Các truyện, tiểu thuyết và tản văn của họa sĩ Đỗ Phấn đều mọc lên từ cái nền các sự kiện đời sống hằng ngày, của những cư dân bình thường hầu như vô danh trên bản đồ đô thị. Những sự kiện lặp lại hằng ngày, nhưng bao giờ cũng đổi thay linh động như hình ảnh trong ống kính vạn hoa. Một sự đổi thay sáng tạo riêng có của đời sống thị thành Hà Nội.
Và trên cái chủ đề thứ nhất bao trùm đó của tác phẩm cũng lại nảy ra cái chủ đề bao trùm thứ hai, có vẻ kín tiếng hơn, bởi thế cũng tiềm tàng hơn, đó là về hội họa Việt đương đại.
Các tiểu thuyết của Đỗ Phấn nhìn cả hai chủ đề lớn đó qua cái nhìn của những nhân vật họa sĩ Hà Nội do tác giả hư cấu và dựng lên. Anh thừa hưởng truyền thống điển hình hóa nhân vật của văn chương hiện thực Hà Nội xưa, cũng như lối viết hóm hỉnh, thanh đạm từng có trong truyền thống đó.
Cũng vậy, Đỗ Phấn kể những câu chuyện đó như một quá trình: Từ "Vắng mặt" đến "Chảy qua bóng tối", rồi "Rừng người", rồi "Biệt đội ruồi" (chưa xuất bản) và "Con mắt rỗng". Giọng điệu của tiểu thuyết căng dần lên, sự bộc lộ con mắt hội họa dần mở ra, phơi lộ nhiều hơn khiến nhân vật họa sĩ Hà Nội của các tiểu thuyết này được soi từ những thân phận khác nhau. Đó là những khác biệt chuyển dịch từng lớp như màu trên tranh, tạo nên các ẩn dụ khá kín đáo về không gian thẩm mỹ của hội họa đang biến chuyển suốt những thập niên vừa qua.
Trên quá trình ấy, tiểu thuyết "Con mắt rỗng" là bước tiến triển mạnh hơn cả cho đến lúc này. Vẫn một nhân vật chính dẫn truyện là họa sĩ tên Thế Hoàng cùng một nhóm nhỏ mấy người bạn Hà Nội của anh. Họ vốn là họa sĩ hoặc cũng gần gũi với giới mỹ thuật theo nhiều cách khác nhau, đều thông minh, tháo vát, thành đạt trong nghề nghiệp. Nhưng ở tiểu thuyết này, nhân vật họa sĩ Thế Hoàng lại sống trong tình trạng phân thân rõ rệt, bằng hai giọng kể dẫn truyện, lần lượt xưng "mình" và tự gọi "mình" là "hắn".
Và cũng lần đầu trong hệ tác phẩm này của Đỗ Phấn xuất hiện hai nhân vật của hội họa - một người mẫu, một nhà sưu tập, cả hai đều là phụ nữ, cả hai đều lần lượt gắn bó với Thế Hoàng trong luyến ái nồng nàn, chân tình đến "nóng bỏng", mà đều là những chân tình và gắn bó vì hội họa, lại tương ứng với hai kẻ "hắn" và "mình" trong một con người họa sĩ.
Sức hấp dẫn của câu chuyện đương thời về Hà Nội và mỹ thuật Hà Nội có thể khiến người đọc không nhận ra ngay tính ẩn dụ bao trùm trong cấu tạo và hình tượng chung của tiểu thuyết này. Song cũng khá rõ ràng, tính hình tượng phân thân và phân đôi như thế cũng được biểu hiện cụ thể trong hai cái kết của tiểu thuyết mà tác giả đề nghị bạn đọc xem và tự chọn cho mình. Đó cũng là sự đề cập hiển nhiên đến một tình trạng lưỡng lự, nước đôi hay những băn khoăn tìm tòi chọn lựa cho bước tiến của hội họa Việt đương đại.
Những hàm ý về hội họa tuôn chảy sinh động trong các cảnh tượng xã hội và con người, trong các mô tả về cuộc sống, về phong tục và nhân cách, biểu hiện những đổi thay to lớn trên một đô thị cổ xưa như Hà Nội. Và tất cả sự sống sôi động ấy làm thành cái nền, cái gương soi, thành đối tượng và đối tác của hội họa đương thời, hay là tốt nhất, nó nên là kẻ phản biện gợi ý cho nền mỹ thuật ấy.