Con Mắt Rỗng Chương 6

Chương 6
Hắn ngủ vùi sau bữa rượu trưa ngoài quán cá bờ sông cùng với mấy người khách miền nam.

Cũng là chỗ quan hệ công việc. Vài năm mới gặp một lần. Họ là đại diện của công ti sách tư nhân “Mây trắng” hắn đã nhiều năm cộng tác. Thân thuộc đến mức có khi họ còn tự ý cho họa sĩ của mình trình bày bìa sách và đề tên hắn lên trang cuối. “Trình bày bìa: Họa sĩ Thế Hoàng”. Có nhiều nơi tự ý làm như vậy. Nhưng chỉ có “Mây trắng” là thỉnh thoảng còn cử người ra gặp hắn. Không hẳn là xin lỗi. Cũng chẳng trao tiền nhuận bút. Họ có cách thức giao dịch đúng như lối làm ăn nhỏ lẻ tư nhân hiệu quả mà không ồn ào. Và thực ra số tiền họ bỏ ra mời hắn đi nhậu còn gấp mấy lần nhuận bút. Không khó để nhận ra ý đồ của những cuộc nhậu như vậy. Nó nói với ta rằng: lần sau rất có thể chúng em lại làm thế. Chẳng chấp làm gì. Cầm mươi quyển sách trên tay thể nào cũng phải có quyển ghi tên người trình bày là Thế Hoàng dù hắn chẳng đụng bút vào. Vậy là hắn đã được quảng cáo không công. Vậy là thương hiệu của hắn ngày càng vững chắc trong giới đồ họa sách báo.

Rượu whisky Gold Label gần triệu đồng một chai. Bốn người cưa hết một cặp. Cái lối uống rượu của mấy anh hai Sài Gòn pha thêm nước đá không bao giờ là đối thủ của hắn. Chỉ cần họ mềm lòng một chút thôi là thể nào hắn cũng mời được mỗi người vài cốc nguyên chất. Sau những cốc rượu nguyên chất choáng váng bao giờ không khí bàn tiệc cũng sâu lắng âm trầm được vài chục phút. Đủ thời gian cho hắn lấy lại cân bằng. Nhưng họ thì không. Hết hai chai rượu với món cá lăng nướng béo ngậy đã thấy một người biến ngay bàn ăn thành chiếc gối gục đầu xuống ngủ. Một người mất tích trong toilet nhà hàng rất lâu mà ai cũng biết cậu ấy vào đấy để làm gì. Còn lại hắn với cậu phó giám đốc phụ trách PR công ti vâm váp bụ bẫm như một chú voi non ngồi lại. Hắn quyết định tung ngón cuối cùng. Gọi phục vụ mang ra mấy chai bia Pilsner. Hai anh em mình uống cho đỡ háo nhé? Cậu phó giám đốc đờ đẫn gật gù, vâng, trăm phần trăm đi anh! Với hắn thì đúng là chữa lửa bởi từ nãy đến giờ uống toàn rượu nguyên chất. Nhưng với cậu phó giám đốc thì là quá sức nếu chỉ tính riêng hai xô nước đá đã chui vào bụng từ nãy đến giờ. Hắn cạn cốc và nhanh tay rót sang hai chai mới. Bia Pilsner Urquell sản xuất tại Cộng hòa Séc là thứ ngon nhất bây giờ trong các nhà hàng. Vị thơm ngậy và chất bia sánh đặc vô cùng quyến rũ lúc chưa uống rượu nhưng khi đã tầm tầm whisky thì lại ngăm ngăm vô cùng khó nuốt. Hết cốc thứ hai hắn cũng xây xẩm mặt mày.

Phó giám đốc “Mây trắng” ngập ngừng đưa cốc lên miệng. Cốc bia sủi bọt trắng chao đảo chập chờn đúng như tên gọi của công ti. Chưa hết nửa cốc, cậu ấy cấp tập trả bia về chỗ cũ và hơn thế. Lần lượt mấy chiếc bát đựng canh to tướng trên bàn. Rồi đến chiếc xô bạc đựng đá có quai xách được trưng dụng. Với thể hình như cậu ấy thì đáng ra xô đá phải to gấp đôi như thế mới không bị tràn ra ngoài.

Hắn chẳng thể nhớ mình đã leo lên ba tầng gác bằng cách nào. Giấc ngủ ập đến ngay sau khi sập cánh cửa căn hộ. Lâng lâng theo trí nhớ lần vào buồng trong đổ người xuống đệm. Thực ra thì hắn đã làm một giấc ngắn trên taxi rồi. Khoảng thời gian rời taxi leo cầu thang lên nhà cũng không hẳn là thức. Hắn đi bằng cách đếm bậc trong đầu. Cứ hết mười một bậc là đến một chiếu nghỉ. Đến chiếu nghỉ thứ tư là rẽ tay phải vào căn hộ nằm cuối hành lang.

Có tiếng gõ cửa cộc cằn gấp gáp. Không phải tiếng gõ của Thu mọi ngày. Hắn lơ mơ hé mắt nhìn đồng hồ. Đã hơn bốn giờ. Tiếng gõ cửa mạnh hơn. Giống như tiếng gõ của tay tổ trưởng dân phố. Chắc cũng chỉ vài chuyện quyên góp từ thiện mùa bão lụt mà thôi. Mùa bão còn dài. Chẳng đóng góp cho cơn bão này thì bão sau sẽ đóng. Hắn vùi đầu vào gối toan ngủ tiếp.

Nhưng có tiếng gọi ông ổng ngay ngoài hành lang, Hoàng ơi Hoàng ơi! Giọng ồm ồm của thằng Quân không lẫn vào đâu được. Hắn vùng dậy chạy ra mở cửa, gớm nhỉ, hôm nay rồng đến nhà tôm! Quân day ngón tay lên mặt chỉnh lại cặp kính cận dày cộp, rồng rắn gì đâu, gọi điện cho ông mãi không được! Sao trông mặt bơ phờ chán hoét thế kia? Hắn mở rộng cánh cửa. Quân bước vào ngồi xuống chiếc ghế đơn bộ xa lông, định gọi ông đi uống rượu thôi! Sớm thế, tôi vừa tan cuộc trưa! Hơn bốn giờ rồi bố ạ, hôm nay tôi chỉ muốn ngồi với mình ông ở một quán khác! Hắn ngại ngần, hay là ngồi ngay đây, lần đầu tiên ông đến nhà. Rượu ngon và đồ ăn nguội lúc nào chả có! Quân đắn đo, ngồi nhà sợ ông có khách bất tiện! Không khó để hắn nhận ra Quân lúc này cũng đã có tương đối rượu trong người. Nét mặt thảng thốt ánh lên màu xanh ngăm ngăm vỏ bưởi. Nước da trải qua giai đoạn bì nhám cứng căng đã xuội xuống vô hồn. Cái miệng rộng tham lam giờ trễ xuống như hờn giận.

Tiếng chuông điện thoại di động reo ba hồi trong buồng rồi lịm tắt. Hắn chạy vào lấy máy. Thu gọi. Có đến ba cuộc gọi nhỡ của thằng Quân. Hắn bật máy gọi lại cho Thu, vừa gọi anh phải không? Vâng, em định đến nhưng còn sớm quá sợ anh đang làm việc! Hắn nháy mắt ra hiệu cho Quân, anh không làm việc nhưng đang phải đi với anh Quân, lúc nào về anh gọi em nhé! Vâng ạ!

Nếu không có thằng Quân nhắc nhở thì hắn đã quên đi hai từ “khách khứa” từ rất lâu rồi. Tất cả mọi gặp gỡ trao đổi đều diễn ra ở nơi khác. Hắn không muốn ai có mặt ở nơi chốn cuối cùng riêng tư này. Kể cả bạn gái. Gần đây chỉ có Thu là ngoại lệ nhưng cũng hãn hữu. Gặp một đàn bà bây giờ không nhất thiết còn phải đến nhà nhau. Ở nông thôn cũng thế và thành thị cũng vậy. Thiếu gì chỗ.

Hắn mỉm cười, ông thiêng thật đấy, sợ có khách y như rằng có. Chờ tôi một phút thay quần áo rồi mình đi vậy! Quân trố mắt, tôi nghĩ ông đã thay quần áo rồi! Hắn lóng ngóng nhìn xuống bộ quần áo xộc xệch, ừ nhỉ! Vẫn nguyên chiếc áo bò ngắn tay và quần túi hộp mặc đi từ sáng. Chỉ cần vuốt lại cho thẳng thớm. Đi uống rượu với thằng Quân chẳng cần cầu kì trang phục. Nó cũng thế. Thậm chí còn úi xùi hơn mình. Chiếc quần bò bạc phếch cùng với áo phông in hình quảng cáo của một hãng đồ điện nhàu nát quăn queo. Câu slogan nguệch ngoạc “Lựa chọn của tương lai” in trên ngực áo làm hắn suýt bật cười. Nó đúng với nghĩa phản tuyên truyền khi có mặt ở đấy. Thật ngạc nhiên khi công việc hàng ngày của nó lại là chỉnh trang sắp đặt trưng bày những hiện vật quí hiếm trong một bảo tàng quốc gia. Trông cách ăn mặc của nó thật kém tin cậy về thẩm mĩ. Nhưng nhà nước chưa có qui định trang phục cho loại công chức mĩ thuật lao động chân tay này.

Quân chở hắn trên chiếc xe máy SH thời trang. Chiếc đệm xe cao vống thích hợp với nam thanh nữ tú bao nhiêu thì lại bất tiện với tửu đồ uể oải bấy nhiêu. Ngồi trên đệm xe cao chới với như ngồi trên chiếc thuyền tròng trành đầy bất trắc không thể kiểm soát. Hắn bảo, sao không kiếm chiếc xe nhỏ nhẹ đi uống rượu cho đỡ cồng kềnh? Quân làu bàu, tôi cũng rất ghét cái xe này nhưng hàng ngày vẫn phải chở vợ đi làm, nó không chịu ngồi xe xấu!

Ngã tư Kim Liên-Giải phóng tắc đường. Cái hầm đường bộ dài hơn trăm mét xây dựng gần mười năm chưa xong. Chẳng biết vì lí do gì. Có thằng bạn làm bên xây dựng nói rằng tiền đầu tư cứ cho vào ngân hàng. Ngần ấy thời gian sinh lãi gấp đôi so với việc mang tiền ra công trường. Vừa lo quản lí nhọc công lại còn phải đương đầu với nhiều rủi ro không biết trước. Đó là lí do mọi công trình trên đất nước luôn chậm tiến độ. Hắn chẳng tin. Nhưng kể ra cũng có lí.

Hai dòng người như thác lũ tràn vào nhau rối loạn. Luồn lách một hồi mở mắt trông lên hóa ra đã rẽ sang con đường Đại Cồ Việt bên phải. Không phải con đường định đi nhưng chẳng còn cách nào khác. Con đường “đi” những bánh xe.

 

Quân đưa hắn lên quán rượu “Quê ta” gần nhà tang lễ thành phố. Chiều muộn vẫn còn nghe văng vẳng tiếng kèn ai oán của một đám ma khuếch đại qua máy tăng âm của nhà tang lễ. Người thành phố vài năm nay đã không còn nhiều lựa chọn giờ giấc cho đám ma của thân nhân mình. Các thầy cúng xem ngày cũng phải điều chỉnh khá nhiều thể thức và luôn đưa được ra giờ giấc phù hợp với khả năng của nhà tang lễ. Đám ma vì thế diễn ra vào buổi trưa và chiều tối là chuyện bình thường. Người đi viếng vào nhầm đám khác cũng là chuyện thường. Người đến viếng một lần cho hai đám ma cũng là chuyện thường. Nhưng nỗi buồn dai dẳng ỉ ôi suốt ngày đêm của cư dân những con phố lân cận nhà tang lễ bắt đầu từ mồng 2 tết âm lịch cho đến tận giao thừa năm sau mới là chuyện bất thường. Làm thế nào để bền bỉ sống ở một nơi suốt ngày có tiếng kèn đám ma đưa tiễn thúc giục? Sống trong niềm tiếc thương triền miên vô hạn?

Quán đông nghịt người. Vài cậu bé mặc quần áo cổ trang nông dân cắt tóc móng lừa nhí nhách chạy như chuột suốt ba tầng nhà trông khá vui mắt. Hắn và Quân tìm vào một chiếc bàn nhỏ trong góc phòng tầng hai. Cậu bé tóc móng lừa đứng bên cửa đưa cho họ chiếc túi ni lông cũ bẩn, các bác cho giầy vào túi mang lại chỗ ngồi cất xuống gậm bàn, ở đây đông khách hay nhầm lẫn lắm!

Chiếc kỉ tre thấp tè đặt giữa hai tấm đệm cói cũng chỉ vừa chỗ cất túi giày. Hắn và Quân ngồi đối diện khoanh chân vững chãi. Cũng không còn nhiều dân phố có thể ngồi trong tư thế ấy suốt một cuộc rượu trừ những tay bợm nhậu hàng ngày lê la quán xá bình dân. Chú thiếu niên tóc móng lừa khác trong bộ cánh cũn cỡn mang đến đặt lên bàn một bình nhựa đựng nước ngô luộc. Cũng chẳng phải ngô luộc. Khi bước chân vào hắn đã để ý thấy mấy bao tải râu ngô loi phoi dựng dưới gầm cầu thang. Nhìn cậu bé thấy một vệt xanh mờ ria mép chưa cạo trên gương mặt già dặn trước tuổi, hắn đùa, có người yêu chưa? Cậu bé lễ phép, tết này cháu về quê cưới vợ! Quân căn vặn, cưới xong có lên làm việc tiếp tục không? Bác đùa, cháu đến tuổi hưu rồi, ở đây chẳng có đứa nào quá mười lăm tuổi, cháu mười bảy! Hắn lầm bầm, về hưu mới lấy vợ, tuổi lao động kì quặc nhất thế giới, vậy mà chưa lọt vào sách kỉ lục!

Rượu thuốc đựng trong chiếc be gốm Bát Tràng vẽ hình hai ông tiên ngồi đối ẩm tròn xoay một đống trông giống hai con ếch chuẩn bị tranh mồi. Nét vẽ lơ là vụng dại như chỉ để cho có. Rất khó nhận ra hồn cốt lẫy lừng một làng gốm ven sông Hồng ở màu men chàm tái thâm và xương đất dở sống dở chín bồm bộp không tiếng kêu. Cơn lốc đồ gốm Trung Hoa kéo về theo đường tiểu ngạch hình như không chỉ xóa sổ một làng gốm Bát Tràng. Suốt trên những con đường qua các địa danh gốm sứ một thời Hải Dương, Đông Triều, Móng Cái bây giờ cũng bày bán tràn lan đồ gốm Cảnh Đức Trấn giả do những lò gốm địa phương khác ở Trung Quốc chế tạo. Màu men tươi mới như sơn xì ô tô. Hình vẽ dán đề can nghìn cái như một. Và tất nhiên, giá rẻ. Người Trung Quốc hình như cũng đang cố gắng tiêu diệt truyền thống gốm sứ lâu đời của mình.

Quân rót rượu ra hai chiếc chén sành hạt mít. Một thứ chén giả màu đất đỏ Giếng Đáy hình như ở vùng Quế Quyển HàNamsản xuất. Xương cao lanh trắng tráng đất đỏ làm men. Màu rượu đỏ kè lẫn vào màu chén. Chất rượu chan chát cay nồng mùi sâm đại hành. Thật xứng với tên gọi “Tỏi Lào” người miền trung hay nói thế. Hắn cầm tờ thực đơn ép plastic in trên giấy gió sờn mép chăm chú đọc. Quân gạt đi, ở đây chỉ có đặc sản thịt nhái thôi, chẳng cần gọi thì họ cũng mang lên đủ, những thứ không phải nhái mới cần gọi! Hắn tìm ra món nộm hoa chuối ở dòng cuối cùng tờ thực đơn. Đã toan gọi nhưng Quân vẫn lắc đầu, nộm hoa chuối trộn da nhái xào sẽ là món người ta mang lên đầu tiên!

Cậu bé có hàng ria mép xanh mờ một tay giơ cao quá đầu nâng chiếc mẹt nhỏ luồn lách vượt qua hai dãy bàn từ cửa vào đến bàn của họ. Hạ chiếc mẹt xuống bàn, cậu thong thả giới thiệu, đây là món “nhái thể hình”, món chả nhái băm viên, món nhái nướng lá lốt, nộm da nhái và bánh đa vừng. Các bác cần thêm gì cứ gọi cháu! Hắn đùa, vợ sắp cưới có đây không, gọi lên cho các bác xem mặt! Ối giời, vợ cháu chỉ nghe kể lột da rán giòn là đã chết khiếp!

Đúng là chết khiếp. Món “Nhái thể hình” lột da rán cả con bày lên đĩa vẫn còn cố gắng co duỗi đôi chân đạp vu vơ lên trời cho đến lúc nguội hẳn. Những miếng da nhái chấm xanh chấm vàng bé tí lẫn trong đĩa nộm như có vài con nhái sống ẩn mình trong ấy. Nhưng mà ngon. Chiêu một ngụm rượu, nhấm nháp mẩu bánh đa vừng với nộm hoa chuối. Đủ cả mặn ngọt chua cay giòn béo. Lúc vừa nghiêng chiếc be Bát Tràng rót ra hắn đã không chắc mình có thể uống được thứ rượu này sau khi vừa thưởng thức một chầu whisky đến độ. Nhưng bây giờ thì khác. Những đồ ăn này mới là thứ không thể uống whisky được. Cả hai uống chậm rãi nhìn ra khung cửa sổ. Những cây bàng già u sần thương tích giấu dưới tán lá xanh rợn phía bên kia đường. Vài cửa hiệu đồ điện chăng dây đèn nhấp nháy dưới những mái hiên di động vươn dài ra hè phố. Tầm nhìn bị chặn lại bởi bức tường đá dốc dẫn lên cầu Long Biên dành cho xe lửa. Bóng chiều đã khuất sau màu xám lạnh những viên đá hộc. Tự nhiên hắn nhớ đến bức tường đá nhà tù Hỏa Lò có cùng một cách thức xây dựng. Nhớ đến hình ảnh anh công an áo vàng đội mũ gắn sao im lìm đứng trong vọng gác quây lồng sắt tít trên cao bốn góc tường. Những gương mặt trẻ măng đã sớm có cái nhìn nghiêm khắc vượt xa lứa tuổi. Mới đấy mà nay đã trở thành kỉ niệm mất rồi.

Hết be rượu thứ nhất, Quân bè nhè, Hoàng này có lẽ sắp tới tôi phải li dị con vợ! Hắn ngạc nhiên, làm gì mà đến mức ấy, lớn tuổi cả rồi! Ừ, nhịn nhục mãi bây giờ mới đến lúc, con cái cũng đủ lớn để biết phải trái. Nó cậy kiếm được tiền chẳng coi ai ra gì! Hắn ôn tồn, mỗi người một cách, tôi không khuyên ông đâu nhưng cứ thử một thời gian sống li thân như tôi chẳng hạn. Đỡ mệt đầu để mình tính chuyện làm ăn khác! Quân lúc lắc mái tóc bù xù, cặp kính mờ hơi nước, tôi có nghĩ đến chuyện ấy nhưng không đủ sức mua căn hộ ở riêng. Ngày ngày chạm mặt có lẽ tôi điên mất. Vả lại tôi cũng không định kiếm việc thêm thắt để làm gì. Với tôi chỉ đồng lương cơ quan và vài khoản làm thêm ngoài giờ ở đấy cũng đủ tiền uống rượu thuốc rồi!

 

*

 

Mình biết thằng Quân từ nhỏ. Nó kém mình ba tuổi. Là con cái một gia đình học hành lâu đời ở thành phố. Bố nó là thày giáo dạy văn bọn mình hồi lớp tám. Truyền thụ kiến thức và lòng đam mê đủ cho việc viết văn. Nhưng lớp mình chẳng có đứa nào viết văn. Thày cũng thế. Thằng Quân là đứa chậm chạp. Chẳng hiểu sao gia đình lại quyết tâm cho nó theo học ngành mĩ thuật. Nó chẳng có chút năng khiếu nào. Nó học bên mĩ thuật công nghiệp cho đến hết năm thứ hai thì gọi mình sang xem hộ bài tập vẽ hình họa. Mình kinh ngạc đứng trước bức vẽ chì than lem nhem của nó. Có cảm tưởng như đang xem bài hình họa buổi đầu tiên ở các lớp luyện thi. Mình chẳng biết nói gì. Thực ra là biết nhưng không thể nói. Cuối cùng nó vẫn tốt nghiệp bình thường. Lại được phân công công tác ở ngay Hà Nội. Và gần hai chục năm đi làm nhà nước cũng không thấy nó gặp vấn đề gì về chuyên môn.

Mình biết vợ thằng Quân là một bác sĩ răng hàm mặt. Cô ấy từ Yên Bái về thành phố học trường y. Nhan sắc. Tháo vát. Có chút hồn nhiên kênh kiệu tỉnh lẻ. Hình như cũng là con cái một gia đình có máu mặt ở hàng tỉnh. Mình có đi theo đoàn đón dâu nhà trai lên tận thị xã Yên Bái đến nhà cô ấy. Dự bữa cỗ cưới đặc sắc núi rừng. Gà núi. Lợn rừng. Ở miền núi làm gì có gà lợn đồng bằng. Tất nhiên thế. Măng đắng luộc chấm nước mẻ chưng với mỡ lợn và thìa là sền sệt như cháo lá đa. Bạn bè cô dâu hát tặng “Bài ca trên núi” của Nguyễn Văn Thương trong phim “Vợ chồng A Phủ”. “Ờ ớ…Đầu chiều có sao chiều sao sớm…Đầu núi kia có ở hai người…”. Ba ngày sau về Hà Nội miệng còn chưa hết đắng. Uống chén rượu sâm đại hành ngoài quán cứ thấy ngọt thỉu như nước đường. Chẳng biết do măng do mẻ hay mấy chén chè Suối Giàng sau bữa ăn trên ấy. Hay âm điệu hoang vu thê thiết của “Bài ca trên núi” cũng chưa biết chừng.

Mình nghĩ thằng Quân khó tránh khỏi chuyện li dị. Đó không chỉ là mâu thuẫn của riêng nó với cô vợ tháo vát nhiều tham vọng. Gia đình nó cũng hết hồn vì thói đua đòi trưởng giả và những quan hệ công khai với các đồng nghiệp của cô ấy. Thực ra thì cô ấy đã dựng lên một bức tường kiên cố bất khả xâm phạm với cả gia đình thằng Quân. Bằng tiền. Chút sĩ diện cuối cùng của một đàn ông thị dân không cho phép nó nín nhịn nữa. Nhìn nét mặt chất chứa nỗi niềm của nó vài tháng nay mình đã biết chuyện không thể khác. Đáng ra thì nó nên học nghề thợ điện và cưới một cô vợ giáo viên có phải sẽ yên thân? Nữ giáo viên Hà Nội với tài nữ công gia chánh đến mình cũng mơ ước. Nhưng đấy là mình nhầm. Ngay cả chuyện này vợ nó cũng là người quyết định. Khi cưới, cô ấy đã có thai ba tháng mất rồi.

Nguồn: truyen8.mobi/t86730-con-mat-rong-chuong-6.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận