Trong ống nghe giọng Adam sao mà xa lạ, hai chân tôi khuỵu xuống.
“Xin chào, Adam đây, Judyta đó phải không?”
“Em đây!” Tôi nói nhỏ vào ống nghe, tim tôi như đậu trên vai, chẳng khác gì con vẹt đã thuần hóa của nhà Manka.
Như vậy không phải tôi đã mất tất cả. Anh về hôm qua, đúng ngày ghi trong vé khứ hồi, và anh đã gọi điện thoại, gọi ngay lập tức, phải chăng tất cả những gì anh gặp ở bên Mỹ trong mấy tháng qua, những điều đã khiến anh viết bức thư tàn nhẫn nọ giờ đây không còn quan trọng nữa? Liệu tôi có sẵn sàng tha thứ hay không? Làm gì có chuyện anh gọi điện chỉ để hỏi han không nhằm mục đích gì. Bây giờ tôi không phải im lặng nữa, chúng tôi sẽ nói chuyện, sẽ thanh minh với nhau tất cả.
“Cho nên anh gọi điện ngay.” Tôi chỉ nghe lờ mờ đoạn cuối câu nói của anh.
“Em rất mừng là anh đã về, em đã rất nhớ anh. Adam ơi, chuyện gì đã xảy ra không quan trọng nữa. Chúng mình hãy gặp nhau, trò chuyện với nhau như hai người lớn. Không có gì không thể đảo ngược, nếu chúng ta yêu nhau thì mọi điều đều có thể tha thứ và cảm thông, em rất mừng là anh...” Tôi định nói một tràng như trong phim truyền hình nhiều tập của Mỹ, nhưng không được.
Ống nghe áp mạnh vào tai tôi, đến nỗi thiếu chút nữa là tôi đánh mất chút lý trí còn lại. Tôi thở sâu.
“Em mừng là anh đã về.” Tôi nói.
“Anh vừa hỏi em, liệu ngày mai anh có thể đến lấy chiếc máy khoan và máy tính của anh được không. Thứ Tư anh đi làm và…”
Đến lấy máy tính và máy khoan. Thì ra là thế.
“Tất nhiên, được thôi, lúc nào thấy tiện anh cứ đến.”
“Ngày mai, nếu em cho phép. Mấy giờ em đi làm về?”
“Em không làm việc ở cơ quan, người ta sa thải em rồi, giờ em làm việc ở nhà. Anh có thể đến bất kỳ lúc nào anh muốn, em muốn gặp anh càng sớm càng tốt. Thậm chí vào lúc sáu giờ sáng cũng được, em sẽ đợi anh với cốc cà phê pha sẵn cho anh và cốc trà cho em.” Tôi định nói như vậy.
“Nếu thuận tiện cho anh, lúc nào em cũng ở nhà.” Tôi nói vào ống nghe.
“Vậy thì, nếu em cho phép, anh sẽ đến vào khoảng bốn giờ chiều.”
“Được thôi.” Tôi nói và thấy bực mình.
“Thế thì ổn.” Người yêu của tôi nói. Không, không phải người yêu của tôi nữa rồi. Giờ anh chỉ là Xanh Lơ. Giọng anh nhạt nhẽo, không chút xúc cảm. “Thôi, chào em.”
“Chào anh.” Tôi đáp.
Tôi đặt ống nghe xuống và không muốn nhớ đến cái giọng nói kia nữa. Nếu em cho phép - một mẫu câu lịch sự và câu nệ như trong giờ ngôn ngữ.
Con Borys nằm dưới chân tôi. Nó thở nặng nhọc. Hôm qua tôi lại bế nó ra vườn, hai chân sau của nó gần như bại liệt hoàn toàn, khi đi nó phải lết. Hôm nay nó không đứng dậy nổi. Manka bảo nó đã đến ngày tận số. Tôi cảm thấy nó mệt mỏi.
Tôi quỳ xuống thảm bên cạnh con chó và đặt bàn tay lên cái đầu bạc lông của nó. Tôi vuốt ve và ôm chặt lấy cái đầu xù lông. Borys mở mắt nhìn tôi, hai mắt đen như hai chiếc khuy vẫn tươi tỉnh, vẫn tình cảm, và còn gì đó nữa mà tôi không muốn nhìn thấy. Chưa đâu, Borys, mi hãy gắng lên, ta yêu mi nhiều lắm. Tôi vuốt ve con chó, tôi vuốt ve nó nhiều đến nỗi hai con mèo tiến lại chỗ chúng tôi và con Zaraz ghen tị rúc rúc cái đầu bạc trắng của nó bên dưới tay tôi.
Chẳng mấy chốc nữa tôi sẽ chỉ còn lại một mình, tôi biết. Ngày mai hoặc ngày kia, hoặc ba ngày nữa tôi phải quyết định. Tôi cúi đầu xuống nhìn con Borys, nó hất mõm sang chỗ khác, không bao giờ nó thích tôi hà hơi vào mũi nó, tôi bèn hôn vào tai nó. Tai nó phẩy phẩy, ra bộ phủi cái hôn của tôi. “Bà chủ của tôi ơi, xin bà đừng làm như vậy, xin đừng hà hơi và cù vào tai tôi, hãy để cho tôi yên, tôi là một con chó già đang ốm”.
Tôi đứng dậy, con Zaraz giơ chân ra. Ôi, chỉ tại Tosia mà tôi có con mèo độc nhất vô nhị trên thế gian này. Hễ đòi ăn là Zaraz giơ chân ra, chính Tosia dạy nó làm như vậy. Tôi đi vào phòng bếp, lôi hộp thức ăn cho mèo ra và múc ba thìa to đổ vào đĩa. Con Borys nghe thấy tiếng kêu lẻng xẻng nhưng nó không vùng dậy được, không thể lại ra đứng ở cửa bếp để chờ, không cố giả vờ nhầm lẫn giữa đĩa ăn của mèo và chó. Tôi cố tình chạm mạnh thìa vào hộp sắt, nhưng cửa bếp vẫn trống không.
Rồi sau đó tôi khóc giàn giụa. Tôi khóc cho tôi và khóc con Borys. Bởi lẽ ra buổi chào đón Adam phải khác cơ. Tôi khóc vì anh không muốn cho tôi ra sân bay đón anh. Tôi khóc vì tôi lại phải bế con Borys đi chơi. Vì nó không mò đến mỗi khi nghe thấy tiếng kêu của hộp sắt đựng thức ăn cho mèo. Tôi khóc vì đời tôi sao mà khốn khổ, sao mà nghiệt ngã thế. Tôi luôn luôn đơn độc một mình vào những thời khắc bi đát nhất và sinh linh duy nhất thương yêu tôi, bất luận tôi đê tiện hay tôi tuyệt vời, tôi xinh đẹp hay tiều tụy, đang nằm bẹp trên tấm thảm trong căn phòng, không còn sức để đi lại. Và tôi còn phải chịu trách nhiệm trước quyết định nên để nó sống hay chết.
Ngày mai Adam đến. Suy đi nghĩ lại tôi rút ra kết luận, sự kiêu căng không phải là người tư vấn tốt nhất. Tôi sẽ đề nghị anh đến, ngay cả khi anh không thích. Anh sẽ không thể từ chối nói chuyện với tôi. Tôi sẽ ăn mặc và trang điểm thật đẹp. Tôi bôi kem dưới mắt, lọ kem tôi được Agnieszka tặng hôm lễ Giáng sinh. Tôi đắp bã chè vào mắt, vì mắt tôi sưng vù và đỏ lựng. Nhưng tại tôi không có loại chè đựng trong túi giấy cho nên bã chè dính cả vào mi mắt. Tôi phải trang điểm thật đẹp để anh nghĩ, bất chấp những gì anh đã gây ra, tôi vẫn xinh đẹp nhường này. Tôi mặc chiếc váy anh thích, trang điểm rất công phu. Vì đây là ngày hội. Anh đã về.
* * *
Tôi bực mình ngay từ sáng sớm. Nhà cửa dọn dẹp tinh tươm, tôi định làm việc, nhưng không tài nào nhìn được vào màn hình vi tính, các con chữ chạy như điên trước mắt tôi. Hôm nay tôi sẽ không thể trả lời thấu tình đạt lý cho bất kỳ bạn đọc nào. Tôi bèn chơi một trò chơi vớ vẩn, rồi bật radio, mở nhạc của Elton John. Sau đó tôi vào trong bếp ngồi, gọi điện cho Manka, cô ta bảo sẽ đến bất kỳ lúc nào khi tôi có quyết định. Tôi đặt con Borys lên giường, cho nó nằm ở chỗ nó thích, rồi tôi châm thuốc hút. Sau cùng tôi gọi điện cho mẹ.
“Có gì không hả con gái?” Mẹ hỏi, nhưng tôi không dám nói là Adam đã về nước.
“Mọi chuyện ổn cả, mẹ ạ!” Tôi nói.
“Chủ nhật này mẹ và bố sẽ đi nhà hát, con có thích đi xem cùng bố mẹ không?
“Con rất thích.” Tôi nói, mặc dù tôi chẳng thích đi đến bất kỳ nhà hát nào, vào bất kỳ ngày Chủ nhật nào. Tôi chỉ muốn Adam tỉnh táo trở lại để anh nhớ rằng anh đã yêu tôi.
“Mẹ đưa máy cho bố nói chuyện với con nhé.” Mẹ nói.
“Bố phải không ạ?”
“Có chuyện gì vậy hả con?” Bố tôi, do khác biệt tuổi tác, nhạy cảm hơn mẹ tôi nhiều.
“Không có chuyện gì đâu bố ạ!” Tôi nói.
“Bố đang nghe đây cơ mà!” Ông cụ quyết không chịu thua.
“Bố ơi, chẳng có gì đâu, con Borys càng ngày càng nguy kịch.” Tôi nghẹn lời.
“Con đừng có hành hạ con chó, bố mà ở hoàn cảnh con...” Bố tôi lại thuyết giáo, còn tôi chỉ muốn khóc, cho nên tôi kết thúc luôn cuộc trò chuyện.
* * *
Đang trưa. Đến bốn giờ chiều vẫn còn ba tiếng đồng hồ nữa. Tôi phải làm gì trong ba giờ đồng hồ này đây? Trong ba giờ đồng hồ người ta có thể sinh một đứa con, có thể cứu thế, có thể đọc hoặc viết, có thể nướng ba cân thịt bê hoặc ba cân thịt gà tây. Cứu thế tôi không thích, nướng thịt cũng vậy. Tôi chỉ thích mau mau đến bốn giờ chiều mà thôi. Hôm nay hai giờ chiều Tosia về nhà. Tôi lôi nồi thịt viên cuốn bắp cải trong tủ đông lạnh ra, đặt lên bếp và đun nhỏ lửa.
Mắt tôi lộ vẻ mệt mỏi, nhưng tôi đã uốn tóc bằng lược tròn của Tosia, nên nom tôi chẳng đến nỗi nào. Tôi gầy đi. Tôi đâu có cần như vậy. Thế giới không có đàn ông thì sẽ như thế nào nhỉ? Có lẽ lúc đó sẽ chỉ toàn đàn bà ăn sung mặc sướng, người to đùng.
Tôi không thích mình là người ăn sung mặc sướng đâu, tôi chỉ thích được ở bên Adam thôi.
Tiếng chuông gọi cổng làm tôi tỉnh cả người. Hãy còn sớm quá! Bà Stasia đang từ cổng đi vào, đặt chiếc xe đạp bên nhà kho. Thật là may, tôi không đơn độc trong lúc này. Tôi hớn hở mở cửa, tại ngưỡng cửa bà Stasia đưa trứng cho tôi. Không có sữa tươi nữa rồi, con bò sữa cuối cùng đã gục.
“Bà Stasia, bà vào nhà đi, cháu sẽ pha trà mời bà.”
Bà Stasia nở nụ cười dịu dàng nhất trần đời, đoạn ngồi lên mép ghế ở trong phòng bếp.
“Trà thì thôi... Nhưng chị Judyta ơi, tôi muốn hút…”
Tôi ngạc nhiên tột độ.
“Bà không hút thuốc cơ mà?”
“Không, nhưng hôm nay tôi bị đau lưng. Từ sáng sớm tôi khom lưng cuốc đất ngoài vườn, có lẽ việc này không dành cho tuổi tôi nữa rồi.”
Tôi đưa gạt tàn và thuốc lá. Tôi rất thích nghe bà Stasia nói chuyện. Ngôn ngữ của bà đầy ắp sự sống. Chẳng ai còn nhớ những từ ngữ mộc mạc mà bà Stasia hay dùng từ đâu ra, nhưng quả thực, ngôn ngữ của bà chân thực nhất trong cái thế giới đầy rẫy những ngôn từ khó hiểu này.
“Hôm nay chị có tiệc tùng gì à?” Bà Stasia cười, để ý thấy tôi ăn mặc đẹp.
“Cháu hy vọng là vậy.” Tôi nói.
Tosia chạy vào nhà, liếc mắt nhìn tôi rồi quăng chiếc túi, đoạn nó lao thẳng lên tầng.
“Tosia! Trông nồi thịt viên cuốn bắp cải cho mẹ!” Tôi hét to theo nó.
Một lúc sau tôi nghe thấy tiếng chân con gái đi xuống dưới nhà.
“Bốn giờ chiều nay bố sẽ đến đón con đó!”
“Con đã biết, bốn giờ Adam sẽ đến rồi còn gì!” Tôi phát bực mình, đến nỗi bữa cơm sắp ăn cùng với Tosia bỗng không còn khiến tôi thích thú. “Có phải con cố tình làm như vậy không?”
“Sao cơ? Con sẽ trượt thi tốt nghiệp chỉ vì chú Adam đến nhà mình hay sao? Sao mẹ lại có thể gặp lại người ta sau những gì người ta đã làm đối với mẹ? Mẹ chẳng có chút tự trọng nào cả.” Con gái ruột của tôi nói. “Năm giờ chiều con phải vào thành phố đi học thêm và thật tuyệt vời là bố sẽ đến đón con! Chắc mẹ ghen tị với con vì con có người chăm sóc!” Tosia gạt đĩa thịt viên cuốn bắp cải ra, đoạn đứng dậy khỏi bàn. “Mẹ không thấy hết những gì bố đang làm cho con.”
Tôi ngồi lại một mình trong bếp với hai đĩa thịt viên cuốn bắp cải còn nguyên. Tôi không muốn cãi nhau với Tosia. Những vấn đề của một đứa con có bố mẹ ly dị ập vào đầu tôi. Cơn bực tức chậm rãi dịch chuyển từ dạ dày lên thanh quản tôi. Chỉ còn thiếu nước tôi khóc thét lên vì đứa con gái của mình. Nhưng không, lúc này mặt tôi đang đầy son phấn. Không!
Con Zaraz nhảy tót lên bàn, gí mõm sát vào đĩa. Nó thở phì phì, tôi không cần phải đuổi con mèo, nó quay đầu ngay vì không thích món này, rồi nó nhảy xuống ghế. Con Potem ngồi ngoan ngoãn dưới chân bàn liếm mép. Tôi đổ hai đĩa thịt viên cuốn bắp cải trở lại vào nồi.
Hôm nay tôi phải giải quyết việc quan trọng nhất đời mình: Nói chuyện với Adam. Cho nên cả Tosia lẫn gã đang ở với Jola không được cản trở tôi. Bốn giờ kém mười tôi nghe chuông gọi cổng, tôi giật nẩy người. Tôi lao ra khỏi phòng tắm. Nhưng Tosia ra cầm máy bộ đàm trước tôi. Cựu Chồng đến.
“Bố ơi, con ra ngay đây!” Tosia hô to, còn tôi đi ra ngoài cổng. Đúng là tôi không phải tiếp anh ta ở trong nhà, kể cả trong trường hợp ngôi nhà này có là của con gái tôi chăng nữa. Anh ta có thể đợi con gái ở trước cổng. Tôi trùm áo khoác lên người, Cựu Chồng đứng ngoài vườn, mỉm cười với tôi.
“Judyta, hôm nay nom em xinh đáo để.”
Tôi chìa tay cho gã, gã nắm chặt tay tôi một hồi lâu.
Và Adam bắt gặp chúng tôi đang làm như vậy.
