Chết Ngạt Trong Nhà kính Truyện 2

Truyện 2
Lão khùng

 

 

 

 

 

 

 

Reset

TRUYỆN NGẮN LÊ BẢO

Lão khùng

- Cháu cho chú vay hai chục ngàn. Chú làm lại cuộc đời.

- Cả tuần nay cháu hết tiền rồi, toàn phải ăn mì tôm thay cơm.

- Chú phải đi. Nước cờ này chú đi sẽ thắng. Đá bóng phải đá thủng lưới, không cho phép đá bật cột dọc, bật xà ngang. Đưa tiền đây. Mai chú trả. Chú phải đi, quyết tâm trận này phải thắng. Chú giỏi lắm. Cháu không biết đâu. Chú thề với dòng sông này...

Tôi chẳng biết "dòng sông này" của lão là dòng sông nào nữa, chắc dòng sông trên thiên đường. Lão cứ nói còn tôi mặc kệ, bỏ ngoài tai tất cả.

- Cháu hết tiền rồi.

- Tại sao cháu không tin chú nhờ? Hai chục ngàn có là gì đâu. Thôi chú đi đây. Tí nữa, cái

Thanh đến cháu nói nấu cơm rồi lên phòng VIP đợi chú.

Tay lão xách chai bia Hà Nội, lật khật đi lên con dốc đầu hẻm. Cả tháng nay, lão chẳng đi làm, suốt ngày bia rượu đề đóm. Tôi nhắc lão, lão nói đánh hết trận này sẽ quyết tâm bỏ nhưng đâu lại vào đấy. Bia rượu và đề đóm đã ăn sâu vào máu, vào gan vào ruột vào tận xương tủy của lão. Chết mất. Trước kia, lão mượn tiền. Tôi cũng cho vay, mỗi lần ít chục, có khi cả trăm ngàn. Số tiền ấy lão cứ nướng vào đề vào đóm vào bia vào rượu. Tôi bực cả mình. Trong mắt tôi, lão chỉ là một thằng say, bê tha, bất tài...

Mọi người trong hẻm gọi lão là Chí Phèo.

* * *

- Hôm nay bán hàng được không?

- Cũng tạm.

- Gió mùa đông bắc về mà!

- Định sang Trung Quốc lấy hàng.

- Ừ, vậy mới ăn dày được, chứ chợ Đồng Xuân vẫn cắt cổ bỏ mẹ. Mà này, câu slogan "giá cả luôn sexy và trần trụi" được đấy chứ! Mày tự nghĩ ra câu ấy à?

- Ừ. Câu khách phết mày ạ. Hôm trước, tao đi qua tiệm bán đồ bikini tự dưng nghĩ ra, sướng cả ngày.

- Nhiều khi đần đần mà thông minh đột xuất nhỉ?

- Á à... À hôm nay, lão có lên phòng không?

- Lại còn hỏi! Lên vay tiền tao, chắc lại nướng vào con bốn tám.

- Mày có cho vay không?

- Làm Đ. gì có tiền mà cho vay. Suốt ngày bia rượu lô đề. Điên. Khùng.

- Bài ca cuộc đời mà.

- Nhiều lúc cũng thấy tội tội cho lão. Vợ con thì bỏ, ông bà thì già yếu, đến một người thân thiết quan tâm tới lão cũng không có.

- Tính điên điên khùng khùng của lão bố ai chịu nổi. À, em Thanh của lão có tới không?

- Tí nữa qua.

- Chẳng biết lão có "rầm mờ rầm" được tí nào không.

- Bố ai biết được, thấy lão tưng tửng, phởn lắm. Thôi ăn cơm đi, hơi sức đâu mà bàn ba chuyện vớ vẩn đó.

Khoa và vội bát cơm. Từ ngày đầu tư vào shop quần áo, nó bận bịu cả ngày, thời gian ở nhà không còn nhiều như trước. Nó cũng ít phải tiếp xúc với lão. Ít phải nghe bài ca cuộc đời lão ca cẩm hằng ngày.

Lão nghiện lên phòng kể chuyện đời của lão cho tôi. Lão thích những người bạn tôi đưa về chơi. Lão thích cả những bữa cơm mà lão chỉ ngồi xuống mâm, một tay cầm chai bia Hà Nội, một tay chống đũa xuống bát, gắp cho từng đứa. Lão nói đứa này có miệng giống con gái lão. Đứa kia, mũi hơi cao giống vợ lão. Còn đứa khác có giọng nói giống y con gái lão. Lão nhìn chúng tôi ăn và chỉ cầm chai bia Hà Nội đang sùi bọt trên cổ chai uống. Chúng tôi ăn. Lão uống. Khi chúng tôi xong xuôi đâu đấy, lão mới bắt đầu bữa cơm.

Lão đặt chai bia xuống. Khuôn mặt lão buồn rười rượi. Trông lão hiền và có phần phúc hậu đến lạ. Lão chống tay xuống đất. Mắt nhìn vào chai bia. Đôi mắt nhìn không chớp một tí nào.

- Chú sao thế?

Lão không phản ứng gì. Hình như lão không nghe thấy tiếng tôi nói. Lão nhìn chằm chằm vào chai bia. Lão cười. Cười một cách sảng khoái. Bàn tay thô ráp chất chứa những vết nhăn nheo đưa lên khuôn mặt gầy gò hốc hác. Lão nhìn kỹ bàn tay mình. Tôi không nói thêm điều gì. Mặc kệ lão.

* * *

Ai hỏi tôi ở đâu, tôi trả lời ở xóm Lô Đề. Tự tôi đặt tên cho nơi tôi ở. Trại Nhãn, cái tên đáng lẽ tôi nên biết trước khi chuyển đến. Trại Nhãn, nơi những người đàn bà chập tối lại ngồi cạnh khóe nhau, bàn tán hôm nay đề về con này con kia. Đến đứa con nít chưa mọc mũi đã ngửi thấy lô đề. Những mụ đàn bà tay vi vu điếu Vina, ba số, xì gà. Môi văng ra những từ Đ.M ngọt xớt. Có lúc động trời lên, họ rảnh đánh nhau cho đỡ buồn tay buồn chân.

Ban ngày là thế.

Nhưng đêm đến Trại Nhãn yên tĩnh lạ thường. Tôi có thói quen đón chào ngày mới của mình bằng cách ngồi vắt vẻo trên ban công nhìn những người đi mua ve chai, bán xôi, bán bánh khúc trở về sau một ngày làm việc cực nhọc. Tiếng lạch cạch của chiếc xe tòng tọc quen thuộc khiến tôi còn một chút cảm tình với nơi này. Những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ, mái bằng proximang, xa có gần có. Ánh điện chợt lóe lên chút ít rồi vụt tắt. Hiếm có thời gian nào trong ngày có được khung cảnh này. Lúc đó, họ mới bắt đầu nghỉ ngơi. Ngày mai, một cuộc mưu sinh lại bắt đầu.

* * *

Vợ và đứa con gái đã bỏ lão về Lê Duẩn hơn năm nay. Lão say bia. Lão cay cú với lô đề. Lão chửi người cũng vì lô đề. Mỗi lần trúng, lão rủ bất cứ ai gặp để có người đi nhậu cùng. Lão ngồi với bất cứ ai nghe lão nói những điều muôn thủa.

Lão nói: Vợ lão xinh. Vợ lão đẹp. Không ai bằng. Lão nhắc đến vợ con. Lão chợt lắng lại. Tôi thấy lão trầm tư như đang suy nghĩ về một điều gì đó nơi xa thẳm. Ai biết được trong đống suy nghĩ ngổn ngang của lão, đâu là phần nghĩ về lô đề. Đâu là phần lão nghĩ về những chai bia Hà Nội. Đâu là phần lão nghĩ về gia đình.

Lão khát người. Lão thèm người. Lão sẵn sàng xuống ở gác xép chật chội, nhường lại căn phòng rộng rãi để cho thuê. Lão nói cho ở không phải vì tiền. Lão muốn có tiếng người. Muốn căn phòng có hơi người. Vợ lão có quay về, con lão có quay về hoặc lão điên lên kiếm một người thì lão sẽ tìm nhà khác cho bọn tôi. Lão nói với tôi như thế. Tôi không biết những lời nói ấy có lọt taitôi hay không nhưng chí ít tôi cũng cảm thấy mủi lòng. Lão cứ uống, cứ nói. Tôi ngồi im.

Lão ngồi với chúng tôi hay bất kỳ ai. Lão cũng khoe lão tài, khoe con gái lão giỏi. Lão nói chuyện, những câu chuyện không đầu không cuối. Chuyện lão đòi được gần một tỷ cho mọi người cùng cơ quan. Khi công ty phá hợp đồng lao động. Lão nhắc đi nhắc lại nhiều nhất. Tôi ở nhà nhiều nên phải nghe bài ca cuộc đời không ngớt. Tôi thấy ngán tận cổ họng. Lão cứ nhắc đi nhắc lại. Lão xem việc đòi được món nợ đó là thành công lớn nhất trong đời. Không ai có thể làm công việc đó ngoài lão. Lão tự cho mình là người tài giỏi nhất đất Trại Nhãn. Tất thảy đều là những kẻ ngu si, đần độn, bất tài, vô dụng, dốt nát.

Con người sống nên biết chấp nhận những gì là sự thật, kể cả sự thật đó phũ phàng đến đâu, để có những bước đi cho riêng mình. Ai lại chán chường, đau khổ dằn vặt suốt những tháng ngày dài. Cuộc đời cho ta sự đánh đổi. Đó là quy luật. Vậy lão đã được gì, mất gì trong cuộc chơi này. Cuộc đời đánh đổi lão thành một người cay cú bởi những con lô con đề. Một kẻ bia rượu tràn cung mây (lời này lão tự nói ra).

Lão từng có một gia đình êm ấm. Một người vợ hiền, một đứa con gái ngoan.

- Cháu xem đi. Đây là ảnh của chú hồi còn ở Bungari.

- Vâng.

- Cháu thấy chú có lãng tử không?

- Vâng. Chú lãng tử.

- Ừ. Đúng rồi, chú lãng tử nhất quả đất.

- Chú lãng tử lắm, cháu không biết đó thôi. Ở Bun biết bao cô gái xinh đẹp theo chú, kể cả muốn ngủ cùng chú nhưng chú không ham hố gì chuyện đó cả. Lúc đó con gái của chú mới được hơn một năm, tình yêu dành cho vợ và con quá lớn cháu ạ, nên đâu nghĩ tới chuyện trai gái. Lúc nào chú cũng nghĩ tới vợ và đứa con gái của chú. Đây là con gái chú. Đó. Cháu thấy chưa, nó xinh không, xinh nhất đất Trại Nhãn này. Nó tài lắm. Học bổng gần ba triệu một tháng kia. Hai mốt tuổi đầu được kết nạp ngay đảngviên. Còn đây, con vợ chết tiệt của chú, chú phải trả thù cháu ạ. Chú tài giỏi thế này, chú tốt thế này, lãng tử thế này mà nó dám bỏ chú. Chú quyết tâm làm lại cuộc đời. Chú quyết phải trả thù.

Lão nói một mình. Một mình với những lời than phiền. Một mình lão với những lời trách móc. Một mình lão với những ai oán đời mình. Còn tôi, chăm chú nhìn vào bức ảnh mà lão khoe. Mái tóc dài và bồng bềnh của lão ngày trước trông rất nghệ sĩ, chẳng bùcho cái đầu hói bây giờ. Đứa con gái rất giống lão cái miệng. Vợ lão hiền nhưng đôi mắt lại lạnh lùng và vô cảm.

Vỏ những chai bia Hà Nội trơ lại nơi góc phòng đến vô cảm. Nó lăn lóc bất cứ nơi nào mà lão từng ngồi. Suốt mấy ngày đó, tôiphải thường xuyên thu dọn lại một góc, đợi đến khi lão thật tỉnh mang đi trả.

Hằng ngày, lão chẳng làm gì, lúc nào cũng khật khưỡng chai bia trên tay. Lão say còn nhiều hơn thời gian lão tỉnh. Mỗi lần tỉnh, trông lão hiền lắm, trông cũng phúc hậu lắm. Khi ấy, lão lên phòng tôi thu dọn rác rưởi, dọn dẹp nhà tắm và sân thượng. Khi nàothấy phòng của tôi sạch sẽ lạ thường, lúc đó biết ngay lão không uống bia. Những lần như lúc ấy ai dám gọi lão là thằng say hay Chí Phèo.

Lão vẫn biết trong đất Trại Nhãn này họ nhìn lão với con mắt chẳng ra gì. Lão mặc kệ. Với lão, chẳng còn gì để mất. Một mình với những suy nghĩ. Một mình với những cơn say. Một mình với những chai bia Hà Nội. Thế là quá đủ với lão.

Lão cũng chửi. Chửi còn nhiều hơn cả Chí Phèo. Lão có thể chửi từ chập tối đến gần năm giờ sáng. Lão chửi những kẻ xúi giục vợ con lão ly dị. Lão chửi người bố già bất tài và vô dụng. Lão chửi tất cả những ai ở cái đất Trại Nhãn này. Nào là chúng mày toàn lũ ăn hại, kẻ bất tài vô dụng. Lão mới là thằng giỏi nhất thiên hạ. Không giỏi, sao đòi gần một tỷ cho anh em đi xuất khẩu laođộng bên Bun. Chúng mày làm sao có đứa con gái giỏi như con gái của tao? Hai mốt tuổi đầu được kết nạp đảng viên vì thằng bố nó không đi tù như thằng Hai sẹo. Học giỏi nhất trường Tài chính, có học bổng của Hàn Quốc. Bài ca cuộc đời của lão.

* * *

- Chú yêu cái Thanh được không cháu?

- Điều đó chú còn hỏi!

- Chú biết, Thanh nó yêu chú vì chú tài. Chú đa tài hào hoa lắm. Nhưng không. Không được. Thanh nó chỉ bằng tuổi con gái chú.

- Yêu nhau kể gì tuổi tác hả chú. - Tôi trêu lão.

- Có tiếng kéo cửa, hình như Thanh đến. Cháu ngồi đây. Chú xuống xem sao.

Tay lão cầm chai bia xuống dưới gác xép. Tôi im bặt nghe ngóng. Đúng. Cái Thanh đến thật.

Thanh chia tay người yêu và thường tìm đến với lão. Mấy người hàng xóm nói Thanh lợi dụng. Lão nói: cho nó lợi dụng, mình còn gì nữa đâu mà lợi dụng. Nó có cô đơn có trống trải mới tìm đến với mình. Một bữa cơm có là gì đâu. Mặc cho lão nói thế nào đi nữa, trong mắt của tôi Thanh vẫn chẳng ra gì. Thanh chỉ là một đứa con gái lợi dụng lão. Hai mốt tuổi đầu cặp bồ với lão già hơn năm mươi. Không. Không thể chấp nhận được.

- Hôm qua Thanh nó khóc.

- Sao lại khóc, chắc lại làm nũng chú chứ gì.

- Chú gặng hỏi nhưng nó không nói.

- Chắc yêu chú quá, không nói thành lời nên nghẹn ngào.

- Yêu chú thật à?

- Cháu nghĩ thế.

- Chú nói, hôm nay là hai mươi tháng Mười, cháu thích gì chú mua tặng. Nó nói, không thích gì cả, chú mua tặng cháu bó hoa.

- Thảo nào lúc cháu về thấy Thanh cầm bó hoa, mặt hớn hở.

- Thanh có yêu chú không cháu?

- Không yêu làm nũng với chú làm gì? Chú tài hoa. Chú giỏi như thế này, nhiều em còn chết chứ nói gì đến em Thanh. - Tôi nịnhlão.

- Thanh nó còn thua xa vợ chú. Vợ chú xinh hơn Thanh nhiều.

- Vâng.

- Cháu có tiền không? Chú vay mấy chục. Hôm nay, chú quyết làm lại cuộc đời.

- Chú lại nuôi lô đề, lại bia rượu.

- Chú phải làm lại cuộc đời này. Con bốn tám. Con bốn tám, chú biết mà. Nó sẽ làm cuộc đời chú đổi thay. Cháu sẽ thấy chú giỏinhư thế nào. Chú tài lắm, cháu không biết đâu.

- Biết bao lần chú hứa bỏ lô đề rồi.

- Lần này chú sẽ bỏ.

- Bỏ rồi lại chơi.

- Chú nhất định làm lại cuộc đời.

- Thanh nói: chú bỏ cờ bạc, bia rượu Thanh sẽ lấy chú.

- Chú sẽ lấy được Thanh.

- Vậy chú chứng minh đi.

- Chú giỏi lắm. Chú sẽ làm được. Cháu không tin à. Chú sẽ làm được.

- Vâng chú sẽ làm được.

- Trước kia vợ chú đã từng nói như thế. Nhưng chú cay cú lắm. Chú giỏi như thế này mà nó đâu có biết.

- Vâng chú giỏi nhất. Không giỏi sao đòi được gần một tỷ cho anh em hồi đi Bun.

Mỗi lần tôi ngồi tiếp chuyện lão, lão chưa bao giờ bắt đầu bằng một câu chuyện mới. Nào là lão khoe lão giỏi, khoe con gái lão giỏi. Lão xem chuyện cái Thanh hay đến chơi là một vinh dự, hãnh diện với hàng xóm. Lão coi mình là người đào hoa nên có gái theo. Lão xem tôi và thằng Khoa ở trong nhà lão là dân VIP. Lão luôn ca tụng với người khác rằng hai đứa tôi ngoan và giỏi. Cólần, lão lôi đâu về lọ nhuộm tóc. Lão bắt tôi nhuộm tất cả mấy sợi pha trắng trên đầu lão. Lão nói, nhuộm để làm lại cuộc đời.

Trong mắt của tôi, lão chỉ là một người suốt ngày bia rượu lô đề mà thôi. Ngoài ra chẳng xem lão là gì hết. Mỗi lần ngồi với lão tôi đâu có ưa, chẳng qua ngồi vì ép buộc, vì nể lão chút ít. Lão thích người nào nói tốt về lão. Tất nhiên, tôi luôn đóng vai kẻ xu nịnh và chiều lão trong ý nghĩ. Nhiều lúc, cũng thấy mình không phải với lão. Lão đối xử với tôi như một người con của lão. Vậy màchính bản thân tôi xem lão chẳng ra gì. Tôi thấy lão khùng, lão điên. Điều này cũng không ngoài quy luật, đất Trại Nhãn đã xem lão chẳng ra gì từ mấy năm trước. Mà nói đúng hơn từ khi lão đòi được gần một tỷ cho anh em. Biết đâu chính lần ấy là định mệnh quyết định cuộc đời. Mà cũng đúng thôi, nếu như lão cứ sống bình thường. Lão cứ làm ăn bình thường, hằng ngày vợ lão đến bệnh viện trực ca, con lão đến trường và lão cần mẫn đi lắp đặt điện nước cho khu phố thì bây giờ đã khác rồi. Ai biểu lão làm được cái điều mà người khác không thể. Để rồi, lão sống trong những cơn say triền miên không biết đến ngày tháng, không biết đâu là thực giữa đời thực và đâu là mơ giữa đời thực. Chính sự tự hào đó luôn đeo đẳng lão cho đến nay, hơn chục năm trời chứ ít gì. Giúp người khác hết sức, lão cũng chạy đôn chạy đáo, chạy nơi này nơi kia về vụ kiện tụng. Công ty không giải quyết cho anh em về hợp đồng lao động. Vậy mà trớ trêu thay, ai cũng vui mừng khi thắng kiện nhưng sau đó người ta quên ngay lão. Quên ngay cái thằng Chí Phèo đòi nợ thay. Lão được lợi gì trong vụ này đâu. Nhưng lão tự hào lắm. Lão hãnh diện với đất Trại Nhãn này lắm. Lão càng tự hào bao nhiêu thì trời ơi! Ai nấy đều nhìn lão với con mắt khinh bỉ. Trong mắt họ lão chỉ là một thằng say, không hơn không kém.

Vợ lão quyết định ly dị vì không thể nào chịu con người lão. Dạo ấy, lão suốt ngày chè chén với mấy tên đầu xóm. Hễ về đến nhàlão chửi vợ, chửi ông bố. Chửi tất cả những người hàng xóm luôn nhìn lão với con mắt khinh bỉ. Lão chửi người ta ngu người ta dốt nát còn lão luôn tài giỏi.

* * *

- Chú đã nói rồi. Con bốn tám hôm nay sẽ về.

- Nếu nó không về?

- Chẳng có nếu gì hết. Chắc chắn chú quyết tâm làm lại trận này. Phục thù.

- Hôm nay chú uống hơn chục chai rồi đấy.

- Chú giỏi lắm, với chú hai chục chai cũng chưa nghĩa lý gì đâu. Cháu chưa biết chú giỏi như thế nào đâu. Thằng Khoa chọn cho chú một cái áo đẹp nhất chú mang tặng con gái.

- Vâng. Lúc nào chú ra cửa hàng lấy.

- Tối nay chú qua chỗ con gái cho nó mấy đồng và tặng nó cái áo.

- Chú yêu vợ và con gái nhỉ?

Lão không nói gì khi Khoa nhắc đến vợ và con gái. Lão suy nghĩ điều gì là những khoảng lặng lại trở về với lão. Hôm nay, lão bắtxe ôm đến nhà vợ lão. Lão nói vẫn yêu vợ và con gái. Lão phải tận tay mang chiếc áo đến cho con gái. Lão nói, con gái lão thích màu phớt hồng. Lão mua cái áo màu phớt hồng. Lão lên xe ôm. Đi thật.

Hai tiếng sau lão về. Trên tay chai bia Hà Nội còn một nửa. Tay kia, lão xách túi đựng chiếc áo màu phớt hồng. Lão đến cửa hàng Khoa.

- Cháu cất hộ chú cái áo.

- Sao hả chú?

- Con gái chú nó nói: khi nào nó thích sẽ đến mua. - Lão nhìn Ly - Nó xinh hơn cháu nhiều. Giỏi hơn cháu nhiều.

- Chú. Hôm nay đề về bao nhiêu chú?

- Con bốn tám của chú chưa chịu về. Chắc chắn mai về. Chú phải phục thù, phải làm lại cuộc đời. Chú giỏi mà, không giỏi làm sao đòi được nợ cho anh em Trại Nhãn ...

- Vâng. Chú giỏi. Thôi bây giờ chú về nghỉ đi.

* * *

- Chú. Hôm nào chú gọi con gái đến đây ăn cơm với anh em cho vui.

- Ừ. Dạo này nó cũng bận lắm.

- Từ khi chúng cháu chuyển đến đây, chưa thấy em về lần nào.

- Chắc mẹ nó không cho về.

- Nhưng ít ra cũng phải về thăm chú chứ!

...

...

...

* * *

- Chú ơi! Chúng cháu đóng tiền nhà.

- Ừ.

- Tí nữa, chú cho con gái mấy trăm. Còn mấy trăm chú trả nợ cho mụ béo đầu xóm.

- Mấy hôm nữa là đến Noel chú định mua cho con gái chú một món quà.

- Chú quan tâm đến em thế. Em cũng lớn rồi mà chú.

- Mấy năm trước ở nhà, năm nào chú cũng đưa em đi chơi Noel. Năm nay...

* * *

- Hôm nay trên trường, lớp cháu đóng kịch đấy chú ạ.

- Cháu có tham gia không?

- Có. Cháu đóng vai Chí Phèo.

- Chú có đóng được không?

- Chú không cần đóng đâu đã đạt rồi.

Câu nói của tôi làm cho lão chùng mặt xuống. Tôi thấy sợ, sợ ánh mắt của lão lúc ấy nhìn tôi. Đã lâu lắm rồi lão mới có một ngày bình yên, không uống bia. Vậy mà tôi không nhận ra điều đó. Tôi thấy xấu hổ khi nói ra câu ấy. Tôi muốn xin lỗi lão. Muốn nói với lão rằng tôi đã lỡ lời, nhưng chẳng thể nói ra điều gì. Lão lầm lũi bỏ đi, để lại mình tôi trong căn phòng hoang vắng. Lạnh lẽo và vô cảm. Trên mỗi bước chân của lão như đếm được thời gian trôi đi. Lão luôn ẩn hiện trong mắt mọi người như đã từng có. Kể cả với tôi. Tôi không nhận ra đâu là lúc lão tỉnh đâu là lúc lão say.

Mấy ngày nay tôi không thấy Thanh đến với lão. Lão đến phòng trọ tìm Thanh, nhưng chủ trọ nói Thanh về quê mấy ngày rồi. Lão buồn hơn. Lão tìm bất cứ ai, ngồi với bất cứ người nào chỉ cần người đó nghe những lời lão nói. Gật gật tỏ vẻ đồng ý với lão. Lão thích lắm. Lão có thể ngồi từ sáng đến tối nếu như ai đó đủ kiên nhẫn tiếp chuyện. Thằng Giang và thằng Hiệp bạn tôi lúc gặp lão lần đầu, hơn hai giờ đêm mới về lại ký túc xá vì nể lão.

- Lâu nay cháu có thấy Thanh không?

- Không chú ạ. À, sáng nay cháu thấy Thanh ngồi trên xe với anh nào ý.

- Đi xe gì?

- PS chú ạ.

- Thật hả? - Lão hốt hoảng.

- Vâng.

- Làm gì có nó về quê rồi. Chú đến tận nhà trọ hỏi kia mà.

- Cháu nhìn thấy thật mà.

Lão đứng lên, không nói với tôi thêm một điều gì nữa. Lão buồn. Lão lại đi uống bia, uống những chai bia Hà Nội mát lạnh.

Lão lại say.

* * *

Mười hai giờ đêm, trời lạnh, tôi lại ngồi ở ban công nhìn những người đi mua ve chai, đi bán bánh khúc, bán xôi về. Gió thổi lạnh buốt làm hai hàm răng va vào nhau như biểu tình. Tôi cố nán để chào đón một ngày mới theo cách của riêng mình. Một người đàn bà giọng mô tê răng rứa, tôi đoán quê ở tận Thanh Hóa vừa đi vừa nói chuyện với người kia về chuyện làng quê, chuyện con cái, chuyện chồng con. Tôi mỉm cười một mình trong cái rét trên mười độ C. Một lát sau, Trại Nhãn chợt yên ắng đến lạthường, chỉ có tiếng mèo kêu ở đâu đó nghe thống thiết như tiếng ma. Tiếng cạch cạch làm tôi giật mình. Lão trở về. Lão đã say khướt. Trên tay vẫn cầm một chai bia Hà Nội. Tay cầm một nắm tiền. Tôi đoán phải đến cả mấy triệu bạc.

- Chú lại say rồi.

lắm.

- Cháu yên tâm đi, chú chưa say đâu. Làm sao mà say được. Say đâu mà say. Chú còn tỉnh

- Sao lắm tiền thế này hở chú?

- Con bốn tám. Chú làm lại cuộc đời được mà. Con bốn tám của chú. Cháu làm sao giỏi bằng con gái chú được. Bố cháu làm sao giỏi bằng chú được.

- Không. Cháu chẳng kém con chú gì hết. Con người hơn nhau là sống với nhau có tình. Còn trong mắt cháu. Bố cháu luôn là người cháu thấy giỏi nhất. - Tôi bị chạm đến lòng tự ái nên thẳng thắn với ông.

- Bố cháu Đ. là cái gì hết. Chú là người giỏi nhất.

- Bố cháu giỏi hơn chú. - Tôi tức lên.

- Cái gì. Mày dám cãi tao à. Tao nói, tao giỏi nhất. Bố mày Đ. là cái gì hết.

- Cháu vẫn thấy bố cháu giỏi nhất. Chú không được đụng đến bố cháu ở đây.

- Nhưng... Mày... mày dám cãi tao à. Tao Đ. cần lũ bất tài vô dụng. Mày chỉ giỏi cãi cùn. Tao... Tao đã nói tao giỏi nhất. Bố màyĐ. là cái gì hết.

- Chú say rồi. Chú chỉ là thằng say rượu thôi.

- Cút. Cút khỏi nhà tao ngay. Lũ bất tài vô dụng. Tao không cho chúng mày ở nữa.

Lão nói xong lăn ra ngủ. Tôi đắp chăn cho lão. Tôi để lão ngủ trên phòng, còn tôi xuống gác xép của lão. Mùi chăn mùi ẩm mốc lâu ngày xộc ngay vào mũi tôi. Tôi thấy ghê ghê, tơm tởm vậy mà lão cũng ở được. Tôi chẳng hiểu tại sao lão lại không chịu dọn dẹp phòng của mình, trong khi đó trên phòng của tôi lão thấy bẩn là dọn. Vì vậy căn phòng luôn sạch sẽ. Bạn bè đến chơi hết lòng khen phòng đẹp và sạch. Đêm đó tôi không ngủ, nằm mà mắt cứ mở thao láo, không phải vì lạ mà những ám ảnh về lão trong cơn say cứ lởn vởn trong tôi. Những chai bia Hà Nội xếp lỉnh kỉnh trên gác xép lỡ tay lỡ chân đạp phải, âm thanh phát ra nghe ghê sợ. Ngày mai tôi sẽ đi. Tôi sẽ chuyển chỗ trọ. Và tất nhiên sẽ xa đất Trại Nhãn này. Tôi sẽ không còn chứng kiến cảnh lão trong những cơn say khướt nữa. Tôi đã hiểu vì sao Thanh lại hay về chơi với lão khi đã chuyển nhà trọ.

Căn phòng trên của chúng tôi đang ở sẽ có những người mới đến thuê. Lão sẽ lại say bằng những chai bia Hà Nội. Lại một vòng quẩn quanh kế tiếp sắp được diễn ra như một điều tất yếu.

* * *

Tôi chuyển nhà thật. Hôm tôi chuyển nhà, lão tỉnh. Tôi thấy mặt lão buồn, không như nỗi buồn của lão mỗi lần nhắc đến vợ con. Lão nói khi nào rỗi tới chơi. Như cái Thanh tới chơi với lão.

Tóc của lão đợt này bạc và bắt đầu rụng nhiều hơn.

* * *

- Chú. Chú đang làm gì thế?

Lão ngẩng lên nhìn tôi một hồi, mỉm cười. Trên tay, lão cầm cờ lê, mỏ lết hình như chuẩn bị đi lắp điện nước cho ai đó. Nhìn thấylão trong bộ dạng như thế làm tôi bất ngờ. Lão không giống trước kia nữa. Tôi thấy vẻ mặt vui hơn, nét buồn trên khuôn mặt đi đâu hết. Những sợi tóc bạc cũng ít hơn trông thấy. Rõ nhất thấy lão mập hơn chứ không còn hốc hác như dạo trước. Nhanh thật,mới có một tháng chứ mấy.

- Lên nhà đi cháu. Lâu lắm mới thấy cháu đến chơi. - Nói xong, lão ngó lên trên gác gọi:

- Hạnh ơi! Có thằng cháu đến chơi. Em dẫn nó lên nhà rồi giữ lại đến trưa ăn cơm với vợ chồng mình nhé.

Tôi giật mình khi lão nói đến hai từ "vợ chồng". Lại giật mình hơn nữa khi nhìn đứa bé gọi lão bằng bố. Tôi chẳng hiểu gì hết. Trong đầu, hàng loạt câu hỏi ẩn hiện.

- Chú làm lại cuộc đời rồi cháu ạ.

...

- Chị.

Tôi trợn tròn mắt nhìn chị. Tôi đoán chỉ hơn tôi mấy tuổi, nhưng rắn rỏi hơn.

- Em ngồi đi. Trước kia em trọ ở đây à. Chị cũng nghe anh ấy nói nhiều về em.

- Em vẫn chưa biết.

- Chị mang ơn anh ấy nhiều, chuyện dài lắm. Anh ấy...

Chị bỏ lửng câu nói, tôi đã mường tượng ra sự việc. Tôi chợt nghĩ đến câu trước kia lão hay nói "chú phải làm lại cuộc đời". Hình ảnh hôm lão say, lão cầm chai bia Hà Nội và rất nhiều tiền về nhà. Hôm ấy, lão đã đuổi tôi.

Bữa cơm trưa, lão xách hai chai bia Hà Nội ra, một cho tôi và một cho lão. Lão gắp cho vợ và đứa con. Lão cho đứa bé ngồi vào lòng mình. Lão cưng nó lắm, chiều nó lắm. Lão cười nhiều trong bữa cơm. Tôi ăn chậm rãi, tôi thấy bia Hà Nội ngon thật, chưa bao giờ thấy bia ngon như thế. Uống hết một chai lão không uống nữa mà bắt đầu ăn. Đứa con ba tuổi ngồi trong lòng của lão nghịch lắm. Nó tròn xoe mắt nhìn tôi. Tôi nhìn gia đình lão qua cái gương lớn. Cái gương lão mới mua.

Trại Nhãn, những ngày rét 2008

L.B

Con béc giê phản chủ

1

Con béc giê sau biết bao ngày chăm bẵm, bây giờ là cần câu cơm hữu hiệu của lão. Nó to chừng bằng con bê. Làng trên xóm dưới ai nhìn con chó cũng thấy thích, ao ước nhà mình cũng có một con chó khôn như thế.

Trên bờ tường lăm nhăm vết bùn đất, vết vôi nổ khi tôi không chín, vết thâm của mưa nắng, lão lấy vôi quét trắng một khoảng rồi ghi nguệch ngoạc dòng chữ "có chó béc giê đực giống tốt". Hiển nhiên lão làm dịch vụ cho con béc giê phối giống. Cái nghề nàyăn khách phết, chẳng tốn công tốn sức, chẳng phải đầu tư tiền bạc. Với lão, đó cũng là một nghề kiếm tiền không giống ai. Mỗi ngày lão chỉ cho con béc giê nhảy hai đến ba lần thôi. Lão sợ nó gầy yếu, sợ nó không thọ được lâu. Xong lão ngửa tay lấy mấy chục ngàn ngon ơ.

2

Lão chăm bẵm nó từng li từng tí. Hằng ngày người ta thấy lão cần mẫn xuống ao đánh cá hay đi chợ mua tiết lợn, mua mỡ bèo nhèo về cho con chó. Lão mừng, lão vui nhìn con béc giê lớn từng ngày.

3

Mẹ lão nằm liệt giường gần một tháng nay. Bệnh viện trả về vì bệnh gan. Bà muốn chết đi cho xong. Bụng bà cứ mỗi ngày một trướng lên, kéo theo những cơn đau. Rồi bà nôn ra hết những gì có trong ruột làm cho vợ lão đã ngán lại ngán hơn. Lão không động tay, động chân đến việc thay quần áo hay dọn cái thứ nôn mửa chết tiệt đó. Trong đầu, lão chỉ chăm chăm mong cho bà chết sớm ngày nào hay ngày đó.

Mấy tháng trước, khi còn khỏe, bà đi xem thầy, thầy nói, cái chết của ông cụ là cái hạn của nhà lão phải gánh chịu khi làm xong nhà mới. Nhà xây trên phần đất của ngôi chùa cổ ngày xưa. Người ta nói chùa thiêng lắm.

Ông mới ra đi được mấy tháng, bây giờ sắp đến bà. Có lẽ đúng như lời thầy phán, cái chết của bà như một sự tất nhiên.

Nhiều lúc, nhìn mẹ mình suốt ngày đi chùa, đi lễ rồi về nhà nói lảm nhảm những chuyện chết chóc, chuyện đất cát linh thiêng, lão bực mình. Lão cũng lo cho chính lão lắm chứ, lo mình không sống thọ hết đời để hưởng lộc, hưởng giàu sang phú quý.

- Anh đi nói với bác sĩ xem thế nào, chứ mẹ hôm nay nôn nhiều quá.

- Chắc bà sắp đi rồi. - Lời nói văng ra điềm nhiên từ miệng lão.

Nói xong lão thở một hơi dài như trút bỏ gánh nặng. Vợ lão khó chịu lắm nhưng không dám ho he mở miệng nói thêm một câu gì.

tì bi.

Thằng Phúc vừa từ trong nhà với bà nhưng nó lại chạy đi một lát. Nó đi hái cho bà một nẹn lá

- Hay anh vào trông bà một tí, tôi đi gọi bác sĩ. Lão bực.

- Trông gì mà trông. Thằng Phúc đâu, vào trông bà mau.

Thằng Phúc vừa hái lá tì bi về đến ngõ. Phúc ham chơi đứng lại nhìn bọn trẻ chơi ô ăn quan. Lão tưởng Phúc ngồi ở đó chơi từsáng sớm, nên tức lắm. Mắt lão gườm gườm. Hai con mắt đỏ ngầu nhìn thẳng vào mắt của Phúc như muốn ăn tươi nuốt sống. Lão vớ ngay cái chổi dựng sẵn ở bậc hè, lừ lừ đi ra ngõ:

- Quan với chả ô này! Tao nói mà mày không nghe này.

Mỗi tiếng "này" của lão là một nhát cán chổi quật mạnh vào người thằng Phúc. Thằng Phúc nhảy tưng tưng, ba chân bốn cẳngchạy thật nhanh vào nhà, nhưng càng chạy lão càng hăng. Tiếng la hét của thằng Phúc vang khắp xóm.

Trong nhà, bà vẫn nằm rên rỉ, tiếng rên không đều, lúc như muốn gào thét lên nhưng sức yếu nên không thành tiếng, lúc như buông xuôi tất cả. Lão biết thế, vợ lão biết thế nhưng cũng chỉ biết để đó thôi. Bà không còn sức để vật lộn với cơn đau. Trongbụng, hàng trăm con kiến đang cắn xé từng mảnh thịt. Bà cảm giác như thịt đang thối rữa dần ra từng ngày. Tiếng thều thào nghe rõ mồn một khi bà nghe thấy tiếng la hét của thằng Phúc.

Phúc chạy vào phòng bà mình đang nằm. Đây là phòng mà lão đã tận dụng từ đống gạch vụn, vôi vữa bỏ đi sau khi xây căn nhà hai tầng đẹp đẽ đầy tiện nghi. Nó nằm bên cạnh căn nhà hai tầng. Người ta nghĩ là chuồng gà, chuồng lợn nhưng cũng khôngphải, chẳng lẽ lại làm chuồng gà chuồng lợn cạnh nhà lão ở. Nhiều người già chửi lão là đồ bất hiếu, là thằng bất nhân, không coi bố mẹ ra gì. Người ta nói gì mặc kệ. Lão nói: còn hơn khối ông bà ở nhà tranh vách đất hay nhà ngói ọp ẹp, mùa mưa thì dột tứ tung, mùa nắng thì trong nhà cũng như ngoài trời. Ông bà nhà này như thế là tốt lắm rồi. Bất hiếu gì mà bất hiếu, bất nhân gì mà bất nhân... Lão cứ bô bô như thế.

Phúc ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh vào phòng. Ngày trước, lúc bà còn khỏe, mỗi lần bị lão đánh nó nằm gọn lỏn vào lòng bà, hay nấp vào sau lưng bà. Dạo này, lão không dám đuổi đánh nó nữa vì lão ghê tởm khi vào căn phòng đầy mùi kháng sinh,mùi thuốc, mùi phân non, nước tiểu trộn lẫn với nhau hôi khăm khẳm.

Nhà trên, tiếng vợ lão vọng qua:

- Thôi, để thằng Phúc trông bà cũng được, anh cứ ở nhà mà chăm bẵm con chó của anh đi. Tôi đi mời thầy thuốc.

Lão quát lớn:

- Không có mời với miếc gì nữa hết. Mày định bán nhà trả nợ à?

- Còn nước còn tát. Bà sống được ngày nào với con với cháu thì hay ngày đó.

Trong nhà, bà nghe câu được câu mất của hai vợ chồng. Bà đưa ánh mắt về thằng Phúc đang ngồi bên, lấy bàn tay nắm lấy bàn tay Phúc. Một già, một trẻ.

Lão vớ luôn cái điếu cày dưới gầm bàn, phi mạnh về phía vợ một cách điệu nghệ. Vợ lão đã nhiều lần bị lão đánh đập kiểu này, tránh cái điếu biết bay của lão. Chẳng may, cái điếu bay trúng đầu con béc giê đang vểnh tai lên nghe ngóng tiếng cãi cọ của hai người. Nó kêu thảm thiết. Nó quay quay mấy vòng rồi nằm yên một chỗ. Mặt lão liền biến sắc, đôi mắt đỏ ngầu long sòng sọc. Vợlão lẳng lặng nhìn con chó - nhìn lão với cùng một ánh nhìn rồi quay ngoắt.

Lão ngồi xuống, khẽ nâng con vật cưng lên. Thấy còn thở, mắt lão sáng, tay run run vuốt lưng con vật yêu. Lão đặt nó vào một cái thùng các tông nhỏ. Con chó từ từ mở mắt một cách khó khăn, gắng gượng. Nó vẫn nằm bất động như không muốn mở mắtnhìn ông chủ đang lo lắng hết hơi vì nó.

4

Từ khi con béc giê của lão bị thương, suốt ngày lão dán mắt vào nó. Lão chăm con chó còn hơn cái ngày thằng Phúc còn nhỏ.

- Thằng Phúc! Mày vào phòng bà lấy lọ dầu gió ra đây. Tao xoa cho con chó. Mau!

Nó không dám nhìn ánh mắt dữ tợn của ông, vội vàng quay vào nhà. Bà vẫn quằn quại đau.

- Bố ơi bà lại lên cơn đau. Nhanh lên, bố qua đây đi, bố!

Thằng Phúc thấy lâu quá. Bố không trả lời. Nó không biết làm gì nên khóc òa lên:

- Bố ơi! Bà đau lắm. Bố ơi!

- Mày mắt mù à, không thấy tao đang làm gì còn đứng đó la hét. - Lão đang vuốt ve con chó, ôi này, thương con quá, thằng Vàngcủa bố. Đứa nào không chăm sóc con đàng hoàng thì bố giết nó. Thương Vàng quá. Lại dỗi nữa kìa. - Lâu quá, mày rặn đẻ hay sao mà lâu thế? Lấy có lọ dầu mà như thế à?

đỡ.

- Bố ơi! Bố vào đây đi. Con sợ lắm! Bố! Bà đang bị đau, con xoa bụng cho bà mãi nhưng không

Mắt lão liếc sang trái. Bất chợt, thằng Phúc câm như hến. Nó ngậm ngùi tránh ánh nhìn của bố. Nó chỉ biết nấc rồi nắm lay bà như an ủi mình. Bà vẫn nằm quằn quại, rên rỉ.

- Bà ơi! Bà đừng nản, mẹ sẽ gọi bác sĩ đến ngay. Có cháu ở đây với bà rồi mà. Hu... hu hu... Cháu thương bà lắm. Bà đừng chết nhé. Bà mà chết, lúc bố cháu đánh. Cháu sợ lắm. Cháu sợ lắm bà ạ. Hu hu hu... Cháu chỉ muốn bà sống với cháu thôi. Cháu thương bà nhất. Cháu không thương bố cháu đâu. Bố cháu hay đánh cháu. Hu hu... hu.

Nó ngồi bên bà khóc một mình, lảm nhảm một mình. Chẳng biết bà có nghe hết những lời nói kia của nó không. Chắc có. Có chứ, bà nó vẫn nghe nó nói, vẫn nghe bằng mắt. Bà thấy Phúc khóc cũng khóc theo nó.

- Bà ơi! Bà đừng khóc nữa. Cháu sẽ ngoan không khóc nhè nữa đâu. Khi nào bà khỏi. Cháu sẽ trồng cho bà mấy cây tì bi ở vườn. Để bà không phải mất công chống gậy đi ra mãi tận đầu làng hái nữa nhé.

Bà nó nhìn nó, miệng móm mém méo đi, khẽ cười với Phúc.

5

Lão đang loay hoay với con chó thì bà Tính xóm dưới tới thăm.

- Anh Lợi đấy à?

