Tản văn 21 Phiến diện chút thôi Thứ cảm xúc thiêng liêng của yêu thương
đôi lúc lại bị phân tâm và chia chắt quá
nhiều bởi những ham muốn đời thường.
Hôm nọ, tôi đọc được một mẩu truyện cười đâu đó trên mạng. Đại khái bảo rằng có ba cô nàng cùng yêu say đắm một chàng trai, thế nên chàng trai chẳng biết chọn ai để đừng phụ tấm chân tình. Anh bèn đưa cho mỗi người một khoản tiền rất lớn để xem các cô xử trí thế nào. Cô đầu tiên dùng hết số tiền để mua sắm ăn diện cho bản thân lộng lẫy nhất và nói: “Em muốn mình phải thật hoàn hảo để làm anh hãnh diện!”. Cô thứ hai lại mang toàn bộ tài khoản đi mua sắm từ quần áo, giày ví, xe cộ... cho chàng trai và nói: “Lúc nào em cũng nghĩ đến anh và muốn chăm lo cho anh được tốt nhất”. Cô thứ ba đầu tư tất cả vào việc mở hẳn công ty, kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần ban đầu và bảo: “Em luôn nghĩ cho tương lai của chúng ta, nên em sẽ chu toàn mọi việc vì hạnh phúc lâu dài”...
Và cuối cùng, bạn biết chàng trai chọn cô gái nào không?
Anh ta chọn cô gái có bộ ngực to nhất!
Hết chuyện!
Vâng, câu chuyện cười này kết thúc khá đoản hậu nhưng lại rất sâu cay và buồn thay, khá đúng với chuyện đời, chuyện người.
Nó còn được biến thể thành phiên bản “Ba chàng trai cùng yêu một cô gái”, và sau khi chứng kiến các chàng làm đủ chuyện cho mình thì cô gái đã không do dự chọn ngay anh chàng... có bụng 6 múi!
Đại khái thế!
Chúng ta được lớn lên trong một xã hội nhồi nhét vào tư tưởng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “cái nết đánh chết cái đẹp”... nhưng cuối cùng tư tưởng của phần “người” không đua nổi với si mê của phần “con”. Nước sơn phủ tốt nhìn vẫn bắt mắt bán đắt dù gỗ tàn gỗ mục, và cái đẹp đè bẹp cái nết đã trở thành một lẽ nghiễm nhiên.
Thế nên mới có chuyện những mối quan hệ tưởng chừng vừa vặn khắng khít lại chẳng đi đến đâu. Trai khen gái rằng ở bên cạnh em khiến anh cảm thấy được là chính mình nhất, rằng em sâu sắc chừng mực, nhẹ nhàng vừa phải, tinh tế đúng lúc, vụng dại đúng nơi... Ôi chao thì rằng thế nọ thì rằng thế kia. Nhưng trai và gái ấy sẽ chẳng bao giờ vượt qua cái mức tình bạn ý hợp tâm đầu, tri kỷ tri âm, tương giao gắn kết hầm bà lằng nhưng không bao giờ chạm đến ngưỡng tình yêu.
Vì
thiếu một cái gì đó.
Mà lý do giản đơn chắc chỉ là
Nhan Sắc [tức ngực to hoặc bụng 6 múi, như câu chuyện cười đã đề cập ở trên].
Đại khái thế!
Tình yêu, dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng chỉ phiến diện lựa chọn dựa vào nhan sắc.
Người yêu, dĩ nhiên, không phải được chúng ta đong đếm số đo độ nảy ba vòng, độ cao của mũi, độ chúm chím của môi, độ chẻ của cằm, độ sâu của lúm đồng tiền và vô số cái độ lồi lõm cứng mềm gì nữa mà có mời cả viện học giả Toán học ra đo cũng không hết.
Nhưng, éo le thay, thứ cảm xúc thiêng liêng của yêu thương đôi lúc lại bị phân tâm và chia chắt quá nhiều bởi những ham muốn đời thường.
Cũng phải thôi, đời thường thì ai cũng cần-phải -sống và trải qua mỗi ngày, còn yêu thương thì họa hoằn khó dò, đâu ai mang ra cân đếm định lượng nhiều-ít, nồng-nhạt? Chưa cần biết tình yêu của bạn chân thành bao nhiêu, chỉ cần thấy đi cùng mình là một-nhan-sắc, tự khắc bạn đủ thấy yên lòng và mãn nguyện với thứ được-gọi-là yêu thương ấy.
Bởi lẽ ở một chừng mực nào đó, tình yêu của tuổi trưởng thành đã cạn đi ít nhiều sự trong lành và thật thà để cưu mang nhau bằng những cảm xúc ngây thơ non nớt của lần đầu. Thay vào đó, người ta cần cảm giác được bảo bọc, được trù bị bằng nhiều thứ trang sức lấp lánh lóa mắt, khoác lên che đậy một sự thật rằng họ hoàn toàn bất an nếu không có thứ phù phiếm mang tên Nhan Sắc vây quanh xun xoe họ.
Đại khái thế!
Tôi không có ý phán xét bất kỳ ai, hoặc cười cợt cho lựa chọn “trang sức” mà mỗi người chúng ta đang mang trên tay, trên cổ, hoặc thậm chí, trên tim!
Chỉ là, tôi nghĩ chẳng ra, nếu lựa chọn cuối cùng vẫn là nhan sắc, thì ngay từ đầu, hà cớ gì chúng ta phải đi một con đường vòng qua quá nhiều chia sẻ, lắng nghe... để cố thấu hiểu về tâm hồn đối diện? Nhịp đập khẽ khàng nơi góc khuất trái tim người này cũng đâu bằng một nụ cười tỏa nắng của nhan sắc người kia?
Hay là vì để góp phần dạy cho chúng ta hiểu được bài học thực tiễn của câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Cái nết đánh chết cái đẹp” chỉ là thứ lý thuyết xám xịt trên trang giấy.
Đại khái thế!