Phổ Hoa hiện tại - hai mươi bảy tuổi
Buổi trưa hôm Quyên Quyên gọi điện đến, Phổ Hoa đang bưng cốc trà đứng hứng gió lạnh dưới điều hòa trong văn phòng.
Tổng biên tập ngồi trong phòng, đang quạt bằng một xấp bản thảo trong tay,không ngừng liếc nhìn cô. Phổ Hoa đành chuyển đến đứng vào góc mà tổng biên tập không nhìn được. Thực ra cô là một trong những biên tập khá trong tổ, nhưng khả năng giao tiếp kém, tính tình thẳng thắn, không khiến người ta ghét, nhưng cũng không mấy được yêu thích.
Từ sau khi trả lại bản thảo mà tổng biên tập tiến cử của người quen, Phổ Hoa chịu sự đối xử lạnh lùng từ cả cấp trên lẫn cấp dưới. Phó tổng biên tập và Lưu Yến từng khuyên cô, làm người phải biết thời thế. Nhưng làm thế nào để biết thời thế, mấy năm ra ngoài xã hội, cô vẫn chưa học được.
"Tiểu Diệp, đi ăn cơm không?" Lưu Yến giơ hộp cơm lên nói, chu mỏ ý bảo tổng biên tập không còn ở đó.
Phổ Hoa lắc đầu, vẫn ôm cốc trà nóng ngẩn người đứng dưới điều hòa.
"Sao vậy? Nhìn cô có vẻ cô tâm sự!".
"Không sao... Không sao... chị đi ăn trước đi...". Phổ Hoa miễn cưỡng nặn ra nụ cười, rồi lập tức thu lại ngay khi thấy phó tổng biên tập đi vào.
Lưu Yến đã cầm hộp cơm đi ra, Phổ Hoa vẫn đứng đó, thấy không ra sao cả lại nhanh chóng trở về bàn làm việc của mình. Phó tổng biên tập đứng hóng mát dưới điều hòa, ánh mắt sắc bén quét qua từng bàn làm việc, dừng lại bàn cô lâu nhất rồi quay người bước vào phòng làm việc của tổng biên tập.
Phổ Hoa đặt cốc xuống, lục ra vài tờ bản thảo bỏ đi đè lên trên bản thảo, giả vờ cúi đầu làm việc. Chiếc bút trong tay hình như tự có ý thức, tùy ý chạy trên giấy không theo suy nghĩ của cô, móc móc vẽ vẽ, một chấm một ngang, một cong móc, một đường dài, viết thành chữ, tuy xiêu xiêu vẹo vẹo nhưng liếc một cái có thể đọc được ba chữ "Thi Vĩnh Đạo".
Phổ Hoa trong lòng rối ren, vo tròn tờ giấy.
Từ khi Quyên Quyên gọi điện, nhớ tới ba từ này cô liền thấy khó chịu. Vứt bút xuống cố ép bản thân cầm bản thảo đối chiếu, nhưng trước mắt trống không, nhìn nửa ngày cũng không đọc nổi một chữ.
Là thật ư?
Cô dâu là ai?
Rất nhiều câu hỏi nảy ra trong đầu cô, trộn lẫn vào nhau tạo thành một đống lộn xộn, thậm chí khiến cô xuất hiện ảo giác, dường như Quyên Quyên chưa gọi cuộc điện thoại đó, Thi Vĩnh Đạo chưa kết hôn.
Nhưng còn cô dâu? Nếu Thi Vĩnh Đạo là chú rể, còn cô dâu?
Cô dâu là ai? Sao anh ấy có thể kết hôn!
Phổ Hoa suy ngẫm vấn đề này, cảm giác lạnh lẽo chua xót xộc thẳng lên tim. Cô không ngừng an ủi bản thân, lau mồ hôi trên trán, cuối cùng quả thật không chịu nổi nảy ra ý định vô cùng kỳ lạ - gửi tin nhắn cho Quyên Quyên. Soạn mấy lần, cuối cùng gửi "Là thật ư? Với ai?".
Tổng biên tập và phó tổng biên tập đều đã đi ăn cơm, phòng biên tập trống không, cửa lớn đã đóng. Phổ Hoa đặt di động lên bàn, lại đứng dưới điều hòa. Trong phòng rất oi, cô quạt tạp chí trong tay, nôn nóng chờ hồi âm của Quyên Quyên.
Kim giây đồng hồ treo trên tường chạy tạch tạch, chạy được mười bảy vòng, di động trên bàn mới rung lên khe khẽ.
Gió dưới điều hòa nhẹ quá, sau gáy Phổ Hoa ướt đẫm mồ hôi. Cô chạy qua bấm nút đọc, tin nhắn của Quyên Quyên giản đơn vắn tắt, chỉ có hai chữ: Cầu Nhân! Cô ôm di động loạng choạng về ghế, ngồi liệt cả một buổi trưa, không đứng lên được nữa. Trên cây hòe ngoài phòng biên tập đã có vài con ve sầu, tiếng ve khiến người ta khó chịu, bực mình. Phổ Hoa mặc thêm áo khoác mỏng để trong văn phòng từ mùa xuân nhưng vẫn thấy lạnh, môi khô nhưng lại không phải do khát.
Tháng năm là lúc lá cây rậm rạp xanh tươi nhất, cô lại thấy một bóng dáng cô đơn trong mảng xanh ấy. Tay siết chặt, cô định cầm cốc trà, nhưng lại bất cẩn làm đổ trà ra khắp bàn,thấm xuống dưới kính, làm ướt mấy bức ảnh cũ. Trong ảnh, Phổ Hoa trẻ hơn vài tuổi, buộc tóc đuôi ngựa, trước ngực đeo bông hoa đỏ của nhân viên tiên tiến, gương mặt chan chứa nụ cười. Khi đó cô vừa nhận chứng nhận, lại biên tập được vài bài viết tốt giành một giải nhỏ, là giai đoạn suôn sẻ như ý hiếm có trong cuộc đời. Phía dưới góc phải còn in rõ thời gian chụp ảnh, tính ra cũng đãbốn năm rồi.
Phổ Hoa dùng khăn giấy lau bàn, thổi khô vệt nước trên viền ảnh. Vo tròn khăn giấy đã sử dụng ném vào sọt rác, trước đó tờ giấy viết tên Vĩnh Đạo cũng bị gom vào thùng rác. Cô lại nhặt bức ảnh đó lên đặt lên bàn lần nữa, nhìn chăm chú. Ba chữ Thi Vĩnh Đạo bị nước thấm loang lổ, nét bút nhòe thành một mảng mực đen sì, chỉ có nét cuối cùng của chữ "Đạo" góc cạnh khá rõ ràng.
Anh từng nói, chữ "Đạo" cô viết mạnh mẽ có lực, anh thích nhất chữ đó. Chỉ cần có cơ hội, anh liền bỏ trống khi ký tên để cô thay anh thêm chữ "Đạo". Anh còn từng nói, cô có thể gọi anh như thế khi chỉ có riêng hai người, nhưng cô thường không quen, bao năm chỉ gọi anh là Vĩnh Đạo. Đó là việc trước đây bao lâu rồi?
Mười năm? Mười một năm?
Phổ Hoa nắm chặt tấm ảnh, không nhớ rõ nữa, muốn vo rồi vứt nhưng lại không nỡ, nhất thời không biết nên làm thế nào. Di động bỗng lại rung lên, tin nhắn của Quyên Quyên, trong đó viết: Phổ Hoa, cậu không sao chứ? Phổ Hoa cố gắng đến hết giờ nghỉ trưa, vội vàng để lại đơn xin nghỉ trên bàn làm việc của tổng biên tập rồi rời tòa soạn.
Nắng nóng khó chịu, cô không mở ô, lướt về phía trước như mộng du dưới ánh nắng mặt trời, không biết mình rốt cuộc nên đi đâu.
Người đi đường lướt qua, quay đầu nhìn cô kỳ lạ, lúc nóng nhất trong ngày lại có người mặc áo khoác đi khắp nơi. Cô đi qua tủ kính quầy hàng, nhìn thấy bóng mình. Thật lạ, đâu cũng lạ, từ lâu lắm rồi cô tự cho rằng không còn bị khuấy động bởi bất cứ việc gì, lúc này như đang dần tan rã, xúc động muốn khóc. Cô lấy di động, tìm danh bạ điện thoại, trong đó không nhiều tên, cái nào gần như cũng đều không thích hợp để liên lạc lúc này. Che hai má nóng rực, Phổ Hoa đành chọn trốn vào nơi kín đáo bên lề đường chờ xe, thử để bản thân bình tĩnh lại.
Biển báo các tuyến xe ở trạm đỗ có tới mấy chục cái, chỗ nào cũng có xe đi, tên trạm đều lạ hoắc, từng chiếc xe đến, cô xếp hàng theo mọi người, nhưng chẳng lên chiếc nào, đứng tới khi hai chân mỏi nhừ mới giơ tay vẫy một chiếc taxi.
Lái xe hỏi đi đâu, cô do dự một lát rồi nói: "Về nhà đi".
"Nơi nào!". Lái xe lại hỏi lần nữa, ngữ khí hơi mất kiên nhẫn, "Cô ở đâu?".
"Oái...". Phổ Hoa vốn định nói địa chỉ nhà mình, nhưng lại đọc ra một cái tên khác mà cô đã thuộc lòng.
Xe nhanh chóng khởi động, lái xe không bắt chuyện, Phổ Hoa nghe tiếng rì rì của điều hòa, mặc kệ hơi nóng ngoài cửa sổ luồn qua khe kính táp lên mặt. Hai mươi phút sau, cô đứng đối diện với biển hiệu lớn khắc tên trường trung học. vẫn con đường cũ, thẳng tắp, không rộng lắm, bóng râm của hàng cây ven đường che đi cái nóng như thiêu như đốt. Nhà mặt đường đều trang trí kiểu giả cổ, treo hoành phi, tường quét vôi mới. Biển tên trường mới thay, phòng học mới xây,sân tập thể thao xi măng cũng mới rải lại, rất nhiều ký ức năm đó của cô được tô điểm lại.
Quán cũ ven đường bên kia đã dỡ bỏ một nửa, Phổ Hoa dừng trước cửa một trong các quán đó, ngẩng đầu nhận ra biển hiệu "Sạp phô mai Kiến Nhất" ban đầu, giờ gọi "Quán phô mai Kiến Nhất." Cô bước vào, phát hiện mặt tiền cửa hàng vẫn rất hẹp, chỉ có thể đủ chỗ cho một bàn hai người, còn lại lối đi nếu khách hơi mập một chút thì sẽ phải cố hết sức mới len qua được. Ánh sáng trong quán mờ mờ, trên tường treo một bảng giá cũ mà chủ quán đã dùng hơn chục năm. Cô men theo bàn gỗ đi vào, lấy một bát phô mai hạnh nhân ướp lạnh. Người thu tiền không còn là chủ quán Vương Kiến Nhất với gương mặt đầy nếp nhăn nữa, mà là một phụ nữ trung niên trên dưới bốn mươi, trả lại cô mấy đồng tiền cũ nhàu nát. Bưng bát phô mai, Phổ Hoa tìm được chỗ ở bàn duy nhất gần đường, cô ngồi xuống, cởi áo khoác.
Trong quán không hề nóng, tiếng quạt vù vù trên tường, chẳng mấy chốc đã chuyển tới vị trí trên đầu cô, mang theo chút gió mát. Cô không ăn phô mai hạnh nhân ướp lạnh, chỉ ép chặt tay cho mát rồi đưa tay xoa lên mặt, lặp lại nhiều lần, khiến hai má mát hơn. Anh ấy kết hôn rồi, cùng Cầu Nhân. Câu nói ấy lóe lên trong đầu rồi lại bị cô cố tình che giấu. Phổ Hoa cảm thấy tiếng vù vù của quạt điện khuấy đảo nhịp đập trái tim khiến nó trở lên hỗn loạn, giống như bệnh nhân mắc bệnh nặng gần đất xa trời, nảy lên một cái rồi lại hụt một cái.
Hơn một năm trước Quyên Quyên từng cảnh cáo, cô không tin. Quyên Quyên nói: Cậu đừng ngốc nữa, cái gì rồi cũng đều thay đổi. Cô còn hỏi ngược lại Quyên Quyên: Ai nói?
Bây giờ cô đã biết, đúng vậy. Theo thời gian, cái gì rồi cũng đều thay đổi, hơn nữa thay đổi một cách triệt để. Cho dù ngồi trong quán cũ năm đó, ăn phô mai hạnh nhân năm đó, cô cũng không thể trở lại mười mấy năm trước. Rút di động ra, Phổ Hoa đọc lại hai tin nhắn của Quyên Quyên, cô muốn xóa tin
nhắn chỉ có hai chữ đó đi. Tay đặt trên phím xác nhận xóa, nhưng lại không ấn. Rất nhiều năm rồi, Phổ Hoa chưa từng chủ động nhắc tới cái tên Cầu Nhân. Không phải cô không nhớ, mà nhớ rất rõ. Họ chưa từng là bạn, cũng không phải kẻ thù mặt đối mặt. Ngoài cùng lớp cấp hai ra, họ không tiếp xúc nhiều, sau khi lên lớp mười một chia lại lớp, đến cơ hội vô tình gặp mặt ở hành lang cũng rất ít. Khi những học sinh mũi nhọn như Kỷ An Vĩnh, Thi Vĩnh Đạo, Lý Thành Tự hợp thành "lớp học sinh ưu tú ban khoa học tự nhiên", Cầu Nhân cũng trong danh sách đó, còn cô tự mình cầm kết quả phân lớp đứng trong hành lang khổ sở tìm kiếm phòng học ban xã hội.
Hai cái tên Phổ Hoa và Cầu Nhân giống như chữ viết trên hai mặt của đồng tiền kim loại, không thể đồng thời xuất hiện. Cô từ bỏ là người cuối cùng vào danh sách "lớp học sinh ưu tú ban khoa học tự nhiên", đã giúp Cầu Nhân đạt được mục đích.
Từ khi đó, ba chữ Diệp Phổ Hoa liền bị ép xuống mặt sau của đồng tiền kim loại, không thể trở mình. Mồ hôi trượt từ xương quai xanh vào trong áo, Phổ Hoa không tìm thấy khăn giấy, dứt khoát cho phô mai áp lên mặt. Nói không ra là nóng hay oi, hay cái gì nữa. Cô phân biệt tiếng vù vù của quạt và âm thanh trong đầu mình, nghĩ rất lâu mới nhớ ra một người. Đợi phô mai hết lạnh, cô lại cầm di động, mở tới danh mục số gọi đi. Bà chủ hơn bốn mươi tuổi mang lên cho Phổ Hoa một bát phô mai hạt ý dĩ, đặt cạnh cốc phô mai hạnh nhân còn chưa ăn.
Phổ Hoa cảm ơn, nghiêng người dựa vào lưng ghế, trán tựa lên tấm kính. Bốn, năm giờ, cửa sắt bên đường đối diện đã mở, học sinh tản ra mỗi góc đường như thủy triều, bao gồm cả quán phô mai Kiến Nhất. Thấy bọn trẻ mặc những bộ đồng phục học sinh rộng thùng thình trên người, cô không nén được cảm giác có chút xúc động.
Kiểu dáng đồng phục trường giống hệt mười năm trước, màu trắng tinh khôi, tên trường học màu đỏ tươi nghiêng nghiêng thêu trước ngực. Ngày xưa, cô và Quyên Quyên từng mặc bộ đồng phục như vậy, màu trắng không tránh được bẩn, dễ bị cũ, học sinh nhà nghèo đeo bao tay áo, bọn họ không thế, nhưng cũng quý trọng như vậy, không thể chịu được một chút dầu mỡ, một tia sờn. So với Quyên Quyên, bộ đồng phục của Phổ Hoa còn cũ hơn vì cô mặc nó tròn sáu năm trời. Để tiết kiệm tiền cho gia đình, năm lớp bảy cô đã mua cỡ lớn dành cho trung học, trong sáu năm, người cô cũng không thay đổi nhiều.
Cô còn nhớ đầu gối trái trên quần đồng phục có một vết rách, mẹ cắt miếng vải trắng từ túi quần vá lên, tuy đường kim cẩn thận, vẫn nhìn ra dấu vết vá vào, vị trí tương tự trên đầu gối trái của cô cũng để lại vết sẹo, khi làm việc cô thường quen vuốt phẳng chỗ đó. Vì chỗ rách ấy, cô có cơ hội nói câu đầu tiên từ trước đến nay với Kỷ An Vĩnh, cũng trong cùng một ngày, cô quen người anh em thân thiết của Kỷ An Vĩnh là Thi Vĩnh Đạo. Đáng tiếc sau khi tốt nghiệp cô không còn mặc đồng phục trường nữa, nhưng ngẫu nhiên nhìn thấy nó hai lần khi phơi đồ trong tủ quần áo. Rất nhiều việc đều đã niêm phong trong ký ức, thời trung học cô còn nhỏ, không nghĩ quá nhiều. Lớn lên biết suy nghĩ nhưng cảnh còn đây mà người đã đổi thay.
Quán phô mai vang lên tiếng chuông điện thoại, Phổ Hoa cúi đầu nhìn di động,ngỡ của mình, sau đó mới phát hiện là của em học sinh đi qua cô. Học sinh bây giờ cao thật, học sinh cấp hai mà trông đã lớn như học sinh cấp ba. Khi học cấp ba, nam sinh thường lớn rất nhanh, tay dài chân dài, vài ba tuần đã thấy dáng vẻ khác rồi. Sao có thể lại nhớ tới những điều này chứ? Phổ Hoa không nhìn theo nữa, khuấy cốc phô mai trước mặt.
Học sinh líu lo khiến cửa hàng chật như nêm. Sau lưng áo dán vào da thịt, Phổ Hoa cảm thấy nóng bức, mồ hôi lau đi lại chảy ra, đành chịu đựng. Sau khi học sinh đi hết, bà chủ đóng một cánh cửa, ánh sáng tối hơn một chút. Lúc Mộc Hải Anh đến đã là hoàng hôn, mặt trời lặn ở phía tây, nhiều người đi tản bộ ven thành hào, trong quán phô mai Kiến Nhất ngoài Phổ Hoa, còn có vài bàn khách nữa.
Bộ váy dài của Hải Anh che đi thân hình hơi đẫy đà sau sinh, Phổ Hoa nhìn thấy vẻ hạnh phúc và ổn định trên người cô ấy. Họ không gặp nhau khoảng hơn một năm rồi, lần trước gặp là khi đầy tháng con gái Hải Anh. Kết hôn cùng thời gian,bây giờ Hải Anh đã có con gái, cô vẫn một thân một mình, sao có thể không bùi ngùi?
Hải Anh kéo ghế ngồi xuống, nắm tay cô, giống như thời còn là học sinh, coi cô như em gái.
"Hơi tắc đường, ngại quá, mình đến muộn rồi".
"Không sao!". Phổ Hoa nắm tay Hải Anh.
"Thực sự lâu lắm không gặp, hơn một năm nhỉ".
"Ừ, lần trước là Kỳ Kỳ đầy tháng, cậu gầy đi nhiều so với lần đó".
"Đâu có! Béo hơn rồi!".
Hải Anh cũng gọi phô mai hạnh nhân lạnh, trong lúc đợi cô ấy
vấn tóc lên, "Béo tới mức không ra hình dáng nữa, sau khi cai sữa cũng không gầy, đâu như cậu, mãi chẳng béo". Cô ấy giơ tay véo véo má Phổ Hoa, vẫn thân mật như xưa. Phổ Hoa cúi đầu cười gượng, xoa xoa má mình, béo gầy xấu đẹp những thứ đó cô đã không còn quan tâm một thời gian rồi.
"Sao lại chọn nơi này, bao năm không trở lại". Phô mai được mang ra, Hải Anh nghiêm túc thử một miếng: "Vị không bằng hồi xưa, cậu thấy thế nào?".
"Cũng được mà". Phổ Hoa cầm phô mai hạnh nhân của mình, lơ đễnh ăn hai miếng.
"Cũng không giống lắm, phô mai hạnh nhân hồi trước không ngọt như thế".
Hải Anh quay đầu nhìn bà chủ đứng trong quầy thu tiền và biển hiệu cũ treo bên cạnh. "Cậu xem, lại đổi chủ rồi, mình và Doãn Trình hồi đại học từng trở lại, khi đó đã đổi một lần. Sau khi Kiến Nhất nhượng lại, mình luôn có cảm thấy phô mai không ngon bằng hồi đầu". Cô chỉ mấy chiếc ghế nhựa xếp chồng lên nhau trong góc, "Khi đó chúng ta thường tới, ngồi chỗ kia, thường một người đi xếp hàng, hai người kia chiếm chỗ, có lúc người đông còn phải đứng đợi rất lâu, còn nhớ không?".
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !