15
Trước đây, chuyện con này kêu tiếng con kia làm bà Đỏ chột dạ bao nhiêu thì bây giờ chuyện con gà kêu chiêm chiếp, con heo kêu ủn ỉn, con chó sủa gâu gâu hay kêu ăng ẳng lại khiến bà lo lắng bấy nhiêu.
- Nguy to rồi con à. - Bà trút nỗi niềm lên thằng Cu - Đã ba ngày nay, bầy gà lại kêu tiếng gà, lũ chó sủa tiếng chó…
Thằng Cu tặc lưỡi:
- Có lẽ chúng thèm kêu tiếng mẹ đẻ. Giống như người Việt đi xa, suốt ngày nói tiếng Anh, đến một lúc thèm nói tiếng Việt vậy mà.
- Thế… thế bao giờ chúng mới… nói tiếng Anh trở lại?
Bà Đỏ nhìn thằng con bằng ánh mắt kỳ vọng như nhìn chiếc phao cứu sinh, vì quá thấp thỏm bà không nhận ra sự hoạt kê trong thắc mắc của mình.
Vẫn với phong cách xưa nay, thằng Cu trả lời tỉnh bơ như thể nó biết hết mọi thứ:
- Nửa tháng nữa.
Bà Đỏ không biết thằng con bà căn cứ vào đâu để đưa ra thời hạn nửa tháng, nhưng nếu không tin nó bà cũng chẳng biết tin ai và tin vào điều gì trong thời khắc nước sôi lửa bỏng này.
Khách tham quan đã bắt đầu phản ứng khi bỏ tiền mua vé chỉ để vào xem gà kêu như gà, chó sủa như chó, heo ụt ịt như heo.
- Lũ gà này kêu như mấy con gà nhà tôi chứ khác gì đâu!
- Con cún nào mà chẳng sủa gâu gâu!
- Ủn ỉn như lũ heo nhà này thì ngay cả con bé giúp việc nhà tôi cũng làm được!
Các nhà báo lại ùn ùn kéo tới để một lần nữa ngạc nhiên, lần này theo hướng ngược lại, rồi tiu nghỉu ra về.
Bà Đỏ ngày nào lo ngay ngáy vì sự khác thường của các con vật nuôi, bây giờ lại nơm nớp khi heo trở lại là heo, chó tìm về tiếng chó, gà hiện nguyên hình là gà.
Những tấm panô tràn ngập hình ảnh kèm theo những câu quảng cáo đầy thu hút cắm chi chít dọc lối đi từ đường liên tỉnh vào nhà bà Đỏ đã được hấp tấp tháo xuống.
Đường làng vắng người đi, cỏ bắt đầu um tùm, thậm chí vài nách lá chúm chím ra hoa.
Kho bạc xã, huyện, tỉnh thưa dần tiếng đóng mở.
Ông thuế vụ bữa trước hăng hái lên án sự lộn xộn của lũ súc vật hôm nay chỉ cầu cho gia súc và gia cầm ê a lẫn lộn để ngành thuế có thể ngước mặt nhìn đời.
Ông động vật hoang dã tập hợp các nhà động vật học, sinh học, các bác sĩ thú y, vào phút chót có thêm sự hiện diện của các nhà ngôn ngữ học và tâm lý học, tất cả các bậc trí thức lỗi lạc đó ở lì trong vườn nhà bà Đỏ suốt ba ngày liền để quan sát, nghiên cứu, khám xét, đo đạc, chuẩn đoán, mân mê, vầy vò các con vật, nói chung là quay cuồng các con vật theo đủ kiểu, chỉ thiếu mỗi chuyện lộn trái từng con, nhằm tìm hiểu xem tại sao những con vật tầm thường vào một ngày thình lình trở nên phi thường rồi vào một ngày khác lại đột ngột trở lại tầm thường.
Và tất nhiên, điều duy nhất mà họ gặt hái được là sự bất lực của con người trước lẽ huyền diệu của tự nhiên - một nỗi đau mang màu sắc triết học đã có từ thời Aristote.
Ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư dĩ nhiên bám sát ông động vật hoang dã từng phút một để rốt cuộc, cùng chia sẻ với ông này vẻ mặt mà người ta chỉ đeo vào ngày người yêu đi lấy chồng (hoặc lấy vợ).
Chỉ có bà y tế và ông an ninh kín đáo thở phào, cảm giác của người vừa bịt được cái lỗ khóa qua đó người khác có thể nhòm thấy sự bất an ngổn ngang trong lòng mình.
Ông chủ tịch tỉnh, bị tình thương con điều khiển, đã bối rối theo cách của một người cha. Ông viện đủ thứ lý do công vụ lẫn cá nhân để trì hoãn việc thằng con đến ngắm nhìn các con vật “ngộ quá” mà trước đây ông vẫn đưa thằng bé đi thăm ba lần một tuần.
Ông sợ thằng bé sẽ thất vọng, sau đó là buồn bã nhớ nhung, trước khi sợ các cán bộ tham mưu của ông đòi ông phải đứng về một phía trong hai phía - như xưa nay vẫn thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào hay trước bất cứ sự kiện gì.
Trong những ngày đó, ngập trong lo lắng, ông ăn ít đi, ngủ ít đi, tối đi ngủ thường quên cởi vớ, đặc biệt thường quên cài nút áo khi ra khỏi nhà và cái đầu hói và nhọn của ông dần dần hói hơn và nhọn hơn, đã rất giống đỉnh núi Phú Sĩ bên xứ Phù Tang.
16
Ở nhà bà Đỏ, hũ gạo trong góc bếp chập chờn đi qua thời hoàng kim, đã bắt đầu vơi dần.
Cũng như ông chủ tịch, bà ăn ít và ngủ ít. Thời gian còn lại, bà dành cho cầu nguyện.
Thằng Cu không còn nhận lương của bà nhưng rất may vẫn chí thú chăm sóc các con vật và cây cối trong vườn - lúc này vẫn toòng teng những dây nhợ xanh xanh đỏ đỏ nhưng điện đóm đã thôi chớp nháy vì kinh phí bị cắt giảm thẳng tay.
Giống như bà mẹ người, các bà mẹ heo bà mẹ chó bà mẹ gà thất vọng cùng cực trước tình trạng thực phẩm teo tóp dần trong các máng ăn.
Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện lần đầu tiên trong đời làm cái chuyện mà họ không nghĩ có lúc họ sẽ làm là hợp sức lại để rủa xả con cái, chỉ vì chúng không làm cái chuyện mà mới đây họ cảm thấy hết sức bực mình là phát ra những âm thanh bát nháo khiến bà mẹ này cứ tóm nhầm con của bà mẹ kia.
Chỉ có lũ nhóc là khoái tỉ.
Lũ chíp hôi hớn hở:
- Dạo này tụi em đánh một giấc thẳng cánh từ đêm tới sáng, không mộng mị lô thôi. Thật là tuyệt vời!
Con gà Cánh Cụt nức nở trả bài, đầu nghiêng một bên, nghênh nghênh theo kiểu học trò giỏi:
- Em suốt ngày lọ mọ bắt giun để học cách làm một con gà tử tế!
Thằng Mõm Ngắn đang ghếch một chân lên gốc chuối đái tồ tồ, sợ mất phần liền quay ngoắt mình lại khiến nước đái bắn cả vào đuôi, láu táu gâu gâu:
- Các bác gà trống hàng xóm gần đây đã thôi gáy loạn...
Lọ Nồi sung sướng triết lý:
- Chúng ta đã đổi thực phẩm lấy hòa bình...
Đuôi Xoăn không chịu kém anh mình, nó thuổng một câu châm ngôn từng nghe loáng thoáng đâu đó:
- Con người ta, ờ cả tụi mình nữa, ăn để sống chứ không phải sống để ăn...
Tiếng ve kêu râm ran trên các tàng cây như phụ họa với sự tưng bừng của bọn nhóc. Mùa hè vẫn đang vắt qua khu vườn nhưng những ngày này thời tiết đã dịu hơn.
Thằng Cu suốt ngày lang thang ngoài vườn, quét tước chuồng trại và chăm chỉ tưới cây tỉa lá vừa mong ngóng lũ nhóc cung Song Tử chán tiếng mẹ đẻ.
Nhiều buổi trưa, nó ngồi dựa lưng vào vách chuồng heo, đưa mắt ngắm các con vật nuôi đùa giỡn trong không gian yên tĩnh, lòng nhớ tiếc những ngày khách khứa nhộn nhịp, nhớ nhất những tờ giấy bạc mẹ nó nhét vào túi nó một cách hào phóng.
Trưa nay cũng thế, nó ngồi nhìn các con vật tụ tập quanh gốc chuối, chiêm chiếp, ụt ịt, gâu gâu ầm ĩ, không rõ lũ nhóc nói gì nhưng cái cảnh con nào kêu tiếng con nấy gieo vào lòng nó một nỗi buồn sâu thẳm.
- Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!
Nó buông một câu rất giống câu thơ của thi sĩ Thế Lữ trong bài Nhớ rừng mặc dù có thể đoán chắc nó chưa từng gặp Thế Lữ, thậm chí không biết Thế Lữ là ai - nhà thơ, bác sĩ nha khoa hay thợ lái máy kéo.
17
Thằng Cu buồn. Bà Đỏ buồn.
Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện buồn.
Ông thuế vụ, ông động vật hoang dã, ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư cũng buồn.
Ông chủ tịch tỉnh tất nhiên cũng buồn vì thằng con ông đang buồn.
Bọn heo con chó con gà con không biết chúng gieo buồn cho cả thế giới.
Rất may là cuối cùng, thằng Lọ Nồi, con heo thông minh nhất trong những con heo thông minh, nghịch ngợm nhất trong những con heo nghịch ngợm, nhận ra chính nó cũng buồn nẫu ruột.
Từ ngày loài nào quay trở lại tiếng kêu của loài nấy, cuộc sống đã thôi xáo trộn nhưng lại chẳng có gì vui.
Khi sự bình yên mọc lên trong khu vườn trại, nỗi chán chường cũng réo rắt đâm chồi trong lòng chú heo tinh nghịch.
Suốt ngày Lọ Nồi đi tới đi lui giữa vạt đậu bắp và vồng cải xanh, chui rúc dưới giàn su su và giàn đậu que chỉ để thở vắn than dài và cuối cùng rúc mình vào gốc chuối nằm sầu muộn nhìn đời qua kẽ lá.
Đuôi Xoăn tò tò đi theo anh, ngạc nhiên thấy anh buồn nhưng không dám hỏi. Sau lưng thằng Đuôi Xoăn, ngoài cái đuôi ngắn và xoăn tít của nó là tên đệ tử tò mò Mõm Ngắn.
Thằng cún con bám theo hai sư phụ để xem ra có học được trò quậy phá gì mới chăng, vì ngay cả nó cũng bắt đầu thấy lòng bỗng dưng trống trải.
Đó là nói các vật nuôi.
Về phía con người, bà Đỏ và thằng Cu cũng không rời mắt khỏi bọn nhóc lấy một phút.
Bà Đỏ cắp rổ vào nách vờ hái đậu que ở cạnh hàng rào, thằng Cu lui cui ra vẻ đang nhổ cỏ chỗ vạt đậu bắp, thực ra chỉ để kín đáo quan sát bọn chó con heo con gà con, chờ mong đến thắt ruột ngày chó quên tiếng chó, gà quên tiếng gà...
Điều kỳ diệu xảy ra vào sáng ngày thứ mười bốn, sớm một ngày so với dự đoán của thằng Cu.
Thằng Lọ Nồi lúc đó đang nằm chỗ gốc chuối khuất nắng quen thuộc, vạt đất ẩm ướt với nhiều lá mục và cỏ héo dưới lưng giúp nó cảm thấy dễ chịu lại vừa nhấn chìm nó vào sự êm ái tịch mịch và buồn chán. Nó cảm thấy cuộc sống dường như không trôi nữa, giống như một cuốn sách đang đọc nửa chừng bỗng không lật trang được nữa và cuộc đời nó đang bị mắc kẹt ở trang bốn mươi sáu hay bốn mươi tám nào đó - là cái trang tẻ nhạt vô bờ bến, không có lấy một tình tiết gì hấp dẫn, giống như một trang độn của các nhà văn láu cá.
Đuôi Xoăn lặng lẽ theo dõi anh mình mấy hôm nay, tự nhiên cảm thấy ngứa miệng:
- Làm gì buồn thiu vậy anh?
Lọ Nồi đột ngột phát cáu trước thắc mắc của thằng Đuôi Xoăn. Em nó chỉ hỏi thôi, nhưng đang ở trong tâm trạng buồn bực, nó cảm thấy câu hỏi như một chiếc dùi nhọn đâm vào lòng nó - lại đâm ngay vào chỗ dễ tổn thương nhất.
Lọ Nồi bật dậy trên bốn chân, gầm lên:
- Un un gô - gô un un...
Thằng Lọ Nồi giận quá, nó xả một tràng tiếng heo lẫn tiếng chó, hoàn toàn không kiểm soát được mình, cứ như thể súng liên thanh bị cướp cò. Và vì cơn giận đã làm nó cóng lưỡi nên chuỗi âm thanh gắt gỏng của nó rốt cuộc chẳng ra thứ tiếng gì hết. Giống như nó đang báo động với ngôn ngữ và xem đó là một cách trút bực bội.
Thằng Đuôi Xoăn nhảy lùi một bước, tròn mắt nhìn sững anh nó, giọng phân vân:
- Anh kêu tiếng gì vậy? Trò chơi mới à?
Lọ Nồi không ngờ thằng Đuôi Xoăn lại hỏi như vậy. Có một cái gì đó đâm chồi trong đầu nó sau câu hỏi hồn nhiên của thằng em. Nó ngập ngừng một thoáng rồi gật đầu, cơn giận vô cớ bay biến đâu mất:
- Ờ... ờ... tao vừa nghĩ ra trò mới...
Từ sau lưng Đuôi Xoăn, thằng Mõm Ngắn lật đật thò đầu ra, mặt mày hí hửng:
- Trò này hay quá, thầy chỉ em đi! “Un un” gì hả thầy?
- Un un gô. - Đuôi Xoăn nhanh nhẩu đáp lời tên đệ tử.
- Un un gô. - Mõm Ngắn sung sướng nhắc lại, nhưng rồi nó nghệt ra, giơ chân trước lên gãi tai - Rồi tiếp theo là gì ạ?
- Là gì à? Đuôi Xoăn khụt khịt chiếc mũi màu hồng, bối rối quay sang thằng Lọ Nồi - Gì nữa hở anh?
Lọ Nồi nhìn lên tàu lá chuối, đôi mắt nheo nheo cho biết nó đang nhớ lại vất vả như thế nào:
- Ờ... ờ...
Nó liếm mép:
- Tao nhớ rồi. Nó là thế này... Un un gô - gô un un...
Thằng Đuôi Xoăn cười tít mắt:
- Đúng rồi. Un un gô - gô un un...
Tới lượt thằng Mõm Ngắn lặp lại tràng âm thanh đó một cách phấn khích. Bất chợt, nó vểnh tai tròn mắt nhìn sư phụ nó:
- Câu đó có nghĩa gì vậy, thầy?
Dĩ nhiên thằng Lọ Nồi có xới tung các nếp nhăn trong vỏ não cũng chẳng tìm ra ý nghĩa của tràng tiếng kêu ngẫu hứng đó.
Trong khi nó đang loay hoay, bà Đỏ đã tiến đến bên thằng con, ngạc nhiên hỏi:
- Tụi nó mắc chứng gì mà kêu lung tung thế con? “Un un gô - gô un un”... là gì thế?
Thằng Cu tỉnh bơ:
- Mẹ ơi, câu đó có nghĩa là “Chào buổi sáng”.
- Tiếng Anh à?
- Không. Đây là một thứ ngôn ngữ mới...
Lọ Nồi hất đầu về phía Đuôi Xoăn và Mõm Ngắn, hãnh diện:
- Tụi mày nghe cậu chủ nói gì chưa?
- Dạ nghe, thưa thầy. - Mõm Ngắn lại giơ chân trước gãi tai, lần này là vì hạnh phúc - “Un un gô - gô un un” là “Chào buổi sáng”.
18
Kể từ hôm đó, mỗi ngày thằng Lọ Nồi sáng tạo ra một tràng tiếng kêu mới, pha trộn giữa tiếng chó, tiếng heo, tiếng gà, tất cả được nhào nặn, chế biến và quậy tưng để thành một thứ âm thanh chưa từng có trên đời, nói tóm lại là nghe rất giống một thứ lẩu thập cẩm ăn bằng tai.
Thằng Cu bám sát tụi nhóc để đón bắt từng phát minh mới của Lọ Nồi, trong khi bà Đỏ bám sát thằng con để nghe nó dịch thứ ngôn ngữ quái chiêu đó ra lời ăn tiếng nói hằng ngày - tất nhiên là theo cách mà nó chợt nghĩ ra.
Lọ Nồi là một con heo tinh khôn, các bạn cũng biết rồi đó. Từ lúc mớ hổ lốn “Un un gô - gô un un” tình cờ trở thành “Chào buổi sáng” cực kỳ lịch sự, Lọ Nồi hiểu rằng điều nó cần nhất trong lúc này là sự đồng lõa của cậu chủ tinh nghịch. Nó cần một người nhiệt tình bơm ý nghĩa cho những âm thanh vô nghĩa phát ra từ cổ họng của mình. Đó là lý do chỉ khi nào có thằng Cu lảng vảng gần đó, Lọ Nồi mới khoe tài.
Chỉ trong vòng một tuần, khu vườn trại nhà bà Đỏ đã rất giống một trung tâm thực hành ngoại ngữ.
Thằng Cu, thiên tài trẻ con loài người, đã phiên dịch thứ ngôn ngữ bí hiểm của các thiên tài trẻ con loài vật thành những mẫu câu thông dụng mà bây giờ bà Đỏ đã thuộc lòng:
• Un un gô - gô un un. = Chào buổi sáng.
• Chiếp un un? = Anh có khỏe không?
• Un un - chiếp un un? = Tôi khỏe. Còn anh?
• Un un. = Khỏe ạ.
• Un gô gô. = Chúc ngủ ngon.
• Ăng gô gô. = Chúc một ngày tốt lành.
• Chiếp chiếp gô. = Cảm ơn.
• .........
• .........
• .........
Bọn heo con chó con gà con, do thủ lĩnh Lọ Nồi dẫn dắt, sung sướng ứng dụng những mẫu câu đó vào sinh hoạt hằng ngày để thấy cuộc sống một lần nữa được tắm trong những niềm vui thơ trẻ.
Bây giờ, cứ sáng ra gặp nhau là bọn nhóc “Un un gô - gô un un” “Chiếp un un?” ... loạn cả lên.
Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện sau một thời gian nhìn bọn trẻ bằng ánh mắt cảnh giác cũng đã bắt đầu rụt rè chúc nhau “Un gô gô” khi màn đêm lững lờ buông xuống.
Một buổi sáng nọ, bà Đỏ bước ra vườn vào lúc trời tinh mơ để hít thở không khí trong lành sau một đêm thao thức vì tình trạng bấp bênh của hũ gạo trong góc bếp, đã bắt gặp thằng Lọ Nồi đang chí thú dũi mõm trong vườn cải.
Bà nhìn con heo con, dò xét, và ngập ngừng cất tiếng chào:
- Un un gô - gô un un.
Cái cây ngôn ngữ mà cả tuần nay bà vẫn sống trong bóng râm của nó chợt rụng lá trong trí nhớ khiến bà buột miệng như một đứa trẻ nghịch ngợm.
Bà chào con heo con như thể bà đang thử bay lên mặt trăng, không trông mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Nhưng khi thằng Lọ Nồi ngước nhìn bà, phập phồng chiếc mũi ướt và ứng tiếng đáp “Un un gô - gô un un” thì bà phải chống tay vào gốc mít cho khỏi ngã.
Bà ngẩn ngơ nhìn bộ mặt ngẩn ngơ của mình phản chiếu trong mắt con heo con, thấy ruột gan bỗng chốc trôi tuột đi.
Sau khi choàng tỉnh, bà thận trọng đảo mắt ra chung quanh và khi biết chắc không có ai lảng vảng gần đó, bà quay lại nhìn con heo con, hồi hộp mấp máy môi:
- Chiếp un un?
Trông bộ tịch của bà, có cảm tưởng bà đang đọc thần chú, người giàu tưởng tượng hoàn toàn có thể liên tưởng đến vẻ thấp thỏm của Ali Baba khi lầm rầm “Vừng ơi, mở ra” trước cửa hang bí mật.
Và mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, bà vẫn phải áp tay vào ngực khi nghe con heo con thản nhiên đáp:
- Un un - chiếp un un?
Bà ngây ngô đáp lại, như người mộng du:
- Un... un...
19
Bà Đỏ chạy vụt vào nhà.
Không thấy thằng con đâu, bà lại phóng ngược ra vườn.
So với tuổi của bà, không ai nghĩ bà có thể chạy nhanh đến vậy. Chân gần như không chạm đất, bà bay quanh vạt đậu bắp bốn vòng, lượn ngang vườn cải sáu vòng, cuối cùng chiếc hỏa tiễn trong hình dáng bà Đỏ đáp xuống chỗ gốc mít, nơi thằng con bà đang ngồi chơi với đám gà con.
- Con... con... nè... - Bà Đỏ nói, như hụt hơi.
Thằng Cu giương mắt nhìn mẹ thay cho câu hỏi.
Bà Đỏ lay vai thằng con, mặt vẫn còn tái mét:
- Con... con biết gì không? Mẹ vừa... vừa... nói chuyện với thằng Lọ Nồi.
Bà đưa tay vuốt ngực, vẫn còn phập phồng dưới lớp áo:
- Mẹ hỏi, và nó trả lời. Rồi nó hỏi, và mẹ trả lời...
Sau khi chắp nối câu chuyện đứt khúc của mẹ nó (vì những tiếng thở hổn hển xen ngang bất tận), thằng Cu toét miệng cười:
- Mẹ ơi! Con đã trò chuyện với tụi nó mấy hôm nay rồi.
Trước vẻ mặt ngẩn ra của mẹ nó, thằng Cu quay về phía lũ chíp hôi, vui vẻ “Ăng gô gô”:
- Chúc một ngày tốt lành!
Cả chục con gà con đồng loạt ngước mỏ lên ríu rít “Chiếp chiếp gô”:
- Cảm ơn!
Trong một phút, bà Đỏ cảm giác đầu óc mình biến thành một món thịt băm.
Ngay lúc đó bà Đỏ không biết bà sẽ còn thấy đầu mình kêu ong ong thêm nhiều lần nữa khi thằng Cu và lũ nhóc trong vườn tiếp tục cộng tác với nhau sáng chế thêm nhiều mẫu câu mới, đa dạng, phong phú, hoàn toàn có thể dùng để biên soạn một cuốn cẩm nang ngoại ngữ kiểu như Sổ tay hội thoại hằng ngày hay 500 câu thường dùng khi đi du lịch.
Bà Đỏ không ở trong số những người phụ nữ dễ xao lòng nhưng kể từ ngày bọn nhóc trong vườn bày những trò quỷ quái, bà đành phải cầu viện đến đức tin như một đồn lũy tinh thần để nương náu và để giúp bà không lăn ra xỉu khi thực tiễn cuộc sống đột ngột có những điều vượt xa những trải nghiệm thông thường.
Cho dù như vậy, khi thằng Cu đổ cám vào máng, nhìn lũ heo ngốn ngấu quét sạch thức ăn bằng những cú táp quá khích rồi hỏi “Ăn nữa không?” để nghe lũ heo con ngước mõm trả lời “Nữa”, tất nhiên bằng thứ ngôn ngữ pha trộn giữa “ăng ẳng”, “chiêm chiếp”, “gâu gâu” và “ủn ỉn”, bà vẫn kinh ngạc đến mức quên cả mình là ai, đang ở đâu.
Tất nhiên, từng ngày một, bà cũng học được cách làm quen với thực tiễn đó, thậm chí thấy thích thú khi trò chuyện được với đám vật nuôi.
Nếu trình bày theo sách hướng dẫn thực hành giao tiếp thì các cuộc trò chuyện đó diễn ra như thế này.
* Bài 1:
Bà Đỏ và thằng Mõm Ngắn:
- Con khỏe không?
- Cảm ơn bà. Con khỏe. Bà khỏe không?
- Cảm ơn con. Bà khỏe.
* Bài 2:
Bà Đỏ và lũ gà con:
- Tụi con đói không?
- Cảm ơn bà. Tụi con no rồi. Bà đói không?
- Cảm ơn. Bà cũng no rồi.
* Bài 3:
Bà Đỏ và lũ heo con:
- Chúc tụi con ngủ ngon.
- Cảm ơn bà. Chúc bà ngủ ngon.
20
Cuốn sổ tay hội thoại do thằng Cu và thằng Lọ Nồi hợp tác biên soạn ngày càng dày lên thì hũ gạo trong nhà bà Đỏ ngày càng xẹp xuống.
Mỗi lần đong gạo thổi cơm, bà Đỏ thường gặp nỗi băn khoăn trong lòng mình nhưng vì dạo này niềm vui được trò chuyện với các vật nuôi đang đứng cao hơn nỗi lo lắng về kinh tế nên bà vẫn chưa đặt mình vào tình trạng báo động.
Có đôi lúc bà nghĩ đến ông động vật hoang dã, ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư - những người đã ủng hộ bà ngay từ những ngày đầu đặt chân đến khu vườn trại nhưng ngay lập tức bà kịp nghĩ đến ông an ninh, người có vẻ không thiện cảm lắm với các con vật của bà, thế là ý định loan báo câu chuyện mới mẻ đến mọi người liền tắt ngóm.
Bằng trực giác, bà cảm thấy câu chuyện lần này khác xa câu chuyện lần trước. Hiển nhiên với hai mẹ con bà thì đây là một câu chuyện thần tiên, nhưng với cách suy nghĩ của ông an ninh thì việc con người con vật có thể chuyện trò, lại bằng thứ ngôn ngữ bí hiểm, điều đó có thể gây khó khăn cho mạng lưới kiểm soát, thậm chí nó còn làm rối bời cuộc đời ông.
Bà Đỏ cố giấu nhẹm mọi thứ, hằng ngày lén lút thưởng thức niềm vui được quây chặt giữa bốn hàng giậu.
Bí mật của bà chỉ bị phát hiện vào cái ngày bà đang trò chuyện với thằng Đuôi Xoăn ở dưới giàn su su bỗng nghe tiếng gọi khẽ từ bên ngoài hàng rào:
- Chị… chị…
Bà Đỏ giật bắn người, nhớn nhác quay mặt về phía tiếng gọi. Bà không giấu được vẻ hoảng hốt khi trông thấy bà Hai Nhành, không hiểu tại sao lại thò đầu ra giữa các đám lá vào đúng lúc này.
©S.T.E.N.T
Tất nhiên bà Hai Nhành không đủ bình tĩnh để nhận ra sự biến sắc của bà chủ nhà vì mặt bà trông còn khó coi hơn. Mắt trợn lên, gò má giần giật, miệng bà há to đến nỗi bà Đỏ có thể nhìn thấy rõ lưỡi gà trong cuống họng.
- Chị... chị... - bà hai Nhành tiếp tục cà lăm khi bà Đỏ tiến về phía hàng rào.
Bà Đỏ tất nhiên cũng cà lăm, mặc dù bà cố tin người hàng xóm chưa trông thấy gì:
- Chị... đi... đâu đây?
Bà Hai Nhành không nhìn vào bà Đỏ, đôi mắt thất thần tiếp tục dán chặt vào thằng Đuôi Xoăn đang sục sạo vạt đất chỗ giàn su su, lắp bắp:
- Chị vừa... vừa... trò chuyện với con heo kia à?
- Không, không! Làm gì có! - Bà Đỏ hấp tấp chối biến. Bà lắc đầu mạnh đến mức có cảm giác cái đầu sắp văng ra khỏi cổ.
- Có mà! - Bà Hai Nhành khăng khăng.
- Tôi đã bảo là không có.
Bà Đỏ bất ngờ lớn tiếng, giọng quyết liệt như thể bà đang cực lực phủ nhận đã lừa bán cho bà Hai Nhành một món hàng second - hand quá tệ.
Bà Hai Nhành không cãi nữa. Bà kéo tay bà Đỏ để hai bà có thể nhìn thẳng vào mắt nhau ở khoảng cách gần và từ bên kia hàng giậu, bà hạ giọng thì thào:
- Chị đừng lo. Tôi không nói với ai đâu. Chị nói thật với tôi đi.
Bà Hai Nhành nói như dỗ dành. Nhưng bà Đỏ nhất quyết không để mình bị mê hoặc.
- Nói thật chuyện gì? - Bà tiếp tục giả ngây, rất gần với cách bà đã dùng để đối phó với ba mẹ cách đây ba mươi năm khi bà cố giấu chuyện bà đã làm vỡ chiếc lọ hoa đặt trên đầu tủ.
- Chị đừng có dối tôi. - Giọng bà Hai Nhành vẫn du dương nhưng đã phảng phất đe dọa - Tôi đứng đây khá lâu, đã thấy chị và con heo con nói qua nói lại hàng buổi.
Bà Đỏ đánh hơi được nguy hiểm, nhưng lời phân bua vụng về của bà chi chít những lỗ hổng:
- Chỉ là nói chơi thôi mà.
Trông bà như người cố giấu một con bò đằng sau lưng nhưng sừng và đuôi bò lòi cả ra ngoài.
Chỉ đợi có vậy, bà Hai Nhành chồm sát hàng rào, giọng sung sướng:
- Nói chơi, tức là vẫn có nói, đúng không?
21
Hôm đó, bà Hai Nhành trở thành người thứ ba sau mẹ con bà Đỏ có khả năng trò chuyện với các vật nuôi.
Bà say sưa thực hành các bài tập ngôn ngữ bên vườn cà đến mức quên cả giờ giấc.
Nếu dạ dày không đột ngột bị đánh thức, bà sẵn sàng bỏ hết công chuyện để ở lì trong vườn nhà bà Đỏ đến tối mịt để trải nghiệm điều mà bà tin là thú vị nhất trong cuộc đời bà.
Trước khi ra về, bà một lần nữa trấn an bà Đỏ rằng không ai trên đời có khả năng giữ bí mật giỏi bằng mình và ngay ngày hôm sau, bà dắt ông Sáu Thơm đến bên ngoài hàng rào thập thò lén lút nhìn vô.
Bà Đỏ tất nhiên tin bà Hai Nhành, nhưng thằng con bà dù chỉ là thằng nhóc mười ba tuổi đã tỏ vẻ rất hiểu thế nào là phụ nữ. Nó không tin một người đàn bà có thể nhốt bí mật trong lòng mà không làm cho bí mật đó cựa quậy và cuối cùng mặc cho nó sổng ra.
Ngay khi bà Hai Nhành ra về, nó đã cùng thằng Lọ Nồi bổ sung vào từ điển một loạt từ mới:
- Có người rình.
- Ai thế?
- Bọn trộm.
- Các nhà báo.
- Bà Hai Nhành.
- Ông Sáu Thơm.
- Ông an ninh.
- ...
- ...
Đó là lý do bà Hai Nhành và ông Sáu Thơm suýt chút nữa ngã lăn ra đất khi cả hai vừa mon men đến bên hàng giậu đã nghe thằng Cu bất thần lên tiếng:
- Mời cô Hai và bác Sáu vào nhà chơi!
Cũng như bà Hai Nhành hôm qua, ông Sáu Thơm được thằng Cu chỉ vẽ tận tình thứ ngôn ngữ mới. Người nông dân chân lấm tay bùn này không phải được sinh ra để học ngoại ngữ: chắc chắn ông không thể nhét vào đầu bất cứ một từ tiếng Anh hay tiếng Ý nào và cũng không đủ dạn dĩ và tự tin để giao tiếp với người ngoại quốc. Nhưng trò chuyện với chó heo gà thì lại khác. Cũng như ông, những vật nuôi được sinh ra từ ruộng vườn và cho ruộng vườn nên khi trò chuyện với chúng, ông có cảm giác đang chào hỏi những người bạn thân.
Cho đến khi ra về thì ông Sáu Thơm đã nhớ được rất nhiều mẫu câu và ông nảy ra ý định ôn luyện thứ ngôn ngữ lạ lẫm nhưng vô cùng lý thú này bằng cách quay sang người bạn đồng hành, bập bẹ:
- Chiếp... un... un?
Bà Hai Nhành tròn mắt nhìn ông Sáu Thơm, ngơ ngác mất một lúc. Đến khi hiểu ra ông này định hỏi gì, bà lập tức tươi ngay nét mặt và hào hứng đáp trả:
- Un un. Chiếp un un?
Ông Sáu Thơm khoái quá:
- Un un.
Ông khoái đến mức sau khi lục lọi vốn ngoại ngữ vừa học được, không tìm thấy câu gì thích hợp, bèn nói đại:
- Un gô gô .
Mặc dù được ông Sáu Thơm chúc ngủ ngon ngay khi mặt trời còn lơ lửng trên ngọn tre, bà Hai Nhành vẫn vui vẻ “cảm ơn”:
- Chiếp chiếp gô.
22
Lần này được bà Đỏ dặn dò lỹ lưỡng, bà Hai Nhành quyết giữ kín câu chuyện kỳ lạ trong vườn. Hơn nữa, bây giờ bên cạnh bà đã có ông Sáu Thơm. Có thêm một người chia sẻ, bí mật trong lòng bà không còn gào thét nữa.
Khi gặp nhau trước cổng nhà hay trên đường làng, hai người tủm tỉm chào nhau và hỏi thăm sức khỏe bằng những tiếng “chiếp chiếp, gô gô, un un” là một thú vui mới, tao nhã và sành điệu.
Bà Đỏ và thằng con bà cũng nhanh chóng tham gia vào trò chơi này khi bất chợt đụng đầu bà Hai Nhành và ông Sáu Thơm dưới gốc đa đầu làng hay trong góc chợ, thấy hai người gật đầu rạng rỡ chào:
- Ăng gô gô!
Mẹ con bà Đỏ cũng chúc lại bọn họ một ngày tốt lành bằng mẫu câu toàn ủn ỉn gâu gâu đó.
Dĩ nhiên, cây kim ngôn ngữ giấu trong bọc đến một ngày cũng lòi ra. Người làng bắt đầu tò mò về những lời đối đáp kỳ lạ họ thỉnh thoảng nghe được giữa bà Hai Nhành, ông Sáu Thơm và mẹ con bà Đỏ.
Đến khi có năm người buổi sáng, bảy người buổi trưa và chín người buổi tối chặn đường để tìm hiểu cho bằng được bọn họ đã nói với nhau những gì, bà Đỏ buộc lòng phải giải thích cho những người hiếu kỳ ý nghĩa của thứ ngôn ngữ mà bà đang dùng. Đại khái lúc đó trông bà giống một giáo viên Anh ngữ đang giảng giải cho các học trò sơ cấp “Good morning” nghĩa là gì, “Thank you” ý tứ ra làm sao và sử dụng trong trường hợp nào. Về nguồn gốc bí ẩn của thứ ngôn ngữ này, hiển nhiên bà giấu biến và nói chung cũng chẳng ai thắc mắc.
Trong khi thứ ngôn ngữ do thằng Lọ Nồi sáng tạo đang lan ra khắp các ngõ ngách và có khả năng biến thành một ngôn ngữ thứ hai được sử dụng phổ biến bên cạnh tiếng mẹ đẻ thì một ngày nọ chú heo con nghịch ngợm tình cờ chui ra khỏi khu vườn qua một lỗ hổng ở chân rào.
Đó là một khoảnh khắc nằm giữa buổi sáng và buổi trưa, mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn tre và những quả su su còn ngái ngủ trên giàn. Trong khi lang thang trong nắng, thằng Lọ Nồi nhận ra ở cánh đồng bên ngoài có rất nhiều hoa đẹp và rất nhiều hương thơm.
Nó mê mải dạo chơi trên đồng cỏ, thích thú quay mõm về các hướng để hít thở mùi vị của lá, của cỏ, của hoa dại. Nó phóng những quãng ngắn, dừng lại, rồi phóng những quãng xa hơn - như những vận động viên tập môn chạy băng đồng.
Chỉ vài cú phóng như vậy, thằng Lọ Nồi đã đến sát hàng rào nhà hàng xóm.
Và trong khi đứng thở hồng hộc dưới bóng lá, nó bất chợt nhìn thấy nàng.
Chưa bao giờ nó thấy một nàng heo nào đẹp đến thế. Nàng trạc tuổi nó, toàn thân trắng hồng, rèm mi như tơ nõn mỗi khi nàng chớp mắt, đặc biệt cổ nàng đeo một chiếc nơ đỏ. Mỗi khi nàng thong thả cất bước bên kia hàng rào, trông nàng mới uyển chuyển làm sao. Chiếc nơ đỏ rung rung theo từng bước chân khiến Lọ Nồi ngẩn ngơ nhìn. Nó có cảm giác mỗi bước đi của nàng làm nở một bông hoa.
Lọ Nồi dùng mõm rứt một chiếc lá dâm bụt trên hàng giậu, xao xuyến nhai. Chỉ để trấn áp cảm giác hồi hộp - thứ cảm giác lần đầu tiên nó bắt gặp trong đời.
Nàng heo rời vạt rau tần để đi về phía hàng rào. Nàng thơ thẩn dạo chơi, không biết có một chàng heo đang lặng lẽ ngắm mình qua kẽ lá.
Lọ Nồi nghe rất rõ tiếng đập của trái tim trong ngực mình khi nàng sắp đi ngang qua chỗ nó.
Nó lúng túng nằm bẹp xuống cỏ, mượn hơi đất ẩm để làm dịu đi nỗi rộn ràng trong lòng mình.
- Đeo Nơ! Em ở đâu thế?
Lọ Nồi giật bắn mình khi tiếng một cô gái thình lình vẳng tới, suýt chút nữa nó đã bỏ chạy.
Nó cựa quậy vai và hông, cố dán mình sâu hơn vào trong cỏ.
- Nàng tên là Đeo Nơ! - Lọ Nồi thì thầm với chính mình - Cái tên đẹp quá! Có lẽ không có cái tên nào xứng đáng hơn với nàng.
Nằm yên một lát, không thấy bóng người nào xuất hiện, Lọ Nồi dần trấn tĩnh. Nó khẽ nhỏm người dậy trên bốn chân, rón rén thò đầu qua hàng rào, đảo mắt tìm kiếm.
Vẫn chẳng có ai trong vườn.
Chỉ nàng Đeo Nơ đang tròn mắt ra nhìn nó. Trông mặt nàng như thể nó là chú heo đến từ hành tinh khác.
- Ối! - Đeo Nơ ngạc nhiên kêu lên.
Lọ Nồi không ngờ Đeo Nơ đứng ngay sau hàng giậu, lại đang quay mặt về phía mình.
Bất ngờ quá, nó cũng nghệt mặt ra nhìn nàng, bụng dạ rối bời. Ở khoảng cách gần, đôi má nàng hồng như tráng men, hông nàng thon thả như được gió và ánh sáng vuốt dài ra, nom nàng duyên dáng như vừa bước ra từ một bức tranh mùa xuân.
Phải mất đến một phút, Lọ Nồi mới tìm lại được tiếng nói. Nó hít vào một hơi, cố tỏ ra là một chú heo dễ thương và lịch sự:
- Un un gô - gô un un!
Nàng nhìn sững nó, ngỡ ngàng:
- Bạn nói tiếng gì thế?
- À không, tôi muốn gửi lời chào buổi sáng. - Lọ Nồi lúng túng đáp, muốn đưa chân trước lên bẹo tai mình một cái quá nhưng không dám.
- Bạn từ đâu đến đây?
- Tôi ở khu vườn đằng kia.
Lọ Nồi ngoái cổ ra sau, định chỉ cho Đeo Nơ chỗ ở của mình nhưng chợt nhớ nàng đang đứng khuất sau hàng giậu nó đành bỏ ý định đó.
- Tên bạn đẹp quá! - Lọ Nồi tấm tắc, vì hồn nhiên hơn là can đảm.
- Cô chủ đặt cho mình đó. - Đeo Nơ bẽn lẽn đáp, rồi nó hỏi, rất nhanh, như để khỏa lấp sự ngượng ngùng - Còn bạn tên gì?
- Tên tôi á?
Lọ Nồi lộ vẻ bối rối, nó không nghĩ Đeo Nơ sẽ hỏi tên nó, mặc dù một chú heo thông minh như nó lẽ ra phải lường trước điều đó.
Dường như đứng trước một giai nhân, các chàng trai (là heo hay là người thì cũng thế!) thường khổ sở nhận ra trí thông minh của mình đột ngột rơi đâu mất.
23
Lọ Nồi thừ mặt ra mất một lúc. Từ trước tới nay, nó chẳng bao giờ quan tâm đến tên của mình. Cậu chủ đặt tên gì, nó vui vẻ chấp nhận tên đó, không hề nghĩ ngợi.
Nhưng bây giờ thì nó đau khổ phát hiện ra nó đang sở hữu một cái tên quá xấu xí. Tên Lọ Nồi đứng cạnh tên Đeo Nơ chẳng khác nào một kẻ bần hàn thô lỗ đứng cạnh một tiểu thư quý phái thanh cao.
- Tôi tên là... là... - Lọ Nồi lắp bắp, cái lưỡi như thụt đi đâu mất.
- Bạn sao thế? - Đeo Nơ chớp đôi mi dài óng ả, sửng sốt - Tên bạn mà bạn cũng không nhớ à?
- Nhớ chứ! - Lọ Nồi quyết định nói dối - Tôi tên là... là... Nắng Vàng.
- Ôi, tên bạn thật là thơ mộng! - Đeo Nơ reo lên.
Cánh mũi Lọ Nồi phập phồng vì sung sướng:
- Chiếp chiếp gô!
- Sao ạ? - Đeo Nơ nhướn mắt, hôm nay người bạn mới làm nó kinh ngạc không biết bao nhiêu là lần.
Lần thứ hai trong vòng năm phút Lọ Nồi nhận ra sai lầm của mình. Nó cào chân lên cỏ, lúng túng:
- À... à... tôi muốn nói là... tôi cảm ơn lời en của bạn.
Lọ Nồi là một chú heo nghịch ngợm nhưng chân thật. Xưa nay nó chưa bao giờ nói dối. Đây là lần đầu tiên, và nó không ngờ nói dối lại hay ho đến thế.
Đang lâng lâng, nó chợt lạnh toát sống lưng khi nghe tiếng cậu chủ gióng giả vẳng tới từ phía sau:
- Lọ Nồi ới ời! Mày đang ở đâu thế?
Thằng Cu vừa gọi vừa khua chân dọc cánh đồng cỏ, chốc chốc lại khum tay lên miệng gọi lớn:
- Lọ Nồi ơi! Lọ Nồi à!
Nhìn người bạn mới cựa quậy vẻ bồn chồn, Đeo Nơ tò mò:
- Cậu chủ của bạn đang tìm bạn phải không?
- Ờ.
- Thế ra bạn tên là Lọ Nồi? - Nàng heo ngẩn ra.
- Ờ... ờ...
Lọ Nồi ngọng nghịu, hai tai thốt nhiên nóng bừng, trong khoảnh khắc đó nó ước giá mà nó có thể hóa thành vô hình.
Lúc này thằng Cu vừa đến chỗ hàng giậu và đã nhìn thấy chú heo của mình:
- À, thì ra mày ở đây!
Lọ Nồi chộp ngay lấy vận may. Nó ủn ỉn ý nói “tôi đây” và hấp tấp chạy lại phía cậu chủ.
Cậu chủ sẽ lùa nó về nhà, sẽ kéo nó ra khỏi tình huống tồi tệ nhất nó từng gặp phải trong đời.
Khi nhủ bụng như vậy, Lọ Nồi không ngờ chủ nó cứ neo chân tại chỗ, mắt nhìn chăm chăm vào khu vườn.
Cái mỏ neo có hình thù một cô bé mười hai tuổi, tóc ngắn ngang vai, mặc áo màu nõn chuối đang bước ra từ ngách cửa phủ đầy hoa giấy đỏ tươi.
- Em đang làm gì đó, Đeo Nơ? - Cô bé reo lên khi nhìn thấy Đeo Nơ cạnh hàng rào.
Đang bước thoăn thoắt về phía nàng heo, cô nhác thấy bóng người thấp thoáng bên kia hàng giậu, liền đứng lại:
- Ai đang thập thò ngoài đó? Tính ăn trộm gì nhà tôi phải không?
Thằng Cu như người bị giội nước lạnh. Đang ở trên mây, nó rơi một lèo xuống đất (còn lăn thêm vài vòng), trong một thoáng nó bỗng ngọng líu lo y như con heo của mình:
- Ơ... ơ...
- “Ơ” gì mà “ơ”!
Cô bé vừa nói vừa tiến lại phía hàng rào.
- A, tôi biết anh rồi! Anh là anh Cu, con bác Đỏ.
Nếu thằng Lọ Nồi xấu hổ về cái tên của mình như thế nào thì chủ của nó còn xấu hổ về cái tên của mình gấp mười lần hơn thế.
Thằng Cu ấp úng, mặt đỏ nhừ:
- Đó là tên mẹ tôi gọi ở nhà, còn tên đi học...
Cô bé có vẻ thờ ơ với cái tên trên giấy tờ của thằng Cu. Nó ngắt lời:
- Các vật nuôi nhà anh không còn con này kêu tiếng con kia nữa à?
- Ờ.
Thằng Cu ngượng nghịu đáp, vẫn chưa nhận ra cô bé trước mặt là ai.
Nó chẳng lạ gì bà Tươi. Bà Tươi sống bằng nghề nuôi bò cày để cho thuê. Bà không có con, trong nhà quanh quẩn chỉ hai vợ chồng, không hiểu cô bé này ở đâu ra.
Như đọc được thắc mắc qua vẻ lóng ngóng của người bạn mới, cô bé nhoẻn miệng cười:
- Tôi là Hà, cháu bác Tươi.
- Chắc bạn ở thành phố về nghỉ hè?
Thằng Cu ngập ngừng hỏi, nó nghĩ chỉ có con gái thành phố mới trắng trẻo và mồm miệng nhanh nhẩu như thế.
Nhỏ Hà gật đầu, không nói đúng hay sai, chỉ hỏi:
- Anh đi đâu đây?
- Tôi đi tìm con heo bị sổng sáng nay.
Thằng Cu đinh ninh nhỏ Hà sẽ hỏi han con heo đó trông như thế nào, anh đã tìm được chưa hay điều gì đại loại như vậy hoặc hơn vậy (ví dụ “để tôi đi tìm cùng anh nhé”), nào ngờ cô bé nhún vai:
- Vậy anh Cu đi tìm đi nhé!
Nhỏ Hà buông một câu hờ hững, rồi cúi xuống âu yếm gãi lên lưng con Đeo Nơ:
- Trời nắng rồi đó, vào nhà đi em!
24
Thằng Cu buồn lắm. Hụt hẫng nữa.
Nó có cảm giác nhỏ Hà không hứng thú trò chuyện với nó.
Nó cũng ngạc nhiên về mình nữa. Hôm nay nó thấy nó làm sao ấy! Nó có khối bạn gái trong làng. Nhưng chẳng bao giờ nó bận tâm các con nhỏ đó có thích trò chuyện với nó hay không.
Thế mà sáng nay một con nhỏ lạ hoắc lại khiến lòng nó gầm lên giận hờn, rồi dịu xuống thành những tiếng thở than. Hay là tại cái tên của mình nhỉ? Trong làng chẳng thiếu gì đứa tên Cu: Cu Tí, Cu Tèo... Nhưng khi lớn lên, chẳng ai gọi chúng bằng cái tên hồi bé nữa. Ờ, lớn lên thì mọi thứ phải khác đi. Thằng Cu Tí thành thằng Hùng. Thằng Cu Tèo thành thằng Hải. Chỉ có nó, đã mười ba tuổi rồi mà ngày nào cũng nghe mẹ nó oang oang “Cu ơi, Cu à”. Rồi cả làng cũng gọi thế.
Trước đây thì nó chẳng thấy phiền lòng. Chỉ có hôm nay đi lùng con heo con bất ngờ gặp nhỏ Hà, nó mới cảm thấy cái tên của nó thật bất tiện.
Thằng Cu vừa lê bước vừa nghĩ, rất giống con heo của mình.
Vì thằng Lọ Nồi, đang lếchch theo chân chủ, cũng đang nghĩ về cái tên của nó y như thế.
Hai chủ tớ lặng thinh trên đường về, lòng đầy tâm trạng, đã thấy hương cỏ ban trưa phảng phất buồn.
Sau lần đó, bà Đỏ bảo thằng Cu thay cây cọc cũ bị mục chỗ chân rào để heo khỏi sổng ra ngoài.
Kể từ hôm thằng Cu tuân lời mẹ nêm chặt lối ra vào bí mật, Lọ Nồi - kẻ đầu têu những trò nghịch ngợm trong bầy - bỗng hóa thành một chàng heo đăm chiêu. Nó ít đùa giỡn với bọn nhóc hơn. Bây giờ đám vật nuôi hay bắt gặp nó nằm mọp hàng giờ bên hàng giậu tư lự nhìn ra ngoài.
- Có gì ngoài đó mà nhìn hoài vậy anh? - Một hôm không nén được thắc mắc, Đuôi Xoăn mon men lại gần ngập ngừng hỏi.
- Ngoài đó có nhiều thứ hay lắm. - Lọ Nồi khụt khịt đáp, vẫn không nhấc mình lên khỏi nỗi buồn - Hôm trước tao đã lẻn ra đó một lần.
Đuôi Xoăn rúc đầu vào đám lá, nheo mắt nhìn:
- Em thấy ngoài kia cũng giống như trong này thôi. Cũng cỏ cây. Những bông hoa, và những con chim.
Lọ Nồi còn chưa kịp nói, thằng cún Mõm Ngắn đã nhô đầu ra từ phía sau Đuôi Xoăn:
- Bãi cỏ bên ngoài rộng lắm, thầy. Mình tha hồ chạy từ đầu này sang đầu nọ mà không phải tránh bất cứ thứ gì.
- Ừ, thế thì thích thật. - Lần đầu tiên thằng Đuôi Xoăn khen tên đệ tử. So với cuộc sống quanh quẩn của loài heo, bọn cún xưa nay vẫn phiêu lưu bên ngoài hàng rào mà chẳng bị ai cấm cản.
Lọ Nồi cựa mình trên chỗ nằm. Nó ngước cổ định hét lên “Không phải thế! Điều đáng yêu nhất ngoài kia không phải là bãi cỏ!” nhưng đến phút chót nó thấy ngường ngượng thế nào, lại nằm im. Bãi cỏ tất nhiên là hay, hương thơm của nó rõ ràng ngào ngạt hơn trong này, ít ra là vì nó không trộn lẫn với mùi... phân heo. Nhưng với Lọ Nồi, điều quyến rũ nhất ở bên kia hàng rào là nàng tiểu thư Đeo Nơ trong vườn nhà bà Tươi.
Nguồn ebook: ©STENT
Lọ Nồi không biết Đeo Nơ lúc này có nhớ đến nó như nó đang nhớ đến nàng không. Và nếu nhớ thì nàng nhớ những gì. Chắc nàng sẽ nhớ đến cái tên Nắng Vàng. Nàng sẽ nhớ nó là chúa xạo ke.
Lọ Nồi buồn lắm, nhưng nó không trách nàng. Nghĩ đến Đeo Nơ, đến thân hình thon thả và dáng đi uyển chuyển của nàng, lòng nó chỉ dậy lên một nỗi niềm trìu mến. Đột nhiên nó lẩm bẩm, tin rằng ở tít đằng kia nàng sẽ nghe thấy:
- Ăng gô gô!
- Thấy chưa, nó “Chúc một ngày tốt lành” đó!
Có tiếng nói bên kia dãy lá.
Lọ Nồi bật ngay dậy khỏi chỗ nằm, mắt láo liên. Cả thằng Đuôi Xoăn cũng quay đầu nhìn dáo dác.
Mõm Ngắn thì thầm:
- Em phát hiện ra bọn họ từ nãy, thưa thầy.
Lố nhố bóng người bên ngoài hàng giậu.
- Họ là ai thế?
Mõm Ngắn làm một động tác mơ hồ (nếu nó không phải là một con cún thì rất có thể chúng ta nhìn thấy nó đang rụt cổ):
- Các nhà báo hôm nọ.
25
Nơi nào có sự kiện, nơi đó có các nhà báo.
Có thể nói sự kiện sinh ra vì nhà báo và nhà báo sinh ra vì sự kiện.
Những con vật nuôi nhà bà Đỏ một thời hâm nóng các trang báo và nuôi sống các tòa soạn. Nhưng rồi bọn chúng con này chả thèm kêu tiếng con kia nữa. Báo chí chẳng còn tin gì hấp dẫn để khai thác, các sạp báo vắng hẳn cảnh độc giả nườm nượp xếp hàng để hóng tin lũ chó heo gà trong vườn nhà bà Đỏ.
Khu du lịch độc đáo đóng cửa không kèn không trống. Du khách, các nhà báo, các quan chức đầu tỉnh lần lượt biến mất - cũng vội vàng như khi họ xuất hiện.
Cho đến một ngày trời buồn như mộng mị, chàng nhà báo trẻ lún phún ria mép đảo qua làng, do buồn chân và do rảnh rỗi.
Trong khi lang thang trên đường mòn, đầu óc đang cụp lại như chiếc ô của chàng bỗng xòe ra khi lọt vào tai những mẩu đối thoại kỳ lạ.
Những “chiếp un un”, “ăng gô gô” dội vào óc chàng làm mọc lên vô vàn những dấu hỏi.
- Cái quái gì thế nhỉ? - Nhà báo trẻ tự hỏi, vành tai giăng ra hết cỡ để mong đánh lưới không sót một mẩu câu nào, rồi kéo sụp nón xuống trán, mở máy ghi âm tí hon nhét vào túi áo, chàng bắt đầu lẽo đẽo bám theo những người dân làng để sung sướng nhận ra mình đang đối diện với một sự kiện ngôn ngữ có thể là lớn nhất của thế kỷ.
Giống như mọi con đường đều dẫn đến La Mã, mọi chỉ dẫn của những người dân được phỏng vấn đều dẫn chàng nhà báo đến trước ngõ nhà bà Hai Nhành.
Phần tiếp theo bạn đọc có thể đoán ra: một nhà báo dẫn theo hai nhà báo, hai nhà báo dẫn theo bốn nhà báo và mọi nhà báo đều được bà Hai Nhành sốt sắng dẫn đến trước hàng rào nhà bà Đỏ.
- Mình phải làm sao đây, thưa hai thầy? - Chiếc mõm ngắn của thằng Mõm Ngắn hết quay sang thằng Lọ Nồi lại quay sang Đuôi Xoăn - Vẫn... vẫn...
Mõm Ngắn ấp úng, nó sợ nói sai sẽ làm phật ý sư phụ Đuôi Xoăn cộc tính.
- Đúng rồi đó, trò! - Lọ Nồi khẽ liếc mắt về phía hàng rào, thấp giọng - Chúng ta vẫn trò chuyện bình thường...
- Thế thầy không sợ bọn họ quấy rầy chúng ta như lần trước sao? - Mõm Ngắn dè dặt hỏi lại.
- Chẳng việc gì phải sợ! - Lọ Nồi hừ giọng.
- Nhưng các bác gà trống nhà hàng xóm sẽ gáy inh tai. - Mõm Ngắn nói giọng hoang mang - Và thầy Đuôi Xoăn sẽ ngứa ngáy và mắc tè suốt đêm...
- Nghe nè, trò Mõm Ngắn! - Lọ Nồi đặt chân lên đầu tên đệ tử lắm lời - Cuộc sống không phải lúc nào cũng giống như dòng nước phẳng lặng. Đôi khi chúng ta cần quăng một tấm lưới ra thật xa và kéo về một mẻ náo nhiệt, điều đó cũng không tệ lắm đâu!
Mõm Ngắn đã thấy yên lòng. Những ngày vừa qua, nó cảm thấy cuộc sống giống như một con tàu bị chết máy - im lìm và buồn tẻ. Nhưng nó chẳng biết làm gì ngoài việc lẽo đẽo đi theo sư phụ Đuôi Xoăn và Lọ Nồi, đầu óc hoàn toàn trống rỗng.
Bây giờ nghe Lọ Nồi phán một câu hợp ý nó quá, triết lý lại sâu sắc làm sao, Mõm Ngắn khoái chí vẫy đuôi lia lịa và ngoác mõm reo to (quên rằng sư phụ nó trước đây từng nói ngược lại những điều vừa nói bằng một triết lý cũng sâu sắc không kém):
- Chiếp chiếp gô!
Bên kia hàng giậu, bà Hai Nhành hãnh diện phiên dịch cho các nhà báo:
- Con cún này vừa nói “cảm ơn” đó!
26
Bọn chíp hôi nhà chị Mái Hoa xưa nay tự xem mình là phận đàn em. Các anh Lọ Nồi, Đuôi Xoăn và Mõm Ngắn làm gì tụi nó đều răm rắp làm theo.
Lần này cũng vậy, theo gương các anh tụi nó sẵn sàng hợp 48f1 tác với cánh nhà báo bằng cách liến thoắng trình diễn bản hòa tấu “chiếp chiếp, un un, gô gô” không một chút băn khoăn.
Chỉ có con Cánh Cụt ngây thơ là thắc mắc:
- Rồi chúng ta sẽ được ăn uống phủ phê phải không anh?
Đuôi Xoăn gật đầu:
- Ờ.
- Tụi em sẽ không còn phải dãi nắng dầm mưa ngoài vườn để bắt giun...
Đuôi Xoăn ngoáy tít cái đuôi xoăn, hể hả:
- Rõ ràng là vậy!
- Mà sống ườn ra cho người khác lo như vậy thì coi như là không sống, đúng không anh?
Cứ như thể con gà con vừa mổ vào mặt con heo con một cú đau điếng. Cái đuôi xoăn của thằng Đuôi Xoăn xoắn thêm một vòng rồi dừng lại, cứng đơ, như một cái đuôi giả ai vừa gắn vào mông nó. Mắt nó ngầu đỏ và long lên một cách bất thường, dấu hiệu cho biết nó muốn nhảy xổ vào con Cánh Cụt lắm rồi.
Trong khi Đuôi Xoăn có vẻ không kiềm được ý định tẩn cho con gà bướng bỉnh một trận thì Lọ Nồi đang cố làm hết cách để điều đó đừng xảy ra. Nó bước qua trái một bước, đứng chắn trước bộ mặt phừng phừng của thằng em và ôn tồn nói với con gà con:
- Này, Cánh Cụt! Em thuộc bài lắm! Nhưng chúng ta làm điều này vì niềm vui chứ không phải vì miếng ăn.
Nó tiếp tục thuyết giảng, tai vẫy nhè nhẹ:
- Em vẫn có thể đi nhặt sâu hay bắt giun nếu em thấy rằng đó là sự lao động chính đáng và lương thiện.
Dưới giàn su su, heo con nói về lao động và niềm vui, chó con và gà con gật gù tán thưởng.
Nhưng mẹ của heo con, mẹ của chó con và mẹ của gà con thì để tâm trí của mình trôi theo một hướng khác, thực tế hơn.
Chị Nái Sề rung rung đôi vú:
- Những ngày huy hoàng sắp trở lại với chúng ta.
Chị Mái Hoa rung rung đôi cánh:
- Chúng ta sắp trở lại với những ngày huy hoàng.
Chị Vện rung rung đôi tai:
- Cả hai câu đều đúng.
Khi một bộ phận nào đó trên cơ thể rung rung (con người thì chắc là... rung đùi trong trường hợp này) có nghĩa lòng dạ đang hoan hỉ lắm.
Các bà mẹ heo, bà mẹ chó, bà mẹ gà không chỉ bộc lộ niềm hoan hỉ bằng những mẩu câu.
Kể từ ngày các nhà báo thậm thụt xì xào bên kia hàng rào, chị Nái Sề, chị Vện và chị Mái Hoa như trẻ lại nhiều tuổi. Từ giã máng ăn sát vách, thanh gỗ trên nóc nhà và đống rơm ấm áp trước cửa chuồng, cả ba thường xuyên lang thang hàng giờ dưới giàn su su và đậu que, xuyên qua các luống cải, vồng cà, nắng trên vai và lá thỉnh thoảng rụng trên lưng, cuối cùng dừng lại ở vạt đậu bắp kế hàng rào để ríu rít trò chuyện như những cô gái mới lớn đang thi nhau khoe mối tình đầu.
Dĩ nhiên, họ trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ mà họ biết các nhà báo rình rập ngoài kia muốn nghe, và vì họ cố ý gân cổ nhấn nhá nên những tràng “gô gô, un un” ngân lên leng keng như phát từ một đội kèn đồng.
27
Ông an ninh lẽ ra phải là người đến vườn nhà bà Đỏ sớm nhất - đúng như chức trách, nhưng lại là người đến muộn nhất.
Khi các bài tường thuật đầu tiên về thứ ngôn ngữ kỳ lạ có thể dùng để giao tiếp giữa người và vật bắt đầu loang ra trên mặt báo, ông động vật hoang dã, ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư là những quan chức nhanh chân nhất có mặt ở nhà bà Đỏ.
Ông động vật hoang dã đến để một lần nữa nung nấu ý định thúc ép Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đưa các con vật đặc biệt này vào sách Đỏ trong hội nghị Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học sắp diễn ra tại Ấn Độ.
Ông du lịch đến với một dự án vĩ đại trong đầu nhằm khuếch trương hình ảnh và thanh thế của ngành du lịch, lần này không chỉ thu hút khách nội địa mà còn muốn vươn tới tận bờ bên kia của Thái Bình Dương, với mục tiêu là những du khách rủng rỉnh ngoại tệ.
Bà kế hoạch đầu tư đến để nghe kế hoạch đầu tư của ông động vật hoang dã và ông du lịch bằng gương mặt nở hoa, sau đó gương mặt bà nở hoa đợt hai khi nghĩ đến ngày những dự án khổng lồ kia kết trái.
Ông thuế vụ đến ngay sau đó, trong sự im lặng đáng ngờ như thể cỏ mùa hè nuốt êm cả tiếng chân lẫn tiếng nói của ông. Thực ra ông không nói tiếng nào từ tám giờ sáng đến tám giờ tối không phải vì ông không muốn nói gì hay không có gì để nói, chỉ là vì ông đang mải nhẩm đếm số thuế ông sẽ thu được trong những ngày sắp tới và vì cứ mỗi lần đếm tới con số hàng tỉ ông lại lâng lâng sung sướng khiến đầu óc đột ngột lãng đi, thế là ông phải loay hoay đếm lại từ đầu.
Bà y tế xuất hiện gần như cùng lúc với ông thuế vụ. Ngược lại với ông thuế vụ, bà y tế nói luôn mồm. Bà nói say sưa đến mức có nhiều lúc bà nói đến mười lăm phút để diễn tả điều người khác chỉ cần nói trong mười lăm giây. Sở dĩ bà dông dài những điều cần ngắn gọn, chẳng qua bà không biết ngành y tế sẽ được lợi lộc gì và được bao nhiêu trong các dự án hấp dẫn này.
Ba ông và một bà còn lại đành phải bấm bụng nghe bà y tế huyên thuyên về tầm quan trọng của công tác kiểm dịch và phòng dịch, ích lợi to lớn của các loại vắc xin và vai trò quyết định của việc kiểm tra thức ăn dành cho gia súc và gia cầm.
Mãi đến khi các nhà ngôn ngữ học, sinh học và tâm lý học theo chân các quan chức kể trên xéo gần nát các luống rau nhà bà Đỏ, ông an ninh mới lò dò xuất hiện.
Ông bước vào khu vườn, mặt lạnh dưới 00, hai tay thọc túi quần, động tác gây cho những người yếu bóng vía đinh ninh ông đang mân mê hai khẩu súng bí mật, ngoài khẩu thứ ba lủng lẳng công khai nơi thắt lưng.
Khi ông làm thinh, ria mép ông vẫn rung rung như thể ông đang giấu một cái nghiến răng đằng sau nó. Và khi ông nói thì hàm ria đen rậm của ông càng rung bần bật.
Ông an ninh nói gì?
Ông lằm bằm:
- Không được! Không được!
Sau khi lằm bằm, ông làu bàu:
- Không ổn! Không ổn!
Sau khi làu bàu, ông lèm bèm:
- Không xong! Không xong!
Khi nói “không được”, ông thấp thỏm nghĩ đến những khó khăn trong việc quản lý những công dân trao đổi thông tin bằng thứ ngôn ngữ mà ngành an ninh đến nay vẫn chưa hoàn toàn nắm bắt được.
Khi nói “không ổn”, ông lo lắng nghĩ đến một việc còn phức tạp hơn: không những các công dân đó trò chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ kỳ bí mà đám vật nuôi của họ cũng có khả năng sử dụng thuần thục thứ ngôn ngữ quái chiêu này. Tệ hơn nữa là chó có thể liên lạc với người, người có thể tâm sự với heo...
Khi nói “không xong”, ông không chỉ thấp thỏm và lo lắng mà còn cả đau đớn khi bà y tế và ông thuế vụ, hai đồng minh thân cận trước đây của ông, lần này có vẻ ngả về phe của ông động vật hoang dã, ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư.
Tự nhiên ông an ninh cảm thấy cô đơn.
Suốt thời gian qua, ông vùi đầu vào các bộ phim Walt Disney nhưng chẳng thu hoạch được điều gì đáng kể. Bệnh nghề nghiệp khiến ông chỉ nhớ tới những nhân vật phản diện và những âm mưu. Ông không có ấn tượng gì đặc biệt với nàng Bạch Tuyết, chỉ bị ám ảnh bởi mụ hoàng hậu độc ác. Ông quên mất nàng Cinderella nghèo khổ và lương thiện, chỉ cháy bỏng trong đầu hình ảnh ba mẹ con bà mẹ kế Tremaine thâm hiểm và xảo quyệt. Trong những cơn ác mộng, ông chưa một lần gặp lại chàng Aladdin dễ mến, chỉ toàn thấy tể tướng Jafa đầy quỷ kế lượn tới lượn lui...
Thật khó để một tâm hồn trở nên thân thiện và rộng mở khi nhìn đâu, kể cả trong phim, cũng thấy toàn những kẻ khả nghi và những tên thủ ác.
Đó là lý do tại sao ông an ninh hết lằm bằm đến làu bàu rồi đến lèm bèm, rồi tua lại từ đầu như ông đang gài trong cổ họng một cuộn băng cát-xét tí hon.
Hôm ông an ninh đặt chân đến vườn nhà bà Đỏ, thời tiết mới đẹp làm sao. Trời xanh ngăn ngắt, mặt trời đang vùi mặt sau những đám mây bồng bềnh. Cũng có thể ông mặt trời đang ngậm chiếc tẩu thuốc và nhả ra từng cụm mây trắng và dày đến nỗi che khuất cả gương mặt đỏ tía của ông. Trong không gian, cỏ tháng tám thơm lừng, mùa thu ngập ngừng sang trên các nhánh cây và chim hót véo von.
Tiếc là mải lo nghĩ, ông an ninh không cảm nhận và thưởng thức được những gì thiên nhiên ban tặng.
28
Nói ông an ninh là người đến vườn nhà bà Đỏ sau cùng là nói theo kiểu xem mặt mà bắt hình dong.
Trên thực tế, nếu là người đến muộn ông đã không am tường tình hình đến thế, và dĩ nhiên không lo nghĩ đến thế.
Theo những thông tin đáng tin cậy mà tác giả truyện này được biết, ông là người đến nhanh nhất, phát hiện ra mọi chuyện sớm nhất và trong khi chàng nhà báo lún phún ria mép còn đang nghe ngóng dân làng trò chuyện thì ông, ria mép nhiều hơn chàng nhà báo kia gấp hai mươi lần, đã thám thính và thu thập đầy đủ những gì mà báo chí đăng tải sau đó một tuần.
Trong lốt một người bán dạo đến từ làng bên với gánh rau cải có cả tươi lẫn héo, ông an ninh đã thành công rực rỡ trong việc làm thất bại mọi ánh mắt dò xét của người làng.
Tuy nhiên trong tuần lễ tiếp theo, ông đã thất bại thảm hại khi không thể thành công trong việc giữ ông thuế vụ và bà y tế ở lại phòng tuyến truyền thống để chống lại sự hoan hỉ quá mức của các quan chức ngành du lịch, kế hoạch đầu tư và bảo vệ động vật.
Bây giờ, khi quay lại khu vườn mà đối với ông đã là một hiểm địa bằng bộ dạng đích thực của một quan chức ngành an ninh, ông không biết phải ứng xử như thế nào để tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng sự.
Nếu hiểu được tâm trạng của ông, chúng ta sẽ hiểu vẻ mặt lạnh băng của ông chỉ là một thứ vỏ bọc nhằm che giấu đằng sau nó sự bối rối, lo âu và cả sự hờn giận nữa.
Trong lúc bế tắc nhất, ông nghĩ ngay đến ông chủ tịch tỉnh.
Ông an ninh nghĩ đến ông chủ tịch cũng đúng thôi. Chỉ có điều khi nghĩ đến vị cứu tinh của mình ông không bao giờ ngờ ông chủ tịch đáng kính kia cũng hóa trang thành một kẻ dân dã để vội vã dẫn thằng con năm tuổi đến vườn nhà bà Đỏ ngay khi mẩu tin đầu tiên về hiện tượng kỳ lạ này xuất hiện trên mặt báo. Hai cha con nấp bên ngoài bờ giậu hàng buổi để thích thú quan sát cảnh mẹ con bà Đỏ trò chuyện với các vật nuôi bằng thứ ngôn ngữ mà bây giờ cả hai đã khắc khá sâu vào vỏ não. Không những thế, suốt cả tuần lễ sau đó hai cha con còn hào hứng tập dượt và ôn luyện thứ ngôn ngữ này đến mức thuộc lòng với ý định sẽ sử dụng nó để giao tiếp với bọn heo chó gà kia - là cái bọn lúc này đã trở nên vô cùng đáng yêu trong mắt họ.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vừa nhác thấy ông an ninh bước vô phòng mình, ông chủ tịch tỉnh đã biết ngay hàng ria rậm kia muốn trình báo chuyện gì.
- Chào buổi sáng, ngài chủ tịch.
Ông an ninh nói, vẻ mặt nghiêm trọng một cách bất thường mặc dù trước khi bất thường thì vẻ mặt ông cũng đã nghiêm trọng lắm rồi.
Ông chủ tịch tỉnh vui vẻ chào lại:
- Un un gô - gô un un.
Hẳn nhiên ông chủ tịch không cố ý, chỉ là quen miệng do tối hôm trước mới “thực hành ngôn ngữ” với thằng con.
- À không... - Ông chủ tịch nhận ngay ra sự lơ đễnh của mình, liền phác một cử chỉ lúng túng bằng tay trái.
Nhưng ông an ninh dường như bị câu chào bất ngờ của ông chủ tịch làm cho á khẩu. Ông há hốc miệng:
- Ơ... ông...
- Ý là tôi muốn chào ông buổi sáng. - Ông chủ tịch ngượng ngập giải thích, và bối rối gãi ngọn núi Phú Sĩ loe hoe tóc nhân khi bàn tay trái còn lơ lửng trên không - Và nhân tiện tôi cũng muốn hỏi ông khỏe không?
- Un un - chiếp un un? - Tới lượt ông an ninh để trượt câu nói khỏi môi, trơn tru và bất cẩn, trông ông như người nói mớ.
Trong một giây, vẻ mặt của hai ông lập tức đổi chỗ cho nhau.
Ông chủ tịch ngạc nhiên:
- Ông nói gì cơ?
Ông an ninh lúng túng chùi tay lên mép quần, hàng ria sâu róm cựa quậy dữ dội như sắp bò ra khỏi mặt ông:
- Không, không, ông cũng biết rồi đó...
- Tôi chưa biết gì cả.
- Ý là tôi bảo tôi khỏe và hỏi ông có khỏe không?
Ông chủ tịch toét miệng ra cười:
- Un un.
Trong một lúc, ông chủ tịch tưởng như mình đang ngồi ở nhà, đứng trước mặt ông là thằng con năm tuổi và hai cha con đang bắt đầu bài tập nghe nói. Và ông không cưỡng được lời chúc tốt lành cho một ngày:
- Ăng gô gô.
Như bị cuốn vào một trò chơi hấp dẫn, ông an ninh quên mất mình đến đây làm gì, hào hứng cám ơn:
- Chiếp chiếp gô.
Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, ông chủ tịch và ông an ninh thi nhau đối đáp bằng thứ ngôn ngữ lạ lẫm như thể xem ai có năng khiếu ngoại ngữ hơn ai.
Một viên thư ký đi ngang phòng ông chủ tịch, ghé tai vào cửa nghe lỏm một lúc rồi quay ra, lẩm bẩm:
- Hôm nay ông chủ tịch tiếp khách nước ngoài sao mình không biết nhỉ!