- Vâng, cháu đây. Bà sang chơi đấy ạ?

- Ừ. Tôi sang với mẹ anh một chút. Bà ấy thế nào rồi hở?

- Mẹ cháu vẫn thế bà ạ.

- Bà ấy đang ở trong nhà à?

- Vâng, mẹ cháu vẫn ở trong đó. Mời bà vào.

- Ừ. Mà con chó bị làm sao mà lại phải xoa bóp thế kia?

- Nó bị chó nhà ai cắn vào đầu, may mà lê được về nhà bà ạ.

Bà Tính chống gậy lủi thủi đi vào nhà với người bạn già. Trước mặt bà Tính là một bệnh nhân già yếu vật vã ôm bụng. Thằng Phúc vẫn ngồi bên cạnh xoa bụng cho bà. Thằng bé tội nghiệp chỉ ngước lên chào bà một tiếng rồi tiếp tục công việc của mình.

- Bà ơi, bà đỡ hơn tí nào chưa? Sao cháu không lấy dầu gió mà xoa cho bà?

- Bố cháu đang xoa cho con chó ngoài kia bà ạ!

Nghe xong câu nói của thằng Phúc, bà Tính giật mình, dằn mạnh chiếc gậy xuống đất, rồi đứng thẳng lên. Bà chỉ biết đau đớn gật đầu trước câu nói của con trẻ. Bà ngồi xuống giường, khẽ nắm lấy tay người bạn già:

- Bà Lợi ơi! Bà Lợi! Bà có nhận ra tôi không?

Bà Lợi không trả lời, chỉ khẽ quay lại nhìn bà Tính. Bà nén cơn đau về thể xác lại để nhìn rõ người bạn già. Đôi mắt bà ươn ướt, miệng mím chặt. Bà từ tốn quay mặt vào tường, tấm thân run lên trên chiếc chiếu nhàu nát tua tủa sợi cói.

- Khổ thân bà, lúc khỏe thì lo cho nó hết việc này đến việc kia; đến lúc nằm liệt giường, nó chẳng thèm đả động đến. Âu cũng làcái số thôi. Nó ăn ở bạc nhược thì trời sẽ đánh nó, bà đừng suy nghĩ nhiều làm gì cho tội cái thân ra. Mình già rồi. Phúc, cháuchịu khó chăm bà nhé!

- Vâng ạ.

- Mới ngày nào, mỗi phiên chợ bà đều mua bánh đúc, kẹo mật cho cháu mà bây giờ... - bà

Tính vừa nói vừa xoa đầu thằng bé.

- Vâng ngày trước bà hay mua kẹo và bánh cho cháu. Thằng bé vừa nói vừa cầm tô cháo đang nghi ngút khói lại giường. Nó gọi bà dậy. Bà ơi! Bà dậy ăn đi, kẻo nguội lại lạnh bụng.

- Mấy hôm nay bà ăn gì hở Phúc?

- Bà ơi! Bà cháu chỉ ăn cháo thôi. Có gì ngon cũng không ăn được, lạ bụng, ăn được chừng nào nôn ra từng nấy.

- Lúc sống thì chẳng cho ăn, lúc sắp đi thì mua hết thứ này thứ kia. Người hiền lành, phúc đức thì bệnh này tật kia, còn người độc ác thì vẫn sống nhăn răng. Ông trời không công bằng... không công bằng.

Bà Tính đưa mắt nhìn lên phía đầu giường, nào là cam là sữa, là đường xếp lỉnh kỉnh. Đó là quà của làng xóm đến thăm bà, biếu bà. Lúc nào bà Tính đến, đầu giường cũng đầy quà như thế. Người ốm chẳng ăn được thì người khỏe ăn. Ăn không hết thì lão xách ra hàng tạp hóa phía cuối làng nhờ bán hộ. Chẳng biết chủ quán có giữ mồm giữ miệng không mà chuyện này đã đến tai người trong làng.

- Phúc ơi! Ai hái lá tì bi cho bà hở cháu?

- Hồi sáng, cháu mới đi hái bà ạ!

- Ừ, cháu chịu khó hái cho bà nhé. Lúc nào bà thấy thì hái cho ít.

- Nhưng cháu chẳng biết bà cháu cứ để lá tì bi ở đầu giường làm gì nữa? Lúc còn khỏe bà cháu cũng hay để lắm bà ạ!

- Ừ, lớn lên rồi cháu sẽ biết vì sao.

6

Con béc giê của lão đã dần dần lành vết thương. Nó nhìn lão bằng đôi mắt khác ngày trước. Đó không phải là ánh mắt mang ơn người cứu nó. Đó không phải là ánh mắt của một con vật nhìn chủ. Rồi mươi mười ngày sau, nó khỏi hoàn toàn. Bộ lông xơ xác của những ngày tháng đau ốm đã bắt đầu được thay thế. Bộ lông được chải chuốt, cắt tỉa, tắm gội bằng dầu tắm riêng. Suốt ngày lão quấn quýt bên chó. Vợ con, mẹ già cứ mặc.

7

Đến hôm nay là ngày thứ bốn mươi bà từ bệnh viện về nhà

- Bà ơi! Tôi sang với bà đây này! Bà nhìn tôi một lát đi. Tôi Tính đây. Nhận ra rồi đúng không hở bà? Đúng rồi, tôi Tính đây. Còn đây là lá cúc tần của bà, tôi thay lá nhé. Lá hôm qua héo hết rồi, con ma nó không còn sợ nữa. Tôi thay lá mới, con ma sẽ không bắt bà nữa.

Lần này, bà nâng bàn tay phù lên, lớp da căng màu xám xịt, cứ tưởng sau lớp da kia chứa đầy nước. Bàn tay bà Tính khẽ đặt lênbàn tay gầy guộc, những nếp nhăn như muốn thách thức với thời gian, vẫn trườn đi trườn lại mỗi khi cử động. Đôi mắt kèm nhèm của hai người già nhìn nhau. Cả hai muốn nói với nhau rất nhiều điều.

Ngày thứ bốn mươi ba

Lão ngồi ở bậc hè, tay chống nạnh chỉ trỏ, sai khiến đám thợ mộc. Họ đang xúm tay lại ghép từng mảnh ván màu nâu thẫm thành chiếc quan tài cho mẹ lão. Bà đã chuẩn bị những tấm ván này từ rất lâu, không muốn phiền hà con cháu điều gì.

Ngoài sân, tiếng đục, tiếng chàng, tiếng cưa vang lên dồn dã. Lúc còn khỏe, bà nhờ mấy người thợ mộc đốn ngã, rồi đem xẻ thành những mảnh ván. Gỗ ngâm cả mấy tháng trời, lúc vớt lên phơi phóng xong, bà giục đám thợ đóng quan tài cho bà luôn nhưng đám thợ không muốn chuẩn bị một cái gì trước. Họ nói: Đóng quan tài trước cho bà khác gì chờ bà chết.

- Gỗ này, ba năm sau chắc tốt lắm đấy bác Lợi ạ.

Lão đi đi, lại lại quanh mấy người thợ mộc như muốn dò xét điều gì. Lão nâng mảnh ván lên ngắm nghía một lát rồi đặt xuống.

- Nhưng thấy ghê ghê kiểu gì ấy.

- Ghê gì mà ghê, mày không đóng thì tự tay tao đóng. Khối tiền ra đấy.

Tiếng cọt kẹt vẫn khẽ kêu lên cùng với những lần bà trở mình, những lần quằn quại. Tiếng ho của một người thợ bị sặc thuốc lào. Thuốc lào mốc.

Tiếng bào, tiếng đục, tiếng cưa xoen xoét vẫn vang lên đều. Đám thợ nói về một chuyện gì đó mà lão không hiểu.

Con chó của lão từ sáng sớm sủa đám thợ mộc đến thảm. Lão đe, nó cũng không thôi. Nó càng sủa lớn hơn, sủa nhiều hơn. Có lúc, nó sủa cả lão. Lão càng đe, nó càng sủa. Tiếng chó, tiếng đục chàng, tiếng ván, tiếng búa, tiếng người lẫn lộn.

Ngày thứ bốn mươi lăm

Mắt bà vàng quạch, giác mạc đục ngầu. Da vàng như nước tiểu. Hơi thở lúc nhanh lúc chậm. Ngón tay bà lật bật khi muốn cử động, muốn xoay người cho đỡ mỏi. Tất cả những điều đó chỉ có bà Tính, thằng Phúc và vợ lão biết rõ.

Bà nâng bàn tay yếu ớt. Khẽ khẩy khẩy vào đầu giường. Bà Tính hiểu ý, liền lấy một đùm được bà bọc mấy lớp ni lông. Mở ra, thì ra đó là mấy mét vải đỏ và mấy mét vải trắng mà bà Lợi đã dành dụm mua về từ lâu lắm rồi.

Ngày thứ bốn mươi sáu

Con béc giê của lão đã khỏi hẳn. Chạy nhảy khắp sân. Có việc đi đâu lão lo canh cánh đến con chó ở nhà. Lão luôn sợ, sợ mộtđiều chẳng may đến với con chó. Lão vui mừng nhìn con chó, ánh nhìn khoái trá và tự đắc.

Ở cái làng Bến này, ai có được con chó như lão đâu. Ở cái xã, có khi cả huyện, cả nước cả... có ai chăm chó hơn lão. Lão thấy mình hơn người, hơn tất thảy mọi thứ.

Sáng sớm, bà Tính lưng còng chống gậy sang với bà Lợi. Đưa mắt nhìn rồi quay sang lão:

- Con chó khỏi rồi à? Giọng lão hớn hở trả lời:

- Vâng. Mừng quá, chăm nó mãi nó mới được thế này đấy bà ạ

- Người thì không chăm lại đi chăm chó!

Lão nhìn bà len lén, tiếp tục vuốt ve con chó cưng của mình. Lão vẫn sợ bà, trong cái làng Bến này bà là người mà lão sợ. Ngoàira, tất thảy mọi người lão khinh, khinh vì cái nghèo của họ, khinh vì không ai có cơ ngơi, có nhà to như lão. Không ai có con bécgiê như lão. Đi đến đâu, mặt lão cũng vênh lên như muốn ra oai.

Vừa thấy bà, con béc giê chạy lại quẫy đuôi mừng, dụi vào chân bà. Nó đã quen với sự có mặt của bà Tính từ khi bà Lợi nằm liệt giường. Nó như đã xem bà là một thành viên trong nhà. Nó theo bà vào căn phòng đầy mùi kháng sinh, mùi phân non, mùi...

Ngày thứ bốn mươi bảy

Lão sai vợ làm thịt con gà, nấu cháo lên cho bà ăn. Từ khi bà nằm đến nay, có lẽ đây là lần đầu tiên lão dành một phút hiếm hoi quan tâm tới mẹ.

- Tiên sư bố chúng mày chứ. Ăn với chả ở, đâm đầu mà chết đi, lũ ăn hại.

Nói xong bà Tính nhổ bã trầu đánh toẹt ngay giữa cửa. Bát cháo gà trên tay vợ lão liền vỡ choang trước mặt.

Con béc giê đánh hơi thấy mùi gà liền chạy xuống, đưa lưỡi liếm chỗ cháo vừa đổ. Ăn xong, con chó sủa lên những tiếng thảm thiết. Nó chạy vào trong phòng. Đưa hai chân trước lên giường. Nó định dùng lưỡi liếm những ngón tay của bà nhưng thằng Phúc không cho. Nó chạy quanh căn phòng, tiếng ư ử trong miệng con chó cứ phát ra đều đều.

Ngày thứ bốn mươi tám

Mắt bà mấp máy liên tục, bà muốn nói một điều gì đó nhưng không thể. Ngón tay bà khẽ đặt ngang bụng.

Hay bà đói. Không.

Không thể nào.

Bàn tay của bà từ bụng lại đặt vào ngực của mình. Bà đau ngực.

Hình như không phải thế.

Bà Tính luống cuống không biết ý bà muốn nói là gì.

- Bà ơi! Bà muốn nói điều gì vậy? Tôi chẳng thể hiểu nổi, bà cố gắng lên nào...

Hai giọt nước len nhẹ nơi hốc mắt. Bà muốn gặp đứa con duy nhất của mình - thằng Lợi.

- Bà muốn gặp thằng Lợi phải không? Hai mi mắt bà chớp nhẹ.

- Phúc, cháu lên nhà gọi bố xuống đây cho bà! Nhanh lên!

Thằng Phúc ba chân bốn cẳng chạy đi đâu một lát rồi trở lại... Nó nhìn hai con người già nua rồi nó chợt òa lên, chẳng dám nhìn người bà của mình.

- Sao? Bố mày đâu?

- Hức hức hức... Bố... bố cháu nói, đang mắc tắm cho chó.

- Nín đi cháu, bà cháu vẫn ở đây kia mà. Nào nín đi, ra ngoài nói bố vào đây cho bà gặp, cháu. Ngoan nào, bà vẫn ở đây chứ đi đâu mà cháu khóc lên như thế. Đừng khóc nữa, tội cho bà cháu ạ.

Tiếng bản lề hoen gỉ khẽ cót két vang lên. Ánh nắng vàng vọt cuối thu xộc thẳng vào giường như trút hết những gì còn sót lại của một ngày. Bóng người che khuất ánh nắng. Lão đứng ngoài cửa.

- Có việc gì mà bà cho gọi con đấy ạ. - Lão định quát thằng Phúc, nhưng khi nhìn thấy bà Tính nên đành hạ giọng xuống.

- Thì anh cứ bước vào hẳn trong này đi. Có ai ăn thịt anh đâu mà phải đứng tận ngoài đó kia.

Lão dò xét từng ngóc ngách căn phòng, mũi khịt khịt. Lần thứ nhất vào phòng là đưa bà từ bệnh viện về. Lần thứ hai là phải thay quần áo cho bà khi vợ lão ốm và lần này là lần thứ ba. Khi bà nằm trong này, lão vào đây với bà chỉ ba lần. Vỏn vẹn ba lần.

- Thế mày định không cho mẹ nhìn mặt mày lần cuối à. Mày không thương bà thì thôi cũng phải để bà ấy nhìn mặt lần cuối chứ. Mẹ mày xuống dưới kia rồi lúc đó có thương con thương cháu biết làm sao hở.

- Mẹ à, chúng con bất hiếu với mẹ, chúng con có lỗi, con chỉ mong mẹ chóng khỏe để con cháu được nhờ.

Ngón tay bà khẽ cầm lấy ngón tay của lão, đôi mắt ươn ướt của bà nhìn lão với vẻ trìu mến. Thằng Phúc thì ngồi ở cuối giường vừa nắn chân vừa nén tiếng khóc. Tiếng khóc của một đứa trẻ mười ba tuổi bị chặn không thành lời. Lão khóc. Lão khóc thật,khóc to nữa.

- Để dành nước mắt mà sau này khóc bà, chứ người còn sống sờ sờ ra đó mày khóc ai.

Con chó gừ gừ nấp sau lưng bà Tính. Tiếng gừ của con chó ngày một to hơn cho đến khi lão nhìn nó. Nó lại quẫy đuôi. Đôi răngnanh của nó bắt đầu dài ra, trắng hếu. Lão đi ra, để lại trong phòng một đứa trẻ và hai người già. Ánh nắng yếu ớt của một ngàytàn dần, chỉ còn lại chút vàng vọt của thời gian.

Ngày thứ bốn mươi chín

Ngày thứ bốn mươi tám không có lá tì bi ở đầu giường của bà. Bà Tính có hái lá, có đặt ở đầu gường nhưng không hiểu vì saokhông còn ở đó.

Lần đầu tiên bà Tính thấy bà Lợi ngủ được. Bà không lên cơn đau hay không thấy buồn nôn ọe nữa.

Bà chợt giật mình, hôm nay là ngày... bà bấm ngón tay. Một

Hai

Ba...

Bốn mươi bảy

Bốn mươi tám

Bà giật mình khi ngày hôm nay là bốn mươi chín ngày...

Bà vội vàng ngồi dậy, bên cạnh người bạn già của mình vẫn đang nằm. Mắt bà vẫn mở. Không phải

Thầy không thiêng.

Bốn chín ngày, bà vẫn còn đó, vẫn chưa về với ông bà tổ tiên.

Bà Tính cầm lấy bàn tay người bạn già. Bàn tay phải vẫn để lên ngực trái. Nhưng sao lại lạnh ngắt thế này. Bà không tin vào cảm giác nữa, bèn khẽ lay người, nhưng bà vẫn nằm im. Mắt bà vẫn mở. Không. Không thể nào như thế này được.

Bà đã chết thật ư. Chết mà không kịp nhắm mắt. Chết mà vẫn chưa yên lòng. Chết là hết. Con người chốn trần gian chỉ là ở tạm, ở trọ để hoàn thành công việc. Hoàn thành cái sứ mệnh làm người xong rồi về với ông bà với tổ tiên mình.

Bà Tính thở dài thườn thượt, rồi gọi hai vợ chồng xuống. Vợ chạy trước, lão lẽo đẽo theo sau, gian phòng vẫn âm u như nó vốn có, cánh cửa mở toang, ánh nắng mang cái hanh hao tràn vào. Người con dâu đến bên mẹ chồng, vừa khóc vừa kể lể chuyện này chuyện kia. Lão đến bên bà, cầm tay một hồi nhìn bà với ánh mắt sám hối. Bàn tay lão đặt lên đôi mắt vẫn còn mở, vuốt xuôi xuống. Lúc này lão mới ngậm ngùi trước linh hồn bà.

Thằng Phúc cầm một nắm lá tì bi mà nó đã đi hái từ sáng sớm. Nghe tiếng khóc của mẹ trong phòng bà. Nó vội vàng chạy thật nhanh vào. Bà vẫn nằm đó. Bà đang ngủ. Một giấc ngủ say. Nó đặt nắm lá bên cạnh. Nó không khóc, nó không tin bà chết, bà nó chỉ ngủ thôi, ngủ rồi sẽ tỉnh dậy. Nó muốn khóc lên thật to nhưng cổ họng cứ nghẹn lại chẳng cho âm thanh phát ra. Nó nấc lên từng hồi. Nó khóc. Nó khóc to hơn. Nó thét lên. Trong miệng, những tiếng "bà" không thành lời méo mó trong sự đau đớn.

Con chó khịt khịt mũi. Nó chạy quanh sân nhiều vòng. Chân nó hễ gặp gì là cào là cấu. Đôi răng nanh nhe nhọn hoắt trắng hếu cắn xé bất cứ vật gì.

Gió heo may thổi rận rịt. Tiếng trống tiếng kèn lúc ẩn lúc hiện lúc trầm lúc bổng khiến ai đó phải rùng mình.

Chiếc xe tang chầm chậm nhích từng mét trên đường làng gồ ghề, dài hun hút ra bãi tha ma. Lão đi bên chiếc xe tang, một tay chống gậy, một tay vịn lấy chiếc quan tài. Lão im lặng. Mắt lão đỏ hoe không biết vì khóc hay vì khói hương. Cờ đỏ, cờ trắng giăng khắp đường làng, tiếp đến là bàn rước vong và cuối cùng mới là chiếc xe tang. Lá cờ bay như muốn cuộn những đồng đô la xanh đỏ những đồng tiền hai trăm những vàng mã lên không trung. Tiếng trống, tiếng kèn hòa lẫn với tiếng phách tạo ra âm thanh não lòng. Bãi tha ma dần hiện ra trước mặt. Người đàn bà giữ mộ khóc nỉ non.

8

Sắp tới ngày giỗ lần thứ ba của bà. Lão đã chuẩn bị nào cát nào xi măng nào gạch, bia... để xây lại mộ. Trong đêm, từng trận giórít lạnh đến thấu xương, lão và mấy người thân thích cùng ông Khoái ở xóm trên bốc mộ cho bà. Lão tự tay đào những xẻng đất đầu tiên, tay lão run run. Lão sợ.

Ông Khoái bật nắp quan tài lên, bỗng vội vàng nhảy lên khỏi miệng huyệt. Người bà vẫn còn nguyên vẹn, từ quần áo, đầu tóc đến hình hài. Không ai dám lại gần. Không ai dám làm thay công việc của ông Khoái. Ông Khoái cầm chai rượu tu một hơi thật to chép chép miệng. Ông uống thêm một hơi nữa, uống như muốn mình phải say lúc này. Chai rượu vơi đi hơn nửa, lúc đó ông thấy

mình ngà ngà say, mắt lờ đờ, tay run run. Một chai rượu nữa được đưa cho ông. Lần này ông không tu nữa, cầm chai rượu xuống huyệt. Từng giọt chảy khỏi miệng chai vào người của bà, từng mảng thịt bắt đầu lìa khỏi xương, tan thành nước. Từng mảnh xương được đặt vào chiếc tiểu sành một cách cẩn thận. Lão đứng trên miệng huyệt nhìn chăm chăm.

Lão sợ.

Bốc mộ xong, lão lấy mấy miếng ván sung đem ngâm dưới ao. Độ tuần sau, lão vớt lên tự tay làm cánh cửa chuồng lợn. Nhà lão có đàn lợn con mới đẻ nên hay chạy ra ngoài. Mặc dù những miếng ván được chắp nối thành cửa trông chắc chắn nhưng lợn mẹcứ đùn ra. Đàn lợn con vẫn tung tăng ra ngoài. Lão tức quá chẳng làm gì được, bèn nảy ra sáng kiến mang con béc giê xích ngay ở gần chuồng lợn.

Ngày thứ nhất, con béc giê gặm tấm ván sung lỗ chỗ - Lão lấy chiếc dép bọt vả lia lịa vào mõm con béc giê.

Ngày thứ hai, nó gặm thủng một lỗ - Lão lấy thanh sắt đập mạnh vào mõm.

Ngày thứ ba, nó ăn thịt mất hai con lợn. Khi lão đi xuống thì con béc giê đang nhá đầu lợn nghe rau ráu - Mắt lão long sòng sọc, con ngươi đỏ ngầu. Lão cầm thanh sắt hôm qua đánh nó, vụt thật mạnh vào mõm một lần nữa, tiếp theo là vụt ngang lưng. Con béc giê mắt trừng lên nhìn lão. Nó giật mạnh dây xích. Vằng mạnh. Dây xích chắc quá, nó không thể. Nó vẫn cố gắng vằng thậtmạnh, cố gắng vượt khỏi sự đánh đập, vượt ra khỏi xiềng xích. Lão giáng mạnh thanh sắt xuống chân, con béc giê không thể nào thoát khỏi bàn tay lão. Tự nhiên, nó quay lại miếng ván sung, lấy hết sức mình cắn mạnh vào mảnh ván đó, mặc cho lão giáng những đòn khủng khiếp vào thân xác.

Gỗ sung lúc này còn thấm nước chưa khô nên vẫn còn dễ gặm. Từng vụn gỗ cứ rời ra từ miệng con chó. Nó càng gặm. Lão càng đánh nó. Khi một lỗ thủng nữa hiện ra thì con béc giê lấy hết đà xông tới người lão. Lão khẽ lui lại. Lão tưởng sợi dây xích sẽ ngăn con chó lại. Nhưng không. Dây xích đã đứt. Nó lao chồm lên mặt lão, làm lão không kịp phản ứng gì, ngã bổ chửng ra ngay chỗ lão đứng không xa. Mắt con chó long lên, bốn chân ôm trọn người lão, còn miệng thì nhe hai cái răng nanh nhọn hoắt.

Lão cố gắng vằng, cố gắng thoát trước con chó như con chó tìm mọi cách thoát dưới ngọn roi sắt của lão. Con béc giê cắn mạnh vào tay lão một cái. Nó lắc mạnh sang hai bên một hồi. Lão hét thật lớn nhưng không ai đến. Con béc giê thỏa mãn. Trước khi chạy một mạch về phía bãi tha ma nó còn gầm gầm gừ gừ trước mặt lão.

Mấy ngày sau lão đi tìm con béc giê nhưng không thấy. Người ta nói, con béc giê là hiện thân của người âm lên trừng trị lão. Vết thương trên tay lão cứ sưng dần, thâm tím màu gỗ sung ngâm.

Họ hàng cúng cơm ba ngày cho lão xong, con béc giê lại trở về. Người ta lấy gạch, lấy đá ném và đuổi nó đi.

Đêm đêm phía ngoài bãi tha ma đầu làng, thấy tiếng con chó tru lên từng hồi thống thiết như tiếng nó lúc bị lão cầm cây roi sắt đánh. Lâu lâu lại nghe tiếng la, tiếng hét toáng lên rồi tiếng cười khanh khách. Nhưng nghe rõ nhất là tiếng tụng kinh niệm Phật,tiếng mõ không biết từ đâu phát ra đến thê thiết.

Hà Nội, 11.2008

L.B

Ngày trở về

Ông miệt mài ngồi trên chiếc cầu bào lởm chởm những vết cưa vết đục. Khuôn mặt hiện vẻ khắc khổ. Hốc mắt sâu hoắm. Gò má cao. Tiếng xoen xoét của lưỡi bào đều đều phát ra. Lóng bào cuộn tròn, nhảy tưng tưng trên miệng bào thẳm. Lóng ngắn lóng dài cùng xô nhau trước cơn gió thoảng qua. Gỗ Vàng Tâm thơm hắc một góc nhà.

- Bố ơi! Hình như có khách đến đặt hàng hay sao ấy.

- Nói với người ta đợi bố một tí. Con bưng ấm chén lên pha ấm nước.

- Vâng.

Ông phủi dăm bào trên người, xỏ đôi dép Lào màu đã bạc xám. Chiếc bút chì giắt ở mang tai để nguyên. Tay cầm đùm thuốc lào và chiếc điếu cày. Ông ung dung và điềm đạm trong suy nghĩ và cả hành động.

Ông bước chậm rãi lên nhà. Tiếng kêu kẹp kẹp quen thuộc từ đôi dép Lào. Mỗi khi chạm vào phần chai của bàn chân, tiếng kêu lại càng to hơn. Người đàn ông và thằng con trai ngồi trên tấm ván kê tạm làm chỗ tiếp khách. Mặt bàn là miếng ván dổi mới xẻ, mùi gỗ còn hăng hăng.

Hai hôm trước, bộ xa lông mới đóng cho nhà đã bán. Mẹ tôi ca cẩm đi ca cẩm lại. Nào là thợ mộc mà cái chỗ tiếp khách cũngkhông có nổi cái bàn cái ghế. Mang tiếng thợ mộc, chẳng có một vật dụng hẳn hoi. Cái gì cũng tạm bợ. Nhà không ra nhà, cửa không ra cửa. Năm thì mười họa mới làm cho nhà được bộ xa lông, có ai hỏi mua lại bán. Tôi cũng công nhận mẹ nói đúng. Mẹ phản ứng bằng cách ra vào đá thúng đụng nia. Khuôn mặt lúc nào cũng hằm hằm. Trong nhà, chỉ có chiếc giường còn nguyên. Một giường cưới của bố mẹ. Một bố làm cho riêng tôi.

Ngồi xuống tấm ván, ông chào người khách. Tay lấy một cái lông cánh gà thông nõ điếu, từ từ vo viên thuốc. Tay kia cầm lóng bào được gấp đôi làm đóm đưa lên nõ điếu rít nhẹ nhàng, cuối cùng rít một hơi thật kêu. Khói từ miệng từ nõ điếu từ miệng điếu cuộn tròn bay lơ lửng trên mái đầu chớm bạc. Rít xong điếu thuốc ông mới từ từ hỏi chuyện hai bố con.

- Hai bố con đến đây chơi đấy à?

- Cơ ngơi của bác có vẻ khá nhỉ?

- Có gì đâu, vài miếng gỗ với đống đục chàng, cưa bào thôi.

- Lâu nay có nhiều việc không hở bác?

- Thì vẫn như trước. Hai thầy trò làm đủ làm. Chú ở xã bên?

- Vâng em ở bên Phú Cường.

- Tôi trông quen quen. Chú và cháu uống nước đi.

- Vâng em xin. Em chỉ mong được như bác thôi.

- Hình như chú không làm mộc.

- Vâng. Em ở nhà phụ việc đồng áng cho mẹ thằng này.

- Thế mà lại hay đấy chú ạ, chứ làm cái nghề này vất vả mà vợ con đâu có hiểu cho. Nhiều lúc cũng chán lắm, muốn bỏ nghềnhưng nó ăn sâu vào máu của tôi rồi. Bỏ thấy tiêng tiếc.

- Chắc thu nhập cũng khá lắm bác nhỉ?

Ông không trả lời câu hỏi của người đàn ông mà ông rút chiếc bút chì giắt trên mang tai đặt xuống mặt bàn gỗ dổi, hút một điếu thuốc lào.

- Hôm nay, hai bố con em đến đây có chuyện thưa với bác.

- Thế à, chú và cháu cứ tự nhiên.

- Nhà em khó khăn, cháu nhác học muốn đi làm, nhưng chẳng biết làm việc gì. Nghe nói bác có nhận thợ phụ nên em...

Trước vẻ mặt đăm chiêu của ông. Hai bố con ái ngại khi thưa chuyện vừa rồi. Ông vẫn ngồi yên, vo điếu thuốc lào thứ ba trên tay. Hút thuốc xong ông nói:

- Cháu nhà chú còn ít tuổi, thiếu gì công việc mà làm, chọn nghề này cho vất vả, cực nhọc. Chú nên cho cháu đi học nghề gì phùhợp hơn.

- Em đã nghĩ kỹ rồi bác ạ! Nghề mộc tuy hơi vất vả nhưng có đồng ra đồng vào. Ông đứng dậy. Đi được một đoạn ông với lại:

- Nghề này không phù hợp với cháu nhà chú đâu. Chú về đi.

Hai bố con ra về, vẻ mặt khó chịu. Người bố còn nói một câu gì không rõ. Đưa mắt nhìn bộ bàn ghế tỏ vẻ khinh bỉ, vội vàng dắt xe đạp phóng thẳng một mạch.

* * *

Tôi thường được ông giao nhiệm vụ đánh giấy ráp và đánh vecni khi cái bàn cái ghế chuồng cửa sắp hoàn thành. Tôi rất ghét những việc này, nhất là đánh giấy ráp. Tôi không thích sự tỉ mỉ. Gỗ tạp đánh khó nhất. Lông gỗ cứ xù lên ngày một nhiều nếu không biết cách đánh. Bao giờ tôi cũng muốn làm cho thật nhanh, qua loa cho xong. Nếu có ông cùng làm, bắt buộc phải cẩnthận. Tôi thích đánh vecni hơn. Đó là công đoạn gần cuối cùng để hoàn thành cái ghế hay cái bàn, chiếc giường.

Tôi dự định sẽ không theo nghiệp của ông. Tôi gọi đó là cái nghiệp chứ không phải nghề. Nó như một sự kìm hãm, ràng buộc, không thể vươn lên một cái gì khá hơn nữa. Nó như một sự bằng lòng. Nhưng suy nghĩ của ông lại khác, ông muốn tôi nối gót.Ngay từ khi tôi còn nhỏ, ông đã hướng dẫn tôi từng động tác, mẹo nhỏ trong khi làm việc: Nào là phải mài lưỡi bào lưỡi đục lưỡi chàng làm sao để thấy màu xanh ở phần lưỡi, như thế lưỡi mới bén. Không được mài vội vàng mà làm hỏng. Không nên chỉnhbào sâu quá làm lốc ván, hay lúc đục phải chặn hai đầu xắn với nhau

kẻo toác lỗ đục, vân vân và vân vân... Tôi hững hờ với những lời dạy của ông. Tôi biết ông buồn. Nhưng sở thích của tôi làm những công việc nhẹ nhàng. Tôi thích những công việc không phải lặp đi lặp lại như thế tí nào. Suốt ngày, ngồi một chỗ với mộtđống đục chàng cưa bào tôi thấy ngán tận cổ. Và tôi cũng biết ông buồn lắm khi đọc được suy nghĩ của tôi về cái nghiệp mà ông hằng ngày vẫn miệt mài theo đuổi. Ông nội tôi đã từng làm mộc mà nuôi cả gia đình. Bố tôi nói, tôi phải học nghề này như một sự báo đáp ân nghĩa. Tôi không thể làm được. Lời nói của tôi làm ông nhiều đêm không ngủ. Đêm nay, ông lại lôi điếu cày, ngồi trầm tư một mình dưới lán mộc. Nằm trong giường nhìn ra, tôi thấy thương và có lỗi với ông nhiều quá.

* * *

Trận bão năm ấy to lắm. Tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh về cây cối, về những căn nhà đổ nát sau cơn bão. Những căn nhà trong làng như không còn sức lực để chống chọi. Nhà sập trước sự ngậm ngùi của người dân. Không ai chờ đón, vậy mà nhữngtrận bão vẫn như người khách không mời mà đến. Nó cứ xông thẳng vào quét sạch mọi thứ. Bố tôi ngồi bó gối nhìn trời. Ông thấy những ngọn cây xoan, ngọn cây bạch đàn phía bờ sông bị vít cong khi gió giật. Có lúc ông tưởng chừng như ngọn cây kia chạm tới mặt đất. Ông thấy thấp thỏm khi nhìn hàng bạch đàn, mặc dù hàng cây đó không phải của nhà tôi.

Căn nhà đang ở không việc gì nhưng cái lán mộc bị đổ nát. Tôi và ông cố chằng chống nhưng cũng không ăn thua gì với sức gió quật. Ông buồn. Còn tôi thấy thương ông hơn.

Bão tan, mọi thứ đều toang hoang. Trong lòng bố, tôi biết cũng toang hoang. Ông ngồi giữa đống đổ nát, vẫn vẻ mặt đăm chiêu. Nhặt trong đống đổ nát lên, một cái bút chì chỉ còn một mẩu nhỏ. Ông giắt lên tai cùng một tiếng thở dài. Mẹ tôi vừa dọn dẹp vừa càu nhàu:

- Mộc với chả mè.

Ông không nói gì. Ánh mắt đỏ ngầu. Ông lấy chiếc bút chì đang trên mang tai ném thẳng vào mặt mẹ. Ông đi.

Mấy ngày tiếp theo không thấy ông về nhà. Tôi lo, sợ ông nghĩ quẩn. Tôi đi tìm khắp làng trên xóm dưới nhưng mãi cũng chẳng thấy. Ngày thứ tư thì ông về. Mẹ chẳng nói gì, vẻ mặt vẫn bình thản như không. Đáng lẽ tôi định sẽ không hỏi về chuyện ông đi đâu mấy ngày nhưng tính hay tò mò nên tôi đành miễn cưỡng.

- Bố đi đâu mấy ngày. Con tìm mãi không thấy.

- Tao chán ở cái nhà này lắm rồi.

- Có ai cấm đoán ông đâu - mẹ tôi từ dưới bếp nói vọng lên.

Ông cầm cưa ra vườn. Tôi theo phụ ông một tay. Mấy cây xoan đổ ngổn ngang nhanh chóng được cưa đôi, cưa ba. Tiếng lưỡi cưa ngọt lắm. Tôi cảm nhận được, qua sự nhịp nhàng của bàn tay tôi và ông cò đi kéo lại. Mấy ngày không làm, lưỡi cưa vẫn sắc, vẫn ngọt. Tôi thấy lạ. Ông cũng thấy lạ. Mẹ tôi thì không đoái hoài gì tới việc làm lại cái lán.

Mãi sau này tôi mới biết, ông bỏ đi mấy ngày sang Phú Cường với ông Khoa thợ mộc ngồi uống rượu. Ông thấy chán ở nhà. Ông thấy chán cảnh ra vào đụng nhau với mẹ.

Tôi biết ông buồn. Ông cô đơn với cái nghiệp này. Tôi không bao giờ nghĩ sẽ theo đuổi cái nghiệp của ông. Tôi vẫn biết thế, nhưng tính tôi không được như tính của ông. Ông không nói ra nhưng trong thâm tâm, tôi đọc hết những suy nghĩ.

* * *

Dạo này, anh Liễu hay sang chơi với ông hơn, hay trò chuyện với ông. Nhiều khi, anh cầm đục cầm chàng cầm cưa, vậy mà không làm tôi chú ý. Tôi hỏi thì mới biết anh sang nhờ bố tôi làm mấy chiếc ghế đẩu. Bố tôi không làm. Ông nói: có gỗ, có đục, có chàng đó tự làm lấy. Mặc dù cách làm ghế đẩu là đơn giản nhất nhưng tôi nhìn cách anh cưa, bào cẩn thận lắm. Hôm làm xonganh Liễu trả tiền gỗ cho ông.

- Cháu gửi chú tiền gỗ ạ. Bố tôi xua tay:

- Tiền nong gì. Cháu tự làm. Bác thấy thế là tốt đấy.

- Vâng. Nhưng bác phải lấy tiền chứ, ai lại thế này?

- Bác đã nói rồi, mấy miếng gỗ chẳng đáng gì đâu. Gỗ đấy chắc chỉ làm củi thôi.

- Bác đã nói thế thì cháu xin.

- Cháu mà không làm chắc bác cũng chẳng làm đâu, bận quá mà chẳng có ai phụ cho.

- Cháu phụ bác được không ạ? - Anh Liễu nói.

- Được được, sao lại không! Từ mai xin bố mẹ sang đây bác dạy nghề cho.

- Bác cứ nói đùa. Cháu làm được việc gì đâu ạ!

- Người làm cái nghề mộc này phải có tâm. Cái tâm ở đây vừa là đạo đức tức tâm huyết với việc mình đang làm vừa là tâm vớichính vật mình đang làm trên tay. Cái ghế cháu làm tuy chưa đẹp, chưa chắc chắn nhưng bác biết cháu làm với tất cả tấm lòng của mình trong đó. Đó là tâm đấy cháu ạ. Người khác khó có được lắm.

Nghe xong câu nói của ông, anh Liễu chẳng nói gì. Chào bố tôi ra về. Hai hôm sau, anh Liễu và bố anh sang thưa chuyện với bố tôi.

- Chưa biết cháu có tâm huyết không, nhưng nghe bác nói vậy, cháu và tôi đều mừng quá. Định sang thưa chuyện với bác ngay hôm ấy nhưng mãi hôm nay mới sang được.

- Làm việc gì cũng phải toàn tâm toàn ý, làm với tất cả lòng yêu mến. Ông cụ tôi đã dạy khi ông còn sống, nên tôi giữ được nghề đến hôm nay. Tôi biết cháu Liễu giúp tôi được trong việc giữ nghề nên nói với cháu. Tưởng cháu không thưa chuyện với chú, ai ngờ... thế này thì tốt quá, tốt quá!

Nói xong, ông nhặt chiếc bút chì giắt lên mang tai, chậm rãi vê một điếu thuốc lào rồi rít thật kêu. Khói thuốc bay làn làn tỏa khắp căn nhà. Tôi ngồi nghe lõm câu chuyện, tự nhiên thấy mình là một thằng vô tích sự, một thằng bất hiếu, một thằng... Trong đầutôi bắt đầu có những ám ảnh về nghề mộc. Tôi thấy ghét nghề mộc.

* * *

Từ ngày anh Liễu đến phụ cho ông, tôi thấy ông vui hơn, nói chuyện nhiều hơn trước kia. Ông gọi tôi ra phụ ông công việc đánh giấy ráp và vecni. Ông còn biểu tôi vào đố, vào cái hay vào ván nong. Dần dần, tôi cũng quen với công việc. Tuy chưa lấy được mực, nhưng tôi dần học được tính của ông. Trong suy nghĩ của tôi, tôi vẫn không muốn mình theo cái nghiệp này. Nhưng lại thấy có lỗi nhiều quá với ông. Gần hai mươi tuổi vẫn lông bông. Bằng tuổi này, ông đã đi bộ đội, đã thồ biết bao nhiêu gạo, vác biết bao nhiêu súng đạn cho tổ quốc rồi. Vậy mà tôi chỉ là một thằng ăn bám, một thằng ăn hại.

- Bố mẹ, cho con đi miền Nam làm. Ở nhà mãi, con thấy chán lắm.

tao.

- Mày... mày giỏi nhỉ, học ở đâu ra cái thói ăn cháo đá bát thế hả. Cút. Cút đi cho khuất mắt

Ông dằn bát cơm chưa vơi một nửa xuống mâm, bước chân thất thểu đi xuống lán. Dưới lán, tiếng rít thuốc của ông vọng lên nhà trên nghe rõ mồn một.

* * *

Tính tôi nói là làm, chọn đúng ngày ông xuất hàng, biết có tiền. Tôi lén lấy trộm được hơn sáu trăm ngàn, trốn vào miền Nam. Bỏ mặc bố mẹ ở nhà. Vẫn biết mình là đứa con bất hiếu. Nhưng tôi muốn thay đổi, không muốn sống trong cảnh tù túng này nữa. Tôi muốn sự sung túc, muốn có tiền rủng rỉnh như mấy đứa bạn làm trong Bình Dương. Mỗi dịp Tết bọn nó về, tôi nhìn cách tiêu tiền mà phát thèm. Trong thâm tâm của tôi, chập chờn những hình ảnh về một ngày mai tươi sáng.

Xe chạy đến đèo Hải Vân, tôi thấy không khí thoáng đãng và dễ chịu biết mấy. Qua cửa kính, tôi thấy mây, thấy núi, thấy biển và những cây cổ thụ chạy dài. Tôi thấy ghét những cây gỗ kia. Tôi không muốn sự hiện diện của nó ở chuyến đi này. Tôi mong xe chóng đổ đèo.

Tôi biết, ở nhà ai cũng lo lắng cho tôi. Tôi gọi điện về. Ông không thèm nghe điện, chỉ có mẹ hết lời khuyên tôi về. Nhưng tôi đãquyết đi, khi nào làm ra thật nhiều tiền tôi mới về quê.

Mùa mưa, các nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa. Công nhân thất nghiệp nhiều. Mấy đứa bạn đi tìm việc cho tôi cả nửa tháng trời nhưng vẫn không tìm được. Tôi thấy chán, thấy ngán nhưng không thể về quê. Nếu về lúc này khác nào đeo mo vào mặt.

Lần đầu tiên xa nhà nên tôi có nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Không có việc làm, tôi lông bông suốt tháng trời trong đó. Trong lòng vẫn hy vọng kiếm được một công việc ổn định. Tiền hết, phải vay mượn bạn bè. Đến ngày thứ hai mươi bảy, Tâm, thằng bạn tôi đi làm về nói, vẻ mệt nhọc:

- Công ty tao vừa có thông báo tuyển lao động đó.

- Vậy hả? Công việc gì vậy?

- Đánh giấy ráp.

- Không còn việc gì khác à?

- Không. Mày có làm thì sáng mai cùng tao đến công ty ký hợp đồng kẻo hết chân.

- Thôi được. Mai mày đưa tao đi. - Tôi đành miễn cưỡng.

Tôi chẳng còn lựa chọn đành phải chấp nhận công việc mà ở nhà tôi vô cùng ghét.

* * *

- Anh làm ăn thế này à, chưa làm thợ đã muốn làm thầy.

- Nhưng... nhưng như thế là được rồi.

- Cái gì? Được rồi? Có khách hàng nào chịu mua cái bàn, cái ghế mà vết cưa vết đục còn nguyên không? Từ ngày mai xin mời anh nghỉ việc.

Tôi thấy ngán, ngán tất cả.

- Sao nằm ườn ra thế?

- Tao vừa bị đuổi việc.

- Sao thế?

- Bọn chúng nói tao làm ẩu.

- Mày thì... làm phải cẩn thận chứ. Bây giờ không còn công ty nào tuyển nữa đâu. Mày tính sao thì tính.

* * *

Tôi mất bốn ngày nằm triền miên, chẳng muốn ăn, chẳng muốn nói, chẳng muốn làm một việc gì hết. Đầu óc quay cuồng bởinhững suy nghĩ mông lung. Hình ảnh của người cai nhà máy chế biến gỗ với bộ mặt gườm gườm ám ảnh tôi.

Tôi thấy cơ thể mình không còn một chút sự sống. Tôi chập choạng giữa những cơn mê man. Trong cơn mê hôm ấy, cứ lởn vởn hình ảnh của bố với nét mặt ưu tư, nghiêm nghị hướng dẫn cách đánh giấy ráp. Trên mang tai, ông vẫn giắt chiếc bút chì với khuôn mặt khắc khổ. Chân đang cố xỏ đôi dép Lào. Ông cầm bàn tay tôi dạy cách miết, cách cầm và cách chà giấy ráp. Tôi len lén nhìn ông với ánh mắt đầy sợ hãi. Tôi muốn làm theo những cử chỉ ông dạy. Nhưng càng cố tôi càng thấy mình không thể... Tôi muốn đánh. Tôi muốn chà thật kỹ mảnh ván. Nhưng chà mãi, đánh mãi lông gỗ cứ xù lên mỗi lúc một nhiều. Ban đầu ngập tờ giấy ráp, từ từ ngập hết những ngón tay rồi cứ thế lên hết cánh tay...

Tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm người, tôi thở một hơi thật dài như muốn trút hết tất cả. Hình ảnh lông gỗ cứ mọc dài lởn vởn, không sao dứt ra được. Tự nhiên tôi muốn về quê.

Tôi không thể về quê lúc này. Tôi muốn về.

Không muốn về. Về.

Không về.

...

Ngày thứ tư, tôi dậy, đi lại, đầu óc vẫn còn âm âm về giấc mơ. Ngày thứ sáu, tôi bắt thằng bạn chở ra bến xe.

* * *

Lên xe tôi thiếp đi lúc nào không hay, lúc tỉnh dậy hỏi người bên cạnh mới biết xe đang leo đèo Cả. Trước mắt tôi, những khúc cua tay áo đến rợn người. Đã có lúc, tôi từng nghĩ tới việc chẳng may chiếc xe của chúng tôi lao xuống vực đột ngột. Tôi sẽ lao xuống vực thẳm kia cùng với chiếc xe và cả trăm người trên xe. Tôi sẽ chết. Sẽ kết thúc cuộc đời từ đây. Ai thương tôi. Bố tôi, mẹ tôi hay cả hai, rồi ông bà, làng xóm nữa? Tôi muốn biết cái kết mà khi đã chết sẽ không biết được gì.

Bên đường, những cây gỗ to khụ, lại thẳng tắp chạy dài dài. Trong giây phút đó, tôi lại ước sao những cây gỗ kia sẽ là của bố tôi.Cây thẳng và to như thế, phần trên sẽ làm vai giường, làm cái cửa, đoạn gốc xẻ ra làm ván tủ, làm đình tủ...

Tôi mỉm cười với chính mình khi nghĩ tới ông ngồi dọc cưa, ngồi bào ván, ngồi đục, vào đố. Trên mang tai, ông vẫn giắt chiếc bút chì. Đôi chân vẫn xỏ dép Lào.

Tôi đang về.

Về đến nhà, việc tôi sẽ làm đầu tiên là gì nhỉ? Đánh giấy ráp cho ông, bào mảnh ván cho ông hay vào đố một cánh cửa... Không. Tôi sẽ nói với ông rằng: tôi đã về.

VVND: 29/10/2008

Nó và chùm thú bay

Nó buồn. Nó chán. Quả thực, nó chẳng hiểu vì sao nữa. Không phải buồn theo kiểu thi sĩ

Xuân Diệu.

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.

Nó chỉ biết ngán ngẩm cuộc sống này thực sự.

Nó là thằng con trai có lẽ là kỳ cục nhất trong số ba thằng cùng phòng trọ. Hai đứa kia đã tìm được nơi "hạ cánh" còn nó vẫn bơ vơ, không biết "hạ" vào đâu nữa. Mà thực ra, nó cũng đâu muốn "hạ" cánh. Nó không muốn ảnh hưởng tới chuyện học hành. Nhưng cũng lạ, khi nó không có người yêu, đôi lúc cũng cảm thấy thoải mái, nhưng đôi lúc cũng buồn thật, như hôm nay chẳng hạn.

Thói quen của nó mỗi lúc buồn là ngủ, ngồi một mình trong phòng nghe nhạc Trịnh, hoặc lang thang phố. Hôm nay cũng khôngngoài cái lệ đó. Trời đã bắt đầu vào đông, cái lạnh buốt da buốt thịt đã tràn về, dường như nó dạo phố một mình cảm thấy lạnh hơn thì phải? Cũng dễ hiểu thôi, thông thường nó dạo phố, đơn thuần là chỉ để... Mà thực ra, đôi khi cũng chả để làm gì cả. Nó chỉ theo cảm tính mà đi. Đi lúc nào thấy chân mỏi, gối sưng thì... dạo tiếp. Đôi khi nó cũng thích tạt vào một quán cóc nào đó, gọi một ly trà nóng. Nó ngồi nhâm nhi để có thời gian suy nghĩ về mọi việc. Chỉ thế thôi mà có lẽ "đốt" mất hàng tiếng đồng hồ, có khi là hơn.

Đang ngồi như một tên mất hồn thì một đôi lượn qua mặt nó, tay trong tay dạo phố. Ban đầu nó thấy cảnh lãng mạn, nhưng nó chợt giật mình khi nghĩ tới hai thằng bạn cùng phòng khi yêu. Đâm ra, nó văng một từ cho chính nó nghe, "điên". Nói xong, tự nó mới giật mình không biết nó vừa nói ai? Nó chán cảnh yêu nhau lắm rồi, chả là ngày cấp ba, mối tình bọ xít của nó bị tan vỡ. Đau quá, nó tự nói với mình sẽ không thèm yêu nữa. Phương châm sống của nó là "không thèm yêu để bọn con gái nó thèm" và "quyết không yêu để lấy tiền uống rượu".

Nó thuộc người có máu lạnh, dáng cao, hơi mập mạp một chút, đặc biệt nó có cái bụng phệ hoành tráng. Cũng chả biết con gái thèm cái gì của nó nữa. Chẳng lẽ lại thèm cái bụng kia, nghe mà nực cười. Hiểu rồi, nó nói thế để tự an ủi mình mà thôi. Rời quán trà, nó lại lang thang tiếp, mặt nó cúi gằm, mắt dán chặt xuống đất, chân buớc theo cảm tính. Nó lại suy nghĩ gì nữa đây? Điều muôn thủa.

Máu trong người nó có vẻ chảy mạnh hơn, một cục đá nằm ngon lành trước mặt, cơ hội trút giận đây. Co chân sút thật mạnh một phát, hòn đá bay lên ngon lành, chui tọt vào bóng tối phía

trước. Một xíu sau, nó nghe tiếng "bộp", nhưng không thèm chú ý. Mặc kệ chân vẫn bước chầm chậm, mắt vẫn cúi gằm. Tựnhiên, con bé tay cầm một búi các con thú ở đâu đứng chặn ngay trước mặt. Nó không thèm để ý, lánh sang bên định bước tiếp nhưng con bé vẫn ngoan cố đứng chặn lại. Đến lúc này, nó đành phải mở miệng.

- Có việc gì thế?

Câu nói của nó lạnh tanh, y như cái rét mùa đông. Nó gườm mắt nhìn con bé. Con bé chắc cũng bằng tuổi nó, nhưng sao nó ương ngạnh thế không biết. Nó tự suy nghĩ. Con bé đứng im, mắt gườm gườm nhìn về phía nó.

- Anh đền bóng cho tôi.

Sau câu nói của con bé, nó mất ba giây để suy nghĩ và mất một phần hai giây để ngửa cổ lên nhìn chùm con thú. Trong đó cómột con đã bị xẹp hết hơi, ỉu xìu, thêm một giây nữa để nhìn xuống mũi giày của nó. Tiếp theo, nó liếc mắt nhìn vào mắt con bé.Lúc này, nó không còn "máu lạnh" nữa thì phải. Nó hỏi con bé một câu mà suýt nữa nó tưởng không phải của mình nói ra.

- Anh làm nổ con thú của em hả?

- Lại còn hỏi.

Nó lúng túng một hồi vì nhận ra mình vừa bị hụt hẫng với câu hỏi đó.

- Anh xin lỗi.

- Chỉ xin lỗi thôi chưa đủ.

- Nổ rồi sao làm cho bóng lành được.

- Đền.

- Đền?

- Vâng. Đền.

- Ừ, bao nhiêu anh sẽ đền.

Vừa nghe xong câu đó, con bé không thay đổi vẻ mặt. Chắc thấy người ta nhún lại làm kiêu đây. (Nó tự nhủ). Nhưng dù sao con bé nói một câu cũng có vẻ dễ chịu.

- Đáng lẽ em bán mười lăm ngàn. Nhưng anh không cố ý, em chỉ lấy anh mười ngàn thôi.

- Thôi em cứ lấy mười lăm ngàn đi. Anh sẽ trả đủ mà.

Con bé nghe xong không thấy nói gì. Nó vội móc túi. Oái. Sao mặt nó lại tái đi thì phải. Tay, chân nó đang luống cuống. Tay thọc hết túi này đến túi khác. Bây giờ, nó mới tỉnh lại, gần một tuần nay cả phòng nó phải chan nước mì tôm với cơm ăn. Lúc nãy, còn sót lại duy nhất một ngàn đồng vào uống nước trà giờ còn đâu. Mãi một lúc sau, nó không thèm sờ nữa bởi vì có sờ mãi cũng chả móc đâu ra tiền nữa. Cách đó một đoạn, con bé trông thấy hết hành động kỳ quặc. Con bé buồn cười nhưng không dám cười. Nó không còn cách nào, rón rén bước lại chỗ con bé đứng, miệng lí nhí nói khẽ.

- Xin lỗi em, anh đánh mất hết tiền rồi.

- Anh đánh mất tiền?

- Ừ.

Nó mở to mắt trả lời.

- Tôi không tin. Tại sao anh lại đánh mất tiền vào lúc này mà không phải lúc khác.

- Ai mà biết được.

- Tôi không biết, miễn sao anh cứ đền cho tôi.

- Hay em ở đây đợi anh một xíu nhé. Anh chạy đi vay bạn?

- Không được.

- Tại sao không được?

- Anh chạy mất luôn thì sao? Tôi có đợi anh đến tối cũng không thấy anh đâu. Tốt nhất bây giờ, anh đưa cho tôi một thứ gì có giá trị trên người, mai đúng giờ này quay lại chỗ này lấy.

- Nhưng... thứ gì có giá trị?

- Anh không biết thì ai mà biết được.

- Trên người tôi chỉ có quần áo thôi, ngoài ra chẳng còn thứ gì có giá trị hết.

- Đó. Thế mà anh nói không có giá trị.

- Hả. Quần áo. Định lột quần áo của tôi hả?

- Đúng. Anh thông minh hơn rồi đó.

- Không được. Làm sao có thể như thế được chứ.

- Sao lại không. Anh làm vỡ bóng của tôi. Anh phải đền, không có tiền tôi giữ quần áo là chuyện đương nhiên.

- Tôi chưa gặp ai như cô đâu.

- Thì hôm nay gặp rồi đó thôi.

Mặt nó từ từ chuyển sang đỏ. Tay chân nó cứ khua loạn xạ. Mắt đảo liên hồi, chẳng biết nó nhìn về đâu và nhìn cái gì. Trong ýnghĩ của nó, có lúc nó định chuồn nhưng không được, chính nó cũng không cho phép mình làm chuyện đó. Ít nhất nó cũngđường đường là nam nhi đại trượng phu, làm thế đâu có xứng.

- Anh đánh mất tiền thật hả?

- Thật.

Nó đáp lại ngọt xớt một lần nữa. Lần này nó nhìn thẳng vào mắt đối phương. Con bé cũng nhìn nó, nhưng chỉ được một lát là nó đầu hàng. Nó cảm thấy gì khi nhìn vào đôi mắt ấy nhỉ? Cũng chả biết, chỉ thấy nó bối rối trước con bé thôi. Hai giây sau nó lại ngẩng mặt lên định nhìn trộm một lần nữa. Lần này, hai ánh mắt vừa chạm nhau thì con bé lại cúi xuống. Bỗng nhiên con bé phá cái khung cảnh "lãng xẹt" đó bằng một câu.

- Thôi em cho anh nợ, lúc nào trả cho em cũng được.

Nó chỉ đợi câu đó thôi là mừng rơn. Nó chả thèm chào con bé lấy một câu, quay lại và rảo bước ra về. Một lúc sau, nó sực nhớ là quên hỏi tên. Nó lại suy nghĩ câu của con bé "lúc nào trả cho em cũng được". Cả đêm nó nằm suy nghĩ về chuyện lúc chiều. Lúc này, nó lại thấy con bé dễ thương ghê. Nó thấy yêu đời hơn. Nó vẫn nằm nghe nhạc Trịnh nhưng với tâm trạng khác. Hai thằng bạn cùng phòng nhìn nó với ánh mắt khác.

Ngày mai, nó lại dạo phố...

Hà Nội 4/11/2007

L.B

NA

Căn phòng có ba ô cửa sổ

1

Nỗi đau đưa tôi chạm đến căn phòng. Căn phòng lại đẩy tôi vào một cơn đau khác.

2

Nước mắt không phải rơi từ phía nào cũng được. Không phải là ô cửa thứ nhất, cũng không phải ô cửa thứ hai. Chỉ có ô cửa thứ ba, nơi tôi có thể nhìn thấy biển thẳm mù mờ.

Ô cửa thứ hai không thể khóc. Ở đó tôi trót treo chiếc mặt nạ gốm trắng toát, những giọt nước mắt được khắc sâu lõm vào má đứng yên như hóa thạch, mãi mãi không rơi được. Nó kéo ánh nhìn tôi xuyên tọt qua ban công căn nhà đôi vợ chồng trẻ, căn nhà có mùi tươi mới e dè hoài nghi quyện vào nhau mang khuôn mặt của đứa nhỏ lên ba. Thế là chúng tôi nhìn nhau, chiếc mặt nạ của tôi và khuôn mặt trẻ thơ vô hình nhìn nhau, không biết đối phương là ai, cũng không biết mình là ai.

Ô cửa thứ nhất, đối diện giường ngủ màu ghi buồn bã, tôi đặt một chiếc gương lớn. Lớn hơn cả người. Chị không đồng ý. Năm mười một tuổi, chị kể cho tôi nghe câu chuyện về con ma gương có đôi mắt không tròng trong suốt. Mỗi đêm, mỗi đêm dùng đôi mắt gương ngắm nghía mê hoặc yêu thương người đối diện cho đến khi người đó mất hết linh hồn. Người đó rồi tiêu tan. Con ma gương rồi cũng tiêu tan. Tôi không thể hiểu nổi. Rốt cuộc cũng là tiêu tan. Tiêu tan hết. Tiêu tan tất cả. Chị nói mọi thứ trên đờiđều sinh ra với một niềm tin kỳ dị về lý lẽ tồn tại của mình. Con ma gương tin nó cần như thế.

3

Đôi vợ chồng trẻ cười chào tôi. Họ hơi giống nhau. Hơi cao. Hơi nâu. Hơi cười buồn. Ban công màu vàng nhạt. Chiếc ghế gỗ mảnh khảnh màu vàng nhạt uốn đường cong dịu dàng nơi chân

ghế. Có lần tôi thấy những giọt nước mắt của người vợ trẻ cũng mang màu vàng nhạt ấy. Màu vàng nhạt khéo léo giấu mình trong khoảng thời gian vắng mặt tiếng cười. Y hệt những giọt nước mắt của chị. Nếu chị khóc, hãy tin rằng hạnh phúc đã làm đau chị.

Tôi lặng lẽ vân vê đôi bàn tay của mình, ánh nhìn gán mãi vào khung vàng nhạt sau ô cửa thứ hai. Lặng lẽ như thế. Tiếng nói của tôi đủ lớn vươn qua khung cửa. Nhưng có lẽ tôi không nên. Nhưng có lẽ tôi nên. Chí ít tôi cũng nên ngó ngàng đến nỗi đau (dù là nỗi đau đến từ hạnh phúc) của người khác. Tôi vươn mình qua khung cửa, tôi sợ mắc cạn vào màu vàng nhạt, như đãtừng chết ngạt trong những giọt nước mắt vô hình của chị. Cô ấy có chấp nhận không? Tôi không chắc. Đó là tôi chỉ nghĩ thế thôi. Tôi không nên áp đặt, nhưng có ngày nào tôi không đem điều đó ra làm vui, ra thử nghiệm trên bất cứ người nào tôi gặpđâu. Mọi thứ lần đầu tiên đều là giấy trắng, tôi muốn vẽ gì lên đó mà không được.

Tôi ngồi trên chiếc ghế bành màu hồng phấn. Chị thường ngồi ở đây khi ghé chơi. Chị thích nhét mình vào chiếc ghế đó ngắm nhìn ban công đối diện qua ô cửa thứ hai. Ngoài chị ra cũng chẳng ai đến căn phòng này. Anh trai tôi bận. Chị nói câu đó đầutiên khi bước vào phòng. Hạnh phúc của chị bận. Chiếc mặt nạ là chị tặng hôm tôi chuyển đến căn phòng này, hướng ra phía cửa sổ. Chị nói mua để trang trí sao lại đặt nó hướng ra ngoài. Tôi cần nó canh chừng những giọt nước mắt màu vàng nhạt kia, chứ không cần nó chăm chăm vào tôi làm gì, việc đó đã có ô cửa thứ nhất. Chiếc mặt nạ cần canh chừng chứ chẳng bao giờ tham gia đến bất cứ việc gì, để mặc, nên như thế. Chuyện của anh và chị. Tôi nhớ rồi, nên như thế. Chiếc mặt nạ nên lạnh lùng. Nước mắt nên được khắc lõm vào trong, khóc đấy, nhưng không khóc đấy, nước mắt không hề rơi.

May mà nước mắt không rơi, ô cửa sổ thứ hai sẽ không phải khép mình để che giấu điều đó. Người vợ trẻ dần dần chỉ còn khóc đôi khi. Chị nói đương nhiên, hạnh phúc không rảnh để suốt ngày làm đau một người. Mỗi chiều đôi vợ chồng cùng nhau lắc chiếc chuông gió ru lên những lời vàng nhạt. Tôi hy vọng người chồng sẽ nhìn thấy vợ mình khóc, một lần nào đó. Nhưng hìnhnhư không bao giờ, giỏi lắm người chồng cũng chỉ nhìn thấy được nước mắt trên chiếc mặt nạ trắng toát tôi treo ở ô cửa sổ thứ hai. Biết trách ai được. Chiếc mặt nạ cố hữu thân quen hơn cả khuôn mặt thật của người hàng xóm, hơn cả gương mặt người vợtrẻ. Đến độ đôi lúc tôi không dám lại gần ô cửa sổ, đôi vợ chồng trẻ sẽ giật mình sợ hãi nếu biết khuôn mặt của tôi mới là khuôn mặt thật, và buồn

bã khi hiểu ra không hề có cảm thương.

thôi.

Chị nói chắc gì những giọt nước mắt vàng nhạt kia là thật. Cũng như nước mắt mặt nạ của tôi

4

Tôi gí ngón tay của mình vào khoảng không vô hình trước mặt, trước khoảng không đó là biển. Đứng cách xa ô cửa sổ thứ nhất. Ép mình sát tường. Quên rằng lưng đang cọ vào ánh nắng chiếu từ ô cửa thứ hai. Bằng cách đó tôi được phép nghĩ rằng tôi đãlàm biển biến mất. Với một ngón tay thôi.

Chị nói chị có thể làm biến mất tất cả còn dễ dàng hơn tôi. Nhắm mắt lại. Nhắm lại thử xem. Tôi không tin, trong bóng tối, sự tưởng tượng sẽ làm chị đau hơn. Chị lắc đầu, nhưng không biết cãi lại tôi thế nào. Nếu không biết tưởng tượng cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều lần. Biển với tôi lúc nào cũng xa tít tắp, cũng bí ẩn, gợi mở và phóng khoáng tít tắp. Nhưng tôi vẫn thích nó. Tôiđóng khung nó trong ô cửa thứ nhất, và đôi khi, thỏa thê dìm chết nó với đầu ngón tay méo mó những đường vân của mình. Năm mười lăm tuổi tôi được anh chị cho đi cùng hưởng tuần trăng mật. Biển rực rỡ. Biển u hoài. Biển nhìn tôi như tôi nhìn nó. Năm mười tám tuổi, tôi tìm thấy chị bên bờ biển cười như điên như dại ngày đứa con thứ hai cũng bỏ chị mà đi lúc vừa mới chào đời. Biển ngạo nghễ cười cùng chị. Tôi thấy mình tan trong cát khi dẫn chị về nhà. Nơi đó anh trai tôi đã không còn ôm đàn gảy những ca khúc về biển mà chị say đắm. Đừng gạch tên. Vì yêu đừng xé nát. Biển mãnh liệt, sự mãnh liệt đôi lúc làm người khác e dè.

Hai mươi tuổi, tôi đã biết cách làm biển bé nhỏ sau ô cửa thứ hai. Tôi hả hê với tôi cỏn con khờ dại. Biển cũng biết cách khiến tôi hiểu rằng tôi đang lừa dối chính tôi. Đau đớn. Biển không hề nhỏ bé, nó biết điều đó, và mặc kệ tôi bông đùa với tôi. Tôi thấy biển giống mình thậm tệ. Tôi ghét điều đó quá. Tôi ghét cái kiểu người ta hiểu quá rõ về mình. Hay nói đúng hơn, tôi sợ cái kiểu ngườita hiểu quá rõ về mình. Nhưng biết làm sao được. Tôi cũng đành mặc kệ nó thôi, quên nó đi để đeo đuổi mãi những ảo tưởng trẻ con buồn cười về sức mạnh của mình. Sức mạnh của đàn bà là không có sức mạnh nào cả, chị nói vậy, bởi vì đàn ông thích vậy.

Hai mươi tuổi, tôi bồng đứa cháu thứ hai trong vòng tay tưởng đã khô lạnh khóc. Khóc như điên dại. Khóc như biết trước sẽ chẳng có gì và chẳng bao giờ tôi khóc được như thế nữa. Nếu lúc đó nhìn thấy tôi khóc chị có dám nghĩ rằng hạnh phúc đã làmđau tôi không? Đôi khi tôi cố nhẫn tâm cắn nát dòng suy nghĩ của mình. Nếu không có tưởng tượng cuộc sống dễ dàng hơn biết mấy. Tôi nhìn đăm đăm vào ô cửa thứ ba, nơi duy nhất tôi có thể rơi nước mắt mà không lo lắng điều gì. Vì tôi biết biển sẽ mặc kệ tôi. Biển còn bận đắm đuối những tháng ngày của nó. Biển còn bận phô diễn, còn bận ảo tưởng mình bằng đám sóng rơm rạ,tan nhanh hơn chớp. Nếu biển không để tôi yên, tôi sẽ giết nó. Tin không? Tôi chỉ cần một ngón tay để giết biển. Sạch trơn. Tất cả. Tất cả quá khứ đều có vẻ lỡ lầm. Chị không hiểu vì sao tôi lại bỏ đi, rời xa căn phòng tôi nhất quyết phải sơn màu biển. Anh trai tôi không dám quan tâm.

Ngày tôi đi chị muốn cùng tôi ra biển. Biển bây giờ đã trong tay tôi, chị khóc như những người bình thường. Không hiểu sao tôi không thích điều đó.

5

Tôi thường về phòng lúc khuya. Thành phố mệt lả ngủ yên dưới đôi bàn chân đã ngán ngẩm lối về. Đôi bàn chân già khẳng khiu trước cái tuổi hai mươi ngọt ngào của nó. Đó là khi ô cửa thứ hai đã đi ngủ, ô cửa thứ ba chỉ còn là khoảng tối mịt mờ, là khi chính tôi cũng không còn đủ sức để lừa dối mình, để thực thi những cuộc ám sát biển bằng ngón tay hiền lành nữa. Ô cửa thứ nhất chờ đón tôi như một sự trả thù.

Khi về với căn phòng, tôi cho phép mình nằm phơi trên giường, đăm đăm nhìn ô cửa thứ nhất. Ở đó tôi lơ lửng nhìn tôi. Cả hai cùng bay trong khoảng phòng vuông vức, kín kẽ, thật đúng tầm để lúc nào cũng có thể tóm gọn nhau trong mắt. Tôi thường tưởng tượng con ma gương bước ra từ đó, hát khúc mị tình, hát khúc ca hùng về đời sống. (Nếu không có tưởng tượng cuộcsống dễ

dàng hơn nhiều lần!). Nó có đôi mắt đẹp. Hàng mi rợp bóng xuống đôi mắt u hoài, thăm thẳm. Đôi mắt như biển đêm. Đôi mắt như nơi tôi có thể khóc. Đôi mắt như nơi duy nhất tôi có thể thả rông những ảo vọng của mình. Nó sẽ thôi miên tôi. Nó sẽ ru ngủ tôi. Tôi biết những lời đó chỉ là ảo vọng, tôi cũng biết những lời đó là không có, nhưng tôi cũng biết tôi sẽ nghe theo nó, có lúc phản bác, có lúc nổi loạn, nhưng rồi cũng sẽ để linh hồn mình chìm ngủ trong đám đẹp vô hình. Chị nói không ai cưỡng lại được điều đó.

Tiếc là không có ai. Cố đến mấy tôi cũng không thể tìm thấy ai. Chỉ có tôi đang nhìn tôi trong gương. Sau lưng gương có thể là biển, có thể là cái ban công vàng nhạt, nhưng đã bị tôi trong gương chặn lại mất rồi. Chị nói tôi bỏ chiếc gương xuống đi. Tôi không chịu. Ở ô cửa thứ nhất này tôi không thể khóc, tôi không thể để con ma gương nhìn thấu những giọt nước mắt của tôi được, như vậy nó có thể dễ dàng thôi miên tôi hơn chăng?

Anh trai tôi chưa một lần đến nơi này. Có lẽ anh sẽ sợ chiếc mặt nạ khắc những giọt nước mắt ở ô cửa thứ ba. Những giọt nướcmắt không có thật. Anh sợ nước mắt đàn bà. Mà không, nói chung là nước mắt. Anh đưa con trai về dưới mộ, không hề khóc. Anh khóc lần duy nhất khi nhận ra rằng trong anh phai nhạt quá. Anh nói anh không muốn, thật lòng anh không hề muốn. Anh yêu chị từ năm tôi lên mười, cưới chị lúc tôi mười lăm tuổi. Chị là chị dâu. Là mẹ. Là bạn. Có lúc mỏng mảnh như cô em gái. Chị thìkhông, nhưng tôi cần anh giải thích. Một buổi sáng thức dậy, anh thấy anh đã không còn yêu chị. (Anh cho đó là lời giải thích). Chị là tượng đài của nỗi xưa mơ hồ mà anh không thể lý giải. Chị là ngày xưa đẹp đẽ của anh, cho đến khi anh muốn chối bỏ nó. Biết sao được, anh chị ly thân. Tôi không muốn điều đó. Thà anh chị chia tay nhau. Tôi không muốn sống trong căn nhà người taxem nhau như gánh nặng. Chị nói không phải thế. Trong cuộc sống có lúc người ta buộc phải chung sống với nỗi buồn xưa cũ, đó là lẽ thường thôi. Vì có khi người ta sợ mình không còn buồn được nữa. Anh là thế. Anh không còn buồn được nữa.

Ô cửa thứ nhất. Tôi không dám khóc ở đó. Tôi không bao giờ dám khóc ở đó. Chiếc gương soi tôi quá rõ. Đến màu của sợi chân mày phía cuối đuôi mắt cũng biết mình bạc đi. Biết nhưng không hiểu được. Tôi sợ cảm giác đó. Có khi nào tôi sẽ bị hút hết linh hồn để rồi nhận ra tôi không buồn được nữa. Ô cửa thứ hai, ô cửa thứ ba, cái gì sẽ cứu tôi? Bên cạnh tôi không có ai như chị. Con ma gương không tiêu tan? Nó sẽ vào tôi làm một linh hồn khác. Hay là gọi dậy một linh hồn khác.

6

Tôi sẽ ở đây đến lúc con ma gương tiêu tan hoặc đã gọi dậy được cho tôi một linh hồn khác ở ô cửa thứ nhất. Đến lúc tôi không còn lừa dối rằng mình có thể giết chết biển bằng ngón tay hiền lành ở ô cửa thứ ba. Đến lúc tôi đủ can đảm xoa dịu màu vàng nhạt trên ban công mang khuôn mặt trẻ thơ ngần ngại của đôi vợ chồng trẻ ở ô cửa sổ thứ hai.

Tôi nói với chị lúc đó tôi sẽ có thể khóc trước bất cứ ô cửa sổ nào tôi muốn.

7

Ở phần một tôi đã sai. Có thể nỗi đau đã đẩy tôi đến căn phòng có ba ô cửa sổ, nhưng căn phòng không làm tôi đau. Chính tôi đã đẩy tôi vào nỗi đau hợp hoan với con ma gương mỗi tối.

Tháng Sáu năm 2008

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t58178-chet-ngat-trong-nha-kinh-truyen-2.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận