Con Mắt Rỗng Chương 1

Chương 1
Nhưng tâm trạng thán phục và biết ơn Diễm khiến mình băn khoăn về lời đề nghị của nàng.

Thậm chí bắt đầu lo sợ khi nghĩ đến một tương lai lệ thuộc. Nó đã đến rất gần. Lần này thì không chỉ nhan sắc chinh phục mình. Còn có rất nhiều thứ hỗ trợ cho nó. Mình không nghi ngờ tấm lòng chân thành của Diễm. Kẻ đáng nghi ngờ ở đây chính là mình. Chẳng biết rồi đây mình có giữ được khoảng cách cần thiết với nàng. Cái khoảng cách mà không có nó mình biết chắc mọi chuyện sẽ lại tồi tệ như những lần trước. Mình cứ nấn ná ở lại khu nhà tập thể. Cố gắng vắng nhà mọi lúc có thể để tránh gặp gỡ với Thu. Và cũng có thể là với Diễm nữa.

Không thể nói căn phòng trống rỗng bây giờ không làm mình yên ổn dễ chịu hơn trước khi cuộc triển lãm diễn ra. Cái trống trải giúp mình nhìn nhận lại rất nhiều việc. Giúp mình nghĩ ngợi đến những việc sắp làm. Giúp mình nhìn lại chính mình. Định lượng lại dự trữ sức khỏe trước khi bắt tay vào công việc mới mà mình tin rằng sẽ cần dùng đến rất nhiều.

Lang thang trên phố gần như suốt cả ngày. Rẽ vào các phòng triển lãm và cả những gallery mở cửa. Điều mà trước đây mình hết sức ngại ngần. Thật ngạc nhiên là cư xử của những người chủ gallery trên phố không đến nỗi khinh bạc như mình đã từng lo ngại. Cái khinh bạc cố tình rất có thể dùng để che giấu một chuyện khác. Cũng một vài nơi đã chịu đứng ra tổ chức triển lãm cho họa sĩ. Cách làm việc đã mang dáng vẻ chuyên nghiệp đầu tư chiều sâu. Nhưng chất lượng tranh thì chưa có nhiều biến đổi. Chủ gallery Thiên Ngân trên đầu phố Tràng Tiền còn tỏ ra có biết mình qua cuộc triển lãm vừa rồi. Cô ấy tên là Hồng. Sau lời giới thiệu còn lịch sự mời mình vào ngồi chơi uống nước. Hỏi han vài chuyện xã giao về tình hình thị trường tranh, Hồng bảo, vẫn còn ảm đạm lắm anh ạ, không phải chúng em không quan tâm đến những tranh chất lượng và nghiêm túc như của anh nhưng vừa đầu tư sửa chữa cửa hàng được hơn một tháng thì lại gặp ngay thời kì suy thoái kinh tế toàn cầu. Khách khứa vào ít quá!

Đã có một cuộc đua tranh cải tạo gallery khắp nơi trên phố. Người ta hẳn là đã phải bỏ vào đấy không ít tiền bạc và sức lực để làm mới lại nơi trưng bày. Nhưng hình như cái hào nhoáng ngày một tăng lên của cửa hàng bán tranh không bao giờ là con đường đúng đắn của một gallery. Nó thiếu đi những không gian trầm tĩnh yên ả để người xem có thể đắm mình trong tác phẩm. Những chiếc khung nhập khẩu cầu kì chạm trổ và dát vàng bạc gây hình ảnh đối lập nghiêm trọng với những bức tranh hết sức ngô nghê về nghề nghiệp mà đáng ra nó cần một chiếc khung cũng thô vụng như thế để đồng bộ tôn nhau lên. Những dàn đèn rọi cầu kì đắt tiền đã vô tình làm lộ ra không ít lỗi kĩ thuật của các họa sĩ mà đáng ra người xem khó có thể nhận biết bằng đèn rọi thường. Những dây cáp treo tranh bằng inox sáng trắng có thể điều chỉnh chính xác độ thăng bằng của bức tranh nổi bật ra khỏi bức tường như dàn lưới đỡ phía sau trông rất chật chội tức mắt.

Mình lang thang trên phố Hàng Gai vô tình nhìn thấy biển hiệu Gallery Chiến Thắng. Rẽ vào xem thử thì gặp thằng Thắng ở đấy thật. Nó bảo, tôi mở rộng qui mô cửa hàng thuê thêm chỗ này! Mình kinh ngạc khi thấy vẫn những tranh theo lối tả thực ngây ngô bé tẹo treo ở đấy. Lại còn có miếng giấy nhỏ tí dán dưới góc bên phải ghi rõ giá tiền. Vẫn giá ấy. Mình hỏi, vào đây hoạt động có tốt không? Nó cười, dĩ nhiên hai bao giờ chẳng hơn một! Mình thắc mắc, người ta đua nhau sửa lại cửa hàng to đẹp, ông làm ngược lại! Bây giờ suy thoái thế này càng to càng chóng chết!

Thằng Thắng rủ mình đi uống rượu trưa trên ngõ Phất Lộc. Ở hàng bún đậu mắm tôm rất nổi tiếng nhưng cũng rất lâu rồi mình không đến. Mình lững thững chở nó qua Hàng Bè lên Phất Lộc. Quán hàng đông ngẹt trong con ngõ tối không còn chỗ để xe. Hai thằng lại phải quay ra chợ Hàng Bè gửi tạm xe máy vào bãi xe ngoài ấy. Mình đùa thằng Thắng, chẳng biết có phải tại suy thoái kinh tế hay không mà món ăn này bây giờ đông khách quá! Nó ngoắc tay mình lên gác. Mái tôn trống hoác bốn bề. Mình khéo léo đẩy nó ra phía cuối căn gác để tránh xa đám khách nữ áo quần hàng hiệu và nước hoa thơm hơn mức cần thiết. Sẽ là thảm họa khi ăn món bún đậu mắm tôm bên cạnh một lẫy lừng nước hoa như thế.

Cuối dãy vẫn còn một bàn trống. Mình và Thắng ngồi lên chiếc ghế nhựa thấp chân kiên nhẫn đợi. Cũng phải mươi phút sau mới có người lên hỏi han. Một cô gái không còn trẻ trong bộ quần áo công nhân lam lũ nhưng thân thiện, các anh có gọi thêm gì để em mang lên một thể, hôm nay đông khách phải chờ hơi lâu đấy! Mình hỏi thêm gì nghĩa là thế nào. Dạ có chả cốm, lòng lợn và ốc nấu chuối! Thằng Thắng xua tay, cho bọn anh bún đậu thôi, một chai vodka nhỏ nữa nhé! Mình bảo, sao uống ít thế? Nó lẩm bẩm, bây giờ khách khứa ăn tạp thế đấy, chẳng biết có còn ngon như xưa. Lâu quá tôi cũng không lên nhà này. Vả lại bây giờ cũng bắt đầu phải hạn chế rượu vì sức khỏe. Uống như trước là “tạch” sớm!

 

Bún đậu mắm tôm vẫn không có gì thay đổi. Khẩu vị của mình chứng nhận điều đó. Vẫn bát mắm tím xứ Thanh vắt chanh pha đường và ớt bột hồn g hào tươi tắn. Vẫn thìa mỡ lợn rán đậu thơm phức chan bên trên bát mắm. Bún lá dày dặn cắt miếng trắng phau. Đậu Mơ rán phồng giòn dai vừa vặn còn sủi tăm mỡ. Và rổ rau kinh giới kèm thêm những miếng dưa chuột thái mỏng. Nhấp chén rượu vodka, hai thằng nhấm nháp thưởng thức món ăn đến tận giọt rượu cuối cùng.

 

*

 

Có tiếng la hét thất thanh ở phía bên kia căn nhà tập thể. Tiếng bước chân gấp gáp trên bậc cầu thang hỗn loạn. Tiếng khóc và tiếng gọi như quát vào điện thoại, xin ngay một xe cấp cứu đến... Nạn nhân bị bỏng a xít! Mình choàng tỉnh nhìn đồng hồ. Đã chín giờ tối. Trận bia trên Hàm Cá Mập buổi trưa với mấy người bạn ở triển lãm Hàng Bài kéo dài đến gần bốn giờ chiều. Mình khá say. Phải gửi xe máy lại đấy nhảy lên taxi. Khách say gặp đúng taxi dù chạy loanh quanh hơn tiếng đồng hồ mới về đến nhà. Đồng hồ tính tiền dừng ở con số 212 nghìn đồng. Cứ ngỡ mình vừa uống bia ở sân bay Nội Bài về.

Lững thững ra mở cửa phòng nhìn xuống khoảnh sân khu nhà đông kín người. Đèn xe cấp cứu soi rõ một thân thể đang quằn quại trên chiếc cáng ba bốn người xúm vào khiêng. Mái tóc rối tung và một gương mặt nhăn nhúm kinh hoàng. Thu. Mình sững sờ. Tỉnh hẳn.

Báo chí đưa tin ầm ĩ về vụ “phi công trẻ” tạt a xít “máy bay bà già”. Thủ phạm không phải ai khác mà chính là người chồng trẻ với gương mặt xương xẩu hắc ám xuất hiện cùng với những dòng tin nóng hổi. Hắn đã bị bắt ngay khi vừa đặt chân về đến bến xe quê nhà bên Hưng Yên. Chẳng hiểu sao tội phạm nước mình hay chạy trốn về quê. Vừa không thể thoát mà lại vừa làm xấu mặt quê hương. Nhưng những điều hắn khai nhận về tội ác khiến mình cảm thấy vô cùng may mắn. Hắn khai đã ra tay vì ghen tuông với một cậu bé đồng hương mà không phải là mình. Cảnh sát dĩ nhiên chẳng bao giờ tin vào lời khai một chiều ấy. Lời khai của Thu một lần nữa lại khẳng định mình chẳng có liên quan gì trong chuyện này. Cũng chẳng có cậu bé đồng hương nào cả. Chỉ có một nguyên nhân duy nhất thôi. Anh chồng trẻ con cờ bạc nhẵn túi tính chuyện cướp nốt số tiền dành dụm của cô ấy từ mấy hôm trước nhưng không thành. Hắn ta bị cô dùng vũ lực đuổi ra khỏi nhà. Sức khỏe của hắn dễ nhận thấy không bao giờ là đối thủ của Thu. Đành phải nghĩ ra cách trả thù tàn độc. Báo đã đăng đầy đủ. Mình cũng đã đọc.

Lưỡng lự mất hơn hai tuần lễ mình mới quyết định vào thăm Thu trong bệnh viện. Một phần muốn gửi cô ấy chút tiền để điều trị thương tích như bạn bè vẫn giúp nhau trong hoạn nạn. Phần khác, cũng tò mò muốn xem khuôn mặt của cô đã bị tàn phá đến mức nào. Nhưng người ta không cho vào phòng cách li vô trùng. Chỉ có thể nhìn thấy Thu qua kính cửa sổ quấn băng kín mít. Mình vẫy tay chào nhưng không biết cô ấy có nhận ra không chỉ với một con mắt được hé tấm băng hở ra một khe hẹp thẫm tối. Chị gái của Thu có nét mặt rất giống cô ấy nói chuyện với mình trên ghế đá ngoài vườn hoa bệnh viện. Khổ thế đấy anh ạ, cả nhà em can ngăn nó mà không được, cứ thế là đâm đầu vào cái thằng chó chết ấy. Chẳng hiểu con bé si mê cái gì ở nó, bao nhiêu tiền bạc dành dụm được đưa hết cho nó tưởng chung vốn mở cửa hàng hóa ra nó mang đánh bạc. Hết tiền lại về tróc nã đòi bán nhà. Bây giờ thì hết sạch! Những giọt nước mắt lăn dài trên má cô chị khiến mình bùi ngùi, thôi, việc đã thế rồi, gia đình đừng trách móc gì cô ấy nữa. Cố gắng động viên cô ấy chữa trị! Mình rút chiếc phong bì đã chuẩn bị sẵn trong túi ra đưa cô chị. Ra về lòng nặng trĩu. Một nhan sắc đã bị tàn phá nặng nề. Tội ác đến từ người từng yêu thương mình. Sẽ có những nhà đạo đức học lên tiếng cảnh báo lối sống thực dụng vụ lợi không tình yêu. Nhưng cũng sẽ chẳng có một ai chứng minh được rằng thứ tình cảm ấy vẫn còn tồn tại trên đời. Mình không tin cô ấy có thể vượt qua được cú sốc này.

 

*

 

Tháng ba, những mầm bằng lăng dưới sân khu tập thể bắt đầu đâm tua tủa trên đám cành rậm rạp gai sắc. Tiếc rằng khoảng thời gian đẹp đẽ ấy quá ngắn ngủi. Những búp lá nõn nà màu nâu ấm nhanh chóng bung ra thành tán che rợp lối đi. Mình chợt nhớ phải chạy xe lên Trần Nhân Tông ngắm nhìn mười mấy cây bồ đề. Vài năm nay đã bắt đầu có những cây bị mối mọt chết khô. Mười mấy cây bồ đề trước cửa trường Tây Sơn làm nên một quãng phố vẫn còn rất thơ mộng Hà Nội. Nhiều khi không có việc gì phải đi đường ấy nhưng mình vẫn muốn rẽ vào. Dừng xe sát bên hè những ngày đông thưởng thức từng chiếc lá bồ đề vàng rượi thanh thản thả xuống vai áo. Con đường nhuộm lá lao xao bước chân giọng nói trẻ con đến trường. Một tương phản đẹp về sự sống sinh sôi và tàn úa. Mùa xuân, những lá non màu thạch lựu buông rủ xuống như hình trái tim lung lay nhịp đập trong mưa phùn ấm áp. Cứ định bụng một hôm nào đó sẽ đếm thử xem hàng cây có bao nhiêu gốc nhưng suốt mấy chục năm trời không làm nổi. Hễ đến nơi là lập tức bị hàng cây mê hoặc đến quên cả những điều còn quan trọng hơn thế nhiều. Thật lạ là trong phố không đâu có một hàng cây bồ đề như thế. Và còn lạ hơn nữa khi hàng cây này lại nằm ngay trên con đường mang tên Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Mình rẽ xe vào góc đường Trần Nhân Tông chỗ rạp xiếc thì có điện thoại. Diễm gọi, anh có rỗi rãi thì lên Vạn Phúc uống cà phê, em đang ngồi đây rồi! Mình bảo, anh sẽ lên ngay!

Nhưng vẫn phải chạy qua hàng cây bồ đề một lát. Cái hẹn với hàng cây có trước và quan trọng hơn cái hẹn cà phê với Diễm nhiều. Hàng cây đã bắt đầu cứng lá. Vẫn còn kịp ngắm cả một khoảng xanh trong như ngọc ùa ra lộng lẫy tô điểm cho con đường ồn ào bất tận. Không chỉ mình mà có rất nhiều người dừng xe lại ngắm nhìn. Đoạn đường gần như bị tắc. Vài nghệ sĩ nhiếp ảnh vác máy chạy loăng quăng tìm góc bấm liên hồi. Mình quên biến chuyện hẹn Diễm uống cà phê nếu như nàng không bấm máy gọi lại.

Diễm ngồi với hai cô bạn gái ăn mặc khá sang trọng. Nàng giới thiệu, đây là Hồng và Vân bạn em, hai bạn này cũng rất mê tranh và đang có ý định mở gallery. Đây là họa sĩ Thế Hoàng! Mình gật đầu chào họ, gallery bây giờ nghe nói ế ẩm lắm sao lại mở vào lúc này? Hồng cười, Diễm nói đùa đấy, mà cũng có thể là thật, bọn em trước hết muốn mua tranh về treo trong khách sạn của gia đình, xem phòng tranh của Diễm thèm đến phát chết đi được! Mình đùa, thế thì Diễm phải mở gallery thôi, đầu tiên là bán cho hai bạn này! Vân bảo, gớm, đụng vào lại chả chết với Diễm, nó quí tranh hơn tất cả mọi thứ, bạn bè đã thấm gì. Chúng em phải tìm đến nhà anh thôi! Mình vội thanh minh, độ này mải chơi quá nên không vẽ được gì, đến nhà bây giờ chỉ còn vài bức tranh cũ! Hồng nhanh nhảu, thế thì chúng em đặt hàng anh vậy, khi nào vẽ được tranh mới thì cho chúng em đến xem nhé! Sẵn sàng thôi!

Mình biết lời hứa ấy hơi mạo hiểm. Đã mấy lần bày bút màu ra vẽ nhưng chưa thể bắt nhịp được. Những nét phác dập xóa liên miên cho đến cuối buổi chẳng ra hình thù gì cả. Thế giới đầy bí ẩn của hội họa không phải lúc nào và không phải ai cũng có thể tự tiện bước chân vào dù các cánh cửa của nó luôn rộng mở. Mình bắt đầu cảm thấy thèm thuồng những ngày tháng miệt mài không ngừng nghỉ. Hình và sắc cứ thế ào ạt tuôn ra nhiều khi không thể kiềm chế nổi. Những bố cục chật ních trong đầu chỉ chực ùa ra. Con mắt no nê nhiều khi không kiểm soát kịp những gì vừa vẽ ra. Ô hay, vẫn chỉ là mình.

Diễm ghé tai mình nói nhỏ, chiều hết giờ làm anh xuống nhà em nhé, em chiêu đãi một món đầu mùa!

 

*

 

Cả buổi chiều mình loay hoay trên mạng tìm kiếm những thông tin về triển lãm tranh khu vực châu Á hi vọng có một gợi ý nào đó hữu ích. Nhưng hoàn toàn không có gì đáng kể. Một cuộc triển lãm tại bảo tàng Singapore của họa sĩ Nhật Bản không biết nên gọi là thể loại gì. Nó vừa như hình cắt giấy lại vừa như nghệ thuật ánh sáng của Op Art từ nửa cuối thế kỉ trước. Vài cuộc triển lãm tại Hongkong với những tranh tượng khá cũ trong các gallery quen thuộc. Những tranh tượng không hơn gì gallery ở Việt Nam. Duy nhất chỉ có một triển lãm tranh của thổ dân Úc là gây ấn tượng với những hình vẽ đậm chất nghệ thuật hang động nguyên thủy nhưng được cách điệu ở mức độ khái quát cao. Phương pháp thể hiện bằng cách dùng que chấm màu liên tục cạnh nhau tạo hiệu ứng rung rất đặc sắc. Khoái cảm thẩm mĩ thậm chí còn vượt xa cả Georges Seurat của trường họa Tân ấn tượng Paris. Nhưng bản sắc của những bức họa chấm que này quá dị biệt không thể là gợi ý cho bất kì ai cầm bút nếu như không muốn trở thành kẻ sao chép rẻ tiền.

Diễm về đến nhà từ lúc năm giờ chiều. Khi mình xuống đến nơi đã thấy nàng lúi húi trong bếp. Mùi cá rán thơm lựng và những tiếng nổ mỡ lách tách reo. Con bé Thùy Linh giúp mẹ nhặt rau cạnh bếp thấy mình vào ngước mắt cười nhí nhảnh, hôm nay có món bác rất thích đấy, cháu đã biết làm rồi. Cá rô phải rán hai lửa mới giòn!

Nàng dọn đồ ăn ra bàn. Mùi bơ thơm nức trên đĩa cá rán vàng còn lăn tăn sôi. Đĩa rau sống hoa chuối đặt cạnh bát nước mắm gừng ớt sóng sánh. Đĩa chim quay mật ong vàng rộm chặt đều tăm tắp. Nàng mỉm cười, uống rượu xong sẽ có một bát canh bánh đa nấu rau cải, bây giờ em chưa làm vội!

Nàng lấy trong tủ ra một chai vodka Ba Lan cọng cỏ, cán bộ của em vừa đi công tác bên ấy mua về biếu! Đã hàng hơn chục năm mình không còn nhìn thấy loại rượu ấy nữa. Chẳng biết mình nhớ nhầm hay do uống quá nhiều loại vodka mới nên không để ý. Nhưng rượu cọng cỏ bây giờ cũng không còn mùi hương dịu nhẹ bí ẩn như ngày nào. Nó hắc và gắt đến sỗ sàng. Đến mức mình không tin rằng cái cọng cỏ màu ung ủng đứng trong chai đã chắc là cỏ thật. Nhấp thử một ngụm, Diễm cũng phát hiện ra điều đó. Nàng phân vân, có nên uống chai khác không anh, em vẫn còn whisky nhưng sợ làm hỏng mùi cá rán! Mình bảo, rất nên, mùi cỏ này còn làm cá hỏng hơn!

Rượu vài tuần mình than phiền, dạo này anh không thể vẽ lại được, chẳng biết tại sao? Nàng bảo, thì anh cứ nghỉ ngơi vài tháng nữa đi đã, vẽ chứ có phải sản xuất thuốc như bọn em đâu mà ngày nào cũng có sản phẩm! Mình rầu rĩ, nhưng lại rất muốn vẽ, chỉ là đầu óc và con mắt rỗng không! Nàng an ủi, em tin là một lúc nào đó mọi thứ sẽ lại trở về, chỉ sợ lúc ấy em lại muốn can anh mà không được. Và ngừng vẽ theo em cũng là một thái độ tự trọng. Có thể là một nhân cách nữa! Mình hơi bất ngờ, ngừng vẽ cũng là một nhân cách? Đúng thế anh ạ. Nhiều người không biết mình nên ngừng ở chỗ nào và vào lúc nào. Em có vài bức tranh mua của một họa sĩ khá nổi tiếng nhưng sau đấy phải cất biệt đi không dám treo. Ông ấy còn vẽ thêm khá nhiều những bức tương tự và bán cho rất nhiều người! Mình suýt phì cười vì câu nói của nàng lại làm cho mình nhớ đến thằng bạn học tên là Ngọc ngày nào. “Quan trọng là biết dừng ở đâu”. Câu nói ấy bây giờ vẫn sai. Ít nhất thì cũng có vài họa sĩ tiếng tăm như Diễm nói đã chứng minh điều đó.

 

*

 

Một chiều cuối tháng bảy, chị gái của Thu gọi điện cho mình. Giọng nấc nghẹn trong máy, Thu nhà em chắc không qua khỏi anh ơi, cả nhà đang đưa nó vào Bạch Mai cấp cứu! Chỉ nói được đến thế là cô ấy tắt máy. Mình gọi lại hai lần đều không nghe nữa. Chẳng còn cách nào khác, mình vội lấy xe máy phóng sang bệnh viện. May là nó gần nhà. Nhưng không may là khi mình gửi xong chiếc xe máy vào bãi để xe bệnh viện thì đã quá muộn. Nàng vừa trút hơi thở cuối cùng trong khoa hồi sức cấp cứu. Các bác sĩ và y tá đang liệm nàng trong một tấm vải trắng lớn. Mình chỉ kịp nhìn thấy những động tác cuối cùng cô y tá cắt cuộn băng buộc hai ngón chân cái nhợt nhạt của nàng lại. Tấm vải trùm kín trên người kéo xuống che nốt hai bàn chân. Chiếc cáng có bánh xe đẩy lao nhanh ra khỏi phòng cấp cứu xuống dãy nhà đại thể bên dưới. Người nhà của Thu và mình lốc thốc bám theo.

Chị gái Thu vịn một tay vào vai mình khóc nấc lên, buổi trưa nó vẫn ăn cơm vui vẻ với cả nhà, còn vui hơn những ngày trước đó. Khi em phát hiện ra thì nó đã hôn mê rồi. Trong phòng là gần hai mươi vỉ thuốc ngủ. Chiếc gương trong toilet bị vỡ tan tành. Nó ở một mình trên tầng 5. Cả nhà đi vắng! Mình cầm bàn tay run rẩy cô chị gái Thu. Cố nói một câu gì đó mà không thành lời. Tự nhiên nước mắt cũng trào ra không thể kiểm soát được. Bóng tối chợt trùm xuống mênh mang dưới sân nhà đại thể lố nhố vài bóng người. Không hẳn là người. Chỉ là những đớn đau lo toan câm lặng bất lực. Dự đoán của mình đã thành sự thật. Nàng không chịu đựng nổi cú sốc quá nặng nề. Nó không chỉ tàn phá một đơn thuần nhan sắc. Tội ác còn tàn phá niềm kiêu hãnh và hơn nữa, cả danh dự của một đàn bà thị dân.

Chiều hôm sau cô chị lại gọi điện cho mình thông báo ngày giờ làm đám ma. Mình uống suốt từ sáng đến say mờ. Lần đầu tiên trong đời ngồi tại nhà uống một mình. Lập cập cầm điện thoại lên bật hai lần mới liên lạc được. Nghe loáng thoáng cô ấy bảo đám ma sẽ diễn ra buổi sáng ngày hôm sau ở ngay tại nhà tang lễ bệnh viện. Mình ậm ừ và thiếp đi trong một giấc ngắn kinh hoàng. Trong mơ mình chính là thủ phạm của vụ tạt a xít lên khuôn mặt kiều diễm của nàng. Không phải vì chuyện tiền bạc mà chính là vì nàng đã lén lút có quan hệ với cậu trai tỉnh lẻ ngay cả khi vẫn còn nồng nàn với mình. Và nàng luôn giễu cợt sự kém cỏi của mình trong chuyện chăn gối. Thực ra thì suốt thời gian ấy mình không hề nghĩ đến nàng như một chỗ để giải tỏa chuyện gối chăn. Mình căm thù sự thay lòng đổi dạ của nàng cũng không phải vì ghen tức. Chỉ là vì cái đẹp mình tôn thờ bỗng dưng trở thành một thứ ma mãnh thực dụng rất cặn bã phố phường. Nàng muốn hòa mình vào cái hiện trạng thị dân ấy. Mình bị mất niềm tin về cái đẹp. Có nghĩa là mất tất cả. Khi cái đẹp đã ra đi thì không ai có thể tìm được cái thay thế. Những người nói đã tìm lại được đều là dối trá bao biện cả thôi. Không bao giờ tìm thấy lại được thứ đã mất mát trong tâm khảm của chính mình. Những cái đẹp khác chỉ là gượng ép đưa vào chỗ trống. Nó tồn tại ở dạng vật thể trong nỗi nghi hoặc của chính bản thân mình. Và mình ra tay. Cho đến lúc ấy mình mới chợt nhận ra rằng mình không có một quê quán nào khác để mà tìm đường trốn chạy như những hung thủ thông thường. Tiếng chiếc còng số tám khọt khẹt cứa răng trên cổ tay ngay sau lưng mình. Tiếng thét bi phẫn của mình bật ra cùng lúc. Tỉnh dậy. Mồ hôi đầm đìa. Y như cái đêm hôm nào trời mưa như trút nước mình và hắn trở về căn hộ trong cơn say lảo đảo màn mưa. Và hình ảnh Bà Chúa Ngựa mắt trắng dã chết trong niềm hoan lạc tột cùng.

Mình cố dằn lòng không đến dự đám tang nàng. Sẽ chẳng có những tiếc thương chân thành ở đấy. Lòng căm giận thì có thể có. Và dĩ nhiên cũng chẳng thể nhìn mặt người chết lần cuối cùng. Gương mặt bị tàn phá ấy không ai nỡ để cho mọi người nhìn. Mình cũng mong giữ lại những gì tốt đẹp nhất. Không phải vì nàng mà chính là vì mình.

 

*

 

Cuối năm, khi những cây bằng lăng dưới sân nhà tập thể đã trút đến những chiếc lá ruỗng cuối cùng màu rỉ sắt nhẹ như tơ bảng lảng trong gió. Trời khô lạnh thốc lên những đám bụi nhỏ vòng vèo lạo rạo trong đám lá rụng bâng quơ. Bóng tối tràn xuống từ lúc năm giờ chiều. Mình đứng yên lặng trên hành lang tầng ba nhìn xuống vắng vẻ những cành bằng lăng quắc thước gân guốc giữa bốn bề bê tông sắt thép. Nó như ngầm ý nói rằng những khối kiến trúc lầm lì bê tông cốt thép xung quanh cũng cùng một thân phận như vậy. Hồi hộp gieo trồng. Chăm chút yêu thương. Và tự sống cho đến ngày mục ruỗng. Cái ồn ào của khu tập thể giờ tan tầm cũng được giá rét phủ lên một tấm chăn tĩnh lặng không hình hài. Người ta nhanh chóng chui vào cầu thang và những căn hộ dưới đất một cách trật tự êm ái. Không có tiếng rao quà vặt. Cũng chẳng thấy trẻ con khóc và đàn bà quát tháo. Người già cất tiếng ho khan kín đáo trong những căn hộ của mình. Chỉ có những tiếng động rất khẽ phát ra từ sau những cánh cửa im lìm đóng. Láng máng tiếng cô phát thanh viên đài truyền hình Hà Nội đang đọc bản tin lời cảm ơn tang lễ dài lê thê với tên gọi của những cơ quan đoàn thể đến phúng viếng đám ma. Có vài cơ quan được xướng tên ở những đám khác nhau lặp đi lặp lại. Mình thấy rất ái ngại cho lãnh đạo những cơ quan ấy. “Một mình” làm mấy “cuộc chia li” như ông Tế Hanh ngày xưa than thở.

Chiếc taxi chợt đến đậu dưới chân cầu thang khu nhà. Diễm co ro bước ra từ trong cửa xe. Nàng thoăn thoắt khuất vào cổng cầu thang ngay dưới chân mình. Đã khá lâu mình không xuống nhà Diễm nữa. Sợ. Cái đẹp nào thì sự mong manh của nó cũng đều rõ nét và gợi liên tưởng. Vả lại khi mình không động tay vào bút nữa thì câu chuyện với Diễm cũng không còn gì nhiều. Chỉ loanh quanh mấy việc thay đổi những bức tranh trên tường với vài ba chén rượu. Những cuộc làm tình chểnh mảng thưa thớt và không lặp lại trong đêm. Có một thứ không hề thay đổi. Đó là nhiệt huyết của nàng với hội họa vẫn chưa suy giảm. Rất có thể nó cũng là nguyên nhân khiến nàng đã bắt đầu chán nản khi thấy mình không còn tiếp tục cầm bút nữa.

Nhưng chính sự thờ ơ ấy của nàng lại thôi thúc mình một lần nữa. Và lần này thì có vẻ như mình đã bắt đầu thấy những dấu hiệu xa mờ của một đam mê vừa trỗi dậy. Nó chưa thực sự có hình hài. Nhưng đã có những khởi điểm thuận lợi. Mấy hôm liền vừa rồi mình đã có thể tập trung vào vài bức tranh trừu tượng. Ý nghĩ vụt đến từ hôm chủ nhật. Bắt đầu bằng con mắt hoài nghi đã vứt đi những kí ức hình ảnh. Mình nhìn xuống dưới sân khu tập thể và chợt nghĩ, nếu như cái mảnh sân dưới ấy mà vắng đi những cây bằng lăng. Vắng đi con đường lổm nhổm lát gạch xi măng mười viên đã vỡ đến chín. Vắng đi giờ tan tầm với muôn vàn tiếng động thu dần vào ấm áp những hang ổ đóng cửa. Như những con chim Southern Masked Weaver xây tổ của nó trên những cành gai miền nam châu Phi. Nó sẽ như thế nào với một lượng người đông đúc bất chợt đổ ào ra sân. Cái câm lặng bất chợt dùng hình hài của mình để mà lên tiếng. Khi đông đúc đã lên đến đỉnh điểm, những tiếng người trộn lẫn vào nhau không còn nghe thấy gì nữa. Những chuyển động cá nhân trở nên vô nghĩa. Nó sẽ là chuyển động theo nhịp điệu của cả một khối người gần như chẳng biết gì về nhau. Họ chuyển động chỉ là vì người bên cạnh chuyển động. Không còn những mảng màu đơn sắc bất biến. Chúng tan hòa vào nhau và lóe lên bản sắc đột ngột trước khi lịm tắt. Trong cái ồn ào phức tạp đa diện của chuyển động ấy mình nhìn thấy một bố cục. Gồm rất nhiều hướng mở ra không xác định với những hình người nhỏ bé lưỡng lự có xu thế bị hút vào đám đông chính giữa. Bầu khí quyển phẳng căng cùng với một sức hút không gì cưỡng nổi. Cùng một lúc mình vẽ ba bức đều về chủ đề đám đông co giãn với ba bảng hòa sắc khác nhau. Nâu ấm, vàng, và xanh nước biển. Mình bị sức hút của nó cuốn vào.

Mải nghĩ ngợi khi bước chân của nàng đã đến rất gần. Giật mình quay lại. Nụ cười hơi có vẻ hờn giận, em biết là anh sẽ sớm quên em khi bắt tay vào làm việc. Em phải đến tìm anh thôi! Mình luống cuống, ừ mấy hôm nay bắt đầu vẽ nhưng chưa cảm thấy bằng lòng lắm. Em xem qua một chút nhé rồi anh mời em đi ăn tối! Nàng lắc đầu, trời lạnh lắm em ngại ra đường nên đã mua một ít đồ nguội đây rồi, ta vừa ăn vừa xem!

Mình vào nhà dựng ngay ngắn mấy bức tranh lên tường. Kéo chiếc giá vẽ dịch sang một bên. Thu dọn đống màu vẽ và rửa qua loa mấy chiếc bút vào hộp xăng. Mấy hôm nay mình bắt đầu sử dụng khá nhiều cách vẽ bằng bay. Khi không còn ý định miêu tả cụ thể một cái gì nữa thì chiếc bay vẽ là công cụ tuyệt vời nhất. Nó cho phép kết quả hiện hình ngay sau những đường trát dày dặn nuột nà ngon lành. Nó cọ xát trực tiếp với các giác quan của mình hơn là ngọn bút mềm ve vuốt. Mình thưởng thức cảm giác ướt mềm của lớp sơn trên từng ngón tay hơn là bắt nó phải chiều theo con mắt.

Nàng sắp đồ ăn ra bàn. Đồ nguội mua ở Nguyên Sinh có những món mình rất thích. Dăm bông tai lợn. Ba chỉ xông khói và pa tê gan ngỗng. Một chút phô ma và dưa chuột muối. Bánh mì nhỏ giòn tan. Mình rót hai cốc rượu whisky và bỏ vào hai viên nước đá, hôm nay uống một cốc thôi nhé, anh muốn ăn vì cũng hơi đói rồi. Ăn sáng uống cà phê từ lúc chín giờ sáng, mải làm việc và trời rét nên cũng lười ra đường! Chạm cốc, nàng đăm chiêu ngắm mấy bức tranh trừu tượng, em chưa thể hiểu hết những tranh này nói gì nhưng hòa sắc rất đẹp, bố cục gây cảm giác bức bối đến tức thở. Anh có thể giải thích thêm cho em được không? Mình ân cần, như thế là em đã gần như hiểu hết về nó rồi, bức tranh nào thì đầu tiên vẫn là ấn tượng về thị giác. Người xem dần dà khám phá nó, đồng hành với nó. Ở mức độ chuyên nghiệp hơn nữa thì có thể phân tích các thủ pháp kĩ thuật, nhưng em thì không cần quan tâm đến việc ấy làm gì! Nàng cười, ến lúc em quan tâm thì anh phải giúp em đấy!

Nhưng ý định uống ít rượu của mình không thực hiện được. Sau khi đã ăn một chút ấm bụng là lập tức lại rót liên tục. Nàng hôm nay cũng uống hết số rượu mà mình có thể. Đôi má đỏ dậy lên và cặp mắt long lanh ướt. Mình giữ nàng lại sau bữa tối, anh không cho em về đêm nay đâu, trời lạnh mà cũng quá muộn rồi! Nàng nghiêng đầu tinh nghịch, sao cái gì anh cũng biết thế nhỉ, em cũng không định về nhà, tối nay chỉ có mình em!

Nàng vào phòng tắm thay một bộ đồ ngủ bằng vải dệt kim ôm khít. Những đường cong linh hoạt đầy đặn hai bên hông uyển chuyển theo từng bước chân nhẹ nhõm. Mình nhận ra mơ hồ một ham muốn đang lớn dần. Choáng ngợp. Chỉ kịp đánh răng rửa mặt và tắt đèn phòng ngoài, mình lao vào nàng như vũ bão. Nàng luống cuống vờ như chống cự và dần dần mềm mại thiết tha trong vòng tay mình. Quá lâu không gặp gỡ, mình không thể kìm hãm khi nàng vẫn còn trong trạng thái chới với say mê. Nàng phụng phịu, bắt đền, bắt đền anh...!

 

*

 

Những chậu cây trên ban công sau vài cuộc hồi sinh cứ nhỏ dần lại. Cây sơn liễu rụng bớt những cành rườm rà. Chỉ còn lơ thơ một túm cành tăm lác đác vài chiếc lá tròn như rơi xuống từ trời mắc vào đấy. Cây xương rồng cấy lan càng cua đột nhiên tuột hết lớp vỏ xanh dước gốc trơ ra cái lõi bé tẹo như ngón tay trẻ con. Cây đỗ quyên mọc lứa lá mới bạc phếch như rau răm. Mình cố tình không xén tỉa chúng. Để sống sót trong môi trường này chúng đã luôn phải tự xén tỉa mình. Tròn trịa ngay ngắn. Không mọc ra bất kì một chiếc lá không cần thiết nào. Vài ngày một lần được tưới đẫm nước để chờ đến lần tưới sau. Lớp đất trên mặt chậu khô những đám rêu già loang lổ. Những đám rêu thật kiên cường. Đã nhiều lần khô cháy đến không còn vết tích. Nhưng nếu tưới nước đều đặn, chúng sẽ lại bật lên những mầm xanh đến bất ngờ. Những đám rêu như đồng hành với mình trong một tư duy trừu tượng biến ảo không ngừng. Chúng như những gợi ý về một cuộc đào thoát ra hẳn bên ngoài những gì có thể giải thích được.

 

Những ý tưởng về sự thoát li triệt để với thế giới hình ảnh hiện thực cũng bám đuổi mình gay gắt trong nhiều tháng liền. Dịch chuyển những suy nghĩ ấy lên tranh không còn là công việc kĩ thuật của bàn tay được đào tạo nữa. Nó cần một thứ gì đó khác. Là thứ gì thì mình chưa thể biết. Nhiều lúc nó lóe lên ở một vài thao tác mà thôi. Mình đã vẽ lại gương mặt Diễm một cách rất hiện thực và sau đó dùng màu trung tính xóa nó đi gần hết. Chỉ để lại ánh mắt nhìn và vài lọn tóc buông lõa xõa. Trò chơi ấy cũng cuốn hút mình được một thời gian nhưng càng về sau nó càng bộc lộ sự cẩu thả mà ban đầu mình đã nhận lầm là ý tưởng. Lần này thì xóa hẳn. Và chợt phát hiện ra rằng chẳng có bức tranh nào được xóa đi trọn vẹn. Ẩn hiện đâu đó vẫn là những nét những màu dường như đã ăn vào tiềm thức. Nó không cần nhiều đến sự tinh tường của con mắt. Chính nó là con mắt bóc tách ngược trở lại vào mình.

Mối quan hệ của mình với Diễm và tất cả bạn bè ngày càng trở nên hờ hững. Hình như quanh mình đã bắt đầu có một rào cản vô hình không gì có thể xâm nhập được. Bạn bè bù khú đã khá già để không còn có thể thường xuyên rượu chè được nữa. Các đồng nghiệp một thời cũng quá xa vì không còn thấy ai xuất hiện với những sáng tác mới. Những mối quan hệ với đám gallery trong thành phố dĩ nhiên chấm dứt. Mình từ chối hợp tác với họ. Cái kĩ năng sống hồ hởi cảm thông giả tạo của dân phố cũng hình như đã lâu lắm rồi mình không phải dùng đến nữa.

 

Diễm đã nghỉ hưu và đang làm thủ tục sang ở với con gái. Con bé Thùy Linh tốt nghiệp đại học bên Mĩ và đã xin được việc làm. Nó muốn đón mẹ sang chơi và ở lại bao lâu tùy thích. Nàng dè dặt tâm sự với mình như thế. Mình biết có thể nàng đang chờ đợi ở mình một lời khuyên. Hoặc như một đề nghị cũng là. Nhưng đã chẳng có một lời khuyên hay đề nghị nào cả. Mình chỉ đùa, thế bộ sưu tập tranh của em để ở nhà cho ai xem? Nàng bảo, em cho đóng gói gửi sang bên ấy một ít để bày trong căn nhà con bé mới thuê. Số còn lại vẫn treo nguyên ở nhà để thỉnh thoảng về còn có cái ngắm nhìn. Em cho đứa cháu con bà chị gái ở nhờ và bảo quản!

Những bức tranh trừu tượng được vẽ ra hết sức cẩn trọng từ tốn. Mình lại rơi vào lối vẽ cầu toàn khi không có những ước thúc về thời gian. Không định mở triển lãm. Thậm chí cũng không còn ý định cho ai xem khi Diễm đã đi xa rồi. Khán giả duy nhất của mình trong công việc này đã vắng mặt. Mình thong thả cóp nhặt những ý nghĩ rời rạc đưa chúng vào tranh không theo bất cứ trình tự không thời gian nào nữa. Đó là trình tự của riêng mình. Về một nghĩa xa xôi có thể nó vẫn là những tranh hiện thực. Một hiện thực không được quan sát và vẽ ra bằng mắt thường nữa. Hình như phải có một con mắt khác thay thế. Công việc của mình bây giờ giống như hành trình đi tìm kiếm con mắt thứ ba ấy. Bao giờ tìm thấy? Và có nhất thiết phải tìm kiếm không khi mà thành phố như một cơ thể khổng lồ bất an. Đào thải và chấp nhận. Vài con người rời rạc đứng quá xa tâm điểm của một đám đông không còn cảm nhận được sức hút của nó nữa...

 

Mười năm sau trong lần người ta cho xe ủi và máy móc đến tháo dỡ giải tỏa khu nhà tập thể đã hết thời hạn sử dụng. Có một căn phòng trên tầng ba khóa cửa từ lâu lắm rồi. Ổ khóa đã rỉ ngoèn và bị lũ trẻ nghịch ngợm nhét đầy tăm vào đấy không thể mở được. Chỉ huy công trường đã tìm hết cách để liên lạc với người chủ cũ nhưng không thể tìm thấy. Các số điện thoại đều không còn hòa mạng. Cuối cùng để đảm bảo tiến độ thi công, họ đành cho chiếc gầu máy xúc vươn lên móc vào bệ cửa sổ kéo bật ra. Những người công nhân đầu tiên bước vào bên trong ngạc nhiên vì sự sạch sẽ trống trải của căn hộ. Không còn bất cứ một thứ đồ đạc nào chứng tỏ đã từng có một người chủ cư ngụ tại đây ngoài ba chậu cây chết khô trên ban công sau nhà. Người chủ cũ đã biến mất cùng với toàn bộ những gì có liên hệ với ông ấy. Đám công nhân sau vài phút ngỡ ngàng lại bắt tay vào công việc dang dở. Họ rời khỏi căn phòng nhường chỗ cho chiếc gầu máy xúc to tướng luồn sâu vào tận giữa nhà...

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t86953-con-mat-rong-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận