Cuộc Chiến Khuy Cúc Chương 4

Chương 4
Chuyện thời quá khứ oai hùng

Bấy giờ, vào cái thời xa xưa tuyệt vời...

Charles Callet (Truyện cổ)

 

Nghe chủ tướng la, đứa nào đứa nấy liền chụp lấy quả táo của mình. Trong khi Camus đi giữa những hàng ghế mời thuốc lá “cây ông lão” với dáng điệu lịch thiệp nhưng uể oải thì Gibus anh chia phần đường viên.

“Thế này mới là chè chén chứ!”

“Còn phải nói! Thế mới là tiệc tùng chứ!”

“Nhậu ra trò!”

“Hết sảy!”

Lebrac, với vẻ mặt sành điệu, lắc lắc chai rượu mạnh. Bong bóng sủi lên như tăm, tụ thành vòng ở cổ chai trước khi vỡ.

“Thứ này ngon đây!” nó tuyên bố. “Nó có tôn giáo nên mới làm được tràng hạt thế này!

Cẩn thận nhé, tao tới đây, ngồi yên!”

Và nó từ từ chia lít rượu cho bốn mươi lăm thực khách. Việc rót này mất gần mười phút, nhưng không đứa nào uống trước khi có hiệu lệnh. Chúng tuôn ra những lời chúc tụng táo bạo hơn bao giờ hết. Rồi chúng nhúng viên đường vào rượu và mút từng chút, từng chút cái chất lỏng này.

Trời đất ơi! Rượu mới nặng làm sao! Bọn nhóc hắt hơi, ho sù sụ, phun phì phì, đỏ mặt tía tai, nhưng không đứa nào chịu nhận rằng rượu đã làm nó cháy cổ họng và ruột gan nhộn nhạo.

Đây là rượu lấy trộm, nghĩa là thứ ngon: thậm chí là cực ngon, là tuyệt vời! Không được phép bỏ phí một giọt nào hết.

Dù phải chết đi nữa thì chúng vẫn uống đến giọt cuối cùng, rồi chúng liếm quả táo và ăn sạch để không mất đi chút nào cái chất lỏng đã thấm vào đấy.

“Xong, bây giờ mình hút thuốc!” Camus đề nghị.

Gibus em, có nhiệm vụ trông bếp, đưa chuyền thanh củi cháy đỏ. Mỗi đứa ngậm cọng cây ông lão, nheo mắt, phồng má, dẩu môi, nhăn trán hít vào thật lực. Vài đứa còn làm cho cọng cây ông lão khô nỏ cháy thành ngọn. Những đứa khác trầm trồ ra sức bắt chước.

“Bây giờ thì tụi mình có được chân ấm, bụng no, ngồi đây thoải mái hút điếu thuốc ngon. Có nên kể nhau nghe vài câu chuyện không nhỉ?”

“Được đấy! Mình cũng có thể chơi đố. Để cho vui mình có thể đánh cuộc!”

“Tụi bay ơi!” La Crique ngồi xếp bằng nghiêm trang, miệng ngậm thuốc, cắt ngang. “Tao sẽ kể cho tụi bay một câu chuyện có thật, hoàn toàn đứng đắn tao được nghe chưa lâu gì lắm. Gần như chuyện lịch sử. Tao nghe từ cụ Jean-Claude là người đã kể chuyện này cho bố đỡ đầu của tao.”

“Ừ, sao? Chuyện về cái gì?” nhiều đứa hỏi.

“Về lý do vì sao tụi mình cứ luôn oánh nhau với bọn Velrans. Tụi bay cũng biết là việc này không phải chỉ mới hôm nay hay hôm qua, mà từ lâu lắm rồi.”

“Xì, từ thời khai thiên lập địa, chứ còn gì nữa!” Gambette nói xen vào. “Bọn chúng xưa nay vẫn là đồ chó chết mà! Thế đấy.”

“Gambette này, dĩ nhiên chúng là đồ chó chết, nhưng không đến nỗi xa xưa như mày tưởng đâu; mãi sau này cơ, sau nhiều. Dẫu sao từ đó đến nay cũng khá lâu rồi.”

“Ừ, mày biết thì cứ kể tụi tao nghe! Dẫu sao thì sở dĩ có chuyện oánh nhau vì bọn kia là một lũ lợn bẩn thỉu!”

“Rất đúng, chúng là lũ lợn lười biếng! Hơn nữa bọn đê tiện này còn dám bảo Longeverne mình là đồ ăn cắp.”

“Thế thì cả gan thật!”

“Đúng vậy,” La Crique nói tiếp. “Tao không thể nói chính xác cái năm xảy ra chuyện này. Cụ Jean-Claude cũng không biết luôn và không ai còn nhớ cả. Muốn biết rõ thì phải tìm trong những giấy tờ cũ, trong kho lưu trữ, họ b o thế - kho này là cái quái gì, tao không biết.

Đó là thời người ta nói về Murie(1)_. Đúng thế, còn Murie là gì cũng chẳng ai thật rõ. Có thể đó là một thứ bệnh quỷ quái gì đấy, hay cái gì giống như hồn ma bò ra từ bụng thú vật chết bị bỏ mặc cho thối rữa, rồi đêm đến lang thang trên đồng ruộng, rừng rậm hay đường làng. Người ta không trông thấy được Murie, nhưng cảm và ngửi thấy nó. Thú vật rống lên còn chó tru ai oán khi nó đi gần chúng. Còn người ta làm dấu thánh giá nói rằng: Tai họa đến nơi rồi! Đúng thế, khi Murie xuất hiện ở đâu trong đêm thì sáng hôm sau những con thú bị nó chạm phải lăn đùng ra chết trong chuồng, cả người cũng chết như ruồi.

Murie hay xuất hiện nhất vào mùa nóng.

Thế đấy: người ta đang khỏe khoắn, cười đùa, ăn uống, thì một hai giờ sau, không hiểu tại sao thế nào mà họ đen xám lại, thổ huyết hôi rình rồi ngoẻo. Không cứu được. Không ai chặn nổi Murie. Trúng phải nó là đi tong. Tha hồ vẩy nước thánh lên người ốm, tha hồ đọc đủ thứ kinh, cứ việc mời cha xứ tới cầu nguyện, cứ việc khấn mọi vị thánh trên Thiên đường, Đức Mẹ Đồng trinh, Chúa Cứu thế và Chúa Cha; chẳng khác đái vào cây đàn violon hay múc nước bằng rổ: người ốm cứ chết, khắp nơi tiêu điều hoang vắng, người người kinh hoàng.

Thế cho nên khi một con vật vừa chết thì tất nhiên người ta vội vàng vùi chôn ngay, hẳn tụi bay cũng nghĩ ra được.

Và chính Murie đã khiến Velrans và Longeverne đánh nhau.”

Tới đây nó ngừng lại một lúc, nhấm nháp phần vừa kể, thích thú trước sự chú ý nó vừa gây ra. Nó rít mạnh vài hơi điếu thuốc gọng cây ông lão, rồi khi thấy lũ bạn chăm chú nhìn mình, nó kể tiếp:

“Thật khó biết chuyện xảy ra như thế nào vì không có nhiều manh mối. Tuy nhiên người ta tin rằng bọn lái buôn súc vật nào đấy, cũng có thể là bọn trộm thú vật, đã kéo nhau tới chợ phiên ở Morteau hay Mache rồi quay về qua vùng đất trũng. Bọn này chuyên đi đêm, có thể vì phải trốn lánh, nhất là khi chúng ăn trộm thú vật. Nhưng thường thì khi tới bãi cỏ Chasalans phía trên kia thì một con trong số bò chúng dắt theo rống lên, không chịu đi tiếp. Nó tựa mông vào tường, đứng một chỗ mà rống không ngừng. Chúng kéo, lấy gậy đánh, song chẳng ăn thua, nó vẫn ì ra. Lát sau nó ngã vật, chổng cả bốn vó, rồi chết.

Bọn kia dĩ nhiên không mang nó theo được, với lại mang theo làm gì chứ? Chúng không báo cho ai biết cả mà vì lúc ấy đang đêm, xa làng xa xóm - không ai thấy không ai hay - nên chúng liền cuốn gói. Sau đó không ai gặp lại chúng hay biết chúng là ai và từ đâu tới.

Bay phải biết rằng chuyện này xảy ra vào mùa hè.

Lúc ấy bọn Velrans thả bò ăn trên đồng cỏ của xã ở Chasalans và đốn củi trong cái vạt rừng mà từ đó cứ gọi là rừng Velrans, chính là khu rừng mà nay bọn chó chết cứ từ đó chui ra để tấn công bọn mình đấy, mẹ kiếp!”

“Không phải!” Có tiếng ngắt lời. “Dẫu sao thì đó là rừng của mình, bố khỉ!”

“Đúng thế, đó là rừng của mình, rồi tụi bay sẽ thấy rõ. Nhưng nghe tiếp đã. Vì mùa hè năm đó nóng lắm nên xác con bò bốc mùi hôi ngay. Sau ba ngày thì thối khủng khiếp. Ruồi bu đầy, thứ nhặng xanh ghê tởm mà người ta gọi là ruồi murie. Có mấy người Longeverne đi qua, ngửi thấy mùi nên lại gần và tìm được xác con vật nằm rữa ở đấy.

Họ hoảng vía, không oong đơ gì hết, tức khắc chạy tìm các bô lão làng Velrans, nói:

‘Ở đồng cỏ Chasalans của các người có xác một con bò làm thối inh khí trời tới tận Chanet. Các người phải mau mau chôn đi kẻo lũ vật khác bị lây Murie!’

‘Nhưng nếu chúng tôi chôn nó thì có thể chính chúng tôi sẽ nhiễm phải Murie,’ bọn Velrans đáp. ‘Mấy người tìm thấy nó thì mấy người phải chôn chứ. Với lại, ai chứng minh được rằng nó nằm trên vùng đất của chúng tôi nào? Đồng cỏ của chúng tôi cũng là của mấy người; bằng chứng là chính mấy người cũng thường thả gia súc ở đấy mà.’

‘Phải, nhưng khi chúng tình cờ tới đó thì mấy người gầm lên chửi chúng tôi và ném đá lũ vật,’ mấy người Longeverne đáp (điều này hoàn toàn đúng sự thật!). ‘Mấy người phải gấp lên, kẻo lũ vật ở Velrans lẫn Longeverne bị Murie, rồi đến người luôn.’

‘Chính mấy người là Murie thì có!’ bọn Velrans đáp.

‘À, mấy người không muốn chôn xác con bò! Được, để rồi xem! Nói để mấy người biết: mấy người là một lũ vô dụng, cà chớn!’

‘Chính mấy người là đồ vô tích sự thì có! Mấy người tìm thấy cái xác mà, thì cứ giữ lấy, chúng tôi tặng mấy người đấy!’”

“Bọn chó má!” Có mấy đứa cắt ngang. Chúng nổi giận vì ở đây cũng lại gặp tính đê tiện quen thuộc của bọn Velrans.

“Ừ, rồi sao nữa?”

“Trăng với sao gì,” La Crique tiếp tục. “Mấy người Longeverne bèn về làng. Họ đi tìm những bô lão, cha xứ và những người có của - những người mà nay ta gọi là Hội đồng xã - thuật lại điều mắt họ thấy, mũi họ ngửi và những gì bọn Velrans đã nói...

Khi biết chuyện gì đã xảy ra thì đám phụ nữ hực lên than khóc, rằng thế là hỏng rồi, rằng họ sẽ chết mất. Thấy thế, các bô lão liền quyết định lên đường tới Besanon - tao tin là Besanon, song có thể là một thành phố khác, tao không nhớ rõ lắm - tìm gặp những quan to mặt lớn, như các quan tòa và tỉnh trưởng. Đấy, vì vụ này khẩn cấp nên các ông to đầu xét xử ngay, họ cho gọi phe Longeverne và Velrans tới Chasalans để nghe ý kiến đôi bên.

Phe Velrans nói: ‘Bẩm các quan, đồng cỏ không phải của chúng tôi, chúng tôi xin thề trước Chúa và Đức Mẹ Đồng trinh là thánh bảo hộ của chúng tôi. Nó thuộc về Longeverne, nên họ phải chôn xác con vật này.’

Phe Longeverne nói: ‘Xin thứ lỗi, thưa các quan, điều này không đúng. Họ nói láo. Bằng chứng là suốt năm họ thả súc vật ăn trên đồng cỏ này, rồi lại đốn củi trong rừng nữa.’

Nghe thế, phe kia liền nhổ xuống đất thề lần nữa rằng vùng nọ không phải của họ.

Các quan to rất bực mình. Nhưng vì hôi quá nên họ buộc phải đi đến quyết định, cho nên họ tuyên xử tại chỗ:

‘Chuyện xảy ra như thế và vì dân Velrans thề rằng đồng cỏ không thuộc về họ nên dân Longeverne sẽ chôn xác con vật…’ Bọn Velrans cười đắc chí, vì tụi bay nên biết quả thật xác con bò hôi khủng khiếp nên các quan to chỉ dám đứng xa xa… Nhưng các quan tòa tuyên xử tiếp: ‘Vì dân Longeverne chôn xác con vật nên đồng cỏ và cánh rừng từ nay dứt khoát thuộc sở hữu của họ, vì dân Velrans đã từ chối.’

Dĩ nhiên phe Velrans cay cú lắm, không cười nổi nữa. Nhưng họ đã nhổ xuống đất thề, nên họ không rút lại được điều đã nói trước cha xứ và các quan lớn.

Phe Longeverne liền rút thăm xem ai phải chôn con bò và người ấy sẽ được hưởng gấp đôi số củi trong bốn lần đốn củi liên tiếp của làng. Nhưng ngay sau khi chôn con vật xong, bọn Velrans không còn sợ Murie nữa, chúng lại lếu láo tuyên bố cánh rừng vẫn là của chúng, không cho người Longeverne đến đấy đẵn củi.

Chúng, cái bọn chây lười không đủ can đảm dọn thứ nhơ bẩn kia, đã đối xử với người làng ta như phường trộm cắp và lừa đảo!

Rồi chúng đâm đơn kiện làng Longeverne, một vụ kiện kéo thật lâu, lâu lắm, khiến chúng hao tiền tốn của. Nhưng chúng bị thua ở Baume, thua ở Besanon, thua ở Dijon và thua ở Paris: có vẻ như phải mất hơn một trăm năm vụ này mới ngã ngũ.

Đấy, nên chúng vô cùng cay cú khi người Longeverne tới đốn củi ngay trước mũi chúng. Lần nào chúng cũng chửi họ là đồ ăn cắp củi. Nhưng người làng ta có nắm đấm khỏe, đâu chịu để chúng chửi tới lần thứ hai. Họ nhào tới tẩn tơi bời hoa lá lên lưng chúng. Tẩn thật lực!

Tại các chợ phiên ở Vercel, Baume, Sancey, Belleherbe và Mache cũng đều thế: vừa có chút rượu vào là lại ngoác mồm chửi, rồi thì rầm! ái! Phe ta đánh, đánh cho đến khi chúng chảy máu như bò đái. Không, chúng chẳng phải loại hèn đâu, đánh đấm cũng ra trò lắm! Suốt hai trăm năm, thậm chí có thể ba trăm năm không trai làng Longeverne nào lấy con gái Velrans cả và chưa từng có gã Velrans nào tới dự lễ hội của Longeverne.

Nhưng vào Chủ nhật lễ hội họ đạo thì họ vẫn thường gặp nhau. Trai tráng Longeverne và Velrans đều kéo tới đó.

Trước tiên họ đi một vòng thám thính, rồi vào quán uống cho có ‘hứng’. Khi thấy họ đã say mọi người liền lánh đi chỗ khác. Lần nào cũng thế.

Rồi phe Longeverne vào quán có bọn Velrans ngồi uống, cởi áo khoác lẫn áo vest và thế là bắt đầu.

Bàn ghế, ly tách, chai lọ nảy tưng tưng, bay vù vù, kêu rầm rầm. Họ đánh nhau loạn xạ, đấm đá lung tung, nện nhau bằng ghế đẩu và chai lít. Lát sau mọi thứ tan tành, nến lăn trên sàn rồi tắt ngấm. Nhưng tối thì tối, họ vẫn choảng nhau tiếp. Họ lăn lộn trên mảnh chai, mảnh ly, máu chảy như rượu vang, rồi khi không còn nhìn thấy gì nữa, hoàn toàn không th y gì nữa, chỉ còn hai hay ba người khò khè rên rỉ thật tội nghiệp thì tất cả những ai còn lê lết được liền trốn biệt.

Lần nào cũng có hai ba người chết, có người lòi mắt, những người khác không gãy tay gãy chân thì cũng giập mũi hay sứt tai. Dĩ nhiên không bao giờ người ta lộ ra ai là kẻ đã đả thương người khác đến chết, song có một điều chắc chắn là trong suốt một trăm năm hay hơn, lễ hội họ đạo nào cũng đều có ít nhất một người chết.

Nếu không có ai chết thì người làng mình bảo rằng: ‘Thế thì chưa thật là lễ hội!’

Đấy, thế mới là trai tráng chứ và mọi người đều đi dự, mọi người đều đánh, trẻ cũng như già. Đó mới là thời huy hoàng. Sau này chỉ còn những tân binh đánh nhau khi Hội đồng tuyển quân đến rút thăm, còn ngày nay... chà, ngày nay chỉ còn có chúng mình bảo vệ danh dự Longeverne. Nghĩ mà buồn!”

Trong làn khói xanh của thuốc gọng cây ông lão những đôi mắt rực lửa như đống củi đang cháy trong bếp. Người kể chuyện nói tiếp, giọng khích động:

“Nhưng chưa hết đâu!

Chuyện hay nhất và ngộ nghĩnh nhất là chuyện hành hương đến Thánh nữ đồng trinh ở Ranguelle cơ. Ranguelle... bay biết chứ, đó là ngôi nhà nguyện gần Baume, sau cánh rừng Vaudrivillers đấy.

Tụi bay còn nhớ không, đó là nơi năm ngoái bọn mình với cha xứ và bà Pauline già đã đến ấy mà. Mùa đó nhiều bọ dừa lắm, bọn mình cứ rung cây khắp rừng rồi nhặt để lên áo của lão áo chùng thâm và mũ trùm đầu của bà già. Áo và mũ hai người này lấm tấm đầy những con bọ cứ giương cánh chực bay, thỉnh thoảng lại có mấy con phóng cái vù. Ngộ nghĩnh hết sức!

Phải, tụi bay ạ, một ngày năm xưa khi lại đến lúc phải cắt cỏ đem về nhà, dân làng Longeverne - đàn ông, đàn bà, trẻ con - bèn cùng với cha xứ hành hương tới Nhà thờ Đức Bà ở Ranguelle, cầu xin Thánh nữ Đồng trinh ban cho nhiều nắng để dễ thu hoạch cỏ.

Chẳng may cũng ngày hôm ấy cha xứ Velrans quyết định dắt díu lũ cừu của ông ta... phải người ta nói vậy không nhỉ?”

“Không, lũ con cheo(1)_,” Camus sửa lại.

“Ừ, thì lũ con cheo, như mày muốn,” La Crique đáp, “cũng tới hành hương Thánh nữ Đồng trinh ở đó, vì vùng này không có nhiều nơi thờ Thánh nữ Đồng trinh! Họ mang theo đủ đồ lề cho thánh lễ và bao thứ lỉnh kỉnh khác để cầu mưa vì bắp cải của họ không trổ...

Họ lên đường ngay từ sáng sớm, dẫn đầu là cha xứ mặc áo lễ, tay cầm chén thánh cùng với những phụ lễ cầm bình nước thánh, khay bánh thánh và người canh giữ nhà thờ mang những quyển thánh ca, theo sau là đám con trai, rồi đến đàn ông và cuối cùng là con gái với đàn bà.

Khi phe Longeverne đi qua cánh rừng thì họ trông thấy gì?

Thấy cái đám khốn kiếp Velrans kia rống lên cầu mưa!

Tụi bay hẳn có thể hình dung được phe ta phấn khởi nhường nào khi họ đến đây chỉ vì cần nắng!

Tức thì họ liền lớn tiếng khấn thật to, họ phải rống lên để cầu xin nắng tốt, trong khi phe kia như lũ bê gào lên cầu mưa.

Phe Longeverne ta muốn đến đó trước nên sải bước. Thấy thế, phe Velrans liền chuyển từ đi sang chạy.

Nhà nguyện không còn xa mấy, khoảng hai trăm bước dài thôi, thành ra phe ta cũng chạy luôn. Rồi hai bên nhìn nhau khinh bỉ. Rồi chửi nhau là đồ lười biếng, đồ ăn cắp, đồ đê tiện, đồ bất lương và càng lúc lại càng sát gần nhau.

Khi chỉ còn cách nhau chừng mươi bước đám đàn ông liền giơ nắm đấm lên dọa nhau, nhìn nhau giận dữ như lũ mèo đực lên cơn. Rồi đến lượt các bà. Họ chửi nhau là đồ tham ăn tục uống, đồ cầu bơ cầu bất, đồ bò cái, đồ đĩ rạc. Hai ông cha xứ, tụi bay ạ, cũng nhìn nhau đầy ác cảm.

Rồi mọi người liền chặt cây làm gậy, nhặt đá ném nhau từ xa. Nhưng càng khích động hò la, thì cơn điên giận càng xâm chiếm họ, thế là họ xông vào nhau, loạn đả, vớ gì đập nấy. Bốp, một cú bằng giày! Bốp, một cú bằng sách kinh! Các bà the thé, trẻ con gào, đàn ông chửi rủa tục tằn như bọn buôn đồ cũ: ‘À, chúng mày muốn mưa à, hở bọn chó chết! Ông sẽ cho chúng mày biết tay!’ Và rồi nghe ‘bốp’ chỗ này, ‘ái’ chỗ kia! Đàn ông bỏ cả áo khoác, đàn bà váy xốc xa xốc xếch, áo cánh tả tơi. Nhưng nhộn nhất là hai ông cha xứ, họ cũng không ‘ngửi’ được nhau, như tao đã nói với tụi bay. Mới đầu họ còn chửi nhau, đem sấm sét của quỷ dữ ra dọa nhau, rồi cũng xông vào nhau vật lộn. Họ cởi bỏ áo lễ, xốc cao áo chùng thâm và rồi không khác đám trai tráng: họ gầm lên chửi nhau chẳng khác lính pháo thủ, ném đá vào nhau, đá nhau, giật tóc nhau, rồi khi không còn vớ được gì khác thì lấy chén thánh và thánh giá phang vào mồm nhau!”

“Chúa ơi, hẳn phải vui lắm!” Lebrac cảm khái nghĩ. Rồi nó hỏi:

“Thế Đức Bà xử ai thắng? Bọn Velrans hay phe Longeverne? Đức Bà cho nắng hay mưa?”

“Đức Bà cho cả hai phe một vố,” La Crique uể oải đáp. “Cả hai làng đều bị mưa đá.”


Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t30505-cuoc-chien-khuy-cuc-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận