Con Mắt Rỗng Chương 9

Chương 9
Lấp chỗ trống

Chủ gallery Cây Mận tên là Toàn có cặp mắt buồn ngủ chậm chạp. Cặp mắt khiến cho bất kì họa sĩ thành phố nào gặp lần đầu cũng có chút thân thiện và tin tưởng. Thường thì các chủ gallery không tạo được ấn tượng tốt đẹp trong con mắt các họa sĩ. Nếu không luộm thuộm mè nheo chuyện giá cả thì cũng lại bí mật triển khai những công việc không đàng hoàng. Dĩ nhiên những công việc không đàng hoàng ấy được họ làm vào những ngày cuối cùng của sự nghiệp buôn bán tranh. Có thể thuê người sao chép vài bức tranh ăn khách của họa sĩ ra thành nhiều phiên bản bán với giá gốc. Bản gốc của họa sĩ luôn nằm phủ bụi ở một nơi kín đáo để trình ra cho họa sĩ biết tình hình ảm đạm ế ẩm của thị trường. Cũng có khi gọi điện cho tác giả để cò kè thêm bớt khi khách mua không trả được giá mong muốn. Thỉnh thoảng làm một vụ lớn hơn khi chuyển địa điểm và thương hiệu kinh doanh. Mất hút.

Theo hắn biết thì Toàn chưa đến nỗi như vậy. Trong lúc này. Gallery Cây Mận của Toàn vẫn là một thương hiệu nổi tiếng trong giới bán tranh đất kinh kì. Vốn tiếng Anh thành thạo và những quan hệ quen biết rộng rãi với người nước ngoài từ ngày còn làm cho tổ chức y tế thế giới WHO giúp Toàn luôn thu hút được được những đám khách ngoại quốc sang trọng khi họ có dịp đặt chân đến Hà Nội. Dịch vụ thanh toán và đóng gói chuyển phát nhanh đến địa chỉ khách yêu cầu hết sức hoàn hảo được đám khách ngoại quốc loan truyền cho nhau đầy tin cậy. Hắn không bao giờ biết những giao dịch của Toàn với các họa sĩ khác theo phương thức nào. Đó là một bí mật sinh tử của mọi gallery không cứ gì Toàn. Nhưng Toàn chấp nhận cách thức mua đứt bán đoạn với hắn. Đó là một trường hợp hiếm hoi của cả người bán và người mua. Các gallery thời non trẻ này vẫn phải sống bằng cách nhận tranh kí gửi của họa sĩ. Dĩ nhiên tranh giá rẻ. Họ không đủ tiền mua và cũng thiếu kiến thức thẩm định. Điều đó đồng nghĩa với việc tranh của họ bán ra thường phải rẻ. Và đương nhiên những họa sĩ cao giá không bao giờ gửi tranh ở đấy. Toàn mua đứt tranh của hắn với giá không cao nhưng bù lại đều đặn về số lượng. Hắn cũng đỡ nhọc công đi lại kiểm soát thành quả lao động của mình. Đó là việc hắn vô cùng ngần ngại. Kiếm tiền không xấu nhưng bằng cách ấy cũng không vẻ vang gì. Chẳng coi những thứ ấy là tác phẩm nên cũng không cần phải mất công đến thế. Hắn vẽ một tháng khoảng chục bức bán cho Toàn. Tranh bột màu và giấy dó vẽ theo lối tả thực đối với hắn hoàn toàn chỉ như những phút thư giãn kiếm ra tiền. Hắn yên tâm với công việc ấy về cả thu nhập và độ lương thiện.

Chiều thứ bảy, Toàn gọi điện hẹn hắn, anh cứ chờ ở nhà em cho xe đón, ta đến đại sứ quánMalaysiadự tiệc! Hắn ngơ ngác, tiệc gì, sao lại mời tôi? Ông đại sứ có đưa danh sách mời anh và vài họa sĩ nữa đến nhà riêng, anh cố gắng đến cho vui, ông ấy là khách hàng nhiều năm của gallery và mua khá nhiều tranh của anh đấy! Hắn ầm ừ, tôi hơi ngại vào những cơ quan ngoại giao kiểu ấy! Toàn cắt ngang, nhà riêng thôi anh, không có gì ngại cả, bọn em ra vào suốt! Hắn vẫn ngần ngại, các ông vào đấy có việc, tôi...mà thôi được, tôi sẽ đi!

Hắn ngạc nhiên khi tìm trong tủ quần áo mãi không thấy một bộ cho ngay ngắn chỉn chu. Đã quá lâu hắn không đến những nơi có qui định về trang phục ở ngay Hà Nội chứ chưa nói đến nước ngoài. Chẳng lẽ lại lôi bộ đồ cưới ra mặc. Bộ com-plê xám với đầy đủ áo sơ mi trắng và cravat chuyên dùng để treo trong tủ đã gần hai mươi năm không động đến. Vài tấm ảnh đen trắng chụp ngày cưới hắn vẫn giữ trong quyển album mỗi lần giở ra phát ngượng. Chưa có bộ quần áo nào làm hắn trở nên lóng ngóng ngớ ngẩn đến như vậy. Trông giống như vài anh MC tỉnh lẻ hoe hoét cười ở các đám cưới nông thôn bây giờ. Hắn biết không chỉ hắn mà mọi chú rể thành phố vẫn giữ trong nhà thứ trang phục ấy. Với hắn có vẻ tệ hơn. Chắc chắn không bao giờ mang ra mặc kể cả khi nếu cưới vợ khác. Nhưng kỉ niệm thì không thể vứt đi. Hắn chỉ còn biết cầu mong chúng đừng thêm lên. Kỉ niệm ấy đã lấy đi của hắn khá nhiều sức lực và chỉ trả lại cho hắn những muộn phiền.

Cuối cùng thì đành phải lựa chọn lối ăn mặc lôi thôi phớt đời với quần bò và áo khoác nhiều túi. Chẳng biết nghệ sĩ thành phố tự cho mình cái quyền ấy từ bao giờ. Hội hè tiệc tùng đình đám, thậm chí lên cả sân khấu cũng cứ mặc nhiên có cái quyền ấy. Chỉ khác ngày thường là đem chúng ra là lại cho thẳng thớm. Nhưng xét cho cùng thì người ta thường rất nghi ngờ khi một họa sĩ ăn mặc quá ngay ngắn lễ nghi bảnh chọe. Rất có thể tay ấy là một lãnh đạo văn nghệ. Hoặc chí ít cũng đang hăm hở phấn đấu vào những chức danh tương tự.

Vừa khoác xong bộ quần áo mới là còn nóng lên người đã nghe tiếng xe của Toàn sập cửa dưới nhà. Ngó ra ban công thấy bóng Toàn nhanh nhẹn mất hút vào cửa cầu thang. Thôi kệ. Đằng nào thì cậu ấy cũng lên đến nơi rồi. Hắn rất ngại khi người lạ xem những bức tranh đang vẽ dở. Trên ấy đầy rẫy những đường nét màu sắc đang ở trạng thái đắn đo lưỡng lự suy tính. Và tất nhiên nó là nội dung của rất nhiều câu hỏi người lạ sẽ đưa ra mà chính hắn cũng chưa tìm ra câu trả lời.

Toàn bước vào nhà và khá bất ngờ với bức chân dung vẽ dở, ôi, anh cũng vẽ sơn dầu ư? Hắn trầm ngâm, thỉnh thoảng nhớ nghề cũng vẽ chơi vài bức! Có thể cho em xem được không? Thôi để lúc khác đi, có vài bức tặng bạn bè mất rồi, chỉ còn lại những bức đang vẽ dở! Toàn hồ hởi, có tranh sơn dầu mới anh phải gọi em nhé, đây cũng là thứ gallery của em rất quan tâm! Hắn hờ hững gật đầu, ừ, thôi đi kẻo muộn!

Hắn và Toàn đến ngôi biệt thự trên phố Lê Phụng Hiểu vào lúc trời bắt đầu tối. Lạ lẫm như chưa bao giờ đi qua nơi này. Con phố của các cơ quan ngoại giao và lãnh đạo thành phố trước đây là nơi hắn và mọi dân thường không có việc gì ở đấy. Đi qua cũng hết sức vô tình và hãn hữu. Chỉ nhớ mang máng vài tấm biển sắt ba chân đề dòng chữ vàng trên nền đỏ “Không phận sự cấm vào” đặt rải rác trên vỉa hè. Những tấm biển hắn chẳng bao giờ hiểu rõ nghĩa là cấm vào con phố hay cấm vào những ngôi biệt thự. Cấm vào con phố thì có cách hữu hiệu hơn nhiều. Mang hàng rào sắt ra dựng như ở phố Nguyễn Cảnh Chân chẳng hạn. Cấm vào những ngôi nhà thì thật là những tấm biển thừa. Làm gì có dân phố nào rỗi hơi đi vào nhà ai chẳng cứ gì những chỗ ấy. Nhưng hắn cũng chợt nhớ ra không chỉ ở con phố này mà rất nhiều công sở và những tòa nhà khác cũng có những tấm biển tương tự. Điều đó chứng tỏ số người muốn vào những nơi mình không có phận sự gì không phải là nhỏ.

Ngọn đèn vàng ảm đạm trên hai trụ cổng ngôi biệt thự chìm trong lùm hoa giấy không đủ soi sáng con đường dẫn vào trong sân. Tưởng tượng về một anh lính gác đeo súng đứng ngoài cổng của hắn hóa ra nhầm lẫn. Không có một anh lính gác nào cả. Cũng không có tấm biển “Không phận sự cấm vào”. Toàn lái xe thẳng vào trong khoảnh sân rộng trải sỏi. Một người đàn ông châu Á nhỏ nhắn bước ra tận cửa xe nói rất sõi bằng tiếng Việt, chào các anh, anh Toàn giới thiệu đi? Toàn chậm rãi, chào ông đại sứ, đây là họa sĩ Thế Hoàng! Người đàn ông châu Á hồ hởi, chào họa sĩ Thế Hoàng, tôi là Chia Sam Kíp, cứ gọi tôi là Kíp thôi! Hắn bắt tay đại sứ. Bàn tay nồng ấm mềm mại.

Kíp dẫn hắn và Toàn vào phòng khách. Tiệc tùng đã được bày ra kín trên mặt chiếc bàn gỗ dài. Những chiếc ghế tựa chạm trổ hoa lá theo kiểu tây bọc vải trắng xếp ngay ngắn cạnh bàn. Đã loáng thoáng một vài người khách ngồi đấy. Vài người Âu đi lại ngắm nhìn những bức tranh treo kín toàn bộ quanh phòng. Hắn nhận ra vài đồng nghiệp đang ngồi ung dung nhả khói thuốc. Vẻ ung dung hơi khiên cưỡng trong những trang phục lố lăng hầm hố như càng tố cáo thêm những cử chỉ rụt rè. Họ cũng lần đầu tiên đến nơi này như mình. Lần đầu tiên hắn được tiếp cận với một bộ sưu tập tư nhân của người nước ngoài đồ sộ đến thế. Kíp dẫn hắn đi một vòng giới thiệu những bức tranh ông ấy cho là hay nhất trong bộ sưu tập. Có một vài tranh của hắn. Hai bức sơn dầu của Bùi Xuân Phái mà với con mắt nhà nghề hắn thừa biết là tranh giả. Thậm chí còn biết cả người vẽ giả. Hắn im lặng buồn bã lướt qua. Kíp mời hắn vào phòng trong chỉ lên tường, hôm mới rồi tôi vào Đà Nẵng mua được hai bức tranh này của ông! Hắn sững người nhưng kịp trấn tĩnh lại, hai bức này cũng thường thôi! Kíp cười rạng rỡ, vậy mà tôi rất thích, ở đấy có hai thứ làm tôi thích. Một là phong cảnh núi Ngũ Hành Sơn nơi tôi có dịp làm việc trong hai tuần, hai là bức tranh do ông vẽ. Những hòa sắc quen thuộc của ông làm tôi nhận ra ngay! Hắn chợt thấy đắng ngắt. Bức tranh là giả. Hắn chưa bao giờ vẽ phong cảnh ấy và lại càng chưa bao giờ gửi bán tranh ở đấy. Nhưng không thể tiết lộ điều đó với ông đại sứ. Chuyện đó có thể rất nghiêm trọng. Ảnh hưởng đến cả những thứ lớn hơn nghệ thuật chứ chẳng chơi. Hắn lờ mờ nhận ra một tương lai ảm đạm cho sản phẩm mĩ thuật bình dân. Sẽ chẳng thể giấu diếm những chuyện như thế này mãi mãi.

Hắn quay ra phòng khách ngồi xuống cạnh mấy đồng nghiệp. Vài người xúng xính trong những bộ com-plê trông rất tức cười. Nhìn vào kiểu cách của nó ta có thể đoán chính xác chủ nhân cưới vợ vào năm nào dù tất cả hầu như còn mới nguyên. Hắn thấy mình thật sáng suốt. Đỡ phải trả lời những câu hỏi khách sáo kiểu như “Vợ con thế nào...Lớn nhất lớp mấy, chuẩn bị cho đi du học chưa...”. Thế nhưng vẫn phải trả lời những câu hỏi khách sáo khác. Lâu quá không thấy ông tái xuất giang hồ, có còn vẽ đều không? Chẳng bao giờ gặp ông ở các cuộc khai mạc triển lãm, có giận dỗi gì anh em không đấy? Dạo này có còn uống được không, có mấy quán rượu mới mở không thấy ông đến? Hắn có thừa kinh nghiệm để trả lời cùng lúc những câu hỏi tương tự. Bằng một nụ cười và những cái gật đầu. Câu hỏi của họ cũng đã là câu trả lời rồi. Hắn vẫn vẽ đều. Cũng hơi chán nản anh em về chuyện sục sôi kiếm tiền và mua sắm phô trương. Những quán rượu sang trọng mới mở hắn đều biết cả nhưng không bao giờ vào vì không thích cả cách uống lẫn những người uống ở đấy. Không thấy hỏi gì thêm nữa có nghĩa là họ đã bằng lòng với câu trả lời không thành tiếng của hắn.

Bữa tiệc bắt đầu bằng những chai Whisky Johny Walker. Hạng phổ thông Red Label. Kíp là một đại sứ lịch lãm dễ mến và có vẻ như khá am hiểu ViệtNam. Ông giơ cao li rượu của mình nói một câu tiếng Việt lưu loát, li đầu tiên gọi là chào mâm phải không, ta cạn trăm phần trăm nhé! Mọi người cười vui vẻ cùng đứng lên chạm cốc. Cạnh hắn là họa sĩ Hưng khá lớn tuổi kín đáo san bớt rượu sang chiếc cốc hắn đang cầm trên tay, ông phải giúp tôi một chút, tôi chỉ có thể uống tổng cộng số rượu này trong cả bữa với điều kiện nhâm nhi! Hắn cười, đỡ tốn kém quá bác nhỉ, chẳng bù cho em!

Rượu dễ uống và đồ ănMalaysiakhá ngon. Những món nướng đậm đà cay cháy lưỡi. Đùi gà rán nhập từ Thái Lan về trăm cái như một chấm thứ nước sốt đặc sánh trung tính Á Âu béo ngậy. Tôm nướng ngũ vị, cá cuộn nấm nướng cay chấm những thứ nước sốt có hương vị riêng biệt. Cách vài đĩa lại đặt một bát ớt chỉ thiên xanh ngắt. Đại sứ Kíp giới thiệu nhiều món trong dịp lễ Ramadan ngườiMalaysiachỉ ăn vào lúc mặt trời lặn. Hắn đùa, theo tôi biết thì không chỉ tháng Ramadan mà ngay cả ngày thường người theo đạo Hồi cũng không uống rượu! Kíp cười, rất may là tôi không theo đạo Hồi, tuy nhiên nếu ở quê nhà thì cũng vẫn phải tôn trọng số đông. Không thể uống rượu ở nơi công cộng!

Họa sĩ Hưng ghé tai hắn thầm thì, cay quá, tớ chảy hết nước mắt! Hắn chỉ cho Hưng bát cháo Bubu lambok, bác xơi món này có lẽ hợp, lúc nãy thấy ông Kíp giới thiệu đây là món cháo được nấu bằng khoai lang, tôm, thịt bò và các loại thảo mộc! Hưng rụt rè múc một thìa nếm náp thử, vẫn cay ông ạ! Hắn phì cười nhớ đến cô vợ vài năm trước đi cùng hắn sang Thái Lan du lịch theo tour. Cô ấy cả ngày nằm khoèo trên tầng mười sáu khách sạn xem TV. Đến bữa xuống nhà mua sắn luộc và vài quả ổi lên dằn bụng. Chẳng thể ăn được thứ gì vì quá cay và cái mùi dầu dừa ngai ngái khen khét trong các món rán khiến cô ấy có cảm giác như đang chén một bánh xà phòng. Cuộc du lịch là quá đắt với chi phí 150 USD cho một ngày sắn luộc ăn


với TV.

Tiệc tan, Toàn đưa hắn về. Lúc ngồi trên xe hắn đã định nói với Toàn điều mình nhìn thấy ở bộ sưu tập của ông đại sứ. Nhưng chợt kìm lại được. Chẳng có lí do gì một người sành sỏi bán buôn như Toàn lại không biết chuyện ấy. Cậu ta không nói ra chỉ có thể hiểu bằng một cách mà thôi. Đồng lõa. Và thực ra thì tranh pháo bày bán trong các gallery vẫn chỉ ở đẳng cấp một sản phẩm mĩ thuật. Hô hoán lên việc tranh giả tranh nhái cũng là một cách chứng minh đẳng cấp của mình.

Mình và hắn va chạm gay gắt trong chuyện vẽ tranh chợ. Cả hai đều có lí. Hắn có quá nhiều trách nhiệm với mọi người kể cả mình. Vả lại việc hắn làm không thể gọi là khuất tất. Chỉ là không chường mặt ra khoe khôn với thiên hạ mà thôi. Ngay đến những bậc thày lẫy lừng Nghiêm, Liên, Sáng, Phái vẫn phải có giai đoạn vẽ tranh bán ở cửa hàng souvenir mậu dịch nhiều năm. Ngày ấy các cụ vẫn gọi là “Tranh xú”. Đúng cả nghĩa tiếng tây lẫn tiếng Việt. Mình thì thấy rằng hắn chiếm quá nhiều thời gian. Đối với hắn thì vẽ những tranh mang bán đơn thuần chỉ là công việc buộc phải chiếm một khoảng thời gian nhất định. Hoàn toàn không phải nghĩ ngợi tìm tòi gì. Nhưng những kĩ năng của việc vẽ tranh chợ phần nào ảnh hưởng đến mình rất rõ. Chỉ lơ là một chút thôi, bàn tay quen việc lại tự động hoàn tất những công đoạn trên tranh một cách thuần thục thiếu cảm xúc. Và điều đó tiếc thay mình lại chỉ nhận ra khi đã dừng tay bút.

Phần thời gian còn lại của mình rất ít để làm được một việc gì đó trọn vẹn liên tục. Mình tin rằng nếu đủ thời gian và tâm trí tập trung cho sáng tác thì chắc chắn sẽ làm được gì đó giá trị. Nhưng bây giờ mình đang yếu thế. Những thứ định làm và đang làm hiện chưa có bất cứ giá trị gì cả. Giá trị của mình bây giờ chỉ là xâm phạm vào giá trị của hắn.

Đã ba ngày liền mình tranh thủ những lúc rỗi rãi ngồi hoàn thiện bức tranh chân dung Thu. Vừa vẽ vừa vỡ vạc ra rất nhiều điều sau buổi cuối cùng Thu ngồi làm mẫu. Buổi sáng hôm ấy mình chỉ làm việc trên những phần diện tích rất nh của mặt tranh. Gương mặt và đôi bàn tay. Thu đã thay bộ quần áo mặc hôm trước. Sơ xuất ấy là tại mình. Một người mặc bộ quần áo cả tuần chẳng bao giờ tưởng tượng ra việc phải thay bộ quần áo vừa mặc hôm qua. Và với một đàn bà thì từ cổ chí kim không ai là người không thích ăn diện. Vậy là Thu đến với nét mặt hết sức vui vẻ kiêu hãnh khi khoác một bộ đồ mới tinh với hòa sắc bổ túc tương phản đến hết mức. Áo thun dài tay màu vàng cam bên trong chiếc áo khoác tím than nhằng nhịt những túi những khuy. Chiếc quần lửng bó sát để lộ bắp chân trắng ngần thon thả. Mình lập tức bị cuốn hút vào đôi bắp chân ấy và chiếc áo thun vàng cam chói lọi. Không dám thắc mắc gì. Cố gắng giữ thái độ điềm tĩnh ngồi chỉnh trang lại khuôn mặt và đôi bàn tay trên tranh. Rất vô tình, mình đã đẩy sâu hình khối và ánh sáng trên gương mặt đến mức quá đà. Những va đập phản chiếu về màu từ bộ quần áo mới nàng mặc hôm nay đã cho phần da thịt lộ ra một sắc thái khác thiên về hòa sắc nóng và tươi vui. Mất đồng bộ với áo quần trong hòa sắc dịu nhẹ mơ màng đã được ấn định từ hôm trước. Lúc nhận ra thì đã quá muộn. Chán nản, mình buông bút thừ người. Thu rời đi văng ra đứng cạnh mình suýt xoa, hôm nay em thấy gương mặt và đôi bàn tay thật nổi! Nàng cũng vô tình đọc ra những thay đổi ấy khiến mình càng thấm thía thất bại. Nhưng vẫn cố giấu diếm, chắc còn phải chỉnh lại khá nhiều nữa đấy! Thu ôm chặt lấy mình thủ thỉ, nghệ sĩ các anh buồn cười nhỉ, thế mà trước đây em đã tưởng tượng rằng khi họa sĩ vẽ người mẫu nữ thì chuyện vẽ vời chỉ là hết sức phụ!

Hắn lắp bắp, ừ, phụ, rất phụ, bây giờ mới là việc chính! Hắn bế bổng Thu bước nhanh vào buồng trong. Nhẹ nhàng đặt nàng xuống gối bằng một cái hôn dài. Đầu lưỡi nàng liến thoắng trong miệng hắn râm ran nhoi nhói. Bàn tay nàng thoăn thoắt những thao tác quen thuộc giúp hắn thoát ra khỏi bộ quần áo làm việc lem nhem màu sơn. Chẳng biết ông trời cho hắn những thế mạnh nào mà hầu như luôn luôn gặp được những đàn bà nồng nhiệt đến thế. Danh tiếng của hắn trong làng nghệ thuật chỉ ở mức tầm tầm tạm gọi là được biết đến. Tiền bạc nhà cửa cũng dưới mức trung bình. Cả đến cái vẻ ngoài lãnh đạm không háo hức với một số đo cơ thể lẫn vào muôn triệu cũng không thể gọi là thứ hấp dẫn đàn bà. Nhưng những đàn bà đã gặp hình như đều muốn bù đắp cho những thiếu hụt ấy của hắn. Có vài người nổi tiếng hơn hắn rất nhiều. Cũng có người giàu có sang trọng học thức đầy mình. Và cả những đơn thuần nhan sắc như Thu.

Nàng cuống quít vứt bừa chiếc áo khoác xuống dưới chân giường. Chui đầu ra khỏi chiếc áo thun vàng cam chói lọi. Chiếc áo nịt đen gần như trong suốt tuột dây xuống bên vai quay một vòng gọn ghẽ từ trước ra sau. Móc áo rời ra thả tự do xuống sàn nhà như một con dơi nhẹ nhàng hạ cánh. Vùng ngực trắng đầy đặn ùa ra tức thở. Chiếc bụng thon trên vùng hông nở rộng ùa ra tức thở. Hắn chìm vào miên man bất tận một mùi hương sung mãn...

Đến cuối buổi chiều ngày thứ ba loay hoay bên bức chân dung, mình nhận ra nó đã thay đổi hoàn toàn so với ban đầu. Cả hòa sắc hình khối và ánh sáng. Gương mặt và đôi bàn tay sửa lại hôm thứ hai có Thu ngồi làm mẫu đã chi phối hòa sắc lên toàn bộ những gì còn lại. Phải chỉnh sửa tăng thêm thành phần nóng đỏ trong những sắc xanh dịu mơ màng. Màu blue nước biển trên chiếc áo sọc ngang cũng phải chuyển sang xanh tím câm lặng. Phần nền ghi xám lạnh chiếc đi văng phía sau cũng phải đổi thành màu ngà ấm áp. Và dĩ nhiên, cảm xúc hối hả ban đầu cũng biến mất. Thay vào đó là một bức vẽ có phần hà khắc khúc chiết. Cái bẫy tròn trịa trường qui lại một lần nữa sập xuống dù mình đã cố ý đi con đường vòng tránh xa nó. Mình nhớ đến thằng bạn học vẽ tên là Ngọc ngày xưa với câu nói nổi tiếng “Quan trọng là phải biết dừng ở đâu”. Tất nhiên ngày ấy nó làm cho cả lớp phì cười về những bài hình họa luôn “dừng” ở thang điểm hạng bét. Và cũng không thể ngờ khẩu hiệu ấy cũng không được chính nó giữ làm bảo bối hành nghề nữa. Từ ngày ra trường cho đến nay nó vẫn đang vẽ dở một bức tranh chưa có điểm dừng. Bức tranh vẽ cây cầu Thăng Long thắm tình hữu nghị khi đang đổ móng trụ cột thứ hai bên tả ngạn Sông Hồng. Đó là bài thi tốt nghiệp đỗ vớt và cũng là tác phẩm duy nhất của nó cho đến tận bây giờ. Và bức tranh của nó đã tìm được điểm dừng. Giá như bức chân dung Thu của mình dừng lại ngay từ buổi vẽ đầu tiên có lẽ tốt hơn thế. Nhưng làm sao mình biết được hình dạng của con đường khi chưa đặt chân lên nó. Làm sao hội họa có thể viễn kiến bay bổng như thơ ca được. “Bỗng dưng nhớ thật nhớ thà/ Nhớ con đường chẳng đi qua bao giờ.” (Thơ Nguyễn Duy).

 

*

 

Những cơn gió lạnh thổi ra từ mặt hồ Bảy Mẫu trùm lên hàng cây xà cừ ven đường. Những chiếc lá bạc trắng xoay tròn rụng xuống. Cảm nhận về một hồ nước rất gần chỉ có vào những buổi tối mùa đông. Khi những đợt gió mùa tràn qua hồ nước phả lên con đường giá rét trong hơi ẩm. Mùi dạ lan thoang thoảng từ trong Quán Gió lênh đênh bí ẩn nao lòng. Hắn cho xe chạy thật chậm trên quãng đường trước cổng công viên Thống Nhất. Giật mình nhớ ra lần cuối cùng bước chân vào công viên cũng đã hơn hai chục năm. Chia tay Thúy ở chính cái cổng này. Mỗi đứa âm thầm đi về một hướng. Để từ đó không bao giờ gặp lại nữa. Thật lạ là cùng ở trong một thành phố nhưng suốt hơn hai mươi năm chỉ có một lần duy nhất hắn suýt chạm mặt Thúy trong khách sạn. Kể từ đó cho đến lúc cô ấy bị đi tù về tội tổ chức môi giới mại dâm hắn không còn nghe thấy tin tức gì nữa. Người thành phố chỉ cần có ý định không gặp ai nữa là hầu như chẳng bao giờ giáp mặt kể cả ở trên đường.

Những cơn gió lạnh làm cho thần trí hắn tỉnh táo lại sau suốt một ngày đánh vật với bức chân dung Thu. Giờ thì hắn đã hiểu vì sao bức tranh ấy không được thành công như ý muốn. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên hắn đã không hề để tâm quan sát gương mặt một cách có chủ đích. Gương mặt ấy hoàn toàn mờ nhạt trong t rí nhớ của hắn và bị những hình ảnh một cơ thể bốc lửa luôn chen vào ở khoảng cách rất gần. Trùm lợp. Phủ kín. Ngồi tưởng tượng ra gương mặt ấy giữa một ngồn ngộn xác thân là điều bất khả. Hắn nhận ra rằng khi cố công ngồi vẽ bức chân dung Thu cũng là cố làm một điều không thật thà với cảm xúc của mình. Nó không thất bại mới là chuyện lạ. Điều dại dột này phải được chấm dứt ngay lập tức. Thật ngớ ngẩn khi loay hoay ngồi vẽ một thứ rõ ràng mình chẳng mấy quan tâm. Vẻ đẹp làm hắn quan tâm ở Thu lồ lộ nằm ở ngay hình hài vóc dáng. Hắn tự trách đầu óc tăm tối của mình đã không biết cách khai thác chính ngay niềm hoan lạc xác thân ấy để biến nó thành tác phẩm. Hắn hình dung những cảm xúc sẽ ào ạt đến khi đưa từng nhát bút lên phần cơ thể lồ lộ của Thu trong những bức tranh sắp tới.

Giải thoát khỏi những day dứt trong đầu, vui chân hắn phóng thẳng lên quán rượu. Thằng Quân và thằng Thắng đã ngồi đấy từ chiều. Thấy hắn, cả hai thằng ồ lên mừng rỡ, đi đâu mà lâu quá không thấy ra quán, em Thu độ này sao rồi! Hắn tếu táo, chưa cưới! Thằng Thắng cười toe toét, các ông sướng thật đấy!

Vẻ mặt thằng Quân hôm nay khá vui vẻ không còn bí rị như hôm rủ hắn đi uống rượu trên quán “Quê ta” nữa. Mừng cho nó. Hắn nâng li chạm với hai thằng, còn được vui vẻ như thế này thì ai cũng sướng! Hết hai tuần rượu, câu chuyện lại chảy ngược vào bên trong từng người như cuộc rượu nào cũng thế. Hắn chỉ biết rõ niềm vui của mình và ngồi nhấm nháp nó. Hai thằng bạn rượu chắc chắn cũng đang có những niềm vui khác không muốn chia sẻ. Dĩ nhiên chẳng ai muốn hỏi han quá kĩ về những niềm vui của nhau. Hắn rất quí độ lịch lãm của mấy thằng bạn rượu này và tin chắc họ cũng quí hắn vì cùng một nguyên nhân.

Nhiều nhà máy xí nghiệp trong thành phố âm thầm biến mất. Thay vào đó là những cao ốc siêu thị, chung cư, văn phòng. Đã tưởng rằng mở ra một thời kì đầy tiềm năng cho việc tiêu thụ những sản phẩm mĩ thuật nội địa. Nhưng hình như không phải thế. Tính toán của các nhà đầu tư vẫn luôn là phép tính lợi nhuận. Họ không chi phí quá nhiều cho việc làm đẹp bằng những thứ đắt tiền như tranh tượng. Chỉ mua vài bức tranh rẻ tiền để treo vào những nơi quá trống trải. Kể cả khi được dùng vào việc ấy thì tranh tượng Việt Nam vẫn bộc lộ chính mình. Nhỏ nhoi lạc lõng trong những kiến trúc khổng lồ hiện đại. Thường chỉ như một bức tranh nhỏ được phóng to ra để lấp vừa chỗ trống.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t86736-con-mat-rong-chuong-9.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận