Có người mang lễ tới núi Bích Khê. Ông quản bến Thuận Thuận quả nhiên nhờ người làm mối đến nhà ông quản đò hỏi vợ cho con trai. Ông quản đò luống cuống đưa người ấy qua suối rồi cùng lên nhà. Thúy Thúy đang bóc đỗ ở trước cửa, thấy khách đến cũng không chú ý. Nhưng vừa thấy khách vào cửa đã chúc mừng thì biết có chuyện rồi, không dám ngồi trước cửa nữa. Em giả vờ đuổi gà vào vườn rau, cầm sào tre có lắp lục lạc rung lên, mồm khe khẽ suỳ, chạy ra chỗ tháp trắng đằng sau nhà.
Nói vài câu chuyện phiếm xong, khách đi vào đề chính, chuyển lời của ông Thuận Thuận. Ông quản đò không biết đáp ra sao, hai bàn tay to bè đầy chai cứ bối rối xoắn vào nhau, vẻ mặt dường như muốn nói: “Tuyệt đấy, khéo đấy!”, nhưng thực ra ông không hề nói như thế.
Khách thưa chuyện xong, hỏi ý kiến ông quản đò ra sao. Ông gật đầu cười:
- Cậu Cả Thiên Bảo muốn đi đường xe, như thế là hay lắm. Nhưng tôi còn phải hỏi Thúy Thúy, xem nó định như thế nào.
Sau khi khách ra về, ông quản đò đứng trên đầu đò, gọi Thúy Thúy xuống nói chuyện.
Thúy Thúy mang mẹt đỗ đi xuống bến, lên đò, nũng nịu hỏi:
- Ông ơi, chuyện gì thế hả ông?
Ông già cười, không nói gì, chỉ nhìn cháu, nhìn thật lâu. Thúy Thúy ngồi xuống đầu đò, cúi đầu bóc đỗ, tai lắng nghe tiếng chim hót trong rừng tre xa xa. Em nghĩ: “Ngày dài thật, chuyện của ông chắc cũng dài.” Tim em đập rộn lên.
Một lúc sau ông ngoại mới nói:
- Thúy Thúy, Thúy Thúy, vừa nãy người ấy đến làm gì, cháu có biết không?
- Cháu không biết! - Nói xong, em đỏ bừng cả mặt, cả cổ.
Ông ngoại nhìn cháu và hiểu ra tâm sự của Thúy Thúy. Ông đưa mắt dõi nhìn phía xa và trong làn sương mù như nhìn thấy mẹ Thúy Thúy mười lăm năm về trước. Lòng dịu hẳn, ông già khe khẽ tự nhủ: “Con thuyền nào cũng cần một cái bến, con chim nào cũng cần một cái tổ.” Ông nhớ tới những việc trước kia của người mẹ trẻ đáng thương, trong lòng có nỗi đau không nói ra được nhưng ông vẫn gượng cười.
Còn Thúy Thúy thì sao? Từ tiếng chim vàng, chim đỗ quyên hót ríu rít trong núi và trong tiếng chặt tre sạt sạt của người chặt tre, em nghĩ đến rất nhiều chuyện. Câu chuyện hổ ăn thịt người, bài dân ca gồm bốn câu một để chửi nhau, những hố vuông ở phường làm giấy, nước thép chảy ra trong lò nấu thép, tất cả những gì nghe thấy, nhìn thấy, em đều ôn lại. Sở dĩ em làm như thế là để mong quên hết một việc trước mắt, nhưng em đã lầm. Ông ngoại nói:
- Thúy Thúy, ông quản bến Thuận Thuận có nhờ người làm mối cho cậu Cả Thiên Bảo, xin cháu về làm dâu, hỏi ông có bằng lòng không. Còn ông thì già rồi, vài ba năm nữa cũng đi thôi. Ông chẳng có việc gì không bằng lòng, nhưng đây là việc của cháu, cháu phải tự nghĩ và tự nói ra. Bằng lòng thì việc thành, mà không bằng lòng cũng chẳng sao.
Thúy Thúy đã hiểu ra. Người ta đến làm mối cho cậu Cả. Em không ngẩng đầu lên, tim đập thình thình, mặt đỏ bừng nhưng vẫn bóc đỗ, thuận tay còn vứt vỏ đỗ xuống suối. Nhìn chúng thong thả trôi theo nước, lòng em cũng đỡ bối rối rất nhiều.
Thấy cháu gái mãi không lên tiếng, ông ngoại liền cười, bảo cháu:
- Thúy Thúy, cháu cứ nghĩ mấy ngày cũng không sao. Cầu Lạc Dương không phải trong một tối mà xây nên được, phải có thời gian. Lần trước Thiên Bảo đến đã nói với ông về chuyện này và ông đã bảo anh ta, xe có đường xe, ngựa có đường ngựa. Nếu muốn cha làm chủ, nhờ người làm mối đến thưa chuyện, đó là đường của xe. Còn nếu muốn mình là chủ thì hãy đứng trong rừng tre trên đầu núi đối diện với suối mà hát cho cháu nghe trong ba năm sáu tháng, đó là đường của ngựa. Nếu cháu thích đi đường của ngựa thì ông tin chắc người ta sẽ vì cháu đứng dưới nắng mà hát những bài thật nhiệt tình, sẽ đứng dưới ánh trăng mà hát những bài thật thắm thiết, hát đến khi nào thổ huyết, nát cổ họng mới thôi.
Thúy Thúy vẫn im lặng. Em chỉ muốn khóc thầm nhưng không có lý do để khóc. Ông ngoại tiếp tục nói, dẫn ra cả người mẹ đã qua đời của em. Nói một hồi rồi ông im. Em lặng lẽ ngoái đầu lại, thấy nước mắt đã đọng trong mắt ông. Em vừa kinh ngạc vừa sợ, rụt rè hỏi:
- Ông ơi, ông làm sao thế?
Ông ngoại không nói gì, đưa mu bàn tay lên chùi mắt rồi cười khà khà như trẻ con, nhảy lên bờ về nhà.
Thúy Thúy định đuổi theo ông nhưng rồi lại thôi.
Trời hửng sau mưa, nắng đã chiếu ran rát lên vai, lên lưng. Lau lách và thủy dương liễu bên bờ suối, rau trong vườn đều tươi tốt, xanh um, mang theo chút sinh khí hoang dại. Châu chấu xanh nhảy trong bụi cỏ, cánh đập không khí kêu rào rào. Tiếng ve non trên đầu cành đã bắt đầu rền vang. Màu xanh biếc hai bên núi phả vào rừng tre, trong đó có tiếng chim vàng, sẻ trúc và đỗ quyên ríu rít. Thúy Thúy ngắm nhìn, lắng nghe, cảm nhận và suy nghĩ: “Ông năm nay đã bảy mươi tuổi... Hát trong ba năm sáu tháng. Ai cho con vịt trắng thế nhỉ? Vận tốt được cối xay nước, cối xay nước được người nào mới là vận may?”. Đang ngẩn ngơ suy nghĩ bỗng em đứng vụt dậy, nửa mẹt đỗ đổ ngay xuống suối. Em đang thò tay vớt cái mẹt dưới suối lên thì bờ bên kia có người gọi đò.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !