Từ sau khi lờ mờ đoán biết được tình hình nhà mình, Trịnh Diễm bắt đầu cân nhắc về các biện pháp “chạy trốn một cách đường hoàng trong tương lai của gia tộc gian thần”.
Nhưng không có kết quả gì.
Chỉ nghĩ thôi cũng biết, nếu có bất cứ biện pháp nào để cả một nhà gian thần có kết cục tốt, thì trên thế giới này quả thật là chẳng có tí thiên lý nào cả.
Tục ngữ luôn luôn nói đúng, thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải là chưa báo, mà là chưa tới thời cơ, khi nào thời cơ đến, sẽ có quả báo thích hợp.
Trước mắt là chưa đến lúc thích hợp, đến lúc thời cơ đến, thì chính là toàn gia phải chết.
Phương pháp tránh họa tốt nhất chính là khiến cho cha nàng thay đổi tính tình, vấn đề là, tính tình, dễ thay đổi đến thế hay sao?
Đáp án đương nhiên là không rồi, nếu như tính tình có thể thay đổi dễ dàng như vậy, trên đời này có thể có nhiều “gian thần” như thế à?
Hoặc là, gây dựng thế lực của gia tộc, tạo dựng vị thế tốt đẹp cho gia tộc, tạo thành một gia tộc thuộc loại gia tộc dòng dõi thư hương. Cao quý trong sạch, vô hại, vì nước vì dân, Hoàng đế cũng không thể dễ dàng xuống tay với gia tộc của bạn. Tuy nhiên, từ trước tới giờ trước mặt Trịnh Diễm chưa từng xuất hiện một người thân nào ngoại trừ người nhà!
Tạm thời không nghĩ đến gia tộc, người thân cũng chẳng có mấy nhà, đây vẫn là nút thắt cho đến hiện tại, lại cũng không phải là người thuộc dòng dõi cao quý – khi mà Trịnh Tĩnh Nghiệp bị thế gia(9)lên án đây thì đây chính là một vết thương lớn.
Quả là con đường phía trước dài đằng đẵng, chỉ thấy toàn một màu đen!
Đáng giận nhất chính là số tuổi của nàng, quá nhỏ, cho dù có biện pháp thì cũng không có năng lực để thực hiện. Cho dù cổ nhân có lập nghiệp quản lý việc nhà sớm, thì cũng không phải là ở độ tuổi bảy tuổi, hơn nữa dù sao cũng vẫn là nữ hài tử, đây cũng không phải xã hội theo chế độ mẫu hệ, cho dù mọi người có khoan dung rộng rãi đến mức nào đi chăng nữa, thì nàng cũng chưa có khả năng tùy tiện nói một câu mà cả nhà phải nghe theo – cho dù cha nàng có thương yêu nàng thì cũng vô dụng mà thôi.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Trịnh Diễm bây giờ là bình an mà trưởng thành, vả lại còn phải cầu khấn để trước khi nàng trưởng thành có tư cách phát ngôn, thì nhà mình không xảy ra bất cứ một sai lầm không thể sửa đổi nào hết cả.
Cầu trời phù hộ.
Nghĩ nhiều cũng vô ích, hiện tại nàng nên tiếp tục sống cuộc sống vô lo vô nghĩ, dáng vẻ mặt ủ mày chau sẽ khiến mọi người không thích. Nếu bị mọi người ghét bỏ, thì các biện pháp sau này của nàng coi như là đã thất bại mất nửa rồi.
———————————————————————————————————————
“Thất nương, thất nương. Có việc vui mừng lớn đây”. Một người phụ nữ lớn tuổi ở chỗ Đỗ thị cười khanh khách bước đến chỗ Trịnh Diễm chúc mừng, “Tam nương có thai, thất nương sắp trở thành cô mẫu. Phu nhân sai lão nô đến mời thất nương qua nói chuyện”.
Trịnh Tĩnh Nghiệp và Đỗ thị sinh được năm nam hai nữ, Trịnh Diễm nhỏ nhất, theo cách gọi theo thứ tự vai vế nam nữ trong nhà, Trịnh Diễm đứng thứ bảy, nên gọi là thất nương. Tỷ tỷ ruột duy nhất là Trịnh Du xếp thứ tư, nên gọi là tứ nương, còn lại đều là các ca ca, nên gọi lần lượt là đại lang đến lục lang.
Đối với vấn đề xưng hô ở thời đại này, Trịnh Diễm cảm thấy may mắn khi cha nàng không phải mang họ Vũ, mà mẹ nàng trước khi xuất giá cũng là lớn nhất trong nhà. Đỗ đại nương so với Đỗ thập nương nghe xuôi tai hơn biết bao nhiêu, mà cha nàng lại là con trai độc nhất của tổ phụ, khi còn trẻ đã có không biết bao nhiêu năm làm “đại lang” rồi.
Có cả con trai lẫn con gái, lại còn có cả tôn tử, Trịnh Tĩnh Nghiệp lại đã trở thành Thừa tướng, cách xưng hô của hạ nhân trong phủ đối với Trịnh Tĩnh Nghiệp và Đỗ thị càng ngày càng trở nên tôn kính hơn. Vừa khéo là Đỗ thị là cáo mệnh(10) Hình Quốc Phu nhân, các hạ nhân trong phủ đương nhiên là sẽ gọi nàng một tiếng “Phu nhân”.
À, nói ra thì, tên của năm người ca ca của nàng lần lượt là Tú, Kì, Sâm, Uyển, Thụy, ba người anh lớn đã thành hôn, cách xưng hô ba vị tẩu tử ở trong nhà cũng gọi theo thứ tự của trượng phu, nên gọi là đại nương, nhị nương, tam nương, thứ tự của bọn họ ở nhà mẹ đẻ thế nào thì cũng không dùng được trong phủ, nhưng thật ra đã đi lấy chồng rồi thì cũng chẳng mấy ai xưng hô như thế, chỉ khi về nhà mẹ đẻ mới được nghe thấy mọi người gọi như trước khi lấy chồng thôi.
Tam nương mà người phụ nữ này nói đến, chính là thê tử Triệu thị của tam ca Trịnh Sâm của Trịnh Diễm.
Ái chà, đây đúng là thêm một đứa con trai là khiến cho cả gia tộc thịnh vượng!
Bản thân Đỗ thị sinh năm nam hai nữ không nói làm gì, ba người con dâu nay cũng đã có con.
Con trai trưởng Trịnh Tú cùng với thê tử là Phương thị sinh được ba người con trai, tên là Đức Hưng, Đức An, Đức Khiêm. Trịnh Tú là huynh trưởng, Trịnh Diễm là ấu muội, hai người hơn kém nhau chừng hai mươi lăm tuổi, con trai lớn Đức Hưng của anh ta năm nay mười hai tuổi, so với tiểu cô cô Trịnh Diễm còn lớn hơn. Nhưng ngay cả Đức An, năm nay cũng đã mười tuổi.
Con trai thứ Trịnh Kì lớn hơn ấu muội hai mươi tuổi, so với ca ca nhỏ hơn năm tuổi, nên anh ta vẫn còn khả năng sinh thêm con. Anh ta cùng với thê tử Quan thị sinh được bốn người con trai là Đức Bình, Đức Lương, Đức Kiệm, Đức Phương.
Con trai thứ ba là Trịnh Sâm lớn hơn Trịnh Diễm mười bảy tuổi, lập gia đình với thê tử Triệu thị được bốn năm, lần này đã là lần mang thai thứ hai, con trai trưởng của hai người là Đức Cung, năm ngoái đã được một tuổi.
Đại gia tộc luôn coi trọng sự hưng thịnh của mỗi nam nhân, ở quây quần theo dòng họ, nói chung đây cũng là tập tục lớn nhất của xã hội nông nghiệp.
Đỗ thị năm nay năm mươi tuổi, thê bằng phu quý, con cháu đầy nhà, vô cùng vui vẻ hạnh phúc.
Lão nhân gia nàng là đương gia chủ mẫu, nên đương nhiên là ở tại khu vực trung tâm của phủ đệ, sân viện so với người khác lại càng rộng lớn hơn. Lúc Trịnh Diễm tới nơi, nàng đang được ba cô con dâu vây quanh nói chuyện. Người mang thai là Triệu thị, nhưng tiếng chúc mừng hơn phân nửa lại hướng về phía Đỗ thị.
Đỗ thị đang nói: “Khai chi tán diệp là việc đáng mừng, nhưng không nên bàn tán quá ồn ào, tránh cho người ta rảnh rỗi lại ăn nói lung tung, sai người đi báo một tiếng qua chỗ ông bà thông gia đi”.
Gian tướng không phải chỉ luyện một sớm một chiều mà thành, tuy rằng con đường làm quan của Trịnh tướng thuận lợi, thì cũng là bước từng bước một mà đi tới, nhưng thật không may, nếu không ông ta đã là “hãnh thần(11)” chứ không phải là “quyền gian(12)”. Cũng vì là bước từng bước một mà đi lên, nên hôn sự của những hài tử trong nhà cũng là người sau địa vị cao hơn người trước.
Không phải là Phương thị xuất thân thấp kém, mà là gia thế của các em dâu nàng lại càng cao quý hiển hách hơn. Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không phải là người chịu thiệt, đương nhiên là sẽ không bạc đãi hài tử của mình, thông gia cũng đều là chọn nhà có điều kiện tốt nhất có thể kết thân lúc đó.
Mười lăm năm trước, Trịnh tướng đã là một Quận Trưởng, lại còn nhậm chức ở nơi giàu có rộng lớn nhất nữa, từ điểm đó thôi cũng đủ thấy ông ta có bao nhiêu cơ hội để làm quan. Lúc chọn thê tử cho con trai trưởng, đương nhiên là sẽ không kém chút nào. Phương thị cũng xuất thân từ gia đình quan lại, gia tộc họ Phương lại nổi tiếng giàu có, tuy là cha nàng Phương Duyên Linh làm quan một thời gian sau thì xin nghỉ, nhưng vẫn còn có tứ huynh, nhị đệ của nàng làm quan đến hàng lục, thất phẩm.
Thế cũng đã xem như là một gia tộc không tệ chút nào.
Lai lịch của hai cô em dâu lại càng rực rỡ hơn.
Sau khi Phương thị vào cửa năm năm, con trai thứ hai của Đỗ thị đã kết hôn với gia đình huân quý, lấy con gái của Ninh Viễn Hầu Quan Chính Ngạn.
Người đang mang thai là Triệu thị lại càng khó tưởng tượng hơn nữa, gia tộc của nàng có “nhiều thế hệ làm quan”, đã qua hai triều đại, bây giờ là triều đại thứ ba, gia tộc các nàng vẫn là nhãn hiệu nổi tiếng toàn quốc, ý, nhầm rồi, là “thế gia” nổi danh toàn quốc. Ước chừng là, gia tộc Triệu thị đã hưng thịnh đến bốn trăm năm rồi.
Đừng thấy Trịnh Tĩnh Nghiệp là Thừa tướng, có thể lấy nữ hài tử như thế cho con trai mình, tuy không phải là dòng dõi cao quý, nhưng cũng đã là trèo cao rồi. So với nhà người ta thì, Trịnh gia đúng là nhà giàu mới nổi.
Đỗ thị thân là vợ của Thừa tướng, là nhất phẩm phu nhân, nên cũng rất biết tôn trọng ba nàng dâu. May mà nữ hài tử của thế gia được dạy dỗ tốt, Triệu thị cũng không thật sự dám tự kiêu ở nhà chồng, tuy nhiên với những gì được dạy dỗ từ nhỏ đến lớn tại thân gia, cũng vẫn có một ít bất đồng với gia đình nhà chồng, với mẹ chồng, chị em chồng, mối quan hệ với em gái chồng cũng không quá thân thiết – nên có chút lúng túng cũng là chuyện dễ hiểu.
Nên khi cố ý nhắc đến thông gia, Đỗ thị cũng làm như vô tình mà nhắc đến.
Trước khi Trịnh Diễm bước vào đã có người thông báo, nên khi nàng bước đến gần cửa, trong phòng đã không còn tiếng nói chuyện, Đỗ thị vẫy tay nói với Trịnh Diễm: “Thất nương lại đây ngồi”. Đỗ thị ngồi một mình trên ghế dài, các cô con dâu theo thứ tự ngồi ở phía dưới, Trịnh Diễm theo thói quen bước tới ngồi đối diện với Đỗ thị: “A nương, con có thêm một đứa cháu nữa à?”.
Đỗ thị cười nói: “Mau chào các tẩu tẩu của con đi”, rồi chỉ Triệu thị nói, “Còn không phải là tam nương sao?”.
Ba cô con dâu của Trịnh gia đều là “hiền thê” đúng chuẩn mực, tức là những người được nuôi dạy rất tốt, thực tế thì họ cũng được nuôi dạy rất tốt, hiền hành đoan trang. So ra thì, Trịnh Diễm cảm thấy thân nương đời này của nàng là Đỗ thị, trong ánh mắt nàng còn ẩn chứa nhiều sự dũng cảm hơn.
Phương thị còn lớn hơn một tuổi so với Trịnh Tú, nhi tử chẳng mấy nữa mà có thể làm quan, hai năm gần đây vẫn luôn thận trọng, y phục cũng không chọn loại thêu thùa quá nhiều, trên người cũng không mang nhiều trang sức. Gia tộc của nàng không nổi danh toàn quốc, nhưng cũng có danh tiếng trong quận, bản thân là người nhà quyền quý, trước mặt Triệu thị cũng không lộ ra vẻ quá quắt.
Quan thị vốn xuất thân không tệ, lại là người sôi nổi nhất trong số ba chị em dâu. Cả Phương thị, Triệu thị gộp lại cũng không nói nhiều bằng một mình nàng, nhưng nàng nói nhiều thế cũng không làm người khác ghét nàng. Mà giọng hát hay của nàng cũng góp một phần công lao trong chuyện này.
Triệu thị là người trẻ nhất, chưa lộ rõ dáng vẻ mang thai, toàn thân mặc y phục màu thiên thanh, trên có thêu hoa văn mờ, đúng là vô cùng hoa lệ.
Chị dâu em chồng hàn huyên một lúc, Đỗ thị ôm nữ nhi nói: “Tiếc là tứ nương không có nhà”. Trịnh Du đã lập gia đình, nếu chỉ vì “chuyện nhỏ” như tẩu tử có thai mà đặc biệt thông báo cho nàng còn bắt nàng về thăm nhà một chuyến, cho dù có là nhà Thừa tướng gian thần, cũng vẫn là hơi kiêu ngạo quá rồi, hơn nữa Trịnh gia tuyệt đối sẽ không thừa nhận nhà mình là nhà gian tướng kiêu ngạo hống hách.
Lại nói: “Lát nữa a cha, các ca ca con sẽ về, sợ là tam lang sẽ vui mừng đến bay được lên đến tận trời xanh đi”.
Nhóm nữ quyến ngồi tán gẫu một chỗ, vì có Trịnh Diễm là một tiểu cô nương ở đây, mọi người cũng ngại không muốn tỏ ra là kẻ thiếu hiểu biết trước mặt Triệu thị, nên đề tài câu chuyện vô cùng đúng mực.
Nhìn tình cảnh trước mắt đi, ai lại có thể nói nhà này sẽ suy yếu được?!
———————————————————————————————————————
Nếu như nhìn cảnh tượng chỗ khác thì sao?
Làm Thừa tướng một quốc gia, Trịnh Tĩnh Nghiệp không phải là gia tộc lớn duy nhất, nếu là như vậy, cũng chẳng cần chờ Trịnh Diễm nghĩ ra được cái gì, thì Tướng phủ không bị lật đổ cũng bị bắt hết sạch từ lâu rồi. Người cha gian thần của nàng từ khi mở rộng các quy định về quan viên ở triều Đại Khích cho tới bây giờ, tuy là có những năm người được phong làm Thừa tướng, nhưng chẳng qua Trịnh tướng là người kiêu ngạo nhất khiến cho người ta căm ghét nhưng lại không khiến cho Hoàng đế ghét mà thôi.
Được Hoàng đế yêu thích, lại có năng lực, còn kiêu ngạo, nên Trịnh Tĩnh Nghiệp vô cùng bận rộn.
Sáng sớm canh năm đã dậy, nửa đêm mới đi ngủ, trời chưa sáng đã vào triều, ăn cơm tại nhà ăn ở chỗ làm, cho đến tận khi sẩm tối mới trở về. Về nhà cũng chưa được yên, trước cửa nhà vị gian thần này đã sớm bị một đống quan viên vây kín, tặng quà, xin gặp, mách lẻo, nịnh nọt tâng bốc, báo cáo công việc… Chuyện gì cũng có.
Có năm vị Thừa tướng, tuy Trịnh Tĩnh Nghiệp làm Thừa tướng được năm năm, nhưng vẫn còn có huân quý, thế gia, hoàng thất trong triều, nên ông không thể lơ là được – địa vị của ông cũng chưa được vững chắc.
Không phải là Trịnh tướng bất tài, lúc ông trở thành Thừa tướng cũng đã bốn mươi lăm tuổi, bốn mươi lăm tuổi đạt đến chức vị này cũng là bình thường, hoàn toàn xứng đáng với câu “tuổi trẻ tài cao”. Năm đầu tiên làm Thừa tướng đã gặp ngay phải đống rắc rối mà người tiền nhiệm để lại, lại còn một vị đã đăng cơ hai mươi bảy năm, nay cũng đã gần sáu mươi, sủng ái tiểu lão bà mới tiến cung Miêu Quý phi là Hoàng đế, bên cạnh đó còn có một nhóm đồng nghiệp như hổ rình mồi nhắm ngay vào vị trí Thừa tướng của ông nữa, à, nhóm các vị hoàng tử cũng đã bắt đầu hoạt động, trên có vua dưới có trăm mối tơ vò, ông ta có thể đứng yên ổn ở vị trí ấy, lại còn khiến cho người ta mắng chửi được, năng lực cũng không phải là tầm thường.
Hiểu được Trịnh Tĩnh Nghiệp không phải xuất thân từ thế gia, cũng không phải là huân quý tử đệ, không có bối cảnh tốt lại không có ai chống lưng, đạt được như bây giờ, thật sự không phải là dễ dàng!
Trong thư phòng của Trịnh tướng, vài kẻ gian đảng đúng chuẩn đang cùng với gian tướng bí mật âm mưu, ý đồ mưu hại trung lương.
Có điểm khác biệt so với tưởng tượng, tướng mạo Trịnh tướng đàng hoàng, lại còn phảng phất như có chút tiên khí. Năm nay đã năm mươi tuổi, phong độ vẫn nhanh nhẹn như trước đây, mày dài mắt lớn, mũi cao râu gọn, mỉm cười giống như không hề để ý đến xung quanh, dựa vào một cái đệm mềm, hỏi: “Còn chuyện gì không giải quyết được?”.
Gian đảng Giáp (kêu gào, tốt xấu gì thì ta cũng là Lại Bộ Thị Lang, cô lại cứ dùng đại một cái danh hiệu để gọi thế à?): “Viên Mạn Đạo muốn thể hiện sự bất bình vì Phó Hàm Chương”. Nói xong thì cười lạnh.
Gian đảng Ất (giơ tay phát biểu, ta là Trung Thư Xá Nhân(13) nhé, vị trí vô cùng quan trọng đấy): “Thánh thượng ghét nhất là những kẻ thích sinh sự, không phải là ông ta muốn chết đấy chứ?”.
Gian đảng Bính là một kẻ thận trọng, vốn là Ngự Sử nên những gì ông ta nghĩ đến cũng nhiều hơn một chút: “Lần này là Phó Hàm Chương đã hóa giải nguy cơ biên cương bị xâm phạm, nếu không phải là thủ hạ của ông ta nôn nóng mà phạm sai lầm, còn khiến chúng ta phải tìm cách nói cho êm tai một chút, bằng không bây giờ ông ta được như thế này chắc. Nhưng mà ông ta lần này cũng có công, nếu khiến cho dư luận bất mãn, cũng không phải là chuyện tốt. Cho dù xưa nay Viên Mạn Đạo có thanh danh, nhưng cũng chỉ là kẻ chỉ biết liều mạng biết nói lý lẽ suông mà thôi, con người tuy đáng ghét, nhưng không ai có thể nói ông ta không công bằng”.
Gian đảng tiểu đầu mục: “Xí, cũng chỉ là ngụy quân tử mà thôi,” rồi thần thần bí bí khoe khoang, “Nếu như ông ta thật sự là kẻ quân tử biết giữ lễ, thì sao lại có đứa con chơi bời trác táng đến như thế?”.
Viên Mạn Đạo là kẻ ngay thẳng trong sạch, tuy bản nhân ông ta không phải xuất thân từ thế gia, nhưng nhân phẩm của ông ta lại khiến cho thế gia phải tôn kính. Nghe nói ông ta rất hiếu thuận với cha mẹ, cha mất thì liền hủy lễ nạp thái, một mình phụng dưỡng mẹ đẻ, tự mình sống qua ngày lại còn luôn giúp đỡ thân hữu, nên ba mươi tuổi còn chưa lấy được lão bà.
Cũng may mà nhân phẩm tốt, cũng bởi vì nhân phẩm rất tốt, dáng vẻ lại vô cùng anh tuấn, nên mới được người đứng đầu quận đó tự mình chọn lựa ông ta thành con rể, nhưng ông ta vẫn sống thanh bần như trước. Nhân phẩm ông ta quả thật là vô cùng tốt, tiếng tốt truyền xa, nên mới được hoàng đế tuổi còn trẻ đang dốc hết lòng xây dựng đất nước phong quan. Ông ta cầm bổng lộc trong tay thì liền đảm đương chức vụ vô cùng tốt, may mà có lão bà cai quản gia đình, toàn gia mới không giống như bản hợp tấu trong “võ lâm ngoại truyện(14)”, chính bản thân ông ta bị đói mà còn đi gom góp cơm thừa canh cặn đi bố thí cho ăn mày.
Người như vậy, chính là người tốt trong mắt của mọi người. Nếu như tác phong của gia đình ông ta vài thập niên nữa cũng không thay đổi, có lẽ sẽ trở thành một thế gia mới cho mà xem. Thế gia, luôn coi trọng thanh danh.
Thế nhưng ông ta lại có một đứa con không vào khuôn phép, có lẽ là Viên Mạn Đạo đã đem tất cả sự chững chạc của Viên gia dùng hết rồi, Viên Thủ Thành, con trai độc nhất của người tốt Viên Mạn Đạo, tài hoa hơn người, cũng cũng là kẻ khiến cho người khác phải tức giận. Trêu chọc ni cô, chọc ghẹo ca kĩ, đánh nhau với lưu manh, tranh cãi với gian thần…
Cái vị công tử Thủ Thành này có thể coi như một người đẹp trai nhất trên đời, diện mạo khiến mọi người sinh ra thiện cảm, hành xử cũng đúng mực, mọi người cũng nhìn mặt mũi cha anh ta, nên cũng không tiện tranh chấp với anh ta. Dù sao, tuổi trẻ có bất bình cái gì đi nữa, cũng có thể coi như là tượng trưng cho tinh thần chính nghĩa, nếu như anh ta cũng đoan chính trang nghiêm, lại còn có một người cha có danh tiếng tốt, thì anh ta sẽ dùng mãi mà chẳng hết đi.
Hai ngày trước, ở trên đường, anh ta gặp được một kẻ ăn mặc quần áo lụa là đang trêu chọc con gái nhà lành, nên anh ta đã xắn tay áo lên đánh cho kẻ quần áo lụa là và đám năm người chó săn của kẻ đó đến mức không nhận ra cả mẹ đẻ. Thành ra Viên đại công tử được coi như là người văn võ song toàn.
Gian đảng Đại lý tự khanh tiểu đầu mục muốn nói đến chính là chuyện này, cái loại án như thế không đến phiên ông ta xử lý, nhưng làm một quan viên ngành tư pháp, những tin tức có liên quan đến kiện cáo thì ông ta rành nhất. Lúc này xem xét sự việc, chẳng cần biết trêu chọc con gái nhà lành có phải thật hay không, nhưng đánh người chắc chắn là không đúng rồi. Anh chỉ cần không vừa mắt là đánh, thì vương pháp ở đâu? Tại sao anh không gọi 110 để báo án?
Chuyện này không thể không làm to ra! Tiểu tử này thật ngông cuồng, lại còn có lý lẽ nữa, không thể không tuân thủ luật pháp, đây không phải là… phá hỏng thanh danh của cha anh ta sao?
Cho nên, làm cho chuyện này lớn lên, khiến cho Viên lão đầu điên đầu vì đứa con này đi!
Thủ lĩnh của gian đảng tổng kết lại: “Làm cha mẹ luôn nên vì con mình mà lo lắng! Không còn sớm nữa, mọi người cũng trở về nhà nhìn con cái mình đi, đừng làm cho chúng học theo thói xấu. Ta cũng phải đi giáo huấn mấy khuyển tử không nên thân kia đây”.
Mọi người hiểu ý, phải trở về lấy công tử của Viên gia mà diễn tập thôi. Đứng dậy, vừa tỏ ra đã hiểu vừa tranh thủ nịnh nọt, cái gì mà công tử của quý phủ tuấn tú lịch sự, cái gì mà gia giáo của quý phủ tốt làm sao mà bại gia tử của Viên gia có thể so được, cái gì mà ngài thật sự là một người cha hiền, lệnh công tử nhất định sẽ không phụ tâm ý của ngài… Sau đó trước mặt thống lĩnh của gian đảng của bổn triều biểu hiện vẻ mặt “tốt đẹp” nhất của mình rồi mới vui vẻ mà cáo lui.
Đây đúng là bức tranh minh họa tốt nhất cho sự tụ tập của gian đảng! (đây rõ ràng là sự che giấu hành vi của mình trước khi đến lúc vui mừng đến phát điên mà!).
Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng rất nể mặt mọi người mà đứng dậy, đưa mọi người ra đến ngoài thư phòng: “Thứ lỗi ta còn có tấu chương phải viết, không tiễn xa được”.
Cả nhóm gian đảng rất thức thời: “Không dám, không dám”.
Có cả đống tiểu đệ, sao lại khiến lão đại phải tự tay động thủ cơ chứ? Trịnh Tĩnh nghiệp vuốt vuốt chòm râu, đi tìm lão bà và hài tử ăn tối thôi.
Chú thích:
(9) Thế gia: các gia đình quan lại.
(10) Cáo mệnh: lệnh vua, tức là chức tước do chính vua ban cho.
(11) Hãnh thần: thần tử/ quan lại hạnh phúc.
(12) Quyền gian: gian thần có quyền lực.
(13) Trung thư xá nhân: một chức quan, bắt nguồn từ thời tiền Tần, vì nước vì vua, là chức quan thân cận với Thái tử. Thời Ngụy Tấn có vị trí trung thư thông sự xá nhân ở trung thư tỉnh, phụ trách công việc tuyên truyền chiếu chỉ của vua. Thời Nam triều (gồm Tống, Tề, Lương, Tần) chức vụ này loại bỏ hai chữ thông sự, chỉ còn lại là trung thư xá nhân, đảm nhiệm công việc thảo ra chiếu chỉ, tham dự vào những chuyện cơ mật, quyền lực ngày càng cao. Thời Tùy Đường, trung thư xá nhân đảm nhiệm công việc thảo ra các báo cáo, tuyên truyền lệnh vua ở trung thư tỉnh. Tùy Dương Đế từng đổi tên thành nội thư xá nhân, Võ Tắc Thiên thì gọi là phượng các xá nhân. Gọi tắt là xá nhân.
(14) Võ lâm ngoại truyện: tên gốc là võ lâm ngoại sử hay võ lâm tuyệt địa, một tác phẩm đáng nhắc đến của Cổ Long. Mình không phải fan của thể loại này, các bạn tự tìm hiểu nhé.
Lảm nhảm đôi điều: cuối cùng thì cũng xong được chương này, dài khủng khiếp. Mình đã sửa xong và đã up bản chỉnh sửa của phần dẫn và chương trước lên rồi nhé. Chỉnh sửa một số từ ngữ, câu văn và thay đổi hoàn toàn hệ thống chú thích.
Hôm rồi lượn kites thấy có bạn bắt đầu làm bộ này, làm mình băn khoăn xem có nên bỏ không, mình không thích tranh chấp cho lắm, ngộ nhỡ tương lai lại có người bảo này bảo nọ thì nhức đầu lắm. Dù sao mình mới làm có đến chương 2, bỏ cũng không tiếc. Có ai đọc được dòng này, góp ý cho mình với.