Con Mắt Rỗng Chương 2

Chương 2
Hắn dọn đến căn hộ mới vào một ngày cuối tuần.

Đám thợ sửa sang nội thất đã rời khỏi đấy từ chiều hôm qua. Căn hộ còn khá mới nên họ cũng không có nhiều việc phải làm. Chỉ chỉnh trang lại bản lề vài cánh cửa tủ tường cho khít lại. Thay một số bóng đèn công suất lớn hơn trong phòng khách để tháo đi chiếc đèn chùm lỉnh kỉnh những hoa những hột thủy tinh màu lấp lánh. Hắn rất sợ những chiếc đèn chùm như thế. Xấu xí trọc phú và đặc biệt phát ra thứ ánh sáng chẳng dùng vào việc gì kể cả ngồi chơi. Những đốm màu xanh đỏ phát ra từ chiếc đèn chùm thậm chí còn làm cho tranh treo trên tường hỏng hết toàn bộ hòa sắc. Công việc cuối cùng của họ là sơn lại nhà và thay bộ khóa cửa mới đã xong toàn bộ từ chiều hôm qua. Hắn đợi người thợ cuối cùng ra khỏi cửa mới kiểm tra lại tất cả điện đóm trong nhà và tắt hết thiết bị.

Căn hộ mênh mông trên tầng 12 của tòa nhà có thiết kế rất lủng củng. Nhưng không thể đụng chạm vào những kết cấu của nó để cải tạo. Hắn chỉ có thể cho dọn dẹp đi gần hết những tường ngăn và vách giả để tạo ra một phòng làm việc rộng khoảng năm chục mét vuông. Gấp ba lần phòng vẽ của hắn ở căn hộ cũ. Tháo hết những bục bệ trang trí ốp gạch bày lọ hoa, phòng khách chỉ để lại khu bếp và kê thêm bộ xa lông từ nhà cũ mang về. Riêng hai phòng ngủ thì không thể động chạm sửa chữa được nữa vì có liên quan đến hai khu toilet liền kề. Hắn cũng chưa biết phải làm gì với một phòng ngủ thừa ra ấy. Diễm đùa, anh cứ để đấy, khi nào em ngủ lại thì sẽ ở phòng riêng! Hắn cũng đùa, đi cả chục cây số đến đây để ngủ phòng riêng ư?

Những đường phố trong khu đô thị mới này đã bắt đầu bộc lộ tầm nhìn qui hoạnh của các kiến trúc sư. Những con đường rất rộng so với trong nội đô cũng bắt đầu không gánh vác nổi mật độ dân cư khổng lồ đổ về đây cư trú. Buổi sáng, chuyến xe tải đầu tiên chuyển đồ đạc cho hắn lên căn hộ mới đã bị tắc đường mất gần một tiếng đồng hồ ở chỗ vòng xoay trước khi vào khu đô thị. Hắn đứng trước cửa sổ nhìn xuống con đường ấy mà không thể tin vào mắt mình. Một biển người chậm chạp nhúc nhích như đàn kiến khổng lồ bị vây hãm trong làn khói mờ xanh dài đến hàng cây số. Đứng từ trên cao nhìn xuống đám kiến thỉnh thoảng như bị vỡ đàn tràn cả lên phần vỉa hè loang lổ phình ra không còn định dạng con đường. Mãi đến gần mười giờ sáng, những người dọn nhà mới chuyển được qua thang máy những đồ đạc đầu tiên lên đến căn hộ. Chiếc giường gỗ từ căn hộ cũ mang lên kê lọt thỏm trong phòng ngủ mới. Chiếc giá vẽ kềnh càng rất lâu không cần dùng đến bánh xe đã không thể đẩy cho chạy trơn tru trong phòng vẽ nữa. Mấy người thợ phải dùng dầu RP7 phun vào ổ trục bánh xe chờ một lúc lâu mới có thể vặn cho quay được. Chiếc bàn gỗ làm đồ họa kê trong góc phòng tối nhất để đặt máy tính. Hắn biết sẽ chẳng bao giờ có dịp làm bìa sách và minh họa nữa. Thùng bát đĩa nồi niêu lèo tèo vài chiếc đựng chưa hết một ngăn tủ bếp. Chiếc máy giặt phải vứt bớt phần chân kê cao đi mới có thể lắp vào góc toilet được.

Gần hai giờ chiều, chuyến xe cuối cùng mới lên đến nơi. Diễm gọi điện cho hắn, còn mấy chậu cây nữa nhưng em cho thợ tưới nước và để lại, hôm nào chở xuống nhà em mới có chỗ bày! Hắn biết. Kể từ hôm nay phải chính thức xa rời những sinh hoạt lè phè luộm thuộm lồng sắt ban công nơi ở cũ. Trên tầng 12 không có bất cứ một cánh cửa nào có thể mở ra ngoài trời. Đó là qui định an toàn của ngành xây dựng. Sẽ chẳng bao giờ còn có dịp thong thả tưới từng ca nước nhỏ cho mấy chậu cây cảnh và hồi hộp chờ những ngọn sơn liễu mọc mầm như đàn kiến xanh li ti trên mớ cành buông rủ nữa. Cũng không còn chỗ ngồi đọc sách trên ban công phì phèo điếu thuốc lá và búng đầu mẩu qua lồng sắt như toàn bộ dân khu tập thể vẫn cư xử như vậy với mặt sau căn hộ của mình. Tự nhiên hắn nhớ đến cái ồn ào náo nhiệt khu tập thể lúc tan tầm chiều. Đàn bà quát tháo, trẻ con khóc và người già ho. Nhớ đến những tiếng rao hàng lê thê rời rạc bên ngoài hành lang cầu thang bộ.

Đám thợ kê giúp hắn những đồ đạc nặng vào vị trí hắn yêu cầu và ra về hết. Còn lại mình hắn trong mênh mông trống trải căn hộ im lặng như tờ. Chiếc TV đã nhỏ tiếng xuống chỉ còn số 2 vẫn oang oang ngoài phòng khách. Trong phòng ngủ đóng cửa có thể nghe thấy tiếng chiếc đồng hồ treo tường điện tử rù rì khắc khoải. Hắn loay hoay sắp xếp phân loại sách vở gọn gàng lên những ngăn tủ trong ấy. Bây giờ mới có dịp nhìn ngắm toàn bộ “kho tàng” sách báo. Nó cũng chẳng nhiều nhặn gì. Không đến năm trăm quyển chủ yếu là sách hội họa xếp trong ba ngăn tủ cao còn rộng chỗ. Sách văn chương và kĩ thuật hội họa chưa đầy trăm cuốn lỏng lẻo ngả nghiêng trong ngăn tủ thấp còn khá rộng. Mớ tạp chí và những tờ báo có bài quan trọng cần lưu giữ đặt nằm trong một ngăn trống hoác trên cùng. Chẳng hiểu tại sao hắn lại kì công cất giữ chúng đến như vậy dù chẳng bao giờ còn mở ra đọc lại nữa. Nhưng không nỡ vứt đi. Một số có in tranh minh họa của hắn. Một số có những bài viết đã từ rất lâu về những cuộc triển lãm đầu tiên của hắn. Chính những bức tranh ngày ấy cho đến bây giờ hắn cũng chẳng thể nào nhớ nếu như không bất ngờ được xem lại ở một đâu đó.

Vài cuộn toan dùng dở và nh ng xat xi đóng sẵn chỉ chiếm hết một góc nhỏ đằng sau chiếc giá vẽ. Thùng đựng sơn và bút dỡ ra bày xuống sàn chỉ vừa bằng nửa chiếc chiếu đơn. Đó là những vật dụng mà trước đây hắn đã phải tính toán hết sức chi li khi mua nó về. Sẽ để ở đâu và dùng bao lâu thì hết. Nhiều năm sống chật chội đã tạo cho hắn thói quen mỗi khi định mua về nhà một thứ gì đó là phải nghĩ ngay đến kích thước và vị trí sắp đặt. Bây giờ nhìn những đồ đạc nhỏ bé gọn nhẹ ấy hắn bổng nảy ra trong đầu ý tưởng cho một cuộc trưng bày Isntallation. Hắn tưởng tượng ra một không gian nhỏ và thấp lồng trong căn hộ này như một cuộc sống khác bị thu nhỏ lại. Vẫn chỉ là cuộc sống thôi mà. Hắn đã từng sống với một không gian và đồ vật tối thiểu như thế. Và bây giờ là cuộc sống này. Nó phình ra về kích thước nhưng chưa chắc đã chứa đựng những gì nhiều hơn cuộc sống cũ. Liệu nó có giá trị như một cảnh báo với những ai kể cả hắn về tham vọng chiếm lĩnh không gian sống? Ý tưởng ấy không tồi. Sự tương tác giữa hiện đại rộng rãi căn hộ mới với những đồ dùng được sắp đặt theo cách bài trí một căn hộ bé tẹo nhom nhem bên trong chắc chắn sẽ gây được ấn tượng mạnh.

Nhưng rồi hắn cũng gạt phăng ngay ý tưởng vừa nhen nhóm trong đầu. Có thể đem ý tưởng ấy tặng cho những người không biết vẽ nhưng mê nghệ thuật Installation. Hắn sẽ dùng thời gian để vẽ những gì mình muốn.

Tháng tám, trời xanh không một chút mây. Khu đô thị mới như một lò nung không khói dưới ánh mặt trời chang chang nắng. Những hàng cây mới trồng thấp lè tè dưới đất chỉ có thể vươn cao đến hết tầng 1 là cùng. Vài cây muồng lá lạc. Mấy hàng bằng lăng hết mùa hoa lá bám bụi trắng ngầu. Nó gần như chẳng có ý nghĩa gì với những tầng nhà cao chót vót kể cả việc ngắm nhìn. Cũng không có một kẻ rỗi hơi nào rời căn hộ máy lạnh của mình xuống đường để tìm vào bóng mát của chúng. Nó chỉ làm được mỗi một việc là rụng lá cành và hoa quả xuống lối đi vào tầng hầm gửi xe. Cái lối đi được thiết kế quá tiết kiệm chiều dài dốc hết mức có thể. Chỉ hợp cho bốn bánh và đe dọa toàn bộ những xe hai bánh kể cả xe đạp. Thực ra là đe dọa những người lớn tuổi và những người nghèo không có tiền mua ô tô. Hắn không thích ô tô. Và cũng không còn trẻ. Phải tập làm quen với độ dốc hàng tháng trời mới biết cách điều chỉnh tay ga và chân số chiếc xe máy. Rất may là chiếc xe máy Future Neo đủ khỏe và an toàn để đi tốc độ thật chậm khi xuống và lên dốc.

Hàng tháng trời hắn cũng làm quen được với việc vào thành phố phải luôn có một kế hoạch trước để đi đến hết những nơi cần. Đã quay về là không ra khỏi nhà nữa. Sắm thêm chiếc tủ lạnh 500 lít. Đồ ăn thức uống mua tích trữ cho vào đấy hàng tuần mới hết. Khó làm quen nhất là việc ăn sáng uống cà phê. Hắn đã lùng sục gần khắp khu đô thị mới không thể tìm được những hàng ăn uống thích hợp với mình. Bát phở quá đầy đặn và thứ nước dùng chung cho cả ba món bún miến phở. Hàng cà phê Trung Nguyên mái hiên di động in rõ lô gô của hãng nhưng khi bước vào thì một ông già nhom nhem tìm mãi mới thấy gói cà phê pha dở. Lẩy bẩy lật bật rất lâu đổ ra sẻ vào mới đúng lượng cho một phin. Nước phích đun từ tối hôm qua chảy thành dòng qua phin xuống cốc. Đảm bảo đầy đủ các phẩm chất của cà phê pha phin. Không nóng, không mùi vị. Và dĩ nhiên không thể uống. Hơn một tuần nay hắn buộc phải làm quen với cà phê Capuchino tự pha bằng chiếc bình cắm điện Diễm mua từ Ý mang về. Trông thì hiện đại nhưng tốc độ lọc quá nhanh rất kém tin tưởng. Ăn sáng bằng bánh mì gối xắt lát mua sẵn ngoài siêu thị cho vào lò nướng điện tự động. Những món đồ nguội bổ béo nhưng đầy đe dọa về nguy cơ những bệnh tim mạch ở lứa tuổi của hắn. Diễm phải thường xuyên nhắc nhở.

 

Hắn ra khỏi nhà từ lúc mười giờ sáng. Tránh được tắc đường nhưng cái nóng như thiêu như đốt thì không thể tránh. Gió nóng hầm hập tỏa ra từ những tòa nhà cao ốc chi chít những cục máy lạnh ngoài trời. Ngành xây dựng đã giải xong bài toán thừa điện năng khi hoàn thành nhà máy thủy điện Sông Đà từ vài năm nay rồi. Bây giờ ngành điện đang phải giải bài toán ngược lại. Các ngành nghề nước mình cứ liên tục phải giải những bài toán do ngành khác đề ra. Ngành thương mại giải bài toán cho ngành xăng dầu. Ngành giáo dục giải bài toán cho ngành đầu tư các trường học liên kết với nước ngoài. Ngành tài chính bài toán nào cũng giải được bằng lạm phát. Nhưng nước mình chưa phải là một cường quốc về toán học. Chỉ trở thành một cường quốc về thơ mà thôi. Nói đến thơ có nghĩa là đụng chạm đến vài chục triệu con tim yêu dấu đang khắc khoải gieo vần nhả chữ. Rất nhiều người chẳng biết làm việc gì nhưng làm thơ thì biết.

 Những con đường mới tinh không một bóng cây suốt từ Mỹ Đình về đến nhà Diễm liên tiếp đi qua những khu đô thị mới của huyện Từ Liêm. Đồng ruộng đất đai đã hoàn toàn biến mất. Nhưng chắc chắn phải còn rất lâu nữa những vùng đất mới này mới trở nên thành phố bởi cái sự hỗn loạn của nó. Không còn đồng ruộng nhưng tác phong đi đứng của người dân cho thấy hình như họ vẫn chưa thể quên được ruộng đồng. Rẽ trái, rẽ phải, quay đầu cứ đùng đùng theo ý muốn. Đường rộng nhưng hắn chẳng thể đi nhanh được. Đến nhà Diễm lúc nàng đã chuẩn bị cơm trưa.

Thường thì những ngày nghỉ cuối tuần con bé Thùy Linh về nhà nội thăm ông bà. Bố nó cũng về đấy để bố con gặp nhau. Nhưng tuần này con bé ở nhà. Nó giúp mẹ vào bếp chuẩn bị bữa ăn. Những bữa ăn cuối cùng trước khi lên đường sang Mĩ du học. Con bé rất yêu quí và tin tưởng hắn. Nó nằng nặc bắt mẹ mời bác Hoàng đến nhà ăn cơm trưa nay. Hắn đùa, bác uống rượu say ở đây thì không thể về được đâu! Nó cười, cháu muốn bác không về nhà nữa, mấy hôm nữa cháu đi rồi thì bác phải trông nom mẹ giúp cháu!

Con bé dọn đồ ăn ra bàn. Nem rán thơm phức mùi cua bể. Đĩa thịt gà luộc rắc lá chanh vàng ươm. Bát canh măng nấu cổ cánh láng váng mỡ. Đĩa rau trộn dầu ô liu lẫn cà chua và quả bơ thái lát. Nàng lấy trong tủ ra m ột chai Chivas mới, hôm nay ở nhà em phải uống thi với anh xem ai say trước!

Hắn rót rượu chạm cốc với cả hai mẹ con. Con bé Thùy Linh uống coca bắng chiếc cốc pha lê lớn. Diễm nhìn nó cười tủm tỉm, con bé này thích uống coca, mai kia sang đấy chắc lại chủ yếu sống bằng coca và hamburger mất thôi! Không bao giờ mẹ ạ, mẹ đã dạy con nấu ăn cả năm nay rồi, chỉ trừ mỗi món nem nhưng hôm nay xem mẹ làm con sẽ làm được. Bạn con học bên ấy gửi e-mail về nói gần trường có một khu chợ Việt bán cả bánh khúc nữa!

Hắn uống từng ngụm lớn. Rượu ngon và đồ ăn hợp khẩu vị. Và nhất là không khí bữa ăn. Hắn nhận ra rằng bữa ăn của hắn thường diễn ra ở những nơi vô cùng đông đúc ồn ào nhưng vẫn thiếu một thứ gì đó rất nghiêm trọng. Cái đông đúc ồn ào của một quán ăn cũng không làm cho bữa ăn của hắn bớt vắng vẻ. Thậm chí còn vắng vẻ hơn khi ngồi ăn một mình ở nhà bởi sự xa lạ với những người có mặt. Đến mức nhiều hôm một mình hắn cũng chẳng buồn cơm nước gì cả. Có thể chỉ là một bát phở hoặc mì. Nhiều hôm Diễm bận khách khứa không đi ăn cơm cùng hắn được thì chỉ như thế là xong bữa.

 

*

 

Mấy chậu cây mang từ nhà hắn về Diễm đặt ngay ngoài ban công phòng ngủ. Chậu sơn liễu đã buông những hàng lá xanh ngọc phất phơ lấp lánh nước. Cây đổ quyên vừa trổ ra những mầm hoa mới xoắn xít cánh hồng. Đủ ánh sáng, cây lan càng cua cũng tíu tít đâm mầm.

Những bức tranh cũ trong phòng ngủ đã được Diễm treo lên tầng trên. Trong phòng bây giờ toàn tranh của hắn. Có cảm giác như hắn vừa về lại căn phòng cũ của mình ở khu tập thể. Hắn đã không một lần quay lại đấy nữa. Căn hộ ấy hắn đã nhờ Diễm bán đi lấy tiền để trả cho căn hộ Mỹ Đình. Nàng bảo, chưa cần thiết đâu anh, bán lúc nào chẳng được, em cho người thuê và cũng là để họ trông


nhà rồi!

 Nằm dài trên giường, hắn lâng lâng ngắm lại mấy bức tranh treo trên tường và rơi vào giấc ngủ lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy đã thấy Diễm nằm bên cạnh từ bao giờ. Cửa đóng và đèn tắt. Căn phòng lờ mờ ánh sáng sau bức rèm che cửa sổ. Cặp mắt nàng mở to thao thức. Hắn dịu dàng hôn lên gương mặt trầm ngâm của nàng, em không ngủ một chút đi! Mấy hôm nay em bị mất ngủ anh ạ, có mấy việc ở cơ quan chán quá, có lẽ em xin nghỉ hưu sớm thôi! Hắn bật dậy kinh ngạc, có chuyện gì sao không thấy nói với anh! Nàng ngân ngấn nước mắt, chuyện công việc thôi, cũng tại em mất cảnh giác. Khoản tiền lobby cho một quan chức y tế để đổi lấy giấy phép nhập khẩu thuốc em cho người chuyển vào tài khoản của vợ ông ấy. Chuyện lộ ra, quan chức kia không đến nỗi đi tù nhưng bị cách hết các chức vụ. Em không việc gì bởi đã thành thật khai báo và nộp tiền nhưng nếu tiếp tục làm việc thì bây giờ là rất khó khăn. Em định xin nghỉ. Còn tấm bằng dược sĩ học ở nước ngoài em sẽ đi thuê nhà mở cửa hàng bán thuốc tư nhân vậy. Anh thấ y thế có được không? Hắn an ủi nàng, anh nghĩ cách ấy là rất đúng, thấy em vất vả bon chen nhiều lần anh đã định bảo em việc ấy nhưng lại ngại. Bây giờ nhân chuyện này em nên làm như thế. Cũng phải dành ra chút thời gian cho riêng mình nữa chứ. Anh và em chưa từng đi đâu chơi xa nhà được lấy hai ngày! Nàng ôm chặt hắn rối rít hôn, những lúc như thế này may mắn lại có anh bên cạnh. Em cứ làm ra vẻ cứng rắn bên ngoài vì sợ ảnh hưởng đến con nhưng trong lòng cực kì hoang mang. Công việc nào của em thì mục đích cuối cùng vẫn chỉ là kiếm tiền mà thôi. Không may mắn được như các anh làm việc nhiều khi vì niềm vui thích và cái đạt được không nhất thiết phải là tiền bạc! Hắn cười, cũng không hẳn thế đâu, em muốn kiếm tiền ở đâu thì cũng có thể được, bọn anh rất thích vẽ nhưng không phải ai và lúc nào cũng vẽ được. Em biết chuyện đó quá mà!

Hắn nhẹ nhàng giúp nàng cởi bỏ bộ đồ mặc ở nhà. Đặt nàng nằm ấp lên ngực mình nóng bỏng. Chưa bao giờ hắn và nàng làm tình lâu đến thế. Tận cùng mọi cảm giác khát khao. Và như thế suốt cả đêm hôm sau nữa.

Phải mất hơn một tháng bàn giao công tác nàng mới chấm dứt công việc ở cơ quan. Cũng phải đợi chờ thêm vài tháng nữa thì mới có quyết định chính thức. Khoảng thời gian này nàng cảm thấy chống chếnh hơn bao giờ hết. Không còn công việc cơ quan. Con bé Thùy Linh cũng vắng nhà. Thời gian trong ngày thừa ra đằng đẵng. Bây giờ thì nàng phát hiện ra những bức tranh sưu tập được treo đầy nhà không mang lại cảm giác thư thái nữa mà ngược lại. Nó bắt đầu quấy rầy tâm trí của nàng khi ở bên chúng quá nhiều thời gian. Nó lục tung đầu óc để nhớ về sự có mặt của từng bức trong ngôi nhà này. Nó chen vào pha loãng ra những cảm nhận về màu sắc hình khối và phong cách của riêng từng họa sĩ. Nó không còn là những bức tranh đơn thuần về mặt thị giác nữa. Nó là những câu chuyện, những phán đoán và đôi khi là cả tính toán nữa. Nàng gọi điện cho hắn, bây giờ thì em mới hiểu về công việc nhọc nhằn của anh. Trước đây vẫn cứ nghĩ đó là một việc thích thú nhàn hạ. Không ngờ trực tiếp đối diện với hội họa nhiều ngày liền mới biết nó vất vả đến thế nào. Muốn nhắm mắt lại mà vẫn không thể dứt ra được!
Hắn vui vẻ bảo, để chiều nay anh sang nhà, sẽ có cách
giải quyết!

Cơn mưa chiều ngùn ngụt phía đông thành phố. Ra khỏi buồng thang, hắn biết rằng không thể liều mình phóng xe máy đi được nữa. Đã có vài vụ tai nạn mưa dông từ đầu mùa đến giờ. Cành cây gãy đổ kéo theo những mớ dây điện rơi xuống người đi đường. Nó cũng như sấm sét dông bão của thời tiết chẳng phải lỗi tại ai. Thị dân già đời như hắn không nên mắc một lỗi ngớ ngẩn như vậy. Đó là lỗi thuộc về danh dự chứ không còn là sơ suất nữa. Hắn đành móc điện thoại gọi taxi. Phải chờ mất mười phút chiếc taxi mới tìm vào được đến nơi. Cậu trai lái taxi thò đầu ra khỏi buồng lái hấp tấp hỏi, bác đi đâu ạ! Cho tôi đến Gò Đống Đa! Bác lên xe đi! Ngồi trên băng ghế sau hắn hỏi cậu lái xe, trông tôi có vẻ đáng nghi như kẻ cướp taxi lắm hay sao mà cậu cẩn thận hỏi trước thế? Cậu bé cười, sắp mưa nên nhiều khách gọi quá, chúng cháu phải chọn đi cuốc dài cho đỡ tốn thời gian quanh quẩn trên đường đón trả khách nhiều lần!

Vừa bước chân vào trong sân nhà Diễm, cơn mưa ập xuống xối xả. Hắn chỉ kịp dùng chân đẩy cánh cổng sau lưng sập vào. Diễm đón hắn bằng một nụ cười tươi tắn, anh may nhé, muộn chút nữa là ngập đường taxi cũng phải sợ! Hắn ôm choàng lấy Diễm hôn lên nụ cười ấy. Nàng thủ thỉ, chết thật, không có việc gì làm đâm ra lúc nào cũng nhớ anh! Hắn vuốt ve mớ tóc bồng bềnh sau lưng nàng, lúc nào nhớ thì gọi điện anh sẽ đến ngay mà! Em công nhận đàn ông chịu đựng giỏi thật đấy, anh gần như không bao giờ gọi em trong giờ làm việc!

Ngồi xuống ghế xa lông đưa mắt một vòng lên những bức tranh quanh tường dưới ánh đèn rọi sáng quắc, hắn hỏi nàng, em cứ bật đèn như thế này suốt ngày? Vâng, dưới tầng một ánh sáng trời không đủ anh ạ! Như thế sẽ rất mỏi mắt đấy, anh nghĩ có thể hạ bớt vài bức tranh xuống một thời gian và cũng không nên bật toàn bộ đèn như thế cả ngày! Hắn đứng dậy gỡ thử vài bức tranh quay úp mặt dựng xuống chân tường để hở ra những khoảng thoáng rộng êm ả màu sơn ghi xanh. Tắt bớt những ngọn đèn rọi tranh không cần thiết và bật những đèn trên trần. Nàng vui thích ngắm nhìn, thế mà em nghĩ mãi không ra! Hắn bảo, bọn anh nhiều khi làm việc còn phải úp tất cả tranh vào tường, với họa sĩ thì sự ồn ào về màu sắc và hình ảnh còn gây mất tập trung kinh khủng hơn tiếng động và ánh sáng! Nàng băn khoăn, em không thể ngờ hội họa tác động lên con người đến mức ấy. Lại càng kính trọng lao động của họa sĩ nhiều hơn!

Hắn định mời nàng đi ăn tối ở quán sườn cừu nướng đá mới mở trên đường Giảng Võ. Nàng từ chối, em không thích thịt cừu lắm vì có lẽ ấn tượng không hay về nó từ thời sơ tán. Ngày ấy chẳng hiểu người ta tha ở đâu về thứ mỡ cừu hôi mù bán ở cửa hàng thực phẩm. Buổi sáng, trong khu tập thể nhiều nhà rang cơm bằng thứ mỡ ấy. Có cảm giác như mình đang ở trong một trại cừu. Hôm nay em đã mua sẵn cá hồi sống và trứng cá Nga đây rồi. Lại có cả phô ma dây và xúc xích nữa. Em chuẩn bị một loáng là xong! Nàng mở tủ lạnh lấy ra túi cá hồi thái lát vàng ươm, hộp trứng cá đen và lọ cọng tỏi muối. Gói xúc xích đỏ au mỗi cái nhỏ chỉ bằng một đốt ngón tay. Khúc phô ma dây tết lại như bím tóc ngày xưa. Tìm trong ngăn rau một chiếc bắp cải tím, mấy củ cải đỏ và ớt tươi, nàng cần mẫn đứng bên bàn bếp thái nhỏ rau củ ra xếp thứ tự lên một chiếc đĩa trắng sâu lòng. Hắn giúp nàng bày cá sống, bánh mì, và phô ma ra đĩa. Mở nắp lọ trứng cá đen và cọng tỏi muối. Rót maggi đậm đặc ra hai bát nhỏ và lấy tuýp mù tạt xanh bơm vào. Món rau sống của nàng cũng vừa vặn xong cho vào nồi li tâm quay ráo nước. Rượu Danzka nàng đã để sẵn trong tủ lạnh rồi. Hắn rót ra hai cốc đặc sánh. Hương thơm tinh khiết len lỏi trong khứu giác.

Chạm cốc, hắn thông báo với nàng một kế hoạch, anh đã đặt tua đi du lịch đảo Bali ở Indonesia rồi, c hắc chỉ giữa tuần sau là khởi hành thôi, lát nữa em nhớ đưa anh hộ chiếu để nộp cho đoàn! Nàng ồ lên thích thú, em rất nhiều lần ra nước ngoài mà chưa bao giờ là đi chơi. Lần nào cũng công việc bù đầu chỉ dành ra được ngày cuối cùng mua sắm vội vàng! Ngược lại với anh. Anh chưa bao giờ ra nước ngoài làm bất cứ việc gì ngoài đi chơi!

Món cá hồi mềm thịt và hoàn toàn không tanh. Cá hồi Nga thớ thịt to và săn chắc. Maggi đặc pha mù tạt Wasabi nóng đến hắt hơi chảy nước mũi. Bắp cải tím, cọng tỏi muối và củ cải đỏ mát lạnh. Trứng cá phết lên bánh mì bùi ngậy nổ lép bép trong miệng. Hắn hỏi nàng, em học ở Nga chắc quá quen thuộc với những món ăn này? Không anh ạ, hồi ở Nga em như một con ngố chẳng biết ăn gì, tết đến rủ nhau gói bánh chưng bằng “lá ni lông” nát toét, cả đám lưu học sinh ôm nhau nằm khóc vì nhớ nhà. Mãi vài năm gần đây tiếp khách nhiều em mới dám ăn thử cá sống và biết rằng dân tộc nào thì cũng có những món ăn đặc sắc của mình!

 

*

 

Chuyến du lịch sang hòn đảo Bali đã làm cho hắn vỡ ra nhiều điều. Thực ra cái khẩu hiệu “ giữ gìn bản sắc dân tộc” ở nhà cũng không hoàn toàn sai. Chỉ là việc giữ gìn bị làm quá sớm so với bản sắc. Cần phải có nó đã rồi hãy nghĩ đến việc giữ gìn. Indonesia không đặt vấn đề bản sắc dân tộc cho các nghệ sĩ tạo hình. Nó là có thật và sẵn từ trong máu mỗi người làm nghệ thuật. Hắn rủ nàng tách đoàn ra thuê chiếc xe của khách sạn tìm đến nhà một họa sĩ nổi tiếng nhất hòn đảo Bali này. Người đàn ông trạc tuổi còn trẻ hơn hắn có chòm râu đen nhánh tết lại thành túm nhỏ dưới cằm. Cặp mắt tinh nhanh và cái nhìn rất thân thiện. Ông ấy học vẽ ở Hà Lan về. Những thủ pháp tạo hình hoàn toàn bài bản hàn lâm châu Âu nhưng tranh của ông ấy không thể lẫn với bất kì vùng miền nào trên quả đất. Ông ấy vẽ về sinh hoạt của chính cư dân trên hòn đảo này bằng con mắt hài hước có phần tinh quái. Khu nhà của ông ấy vô cùng rộng lớn cho cả họ tộc đi chung một chiếc cổng chạm khắc rất cầu kì. Mỗi ngôi nhà trong khuôn viên ấy đã là một tác phẩm điêu khắc theo đúng nghĩa rồi. Nhờ có vốn tiếng Anh khá lưu loát của nàng hắn được chủ nhân vui vẻ dẫn đi xem gần như toàn bộ tác phẩm có mặt ở đấy. Hắn đặc biệt thích thú với một tác phẩm sắp đặt lớn chiếm trọn vẹn cả một ngôi nhà. Một con ngựa trắng nhồi bông đeo chiếc mặt nạ răng nanh xương thú như những mặt nạ của đám vũ công múa lửa trong màn biểu diễn tối qua ở một ngôi đền lớn. Chiếc mặt nạ có kích thước khổng lồ với hàng râu trắng bằng lông đuôi ngựa dài chấm đất khiến cho vũ công đeo chúng biến đổi nhân dạng thành những ác quỉ lùn tịt hung dữ. Ngựa đứng im lìm giữa những chiếc ghế gỗ đẽo nguyên cây hình con cá sấu nhe nanh rất dữ tợn như đang muốn xâu xé con ngựa lạc loài. Hắn không hiểu lắm những ý tứ huyền bí Ấn Độ giáo của chín mươi phần trăm cư dân trên hòn đảo nhưng ở tác phẩm sắp đặt này toát lên một điều khá rõ nét. Sự mù quáng đến mức cực đoan.
Người nghệ sĩ này dường như vẫn còn quá sức kinh hoàng và phẫn nộ với vụ đánh bom vài năm trước ở chính hòn đảo bình yên này khiến hơn hai trăm người nước ngoài thiệt mạng.

Trên hòn đảo có một ngôi làng làm đồ thủ công mĩ nghệ. Sản phẩm là những chiếc mặt nạ. Điều làm hắn ngạc nhiên nhất là không có gì khác nhau giữa những chiếc mặt nạ vài trăm năm tuổi và những chiếc vừa làm xong. Vẫn những dụng cụ là chiếc rìu và vật liệu nghìn đời là một loại gỗ xốp trắng nhẹ lấy từ trên núi về. Nét tạo hình những chiếc mặt nạ đặc sắc đến nỗi ở ngay chính thủ đô Jakarta cũng không thể làm được. Khác hẳn với nước mình. “Tranh đá quí” là thứ toàn quốc có thể làm không kém gì nhau. Và ở Hà Nội thì tất cả mọi thứ đều có mặt kể cả lính biên phòng và lực lượng kiểm lâm. Dù sao thì Hà Nội vẫn là nơi tập trung nhiều động vật hoang dã nhất cả nước.

Nàng vô cùng thoái mái trong những bộ trang phục trẻ trung suốt cả hành trình. Thỉnh thoảng sững người nghĩ ngợi vài giây và phá ra cười tự hỏi, sao trước đây em có thừa điều kiện để đi chơi như thế này mà chưa bao giờ dứt ra đi được nhỉ?

Chỉ có một điều duy nhất hắn cảm thấy hơi khó chịu trong chuyến đi này. Đó là sự đông đúc. Cái yên tĩnh thường nhật trong căn hộ tầng cao đã kịp ngấm vào hắn sau nhiều ngày vất vả làm quen. Hắn không thể chợp mắt khi nghe tiếng vòi nước trong toilet nhỏ giọt hàng đêm. Chiếc đồng hồ điện tử treo tường khọt khẹt cũng là một âm thanh gây khó chịu bức xúc và tự hỏi, mình có cần biết giờ giấc thường xuyên đến thế? Tháo pin ra vứt nó vào thùng rác chỉ mất vài giây. Cái lò vi sóng chỉ kêu tiếng bíp bíp sáu lần cũng là hoàn toàn thừa ra năm tiếng. Máy giặt cũng thế. Chẳng biết người ta căn cứ vào đâu để làm ra những chiếc máy có còi báo hiệu dài như thế. Nó báo hiệu những thứ không cần phải vội vàng. Chẳng có chuyện gì xảy ra khi quần áo chưa kịp phơi và bát cơm nguội hâm nóng chưa kịp lấy ra khỏi lò sau những tiếng bíp ấy. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gần năm trăm năm trước chẳng đã hài hước giễu cợt “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”. Ông ấy làm hắn chợt nghĩ đến căn hộ tầng mười hai của mình. Nếu phải hiểu câu thơ ấy là một lời sấm truyền như xưa nay người ta vẫn gán ghép cho Trạng Trình thì hắn và những người ở trong tòa nhà ấy đã được phân loại rõ ràng. Dở khôn dở dại.

*

Cuối mùa đông, hắn bắt tay trở lại vào công việc đã bỏ bê từ hơn ba năm trước. Những cảm xúc hân hoan về thành công của cuộc triển lãm cuối cùng đã hoàn toàn lắng xuống. Không ngờ nó lại bám đuổi dai dẳng đến như vậy. Cuối cùng thì hắn vẫn thuộc về thế hệ những người say sưa với chiến thắng một cách vô tư hào sảng nhất. Chẳng cần biết thiên hạ đã đi đến những vùng miền tìm kiếm vinh quang nào khác. Những ồn ào quanh cuộc triển lãm đã không còn dấu vết. Những phát ngôn và nhận định như đóng đinh trên cột thì nay chính những chiếc cột ấy ã mục nát. Cả những nghi ngờ và phản biện về nó cũng vắng bóng lâu rồi. Hội họa không đến mức quá quan trọng ở thành phố này như bóng đá. Người ta chỉ hậm hực vì bỏ lỡ một trận cầu được truyền hình trực tiếp trên TV chứ chưa bao giờ tiếc rẻ không kịp đi xem một triển lãm Nghệ thuật tạo hình. Hội họa còn không thể sánh ngang với thịt lợn. Họa sĩ Nguyễn Sáng lúc sinh thời có lần than vãn với các đồng nghiệp trẻ, nếu như đặt bức tranh sơn mài của Nguyễn Sáng nằm trên vỉa hè và để một cân thịt lên đấy tôi biết chắc người ta sẽ sẵn sàng dẫm lên tranh để vào lấy cân thịt! Tranh của Nguyễn Sáng còn như vậy thì tranh của Thế Hoàng may lắm người ta dùng làm vật lót chân. Để có thể vẫn lấy được cân thịt mà không cần phải dẫm lên tranh của Nguyễn Sáng.

Những chuyến đi và những gặp gỡ bạn bè bù khú thưa dần và chấm dứt. Hắn bắt tay vào công việc không phải vì một thôi thúc cấp bách nào. Nó hoàn toàn chỉ như thói quen làm bìa sách và vẽ minh họa ngày xưa. Có một cái hẹn cụ thể cho từng việc. Lỡ hẹn thì xin lỗi và đúng hẹn thì ăn mừng. Lỡ hẹn tốt hơn đúng vì không phải bỏ tiền ra ăn mừng. Nhưng bây giờ là vẽ những bức tranh độc lập. Một cái hẹn của riêng mình. Hẹn mà như không hẹn. Chẳng phải xin lỗi ai và dĩ nhiên không có gì mừng rỡ ở đây cả. Danh tiếng đã giúp hắn nhúc nhắc bán được vài bức mỗi năm. Như thế là đủ cho sinh hoạt không nhiều nhu cầu của hắn.

Không có niềm đam mê cháy bỏng. Không có khao khát kiếm tìm thêm những hình thức biểu hiện mới. Tranh của hắn bây giờ đạt đến độ thuần thục của lối vẽ cũ. Lối vẽ đã làm nên tên tuổi của hắn. Hắn tự biết sức sáng tạo của một người là rất có giới hạn. Nó cần phải được trau dồi, nếm trải và thực hành không ngừng nghỉ. Tiến trình ấy có thể dừng lại bất cứ lúc nào khi mất đi động lực khám phá. Nhưng có cần thiết phải liên tục khám phá hay không thì lại là chuyện khác. Khám phá là khái niệm luôn luôn cũ hơn mọi khám phá. Nó chỉ ra đời sau khi khám phá đã hoàn tất công việc của mình. Đó là con đường hết sức nguy hiểm. Có thể thành công nhưng khả năng thất bại luôn nhiều hơn. Những người khao khát khám phá bao giờ cũng nhiều hơn số còn lại. Và có khi phá hỏng cả một sự nghiệp. Bất ngờ trên con đường ấy một ngày nào đó người ta phát hiện ra khám phá của mình rất gần với một khám phá trước đấy dù rằng mình chẳng bao giờ đủ thời gian và trí tuệ theo dõi khám phá của người khác. Hắn chọn con đường an toàn. Kéo sự thành công giãn ra chậm chạp như nhiều họa sĩ các thế hệ đi trước. Để cho số lượng tác phẩm dày thêm lên. Như thế mới lấp đầy được khoảng thời gian thừa thãi ra mỗi ngày.

Những bức tranh mới được vẽ ra bắt đầu có mặt trên những bức tường trong căn hộ. Nhưng thật ngạc nhiên, chúng không thể khỏa lấp đi sự trống rỗng. Có cảm giác như chúng đang thêm vào bên trong căn hộ những cảm giác trống rỗng khác của con mắt. Phơi bày trần trụi. Đó vẫn chỉ là những hình ảnh quen thuộc đi ra từ kí ức. Khi ta đã quá quen thuộc với nó thì việc nó có xuất hiện hay không cũng không còn là niềm mong đợi. Không còn những va đập với khung cảnh xung quanh bốn bề mờ nhạt xa hết tầm mắt qua lớp kính dày cửa sổ và không gian yên tĩnh đến rợn người trong căn hộ. Những tranh hắn mới vẽ ra hoàn toàn trơ trụi không niềm tương tác. Không câu hỏi cũng chẳng trả lời. Sinh ra mà vẫn như còn thai nghén. Và cũng thật ngạc nhiên, nó đã không gây ra bất kì một sự đông đúc ám ảnh nào trong căn phòng như trước đây. Vẫn những bố cục người, vẫn những phong cảnh và tĩnh vật. Màu sắc và ánh sáng được cân nhắc kĩ càng và thận trọng. Nhưng chúng tồn tại thờ ơ lặng lẽ trên tường. Chẳng tác động gì đến hắn và kể cả với nhau. Hắn có thể dễ dàng treo bất kì bức tranh nào cạnh nhau mà không gây ra điều gì khó chịu về thị giác.

Tự nhiên hắn cảm thấy rất cần một cái bóng lớn. Không phải để núp vào đấy tìm nơi trú ẩn. Những cái bóng gần như lớn cũng vẫn đang phải gồng mình lên để tự che chở cho chính mình. Chẳng thể nào lớn lên được nữa. Cái bóng lớn của một thời đại cần phải có độ che phủ lớn hơn thế nhiều. Nó phải là kết tinh của sự ổn định về cái đẹp dầu cuộc sống có biến thiên đến đâu đi chăng nữa. Nó phải là những con đường ý niệm không có kết thúc đủ để người ta tin rằng phía trước còn nhiều điều cao cả. Những cái bóng gần như lớn xa xôi hay gần gụi cũng chỉ đủ nói lên cái thời mà hắn đang sống bằng một quan niệm và phương pháp quá lỗi thời. Chẳng có gì lớn lao cả. Hoặc nếu có thì đó có lẽ là những đỉnh cao cô độc không đối sánh. Không thể biết mình cao đến đâu.

Có rất nhiều kĩ năng người thành phố cần phải rèn luyện cho cuộc sống đầy bon chen này. Những người còn trụ lại được hẳn là phải có ít nhiều thành công trong quá trình rèn luyện. Nhưng có một kĩ năng người thành phố rất khó để rèn luyện. Đó là kĩ năng sống một mình. Sống một mình không khó nhưng để từ bỏ được những kĩ năng sống nhộn nhịp đã ngấm vào mình từ nhỏ lại không phải là chuyện dễ. Đó hình như cũng là triết lí căn bản của Kim Dung khi xây dựng nhân vật hư cấu “Độc cô cầu bại kiếm Phong Thanh Dương” trong truyện “Tiếu ngạo giang hồ”. Ông ấy đã truyền dạy cho Lệnh Hồ Xung “Độc cô cửu kiếm” với nguyên lí “Dĩ vô chiêu địch hữu chiêu”. Dạy người ta không làm theo bài bản nào cả để đương đầu với những gì xảy ra. Hắn cảm thấy mình là một kẻ may mắn trên đời. Sống biệt lập ở một nơi xa xôi yên tĩnh đã giúp hắn từ bỏ rất nhiều thói quen rườm rà trong sinh hoạt.

Nàng đã không thuyết phục được hắn cùng đi sang Mĩ dự lễ bảo vệ tốt nghiệp của con gái. Chỉ còn hai tuần nữa là lễ tốt nghiệp được tổ chức ở Boston. Con bé Thùy Linh đạt điểm xuất sắc trong kì thi tốt nghiệp. Nó được tiêu chuẩn nhà trường cho mời phụ huynh sang cùng dự lễ. Giấy mời nhà trường đã gửi về cho Diễm. Chỉ phải làm vài thủ tục visa đơn giản ở tòa đại sứ Mĩ là lên đường. Hắn không muốn can thiệp quá sâu vào việc gia đình của nàng. Nó đang diễn ra tốt đẹp như nàng mong muốn. Vả lại cũng bắt đầu ngại những chuyến đi xa. Sức khỏe của hắn vài tháng nay đã sa sút nghiêm trọng. Hắn cố tình giấu không cho nàng biết. Bệnh tiểu đường âm ỉ đã lâu bắt đầu có những biến chứng bất lợi sang tim mạch và huyết áp. Vài bác sĩ nội khoa có tên tuổi là bạn thân của hắn lắc đầu khuyên, vấn đề chính bây giờ là phải thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc điều trị. Đều đặn đúng giờ cho đến lúc chết. Hỏi bao giờ thì chết? Bác sĩ ngại ngần không đưa ra số liệu cụ thể. Hắn cười, lỡ mai ngày kia tôi chết thì chắc chắn là vẫn thực hiện nghiêm y lệnh. Sau đấy một tháng thì chẳng thể biết thế nào! Bác sĩ bảo, hơn một ngày cũng là sống! Hắn bảo, để làm gì? Bác sĩ cười xòa, sống vẫn hơn, nghề nghiệp của tôi sinh ra là để kéo dài thời gian có mặt trên đời của mỗi người! Ông ấy nhầm lẫn chuyện y đức với những thứ khác. Hắn đã bắt đầu cảm thấy cái lê thê của một kiếp người sắp sửa đè nặng lên hắn nếu chỉ lo nghĩ về ốm đau bệnh tật và chết chóc. Hắn sẽ chống cự đến cùng cái lê thê ấy bằng một thứ thuốc khác.

Hắn chuẩn bị cho cái chết một cách thận trọng. Nó sẽ không là sự kiện đột ngột nếu như xảy ra ngay vào ngày mai hay bất kì thời khắc nào. Thanh toán toàn bộ nợ nần nếu có. Dành dụm một khoản tiền cho người đứng ra lo hậu sự. Dần dà cắt đứt những quan hệ bạn bè họ hàng. Cũng đồng nghĩa với việc chuẩn bị cho họ làm quen với sự vắng mặt của hắn. Để cho họ yên tâm với cách cư xử lãng quên đến từ hai phía mà người khởi xướng ra là hắn. Nó cũng chẳng quan trọng gì. Nó đã đi qua cõi người từ trước đấy lâu rồi. Hắn sẽ cầm bút vẽ cho đến ngày cuối cùng trong đời. Những tranh vẽ ra hoàn toàn không quan trọng và cũng chẳng thể quan trọng. Chỉ là để đánh dấu con đường đã từng đi qua. Chỉ là để người ta không cảm thấy hụt hẫng khi đang ngước mắt nhìn lên thì thứ ấy đã đang nằm dưới chân mình rồi. Họ sẽ không phải chứng kiến quá trình rơi xuống. Chậm chạp và sốt ruột. Vài người thương xót và một số vui mừng khi không còn ai để đố kị. Và hắn, con mắt rỗng không cũng chẳng cần làm thêm việc cuối cùng của cuộc đời. Nhắm mắt. 

Hà Nội, 3-2012

Nguồn: truyen8.mobi/t86954-con-mat-rong-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận