Lâu lắm mới thấy bác Tuất lại đằng tôi. Nên vừa nghe tiếng láo ngáo ngoài ngõ, tôi vội quay ra, nói thay lời chào:
- Chà, rồng hôm nay lại đến nhà tôm thế này. Chắc có việc gì,
hả bác?
- Rồng rắn gì, tôi cũng đang muốn là tôm đây.
Hẳn có điều gì bực bõ trong lòng. Chứ không, ông anh trưởng chi họ tôi không khi nào chịu nước nhún đứa em cùng đinh như tôi. Quả nhiên vừa vào nhà, bác Tuất đã nói mà như hỏi:
- Thế chú có biết tay Hưng tối qua mãi khuya còn đánh ô tô về nhà tay Đan, là để làm gì không?
Hưng là em ruột ông Đan, về họ tộc còn ở chi thứ họ Đào tôi. Nghe đâu đang làm giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ vận tải biển, lại còn có cả khách sạn chín tầng, với nhà hàng mới xây gần cảng Tân Vũ. Mấy tháng trước vợ Hưng tự lái ô tô về làng tuyển nhân viên. Chỉ lấy toàn con gái trên dưới đôi mươi, mặt tươi, da phấn, chưa chồng con gì. Đứa nào đủ chuẩn là đưa ngay cái các-vi-dít và một trăm nghìn lộ phí, hẹn ngày ra làm việc. Người làng tôi rời quê ra phố, có lẽ chỉ có vợ chồng Hưng làm ăn nổi đình đám. Cũng phải thôi. Hưng nghe đâu trước làm trưởng phòng kế hoạch Công ty Vật tư nông nghiệp Trung ương đóng tại tỉnh. Công việc chính là tiếp nhận và chuyển giao phân hóa học, thuốc trừ sâu, phần nhiều do tàu vận tải biển của Liên Xô chở sang giao cho ta tại cảng Trà Báu, ngoài
vịnh Lan Hạ, rồi sang mạn chuyển vào kho bãi trên đất liền, hoặc đi đường sông thẳng các tỉnh. Phân hóa học và thuốc trừ sâu thời ấy sánh ngang bất cứ loại hàng hóa có giá nào, chả thế mà nhất nhất một cân đạm u-rê, chai thuốc trừ sâu vô-pha-tốc ra khỏi kho đều phải có phiếu trưởng phũng kế hoạch ký mới đi lọt. Đến khi cơ chế xin cho bị bãi bỏ, Hưng cũng bỏ nhà nước ra ngoài lập công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp. Lần này hắn ta không chỉ tiếp nhận và chuyển giao phân hóa học và thuốc trừ sâu như thời bao cấp, mà còn đứng ra sản xuất phân bón tổng hợp NPK bán cho nông dân qua đại lý dịch vụ nông nghiệp huyện. Nhưng xúi quẩy, được năm năm tròn, đúng ngày công ty tổ chức kỷ niệm sự kiện trọng đại mẻ phân lân tổng hợp đầu tiên ra lò, thì công an huyện K mời giám đốc đi làm việc, trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm quan khách, toàn cỡ chánh phó giám đốc ban ngành tỉnh và chủ tịch, phú chủ tịch huyện. Đận ấy tưởng Hưng đi bóc lịch dài dài. Nhưng sau ít ngày thấy ông Đan với cái xe máy Dream chạy như đèn cù hết lên tỉnh lại về huyện, thì lại thấy Hưng dẫn vợ con về thăm ông anh trưởng ở quê. Người làng đồn rinh lên rằng, anh em nhà ấy khéo luồn lách. Chẳng thế mà nhà hai anh em trai, nhưng suốt bao nhiêu năm chống Mỹ cứu nước, ai lấy máu viết đơn xung phong đi bộ đội cứ viết, ai tình nguyện vào chiến trường miền Nam để được cầm súng đánh giặc cứ tình nguyện, chứ anh em nhà Đan đến nửa cánh tay giơ lên cũng không. Khéo luồn lách thế mới thoát ngồi bóc lịch, chứ vào người khác có tù mọt gông. Chứ lại không. Nghiền đất núi pha phẩm màu thành phân lân tổng hợp NPK đưa ra bán cho người ta bón ruộng lại không tù mọt gông, thì còn thế nào mới tù mọt gông. Nhưng đấy là lời mấy ông bà ngồi lê nhổ mạ mùa đêm trăng buôn chuyện với nhau, chứ thực hư đến đâu lại chỉ có ông trăng trên trời họa may mới biết. Mà ông trăng biết thì cũng bằng hòa cả làng, chứ có gạy răng bảy ngày chắc gì ông đã dám hé nửa lời. Trên trời ông trăng không chịu hé răng, nhưng dưới hạ giới vẫn có người biết, cả làng tôi đều biết, là ông Đào Trọng Đan, anh ruột Đào Trọng Hưng, cách đây hai năm, nghĩa là khi chưa về hưu, làm phó viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh, chẳng lẽ lại chịu ngồi nhìn ông em bước chân vào nhà đá. Thế hóa ông anh cũng là đá mới để em thế. Có mà trời sập. Nhưng trời sập đâu chưa thấy, chỉ thấy sau đận ấy, trong họ Đào nhà tôi tuy không ai nói ra, nhưng mọi người như ngầm hiểu cánh nhà Đan dẫu chỉ có hai anh em trai, nhưng xét về thế và lực thì trong họ không dễ cánh nào địch nổi. Nhưng chẳng lẽ chỉ có thế mà giữa lúc mưa phùn gió bấc thế này, ông anh trưởng chi họ tôi lại lọ mọ sang nhà thằng em chỉ để hỏi lửng lơ con chuồn chuồn mỗi câu ấy. Mà ông có hỏi thế, chứ hỏi nữa, tôi ở mãi ngoài rìa làng làm sao biết tay Hưng đánh xe về nhà ông anh đêm hôm khuya khoắt để làm gì. Chờ tôi súc chuyên pha ấm trà mới, ông anh trưởng chi họ như biết thằng em ruột để ngoài da, chẳng bụng dạ đâu đi dò la cái tin giời ơi ấy, liền bảo:
- Thật chú không biết thì tôi nói cho mà nghe. Nhưng chú phải giữ kín đấy. Việc này lọt ra ngoài thì khéo đầu không phải lại phải tai, chứ chả bỡn.
Tôi bỗng ngờ ngợ, cái việc Hưng đang đêm đánh ô tô về nhà ông anh thì có gì liên quan đến họ tộc mà phải giữ kín. Ông anh trưởng chi giọng khê khê thuốc lào, thều thào bảo:
- Có đấy. Cái Hợi con dâu nhà Đan, đi làm đồng thì thào với con Hà nhà tôi, họ Đào sắp xây lại từ đường to đẹp nhất làng.
- Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, xây đâu mà nhất. Nhưng nó nghe ai nói mà dám bô bô thế nhỉ?
- Thì chính chú chồng nó là tay Hưng, tối qua đánh ô tô về là để bàn với bố con ông Đan thế mà lại. Nó còn bảo chú Hưng dặn đi dặn lại bố chồng nó, nếu đúng ý định thì hai trăm, chứ ba trăm triệu bỏ ra xây lại từ đường, chú ấy cũng bỏ.
Bác Tuất nói đến đấy, chợt dừng. Cả bác và tôi như cùng trôi theo dòng suy tưởng. Chả là từ đường họ Đào tôi xây cách nay tới trên trăm năm, ba gian nhà tổ bên trong và ba gian nhà tế bên ngoài toàn bằng gỗ lim. Ấy là người già truyền lại thế, chứ khi tôi biết thì chỉ thấy ba gian nhà trong, còn ba gian nhà ngoài nghe nói bị đại bác nó bắn sập từ hồi kháng chiến chống Pháp. Ngay ba gian nhà tổ lợp toàn ngói âm dương thì mái trước cũng bị võng mấy chỗ, động mưa là dột. Nhưng cứ động đến sửa chữa lại bàn hết nước hết cái, không ra môn ra khoai nào. Bởi họ Đào tôi cũng không phải họ to tới mấy trăm suất đinh như họ Trần, họ Phạm, mà chỉ có hơn trăm suất, lại chia ra ba chi bảy chóp. Nên mỗi khi có công to việc lớn bàn là rất khó. Làng tôi nghèo, lại nằm mãi cuối đồng đầu bãi, các nơi đường làng người ta trải nhựa, đổ xi măng, nhưng đường làng tôi vẫn xỉ than lò gạch làm từ những năm tám mươi thế kỷ trước. Làng còn thế, nói gì họ. Nên mấy năm nay cũng có tới vài ba cuộc việc họ bàn chữa lại từ đường, nhưng cứ động đến tiền lại bí rì rì. Vậy mà giờ, đúng như lời con dâu ông Đan nói, thì cũng tốt chứ sao. Nghe tôi nói, ông anh trưởng chi tôi bảo:
- Nhưng chú có biết cái gọi là "ý định" mà tay Hưng dặn đi dặn lại tay Đan là gì không?
Cái này thì dẫu tôi là giáo sư đại học cũng không nghĩ ra, chứ đừng nói chỉ là anh giáo quèn trường xó. Không nghĩ ra, thì chỉ còn nước trông vào ông anh trưởng chi, cả đời nhìn đít trâu mà túc trí đa mưu dễ chỉ thua mỗi Gia Cát Lượng. Tôi rót chén nước mời bác Đan, rồi săn đón hỏi:
- Là gì hả bác?
- Đúng là chú chỉ quen gõ đầu trẻ, chứ chẳng biết mỡ mẻ gì.
- Thì đã có bác chèo chống, toan tính mọi đường, em mới tôn bác lên thành rồng, còn sao phải đến em nữa.
Ông anh trưởng chi tôi nghe câu ấy chẳng biết có phởn chí, nhưng nhìn nét mặt đã thấy tươi vui, nghe giọng nói đã có phần xởi lởi, chứ không bức xúc như lúc mới đưa chân vào nhà tôi nữa:
- Chú chỉ được cái mồm mép đỡ chân tay. Nhưng này, đúng là chú không biết gì hả? Thế thì để tôi nói cho mà nghe. Cái "ý định" mà tay Hưng nói với tay Đan rằng nếu đạt thì hai trăm, chứ ba trăm triệu bỏ ra xây lại từ đường cũng bỏ, là sao không...
Tôi vội ngắt lời:
- Là sao hả bác?
- Đúng là chú còn trẻ người non dạ, chẳng để tâm gì đến việc họ tộc. Ai cũng như chú thì chẳng biết nòi giống dòng tộc còn dài ra được bao lâu nữa. Nhưng mà thôi, chuyện ấy để khi khác. Giờ tôi nói cho chú biết cái "ý định" của anh em nhà Đan. Tôi đi guốc trong bụng họ từ dạo Tết cơ. Không dưng, bỗng đâu anh em nhà ấy Tết rồi lại hảo tâm bỏ tiền ra mừng tuổi vung lên thế.
Cái này thì tôi biết. Sau Tết đâu được vài hôm, vợ chồng Hưng đánh xe về, đỗ ngay đầu ngõ vào từ đường họ. Ông Đan và cậu con trai lớn, như có hẹn, chờ sẵn trong sân. Nhà từ đường mở rộng ba gian cánh cửa. Vợ chồng chú Cần, cô Tâm thấy chiếc xe con đen ánh đậu ngay đầu ngõ thì tíu tít giục nhau, người lên nhà tổ bật hết ba bóng đèn ống sáng choang ba gian nhà, người điếu đóm nước nôi bày đặt gọn ghẽ trên cái bàn nước kê lối cửa vào. Bố con ông Đan chờ sẵn ở sân, dẫn vợ chồng Hưng vào thẳng nhà tổ thắp hương, khấn vái dễ bằng người luộc chín nồi khoai mới kéo nhau ra. Vợ chồng chú Cần, cô Tâm khi ấy không biết có phân công nhau mà mỗi người đứng một bên cửa, chắp tay trước ngực cung kính chào "Hai ông với bà và cậu lại nhà ạ". Vợ chồng Hưng và cậu con trai ông Đan lặng lẽ đi qua, như đi qua chỗ không người. Còn ông Đan đứng lại nhìn cô con gái ông trưởng họ đã quá cố bảo, giỗ đầu cụ ông rồi đấy, vợ chồng chị liệu bàn với cụ bà, ra giêng ngày rộng tháng dài làm lấy gian cửa gian nhà ra ngoài mà ở, để từ đường cho người khác hương hỏa. Đây không phải lần đầu cô Tâm, con gái cụ Tộ, nghe câu này. Sau ngày cụ hai năm mươi về già, nhất là từ giỗ đầu cụ đến nay, ông Đan mấy lần nhắc, vợ chồng chị thu xếp giao lại từ đường, để họ cử người khác trông nom. Nhà chị vô nam, chứ họ có vô nam đâu mà phải dụng nữ trông coi hương hỏa từ đường. Chả là họ Đào từ khi tôi biết đến nay vẫn thấy cụ Tộ trông nom từ đường. Nghe ông trưởng chi tôi nói thì đến cụ là đời thứ ba, hay thứ tư gì đó của dòng chi cả vẫn làm trưởng, trông coi công việc họ tộc. Cụ Tộ tiếng là sinh được bốn người con, nhưng giờ chỉ còn hai cô con gái, cụ thượng thọ đến ngoài tám mươi mới về chầu tiên tổ, cũng một phần nhờ anh con rể, chồng cô Tâm, ăn ở, trông nom bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ, chẳng nề hà gì. Kể vô nam dụng nữ được như ông bà Tộ xưa nay cũng là hiếm. Nhưng ngay tuần đầu cụ Tộ mất, ông Đan và mấy ông nữa đến thắp hương, đã quay ra nhắc khéo cô Tâm, lo việc cụ xong rồi, vợ chồng chị cũng nên thu xếp lấy chỗ nào mà ở. Nhưng nói cụ thể thời gian, ra giêng ngày rộng tháng dài, thì mới hôm Tết rồi là một. Cô Tâm nghe ông Đan nói thế thì sửng sốt đến không cầm được nước mắt. Bởi gì thì gì năm mới năm me, lại trước cửa nhà tổ mà không kiêng nể gì, nói toạc ra cái việc không vui ấy, thì thật cạn tàu ráo máng, không thể lần khân như mấy lần trước được nữa rồi. Nếu chỉ hai vợ chồng với mấy đứa con cũng đi một nhẽ, đằng này còn bà cụ, đường đường là mẹ của hai con liệt sĩ, nhẽ ra còn được Nhà nước làm nhà tình nghĩa, vậy mà nỡ nào họ tộc với nhau... Thấy vợ héo như cải phơi dưa trước cửa nhà tổ, Cần vội đỡ lời, dạ, ông dạy thế chúng cháu xin nghe ạ. Thì bất ngờ em trai ông Đan ra đến sân lại vội quay vào, đến trước mặt người đàn bà đang thờ tự dòng họ Đào, móc túi lấy ra một sấp tiền, toàn loại một trăm nghìn mới cứng, xỉa xỉa đếm đếm dễ đến dăm tờ xanh nhạt đặt vào tay Tâm. Này, mừng tuổi cho mẹ con cô, chẳng biết vợ chồng có mấy đứa, nhưng cứ cầm chỗ này chia cho các cháu hộ. Cô Tâm, rồi chồng chối đây đẩy, chết, sao anh lại cho các cháu nhiều thế này, những năm trăm nghìn kia ư. Không, em không lấy nhiều thế đâu. Nhưng ông Đan nhanh trí bảo, chú Hưng cho thì cô cứ cầm, để năm mới chú ấy lấy may.
Nhưng chẳng biết có may thật không. Khi anh em ông Đan chưa ra khỏi từ đường thì gặp ngay mấy ông đang đi vào, định chơi cờ tướng. Họ Đào tôi tuy không vào loại to nhất làng, nhưng được cái có khu từ đường tọa lạc trên đám thổ cư rộng tới ba sào, lại có vườn cây ao cá đẹp và tĩnh, mà bây giờ tìm được khu từ đường thứ hai nào như thế họa chỉ còn nước vào bảo tàng, nên mấy ông có tuổi trong làng, chẳng cứ người họ Đào hay không, cũng thường tụ tập ở từ đường họ Đào chơi cờ tướng. Khi bác Tuất trưởng chi họ tôi và ông Quê, ông Đục cùng mấy ông nữa vào đến sân từ đường thì gặp anh em ông Đan đi ra. Thế là tay bắt mặt mừng, ông Đan, rồi Hưng kẻ ôm vai người này, người nắm tay người kia, cứ như từ cha sinh mẹ đẻ đi mãi đẩu đầu đâu mà giờ mới gặp người trong họ ngay giữa từ đường họ thế này. Sau giây phút tay bắt mặt mừng, ông Đan đánh mắt cho ông em. Hiểu ý, Hưng nhanh tay móc túi quần, rồi thay vào việc lấy ra một nắm tiền xỉa xỉa đếm đếm như ban nãy ở cửa từ đường, lần này Hưng lấy ra một tệp phong bì, cái nào cũng dán kín như chuẩn bị sẵn từ ngoài phố, về quê gặp ai chỉ việc rút ra đưa từng người. Bắt đầu là bác Tuất trưởng chi tôi, rồi ông Quê, ông Đục, ông Thích, đến ông Thách, như người ta cứ cầm béng cái phong bì đút túi, cá ai vào ao ta ta được, đằng này ông Thách lại còn giơ ra trước mặt ông Đan cười nửa miệng, thế này là thế nào ông Đan nhởi? Ông Đan cũng không phải tay vừa, thì bao nhiêu năm làm phó viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh ông còn hớ hênh gì ba cái chuyện vặt này, nên nói trơn như cháo chảy, không là thế nào cả, chẳng qua Tết nhất chú Hưng về thắp hương tiên tổ, tiện gặp mấy ông thì mừng tuổi các ông cho lấy may thôi. Nhưng vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn, ông Thách cầm cái phong bì thủng thẳng vừa cười vừa nói, lấy may hay lấy phiếu thì cứ nói thẳng, sang tháng việc họ chúng tớ còn tính. Nhưng ông Đan quái, ôm chặt vai ông Thách như thể bạn hữu lâu ngày mới gặp, nói trong tiếng cười hơ hớ, ông cứ nói thế, việc họ đương là nghĩa là tình, chứ đâu việc cơ quan, đoàn thể mà tranh giành nhau lá phiếu, hơ hớ hớ...
Những câu nói nửa đùa nửa thật trước cửa từ đường hôm ấy tưởng theo gió mà bay, ai dè hôm nay ông anh trưởng chi tôi lại nhắc đến. Nhắc đến vì lời bàn nhỏ to của anh em ông Đan, qua mồm đứa con dâu đi làm đồng, như vết dầu loang khắp trong họ ngoài làng. Đi đâu cũng nghe người ta bàn ra tán vào, giữa lúc cả họ có bổ lên đầu người mỗi suất trăm nghìn cũng không có nổi hai trăm triệu xây lại nhà tổ. Thế mà tự nhiên cánh nhà Đan cung tiến cả dinh cơ từ đường, theo phương thức chìa khóa trao tay, chư viên trong họ không phải mó mảy việc gì, mà họ còn làm khoảnh chưa nhận mới lạ. Kể giữa thời buổi này, có người cung tiến cả dinh cơ từ đường những mấy trăm triệu mà còn định ngãng ra, thì kể cũng lạ thật. Nhưng đấy là lời bàn ngoài, còn lời bàn trong thì chưa biết ra sao.
Chỉ biết gần tuần nay, họ Đào tôi như ngồi trên chảo lửa sôi sùng sục chuyện bầu trưởng họ. Thôi thì hễ ở đâu có dăm ba người họ Đào là y như lại kháo nhau chuyện cắt cử trưởng họ thế nào, điểm mặt hết lượt những nhà trên chi cả, từ người cao tuổi nhất là cụ Mần vừa đại thượng thọ chín mươi hôm mồng bốn Tết, đến thằng con anh Dụ mới cúng mụ hôm mười chín tháng giêng vừa rồi. Kể về mặt nào cũng không nhà ai có được gia phong như cánh cụ Tộ, chả thế cánh ấy giữ chân trưởng họ đến cụ dễ năm, sáu đời chứ có ít đâu. Cụ Tộ có bốn người con hai trai, hai gái, thì hai anh con trai đi bộ đội vào chiến trường miền Nam từ những năm 1966, 1967. Anh lớn là Tô, hy sinh ở mặt trận Quảng Đà hồi Mậu Thân 68; còn em trai là Tôn, nằm xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn ngày hai mươi chín tháng tư năm bảy nhăm, ấy là giấy báo tử gửi về ghi rõ thế. Nhà còn hai cô con gái, thì cô lớn khi xảy ra giao tranh biên giới tình nguyện đi thanh niên xung phong ra Hải Ninh, rồi ở lại làm ăn ngoài ấy. Vậy là ở nhà chỉ còn mình cô Tâm vừa trông nom hai ông bà già, vừa gánh vác công việc họ tộc. Tiếng là công việc họ tộc còn có ông, nhưng ông bị liệt một bên người, đi lại còn khó nói gì đến dọn dẹp, quét tước nhà tổ. Thế nhưng có ông vẫn như nhà có nóc, dưới phải kính, trên phải nhường, vì dẫu bị liệt nửa người thì ông vẫn cứ là vị trưởng tộc lâu đời và uy tín nhất họ. Nhưng người họ Đào, và cả lân bang xóm láng ai cũng biết, giúp việc họ tộc cho cụ Tộ chính là anh con rể Cần, chứ một cô con gái có ba đầu sáu tay cũng chả kham nổi. Cần là con thứ ông bà Phận ngoài xóm Trại, chỉ mỗi đợt đi đắp đê quen nhau là nên vợ nên chồng. Hôm nhà trai đến chạm ngõ, ông bà Tộ không úp mở nói thẳng, cưới xong xin nhà trai cho cháu Cần về bên này, con nào cũng là con, bên đây chỉ còn mình con Tâm, nhà cửa lại rộng, không kể trên từ đường họ ba gian nhà gỗ lim, dưới nhà ông bà đang ở cũng ba gian nhà xây mái ngói, lại cái nhà ngang hai gian liền kề rộng thênh, rồi vườn tược, ao chuôm, lo không có sức mà làm. Ở đâu chàng rể đến ở nhà vợ là chuyện nặng nề, chứ làng tôi giờ tân tiến coi chuyện đó cũng thường, không ít đám nhà gái còn đứng ra "cưới rể" cỗ bàn mấy ngày liền, còn to hơn cả cỗ cưới họ nhà trai. Vợ chồng Cần cưới nhau xong, chỉ ở bên bố mẹ đẻ ba ngày là dọn sang ở nhà bố mẹ vợ. Từ đấy, Cần tiếng là con rể nhưng ông bà Tộ vẫn coi như con đẻ. Nhất là từ cái lần đang đêm Tâm giật chốc gọi bố mẹ, nhà con không biết làm sao cứ lảm nhảm nói chuyện một mình. Bà vội chạy vào, đặt tay lên trán anh con rể nóng như hòn than, cảm sốt đây mà, con đi rang ít cám mẹ đánh cảm cho nó. Cô con gái chưa kịp đi, thì ông bố tập tễnh vào đến đầu giường đã bảo, anh cả có về dặn dò gì em thì nói chầm chậm để bố mẹ nghe với, chứ nói nhanh thế, giờ bố già nghễnh ngãng khó nghe lắm. Ông cụ quả là tinh, thoáng nghe là nhận ra ngay tiếng anh con trai lớn. Bà Tộ và cô con gái nghe ông nói thế bỗng nổi hết gai ốc, nín thở lắng nghe. Tiếng người đàn ông giọng thuốc lào đùng đục rất giống giọng Tô, con trai lớn ông bà Tộ, chẳng biết có nghe tiếng ông bố mà vẫn nói nhanh, như chỉ sợ không nói nhanh thì trời sáng không nói được nữa. Tô như đang dặn dò em rể, em cứ vô tư đi. Ngày xưa các cụ phong kiến mới phân biệt dâu, rể, chứ ngày nay cứ ai có hiếu với cha mẹ đều là con hết. Ông Tộ ngồi ghé vào mép giường, bà Tộ như đã lấy lại bình tĩnh, nghiêng đầu gần anh con rể lắng nghe. Từ miệng Cần vẫn líu ríu tiếng Tô, anh con cả hy sinh ở mặt trận Quảng Đà năm 1968, anh với chú Tôn vì nước hy sinh, không chăm sóc được bố mẹ, không trông nom được từ đường họ Đào ta nữa. Thôi thì trăm sự trông cậy vợ chồng em, dù thế nào cũng phải lo báo hiếu mẹ cha, phụng thờ tiên tổ cho chu tất. Người trước thế nào thì sau mình thế, em nhá! Ông Tộ đưa nhanh tay ra nắm tay Cần, như thể được cầm tay anh con trai cả. Bà Tộ và cô con gái gần như ôm chầm lấy Cần, lay gọi. Giọng bà như lạc đi, Tô ơi, con sống khôn chết thiêng, đã về với bố mẹ và các em thì nói cho bố mẹ và em nó biết giờ con đang ở đâu, để nhà biết đường đưa con về với bố mẹ và các em, con ơi! Nhưng dường như người nhập hồn vào Cần đã đi vào thinh không, Cần mệt mỏi nằm oặt đầu ra ngoài gối, thở dốc. Ông Tộ giục con gái đi pha cốc nước đường, vắt tí chanh nữa, mang vào đây. Ông nâng đầu con rể lên, kề miệng cốc vào môi, bảo anh con rể uống đi cho hạ nhiệt. Cần dường như đã tỉnh, môi mấp máy định nói gì với bố vợ, nhưng ông Tộ tinh ý ra hiệu bảo Cần cứ nằm nghỉ, bố biết rồi. Sau đêm ấy chừng một tháng, cấy hái xong, vợ chồng Cần đèo nhau lên tỉnh xin giấy vào Đà Nẵng mang hài cốt Tô về. Từ ấy ông bà Tộ càng quý anh con rể, việc nhà cửa nội tộc, lớn bé nhất nhất đều bàn bạc, hỏi han Cần. Tuy không nói ra, nhưng ông vẫn nghĩ hồn thằng Tô nhập vào thằng Cần, thì thằng Cần phải là đứa thế nào thằng Tô mới ký thác cho nó thế chứ. Chuyện anh con cả cụ Tộ nhập hồn vào anh con rể giữa cái đêm Cần bị cảm sốt ba mươi chín độ năm, ngoài mấy người trong nhà ra, dường như cả họ tộc, xóm láng không ai biết. Duy có cụ Mần, người cao tuổi nhất họ. Không hiểu sao từ khi nằm liệt giường đến hôm ấy là một tháng mười sáu ngày, cụ Tộ lại cho người đi mời cụ Mần đến nhà chơi, rồi giữ lại ăn cơm trưa, mãi chiều mới cho con rể đưa cụ lại nhà. Ngay đêm ấy cụ Tộ đi chầu tiên tổ. Cụ Mần như không nén được nỗi nhớ người bạn già mới hôm trước còn ở bên nhau, liền kể lại với mấy ông bà đến chơi câu chuyện nhuốm màu mê tín mà cụ Tộ đã kể cho nghe như một lời trăn trối. Nhưng thời gian như nước qua cầu, ai cũng mải lo đồng tiền bát gạo, chẳng hơi đâu còn nhớ chuyện nhập hồn cụ Mần kể hôm ở đám ma cụ Tô nữa. Nếu như không có việc bầu trưởng họ Đào.
Chẳng biết gọi là gì, sáng kiến hay tối kiến, chỉ biết rục rịch việc họ để cử người đảm đương công việc họ tộc cho danh chính ngôn thuận thì ông Đan, ông Quyến cùng chi họ thứ cánh ông Đan, đưa ra ý kiến bầu trưởng họ, chứ không cắt cử theo dòng tộc, chi cả hết người thì đến chi thứ, mà chi cả còn người đáng mặt trông nom công việc họ tộc thì chi thứ thôi, như xưa nay vẫn làm. Bởi việc trông nom hương hỏa từ đường, giữ gìn tôn ti trật tự dòng tộc là công việc chung của mọi người trong họ, chứ không riêng chi tộc nào, nên cắt cử người trông nom từ đường cũng là sự duy trì tôn ti, giữ gìn danh tiếng dòng tộc, bao giờ cũng được chư viên trong họ cân nhắc kỹ lưỡng. Lần này cũng vậy, để khách quan, họ lập ra ba tổ đi từng nhà lấy ý kiến. Nhưng chẳng biết lấy ý kiến kiểu gì mà suốt cả tuần lễ, ba tổ vẫn không thống nhất với nhau được. Thống nhất cái con tìu, ông anh trưởng chi tôi làm trưởng một tổ lấy ý kiến, ở chỗ việc họ về qua nhà tôi, không kìm được bực bõ văng ra thế. Tôi súc ấm pha trà, quay lại bàn vừa bỏ chè vào ấm, vừa hỏi bác Tuất:
- Sao lại không thống nhất được, hả bác?
- Tôi hỏi chú, ba tổ đi lấy ý kiến thì chỉ có mỗi tổ ông Đan phần đông số người được hỏi đồng ý bầu trưởng họ, còn tổ tôi và ông tổ Đục đều đồng ý giữ lệ họ xưa nay là cử người dòng chi cả trông nom công việc họ tộc.
Tôi xen ngang lời bác Tuất:
- Tưởng gì, chứ thế thì thiểu số phải phục tùng đa số, chứ có gì mà bác phải bực bõ thế.
- Nói như chú thì dễ quá. Đằng này thiểu số lại đòi đa số phải phục tùng, thì ai mà không bực cơ chứ.
Như trút cơn bực, ông anh trưởng chi tôi cầm chén nước ực một hơi, rồi nhìn tôi, đột ngột hỏi:
- Chú còn nhớ cái chuyện hôm trước anh em mình nói với nhau không? Nhớ hử. Thế thì anh chỉ nói để chú biết. Hôm nay ở chỗ việc họ, tranh cãi một thôi một hồi không ngã ngũ, ông Đan chơi ngay nước bài ngửa, nói thẳng ra: nếu bỏ lệ cắt cử theo thứ bậc chi họ, mà bầu trưởng họ theo phổ thông đầu phiếu như bầu hội đồng nhân dân ấy, thì tôi xung phong ra ứng cử trưởng họ, được mọi người nhất trí thì chỉ hôm trước hôm sau nhà tổ được dỡ xuống để xây mới hoàn toàn, như mấy lần họ đã bàn mà chưa thành ấy.
- Vậy là cái điều thiên hạ đồn rinh mấy hôm nay là thật à, bác?
- Thật chứ ai bảo không thật. Thế mới rối!
- Nhưng rốt cuộc có thống nhất được không, bác?
- Thống nhất cái con tìu. Tiền lấy rồi, nắm xôi nhét miệng còn há ra sao được. Cái tay Thách hôm nọ ở cửa nhà tổ hỏi anh em ông Đan lấy may hay lấy phiếu, thế mà hóa thật.
Tôi bỗng thấy man mác nỗi buồn không rõ từ đâu, nhưng thật là buồn, buồn đến rệu rã cả người, không còn thiết chuyện trò, hỏi han gì ông anh trưởng chi tôi nữa. Bác Tuất nhìn tôi ngồi ủ rũ như cò bợ gặp trời mưa, 3236 cũng không muốn nói gì nữa, lặng lẽ rót nước uống thêm chén nữa rồi đứng dậy. Ra đến cửa, như sực nhớ nhiệm vụ trưởng chi chưa hoàn thành, bác quay lại bảo, mai việc họ, mỗi nhà một người, chú đổi được giờ lên lớp thì chín rưỡi mười giờ về nhá. Có đánh chén, anh em nhà Đan khao đấy.
Chẳng lẽ anh em ông Đan tự tin đến mức nói bỏ tiền ra làm lại từ đường là đã cầm chắc chức trưởng họ trăm phần trăm rồi hay sao, mà đã lên tiếng khao cả họ bữa cỗ trưa mai. Gì thì gì chứ hơn trăm suất ăn, mèn cũng tốn mươi triệu là cái chắc. Nhưng mình có lẩn thẩn không thế nhỉ, mươi triệu với anh em nhà ấy đáng gì, hôm Tết nghe đâu chỉ riêng tiền mừng tuổi chư viên trong họ, anh em ông ấy đã bỏ ra tới ba mươi mấy triệu cơ mà. Kể vẫn lãi chán, vài chục triệu bạc được chức trưởng họ, tiếng không nem công chả phượng, nhưng động việc gì trong họ ngoài làng đều phải thỉnh đến. Thì không ư, hương ước làng văn hóa nhất thiết phải có trưởng họ ký mới đại diện được cho dòng tộc, rồi hàng năm xét công nhận gia đình văn hóa, mừng thọ người cao tuổi, khuyến học khuyến tài, đến lễ hội làng xã, thậm chí cả đặt vòng tránh thai, tất tật đều phải có đại diện dòng tộc tham gia, đều mời các trưởng họ đến họp bàn. Một miếng giữa làng bằng một sáng góc nhà, oách xì ngầu lắm chứ tưởng.
Nhưng không biết rủi hay may, tôi không đổi được giờ dạy, nên về đến chỗ việc họ mặt trời đã chính ngọ. Thế mà việc họ vẫn chưa xong. Ngoài sân cỗ bày la liệt trên mấy dãy bàn, dưới tấm bạt phủ kín sân gạch rộng. Trong nhà, thật không còn bút lực nào tả hết không khí hừng hực của cuộc tranh luận khi thì tay đôi, khi thì tay ba, chỉ xoáy vào mỗi việc bầu hay cử trưởng họ. Bầu thì còn phải lên danh sách, in phiếu, sắm hòm; còn cử thì dễ, chi nhất chi nhị thứ tự bao đời đã phân. Lúc tôi đến thấy một ông ra chiều sành sỏi đang thuyết lý, xu thế bây giờ là làm gì thì làm cũng cần có Mạnh Thường Quân. Thế mà họ ta giờ không chỉ có một, mà những hai Mạnh Thường Quân, là anh em ông Đan, Hưng, thì hà cớ gì lại chối từ lòng hảo tâm của anh em ông ấy, không cử ông Đan làm trưởng họ. Không biết ông kia nói xong chưa, nhưng mới đến đấy đã thấy ba bốn ông đang ngồi ở cái chiếu trải trên nền nhà bật đứng dậy, người giọng trầm, người giọng thanh, có người còn như quát lạc cả giọng, anh em ông Đan hay ai cũng thế, hảo tâm thì cứ cung tiến, bao nhiêu họ cũng ghi sổ vàng công đức. Nhưng không thể mang tiền ra mặc cả với họ tộc như thế được. Dẫu tiền có là tiên là Phật đi chăng nữa, thì tiên, Phật ở đâu, chứ không thể ở họ Đào ta đã có luật lệ dòng tộc từ bao đời nay. Ta cứ theo lệ họ, người trước thế nào, sau cứ thế. Phải rồi, người trước thế nào, sau cứ thế, nghe tiếng người nhắc câu ấy, ai nấy đổ xô nhìn ra ngoài. Đầu sân cụ Mầm đang được đứa cháu trai mười bốn, mười năm tuổi dẫn vào, vừa đi cụ vừa nói như giải thích lý do đến muộn, ngồi nhà thấy bên này việc họ mà sốt cả ruột, nhưng hèn nỗi thằng cháu bảo về sớm dẫn ông đi giỗ tổ, mà giờ mới về, có chết không. Sao chết được hả cụ, cỗ bàn bày ra nhưng cụ chưa sang thì đâu đã dám. Kính cụ vào thắp hương, cho con cháu hưởng lộc ạ. Từ nhà trong ông Thách, ông Quê, ông Đan, bác Tuất và mấy ông nữa tất tưởi đi ra đón cụ Mầm. Chờ cụ thắp hương khấn vái tiên tổ xong, ông Đan mới đến bên cụ, tay khoanh trước ngực lễ phép thưa, cụ sang muộn, các ông các bác đang bàn cử người gánh vác công việc họ tộc ạ. Ông Đan mới nói đến đấy, cụ Mầm không biết đã có ai "mật báo", nói ngay:
- Bàn gì thì bàn, nhưng cái gốc của dòng tộc là không thể bỏ được. Mà cái gốc của dòng tộc họ Đào ta là gì, là phải giữ tục lệ tốt đẹp của tiên tổ, trên kính dưới nhường, mọi người hòa thuận, tôn ti trật tự dòng tộc không thể đảo ngược. Từ bao đời nay chi cả vẫn có trọng trách hương hỏa từ đường, trông coi công việc họ tộc. Trước thế nào, nay thế, không thể khác.
Bỗng một giọng choang choác cắt ngang lời cụ Mầm:
- Nhưng nay chi cả không còn người nối dõi tông đường, cụ Tộ không có con trai...
Có tiếng ông anh trưởng chi tôi vặn lại:
- Ai bảo cụ Tộ không có con trai, thế anh Tô với anh Tôn...
Tức thì, ông Đan đứng lên, buông thõng:
- Chết rồi kể cũng như không.
Nhưng lại nghe tiếng cụ Mầm, với giọng trầm đục của người cao niên, như dàn hòa, lại như muốn để mọi người hiểu ra:
- Ông Tuất nói đúng, mà ông Đan nói cũng đúng. Vợ chồng cụ Tộ sinh được hai người con trai, gặp lúc nước nhà kháng chiến, cả hai anh Tô, Tôn đều xung phong đi bộ đội đánh Mỹ. Hai người con của ông bà Tộ, cũng như bốn mươi mốt anh em thanh niên của làng ta đã hy sinh ngoài mặt trận, để hôm nay chư viên trong họ mới được ngồi đây hưởng lộc tiên tổ chứ. Vậy sao có thể nói ông bà Tộ vô nam. Thử hỏi không có mấy mươi năm kháng chiến hết chống Pháp, lại chống Mỹ thì hai anh con ông bà Tộ có phải hy sinh trong chiến trường miền Nam, mãi năm nọ hài cốt anh Tô mới được mang về, còn anh Tôn vẫn nằm ở đâu trong ấy. Mà nếu hai anh con ông bà Tộ không hy sinh ở chiến trường, lại may mắn trở về như bao người khác, thử hỏi hôm nay chư viên trong họ có ngồi đây tranh cãi nhau bầu hay không bầu trưởng họ nữa hay không. Chắc chắn là không. Vì tục lệ họ là chi cả có trọng trách trông nom công việc họ tộc. Xưa thế, nay vẫn thế. Anh con trưởng ông bà Tộ khi còn nằm trong nghĩa trang Quảng Đà, có lần hiện về dặn dò vợ chồng cô em gái chăm lo báo hiếu mẹ cha, phụng thờ tiên tổ...
Cụ Mầm mới nói đến đấy, trong nhà ngoài sân bỗng rào rào lời qua tiếng lại:
- Có thế thật à?
- Chú Cần, cô Tâm đâu rồi?
Cần, rồi Tâm, hai vợ chồng từ nhà dưới hớt hải đi lên. Cần vừa đi như chạy, vừa phân bua:
- Em đang dở tay nồi xáo. Các ông các bác cho gọi em ạ.
Bác Tuất trưởng chi tôi bước xuống sân cầm tay Cần định dẫn vào nhà trong, thì có tiếng ông Đan cật vấn Cần:
- Cụ Mầm vừa bảo Tô về hiện hồn vào anh, có đúng không?
Cần ngơ ngác trước câu hỏi bất ngờ, thì vợ vội rời chỗ mấy bà ngoài sân, vừa đi vào vừa nói, cốt với cả họ, chứ không với ông Đan:
- Anh Cần hôm ấy cảm sốt mê mam bất tỉnh, nhưng hai ông bà và em đều nghe từ nhà em nói ra những tiếng y hệt tiếng anh Tô dặn vợ chồng em chăm lo báo hiếu mẹ cha, phụng thờ tiên tổ cho
Ông Quê đang ngồi chỗ mấy ông cao tuổi ở nhà trong, bỗng đứng dậy đi ra chỗ vợ chồng Cần và mấy người đứng ngoài sân:
- Thế thì đúng rồi. Hồi mang anh Tô về tôi có nghe ông cụ nói là thằng Tô hiện về báo cho thằng Cần chỗ nó nằm trong Đà Nẵng, nên vào cái là thấy ngay, chứ có thuê thầy thợ, tướng số gì đâu.
Mấy bà nhìn nhau xuýt xoa:
- Thiêng! Cái nhà anh Tô trông người hiền lành, thế mà thiêng quá nhỉ!
Ông anh trưởng chi họ tôi đi lại chỗ cụ Mầm, cung kính hỏi:
- Thưa, cụ còn dạy điều gì với chư viên họ nữa không ạ?
Cụ Mầm đã ngồi xuống chiếu chỗ mấy ông cao niên, lại
đứng lên:
- Tôi chỉ muốn nói là, bao nhiêu năm vợ chồng cô Tâm, chú Cần chăm sóc ông bà Tộ và trông nom công việc họ tộc thế nào thì cả họ ta đều biết, dân làng cũng đều biết. Thế nên xưa các cụ thế nào, nay ta thế, chi cả cánh nhà cụ Tộ vẫn cứ làm trưởng họ.
- Dạ, thưa cụ...
Ông anh trưởng chi tôi nhìn thẳng vào nét mặt nghiêm nghị của cụ Mầm từ tốn hỏi, như muốn xác nhận lại lần nữa câu cụ vừa nói. Nhưng cụ chưa kịp nói gì thì trong nhà ngoài sân bỗng rào rào tiếng nói, tiếng reo hò, tiếng vỗ tay dường như bị kìm ném bao lâu giờ mới bung ra. Bỗng có tiếng ai gào thốc bộ lên:
- Ơ, anh em ông Đan về kìa!
Mọi người đổ nhìn ra ngõ, chỗ có chiếc ô tô con màu hắc ín đang đỗ, thấy ông Đan đang cúi người chui tọt vào xe.
Có tiếng ông nào đứng trên cửa nhà trong nói ra:
- Thế cỗ bàn sao nhởi?
Bấy giờ ai nấy mới nhìn xuống những mâm cỗ bày trên mấy dãy bàn ngoài sân. Có tiếng bác Tuất trưởng chi tôi gọi:
- Chú Cần cô Tâm đâu, vào rót rượu mời mâm các cụ cao tuổi đi nào!
Cần lễ mễ bê bình rượu sành màu da lươn từ dưới nhà ngang lên nhà tổ.
Xóm Mới, 20-10-2012
The end!