Con Mắt Rỗng Chương 10

Chương 10
Bộ sưu tập

Thằng Quân gọi điện lúc sáu giờ sáng mời hắn đi dự đám cưới vào đầu tuần tới. Mắt nhắm mắt mở vừa bước trên giường xuống đất, hắn thảng thốt, ông vừa nói đi dự đám cưới, cưới ai vậy! Quân cười hiền từ, tôi làm mấy mâm cỗ trên Mỹ Kinh mời bạn bè thân thiết thôi. Cũng rất cần có người phụ nữ trong nhà, thấy bố con tôi vất vả, cô vợ cũ giới thiệu cho một đám! Hắn càm ràm, vẫn chưa ngấm đòn chuyện vợ con à, mà thôi, tôi sẽ đến! Mời cả Thu hộ tôi nữa nhé, tôi không có số điện thoại, cũng chẳng in thiếp đâu! Hắn cười phá, không khéo người ta tưởng ông cưới chui mất? Nó cũng cười, mục đích của việc li dị là để lấy vợ mới, mục đích của cưới xin là để có vợ, công khai hay bí mật nào có quan trọng gì! Hắn thừ người ngán ngẩm. Chợt nhớ đến cái cửa ô Kim Liên ngày nào cũng tắc đường. Nhớ cái hôm thằng Quân xuống nhà đón hắn lên phố uống rượu ở quán Quê ta. Nhớ dòng người trôi dạt giữa ngã tư bị dồn vào những lối rẽ không mong muốn. Cái ngã tư quá rộng dung dưỡng thói ích kỉ của dòng người hung hãn phình ra như một chiếc lốp xe đạp mòn ngày xưa bơm quá tay chửa phềnh. Ở chỗ đã chửa lần nào bơm cũng chửa. Giống như ngã tư ngày nào cũng cuồn cuộn ùn ứ. Thằng Quân hôm ấy đã rất buồn. Không như hắn nghĩ đáng ra là nên vui mới phải. Từ bỏ nỗi buồn đeo đẳng không gây ra một tổn thất bát đĩa nào chỉ có thể là chuyện vui. Nhưng cuối cùng thì cảm nghĩ của hắn đã sai lầm. Bây giờ phải thừa nhận một vài đứa học sinh Hà Nội con nhà gia giáo đã bị con đường thành phố cuốn đi không thể kiểm soát lộ trình. Giống y như việc thằng Quân len lỏi chiếc xe máy chở hắn vượt qua ngã tư để đến khi nhìn xuống bắt gặp con đường không định rẽ. Cái chỉn chu của nó hóa ra cũng như công chức thành phố thời thuộc địa vài thế hệ trước. Có khác chăng chỉ là thu nhập.

Lần đầu tiên hắn đến đón Thu tại nhà của cô. Vào lúc chiều muộn. Xe máy vòng vèo rất lâu trong những con hẻm mới HàoNambộn bề đất đá xây dựng. Trí nhớ về những ruộng rau muống xanh rì bên con kênh nước thải đã hoàn toàn phản bội hắn. Những con đường ngoằn ngoèo đổ bê tông như những mạch máu cung cấp năng lượng cho cả một vùng hừng hực vút lên nhà cửa mới xây. Có muốn nhìn lên chiếc cột điện cao thế bên Thịnh Hào làm chuẩn bây giờ cũng khó. Chỉ thấy những khoảng trời ép chặt ngút ngát trên cao chằng chịt dây điện. Thật lạ. Mới chỉ hơn chục năm trước thôi vùng đất này vẫn là một nơi hoang vắng gây tâm lí ngại ngần cho bất kì người lạ nào héo lánh. Hắn đã có lần được mấy thằng bạn làm ở Triển lãm Giảng Võ đưa đến đây chơi gái. Sau khi khai mạc một triển lãm toàn quốc về thành tựu kinh tế mà hắn và họ tham gia làm phần mĩ thuật. Tiền bạc khá rủng rỉnh. Lúc ấy những nơi vui vẻ chưa phải là thứ đáng phàn nàn về mặt trị an. Và đại dịch liên quan đến vấn đề tình dục cũng chưa được biết đến ở thành phố này. Hắn cực kì ấn tượng với một cô điếm săn chắc có nước da đồng hun trong chiếc áo sơ mi trắng bó chẽn. Nó còn khêu gợi gấp trăm lần các người mẫu áo dài trong suốt khoe thân bây giờ. Cô gái hoàn toàn xóa đi trong hắn cảm giác bán mua đổi chác. Chỉ còn lại hừng hực đam mê như kìm nén rất lâu ngày. Đến mức khi kể chuyện lại với mấy thằng bạn đều bị chúng nó cho rằng hoang tưởng. Chẳng nhớ rằng hắn đã biện minh như thế nào mà sau đấy lũ bạn cũng háo hức tin là thật. Bây giờ nhớ lại thì chính hắn cũng tin như thế. Ngày ấy làm gì có tiền bạc, địa điểm và cơ hội tràn ngập như bây giờ. Chị em nhiều nhất có đôi ba lần khách trong tháng. Họ mới chính là những đàn bà thiếu thốn chứ không được như những đàn bà ấm êm bình thường khác. Và họ chưa bao giờ phải dùng đến vài thứ mĩ phẩm làm công cụ hỗ trợ như bây giờ.

Không thể tìm ra số nhà 41 trong con hẻm 154/3/6. Thực ra thì đến ngay con hẻm 154 cũng không thể tìm. Nhà cửa trong khu vực này lấy số theo tên gọi lô đất người ta mua được. Không theo qui luật chẵn lẻ hướng tâm nào cả. Những đứa trẻ ngày trước đã từng được dạy dỗ về qui luật đánh số nhà trên phố trở thành người lớn thất học ở nơi này. Hắn móc điện thoại ra gọi. Hai hồi chuông vừa dứt đã thấy Thu hiện ra ở đầu con ngõ ngay trước mặt, anh tìm nhà giỏi thật đấy, nhiều người tìm nhà em phải đứng trên đê La Thành gọi điện! Hắn cười, thú thực là anh cũng chỉ tìm được đến đây là rối loạn phương hướng! Nhà em trong ngõ kia rồi, Thu chỉ tay vào con ngõ tối đen. Màn đêm đã buông xuống con ngõ ấy từ lúc nào với vô vàn những ban công thò ra áp sát vào nhau che kín toàn bộ ánh sáng mặt trời. Những ngõ hé ra khoảng trời lép kẹp dây điện nhì nhằng bên ngoài vẫn còn sang trọng chán. Cái thành ngữ “hang cùng ngõ hẻm” với những ngôi nhà ống sâu hút một lối đi tối om bên cạnh không còn là đặc quyền sở hữu của khu phố cổ trên quận Hoàn Kiếm nữa. Nó đã lan truyền xuống đây từ khi khu phố mới thành hình. Hắn lan man nghĩ ngợi về thành phố của mình. Chẳng biết là nó đang phát triển hay lụi tàn. Về một nghĩa thực dụng thì rõ ràng thành phố bây giờ đã có những biến đổi thần tốc. Nhà nào cũng phải có một toilet dù to dù nhỏ và đồ điện tử thông dụng thì nhiều vô kể. Nhưng ở một cấu trúc lớn hơn thì có vẻ như nó đang bị chia cắt và tan rã bởi con người tham lam nghi kị. Trên những ban công áp sát vào nhau trong con ngõ nhà Thu hắn thấy luôn có những chiếc lồng thép hàn ô vuông. Cũng áp chặt vào nhau chỉ để không còn khe hở mà thôi.

 

*

 

Những cơn gió lạnh buốt từ hướng bờ sông thổi vào. Bây giờ chỉ còn những đợt gió mùa như thế mới làm cho con người có cảm giác mình vẫn đang sống cạnh một dòng sông. Con sông ngàn năm với những biến cố phân lưu chuyển dòng làm nên mảnh đất đầy kí ức này. Nhiều người như đã quên biến đi dòng sông nếu như cả năm không có việc gì đi sang bờ bên kia cũng như rất hờ hững với những tên gọi trên bến dưới thuyền chài lưới giao thương còn giữ lại. Bến Nứa, Hàng Bè, Cầu Gỗ, Gia Ngư, Hàng Cá, Hàng Buồm. Phong cảnh và khí hậu không còn gì khác biệt giữa trong và ngoài con đê xây bờ tường vuông vắn vô cảm. Mình luồn lách trong khu phố cổ cố tránh con đường Hàng Đào nối với Hàng Ngang. Đường ấy bây giờ buổi tối hay họp chợ đêm. Thật ngạc nhiên là chợ đêm cũng bày bán những thứ ban ngày vẫn bán chẳng khác gì kể cả giá tiền. Thỉnh thoảng có thêm gánh hát xẩm của các nghệ sĩ chuyên nghiệp từ nhà hát ra trình diễn. Nhưng có vẻ không thành công lắm khi mà mục đích bị hoán cải từ việc hát xin tiền sang thành xã hội hóa một nghề nghiệp sắp trở thành di sản phi vật thể. Trong một không gian sực nức áo quần và nước hoa thì tiếng hát xẩm cất lên không khác gì bật máy nghe nhạc. Dù là nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng khó lòng tạo dựng lại không khí thời đã qua bởi tiếng hát xẩm không còn những âm điệu nức nở đớn đau thân phận.

Thu ngồi đằng sau im lặng. Một tay bám hờ lên thắt lưng mình. Bàn tay có lúc nắm chặt hơn khi cơn gió lạnh ào đến nhưng cũng chợt buông chùng khi cơn gió vừa đi. Mình biết có một cái gì đó rất khó nói lên thành lời. Có thể là lỗi của mình. Trong nhiều ngày Thu đến làm mẫu vẽ, mình đã quá chăm chú dồn hết sức lực và niềm say mê vào công việc. Trước mắt mình hoàn toàn chỉ còn vẻ đẹp cơ thể của một đàn bà tuyệt mĩ không gợi lên bất cứ một quá khứ nào kể cả tên gọi. Những tư thế nằm ngồi, những động tác đột ngột hiện hình qua từng cử động, mình muốn nắm bắt thật kĩ lưỡng những hình ảnh thoáng qua ấy. Rất hiếm khi đàn bà phô bày cơ thể của mình một cách tự nhiên duyên dáng đến như vậy. Vẻ uyển chuyển sống động của cơ thể dường như đã làm cho mình thay đổi gần hết khái niệm đẹp về một đàn bà tĩnh lặng trong những bức tranh cổ điển. Mình xoay trở với tập giấy kí họa hàng trăm bức và cũng vẽ kĩ một vài bức nghiên cứu bằng bút chì chuẩn bị cho loạt tranh sắp tới. Chuẩn bị cho việc từ bỏ lối vẽ trực họa với mình không dễ bởi nó ít nhất đã có những thành công nhất định trong quá khứ. Công việc tưởng rằng sẽ gắn kết hơn nữa những gì đã có giữa Thu và mình. Nhưng không phải thế. Những tưởng tượng ấy hình như chỉ được một nửa. Phần mình. Đảo điên hân hoan như vừa chiếm đoạt trọn vẹn một vẻ đẹp hiếm hoi. Thu có lẽ chỉ cảm thấy ở mình không còn những vồ vập đắm say như trước nữa.

 

*

 

Nhà hàng Mỹ Kinh trên phố Hàng Buồm chìm khuất sau những cửa hàng bán bánh kẹo đường sữa bày tràn lan ra vỉa hè. Cả mặt tiền nhà hàng cũng có vài sạp hàng bánh kẹo sặc sỡ sắc màu chẳng biết chủ nhân của nó có phải là Mỹ Kinh? Thật trái ngược với khung cảnh ngày bao cấp. Cả dãy phố im lìm chỉ có duy nhất một hàng ăn mậu dịch Mỹ Kinh nườm nượp khách ra vào. Buổi sáng là phở. Gồm hai loại. “Không người lái” và có thịt bò. Hắn nhớ rằng thứ nước dùng của bát phở “không người lái” ngày ấy nếu bây giờ còn tồn tại thì vẫn không có đối thủ. Nó được đun nấu pha chế bởi những cán bộ thương nghiệp chuyên ngành phở theo một công thức nhất định. Chẳng ai buồn ăn bớt vật liệu cũng như công đoạn chế biến để làm gì bởi nó không mảy may ảnh hưởng đến niên hạn tăng lương năm năm một lần của họ. Buổi trưa và chiều là hàng cơm bán bằng tem gạo 225gr một suất. Đúng với định suất lương thực một người dân bình thường 13,5kg đem chia cho 60 bữa trong tháng. Làm sao người ta biết được rằng những tháng có 31 ngày thì người dân chắc chắn sẽ bỏ cơm hai bữa là điều bây giờ vẫn hoàn toàn bí mật. Những tính toán theo công thức của đói nghèo luôn là một bí mật. Những người cao trên 1.7m ngày ấy không bao giờ có thể dùng 4m vải tem phiếu để may đủ một bộ quần áo cho cả năm. Nhưng rất lạ là cũng không bao giờ nhìn thấy những bộ trang phục “thiếu vải” như bây giờ.

Thu và hắn bước vào khi bàn tiệc đã đông đủ. Một tiệc cưới giản dị gợi nhớ đến những đám cưới cơ quan ngày xưa. Chú rể com-plê nhã nhặn sáng màu. Cô dâu áo dài xanh cài nhành hoa lụa đính hạt thủy tinh sáng lấp lánh trước ngực. Không phông màn đèn đóm và chữ lồng trang trí. Và dĩ nhiên cũng không có cậu MC bóng nhẫy quen thuộc chuyên khua môi múa mép trong các đám cưới bây giờ. Những MC phòng cưới với chất giọng già giơ trơn chuội làm hắn nhớ đến lão bán thuốc chuột trên tàu điện vài mươi năm trước. Lão “Tư Trê kém mắt năm cái răng vàng...” như chính lời giáo đầu của lão cho màn giới thiệu thuốc bả chuột. Thành phố xóa bỏ tàu điện cũng là xóa bỏ đi không biết bao nhiêu thứ liên quan đến nó. Từ những chiếc cột điện tán đinh ri-vê đầy thẩm mĩ được những ông thợ phố Lò Rèn chế ra từ đầu thế kỉ trước với thái độ đặc biệt trân trọng một sản phẩm sắt thép định hình công nghệ cao nhập khẩu thời bấy giờ. Rồi đến tiếng chuông “leng keng tàu điện” đã có thời dân phố dùng làm thành ngữ để chỉ những người chớm có biểu hiện thần kinh không bình thường. Cái chuông duy nhất trên đời được “bấm” bằng chân cho đến thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX. Đội ngũ lái tàu phải vất vả đi học những lớp đào tạo lái xe buýt bởi chiếc cần số và bánh đà quay phanh hãm trên tàu điện chẳng có liên quan gì đến vô lăng và chân phanh ô tô sau này. Dĩ nhiên những hành khách thường trực như đám bán thuốc dạo, kim băng thuốc chuột và vài gánh hát xẩm cũng biến mất không vết tích. Nhưng có một thứ vẫn còn. Đó là Công ti xe điện Hà Nội. Một công ti xe điện duy nhất trên toàn thế giới không có bất kì chiếc x e điện nào vẫn nằm ở chỗ cũ trên đường Thụy Khuê. Nơi ngày xưa những chiếc xe điện hỏng vẫn được kéo về xưởng sửa chữa ở đấy.

Cặp loa treo cuối phòng đang phát một bản nhạc giao hưởng nhẹ nhàng êm dịu. Không nhìn thấy chiếc thùng gỗ hình trái tim quen thuộc ở mọi đám cưới, hắn xởi lởi đến bên cô dâu chú rể, chúc mừng hạnh phúc nhé, bọn mình có món quà cưới tặng ông đây! Hắn ấn chiếc phong bì vào bàn tay lóng ngóng của Quân. Cô dâu bạo dạn hỏi Thu, bao giờ thì anh chị cho chúng em ăn cỗ đấy! Thu đỏ mặt chỉ ngón tay sang hắn. Vờ như không biết, hắn kéo Thu tìm đến chiếc bàn của đám bạn nghệ sĩ. Thằng Thắng và thằng Minh đã ngồi ở đấy rồi. Hôm nay còn có thêm mấy tay nhạc công ở dàn nhạc giao hưởng. Cũng chỉ là bạn rượu hay gặp ở quán mà thôi. Hắn chưa bao giờ được nghe họ chơi trong dàn nhạc cũng như họ chưa bao giờ bước chân vào phòng triển lãm tranh. Trước mặt họ là chai vodka Hà Nội đã mở nắp. Chỉ duy nhất bàn ấy là có thêm chai rượu. Hắn nhìn một vòng quanh khắp phòng. Những gương mặt quen mà lạ bạn thằng Quân ở chỗ làm việc. Trong đám ấy hắn thấy cả vài người bạn trước đây cùng học trường mĩ thuật. Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy xuất hiện tác phẩm hoặc triển lãm của họ suốt từ ngày ra trường đến giờ. Cũng chưa bao giờ hắn gặp lại họ ở những quán rượu. Quen mà lạ là thế. Những công chức mẫn cán không còn mảy may dấu vết trên con đường đã chọn lúc đầu đời.

Thằng Thắng ghé tai hắn thì thào, vợ cũ thằng Quân giới thiệu cô y tá ở bệnh viện cho nó, khá trẻ nhưng cũng mới ở Thanh Hóa ra! Hắn cũng thì thào, thằng này đúng là còn phải “học, học nữa, học mãi”! Thắng ngậm ngùi, tưởng rằng nó đi chuyến tàu vét của thế hệ anh em mình thì sẽ đủ sức vượt lên trước mình. Không ngờ nó lẳng lặng bỏ xuống toa cuối cùng!

Thắng rót đều rượu ra chén trước mặt mọi người, nào nâng cốc chúc mừng hạnh phúc cô dâu chú rể! Hắn thoáng thấy ánh mắt rụt rè ngạc nhiên của mấy cô gái trẻ ngồi bàn bên cạnh. Họ chắc là bạn bè của cô dâu. Trong trang phục bình thường của khách mời trông họ quá trẻ so với đám bạn của Quân. Trẻ đến mức bọn hắn ngại ngần không dám bắt chuyện bởi rất khó xưng hô. Cuối cùng thì đám cưới dù chỉ mời những những bạn bè thân thiết vẫn là một nơi toàn người lạ. Hắn nâng cốc vui vẻ với mọi người trong bàn của mình. Tuyệt không cần phải để ý đến bàn cạnh làm gì nữa.

Bữa cỗ được nấu nướng tỉ mỉ chăm chút khác hẳn cỗ cưới đặt tại các địa chỉ chuyên nghiệp. Người Hà Nội mấy năm nay không nấu nướng cỗ bàn mà giao cả cho họ. Chỉ cần báo món theo nhu cầu và chi phí. Đã có hai đám cưới trong một buổi chiều hắn đi dự giống nhau đến cả chiếc tăm xỉa răng cài trên miếng giấy in dòng chữ “chúc mừng hạnh phúc” mạ vàng. Rượu ngà ngà làm sáng hôm sau hắn không nhớ nổi đã đến đủ cả hai nơi hay chưa. Phải tìm trong túi áo xem còn sót lại chiếc phong bì nào không.

Đồ ăn được mang lên nóng hổi từng món một không vội vàng. Rất lâu rồi mới lại được thấy cách nấu cỗ của Hà Nội chưa xa. Những miếng mực khô thái chỉ xào mỡ đường quăn tít óng ánh sáng rắc trên bát măng bát miến. Đĩa thịt gà luộc vàng ngậy ướt lác đác lá chanh rắc đều mỏng như sợi thuốc lá. Giò hoa lốm đốm mỡ trắng xắt mỏng bày kín trên đĩa nhỏ. Súp lơ xào bóng bì cần tỏi tây và lườn cá quả sực nức mùi hạt tiêu. Không tìm đâu ra những món xô bồ như tôm sú tẩm bột rán đầy tú hụ hay những con cá bỏ lò rất khó biết là cá gì trong các mâm cỗ cưới chế biến hàng loạt theo dây chuyền bán công nghiệp. Nhưng thật ngạc nhiên, nhà hàng này rất ít khi có khách đặt tiệc cưới. Đây cũng là lần đầu tiên hắn đến Mỹ Kinh dự tiệc.

 

*

 

Mình lẻn ra phố mua thêm một chai vodka Đan Mạch vỏ nhôm ướp lạnh sẵn. Giấu khéo léo trong chiếc áo khoác rộng thùng thình mang vào bàn. Cẩn thận mở nút dưới gậm bàn giao cho thằng Thắng. Rất nên kéo dài cuộc gặp gỡ bởi khá lâu mình không ra quán rượu. Cả Thu cũng thế. Đời sống phố phường bình lặng khác hẳn với sôi sục trên truyền thông với những cướp hiếp giết lừa đảo và lạm phát tăng vọt. Nếu không đọc trên báo mạng thì mình cũng không thể biết ở ngay tầng một khu tập thể nhà mình lại tồn tại một điểm buôn bán ma túy rất lâu năm có sự bảo kê của công an phường. Một pháo đài như mọi pháo đài kiên cố trong khối nhà năm tầng với lồng sắt bưng kín và những gương mặt người chẳng quen cũng không lạ. Hàng xóm thật đấy mà cũng là tội phạm chính hiệu. Ở quán rượu chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Mà nếu có thì cũng là chuyện đã từng hoặc sắp xảy ra. Không ai nhớ nhung mong đợi. Những tửu đồ bạn mình ở đấy đến với nhau và với rượu nhưng tuyệt không bao giờ chuyện trò tâm sự. Mỗi người theo đuổi câu chuyện của mình trong đầu. Những câu chuyện chung thường chỉ xoay quanh vấn đề cu với hĩm. Ở lứa tuổi bọn mình thì đó là những chuyện an toàn về mọi phương diện chẳng động chạm đến ai và lí tưởng nào cả. Nhưng mọi người được hưởng cảm giác mình đang tồn tại hòa đồng. Một cảm giác hiếm hoi kể cả khi đang ở dưới mái nhà của mình.

Chai rượu mới dĩ nhiên rất ngon và cũng là vodka như chai vừa uống. Mấy tay nhạc công sáng mắt khi Thắng rót cho họ những li rượu lạnh sánh nhớt giá băng mùi hương tinh khiết. Mạnh “fagot” hầm hừ, vừa nghĩ đến Danzka thì có ngay Danzka, đúng là chỉ những thằng nhiều năm tháng mới nghĩ ra! Thu bảo, anh Mạnh vừa làm thơ đấy ạ! Không dám, không dám, rượu nó làm, thơ thường ra đời khi chân nam đá chân xiêu! Thằng Minh tròn mắt, thơ có trước rượu chứ, kể từ khi loài người có tiếng nói! Ông chẳng biết gì cả, thơ luôn ca ngợi rượu đủ thấy cái gì có trước. Con người chắc phải uống tì tì hàng triệu năm mới có thể cất lời! Thu nhìn mình cười, bạn bè của anh đáng yêu thật đấy, cứ như là chẳng có cuộc bon chen ham hố nào đang diễn ra trong thành phố! Mình hiểu điều Thu nói như một trách móc giận hờn, đành ghé tai xoa dịu, lát nữa về nhà anh nhé, cứ uống cho thoải mái đi! Thu lắc đầu, em còn vài việc


tối nay!

 

 

 

 

 

11.

 

Rét đậm. Phố xá co ro một màu bụi xám. Buổi chiều, theo lời hẹn với thằng Minh mình phóng xe đến nhà nó. Vòng vèo trong phố tìm đường qua CửaNamđông nghẹt. Thoát được xe lên đến Điện Biên Phủ lại gặp ngay chắn tàu. Dòng người ứ lại. Tiếng còi đầu máy diesel trầm nặng xuyên qua đám đông lờ mờ trong làn khói. Tiếng bánh sắt đùng đục gầm gừ chìm khuất trong tiếng động cơ của hàng trăm ô tô xe máy đứng chờ. Kí ức về đoàn xe lửa đầu máy hơi nước như một kiến trúc khổng lồ dũng mãnh băng ngang thành phố đã nhường chỗ cho đoàn tàu bây giờ nhỏ nhoi khó nhọc luồn lách chầm chậm qua biển người nôn nóng tiến về ga Hàng Cỏ. Không chỉ đoàn tàu thu nhỏ lại. Cả thành phố cũng thế. Ngày trước giữa làng Ngọc Hà nhà thằng Minh và ngã tư Vọng nhà mình bây giờ là khoảng cách rất phải cân nhắc mỗi khi có việc. Nó ở hai đầu thành phố. Xe đạp phải mất bốn mươi phút. Nay thì xe máy và ô tô. Chẳng ngại ngần gì nếu như không tắc đường. Thế nhưng việc đến chơi nhà nhau bây giờ lại là thứ cần phải cân nhắc. Rất lâu rồi mình không đến chơi nhà bạn. Ngại gặp gia đình vợ con bạn. Thực ra thì họ ngại mình hơn. Mấy ông văn nghệ sĩ bê tha không phù hợp với việc làm khách ở bất cứ gia đình nào. Từ ăn mặc nói năng cho đến rượu chè bù khú. Những gia đình ở Hà Nội bây giờ cũng không còn giữ được nền nếp lịch sự khách khứa nữa. Nhà cửa chật chội đông đúc, một người có khách nghĩa là cả nhà phải tiếp. Không trẻ con nhảy múa cười đùa trước mặt thì cũng lại bà vợ ra vào hóng chuyện. Mình ngại chuyện. Nhất là với những bà vợ nghệ sĩ. Họ được chia làm hai loại. Nếu không chỏng chảnh hợm hĩnh kênh kiệu thì lại xét nét hoài nghi đám bạn chồng. Chuyện củ tỉ âm tào nào cũng biết chỉ trừ việc chẳng biết chồng mình là ai. Thuộc vào hạng nào. Thành phố cứ như bị xé lẻ ra chia cho các gia đình hạn chế giao tiếp.

Mình và họ chọn quán rượu làm nơi gặp gỡ. Cũng không hẳn là những cuộc gặp có chủ đích. Nhiều khi gặp nhau chỉ để thấy mặt. Rất tiện cho việc cư xử. Và cũng là để hình dung ra một thành phố.

Thằng Minh hẹn mình ở đầu ngõ rẽ vào chùa Ba Tháp trên phố Đội Cấn. Mình bảo sao phải phiền ông thế, cứ chỉ số nhà tôi sẽ tìm vào được! Nó cười, có mà tìm vào mắt! Mình bảo, tôi sinh ra và lớn lên ở đất này, có chỗ nào tôi không tìm được! Thôi xin ông, cứ đến đầu ngõ gọi điện tôi ra đón!

Con phố Đội Cấn không còn nhận ra hình thù mặt mũi. Những mái nhà lợp ngói một tầng kéo dài đã biến mất nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng san sát. Hai hàng cây bàng cổ thụ đã khuyết đi nhiều gốc thay vào những muồng những sưa và bằng lăng lòa xòa sát mặt. Những gốc bàng còn lại quằn quại thương tích hứng lên một mớ bùng nhùng dây điện. Mình nhớ quá những năm chiến tranh phá hoại còn học trong trường phổ thông Yên Hòa. Đi xe điện vào Cầu Giấy xuống bến cuối cùng còn phải lội bộ thêm hơn một cây số nữa vào làng. Nhiều hôm mất điện lang thang cuốc bộ từ trong ấy ra, mình và lũ bạn rẽ sang Cống Vị đi đường Đội Cấn về nhà. Nhẩn nha ngắm nhìn đất trời như một cuốn phim thật chậm chuyển cảnh từ nông thôn đồng ruộng mộc mạc sang phố xá sầm uất. Những mảnh ruộng trồng rau và ao hồ trên mạn Bưởi ì oạp tiếng ếch nhái gọi mưa. Con đường vắng lặng những mái nhà một tầng êm ả dưới tán bàng xanh mướt bắt đầu từ lưng chừng phố. Những cơn dông ban trưa lũ trẻ con bằng tầm tuổi mình đuổi nhau tắm mưa trên phố và nhặt những quả bàng chín cây vàng lịm sạch sẽ ngon lành. Ăn hết cùi bàng lại nhặt gạch đập hột lấy những miếng nhân bàng bùi béo ngậy. Những buổi chiều mùa đông chỉ sau sáu giờ ngoài đường đã vắng tanh bóng người. Cả con phố trong vắt lơ thơ những cánh tay bàng gầy guộc đan lên nền trời ấp iu che chở. Bây giờ chắc hẳn chẳng còn đứa trẻ nào dám ra đường tắm mưa nữa. Cho quả bàng rụng vào miệng lại càng không.

Con đường bên hông chùa Ba Tháp ngổn ngang gạch đá xây dựng dẫn vào làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Thằng Minh tay lăm lăm điện thoại đón mình ngay ngoài phố Đội Cấn. Nó dẫn mình đi vòng vèo một lúc rất lâu trong những con ngõ hẹp tối om với những ngôi nhà cao tầng lộn xộn. Mất phương hướng hoàn toàn. Mình hỏi nó, sắp vào làng hoa của ông chưa! Nó tròn mắt, làng hoa nào, từ nãy đến giờ vẫn đi trong làng đấy thôi! Mình cố gắng mường tượng trong trí nhớ. Đâu đó quanh đây phải là những mảnh vườn trồng hoa cẩm chướng và hoa bướm. Lung lay những cánh mỏng hồng tím đỏ như đàn bướm chao liệng giữa ngời ngợi xanh. Phải có những ô vườn nhỏ trồng hoa sushi vàng rượi như đàn trẻ ngoan ngoãn xếp hàng thấp lè tè bên những luống violet tím mỡ màng và đám hồng ta đầy gai góc. Rồi cũng phải có đâu đây thoang thoảng mùi ngọc lan mùi hoa hồng mùi dã quì. Cái làng hoa trong trí nhớ của mình đã từng như thế.

Bây giờ thì nó giống như một khu phố không có đường phố. Biển số nhà đề một con số phải kèm theo tổ bao nhiêu và làng nào. Ngọc Hà, Hữu Tiệp và Đại Yên. Nhưng có lẽ cũng chỉ là những chiếc biển số với hình thức giống như ngoài phố. Muốn tìm nhà ai theo biển còn phiền phức hơn việc chủ nhà tự ra đầu làng đón khách mà chẳng cần mang theo tấm biển nào. Có muốn hỏi thăm cũng không thể được. Làng bây giờ quá nhiều người lạ sống kín cổng cao tường không ai biết tên tuổi. Con đường trục chính dẫn qua hai làng chỉ còn hẹp vừa hai xe máy tránh nhau. Chợ búa họp lè phè. Không có đường phố nhưng vẫn có tắc đường như một quyền lợi toàn bộ dân phố phải được hưởng. Cấu trúc một ngôi làng vỡ vụn hoàn toàn nhưng lại không trở nên thành phố. Con người ta làm sao thế nhỉ? Đã có rất nhiều thị dân tìm đến ngôi làng này định cư nhưng hình như chưa ai nhận ra cảnh quan của nó bây giờ còn tệ hơn cả những khu đông đúc ngột ngạt phố cổ không còn đủ đất cho một bóng cây ven đường. Nó đã thật sự trở thành chốn giam cầm của con mắt.

Nhà thằng Minh nằm cạnh con kênh nước thải của làng. Chẳng khác gì sông Kim Ngưu và những con kênh nước thải gần nhà mình. Cứ hễ trái gió là lập tức phải đóng chặt cửa. Bây giờ mùa đông mà dòng nước đen ngòm vẫn bổi hổi bốc hơi phả ra một thứ mùi đáng sợ. Thằng Minh cũng là một dân phố lâu đời mới tìm đến đây mua đất xây nhà. Nó bảo, phải ra tận phố đón ông là vì như thế. Ngay đến cái mặt tôi cũng ít người biết nói gì đến tên tuổi! Minh chờ mình bước chân vào nhà cũng lập tức đóng ngay hai cánh cửa nặng có gioăng cao su sau lưng mình. Nó là dân làm nội thất. Trang trí nhà cửa hết sức sang trọng. Mình không thể ngờ bên trong cái mặt tiền nhem nhuốc và hai cánh cổng sắt rỉ ngoèn lại là những căn phòng lộng lẫy ấm cúng với thảm len trải sàn và những dàn đèn kín đáo trên trần phát ra thứ ánh sáng pha trộn vừa đủ độ nóng lạnh. Ánh sáng được trang bị cho các bảo tàng trong thành phố cũng chưa chắc tốt bằng. Bộ xa lông da nâu sẫm và chiếc bàn kính trong suốt kiểu dáng hiện đại kê bên cạnh tủ rượu thiết kế ô quả trám đựng những chai rượu vang nằm ngang đúng tiêu chuẩn quốc tế. Hai cánh kính lớn bên cạnh nhìn rõ những chai whisky và cognac đắt tiền bày biện như một tác phẩm installation có ý tưởng hẳn hoi. Chai Cognac Camus XO hình quả lê khía cạnh bày chính giữa trong chiếc hộp xanh tím mở cánh. Vài chai Hennessy lùn lấp ló đằng sau. Ngăn trên và ngăn dưới là những chai Whisky Blue và Gold. Vài chai Chivas và Macallan vẫn còn nguyên trong hộp giấy.

Minh lấy trong hốc tủ ra một chai Chivas nhỏ và hai chiếc cốc thủy tinh dày dặn nặng trịch, uống một li đã rồi tôi dẫn ông lên phòng vẽ xem tranh! Mình sốt sắng, cầm theo cốc lên xem luôn được không! Tùy ông, sao cũng được, tôi ở đây một mình, chỉ thỉnh thoảng có cô giúp việc đến dọn nhà! Mình theo nó bước lên những bậc thang gỗ bóng loáng vào căn phòng làm việc trên tầng ba. Căn phòng rộng có lẽ phải đến hơn sáu chục mét vuông ngổn ngang những màu những bút. Tranh xếp xung quanh tường có đến ba bốn chục bức chỉ chừa lại một khoảng đặt hai chiếc ghế đệm sâu lút bên cạnh chiếc bàn vuông bằng gỗ pơ mu dày cộp. Minh uể oải rót rượu. Chạm li, nó than thở, vẽ đã khá nhiều rồi nhưng vẫn chưa đâu vào đâu, có lẽ tôi phải hủy quyết định triển lãm cùng ông mất! Mình nhấp một ngụm whisky nóng rẫy. Đứng dậy đi một vòng xem xét những bức tranh mới vẽ. Thất vọng lớn dần. Đó là những bức tranh phong cảnh làng mạc phố xá được dựng hình và tỉa tót công phu đầy dấu ấn của một bàn tay đã từ rất lâu làm những công việc thuộc về trang trí. Mình động viên nó, cũng không có bức nào quá dở! Nó buồn rầu, thế mới chết, vẽ tranh nhiều năm dùng để trang trí cho các công trình quen tay mất rồi. Cũng định bụng hôm nào xuống nhà ông ngắm thử tranh mới xem có rút được kinh nghiệm gì không! Mình nhìn nó chân thành, ừ, đến xem thử, thực ra tôi cũng chưa vẽ được nhiều lắm. Vài bức vẫn còn dang dở! Nó bần thần, biết thế nhưng tôi không nghĩ tạng mình khó có thể thay đổi như ông được. Dễ dãi nhiều năm trong công việc khiến cho đầu óc bây giờ ù lì quá!< /p>

Mình không tin đầu óc nó ù lì. Có thể là còn sáng suốt hơn mức cần thiết. Nhưng chính sự sáng suốt ấy đã làm hại nó. Rất khó để tìm thấy trong tranh nó một phút bốc đồng hừng hực cảm xúc. Nhưng lại đầy rẫy những tính toán chi li cho việc bố cục, hòa sắc và phép dựng hình theo luật xa gần một cách cực đoan cứng nhắc. Điều đó làm mình cảm thấy chính mình mới không nên bày tranh chung với nó. Sự có mặt của hai lối vẽ tương phản trong trường hợp này rất có thể là một sai lầm. Chẳng những không tôn được giá trị của nhau lên mà ngược lại.

 

*

 

Hắn ngồi bần thần bên li rượu. Uống rất cầm chừng. Con mắt ngắm nhìn và ước lượng. Với những bức tranh sơn dầu khổ lớn đến mức này thì ắt hẳn nếu có mang gửi bán ở gallery người ta cũng không nhận. Nó chiếm quá nhiều chỗ và nguy hiểm hơn là không thể bán với giá cao. Việc quyết định nhận một bức tranh gửi bán hay không thường chỉ diễn ra trong vòng vài phút với những bài toán số học cực kì đơn giản. Tranh của thằng Minh thậm chí còn có thể phải bán rẻ hơn những bức tranh thông thường ở đấy bởi thứ thẩm mĩ này mang đầy sắc thái của một sản phẩm dùng cho những chốn công cộng. Nơi chỉ có những con mắt ơ hờ chẳng bao giờ mất quá hai phút cho một tác phẩm hội họa. Mà những chốn ấy theo như hắn biết thì rất hiếm khi các nhà thầu xây dựng bỏ tiền ra mua ở gallery. Đó cũng chính là một hạng mục của công trình. Một hạng mục có thể tính tiền vô tội vạ mà không bao giờ gặp khó khăn trong việc giải trình về giá. Nghệ thuật là vô giá rất đúng trong trường hợp này. Hắn đã có lần tham gia làm một bức tranh sơn mài cho một phòng khách cơ quan công quyền. Chỉ là tranh trang trí thôi nhưng thu được một khoản tiền lớn hơn bất kì bức tranh nghệ thuật nào hắn
đã từng bán. Và cũng không gặp thắc mắc gì trong việc thanh toán.

Một ý nghĩ lóe lên trong đầu hơi có phần độc ác. Đã bảo rồi, nghệ thuật đâu đến lượt các ông. Chẳng thể cố mà cũng không thể đặt ra kế hoạch nào cả.

 

*

 

Minh như bừng tỉnh đưa cốc rượu lên chạm với mình, thôi thế này nhé, tôi xin rút, ông cần gì về việc tổ chức triển lãm tôi sẽ giúp. Tôi chẳng muốn bày những thứ này ra làm gì! Mình ậm ờ, cứ suy nghĩ kĩ đi đã...! Mình kính trọng thái độ sòng phẳng hiểu biết của nó. Những họa sĩ như nó bây giờ thật hiếm. Thường thì họ rất hung hăng bảo vệ tác phẩm của mình bằng nhiều cách. Dùng báo chí tán dương ca ngợi. Tự đăng đàn phát biểu về những điều cao siêu huyền hoặc đưa người xem vào trạng thái rối loạn nhận thức. Thực ra thì họa sĩ nước mình cũng không ít người chưa đủ trình độ xem tranh. Hoảng loạn là điều dễ hiểu. Cũng nhiều khi họa sĩ sống sượng tự khẳng định rằng tranh mình bán chạy. Bằng những thước đo nghệ thuật lởm khởm trong khu vực. Những thương gia nghệ thuật Hồng Kông, Singapor lắm tiền nhiều mánh lới đã biết tận dụng danh tiếng nước ViệtNamlà cái nôi duy nhất đào tạo ra những nghệ sĩ tạo hình hàn lâm đầu tiên trong toàn khu vực. Trường Cao đẳng mĩ thuật Đông Dương. Họ đã nhanh chóng gặt hái được những kết quả ban đầu. Nhưng cũng nhanh chóng làm cho các nghệ sĩ âm thầm tha hóa vì tiền bạc và ngộ nhận. Biến họ thành những cỗ máy huênh hoang công nghệ mà không hề biết.

Mình cũng không muốn có một cuộc triển lãm cá nhân vội vàng. Cái mốc cuối năm tự định ra của thằng Minh cũng có phần gây áp lực lên công việc của mình. Nể bạn, mình cố gắng chạy đua với thời gian. Và cũng đã nhận ra kết quả của nó nhiều lúc không như mong muốn. Những bức tranh mới vẽ gần đây chỉ duy nhất một đề tài đàn bà khỏa thân là một thử thách khốc liệt về cả tay nghề và sức khỏe. Có khi mất cả vài ngày cho một dáng nằm thanh thoát mềm mại. Rồi lại xóa đi khi nhận ra cái dáng ấy không nói được điều mình muốn nói. Những suy tư thoáng hiện trong đầu tưởng chừng như hoàn chỉnh cho một bố cục, vẽ nó lên mặt phẳng tấm toan với hệ thống không gian ảo nhiều khi chỉ đạt yêu cầu phản ánh như một bức vẽ minh họa không sức nặng. Những lúc như thế mình chợt nhớ đến các bậc thày Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng. Những tài năng lớn ấy đã biết cách làm ra tác phẩm hội họa thật sự. Những tác phẩm không chỉ thuyết phục người xem bằng hình khối đường nét và màu sắc. Nó còn ẩn chứa cả một tư tưởng lớn lao và một tình cảm chân thực đến bất ngờ. Mình đã nhiều ngày phải sống trong tâm trạng lạc lõng tự truy vấn. Chẳng biết thứ hội họa mình đang theo đuổi có bao nhiêu phần là giả dối. Những tranh tượng triển lãm và bày bán tràn lan khắp thành phố có bao nhiêu phần trăm nói lên được tình cảm chân thực của người vẽ. Và dù rằng nước mình chỉ có một tư tưởng thôi thì hội họa đã phản ánh nó được đến đâu?

Thằng Minh vô tình nói ra nhận xét về chính những bức tranh của nó chưa đâu vào đâu có lẽ còn đúng cả cho mình và rất nhiều họa sĩ khác.

 

*

 

Vài đêm mất ngủ, hắn cặm cụi lôi hàng đống sách vở hội họa sưu tập đã nhiều năm ra nghiền ngẫm. Từ hội họa hang động nguyên thủy cho đến phục hưng và hiện đại. Những tác giả kinh điển trùng trùng điệp điệp nối nhau dăm bảy trăm năm qua con mắt hắn như một đồ thị có tính chu kì thời đại. Điều nhận thấy rất rõ là hội họa gần một thế kỉ ViệtNamhầu như chưa bắt nhịp được vào bất cứ một giai đoạn nào của chu kì bởi hệ thống tác phẩm của từng thời điểm đều quá mỏng manh sơ lược. Một vài tác phẩm hậu ấn tượng của những họa sĩ đầu tiên theo học Trường Cao đẳng mĩ thuật Đông Dương. Một chút hiện thực chủ nghĩa không đến nơi đến chốn của nghệ thuật Xô Viết đang lay lắt những giờ phút cuối cùng. Và gần chục năm lại đây là sự phá vỡ vô ý thức với tất cả những gì từng có. Họa sĩ cả mới và cũ ngơ ngác giữa một khu rừng bộn bề thông tin của truyền thông toàn cầu. Những thử nghiệm và phát biểu của một vài họa sĩ đương đại chưa cho thấy một khuynh hướng nào đủ tin cậy để theo đuổi lâu dài. Và thật ngạc nhiên, đó cũng là điều mà thế giới đang phải trải qua. Những cuốn sách mới nhất về nghệ thuật châu Âu và Mĩ hắn có trong tay cũng phần nào nói lên không khí mất kiểm soát định hướng ấy. Nhiều nghệ sĩ tầm cỡ thế giới đã không còn khư khư giữ mãi một lối vẽ suốt đời. Thậm chí rất có thể tìm một phương pháp thực hành khác với việc cầm bút vẽ. Công lao làm nên tình trạng ấy có lẽ phải được ghi nhớ bởi Picasso vĩ đại.

Công việc làm ăn của hắn bất ngờ có những thay đổi theo chiều hướng ảm đạm. Cơn lốc công nghệ thông tin với những phần mềm thiết kế đồ họa tinh vi hào nhoáng đã làm thay đổi bộ mặt những cuốn sách. Phần lớn sách bày bán trên quầy người ta đã sử dụng những phần mềm thiết kế với tính năng và tốc độ vượt trội để làm bìa. Những bìa sách được làm ra khá bắt mắt bởi những kĩ thuật mới lạ hấp dẫn. Thông thường chỉ cần dùng những thao tác khá đơn giản cắt dán điều chỉnh màu sắc của một vài bức ảnh lấy trên mạng là đã có thể làm ra một bìa sách. Rất ít người còn bỏ công ra vẽ trực tiếp và scan lại vào máy. Những bìa sách như thế cũng có ngay lập tức một lượng lớn độc giả đủ mọi lứa tuổi ngành nghề. Người ta sẽ không mua cuốn sách dạy nấu ăn vẽ hình mấy củ su hào hành tây mơn mởn ngoài bìa nữa. Bây giờ phải là ảnh hoa hậu người mẫu mơn mởn đứng bếp với trang phục hở hang “xôi lòi khỏi chõ” thì mới ăn khách. Chỉ còn một số ít sách văn học nghệ thuật mới dùng đến lối vẽ bìa thủ công như hắn thường làm. Cũng chẳng thiết đi học máy tính, hắn thi thoảng mới nhận làm một vài bìa sách cho những nơi quen biết. Thu nhập chẳng thấm tháp gì so với ngày xưa.

Những tranh vẽ theo lối hàng chợ bây giờ hình như cũng đã bão hòa. Sau vài năm khách khứa ngoại quốc hào hứng mua về những sản phẩm mĩ thuật như một phát hiện đáng ngạc nhiên về vùng đất mới họ cũng dần dà phát hiện ra điều làm họ ngạc nhiên bây giờ đã khác. Họ ngạc nhiên vì có quá nhiều tranh giống nhau gần như tuyệt đối của cùng một họa sĩ vẽ ra. Và còn ngạc nhiên hơn là những bức tranh ấy vẫn được bán theo giá cũ. Đã có một vài vụ khách hàng kiện cáo om sòm mang tranh trả lại. Dĩ nhiên để bán những thứ tranh ấy bây giờ không còn dễ dàng nữa cho dù hắn chưa bao giờ đủ can đảm vẽ ra hai bức tranh giống nhau. Nhưng để vẽ ra những bức tranh không bán nổi và càng không thể mang triển lãm cũng là việc hắn không muốn làm nữa. Tốn sức và chật nhà. Dừng lại là tốt hơn cả.

Đã mấy buổi chiều hắn gọi điện hẹn Thu ra quán rượu đều nhận được lời từ chối rất khéo léo. Đàn bà khi đã đưa ra nhiều lí do để từ chối gặp gỡ có thể hiểu rằng chỉ có một lí do mà thôi. Họ đang rất bận vì một gặp gỡ khác. Dự cảm của hắn hoàn toàn chính xác. Trong bữa rượu chiều qua thằng Thắng đã úp mở với cả bọn về việc Thu sắp lấy chồng. Người mà cô ấy lựa chọn là một cậu bé kém cô gần mười tuổi vừa tốt nghiệp đại học. Cậu ấy không muốn về quê và cũng phát hiện ra vận hội làm ăn rất tốt ở thành phố này khi có cô giúp sức. Vận hội ấy chẳng có gì bí mật cả. Với một thành phố ăn nhậu vào bậc nhất nước thì việc liên tục mở ra những nhà hàng là điều tất nhiên. Nhưng có một bí mật rất ít người biết được. Đó là sự thành công của những nhà hàng đua nhau mở ra như thế. Những nhà hàng kinh doanh thắng lợi bao giờ cũng chỉ đếm được không quá mười đầu ngón tay. Bí mật của họ rất gần với một niềm tin dị đoan nào đó không thể dùng bằng cấp hay kinh nghiệm để thay thế. Những món ăn lạ và kiểu thức chế biến li kì vài năm nay xuất hiện ở thành phố rất nhiều nhưng số nhà hàng còn trụ lại được chẳng bao nhiêu. Đã có lần một tay bạn lọ mọ phố phường đưa hắn đến một quán đặc sản côn trùng ở đâu như gần Khương Thượng thì phải. Món ăn gồm tất cả các loại côn trùng họ có thể khai thác được. Ve sầu, dế, cào cào châu chấu và bọ cạp. Cà cuống và chuồn chuồn chưa lột xác. Trứng kiến và bọ xít. Nhắm với rượu ngâm con bổ củi và ong đất. Chỉ có con cà cuống và con bọ xít là còn có vị riêng biệt bởi mùi vị của nó. Những con khác giống nhau tuyệt đối ở cái vỏ kitine rỗng tuếch rang giòn với với lá chanh thái sợi và củ sả băm nhuyễn. Thực ra nếu chỉ ăn lá chanh rang giòn không và nghe kể về ve sầu bọ cạp cũng đủ để thưởng thức món đặc sản ấy rồi. Vài tháng sau muốn chứng tỏ với bạn bè điều họ chưa biết vừa mới có mặt trong thành phố, hắn mời họ tìm đến cái quán ấy. Chỉ còn lại tấm biển ngoài cổng đề dòng chữ “Đặc sản côn trùng” là di tích cuối cùng sót lại. Nhà hàng đã chuyển đi đâu mất không biết. Bọ xít và cà cuống ở nước mình chưa phải là thương phẩm của ngành chăn nuôi. Mà nếu đã là thì chắc hẳn cũng không hơn gì cá hồi nước lạnh người ta mới nuôi thành công trên miền núi. Kích thước cân lạng chỉ nhỉnh hơn cá giống một tẹo. Nghĩa là rất khó để phân biệt nó với trắm mè trê chuối ao làng và cũng chẳng ngon lành gì hơn.

 

*

 

Mình tin rằng cậu trai quê sắp cưới Thu sẽ có một tương lai chắc chắn trong việc trụ lại thành phố đầy cám dỗ này. Cái nông nổi bồng bột của cậu ấy là thứ Thu cần. Cái viễn tượng đại gia thành phố của cậu ấy cũng có sự giúp sức của gia đình ở quê với vài sào đất bán đi đủ mua một căn hộ tập thể. Không phải người thành phố nào cũng có khả năng ấy. Mình không có hắn trầy trật vất vả nhiều năm thì cũng không bao giờ dám mơ đến một căn hộ bên cạnh dòng kênh nước thối. Cậu ấy còn hơn người ở chỗ quan niệm về hạnh phúc hoàn toàn thoáng đạt không câu nệ gì vấn đề tuổi tác. Mình làm sao bằng được và cũng chẳng muốn bằng. Thật lạ lùng khi có Thu ở ngay bên cạnh mình chưa bao giờ nghĩ đến việc gì ngoài nghệ thuật. Cái đa đoan của ham muốn dốc lòng vì vẻ đẹp hóa ra lại phụ lòng chính vẻ đẹp hiện hữu. Thu không còn đủ thời gian để dành cho ham muốn của mình và mình thì lại càng không đủ thời gian cho mong đợi của Thu.

Thừa thời gian, mình dành cho việc chỉnh đốn lại loạt tranh vừa vẽ. Đợt làm việc chợt trở nên khá vất vả. Không còn người mẫu để thỉnh thoảng kiểm tra lại những dáng dấp hình hài. Mình phải loay hoay bằng trí nhớ. Nhưng cũng chợt phát hiện ra khi không có mẫu hình như nhát bút của mình bớt lệ thuộc hơn. Mình đẩy sâu đến cùng những ý tưởng khái quát về thân thể con người. Xóa đi gần hết những chi tiết cụ thể trên khuôn mặt. Loạt tranh vì thế gần như mang một diện mạo khác hẳn. Đã tiến đến rất gần điều mình định nói về một không gian phố phường chật chội mà thờ ơ. Con người trần trụi chen chúc giao cảm hoàn toàn bằng những nhăng nhố động tác của mình.

Không thể nói những bức tranh sơn dầu mình vừa xem ở nhà thằng Minh là vô ích. Mình phát hiện ra một điều hình như không chỉ nó mà rất nhiều họa sĩ khác khi cầm bút lên là đã có ngay dự định về vị trí treo tranh của mình. Ở sảnh đường công cộng. Ở phòng khách hay phòng ngủ gia đình. Một vài người lí trí cực đoan hơn còn tưởng tượng ra cả vị trí tranh mình được treo trang trọng trong bảo tàng. Thằng Minh có thể vô tình nhưng tranh của nó nếu mang treo thì chỉ có thể là ở các sảnh đường công cộng. Tranh của mình treo ở đâu? Mình chưa bao giờ tự đặt câu hỏi ấy. Loạt tranh khỏa thân vừa vẽ đã có lần mình định tặng Thu một bức. Vừa để tri ân người mẫu và cũng là một kỉ niệm những ngày khó quên. Nhưng cô ấy ngần ngại, nhà em chật chội đông người, biết treo nó ở đâu. Anh tặng thì em nhận nhưng cho em gửi lại đây. Khi nào có nhà rộng em sẽ đến lấy! Bây giờ thì dự định ấy của Thu chắc chắn sẽ không thành hiện thực dù cô ấy có là chủ nhân của một biệt thự đi chăng nữa. Đã một lần cách đây rất lâu, mình tặng Thúy một trong những bức chân dung thành công nhất của mình vẽ nàng. Bức chân dung đã làm sững sờ nhiều người có dịp ngắm nó. Mái tóc cách điệu đỏ rực phủ trên gương mặt thánh thiện hòa nhã là thứ bám đuổi theo mình rất nhiều năm chứ không phải con người thực của nàng. Nhưng nó là thứ đầu tiên bị bỏ lại trong căn gác xép nhà bố mẹ khi nàng chuyển về nhà chồng. Mình biết thế vì có lần đi qua nhà nàng thoáng thấy nó được treo xộc xệch trên tay vịn gian gác lửng. Đằng sau lưng nó lộ ra những gói những bọc và chân bàn ghế dựng ngược nhô lên. Nó đang làm nhiệm vụ của một bức màn che căn gác đựng những đồ tạp nham không dùng đến nữa. Cuối cùng thì cái đẹp lại trở về công năng nguyên thủy ban đầu. Che đậy cái xấu. Vài năm sau đi qua thì chính ngôi nhà ấy cũng chẳng còn. Nghệ sĩ không bao giờ quyết định được số phận nổi trôi của một tác phẩm nghệ thuật. Mình gần như không bao giờ được ngắm lại những tranh hắn đã bán ra khỏi nhà. Vài nhà sưu tập Hà Nội còn có cách cư xử kì quặc với bộ sưu tập của mình. Không muốn cho bất kì ai tiếp cận và bình luận về những thứ sưu tập được. Có lẽ việc đó nằm trong tưởng tượng về vị trí treo tranh của mình. Mình đã được chứng kiến bộ sưu tập khổng lồ của một người Hà Nội từ lúc còn nguyên vẹn cho đến ngày nó tan rã. Mình đã xem bộ sưu tập Đức Minh nhiều lần khi ông còn sống và sau này xem rải rác nhiều tác phẩm ông sưu tập tản mát vào tay những nhà sưu tập khác. Sẽ rất lâu hoặc không bao giờ có một bộ sưu tập đồ sộ đến thế nữa. Nhưng cuối cùng thì nhà sưu tập không thể quyết định được số phận những bức tranh và cổ vật của mình khi ông qua đời. Chúng lập tức được bán đi riêng lẻ từng món không còn liên quan đến một kí ức chung nào nữa. Một kí ức lẫy lừng làm nên tên tuổi của nhà sưu tập nay không còn gì để chứng minh được rằng đã từng có một bộ sưu tập như thế. 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t86738-con-mat-rong-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận