buồn đã ngấm vào lời Cuội anh, ủ dột và không hy vọng. Tại sao Cuội anh lại để ý đến tôi?

Hai hôm sau thấy mặt mũi Cuội em sưng vù, chân đi khập khiễng. Hỏi, Cuội em thành thật trả lời:

- Tôi và anh tôi đánh nhau đấy. Anh ấy nói hai anh em đánh nhau tỉ thí một trận, ai thắng thì được sở hữu Sao. Anh ấy cũng thích Sao. Giờ anh ấy bỏ đi rồi.

- Tại sao anh ấy bỏ đi? Mà hai anh, ai thắng ai thua?

- Chưa có ai thắng ai thua cả. Đang đánh nhau gay thì cha tôi bắt gặp, ông cầm gậy khua túi bụi. Tôi đã nói đừng đánh nhau. Hai anh em vì tình đánh nhau người ta cười cho. Anh ấy một mực ép tôi, xông vào trước. Rất hăng máu, anh ấy muốn giành bằng được Sao. Anh ấy bỏ đi vì sợ cha tôi. Ôi, sao Cuội anh lại nghĩ dại như thế...

Cuội em ngồi xuống, tay ôm đầu. Ai đó tung lên trời những con chim như vãi lá. Mây đen ủ một cơn mưa, kéo dần. Và mưa, nước giội xối xả. Cuội em không chịu về. Tôi phải kéo tay Cuội em. Chạy thôi kẻo ốm đấy, Cuội em mà ốm thì lấy ai chăn trâu, sau này chăm cha già mẹ già. Tay Cuội em nóng hôi hổi, hơi thở gấp gáp. Cuội em lo Cuội anh đi rồi không về nữa, mẹ buồn cha khóc.

Nhưng được ba ngày Cuội anh phải về, nhận lỗi với cha, mặt cúi gằm. Ông Hợi không tha, vẫn mắng như tát nước vào mặt. Cuội anh không né tránh, không ngẩng đầu lên. Buồn rười rượi, cố nuốt đớn đau cho ngày rơi vào
quên lãng.

Cuội anh không dám đối diện với tôi nữa, nhưng còn nuối tiếc. Đêm đêm, thi thoảng vẫn nghe Cuội anh hát: “Hoa mặt trăng mà tránh quả mặt trời. Em ơi....”. Cuội em vẫn rủ tôi, hai đứa trốn đi chơi một nơi, không đi cùng đám thanh niên làng Đà. Mùa trăng thành ra lãng mạn. Tôi yêu trăng quê mình như mẹ tôi yêu bồ thóc đầy sau mùa gặt. Tôi cũng thấy xênh xang, rờn ngợp khi Cuội em ở bên. Cuội hay ôm ngang bụng tôi, tôi ngồi trên cỏ ngả vào Cuội em. Trăng vây quanh mình, gió vây quanh mình, cả màn đêm quê dịu dàng mùa động tình. Dế gáy ri ri... Cuội em đưa tay qua khe ngực tôi, lần tìm vú, tôi rợn cả người. Cuội bảo cho cả ánh trăng lọt vào chỗ đó, thích lắm. Tôi biết Cuội ăn gian. Trăng lọt được vào thì Cuội cũng nhìn được. Đấm thùm thụp vào ngực Cuội em, Cuội phều phào cười.

Thấy Cuội anh đớn đau quá, Cuội em nói nhường tôi cho Cuội anh. Lúc nói Cuội em rớm rớm mắt. Cuội anh lắc đầu: “Nhường thì tao chả thèm, tình yêu không có nhường nhịn. Sao không yêu tao thì tao chịu, coi như tao không có số”. Nói xong Cuội anh bỏ đi. Đồng ruộng lúc nào cũng có mặt Cuội anh. Người khác buồn, giận cá chém thớt cầm liềm chém lúa, đằng này Cuội anh làm như trâu. Cứ thấy việc là lao vào, tối tăm mặt mũi. Làm cho nguôi ngoai, cho quên đau. Cuốc bập vào đất phầm phập. Rìu bổ củi toàng toạc. Nước gánh phăng phăng... Tôi cũng không dám gặp Cuội anh, đi đâu thấy phải tránh hoặc quay lối khác. Không biết sao lại thế.

Đường quốc lộ mở rộng đi qua làng, mấy làn xe chạy, nhựa trải phẳng lì đi không nảy đít như mấy con ngõ trải đá, trồi lên những cục như nắm tay, rồi ổ bò ổ trâu. Đất làng trở nên đắt đỏ, một cơn sốt đất bùng nổ. Trong làng nhiều người giàu lên nhờ bán đất. Nhiều công ty của Nhật, Đài Loan, Trung Quốc... về thành lập trụ sở, đầu tư xây dựng công ty liên doanh. Bộ mặt làng Đà sẽ thay đổi từ đây. Cánh đồng trước đây trồng ngô trồng đậu, nay có công ty muốn mua lại, xây dựng vài dự phát triển dân sinh, nghe nói rất có lợi cho dân làng. Các công ty, công trình xây dựng xong thì con em trong làng được nhận vào làm, trả lương cao.

Ông trưởng thôn, Chủ tịch xã, Ủy ban họp bàn nhau, làm môi giới cho mấy công ty mua đất ruộng của dân, trưởng thôn đến tận nhà từng hộ vận động. Ông có cô con gái Cuội anh thích. Ngồi ở quán nước Cuội anh cứ một điều bố, hai điều bố. Thấy Cuội anh đã có tuổi, ăn nói được. Trưởng thôn nhận Cuội anh đi làm cùng mình, vận động dân bán ruộng, mấy công ty trả hoa hồng cao. Cuội anh đồng ý theo trưởng thôn.

 

Cô con gái trưởng thôn tên Mơ, hơi lả lơi đỏm dáng. Theo cảm nhận của Cuội anh thì cô mê anh rồi. Mê anh ở cái cơ bắp cuồn cuộn, lực điền, làm việc không biết mệt mỏi. Không biết có phải trai gái trong làng không ai chơi với Mơ, vì là con trưởng thôn, nên vớ được Cuội anh là giữ chặt lấy. Có hôm anh chị đèo nhau bằng chiếc xe Dream trưởng thôn mới mua. Mơ mặc váy ngắn, áo mỏng bay lơi vơi, hở mảng ngực to trắng ngần. Đi ngoài đường cái, Cuội anh đèo còn Mơ đứng lên, tay dang rộng ngược gió thổi. Lãng mạn thì có những khối người nhìn vào bĩu mỏ. Cuội em đèo tôi bằng xe đạp lên Uỷ ban xin giấy cho em gái, xe đi chậm rì. Cuội anh vụt qua còn quay lại cười, như nhạo, như khiêu khích. Tôi biết Cuội em buốt ruột.

Mua đất dân xong, người ta xây bờ gạch, đổ đất, san gạt. Công trình không thấy xây mà chỉ thấy cái biển rao bán. Nhiều công ty khác, nhà giàu khác muốn ra mặt đường làm ăn lại đăng ký mua. Đất dân bán được năm triệu một sào - vì lợi ích của dân thì nay người ta bán năm triệu một mét. Dân ngã ngửa người, sờ sững. Lợi dân đâu, giàu dân đâu, chỉ thấy một số người được chia chác, bỗng chốc thành tỉ phú. Dân không còn đất ruộng trồng rau, tra hạt, mà sự đổi đời, công việc cho con cái cũng chẳng có. Nạn thất nghiệp nổ ra. Làng Đà nhiều người đến hỏi trưởng thôn. Chỉ nhận được câu như: Trên đang có kế hoạch, bà con cứ từ từ đợi. Đợi đến bao giờ. Hỏi nhiều trưởng thôn tức bảo không biết, đi chỗ khác mà hỏi. Còn câu: Vậy sao mua đất của dân rẻ mà bán đắt? Trả lời: Bà con đồng ý bán giá ấy chứ. Còn chuyện bán được bao nhiêu là việc của người ta. Cáu tiết, bà con kéo nhau đến hỏi tội trưởng thôn. Đất đá, phân trâu ném vù vù, không thương tiếc. Trưởng thôn bị thương, đêm đến phải nhanh chóng sơ tán, chuyển nơi khác, cửa đóng im ỉm.

Cả nhà trưởng thôn ra nước ngoài sống. Thủ tục làm từ lâu. Không ai làm gì được trưởng thôn. Trước pháp luật ông ta không phạm pháp, chỉ có tội hứa hão với dân làng. Kiếm được một khoản, hoặc là sẽ chuyển đi nơi khác sống sung sướng cả đời, ra nước ngoài còn gì bằng. Chỉ tội cho Cuội anh, theo trưởng thôn làm chỉ được vài tháng lương, không đáng. Khi đi không ai nói gì, cả Mơ nữa. Tình yêu đâu mà xa nhau không nói với nhau một lời. Cuội anh đau khổ điên cuồng. Cơn bão thứ hai trút xuống, Cuội anh ốm xiêu vẹo, da xanh tái, cân giảm nhanh. Lại nghêu ngao hát, nghe đắng đót nao lòng. Cuội anh từ đó làm thơ, thơ vãi nắng chiều, thơ treo cành cây, thơ khăm khẳm nồng nồng mùi phân trâu, lênh láng nước đồng chiêm. Thơ Cuội anh não nuột những đêm trăng sáng...

“Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Nhìn người yêu dấu chạy ra nước ngoài...”.

Cuội anh ngấm thêm một mùa tình đau xót. Anh vay tiền quỹ tín dụng, vay anh em họ hàng, bán thêm con nghé lớn, mua chiếc công nông chở hàng thuê. Ai thuê chở gì thì làm, kể cả đất đá, cát sỏi... Lại nữa, Cuội anh còn đầu tư xây phòng Karaoke, mua máy hát xịn, loa xịn về phục vụ đối tượng thanh niên yêu hát, kiếm khối tiền. Cuội anh thích hát nhạc Trịnh. Lời buồn mênh mang.

Cuội em phải đi bộ đội. Nhà có hai con trai, Cuội anh đã không đi, Cuội em mấy lần ông Hợi xin được, nay không thể đừng. Cuội em đi, tôi gói lời tình vào chiếc khăn tay, thêu hoa hồng và đôi chim bồ câu hôn nhau, có hàng chữ “Em đợi anh, yêu anh mãi”. Ngậm ngùi ở lại ngậm ngùi đi. Cuội em ôm tôi thật chặt, hôn thật dài. Cuội em đi, độ hai tháng thư về cho Cuội anh: “Anh, em đi xa, anh ở nhà thi thoảng ghé qua nhà Sao động viên giúp, cô ấy là con gái. Trong làng, khối thằng thích. Hãy trông cô ấy giúp em
anh nhé”.

Cuội anh chìa lá thư ra, có cả lá thư của tôi. Chữ Cuội em vẫn tròn trịa, nắn nót đẹp như thế. Tôi mời Cuội anh ngồi xuống ghế. Rót nước. Cuội anh nói:

- Sao vẫn đẹp quá!

Tôi quay mặt đi, sợ chạm phải ánh mắt sắc lạnh của Cuội anh.

Nhận sự “giao phó” của Cuội em là trông nom tôi, thi thoảng Cuội anh đến nói chuyện, kể về những ngày thơ ấu. Đó là chuỗi ngày hồn nhiên, thú vị và đẹp đẽ. Có lúc Cuội anh im lặng không nói, tôi thấy bẽ bàng làm sao! Không thể tiếp diễn cảnh này mãi. Tôi đứng lên, quay ra vườn đứng thì Cuội anh cất lời hát, bài Diễm xưa thê lương trong mưa “Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động. Làm sao em biết bia đá không đau...”. Tôi không muốn nghe mà giai điệu cứ rót vào lòng. Hát xong, Cuội anh hỏi:

- Tôi phải làm gì thì Sao mới đồng ý?

- Không - Tôi lắc đầu - em đã thuộc về Cuội em rồi, em yêu anh ấy và anh ấy yêu em.

Ngừng một lát, Cuội anh lại nói:

- Tôi sẽ làm tất cả vì em. Tôi có thể làm được nhiều thứ. Không phải tôi lợi dụng em tôi đi bộ đội, nhưng tình yêu vốn ích kỷ. Ngay cả khi đi với Mơ con trưởng thôn, tôi vẫn luôn nghĩ về Sao.

Tôi thở dài héo hắt.

- Cuội anh cũng chung tình vậy sao. Chỉ tiếc...

- Hóa ra Sao khinh tôi, tưởng tôi là kẻ chóng chán mau quên. Đừng nghĩ thế, tôi không chỉ là một thằng Cuội. Lòng dạ tôi không phải cỏ rác. Đừng tưởng gọi là Cuội thì tôi là cuội, tôi cũng là người.

Cuội anh về, lòng tôi trĩu nặng một nỗi niềm khó tả. Biết bao giờ Cuội em về, và có thể tôi sẽ đồng ý cưới luôn Cuội em, yên vị cuộc đời để Cuội anh khỏi ngóng chờ.

Nhưng Cuội em không thể về. Cơn bão đã cuốn mất xác Cuội em trong chuyến đoàn ra biển tham gia văn nghệ với lính đảo. Cuội em hát hay nên được bầu vào đội văn nghệ. Ông Hợi bà Hợi nghe tin như người mất hồn, khóc cạn nước mắt. Cuội anh như người không có hồn. Tấm ảnh trên ban thờ, Cuội em trẻ quá, nụ cười còn đọng mãi trên môi. Tôi nhìn lên, tự bảo nén mà nước mắt ưa ứa. Cuội anh khóc thành tiếng, thê thảm. Bà Hợi chốc chốc lại ôm lấy tấm áo con: “Con ơi khổ thân con quá, chết mà cũng không được gần cha mẹ...”.

Thời gian sau, nỗi đau vơi theo dòng nước sông Thu ven nhà. Cuội anh đến tìm tôi trong một đêm trăng. Cuội anh rủ tôi ra bờ sông ngồi nói chuyện. Thì ra, ra xem bảo gì. Trăng ngụp trong dòng nước cạn. Cuội anh nói:

- Tôi rất đau lòng vì cái chết của em tôi. Cả em nữa, em cũng rất đau khổ. Nhưng chúng ta phải vươn lên thôi.

Tôi đã muốn chôn nỗi đau đó vào lòng, nay nghe Cuội anh nhắc lại, muốn khóc. Nước mắt tôi cứ thế trào. Cuội anh lấy ống tay áo mình định lau, tôi giật ra.

- Sao, không biết em nghĩ gì về tôi. Em tôi dù sao cũng chết rồi. Tôi... tôi sẽ chăm sóc cho Sao.

- Không, Cuội anh ơi. Em xin lỗi, em không hợp với anh đâu. Em sẽ không yêu anh. Anh hãy quên em đi. Hãy đi tìm một người con gái khác, anh đã...

Cuội anh lấy tay che miệng tôi.

- Không, đời này anh chỉ yêu em thôi. Sao, anh sẽ làm tất cả vì em. Anh sẽ chạy công nông, cho thuê phòng Karaoke, thuê phông bạt, bát đĩa ngày cưới, sẽ nuôi trâu, cày ruộng để em được sung sướng.

Cuội anh luồn tay ôm ngang bụng, đòi úp miệng vào miệng tôi. Tôi giật ra, định cho Cuội anh một cái tát, nghĩ thế không đành. Cuội anh yêu thật lòng. Mặt mũi tôi bừng nóng, đẩy Cuội anh ra.

- Đừng làm thế anh, em không xứng.

Cuội anh gắt:

- Không xứng không xứng, phải thế nào là xứng. Anh biết hoàn cảnh của em. Sao ơi nồi nào úp vung nấy.

Tôi bỏ đi, hóa ra Cuội anh chả coi tôi ra gì. “Nồi nào úp vung nấy”, hóa ra tôi... Lòng tự ái sôi lên, tự bảo sẽ không gặp Cuội anh nữa.

Tôi lấy chồng theo sự sắp xếp của mẹ. Chưa yêu người ta được, cứ sống với nhau rồi sẽ yêu. Nhà người ta giàu, mày sẽ có điều kiện giúp được ba đứa em gái mày ăn học. Mẹ tôi nói thế, năn nỉ, tôi nuốt nước mắt vâng theo. Nhà người ấy ở bên kia sông. Nghe tin tôi sắp lấy chồng, Cuội anh đòi gặp tôi bằng được. Vừa nói vừa khóc:

- Sao ơi, anh không ngờ... không ngờ - Giọng Cuội nghẹn ngào - không ngờ em tham giàu. Em chê anh nghèo nên không đồng ý anh. Hãy nghĩ lại đi Sao ơi, nếu em muốn giàu anh sẽ làm giàu, rồi đón mẹ em, các em em về sống cùng.

- Anh về đi, không phải thế. Về đi, đừng gặp em nữa. Em đã là vợ người ta rồi.

Cuội anh bước đi, tôi quay mặt, nước mắt rơi lã chã. Không đau sao được, Cuội anh ơi, anh là người chung tình.

Sau ngày cưới tôi, có người nói Cuội anh làm những t 9cf rò gì ở bãi sông, lạ lắm, như một kẻ điên. Sau đó hắn ngồi thất thần dưới gốc cây đa cạnh nghĩa trang. Lại hát: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa...”.

Được một năm, về làng Đà vẫn thấy Cuội anh đau buồn, đờ đẫn, vẫn ngồi gốc cây đa, thả cho trâu gặm cỏ rồi hát. Cả nhạc Trịnh, nào Hạ trắng, Diễm xưa... Lựa ngày đến thăm Cuội anh, khuyên nhủ. Cuội anh cố như không có sự đau đớn nào.

- Cô đừng về đây lên lớp tôi. Hãy về với chồng của cô đi. Tôi không sao đâu, tôi sống tốt.

- Nhưng anh đừng vậy nữa. Anh hãy lấy vợ đi, đừng chán nản như người ta vẫn nói.

- Tôi không chán nản. Tôi đang yêu và tôi sẽ làm tất cả vì cô ấy. Tôi sẽ cho cô và mọi người thấy rằng tôi không phải là một thằng cuội. Tôi là người. Vợ tôi sẽ sung sướng vì tôi.

Cuội anh ra phố, quyết tâm làm giàu để lấy vợ. Dàn Karaoke gác lại, công nông mang ra ngoại thành thị xã, có lúc dùng đến. Đứng chặn đường đi, tôi muốn nói với Cuội anh lời nữa:

- Em xin lỗi anh, em đã không thể chấp nhận tình cảm của anh... Còn đây là ít tiền, anh cầm theo xem có phải chi tiêu gì. Em mong anh sẽ thành công.

Cuội anh gạt tay tôi ra:

- Tôi đếch thèm tiền của cô. Đừng tưởng không có cô tôi sẽ chết. Quên thằng Cuội này đi. Tôi không còn là Cuội nữa. Tránh ra.

Chiếc công nông vẫn nổ phành phành. Cuội kéo dây ga, công nông kềnh càng bò lên rồi chạy, vừa chạy vừa thở xem ra rất khó khăn. Tôi đứng lặng, trời chiều buông chùng chình nắng nhạt. Ai đó lại tung lên trời những
cánh chim.../

                       

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86938


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận