Giáng sinh và Tết Tây có lẽ là thời điểm đáng nhớ nhất đối với du học sinh ở châu Âu, vì đây là lúc được nghỉ dài, đi chơi thăm thú nhiều nơi. Tôi thì thường hay buồn vì nhìn cảnh người ta sum họp đầm ấm mà nhớ quê nhà da diết. Chính vì vậy, tôi thường cố gắng đi chơi hoặc về nhà một người bạn bản xứ nào đó để ăn Tết, trốn cái cảm giác cô đơn dễ đến ấy.
Chẳng biết có nên gọi là Tết không nữa, vì từ Tết bản thân nó đã là một nét rất đặc trưng của văn hóa đón năm mới theo Âm lịch ở châu Á. Đối với người nước ngoài từ Tết chỉ bó gọn trong một từ dịch chung “năm mới kiểu Trung Quốc” hay “năm mới theo lịch mặt trăng”. Nhưng tôi vẫn muốn dùng từ này để miêu tả lễ mừng năm mới ở các nước châu Âu mà tôi đã có dịp đi qua, vì dù ở bất kỳ đâu trên thế giới này, năm mới đều là dịp của sum họp, hội hè, tiệc tùng theo đúng nghĩa “vui như Tết”. Đây cũng là lúc phô bày những nét văn hóa đặc trưng nhất của mỗi vùng miền, từ lịch sử, tín ngưỡng, trang phục dân tộc, ẩm thực đến cả những điều “mê tín” đáng yêu.
Sẽ là chưa trọn vẹn nếu chỉ tưởng tượng về Tết châu Âu với một “công thức” chung: màn pháo hoa hoành tráng, chai champage sủi bọt và những cái ôm thật chặt giữa trời giá rét để nói lên câu: “Happy new year”. Mỗi nước trong cộng đồng châu Âu lại bổ sung thêm những gia vị đặc trưng nhất để công thức đón năm mới thêm phần đậm đà.
Trước tiên phải kể đến lễ đón năm mới đặc biệt nhất mà tôi được biết ở châu Âu: năm mới vào ngày 13 tháng 1 hay còn gọi là “Chläuse” tại vùng núi Appenzell, nơi vẫn giữ nguyên văn hóa dân gian truyền thống của người dân vùng núi Alps, Thụy Sỹ. Dường như ai có dịp du lịch đến vùng nói tiếng Đức của Thụy Sỹ đều ghé qua Appenzell, nơi có những đồng cỏ rộng mênh mông, những căn nhà gỗ sơn đỏ vẽ hình các loài thảo mộc Alps trên cửa sổ, những bánh pho mát nấu theo kiểu truyền thống với vị đậm đà đặc trưng. Có lẽ vì thế mà nơi đây vẫn tổ chức Alter Silvester, đêm giao thừa theo lịch cổ mà giáo hoàng Gregory II thay đổi từ lịch Julian. Để đến lễ hội này không dễ vì Appenzell mùa đông vốn rất lạnh và cũng chỉ có một chuyến tàu nội vùng đưa du khách đến nơi này. Tôi có cảm tưởng như bàn chân mình tê cứng, không còn cảm giác gì trong đôi giày to sụ dưới cái lạnh xuống đến âm mười độ về chiều. Ngược lại với sự lạnh lẽo tê tái như thế thì các Chläuse - người dân hóa trang thành quỷ thần với mục đích xua ma trừ tà - náo nức đổ về từng đoàn dài trên đường với rực rỡ sắc màu nồng nhiệt. Từ mười giờ ba mươi đến mười ba giờ là thời khắc vàng để Chläuse của các làng tụ họp về Urnäsch. Tương truyền là có ba dạng Chläuse: đẹp, xấu và Chläuse nguyên thủy rừng rú. Nhưng dưới con mắt của du khách như tôi thì Chläuse nào cũng đẹp trong những bộ trang phục thêu họa tiết cầu kỳ, màu sắc sặc sỡ, mũ vành to với điệu bộ vô cùng đáng yêu. Ngay phụ trang của Chläuse cũng thể hiện thần thái của vùng Alps với vật liệu như rơm, vỏ cây thông còn xanh mốc rêu và quả thông. Tôi cứ hút mắt theo hai Chläuse mới độ mười tuổi, má đỏ lựng vì lạnh, bước đi lặc lè trong bộ trang phục mang hơi hướng rừng xanh với lớp lá thông ken dày như áo tơi, đầu cũng đội mũ kết lá thông và trước bụng đeo một chiếc lục lạc to tướng. Hai chú bé có vẻ rất tự hào và cảm thấy mình quan trọng khi được là Chläuse. Với điệu bộ rất kiêu, hai chú dọa tôi bằng giọng Đức nặng trịch: “Ta là ma đây” rồi khoái chí cười vang khi tôi tỏ vẻ sợ sệt. Các đoàn Chläuse chính thống thì thường đi nhóm sáu người, “lãnh đạo” là Rolli với quả chuông tròn trước ngực, bốn Schelli mang theo lục lạc và một Rolli nữa cuối đoàn. Tiếng lanh ca lanh canh của chuông, lục lạc, tiếng những bước chân nặng nề nhưng hối hả trên tuyết tạo nên một không khí lễ hội bao trùm Urnäsch. Thỉnh thoảng, các Chläuse còn lè lưỡi trêu tôi, rung rinh quả chuông trước mặt tôi với thiện ý chúc tôi năm mới thịnh vượng hạnh phúc. Khách xem có thể đưa lại cho Chläuse tốt bụng ít tiền lấy may nhưng thường người ta trao lại cho Chläuse cốc rượu Gluhwein - loại rượu nóng với vị táo, quế, thảo mộc - để làm ấm bước chân của các Chläuse không quản giá rét và tuyết dày đổ về đây chúc phúc cho mọi người. Trời càng về chiều càng lạnh và các Chläuse cũng đổ về các quán ăn để thưởng thức lẩu pho mát Fondue, nhâm nhi những ngụm schnapp chống rét, hát và nhảy, vui chơi hết mình trước thềm một năm mới hứa hẹn nhiều niềm vui, hạnh phúc.
Nếu như Tết ở Appenzell - Thụy Sỹ gắn liền với cái lạnh giá, băng tuyết thì Tết Tây Ban Nha dường như lại rất ấm ấp, nồng nhiệt, s ôi động. Theo lời giới thiệu của cô bạn Carol, tôi cũng chuẩn bị đúng mười hai trái nho chín mọng để thưởng thức vào giờ khắc giao thừa, mỗi tiếng chuông vang lên là một trái nho ngọt lịm lại trôi qua cổ, dường như để cầu mong một năm mới ngọt ngào, cho dù đến trái thứ mười hai tôi đã ho liên hồi vì vị ngọt khé. Đó cũng là lúc bùng nổ của pháo hoa, âm nhạc và những điệu nhảy cùng những cái ôm hôn thật chặt của những người xung quanh, dù có thể chẳng hề quen nhau. Trời trong veo và se lạnh nhưng mồ hôi tôi vẫn túa ra vì không khí quá náo nhiệt. Lúc này trán tôi đã dính đầy kim tuyến, lấm tấm rượu champage. Các quán bar sau đó đông nghẹt người đi đón năm mới và chất giọng oang oang của người dân xứ Catalan cứ lan truyền khắp các ngõ ngách tạo nên một đêm Barcelona không ngủ chứ không còn là “Barcelona ngủ muộn” như mọi khi nữa. Nhiều nhóm cũng chẳng buồn vào quán bar mà tự chơi đàn, nhảy ngay ngoài đường. Điệu Flamenco, Tango hay bất kì vũ điệu nào đều tự động thoát ra từ đôi chân say say men rượu. Nhiều người Barcelona trải qua đêm giao thừa trên đường phố như vậy với mong muốn đón tia nắng đầu tiên của năm mới cùng cốc chocolate nóng theo truyền thống. Nhưng có vẻ như nắng lên lúc nào họ cũng chẳng hay bởi đêm giao thừa đã trở thành đêm say, đêm của đam mê và ngất ngây. Vì công việc, tôi không có dịp ở lại Barcelona đến tận ngày 5 tháng 1 cũng đúng là ngày giao thừa của Tam Vua (Melchior, Gaspar and Balthasar) vì thế mà các bạn Barcelona vui tính của tôi đã cho tôi thưởng thức “tortell de Reis” (bánh vua) trước. Chiếc bánh xốp tròn được tôi cắt ra trong sự hồi hộp vì mỗi mẩu bánh có thể đem đến một bất ngờ. Mặc dù tôi không đủ may mắn để sở hữu miếng bánh có tượng vua được đội vương miện giấy, cũng không có diễm phúc sở hữu miếng bánh có hạt đậu faba để không phải trả tiền cho chiếc bánh nhưng tôi cảm thấy mình thật sự hạnh phúc vì được đón năm mới ngọt ngào cùng những người bạn Tây Ban Nha nhiệt tình.
Đón giao thừa ở đại lộ Champs - Elysees thì hình như đã trở thành “thương hiệu” của Paris. Giới thượng lưu đến Paris đón năm mới thường chọn những khung cảnh xa xỉ hơn cho xứng với kinh đô ánh sáng như bữa tối lãng mạn trên du thuyền sông Seine, tiệc năm mới ở những nhà hàng Pháp kiểu cách, đến Casino Nouveau hay những câu lạc bộ sang trọng. Đối với người dân thường có vinh hạnh đến với Paris, đón năm mới trên đại lộ Champs - Elysees đã là một niềm hạnh phúc. Chính vì thế mà trước thời khắc giao thừa, dòng người chen chúc trên những chuyến metro cuối năm. Trong dòng người đó hình như người nước ngoài nhiều hơn người Pháp. Từng đoàn người với đủ mọi quốc tịch, có khi họ còn đem theo cờ tổ quốc như để tự giới thiệu bản thân, đổ về đại lộ với đích đến là Khải Hoàn Môn. Đại lộ Champs - Elysees danh bất hư truyền sáng bừng lên trong ánh đèn màu xanh xanh lấp lánh vẻ xa hoa, quý phái và kiêu kì. Hàng cây bên đại lộ rực sáng trong đêm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Hiếm khi năm mới ở Paris có tuyết nên ở một số điểm trên đại lộ, người ta trang trí sẵn cây thông và tuyết giả, dường như dành cho du khách một chút không khí “white Christmas”. Ở Paris, bạn có quyền mua pháo bông, pháo hoa để đốt vào thời khắc năm mới nên tiếng chuông đồng hồ năm mới đã điểm, pháo từ đâu bay ngang, đan xéo trên đầu tựa như những vì sao băng vùn vụt bay. Champage nổ bôm bốp, tưởng như có thể chảy tràn trên đại lộ, những đôi tình nhân hôn nhau say đắm với nụ hôn vắt từ năm này qua năm kia và chúng tôi thì trao nhau những “bisou”, nụ hôn bạn bè chân thành và ấm áp. Tôi cũng nhanh chóng học câu chúc năm mới: “Bonne annee” để có thể nói với bất cứ ai mà tôi gặp, bởi suy cho cùng, gặp nhau trên đại lộ Champs - Elysees trứ danh để đón năm mới có thể là cơ hội không đến nhiều lần trong đời.
Nói về Tết châu Âu, tôi vẫn muốn trở lại với xứ sở tôi yêu mến nhất, nước Áo. Có một “đặc sản” năm mới của Áo mà không nơi nào có được, đó là Das Neujahrskonzert der Wiener Philharmoniker - buổi hòa nhạc năm mới vào sáng mồng Một Tết Tây ở thủ đô của âm nhạc - Vienna. Mấy năm sống ở Áo, tôi chưa bao giờ đủ tiền và vị trí để có thể mua vé vào xem buổi hòa nhạc này nhưng tôi luôn dành tiền để mua bản DVD hay CD gốc của buổi hòa nhạc như một kỷ niệm đẹp với thành phố mà tôi yêu mến. Hàng năm mua đĩa này, bạn sẽ thấy nhiều bản nhạc trùng lặp, bởi vì buổi hòa nhạc này luôn bao gồm các tác phẩm của gia đình nhà soạn nhạc Strauss (Johann Strauss I, Johann Strauss II, Josef Strauss and Eduard Strauss) và thêm các tác phẩm của Mozart, Schubert hay Hellmesberger. Tác phẩm thường là các điệu waltzes, polkas, mazurkas và marches. Khán phòng đại sảnh “Großer Saal” phô bày hết vẻ xa hoa, quý phái, sang trọng và lịch lãm của kinh đô âm nhạc châu Âu. Đỉnh điểm của buổi hòa nhạc nhiều khi lại rơi vào phần cuối chương trình với phần trình diễn lại các tác phẩm kinh điển và quan trọng nhất, khán giả cũng tham gia “trình tấu” qua tiếng vỗ tay dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng. Điệu waltz “Blue Danube” (sông Danube xanh) dìu dặt vang lên cùng lời chúc năm mới, rồi bản Radetzky March sôi động vỡ òa trong tiếng vỗ tay theo nhịp của khán giả khiến không chỉ những người có vinh dự ngồi trong khán phòng mà cả những khán giả qua màn ảnh nhỏ cũng cảm thấy xúc động, ngời ngời niềm tin vào một năm mới an lành, hạnh phúc. Ngoài kia, đèn trang trí lấp lánh trên những con phố cổ, pháo hoa kết hình chữ số năm mới bừng lên dưới nhà thờ Stephan Dom, và dòng người dập dìu nắm tay nhau đón mừng năm mới. Bông tuyết đầu năm phủ nhẹ trên bờ mi cô gái lấp lánh dưới ánh pháo hoa.
Cũng có cái Tết Âu, tôi không đón giao thừa ngoài đường mà về nhà bạn để thưởng thức không khí Tết gia đình. Cũng rượu đấy, cũng những món ăn Âu đặc trưng nhưng cảm giác ngồi cuộn tròn trên ghế sofa, lặng lẽ đón giao thừa bên người thân, ngắm pháo hoa qua ô cửa kính mờ hơi lạnh dường như là một niềm vui, niềm hạnh phúc ấm áp mà không hề hào nhoáng. Suy cho cùng, Tết ở đâu cũng vậy, chỉ cần một chút hương vị quê nhà và thật nhiều tình cảm ấm áp của gia đình, bạn bè, của tình người, mọi khoảng cách văn hóa, địa lý dường như đều bị xóa nhòa chỉ còn lại niềm tin vào một năm mới tràn đầy tình yêu và hạnh phúc.