Một sự lăng nhục nhường này thì người ta chỉ có thể rửa bằng máu.
Corneille (Le Cid, hồi I, màn V)
Lúc ấy là sáng thứ Sáu, trước giờ học, trong sân trường.
“Hôm qua vui quá chừng!”
“Mày biết thằng Gibus em đã mửa đầy tường nhà Menelot trên đường từ đó về chứ nhỉ?”
“Thì thằng Mắt Cá ngáo cũng vậy! Bao nhiêu khoai với bánh mì nó tống ra hết, còn về phần cá mòi với sô cô la thì không rõ.”
“Tại thuốc lá đấy!”
“Có thể do rượu mạnh!”
“Dẫu sao cũng vẫn cứ thật tuyệt vời. Cần phải cố gắng để tháng sau lại được như vậy!”
Cũng thế, trong góc cuối sân khuất sau nhà kho của bố Gugu, Lebrac, Gibus anh, Tintin và Boulot không ngớt chúc mừng nhau, tấm tắc tán dương những gì chúng đã trải qua chiều hôm thứ Năm.
Mà đúng là tuyệt vời thật! Trên đường về có đến ba phần tư là say và hơn nửa tá khó chịu trong người đến nỗi phải ngừng lại, ngồi bừa đâu đó - trên một bức tường, một tảng đá hay ngồi bệt xuống đất - vươn cổ, lưỡi nhơm nhớp, bao tử nhộn nhạo.
Chúng còn đang nói về những niềm vui trong sáng và vĩnh cửu này, điều mà chúng sẽ ghi nhớ lâu dài trong tâm khảm trong trắng và nhạy cảm của chúng thì chợt có tiếng kêu la giận dữ kèm tiếng tát tai bôm bốp và tiếng chửi loạn xị khiến cả lũ đều chú ý.
Chúng vội vàng chạy tới góc sân có tiếng ồn ào kia.
Camus đang tay trái túm tóc thằng Bacaillé, tay phải không ngừng tát lấy tát để đồng thời hét vào tai thằng kia rằng nó là quân xảo trá bẩn thỉu, đồ đê tiện khốn nạn và nó, Camus, sẽ cho thằng chó chết bẩn thỉu này biết tay, sẽ dạy cho nó một bài học.
Dạy thằng Bacaillé bài học gì mới được chứ? Không thằng đầu lĩnh nào biết.
Nghe tiếng bạt tai và tiếng chửi rủa của hai đứa hiếu chiến, bố Simon hối hả chạy tới, cố sức kéo chúng khỏi nhau rồi bắt chúng đứng trước mặt ông, một đứa ở đầu tay phải, đứa kia ở đầu tay trái. Để dập tắt mọi ý định phản đối, ông lớn tiếng mắng cả hai đứa, bắt phải ở lại lớp. Sau khi thấy uy lực của mình tạm thời đem lại yên ổn, ông đòi được biết lý do đã làm nổ ra vụ đánh lộn gay gắt và thình lình như thế.
“Camus phải ngồi lại lớp ư!” Lebrac thầm nghĩ. “Thế thì hỏng. Chiều nay quân ta rất cần có nó. Bọn Velrans sẽ tới, mà quân ta nào đông gì cho cam.”
“Về phần tao,” Tintin gợi lại, “tao vẫn luôn nghĩ rằng thằng thọt khốn kiếp này thế nào cũng có ngày chơi đểu thằng Camus mà. Chẳng qua tại nó ghen, vì con Tavie không ưa cái mặt nó.
Từ lâu rồi nó tìm cách chọc tức thằng Camus và làm cho thằng này bị phạt. Tao đã thấy trước, La Crique cũng vậy. Đâu cần phải là thầy bói mới biết được.”
“Nhưng sao hai đứa lại đụng độ nhau như thế được?”
Một đứa nhỏ kín đáo giải thích cho Lebrac và bộ sậu trung thành của nó... Hết thảy bọn chúng đều tin chắc ngay từ đầu rằng trong vụ này Camus đúng, hơn nữa viên phó tướng này nói chung được cả bọn yêu mến, chiều nay chúng lại rất cần nó. Cho nên chúng bột phát nghĩ đến việc cùng nhau xin tha cho nó và làm chứng rằng Bacaillé sai trái, còn địch thủ của nó thì ngây thơ ngoan ngoãn như cừu non mới đẻ.
Bố Simon, do lòng yêu công bình, trước lời chứng thống nhất và sự biểu dương rầm rộ của chúng, sẽ buộc lòng phải tha Camus và trừng phạt thằng thọt, nếu bố không muốn lũ học trò mất hết tin tưởng vào mình và dập tắt từ trong trứng nước niềm tin của chúng vào lẽ phải.
Lý do của vụ này đơn giản lắm.
Trước mặt mọi người Camus kể hết sự việc, tuy đã thận trọng bỏ qua một số chi tiết có thể quan trọng xảy ra trước đó.
Nó cùng với thằng Bacaillé đứng trong nhà vệ sinh, thằng kia đã cố tình tè lên nó một cách xảo trá. Bị sỉ nhục, dĩ nhiên nó không thể bỏ qua, nó mới túm tóc thằng khốn nạn, bợp tai mấy cái và chửi vào mặt vài câu cay độc.
Nhưng thật ra sự vụ có hơi rắc rối hơn. Bacaillé và Camus cùng vào nhà vệ sinh để giải quyết nhu cầu, cùng hướng vòi rồng về cái lỗ thoát. Thế là một cuộc thi tài tự nhiên ngẫu hứng nảy sinh từ hành động quen thuộc kia... Bacaillé bảo rằng nó giỏi hơn, hiển nhiên nó muốn chọc giận.
“Tao tè xa hơn mày!” nó nói.
“Còn lâu!” Camus trả lời, thực tâm tin vào kinh nghiệm của mình. Thế là hai đứa liền đứng kiễng chân, bụng phình ra như cái thùng, cố vượt lẫn nhau.
Vì cách thi này không chứng tỏ được thật rõ ràng ai hơn ai kém nên Bacaillé, do muốn gây chuyện, mới nảy ra một ý khác.
“Của tao to hơn của mày,” nó khẳng định.
“Đừng tưởng bở!” Camus đáp. “Của tao to hơn!”
“Mày xạo! Đo xem!”
Camus chịu ngay. Rồi trong lúc đo thì Bacaillé, vẫn còn giữ lại một ít nước chứ chưa cho ra hết, đã đê tiện và thâm hiểm tè lên tay và quần Camus, thằng này không kịp phản ứng.
Một cái tát trúng đích là câu trả lời cho trò mở màn bẩn thỉu của sự thù địch này. Tiếp theo đó là màn ẩu đả, túm tóc, rơi mũ, đẩy cửa và vụ lộn xộn trong sân trường.
“Đồ đê tiện bẩn thỉu! Quân tởm lợm! Đồ đê hèn,” Camus giận dữ thở dốc.
“Đồ giết người!” Bacaillé đáp.
“Nếu hai đứa bay không im mồm ngay thì sẽ phải chép tám trang lịch sử và học thuộc lòng. Ngoài ra còn phải ở lại lớp mười lăm ngày.”
“Thưa thầy, anh ấy gây sự trước ạ! Con không làm gì cả, con không hề nói gì với thằng...”
“Không, không đúng, thưa thầy! Anh ấy bảo con là đồ nói láo!”
Sự việc càng lúc càng trở nên gai góc và tế nhị.
“Anh ấy đã đái lên con!” Camus lại nói. “Con đâu thể nào chịu được!”
Đây chính là lúc để chúng can thiệp.
Một tiếng “Ồ” đồng thanh đầy kinh tởm và phẫn nộ chứng tỏ với chuyên gia leo cây vui tính kiêm phó tướng rằng toàn quân đứng về phía nó và kết án thằng cà nhắc nham hiểm, hằn học và điên cuồng đã tìm cách làm cho đối thủ bị phạt.
Camus hiểu ngay ý tứ của tiếng “ồ” này nên phó thác mọi chuyện nơi lòng công bình cao cả của thầy giáo vốn đã bị ảnh hưởng trước sự biểu dương tự phát của các chiến hữu.
“Thưa thầy,” nó nói, “con không định nói gì hết cả; nhưng xin thầy cứ hỏi những bạn kia xem có đúng là anh này đã gây sự trước, còn con không làm gì anh ấy mà cũng không hề chửi!”
Tintin, La Crique, Lebrac và anh em Gibus lần lượt xác nhận lời Camus, chúng tiếc đã không tìm được đủ từ mạnh mẽ và thống nhất để lên án thái độ xấu xa thiếu tình bằng hữu của Bacaillé.
Thằng này, để tự vệ, đã bác bỏ những điều cáo buộc, viện lẽ bọn kia không có mặt khi xảy ra gây gổ, nó còn nhấn mạnh rằng lúc đó chúng ở xa, tận góc sân sau một cách hết sức đáng nghi.
“Thế thì thưa thầy, thầy hãy hỏi mấy bạn nhỏ vậy,” Camus táo bạo nói xen vào. “Thầy cứ hỏi, có thể lúc ấy các bạn này ở gần đấy!”
Những đứa nhỏ, khi được hỏi từng đứa một, đều trả lời như nhau: “Đúng như anh Camus đã nói. Còn anh Bacaillé nói dối.”
“Không đúng, không đúng!” kẻ bị cáo buộc cãi. “Không đúng! Tụi bay đối xử với tao thế này thì tao sẽ khai hết cho mà xem!”
Lebrac bèn quyết tâm ra tay trước.
Nó bước tới đứng hiên ngang trước mặt Bacaillé - ngay trước chòm râu của bố Simon đang tò mò với những điều bí ẩn nho nhỏ này - nó nhìn Bacaillé chòng chọc bằng đôi mắt sói, quát thẳng vào mặt thằng này đầy thách thức:
“Cứ nói điều gì mày cần nói đi, đồ dối trá, đồ đê tiện, đồ đáng phỉ nhổ! Nói đi, nếu mày không hèn!”
“Lebrac,” thầy giáo ngắt lời, “nếu mày không giữ mồm giữ miệng thì tao cũng sẽ phạt mày luôn đấy.”
“Nhưng thưa thầy,” chủ tướng đáp, “thầy cũng thấy nó là thằng nói láo. Nó cứ việc nói xem chúng con đã bao giờ làm gì nó chưa! Thế mà cái thằng bẩn thỉu này vẫn còn ngẫm nghĩ xem có thể tìm ra được những điều dối trá nào nữa. Nếu nó không làm bậy thì cũng nghĩ bậy.”
Quả thật Bacaillé sững sờ trước đôi mắt, dáng điệu, giọng nói và tư thế của chủ tướng nên cứ bối rối đứng im thin thít.
Chỉ thoáng nghĩ là nó thấy ngay rằng những điều nó thú nhận và khai báo cho dù được bố Simon tin đi nữa thì rõ ràng cũng chỉ khiến nó bị phạt nặng hơn thôi. Mà, tóm lại, nó đâu có muốn.
Thành ra nó thấy tốt hơn cả là nên đổi thái độ.
Nó đưa hai tay lên ôm mặt rồi khóc sụt sịt, thổn thức, nức nở. Bằng những câu nhát gừng nó than rằng bọn kia chọc ghẹo nó, vì nó ốm yếu tàn tật, chúng luôn gây sự với nó, chửi nó, bấu véo nó, lấn ép nó mỗi lần ra vào.
“Trời đất ơi! Có tin nổi không chứ!” Lebrac hét lên. “Thế sao mày không bảo chúng tao là bọn mọi rợ, bọn giết người luôn một thể! Mày cứ thưa với thầy xem tụi tao đã nói những điều xấu xa với mày ở đâu và khi nào. Đã bao giờ tụi tao không cho mày chơi chung chưa?”
“Thôi đủ rồi!” Bố Simon nói, ông đã sáng tỏ ít nhiều nhưng không có thì giờ hỏi thêm. “Thầy sẽ xem phải xử thế nào. Trong khi chờ đợi thì Bacaillé phải ở lại lớp, còn Camus thì tùy xem bữa nay học hành ra sao.
Với lại chuông đánh tám giờ rồi. Xếp hàng nhanh nhanh và im lặng!”
Rồi ông vỗ tay mấy lần để nhấn mạnh lệnh của mình.
“Mày thuộc bài không?” Tintin hỏi Camus.
“Thuộc, nhưng không kỹ lắm. Nhưng dẫu sao cũng nhớ bảo La Crique nhắc tao nếu được, nhé?”
“Thưa thầy,” Bacaillé the thé. “Anh em Gibus và La Crique văng tục với con!”
“Sao? Có chuyện gì?”
“Các anh ấy bảo con là đồ bò Tây Ban Nha, đồ đê tiện, đồ con b...”
“Không đúng, thưa thầy, không đúng, nó nói láo! Chúng con có thèm nhìn cái đồ dối trá ấy đâu!”
Song ánh mắt của chúng lại nói lên rất nhiều.
“Thôi đủ rồi,” thầy giáo sẵng giọng. “Đứa nào mở miệng đầu tiên nói thêm một tiếng nữa về chuyện này sẽ phải chép hai lần danh sách tên các tỉnh, tỉnh lỵ và quận của nước Pháp.”
Bacaillé - cũng bị đe dọa hình phạt này, ngoài chuyện phải ở lại lớp - tạm thời quyết định ngậm miệng; nhưng nó thề hễ có cơ hội là báo thù chứ không bỏ lỡ.
Tintin nhắn với La Crique rằng Camus nhờ nó nhắc, tuy điều nhắn này thừa vì vô tư mà nói thì La Crique có danh hiệu kẻ nhắc bài của cả lớp rồi, như ta đã thấy. Camus có thể tin cậy vào nó hơn bao giờ hết.
Hôm nay phó tướng kiêm chuyên gia leo cây làm tính thật cừ, khác hẳn mọi khi.
Nó học bài qua loa và trả lời tàm tạm, dưới sự hỗ trợ đắc lực của La Crique; gương mặt đầy biểu đạt của thằng này đã trám những chỗ trống trong trí nhớ của Camus.
Nhưng rủi thay Bacaillé đã canh chừng.
“Thưa thầy, anh La Crique đã nhắc bài ạ!”
“Tao à?” La Crique phẫn nộ. “Tao có nói gì đâu nào!”
“Tao cũng không nghe thấy gì hết,” bố Simon nói. “Mà tao có điếc đâu.”
“Thưa thầy, anh ấy nhắc bằng cách dùng ngón tay ạ,” Bacaillé giải thích.
“Dùng ngón tay à?” bố Simon sửng sốt nhắc lại, rồi ông nghiêm khắc đúng kiểu nhà giáo. “Bacaillé, mày bắt đầu làm tao bực mình rồi đấy nhé. Mày bừa bãi kết tội các bạn mày, dù không có ai hỏi. Tao không ưa những đứa mách lẻo. Chỉ khi nào tao hỏi ai đã làm lỗi thì kẻ phạm lỗi mới phải trả lời và tự thú thôi.”
“Hoặc không,” Lebrac khẽ bổ túc.
“Bacaillé, nếu tao còn nghe mày nói nữa thì mày sẽ phải ở lại lớp tám ngày. Tao cảnh cáo lần cuối đấy.”
“Đồ cắn càn, đồ chỉ điểm, đồ mách lẻo bẩn thỉu,” Gibus em vừa khẽ lẩm bẩm vừa đưa hai ngón tay làm sừng. “Đồ phản bội! Đồ Judas! Đồ bất lương! Đồ đê tiện!”
Bacaillé, rõ là đang lâm vào thế kẹt, lặng lẽ nuốt hận, giằn dỗi tì má lên hai bàn tay.
Thầy với trò cứ để mặc nó, tiếp tục bài học, trong khi nó nặn óc xem nên làm gì để trả thù lũ bạn, mà hậu quả chắc chắn là nó sẽ bị tẩy chay, loại ra khỏi những trò chơi của chúng.
Nó suy ngẫm, hình dung những cách báo thù điên rồ: tạt những chậu đầy nước vào mặt, vẩy mực lên quần áo, gài ghim trên chỗ ngồi, xé sách, bôi lem vở của chúng. Nhưng sau khi nghĩ kỹ nó lại bỏ những cách đó đi, vì việc này phải thận trọng lắm mới được. Lebrac, Camus và những đứa khác đâu phải bọn dễ dàng bỏ qua mà không trả đũa thật lực.
Bacaillé quyết định chờ.