Con Mắt Rỗng Chương 8

Chương 8
Sự thật

Mình dậy sớm. Đi bộ thể dục một vòng quanh khu tập thể. Lần đầu tiên và chắc cũng là lần cuối. Con kênh nước thải ngay đầu khu nhà bốc lên thứ mùi kinh tởm. Mùi phế thải của mấy quận nội thành trộn lẫn với mùi của ba trường đại học liền kề. Hà Nội dường như quá xa vời. Mấy người cào ốc có mặt trên dòng nước đen ngòm ngay từ lúc trời còn tối mịt. Họ vớt lên mẻ ốc bằng chiếc cào sắt dội lạo xạo vào những chiếc chậu thau nhôm thả nổi trên mặt nước. Ốc ấy ăn vào người có lẽ chẳng khác gì uống những viên thuốc độc được chưng cất bào chế bằng toàn bộ độc địa phố phường. Nghĩ lại bữa rượu ốc với thằng Thắng hôm nọ cũng thấy gai người. Mình lững thững đi ra phía Chợ Mơ. Rau quả đổ về tràn ngập trên đường Bạch Mai. Những người buôn bán lẻ trong phố đi sớm soi đèn pin loang loáng chọn hàng rì rầm mặc cả. Thật ngạc nhiên là bên ngoài một cái chợ lớn lâu đời đến như Chợ Mơ vẫn tồn tại chợ cóc hàng ngày chẳng có liên quan đến những gì xảy ra bên trong. Cái vắng đi chỉ là mấy toa xe điện nhôm nhoam rỉ sét đậu bến cuối cùng quàng móc rất nhiều quang gánh ở chỗ nối toa vài chục năm trước.

Giống như chợ cóc trên đầu cầu, người ta mua nhanh bán chóng và giải tán vào lúc nhìn rõ mặt người. Để lại trên đường phố vô vàn rác rưởi. Rau quả giập nát, vỏ thùng hộp và lồng sọt tre, rơm rạ vàng ươm và bẹ ngô trắng toát lẫn vào với lông gia cầm bay tứ tán. Mình lách qua đám người bán hàng trùm áo mưa đứng cạnh những chiếc xe máy một màu bùn đất đỏ quạch. Họ đang soi đèn cho khách sờ nắn hai bên mạng sườn gà vịt ngan ngỗng lôi ra từ những chiếc lồng sắt tối om. Tiếng quẫy đạp vỗ cánh lục xục trong lồng làm bay lên những chiếc lông vũ chao liệng qua luồng sáng đặc bụi chiếc đèn pin to sụ cầm tay. Từ nãy đến giờ chắc mình cũng hít vào phổi hai luồng bụi như thế. Chưa biết thể dục làm mình khỏe ra được bao nhiêu nhưng số bụi hít vào hẳn là không nhỏ. Mình hấp tấp rảo bước về nhà. Tắm rửa gội đầu. Lấy xe máy phóng nhanh lên Chợ Hôm ăn sáng uống cà phê. Về đến nhà chưa đến bảy giờ. Thoát được nạn tắc đường sáng nào cũng xảy ra ở cửa ô Kim Liên-Đại Cồ Việt.

Mình hẹn Thu vào lúc chín giờ sáng. Vẫn còn vài giờ để chuẩn bị. Dọn dẹp đống phác thảo cho vài bức tranh phong cảnh. Thật lạ là những cảm xúc khi mình chụp ảnh thực tế dường như biến đâu mất cả. Chỉ còn lại những nét phác thảo vô hồn về nhà cửa cây cối gắng gỏi hoàn thiện trong phối cảnh luật xa gần. Những thứ nhìn thấy hóa ra lại thiếu vắng chính cái nhìn chủ quan áp đặt của người vẽ. Mình quyết định xếp chúng lại. Cần phải có thời gian dành cho nó nhiều hơn nữa. Những bức ảnh chỉ có thể là gợi ý ban đầu.

Đẩy chiếc giá vẽ ra gần sát cửa. Khoảng cách xa nhất có thể với chiếc đi văng dành cho người mẫu ngồi. Bút lông và những ống sơn dầu mới sắp xếp thứ tự trên mặt đất. Hộp xăng rửa bút đặt cạnh chiếc pa-lét. Những tờ giấy báo cũ rọc nhỏ để lau bút. Nhìn đống đồ nghề tươm tất xúc động như kẻ đi xa vừa về đến ngôi nhà thân thương của mình. May thế. Vẫn còn có chỗ để về.

Chuẩn bị vừa xong thì Thu đến. Bắt đầu là chiếc quần đen bằng vải thun bó sát cặp chân thon thả dài bước vào qua cánh cửa khép hờ. Áo khoác mỏng ka ki màu cỏ úa sờn bạc bên ngoài rắn rỏi. Thấp thoáng chiếc áo thun kẻ ngang bên trong màu xanh nước biển trên nền trắng tinh nghịch làm mình nhớ đến những bức ảnh chụp họa sĩ Picasso thời còn sung sức. Những bức ảnh trong một cuốn sách dày cộp ở thư viện trường mĩ thuật mà chỉ những sinh viên năm cuối mới được phép xem. Nhà trường sợ sinh viên ảnh hưởng ông ấy. Chẳng hiểu sao lại thế. Để ảnh hưởng được phong cách một thiên tài đâu có dễ. Các thày của mình có người cố mãi còn chẳng được.

Thu vào bếp pha hai cốc trà lipton nóng mang ra, biết anh không có sẵn trà ở nhà nên em mang đến, anh uống nước đi đã! Mình đón cốc trà từ tay Thu nóng hổi, ừ, anh quên mất việc uống trà từ rất lâu rồi, chẳng ngon lành gì lại lỉnh kỉnh ấm chén. Em uống nước rồi ngồi thật tự nhiên trên đi văng nhé. Coi như ngồi chơi thoải mái không cần phải bất động! Vâng, thế mà em cứ nghĩ ngồi làm mẫu vẽ là phải im như tượng! Không cần đâu, em có thể nói chuyện thoải mái! Thu hất nhẹ mớ tóc bồng bềnh ánh kim ra sau vai. Khuôn mặt cân đối ửng hồng nổi bật đôi mắt đánh sẫm màu và ánh nhìn thiết tha trìu mến.

Mình kẹp tấm toan trắng nuột lên giá vẽ. Hối hả bơm màu lên pa-lét đặt trên chiếc ghế đẩu nhỏ. Dùng màu nâu nhẹ phác những nét đầu tiên. Gương mặt cân đối và dáng ngồi thanh thản vắt chéo chân dựa vào lưng ghế. Cánh tay mềm mại đặt hờ hững trên đùi. Dáng ngồi quá quen thuộc mỗi lần Thu đến nhà nhưng cũng là lần đầu tiên mình ngồi cách xa để có cái nhìn thật sự bao quát chỉ ở khía cạnh thẩm mĩ mà thôi. Trí nhớ hiện về mồn một những đường cong gấp gáp vùng thắt lưng và bầu ngực tròn trịa cộng với thực tại sống động trước mắt giúp mình nắm bắt được đặc điểm tỉ lệ và dựng hình trôi chảy trên bức vẽ. Phấn chấn, mình vẽ những mảng màu đầu tiên lung linh trong một tương quan huyền ảo. Những sắc độ uyển chuyển gọi lên bảng hòa sắc xanh dịu nhẹ mơ màng. Mái tóc nâu đậm ánh vàng và chiếc quần đen bó sát như những điểm nhấn cân bằng bố cục. Rất khó để một thiếu nữ bây giờ biết cách điều hòa sắc độ trên những trang phục của mình. Họ đang có xu hướng máy móc ăn mặc gần với lối đồng phục theo các tông màu bất kể sáng tối nóng lạnh và những hình trang trí có trên mặt vải.

Cảm xúc dẫn dắt mình đi triền miên hối hả. Tấm toan được phủ kín chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ. Rất lâu rồi mới lại được đắm mình trong công việc một cách say sưa đến thế. Cảm hứng sáng tạo hóa ra vẫn là điều bí ẩn nhất. Không thể rèn luyện và cũng không thể kiếm tìm. Và oái oăm thay, nó luôn là thứ người xem nhận ra đầu tiên khi thưởng thức một bức tranh.

Hắn bơ phờ sau những giờ làm việc mệt nhoài. Công việc của một họa sĩ đồ họa với hộp màu cất trong ngăn kéo bàn và ca nước rửa bút bé tẹo chưa bao giờ lấy đi của hắn nhiều sức lực đến thế. Đánh vật với tấm toan khổ lớn và đống màu dầu quánh đặc như vữa trát tường làm cánh tay mỏi dừ. Cái đầu phải tập trung cao độ vào quan sát và phân tích khiến cho cổ cứng lại như đeo nẹp. Đôi chân đứng lâu có cảm giác như ngày xưa đạp xe năm mươi cây số liền lúc đặt chân xuống đất phải nguềnh ngoàng khéo léo giữ thăng bằng. Cuối cùng thì vật liệu sơn dầu vẫn là thứ đáng ngại. Nhất là với họa sĩ ViệtNam. Nó không những là thứ kĩ thuật độc tôn của hội họa toàn thế giới mà còn đòi hỏi một thể lực đáng kể khi sử dụng. Chẳng thế mà các nghệ sĩ ViệtNamđã phải loay hoay nhiều thập kỉ với các vật liệu thay thế được khoác lên mình chiếc áo “bản sắc dân tộc”. Nhưng sự thật thì hoàn toàn có thể dùng sơn dầu để “chép” lại những bức tranh sơn mài, lụa hay giấy dó. Nó là vật liệu chúa tể với những tính năng vô tận. Và chắc chắn độ bền của nó thì các vật liệu nhiều bản sắc dân tộc làm sao có thể so sánh được. Bây giờ thì hắn đã hoàn toàn tin rằng những lí thuyết về bản sắc dân tộc trong suốt một thời gian dài là cản trở cho việc tiếp cận nghệ thuật thế giới. Thậm chí hết sức vớ vẩn. Trong con mắt của hắn thì họa sĩ ViệtNammuốn vẽ bằng chất liệu gì cũng không thể ra tranh của người Lào được. Muốn xóa đi bản sắc Việt là việc kẻ thù phương bắc đã cố gắng làm trong vài thiên niên kỉ chỉ để nhận lấy thất bại mà thôi.

Xế trưa, ánh nắng rực rỡ bò lan trên khuôn cửa sổ. Căn hộ cuối hành lang của hắn được gia ân thêm một chiếc cửa sổ không bao giờ có bóng người đi qua. Nó rộng hơn những căn khác ở chính cái phần hành lang được ngăn lại làm cửa ra vào. Từ đấy nhìn sang bức tường hậu khối nhà năm tầng đối diện quét vôi vàng mốc thếch. Chồng chất những giá những lồng thép han rỉ như khu chuồng trại nuôi nhốt thú vật khổng lồ nhiều tầng. Căn cứ vào mớ áo quần phơi dày đặc trong những chiếc lồng sắt có thể tưởng tượng ra số lượng người lúc nhúc trong ấy. Một tổ ong con nào cũng là ong chúa. Không khỏi có cảm giác con người ẩm ương mê muội cho rằng muốn tự vệ trước một đàn hổ thì cách tốt nhất là làm chuồng sắt tự nhốt mình lại. Bất giác hắn hình dung ra mặt sau ngôi nhà mình đang ở cũng như vậy dù chưa bao giờ có dịp nhìn bao quát từ xa. Hắn cũng đóng góp vào mặt sau ấy một chiếc lồng thép kiên cố nới rộng khoảng ban công vươn dài ra hơn một mét chỉ để đặt những chậu cây cảnh. Một chút thiên nhiên bé tí vỗ về con mắt trơ lì với bê tông sắt thép bủa vây. Hắn không nghĩ đến việc tự vệ. Tài sản trong nhà không có thứ gì đáng để lũ trộm cắp quan tâm. Thế nhưng nếu như không có chiếc lồng sắt ấy rất có thể chúng sẽ quan tâm đến một lời mời. Cố gắng cải tạo góc nhìn bên trong từng ngôi nhà đã vô tình phá vỡ toàn bộ cảnh quan mặt ngoài. Bức tường bị đục khoét nham nhở lắp lồng sắt tạo thành những khe hẹp không thể quét vôi lại được nữa. Nó chưa từng được sửa sang kể từ khi khánh thành.

Đứng dậy làm vài động tác vươn vai vặn mình, hắn nhẹ nhàng quay chiếc giá vẽ cho bức tranh hướng về phía Thu ngồi, hôm nay dừng ở đây thôi, anh sẽ hoàn chỉnh nó vào mấy ngày tới. Em có mỏi không? Có làm gì đâu mà mỏi, em chỉ hơi buồn ngủ! Vậy thì chờ anh một lát rồi ta đi ăn cơm! Hắn vào buồng trong thay quần áo. Thu ngồi lặng lẽ ngắm bức tranh đang vẽ dở. Có thể nhận thấy nét mặt cô dần thay đổi. Cặp lông mày giãn rộng. Linh hoạt tươi tắn như vừa phát hiện ra thêm một chính mình nữa.

Hắn đưa Thu lên một quán cơm bình dân trên phố Lý Thường Kiệt. Con phố êm đềm san sát những biệt thự kín cổng cao tường ngày trước nay gần như đã mất hết vẻ trang nghiêm thanh lịch sang trọng. Hàng quán lu bù nhăng nhố mở ra mặt đường. Con phố đã hết kiên nhẫn với những khuôn viên biệt thự thừa ra khi mà cả thành phố người ta đã biết phải làm gì với những diện tích đất đai ấy. Những bức tường biệt thự được phá bỏ thay bằng hàng rào thép rỗng rất tượng trưng thoáng đãng. Bên trong là những quán cà phê và nhà hàng kê ghế cắm ô tràn ra ngoài trời. Những mặt tiền nhỏ hơn được người ta xây tường lợp mái tôn và mở ra đủ thứ dịch vụ thập cẩm. Tiệm bán quần áo. Hàng photocoppy. Cửa hàng văn phòng phẩm. Show room điện thoại di động. Đầu những con ngõ hẹp cũng tranh thủ đặt ở đấy một thùng bán kem. Vài khu đất lớn trên suốt chiều dài con phố đã được bán mua trao đổi và chuẩn bị mọc lên khá nhiều tòa cao ốc. Bắt đầu là tòa nhà Pacific Place gần ga Hàng Cỏ. Hắn thầm tưởng tượng chỉ vài ba tòa nhà như thế nữa thôi con phố sẽ phải chứa đựng một lượng người gấp đôi so với chiều dài của nó bây giờ. Thật ngạc nhiên là thành phố đang loay hoay mấy chục năm chưa thể làm được việc giãn dân trong khu phố cổ. Một nơi mật độ dân cư cao vào loại nhất nhì thế giới với bốn vạn người trên một cây số vuông. Bây giờ lại tập trung cho việc tăng dân số ở ngay cạnh đấy? Hắn lẩm nhẩm trong đầu, vậy là có ít nhất hai thành phố trong lòng Hà Nội với những chủ trương không khoan nhượng. Bên nào thắng hình như đã rõ.

Những cây phượng đã bắt đầu trở mình trút lá như bụi vàng li ti rắc xuống mặt đường. Bầu trời trống trải nắng. Dòng người chen chúc bên dưới như một tấm thảm xào xạc thay cho những lá cành. Đèn xanh ở các ngã tư bật lên, thảm người cuốn đi trong khói bụi. Một cơn gió hữu hình. Gió người không mùa.

Quán cơm bình dân nằm trong khuôn viên một biệt thự cũ nhiều chủ. Có lẽ vì lí do ấy nó chưa bị phá đi tường rào xây gạch cổ xưa với hàng chấn song bảo vệ tán đinh nhọn hoắt. Ban nãy trên đường đi hắn đã định đưa Thu đến một quán cơm văn phòng dưới cuối phố. Nhưng Thu bảo, nắng đẹp thế này sao ta không ra quán cơm bình dân đầu phố ngồi ngoài trời! Hắn đùa, sợ em thắc mắc anh là người chặt chẽ chi tiêu! Thu cười rúc rích sau lưng, anh chưa biết thôi, quán ngoài trời này có khi còn tốn tiền


hơn đấy!

Vừa đến cửa quán đã thấy từng dãy ô tô đậu kín bên lề đường của khách ăn cơm. Hắn và cô phải luồn lách vào sâu cuối hàng rào mới tìm được một chiếc bàn còn trống. Thu gọi đồ ăn toàn những món dân dã như cơm gia đình. Một đĩa thịt nấu đông. Một ít cá diếc kho tương. Đĩa dạ dày lợn luộc. Đĩa dưa cải muối xổi. Canh rau bí nấu tỏi. Hắn gọi hai chai bia Hà Nội ngồi uống cầm chừng. Rất hiếm khi hắn uống buổi trưa. Nếu đã uống bia rượu buổi trưa thì có nghĩa là uống sang chiều. Chẳng còn làm được việc gì nữa. Thu nhỏ nhẻ ngồi ăn và luôn tay tiếp thức ăn sang bát hắn. Khá lâu rồi hắn mới ăn một bữa cơm ngon đến thế. Đầu bếp chắc hẳn phải là một dân phố chính hiệu với cách nấu nướng tinh vi kĩ lưỡng khác hẳn với những quán cơm bụi nơi hắn ở. Giá tiền đắt gấp đôi quả là xứng đáng.

 

*

 

Thu đã ra về được một lúc lâu. Cô ấy có bạn gọi. Mình dặn, sáng mai lại đến nhé, anh cần em ngồi mẫu thêm một buổi nữa! Thu gật đầu. Ánh mắt quyến luyến khuất sau cánh cửa hành lang.

Mình nằm thượt trên ghế đi văng ngắm nhìn bức tranh đang vẽ. Hình ảnh nhập nhòa thu nhỏ lại. Mất hút. Chỉ còn lại một khoảng mênh mông trắng mơ hồ với những vẩn mây ngũ sắc xôn xao đổi chỗ. Trong mây chợt hiện lên khuôn mặt của Thúy đượm buồn ngơ ngác hôm nói lời chia tay với mình ở một góc vắng công viên Thống Nhất. Hình như cạnh con đường vòng vèo lát gạch xi măng trong Quán Gió. Bụi trúc lùn rườm rà xòe ra cạnh lối đi tạo thành bức mành tự nhiên che khuất chiếc ghế đá hai đứa ngồi. Hôm ấy chẳng cần đến bức mành bởi cũng không có nụ hôn nào cả. Chẳng có nước mắt dỗi hờn và vòng tay an ủi. Mình ngồi như hóa đá. Thỉnh thoảng nhìn sang nàng bắt gặp gương mặt trắng xanh nỗi buồn vô định.

Nàng hơn mình hai tuổi. Cái tuổi của một đàn bà chín chắn lúc ấy chắc hẳn là đã bị thử thách quá nhiều trước những bồng bột sôi nổi của mình. Và nàng đã hết kiên nhẫn khi phát hiện ra ở nhà mình vài bức tranh khỏa thân vẽ những đàn bà khác. Mình không thể giải thích. Điều làm nàng bức xúc chắc chắn không phải vì mấy bức tranh mà là những người mẫu. Đúng hơn là cả xã hội lúc ấy đứng về phía nàng. Mình sẽ chính thức trở thành tội phạm ngay lập tức như vài đồng nghiệp khác mà không cần phải qua cả một quá trình d ng dặc tha hóa nếu như nàng lộ ra chuyện ấy. Cái ranh giới giữa tội phạm và nghệ sĩ ngày ấy thật mỏng manh. Một người bạn của mình thuộc loại có chức tước trong quân đội và cũng thuộc diện con ông cháu cha đã từng bị đi đập đá trên Mỏ Chén mấy năm chỉ vì vài bức vẽ khỏa thân và mấy tấm ảnh tự chụp cùng loại. Người ta qui kết ông ấy tội truyền bá lối sống dâm ô trụy lạc dù rằng những bức ảnh khỏa thân chỉ mình ông ấy và những người thừa hành pháp luật được xem. Họ chính là nạn nhân chịu đựng hành vi tuyên truyền thụ động của ông và lại là kẻ có quyền. Cái đẹp đã trở thành tội ác. Ông phải ở tù là điều không tránh khỏi.

Mình sợ. Và tiếc chưa có dịp nào vẽ nàng khỏa thân. Tất cả mới chỉ dừng lại ở dự định. Trừ việc lên giường. Nhưng việc ấy lại do nàng chủ động. Nàng hơn mình hai tuổi. Và cũng đã từng có ít nhất ngần ấy mối tình trước khi đến với mình.

Không còn lựa chọn nào khác, mình đồng ý chia tay. Nàng nhanh chóng xe duyên cùng với một “phi công” còn ít tuổi hơn mình. Để sau đó trở thành một tú bà khét tiếng của các chân dài chuyên cấp hàng tận giường cho đại gia. Trớ trêu thay, trong một lần mình được các đại gia buôn bán hàng điện tử chiêu đãi, nàng chính là người điều hành đám chân dài đến khách sạn. Chiếc mặt nạ chính chuyên đáng lẽ ra phải rơi ngay xuống đất khi gặp mình. Nhưng mình đã phát hiện từ xa. Gọi điện thoại cho lễ tân từ chối dịch vụ. Rất có thể nàng cũng biết mình đang ở đấy. Và sẽ chẳng ngại ngần cho mình biết phán đoán của nàng trước đây là có cơ sở. Đàn bà nghĩ đàn ông trăng hoa là việc muôn đời đúng. Kể cả việc khen ngợi ông chồng chung thủy của mình thì cũng giống với một lời răn đe nhiều hơn. Đàn bà luôn muốn chứng tỏ mình thuộc về lẽ phải cho dù đang làm những việc vô cùng khuất tất. Mình chẳng dại gì đụng chạm vào những lẽ phải ấy.

Gương mặt đượm buồn của Thúy tròng trành. Như một thứ chất lỏng lênh láng tan chảy vào mặt phẳng trắng của tấm toan. Chất lỏng chia cắt ra thành từng mảng nhỏ lung lay chậm dần. Dừng lại. Hiện hình. Thu điềm tĩnh mơ hồ nhìn mình với ánh mắt tự tin giễu cợt. Mình mở choàng mắt. Bức tranh chân dung chìm trong khoảng tối căn phòng chỉ hắt lên điểm sáng yếu ớt từ cặp mắt Thu long lanh ướt. Nhìn đồng hồ đã thấy hơn bốn giờ.

Vài cuộc triển lãm nghệ thuật thị giác trong thành phố thổi bùng lên không khí tranh luận vốn chìm lặng từ nhiều năm. Những triển lãm không còn định nghĩa chính xác là trình diễn, sắp đặt, video art hay concept... Các nghệ sĩ và lí luận gia cũng lập tức tự mình tìm chỗ đứng. Dĩ nhiên đám bảo thủ coi những cuộc trưng bày ấy như một thứ nghệ thuật lai căng mất gốc. Nhưng lại chẳng bao giờ tiết lộ cho khán giả biết thực sự cái gốc của mình là gì. Nó có tồn tại và có nên tồn tại không. Những kẻ tiền phong tất nhiên hết lòng cổ vũ với lí thuyết hội nhập thế giới. Nhưng cũng không thấy nói hội nhập để làm gì trong khi mĩ thuật hàn lâm của mình đã hội nhập gần tám mươi năm mới chỉ đạt kết quả gần như ngày mới hội nhập. Con đường tưởng như rất dài nhưng cái đích lại luôn ở đằng sau thế giới. Ngăn cách giữa bảo thủ và tiền phong như một bức tường thủng lỗ chỗ có thể đi lẫn sang nhau được. Để ngắm nhìn và phản đối những khác biệt. Rất may điều đó đã khiến cho họ tự thấy rõ mình hơn. Thoát khỏi thứ nghệ thuật duy nhất “chúng ta” đơn điệu để trở thành hai. Giống như tế bào tự phân đôi chỉ để trở thành hai tế bào mà thôi.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t86734-con-mat-rong-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận