Con Mắt Rỗng Chương 7

Chương 7
Một sương hai nắng

Thằng Thắng đột ngột gọi điện cho hắn thông báo một tin vui. Là nó nói thế. Trong điện thoại giọng Thắng hồ hởi, thế là tôi thoát cái kiếp cán bộ ăn lương dở làm dở nghỉ, giờ về nhà đi uống rượu với các ông, có việc gì làm liên quan đến mĩ thuật ông cứ gọi tôi! Hắn cười phá, khi ra trường chúng tôi mơ một công việc như ông mà chẳng được. Sao lại bỏ làm gì, phí quá? Thực ra là tôi đã phí phạm hơn chục năm trời ngồi ở cái xó trường đại học này. Mang tiếng thế chứ chưa bao giờ được đứng trên bục giảng. Chỉ loay hoay với mấy việc ở phòng tuyên huấn. Kẻ khẩu hiệu “Dạy tốt, học tốt”, lo phông màn nhạc cụ cho các hội diễn. Tổ chức vài giải bóng đá sinh viên!

Hắn không lấy làm ngạc nhiên. Trình độ cỡ thằng ấy tốt nhất nên hoạt động đoàn thể để tìm cơ hội thăng tiến bằng con đường khác ngoài nghệ thuật. Đã có nhiều người đi lên bằng những công việc tưởng rất tầm thường như vậy. Và lên cao. Rất cao. Cái tin vui Thắng báo cho hắn thực ra nên gọi là tin buồn thì đúng hơn. Hắn quá biết vị trí của Thắng trong gia đình thuộc vào hạng nào. Vợ nó đi làm lương cao. Lại trẻ trung xinh đẹp. Nhờ có cái mác cán bộ ở một trường đại học danh tiếng và tài ăn nói chiều chuộng nó mới có thể giữ chân được cô ấy. Không còn làm cán bộ nữa, bao nhiêu ưu điểm trước đây có nguy cơ trở thành nhược điểm. Những hội hè đình đám liên hoan văn nghệ văn gừng giúp nó hoàn thành công việc và tạo ra rất nhiều mối quan hệ. Đặc biệt là với chị em. Nó chưa bao giờ đi quá xa trong những mối quan hệ ấy bởi còn có danh nghĩa cán bộ tuyên huấn. Bây giờ thì khác. Nó đã tự xếp mình xuống một bậc nữa rất đáng ngờ trong con mắt của vợ. Nó chưa tưởng tượng ra một thằng sống ngoài biên chế nhà nước là như thế nào. Cần phải làm những việc gì. Và chơi với ai.

Nhưng hắn đã nhầm. Thắng có những tính toán riêng của nó không dễ gì cho ai biết được. Trong điện thoại, giọng nó hơn hớn, chiều nay tôi mời tất cả các ông, ta uống một trận rượu ốc để “rửa” tin vui nghỉ việc, tôi gọi cả Thu đến cho vui đấy! Hắn đùa, cứ theo lí luận của ông thì cưới vợ làm năm mươi mâm cỗ, đến khi bỏ vợ phải làm trăm mâm! Thắng lảm nhảm, đúng, đúng, tôi chưa có kinh nghiệm ấy nhưng ông thì...!

Mùa đông đến sớm. Những trận gió bấc đầu tiên đột ngột táp lên hàng cây xà cừ dọc con phố Ngô Thì Nhậm, Lê Văn Hưu đã mấy ngày. Lá xanh rùng mình ngỡ ngàng rụng xuống xào xạc bước chân. Chẳng hiểu sao loài cây sức vóc khổng lồ nhất trong thành phố lại không thể chịu đựng được khoảnh khắc sang mùa. Chiều muộn. Phố vắng bất ngờ. Càng vắng hơn khi ngước nhìn lên những tán xà cừ rậm rì mọi ngày đã thấy thưa thớt vài cành cong ngoằn ngoèo vạch vu vơ lên bầu trời xám. Hắn gửi xe máy lại quán rượu ốc Thiên Lôi ngay đầu phố Lê Văn Hưu. Lũ bạn chưa đứa nào đến. Chẳng cần phải uống trước chúng nó một vài chén rượu làm gì, hắn lững thững thả bộ dọc theo con phố ra hướng bờ sông. Con đường quen thuộc ngày nhỏ hắn hay cùng lũ bạn đi từ Bờ Hồ xuống Lò Đúc. Đổ dế bắt ve, đánh khăng đánh đáo. Không thể nhận ra con phố Lê Văn Hưu êm đềm ngày nào với vài chiếc vòi nước công cộng có những viên gạch đỏ bị nước mài mòn hõm sâu thành vũng. Những dãy nhà một tầng ngói vuông tường vàng kéo dài suốt từ Ngô Thì Nhậm qua ngã ba Thi Sách đến ngã năm Lò Đúc nay đã biến thành nhấp nhô những ngôi nhà cao tầng sơn màu láng bóng. Quán bia Hải Xồm nổi tiếng bên trong hàng rào ở góc đường Phan Chu Trinh đã đóng cửa từ bao giờ. Chỉ còn lại hai hàng cây xà cừ cổ thụ đã khuyết đi vài gốc. Những cây sao đầu phố Lò Đúc xác xơ lá cành. Đã lâu lắm lũ cò không còn về đây chành chọe mỗi chiều. Phố hun hút với hai mặt tiền cao chót vót khiến hai hàng cây sao thu mình khép tán nhỏ lại mỗi ngày. Lạnh. Hắn ngậm ngùi quay bước. Tiếng chuông điện thoại đổ dồn trong túi. Thằng Thắng gọi, xe để đây mà người biến đâu rồi? Hắn ấp úng, ừ, ra Lò Đúc Kiếm mấy bao thuốc lá! Mua thêm cho tôi một bao Craven A nhé!

Hắn quay về quán rượu ốc Thiên Lôi đã thấy Thắng ngồi chễm chệ ngay cạnh chiếc bàn lớn ngoài cửa quán. Thu đang hí húi trong quầy bán hàng dặn dò chủ quán về những món định gọi. Cô quay ra nhìn thấy hắn bước vào. Nét mặt dửng dưng như chưa hề thân thiết, tưởng anh bị cô nào bắt cóc đi mất rồi! Hắn đùa, đúng đấy, họ bắt anh lên biên giới định bán sang làm cave nhưng không có người mua. Bên ấy chưa cho phép đàn ông làm những việc nhạy cảm! Thắng cười hềnh hệch, đàn ông nước mình có giá cao đến mức vô giá...trị!

Hắn tìm trong tủ rượu đặt sau quầy hàng lấy ra một chai vodka Russky Standart gửi vào trong ngăn đá tủ lạnh. Cô chủ quán bầu bĩnh tươi cười, còn rộng chỗ đấy, sao anh không cho luôn hai chai vào! Ừ thì hai chai, em cho vào giúp anh nhé! Hắn nháy mắt nhìn Thu tinh quái. Thu quay mặt ra đường vờ như không biết.

Thằng Minh loay hoay mãi mới đậu được chiếc ô tô vào sát vỉa hè trước quán rượu. Nó mới sắm ô tô được vài tháng. Tuần trước nó lái xe đến rủ mình đi chụp ảnh. Xe mới và máy ảnh cũng thế. Dĩ nhiên cả tay lái ô tô và tay nghề chụp ảnh của nó cũng vậy. Loay hoay ở chỗ đỗ xe cạnh đình làng Chu Quyến đến mười lăm phút. Kết quả là lùi chính xác vào chỗ mẹ con con lợn nái đan g nằm. Lợn con bị kẹp chân choe chóe kêu hoắng huýt. Lợn mẹ dữ tợn hộc lên lao vào cửa xe thùm thụp. Nếu xét về giá trị thì con lợn sữa quay què một chân cũng chẳng thể rẻ hơn con lành lặn. Nhưng người chủ đàn lợn không nghĩ thế. Ông ấy khăng khăng báo giá một con lợn giống sắp xuất chuồng. Các anh có bao giờ dám rước một con lợn què về nuôi không? Dĩ nhiên không. Kể cả lợn lành. Với đám thị dân như mình và thằng Minh bây giờ thì lợn có nghĩa là đã cạo sạch lông xắt miếng vuông vắn để trong tủ lạnh. Tươi tắn gần với con lợn sống nhất thì cũng chỉ đến bát tiết canh và lòng luộc là cùng. Phải đền tiền cho chủ lợn theo giá giống và ăn một trận mắng té tát là lựa chọn duy nhất. Minh thầm thì vào tai mình, còn rẻ chán so với hai lần tôi phải bỏ tiền ra xây lại cổng công ti!

Hai thằng vác máy ảnh vào ngôi đình danh tiếng bậc nhất ở đồng bằng bắc bộ. Nó không bề thế to tát như tưởng tượng với mái ngói nâu thấp tè khiêm nhường và những đầu đao chắc khỏe. Thế nhưng bên trong của nó thật sự là cả một thế giới nghệ thuật điêu khắc dân gian sôi động vô cùng hấp dẫn. Ngôi đình còn hệ thống ván sàn nguyên bản cũ kĩ chia làm ba cấp dành cho ba hạng chức việc trong làng. Mình khéo léo dò dẫm bước lên cố tránh những chỗ hư hại mục nát. Trong ánh sáng mờ ảo của khối kiến trúc gỗ đồ sộ bên trong mái đình, những bức chạm khắc miêu tả cảnh thanh bình vui chơi hiển lộ sống động đến không ngờ. Rất hiếm di tích thời phong kiến có chạm khắc miêu tả những con người bình thường trong những hoạt động làng xã như vậy với cách tạo hình khỏe khoắn mạnh mẽ và rất hồn nhiên. Mình sững sờ trước tay nghề và tình cảm của người nghệ nhân vô danh lưu lại ở chốn này. Sức sống mãnh liệt của dòng điêu khắc dân gian không biết đã bằng cách nào tồn tại được qua vài thế kỉ nghệ thuật cung đình hà khắc với những phượng múa lân chầu rối rắm lai tạp. Chợt nhớ đến họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Người ẩn sĩ lạ kì giữa Hà Nội nhiều năm rồi không tiếp xúc với ai. Tranh của ông thường được xem như những lời tự vấn thẳm sâu của chính mình. Hình như ông ấy đã chắt lọc được hồn cốt và nhất là thái độ ứng xử hài hước cao ngạo từ chính những nghệ nhân điêu khắc đình làng cổ xưa này.

Mình cẩn thận chỉnh ISO chiếc máy ảnh số lên độ nhạy 1600. Mái đình thấp khiến khu vực kết cấu gỗ phức tạp trên nóc vô cùng thiếu sáng. Tốc độ chụp không thể lên quá 10 làm cho những bức ảnh rung nhòe nhoẹt. Đành phải quay về chụp chế độ auto có đèn flash. Mê mẩn với những bức chạm khắc trong đình, mình quên béng thằng Minh vẫn còn tha thẩn bên ngoài. Lúc quay ra thấy nó đang loay hoay chụp những bức ảnh toàn cảnh. Liếc nhìn nóc máy chiếc Nikon kĩ thuật số mới cứng thấy nó để chế độ chụp tự động, mình đùa, máy xịn quá đâm ra ít việc làm! Xì, các ông cứ quan trọng hóa vấn đề tay nghề, máy nó làm cho mình cả rồi, thế là hết chuyện! Mình ngấm ngầm cười không dám thắc mắc gì nữa. Để điều khiển hết tính năng của chiếc máy số bán chuyên nghiệp ấy chắc chắn còn mất thời gian hơn ông thợ ảnh phố huyện rất nhiều khi ông ấy chụp bằng máy cơ theo lối tích lũy kinh nghiệm. Nhưng nếu chỉ để chụp ra một tấm ảnh an toàn bằng chế độ auto thì trẻ con cũng làm được. Chụp hỏng, kiểm tra ngay và chụp lại tức thì. Thằng Minh đúng. Kĩ thuật số là một đòn chí tử giáng vào những tay máy cơ chụp phim lẫy lừng kinh nghiệm. Một chiếc thẻ 4M có thể thay thế cho gần 30 cuộn phim trong một lần lắp vào máy chụp. Phần mềm photoshop ngay trên máy tính cá nhân thừa sức thay cho những buồng tối hiện đại nhất. Nhưng mình cũng băn khoăn. Nếu còn tiếp tục chụp ảnh thì cũng có nghĩa là phải dần dà tích lũy kinh nghiệm chụp máy số và sử dụng vi tính. Để đến khi có đủ kinh nghiệm rồi thì cũng sẽ lại chẳng còn ai chụp ảnh bằng kĩ thuật số nữa.

Thằng Quân ủ rũ bước vào quán khi hắn bắt đầu vặn nút chai rượu. Nó vò mái tóc rối bù xõa xuống chiếc gọng kính bằng thép sáng. Cặp mắt mòng mọng vô hồn sau lớp kính dày. Quân lẳng lặng ngồi xuống chiếc ghế còn trống ngước nhìn mệt mỏi, đón ông con ở trường về còn phải đưa ông ấy đi mua truyện tranh! Hắn khích bác, tưởng ông chê rượu ốc nên tìm chỗ uống ở đâu rồi! Nụ cười thằng Quân xộc xệch thảm hại, ai lại thế, cũng làm vài chén rồi nhưng vẫn nhớ hẹn ông Thắng! Hắn cẩn thận rót rượu ra những chiếc chén thủy tinh dày nhỏ xíu. Hơn lưng chén là vừa một tợp cho ba vòng uống đầu tiên. Thường thì người ta chỉ chú trọng đến lần nâng chén thứ nhất. Gọi là chạm chén làm quen. Nhưng mấy ông bạn nhẵn mặt nhau và nhẵn mặt rượu thì cần phải có ba vòng cạn chén. Chỉ là để làm quen chai rượu mới chứ không phải theo đúng phong tục nước Nga khi uống vodka. Thu nhăn mặt khi phải cạn chén thứ ba. Cô vội rót nước khoáng tráng miệng, chào mâm của các anh thôi cũng làm em xửng vửng! Thắng tếu táo, cứ uống tận tình đi, lát nữa anh Hoàng đưa em về! Thu nguýt dài đỏ mặt, em muốn anh Thắng đưa về hôm nay, nhưng là về nhà anh chứ không phải nhà em! Thắng vội vàng chữa ngượng, cứ uống từ từ đợi anh về bỏ con vợ ở nhà đã!

Chủ quán mang lên hai bát ốc đá luộc nóng hổi mùi lá bưởi. Những con ốc nhỏ bạc phếch lớp vỏ đá trầm tích luộc vừa chín tới. Luộc được mẻ ốc như thế bây giờ ở Hà Nội cũng không còn nhiều người. Thường những hàng ốc luộc nghiệp dư đã xuề xòa ngay từ khâu lựa ốc. Ốc đá luộc lẫn ốc vặn con dai con sống ăn vào lo ngay ngáy. Nhưng khi đã lựa chọn và phân loại được rồi thì việc luộc nó lên cũng không đơn giản. Phải sắp xếp lớp lang lá bưởi xanh trong nồi như thế nào đó để đảm bảo chỉ với một thời gian sôi rất ngắn hương thơm được chia đều đến từng con ốc một. Quá lửa một chút thôi, ốc nhể ra sẽ bị đứt đầu quắt queo khô khốc.

Quán ốc Thiên Lôi còn chứng tỏ kĩ thuật hơn người ở chỗ pha chế nước chấm. Tỏi gừng ớt giã vừa phải lơ thơ trong bát nước trong veo chắt ra từ nồi luộc ốc. Nước mắm, đường, dấm gạo và mì chính nêm vừa đủ ngọt sắc râm ran cay nóng. Rượu mạnh đến mấy nhấp một chút nước chấm ốc cũng mềm môi.

Vodka Russky Standart chưa phải là rượu mạnh nếu chỉ so với vài thứ vodka nổi tiếng của ViệtNam. Thật ngạc nhiên là người ta thích nó chỉ vì độ an toàn tin cậy. Bây giờ có ai đó mời một chén rượu Làng Vân, rượu Chương Xá, rượu Kim Sơn, rượu Bàu Đá ở Hà Nội thì chính là mời người khác sự ngại ngần. Độ tin cậy đã hoàn toàn biến mất để thay vào đó một niềm tin khác. Đó chắc chắn là thứ rượu được phù phép ra bằng duy nhất một loại rượu trắng nấu theo qui trình chưng cất cồn công nghiệp.

Hắn hơi lo sợ khi thấy thằng Minh ào ạt uống. Dù vodka Nga là thứ đáng tin nhưng không phải để dùng cho một tay lái mới “tậu” cả xe lẫn bằng. Chiếc xe liên doanh lắp ráp trong nước với chủ trương hạ giá thành xuống mức không thể thấp hơn cộng với tấm bằng lái xe năm triệu có người thi hộ mới là thứ không đáng tin cậy. Đoán được sự lo ngại của bạn bè, Minh khoát tay, cứ uống thoải mái đi, lát nữa tôi gọi đệ tử đến chở tất cả các ông về bằng ô tô! Hắn vững dạ quay sang hỏi chuyện thằng Thắng, chuẩn bị gì cho cuộc sống mới chưa? Thắng cười hềnh hệch, tất nhiên là có nhưng nói trước bước không qua. Cũng chỉ loanh quanh vài việc mà bọn mình được học hành cẩn thận!

 

*

 

Mình cũng lờ mờ đoán ra ý định của Thắng sau khi bỏ biên chế nhà nước. Tháng trước mình bất ngờ gặp nó trong một cuộc khai mạc triển lãm tranh cá nhân. Rất lạ. Nó chưa bao giờ quan tâm đến những việc như thế. Không biết có phải vì công việc của nó ở trường đại học luôn luôn gắn bó với mọi hoạt động tập thể? Nó say sưa ngồi nghe ông họa sĩ tỉnh lẻ hiện đang ăn khách tâm sự về nghề nghiệp. Ông ấy nói về nghệ thuật hiện đại. Về những thăng trầm của nghệ thuật tạo hìnhViệt Nam khởi nguồn từ những cái tôi lạ lẫm háo hức của thế hệ đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng mĩ thuật Đông Dương. Thế hệ vừa thoát thai ra khỏi những hiệp thợ thủ công mĩ nghệ vô danh để trở thành nghệ sĩ độc lập có tên tuổi. Rồi đến một thứ hội họa “chúng ta” kéo dài nửa thế kỉ với đầy đủ những tên tuổi lẫy lừng cùng nhau làm ra một sản phẩm duy nhất là nghệ thuật “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Và bây giờ là lúc quay lại điểm xuất phát ban đầu. Ông nói về những bứt phá của cá nhân trong việc trung thực thể hiện cái tôi của mình. Cả về những thao tác thiêng liêng tắm rửa thắp hương trầm trước khi cầm bút vẽ. Đại khái toàn những chuyện lớn lao ở tầm tư tưởng. Nhưng tác phẩm của ông ấy lại không nói lên điều đó. Vẫn chỉ loanh quanh vẽ vài con trâu và đám trẻ mục đồng thổi sáo như dòng tranh mĩ nghệ sơn mài từ những năm sáu mươi thế kỉ trước. Khi ấy Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền còn có riêng một quầy rất sang trọng trên tầng hai bán những tranh lưu niệm kiểu ấy. Gọi chung là dòng tranh “Chăn trâu thổi sáo”. Chuyên dùng cho các lãnh đạo mua làm quà tặng bạn bè quốc tế. Một thứ hoài cổ đầy thân phận. Chẳng có tư tưởng gì cả về nghệ thuật lẫn con người. Thành tích không nhỏ mà nó đạt được là làm cho quốc tế hiểu về nghệ thuật tạo hình ViệtNammấy chục năm liền diễn ra như vậy. Tranh của ông họa sĩ này cũng thế. Ngoài một khả năng tay nghề dưới trung bình ra thì chỉ còn đọng lại những nét hồn nhiên con trẻ. Và khi đem bày ra cả một phòng triển lãm thì sự hồn nhiên trong trẻo giống nhau từ đầu đến cuối gây cảm giác một phòng tranh thiếu nhi hơn là tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ tác giả đã phiên dịch nhầm hội họa hồn nhiên châu Âu với họa sĩ lừng danh Henry Rousseau sang thành nghệ thuật thiếu nhi ở ViệtNam. Bậc thày và con trẻ rất hay bị cố tình lẫn lộn ở chỗ này.

Mình nhã nhặn đặt cho ông ấy một câu hỏi, vì sao trăn trở thiêng liêng đến mức ấy mà ông chỉ bán tranh với giá hai trăm nghìn đồng loạt cho mọi tác phẩm? Một câu hỏi ranh mãnh thị dân hoàn toàn đứng về phía nhọc nhằn gian khổ. Mỉm cười hơi có phần kẻ cả, ông ấy nói, anh còn chưa biết đâu, hai trăm nghìn ở quê tôi là giá trị của hai gánh su hào đấy. Người nông dân một nắng hai sương...! Mình nín cười thầm nghĩ, đây có lẽ là câu nói có tầm tư tưởng nhất từ nãy đến giờ. Tư tưởng giai cấp. Nhưng thằng Thắng có vẻ tâm đắc với câu trả lời của họa sĩ. Chẳng biết nó tâm đắc việc họa sĩ chia sẻ với người nông dân hay kết quả của việc chia sẻ ấy. Mình chỉ thấy nếu tranh ông ấy bán bằng giá tiền của một gánh su hào thôi thì cũng không bao giờ có chuyện người nông dân dại dột mang su hào ra đổi lấy tranh. Thắng lôi mình đi xem kĩ lại một vòng nữa khắp phòng triển lãm. Nó thầm thì, vẽ thế này thì bọn mình thừa sức, thậm chí chỉ bán với giá nửa gánh su hào thôi cũng tốt lắm rồi!

Mình nhận ra ý định của nó từ hôm ấy.

 

Những gallery rầm rộ mọc lên trong thành phố. Ban đầu chỉ có vài cái của nhà nước ở khu vực Tràng Tiền, Hàng Khay. Sau lan rộng lên Hàng Đào, Hàng Gai, Lý Quốc Sư, Hàng Bông. Chưa bao giờ hội họa nhận được sự quan tâm nồng nhiệt như thế từ dân phố. Họa sĩ nhiều thế hệ nườm nượp kéo nhau ra mặt phố. Chạm mặt nhau cành cạch. Đám họa sĩ ít lời nên đã không gây ra tình trạng đố kị nhau trên mặt báo. Cũng không hẳn là họ ít lời. Chẳng qua vì được đào tạo và tiếp xúc quá sơ sài với lí thuyết nên họ chọn cách im lặng. Nhưng các phê bình gia thì không thể im lặng dù vô cùng ngỡ ngàng với những thứ mĩ học mình chưa được tiếp cận. Họ chọn cách khen tất cả. Không khó để tìm trên báo chí giai đoạn này những bài phê bình giới thiệu triển lãm mà chỉ có mỗi ngày giờ khai mạc là gần với sự thật nhất. Chỉ gần thôi chứ chưa đúng. Làm gì có cuộc khai mạc nào đúng giờ trên đất nước mình.

Nguồn: truyen8.mobi/t86731-con-mat-rong-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận