Mình ngồi lặng yên ngắm nhìn chiếc giá vẽ bằng gỗ thông vàng rượi có bốn bánh xe nhựa đám nhân viên cửa hàng họa phẩm vừa hì hục khiêng lên phòng. Sực nhớ ra nó đã từng là mơ ước của mình hơn hai mươi năm về trước. Khi đến nhà một thày giáo vừa tốt nghiệp trường mĩ thuật Surikov ở Nga về. Nhà thày có chiếc giá vẽ do Nga sản xuất được mua bằng số tiền để mua hai chiếc xe đạp cuốc Sputnhich. Mình vô cùng kính trọng cả chiếc giá vẽ và người thày dốc lòng cho nghề nghiệp. Hai chiếc xe đạp cuốc Sputnhich thời ấy là cả một tài sản khá lớn không phải vì phong trào thể thao đua xe đạp đang ở thời kì cao trào. Dùng xe ấy đi đua chắc chắn về bét. Nhưng người Hà Nội có ngay sáng kiến để biến nó thành chiếc xe đạp bình thường. Uốn lại ghi đông. Hạ khung xuống thành hai dóng theo kiểu chiếc xe đạp Peugeot thời thuộc địa. Đi học, đi làm và đi tán gái. Chị em ngày ấy dịu dàng nông nổi rất có cảm tình với thứ gì có hai bánh. Hơn lên một bánh là lập tức xuống hàng phu phen xích lô ba gác.
Dĩ nhiên đó là mơ ước không chỉ của mình. Nhưng là mơ ước cho nên mình cũng chỉ mơ có chiếc giá vẽ cho nó hào sảng văn hóa phi vật chất. Về sau mình biết hầu như thày cũng không dùng đến chiếc giá vẽ ấy lần nào. Vài ba tác phẩm tranh cổ động công nông binh vẽ trên giấy phục vụ các đợt tuyên truyền của nhà nước. Bò ra bàn kẻ chữ bằng tay đến toét mắt, giá vẽ chẳng dùng vào việc gì. Rốt cuộc thì chỉ còn lại bài học cho lớp hậu sinh chúng mình về ước mơ.
Buổi sáng dậy từ lúc năm giờ. Mở máy tính ra đọc qua loa vài trang báo mạng. Những tin tức về an ninh hình sự và tai nạn giao thông. Tin về các xì căng đan nghệ sĩ ghen tuông đố kị và “lộ hàng” PR cho các sản phẩm nghệ thuật của họ sắp ra đời. “Cởi” là một đích đến chung cho rất nhiều hoạt động. Diễn viên “cởi” trong phim ảnh và sân khấu. Người mẫu “cởi”chụp ảnh làm từ thiện hoặc đấu tranh bảo vệ môi trường. Những cô dâu dự bị “cởi” cả dàn cho các chú rể Hàn chọn vợ. Hoa hậu và nam vương cũng “cởi” nhưng chưa thấy bao giờ cùng nhau trị vì một vương quốc nào. Và dĩ nhiên báo chí cũng chẳng dại gì không khai thác chuyện “cởi”. Để bán báo. Hóa ra nỗ lực hàng triệu năm của nhân loại tìm cách “mặc vào” bây giờ lại là cản trở cho một tiến trình ngược lại. Cần phải có rất nhiều rụt rè e ấp thăm dò trước khi tiến tới đích. “Nhộng cả con”.
Mình xem để giết thì giờ chờ đến cuộc hẹn của cửa hàng họa phẩm. Bảy giờ sáng chủ cửa hàng gọi điện cho mình, bác ơi giá vẽ của bác phải sau chín giờ sáng chúng em mới mang đến được. Bây giờ chưa đến giờ cho phép xe tải chạy trong thành phố! Mình gắt, làm gì mà phải cần đến xe tải, to đến như cái tủ lạnh cũng chỉ một xe máy chở là xong! Chủ cửa hàng ỏn ẻn, ối giời, cái giá vẽ kềnh càng một đống gỗ hai người khiêng vật vã, cho vào xe tải tấn rưỡi còn thò cả đuôi ra ngoài. Bác chịu khó chờ đi! Mình đành ôn tồn, thôi thì phải chờ vậy, nhớ đến sớm nhé!
Khóa cửa xuống nhà lấy xe máy, mình phóng lên trung tâm thành phố ăn sáng uống cà phê. Xuống ở khu tập thể Đại La này đã mấy năm rồi mình vẫn chưa quen được với hàng quán nhôm nhoam ở đây. Vẫn cứ phải mò lên phố tìm đến những quán hàng quen thuộc. Mình đến quán phở Tư Lùn gọi một bát chín gầu. Ông lão phở gánh Tư Lùn mất đã lâu. Người đàn ông dị dạng với chiếc đầu to tướng và đôi tay ngắn ngủn đến ngang thắt lưng ấy không ngờ lại giữ bí quyết của một món ăn nổi tiếng khắp thế giới sau này. Tiếc rằng thứ mà ông để lại cũng gần như chỉ còn là thương hiệu. Những người kế tục sự nghiệp không tài nào pha chế ra nổi thứ nước dùng trong veo đậm đặc chất xương bò ngọt lịm thanh tao. Bát thịt sống ướp gừng để làm phở tái không mấy khi tẩy được hết mùi hoi mỡ bò. Có hôm còn dùng cả thịt để trong tủ lạnh. Thịt bò chín thái sẵn cả đống bày trên bàn là thứ ngày xưa ông Tư Lùn không bao giờ làm thế. Bán đến đâu thái đến đấy mới giữ được mùi thơm và miếng thịt không bị háo.
Thời bao cấp đã có lúc ông Tư Lùn vào làm chuyên gia cho cửa hàng phở BắcNam. Phở mậu dịch. Thế nhưng bí quyết nấu và pha chế nước dùng vẫn được ông giữ bí mật tuyệt đối. Ông nghỉ việc nhà nước cũng là lúc hàng phở mậu dịch mất khách. Cho đến cuối đời hình như ông có truyền lại kinh nghiệm cho con cháu. Nhưng cũng hình như không truyền thụ toàn bộ cho tất cả các con. Đứa được truyền bí quyết thái và ướp thịt sống. Đứa được truyền kĩ thuật luộc bò chín. Đứa được dạy thủ thuật nấu nồi sốt vang không cần đến rượu vang. Chỉ có túi hạt tiêu thả chìm dưới đáy nồi nước dùng là ông ấy truyền lại cho tất cả các con. Không cần truyền thì đám trẻ nhà ông đứa nào cũng từng phải làm công việc ấy. Nước phở vì thế nóng rực khi ăn đến thìa cuối cùng. Với mình thì đó vẫn còn là một nét hấp dẫn mà hiếm hàng phở mới mở biết làm.
Mà cũng rất có thể người ăn phở bây giờ cũng chẳng còn ai tỉ mẩn quan tâm đến chuyện ấy làm gì.
Phở sáng xong mình chầm chậm lên cà phê Hàng Hành. Quá tháp Hòa Phong một chút lên cửa bưu điện đã thấy hình ảnh rất quen thuộc vài năm nay bên hồ Hoàn Kiếm. Một đám đông chen chúc sát mép nước máy ảnh điện thoại kè kè. Họ xem rùa nổi. Chụp ảnh và bàn luận xôn xao về sức khỏe của con rùa.
Cà phê Hàng Hành giờ này đã quá đông. Cái quán vắng nhất mình hay ngồi mỗi sáng đã phải kê thêm bàn ra ngoài đường. Chiếc xe tải của đội tự quản phường len lỏi nhích đi từng bước bật loa nhắc nhở các chủ hàng cho người dọn dẹp xe máy giải phóng mặt đường. Tác dụng duy nhất của việc ấy cũng chỉ làm cho con ngõ giãn rộng ra ở phía đầu xe. Vừa đủ thời gian cho xe tự quản thoát ra đầu phố Lương Văn Can. Mình ngồi cà phê Khánh. Quán cà phê đầu tiên có mặt ở con ngõ này sau khi nâng cấp từ một quán nước chè thời bao cấp lên. Thật ngạc nhiên là nó không có gì đổi khác kể từ khi mở cửa hàng. Cả căn nhà cấp 4 lợp tôn, cà phê luôn có vị mặn vừa độ đặc biệt. Cả ông chủ quán kiệm lời một mình làm tất cả mọi việc từ pha chế bưng bê đến thu dọn cốc chén đầy tin cậy. Và gốc cây hoa giấy già nua nghênh ngang những cành mầm chi chít gai không có người xén tỉa. Đã có lần mình thắc mắc với ông chủ Khánh, sao không sửa chữa nâng tầng trang trí cho cửa hàng thật đẹp sẽ thu hút thêm được nhiều khách hàng! Khánh cười hiền, em có làm thêm năm tầng nữa cũng chỉ có ngần ấy khách thôi, lấy đâu ra chỗ để xe. Vả lại sức em cũng chỉ quán xuyến được mươi bàn, thêm nữa không làm nổi em sợ lại mất khách chứ không phải thêm lên!
Quán cà phê và ông chủ không hề thay đổi suốt hơn hai chục năm khiến nó bắt đầu trở thành lập dị trong con ngõ san sát hàng cà phê xây dựng và trang trí ồn ào này. Nhưng mình biết đó là chủ ý của quán. Khánh không muốn bán hàng cho khách lạ bởi tự dưng lại phải lắng tai ghi nhớ những điều khách yêu cầu. Thêm việc mà chẳng thêm tiền. Khách của quán toàn người cũ mặt. Vào quán cứ thản nhiên im lặng ngồi đúng chỗ của mình không cần phải gọi. Khánh đã biết phải làm đồ uống gì cho từng người.
Hôm nay vẫn vài công chức và giáo viên phổ thông. Hai cặp vợ chồng đứng tuổi im lặng ngồi uống hầu như không chuyện trò gì bao giờ. Vợ chồng thị dân có quá nhiều thời gian chuyện trò. Những chuyện cần họ đã nói suốt giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân mất rồi. Thậm chí có thể còn nói hết ngay từ khi yêu đương tìm hiểu. Mấy bác tài xế taxi ngồi ôm tờ báo công an chăm chú đọc. Cậu bé đánh giầy cơ nhỡ năm nào giờ đã trở thành ông bố của ba đứa trẻ. Vẫn đánh giày. Chiếc điếu cày ống nứa lên nước buộc miệng bằng dây cao su đen phục vụ khách miễn phí vẫn nằm đơn độc dưới gậm bàn cùng với triết lí đặc sắc của ông chủ, hút điếu cày phải phun bã ra nền nhà mới đã. Mình ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc chưa đầy nửa phút Khánh đã mang cho mình cốc cà phê đá mát lạnh đúng khẩu vị ít đường. Lại đưa cho mình gói thuốc lào mới chưa bóc, bác hút thử “đằng này” xem sao, nếu được thì để em đặt nó mang đến! Mình nhồi một vê lớn thong thả bật diêm hút. Chất thuốc mềm êm dày khói ngất ngây. Không gai sóc như thuốc lào Hàng Gà mọi khi. Mình khoan khoái gật đầu, tốt đấy ông ạ! Thế thì em sẽ bảo nó mang đến thường xuyên, bác có muốn lấy về nhà hút cũng được! Mình bảo, mỗi ngày chỉ hút vài vê thôi nên ở nhà không sắm điếu! Thực ra thì mình đã nhiễm cái thói phun bã thuốc lào ra nền nhà của chủ quán mất rồi. Căn hộ tập thể chật chội mà làm như thế thì chính mình cũng không còn chỗ ở.
Về đến nhà đúng vào lúc xe chở giá vẽ đến. Mình phụ một tay với hai cậu thanh niên vất vả khênh nó lên tầng ba. Đặt ngay phòng ngoài gần cửa sổ hành lang. Mình ngồi yên lặng mê mải ngắm…
*
Không dành thời gian cho những mộng mơ như mình, hắn băn khoăn lưỡng lự không biết có nên nhận lời vẽ lại minh họa cho một tờ báo. Trước đó nhiều năm hắn đã là cộng tác viên thân thiết của tờ báo này. Và một phần tên tuổi của hắn cũng được biết đến từ đây. Những họa sĩ ở tờ báo ấy vốn là bạn học với hắn từ lúc còn ở trường mĩ thuật. Chẳng thân chẳng sơ. Chỉ như một thứ quan hệ công chức mờ nhạt. Hắn biết chẳng phải vì bất cứ sự nể nang bạn bè nào khi họ nhờ hắn vẽ minh họa cho tờ báo. Đơn giản chỉ là tờ báo cần có nhiều gương mặt họa sĩ để tránh cái cũ mòn nhàm chán. Báo nào thì cũng vậy. Nhiều khi tờ báo cho in cả những minh họa rất kém tay nghề và cảm xúc. Nhưng để đạt được sự thay đổi hùng hậu về lực lượng thì một vài bức vẽ kém chất lượng cũng chẳng phải là điều đáng quan tâm nhất.
Thế nhưng cái thời ông tổng biên tập giao toàn quyền mĩ thuật cho họa sĩ trình bày tờ báo hàng chục năm liền đã kết thúc. Ông mới luôn luôn muốn chứng tỏ quyền hạn và cả khả năng thẩm mĩ của mình. Đám bạn họa sĩ của hắn ở vài tờ báo không còn được quyết định về số phận mĩ thuật của nó nữa. Tờ báo này cũng vậy. Ông tổng biên tập mới không thích những người vẽ minh họa có quá nhiều màu đen. Lí luận của ông ấy là không muốn nhìn thấy nhiều hình ảnh đen tối trên mặt báo.
Cho đến tận bây giờ thì rất nhiều tờ báo vẫn còn sử dụng hình minh họa đen trắng kể cả tờ báo ấy. Hắn phải sửa lại minh họa nhiều lần. Những mảng tô mực tàu đen kịt được chuyển thành nét rỗng. Cả tờ báo cứ như có duy nhất một anh họa sĩ đang tập vẽ bút chì. Những mảng minh họa rối bù rỗng ruễnh hòa lẫn những cột chữ như một tờ báo chưa trình bày xong. Lần cuối cùng gặp tổng biên tập hắn đưa chiếc bút kim mực đen cho tay ấy, ông tự vẽ thôi, tôi xin nghỉ! Thật ngạc nhiên là tờ báo ấy trả nhuận bút vào loại thấp kém nhất nhưng lại luôn có những đòi hỏi vượt quá giới hạn chuyên môn không phải vì đẹp. Hắn đã hết kiên nhẫn khi bức tranh luôn bị nhìn bằng một ngôn ngữ khác. Không thể cộng tác với nỗi sợ hãi viển vông ấy. Rất cần phải lấy thước dây ra đo chiều dài trí tuệ tay này.
Bây giờ nghe nói tay tổng biên tập ngày xưa đã rời vị trí thì hắn lại phải cân nhắc một chuyện khác. Đó là lóc cóc phóng xe đi hàng chục cây số để nhận về bản thảo ở dạng “vật thể”. Đọc “vật thể”. Vẽ “vật thể”. Và lại lóc cóc mang “minh họa vật thể” đến trả cho tòa soạn. Họa sĩ trình bày ở tòa soạn kiên quyết không sử dụng tiện ích thư điện tử của internet. Chẳng biết vì sao? Hay là sợ sa ngã vào thế giới ảo của đám tuổi teen bây giờ. Hiển nhiên đó là nỗi sợ hãi của người lớn. Trẻ con chưa thấy đứa nào sợ.
Còn đang phân vân thì tiếng chuông điện thoại đã đổ dồn. Đầu dây đằng kia ông bạn họa sĩ trình bày tờ báo cuống quít giục, ông đến lấy bản thảo ngay đi, tôi còn ở tòa soạn độ một tiếng nữa thôi! Con người của công việc trong hắn trỗi dậy. Chẳng kịp nghĩ ngợi lăn tăn, hắn bảo, chờ một lát nhé, tôi đến ngay! Buông máy, hắn thừ người tự an ủi, ông bạn lĩnh đồng lương còm cõi như thế ở tòa soạn chẳng lẽ còn bắt ông ấy mang bản thảo đến tận nhà mình.
Hắn phóng xe máy đi quá nửa vòng Hồ Tây đến nơi tòa soạn đặt trụ sở. Nơi này là vùng hồ trồng loại hoa sen trăm cánh. Những bông sen chỉ có thể bán cho những người Hà Nội cũ dùng để ướp trà với giá khá đắt. Đã rất lâu rồi không còn thấy những bông hoa trăm cánh ngát hương trên gánh hàng hoa trong phố. Người chơi sen Hà Nội bây giờ mua về những bó sen không nở. Dĩ nhiên chẳng thơm. Thứ sen không thể bán cho người khiếm thị. Người và sen cách nhau một bức tường hư ảo không mùi.
Hoa ở đây vẫn còn lác đác vài bông cuối mùa thấp thoáng mặt nước xa. Dễ dàng nhận thấy làn hương tinh khiết dìu dặt trong gió hồ. Hắn dừng xe hít căng lồng ngực. Hương sen như tự nảo nao tìm về. Bà nội lưng còng của hắn ngày xưa đến mùa sen trăm cánh còn kì công đi xích lô lên đón những gánh hàng hoa mãi trên đầu dốc Yên Phụ mỗi khi đến mùa. Chọn lựa cả buổi mới được vài trăm bông. Lại vòng về chợ Đồng Xuân tìm mua đúng thứ chè buồm Phú Thọ cánh to thô mộc một tôm hai lá. Mang về tuốt lấy gạo sen ướp vào liễn sành thứ tự lớp sen lớp chè. Đài sen cho trẻ con chơi trò con quay quấn chỉ đứng trên mép phản thả xuống nở xòe những cánh nhụy vàng chanh. Chè buồm và gạo sen lấy ra từ liễn sành rải trên những chiếc mẹt tre đậy lá sen già. Ướp ướp sao sao hàng tuần lễ trên bếp lò mùn cưa. Đổ ra sàng hết gạo sen khô cháy, cánh trà rơi xuống mâm đồng phát ra tiếng kêu giòn chắc nịch. Xong một mẻ lại dồn vào những chiếc chai thủy tinh nút lá sen khô thật chặt xếp vào tủ chè. Cụ mất bốn mươi năm sau hắn vẫn còn nhìn thấy một chai chè uống dở cất trong góc tủ. Góc hồ sen trăm cánh đã bao lần bỏ hoang và gây giống lại. Bây giờ chỉ còn một chút hương tha thẩn cuối mùa giữa xào xạc lá khô. Và vài người Hà Nội ngơ
Lấy về bản thảo một truyện ngắn bốn trang A4, hắn đọc qua loa kiếm tìm nhân vật. Đến giữa truyện mới thấy hình ảnh người đàn bà ngồi trầm tư bên li cà phê trong một quán vắng bên hồ. Hắn buông tập bản thảo xuống bàn không đọc nữa. Gương mặt Thu hiện về. Cái quán cà phê vắng vẻ ven Hồ Tây hiện về. Chỉ còn mỗi việc ghép chúng lại với nhau.
Cái cổng chào có lính gác trên đường Điện Biên Phủ đột nhiên một hôm biến mất. Thay vào đó là con đường Nguyễn Tri Phương hai chiều xe có dải phân cách rộng rãi đến bất ngờ chạy thẳng ra phố Phan Đình Phùng. Rất ít người Hà Nội tưởng tượng ra những gì sẽ có trên con đường ấy. Một con phố mới với hai mặt tiền là hai bức tường kín mít chỉ chừa lại vài ba cái cổng. Vẫn có lính gác. Chẳng ở đâu trong thành phố những bức tường rào lại có nhiều việc để làm đến thế. Và cũng thật hiếm những con đường không hàng quán lè phè trong mấy quận nội thành.
Mình đẩy thử chiếc giá vẽ chạy nhẹ nhàng êm ái trên nền nhà và phát hiện ra một điều. Công nghệ chế biến đồ gỗ của nước Nga ngày xưa còn quá cồng kềnh thô mộc. Mình nhớ thày giáo phải làm khá nhiều thao tác để di chuyển chiếc giá vẽ không phải là nặng lắm. Và những chiếc tay quay bằng nhựa trắng khá vất vả khi phải chỉnh góc nghiêng mặt tranh. Nhìn chung đó là một đồ dùng bất tiện nặng về trình diễn những tính năng không cần thiết. Có lẽ sau hơn hai mươi năm qua mĩ thuật ViệtNamđã có một tiến bộ hội nhập thế giới rất đáng kể. Đó là việc không còn ai ao ước một chiếc giá vẽ của Nga nữa.