Tôi không rõ bây giờ có ai còn nhớ tới cảnh xe lửa chở dân bị nạn trong thời kháng chiến. Và qua cảnh đó rút ra được những kinh nghiệm gì.
Sau khi chúng tôi rời khỏi làng nọ, leo qua một ngọn núi không tên, thì trong thấy xe lửa chở dân bị nạn chạy về hướng Quế Lâm. Thoạt nghe tiếng còi hú liên hồi, rồi lần đầu thấy cơ
man là người, trong toa xe, trên trần xe, dưới gầm xe, người chồng lên người, chen chúc nhaụ... chúng tôi sung sướng reo lên. Có xe lửa, chúng tôi không phải đi bộ nữa! Có xe lửa, chúng tôi an toàn rồi! Có xe lửa, chúng tôi sẽ đi xe một lèo về tận Tứ Xuyên! Thế là chúng tôi trèo lên trần xe, chen vào trong đoàn người.
Trong ký ức tôi, xe lửa của dân lánh nạn này được phân chia làm ba đẳng cấp: Thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng. Thượng đẳng là ngồi trên trần xe, ngồi đó, dẫu có gió thổi, mưa sa, nắng gắt, bạn đều được hưởng trọn. Ban ngày, nắng chiếu như đổ lửa, ban đêm, sương giá và gió lùa tê cóng. Gặp phải ngày trời mưa thì không tả sao cho hết ý. Trung đẳng là ngồi trong toa, được bao vệ chắc chắn, không bị phiền toái bởi cảnh gió lùa, nắng thiêu, mưa xối, hẳn là thoải mái. Nào ngờ, người trong toa bị lèn như cá mắm, trai gái, già trẻ, lớn bé đều dồn một đống, người nọ tựa người kia, đứng mà ngủ, có điều chẳng sợ ngã. Các cháu bé thì tiểu tiện tại chỗ, mùi mồ hôi, mùi phân và nước tiểu, mùi hôi hám của thức ăn thừa xông lên ngạt mũi, nghe đã muốn phát bệnh. Lại thêm trong xe còn có tiếng rên rỉ bất kỳ tận của thương binh và người ốm, nghe đến não ruột. Hạ đẳng là nơi không thể tưởng tượng nổi, đến bây giờ nhớ lại, tôi còn lạnh xương sống. Dưới gầm xe, bên trên những bánh xe có hai thanh sắt dài, người dân lánh nạn gác ván lên rồi nằm lên đó mặt mũi như dính vào đáy toa xe. Bên người là những bánh xe quay tít chạm vào đường rầy kêu ken két. Sơ ý chút là lăn xuống đường rầy, bánh xe sẽ nghiền ra trăm mảnh.
Đấy, xe lửa của người dân lánh nạn là thế.
Tôi và ba mẹ coi như gặp vận may. Chúng tôi tìm được một chỗ trên tầng thượng đẳng. Tôi tưởng trong ba đẳng cấp ấy, thì thượng đẳng là hên hơn cả. Nhưng, người chọn ngồi ở nóc xe ít hơn chọn ngồi trong toa xe nhiều. Bởi lẽ, ngồi trên nóc xe chẳng an toàn chút nào, chỉ cần một nhánh cây nhô ra, là đủ gạt anh rơi xuống đất, dây điện có thể chạm vào anh bất cứ lúc nào, nhỡ ngủ gật cũng có thể ngã lăn khỏi xe. Mọi động tác đều nhất nhất phải cẩn thận, không di động đi đâu được.
Ngồi ở thượng đẳng tưởng đã chấm dứt đoạn đường đi bộ đầy khổ ải, nào ngờ, lên xe rồi mới thấy mình mừng quá sớm. Chưa nói chuyện ngồi ở trần xe chịu bao điều hạn chế và khủng khiếp, chỉ riêng chuyện thở hít khói than phun lên từng luồng cũng đủ làm cho người ta chết ngạt. Xe chạy chưa được bao lâu, mặt mày đa đen thui đen thủi. Rồi từng chặng từng chặng lại nghe tiếng kêu khóc thảm thiết vì một tai nạn bất chợt ập đến. Trong thời chiến tranh ly loạn, mạng sống của con người sao mà mỏng manh, rẻ rúng làm vậy.
Chẳng mấy chốc chúng tôi lại phát hiện thêm một điều mới, chiếc xe chở dân chạy nạn không phải đậu theo ga, mà đậu rất tùy tiện, thích đi thì đi, thích dừng thì dừng, dừng bao lâu cũng được. Do xe thiếu nhiên liệu, nên lúc dừng có thể dừng mấy tiếng đồng hồ liền, có khi cắt bỏ cả mấy toa không chừng, cả ban ngày, ban đêm, cả hừng sáng, hoàng hôn... ngày lại qua ngày.
Chúng tôi ngồi vậy nhớ đến các em, nghĩ về ngày mai, nghĩ tới thành phố Quế Lâm mà chúng tôi ao ước được chóng đến. Mẹ tôi thường thở ra, tôi đưa tay ôm chặt lấy mẹ, ba lại đưa tay ôm vòng chặt mẹ con tôi. Ba mẹ và tôi đều hiểu rằng chúng tôi không thể nào xa nhau được. Chỉ trong mấy ngày đáp xe lửa của dân lánh nạn, hễ xuống xe là ba người cùng xuống, lên xe là ba người cùng trèo lên, sợ nhất là xe chạy bất thình lình, chúng tôi lại chia lìa nhau.
Chiếc xe lửa của dân lánh nạn khốn khổ ấy càng chạy càng chậm, càng dừng càng lâu, lâu đến nỗi chúng tôi ngỡ đi bộ cũng đã đến Quế Lâm từ lúc nào rồi. Tốc độ xe chạy chậm hơn đi
bộ thật, nhưng vết thương trên chân mẹ chưa lành, còn chân tôi thì đau nhừ, ngồi xe dù sao vẫn hơn đi bộ, nên chúng tôi vẫn bám riết chiếc xe ấy đến cùng
Cứ như vậy, chúng tôi lại gặp một chuyện hết sức bất ngờ!
Sáng tinh mơ hôm ấy, xe dừng. Như thường lệ, đã dừng là có thể không chạy nữa. Sau khi dừng hơn một tiếng đồng hồ, tôi xuống xe đi đi lại lại, vì hai chân tê dại. Ba mẹ dìu tôi xuống xe, sợ xe nói chạy là chạy, nên chúng tôi chỉ đi men theo toa xe, tôi tới lui lui cạnh đường rầy cho thư giãn gân cốt. Đúng lúc ấy, bỗng có tiếng ai gọi lớn:
- Ông Trần! Ông Trần! Ông Trần ơi!
Chúng tôi nhìn lên nóc toa nơi phát ra tiếng gọi, thấy một người lính đang vẫy tay, vẫy mãi về phía ba tôi, kêu lớn. Chúng tôi chạy đến, đó là một thương binh nhẹ, trông quen quen. Người lính nói như hét vào tai chúng tôi:
- Ông Trần! Tôi là lính của đại đội trưởng Tăng đây! Ông đi tìm đại đội trưởng của chúng tôi nhanh lên, hai đứa con trai cưng nhà ông, đại đội trưởng chúng tôi tìm được rồi!
Thật không tin vào lỗ tai, không tin vào thính giác của mình nữa rồi! Ba mẹ tôi ngơ ngác, đứng ngây như phỗng. Rồi đột ngột chạy thục mạng, chạy như điên về phía người lính, mừng mừng, tủi tủi, hỏi líu cả lưỡi:
- Có thật không anh, anh có tận mắt thấy không? Chúng nó có mạnh khỏe không? Đại đội trưởng Tăng của anh bây giờ đang ở đâu?
- Đại đội trưởng ở Quế Lâm! Hôm nay ông ấy mới đi Quế Lâm! Ông bà nhanh đến Quê Lâm tìm ngay ông ấy. Các cháu khỏe lắm! Chính mắt tôi trong thấy rồi! Đi Quế Lâm nhanh lên! Nhanh lên!
Quế Lâm! Ôi! Quế Lâm! Ba mẹ thoáng nhìn nhau, rồi nhìn xe lửa chở người lánh nạn đang đứng yên tại chỗ. Rồi chẳng hẹn, cả ba mẹ đều chắp hai tay, hướng về phía anh lính:
- Cảm ơn! Cảm ơn! Rất cảm ơn anh!
Tiếp đó, ba mẹ quyết định mọi người một bên, dắt tay tôi, rảo bước nhanh theo đường sắt, đi một mạch về Quế Lâm.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!