Tôi đã không nghe thấy gì cả, Cựu Chồng không tắt máy ô tô. Gã đinh ninh ở đây không ai bực mình ra đập xe ô tô của gã. Adam đứng giữa cổng mở toang và nhìn tôi. Thấy anh tôi mỉm cười, rút mạnh tay ra khỏi tay Cựu Chồng và lao thẳng ra phía anh.
Tôi cảm thấy hai mắt mình đau nhức, vì ngần ấy tháng trời tôi không nhìn thấy anh, đó là lý do duy nhất. Tôi thấy anh đứng đó, nom anh hơi khang khác sau chuyến đi Mỹ. Anh có vẻ buồn? Tôi thấy anh không mỉm cười khi thấy tôi xinh đẹp như thế nào. Tôi cảm nhận mình đang chết héo đi, niềm vui mừng của tôi đang bỏ chạy, còn nỗi lo mà tôi đã phải chống chọi bấy lâu đang thắng thế. Dừng lại trước mặt Adam, tôi đứng trơ như khúc gỗ. Tôi những mong anh ôm chầm lấy tôi, nhưng mà không, anh không hề nhúc nhích. Mới có mấy tháng trời mà anh thay đổi nhiều đến thế hay sao? Có thực vậy không?
“Xin chào!” Adam nói, tựa hồ anh đến để lấy đồ hoặc vào cửa hàng, hoặc vào cơ quan làm việc, hoặc đến nhận chứng minh thư, hay hộ chiếu và anh miễn cưỡng chìa tay cho tôi.
“Chào anh!” Gã ở với Jola đi về phía chúng tôi và cũng chìa tay ra.
“Chào chú Adam!” Tosia đứng sững lại, lần đầu tiên trong đời con bé đỏ mặt. Hai người đập tay vào nhau như mọi khi, nhưng nom có vẻ miễn cưỡng. Tosia nắm lấy tay bố. “Đã đến lúc ta phải đi rồi.” Nó nói, đoạn hai bố con kéo nhau đi.
Tôi còn lại một mình. Adam không nhìn tôi, mà nhìn vào cửa nhà.
“Thế nào, anh có thể vào chứ?”
“Xin mời!” Tôi nói. Cứ như tôi đang nhận thư bảo đảm của nhân viên bưu điện vậy.
Adam đi về phía ngôi nhà, tôi bước theo sau như một con bê đang bị dắt đi mổ thịt.
“Anh uống trà nhé?”
Tôi không dám nhìn vào mắt anh. Tôi chẳng biết anh phản ứng ra sao. Tôi không muốn thấy cái nhìn lạnh nhạt, lẩn tránh của anh. Tôi đi vào bếp đặt ấm đun nước.
“Cám ơn, nhưng anh đang vội.”
Con Borys ngẩng đầu lên, nó đứng dậy, gắng sức đi lại chỗ Adam, nó phe phẩy cái đuôi cụp. Adam vỗ nhẹ vào đầu nó. Borys ngẩng đầu nhìn theo chúng tôi. Hai chúng tôi đi vào phòng, Adam né người, cúi xuống rút phích cắm máy tính rồi quấn dây lại. Anh không thèm nhìn tôi, không mảy may quan tâm thấy tôi hôm nay đẹp như thế nào. Anh đang bứt đứt mọi mối liên hệ giữa chúng tôi. Cùng lúc sự sống và niềm vui mừng cũng trốn chạy khỏi tôi. Tôi vào bếp lấy chìa khóa và giấy tờ. Quần áo lôi từ trong tủ ra vứt trên giường, anh bê các thứ ra xe ô tô, phải đi ra đi vào mấy lần.
“Còn chiếc máy khoan nữa.” Anh nói nhỏ.
Tôi mở tủ, lôi ra chiếc máy khoan từ dưới chồng áo len và đặt lên giường. Như vậy là anh không quên thứ gì cả, đã lấy hết mọi thứ, toàn bộ đồ đạc. Anh phải đi ra đi vào tới bốn lần, chiếc ô tô đã được đưa ra ngoài, nhà tôi không còn bất kỳ dấu vết gì của Adam nữa rồi. Và xem ra anh cũng chẳng hề muốn trò chuyện với tôi.
Anh ôm chiếc màn hình vi tính, tôi tận tình giữ cánh cửa, tim tôi như chảy máu, nhưng anh không nhìn thấy. Tôi đứng bên hõm tường mà nghẹn lời.
Adam Xanh Lơ, anh làm cái trò gì vậy hả? Tại sao anh không còn yêu em?
“Chào em!” Adam nói. “Anh phải đi đây.”
Anh với tay cầm chiếc máy khoan và đặt lên trên máy tính. Khi đã nâng màn hình máy tính lên rồi, anh nhìn xung quanh tựa hồ còn quên cái gì đó mà không thèm nhìn tôi.
Anh quên mất em rồi! Tôi định kêu lên, nhưng lẽ dĩ nhiên tôi không làm như vậy.
“Tam biệt!” Tôi nói và nhìn theo dáng anh đi ra cổng rồi ngồi vào xe ô tô. Tôi đóng cổng, đi vào bếp, cắn vào hai bàn tay mình đau điếng.
* * *
Buổi tối Ula sang nhà tôi.
“Hôm nay mình nhìn thấy Adam.” Bạn tôi nói và đợi xem tôi phản ứng ra sao.
“Tớ cũng vậy.” Tôi chỉ muốn bỏ đi pha trà.
“Cậu đã trò chuyện với anh ấy phải không?” Ula hỏi.
“Tớ muốn ở một mình!” Tôi quát to lên trong đầu. “Tớ muốn ở một mình, lúc nào tớ cũng chỉ một mình mà thôi. Chẳng khi nào tớ được thuận buồm xuôi gió. Đời tớ chẳng bao giờ được yên. Tớ không muốn nói chuyện với cậu lúc này đâu. Vì tớ sắp la lên tuyệt vọng, còn cậu sẽ bảo tớ, được chung sống với người đàn ông duy nhất thật là tuyệt vời làm sao, và Cựu Chồng mới tuyệt vời làm sao. Tớ không thích nghe như vậy đâu! Cuộc đời của cậu đâu phải là cuộc đời của tớ!”
Tôi mở mắt và nhìn gương mặt chân tình của Ula.
“Tớ muốn ngồi một mình!” Tôi nói nhỏ. “Ula ơi, cậu tha thứ cho tớ đi, tớ cảm thấy không đủ sức để nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả với cậu. Tớ phải...” Và tôi nghe, giọng mình đứt đoạn. “... Tớ phải suy tính xem làm gì bây giờ đây. Sống thế nào đây? Tớ phải... thông cảm... tại sao...”
Ula không ra về, mà ngược lại, đi ngang qua chỗ tôi ngồi, cô bạn vào bếp, đặt ấm nước.
“Tớ sẽ pha trà cho cậu!” Bạn tôi nói. “Đừng buồn phiền nữa, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy...”
“Sẽ đâu vào đấy ư?” Bỗng nhiên nỗi buồn của tôi biến thành sự ngạc nhiên. Chuyện gì sẽ đâu vào đấy? Tôi không còn như xưa nữa. Bây giờ tôi phải học cách sống không có anh ấy. Tôi chẳng thể nói gì hơn. Tôi không thể giải thích cho Ula, mất người mình đã yêu bằng cả trái tim, người mình đã gửi trọn lòng tin, có nghĩa là gì. Chẳng thể đòi hỏi Ula cảm nhận cái tôi cảm nhận. Ula không thể hiểu nổi điều này. Cho nên tôi phải ngồi một mình. “Ula, tớ xin cậu đấy!”
Ula quay lưng và nhắc lại, hoàn toàn không cần thiết:
“Judyta, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, rồi cậu sẽ thấy. Tosia đang sung sướng rồi, và cả cậu nữa cũng sẽ như vậy, cậu sẽ hiểu, cái gì là quan trọng nhất đối với cậu.”
Ula ra về, tôi cho hai con mèo vào nhà, rồi lấy trong tủ nửa viên thuốc ngủ của bà dì để lại. Tôi nằm vật ra giường và ngủ thiếp. Thậm chí tôi chẳng biết Tosia về lúc nào.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!