Hồ Điệp Truyện 6


Truyện 6
CÂU ĐỐ CỦA TRUYỆN NGẮN

Chiếc đồng hồ Râyga của Lý Trầm Trọng, nhà văn lão thành nổi tiếng về viết truyện ngắn câu chữ trúc trắc khó đọc, đã không cần chạy nữa.

Chiếc đồng hồ mang kí hiệu X058729984 không bao giờ mòn này ông mua của hãng đồng hồ Hăngđri trên phố Vương Phủ Tỉnh mười năm trước, theo giá lúc bấy giờ là 1496 tệ. Nghe nói bây giờ lên đến tám ngàn tệ rồi. Tại sao nó lại chết nhỉ? Nếu bảo hết pin thì lẽ ra kim giây phải nhảy năm giây năm giây một. Theo lệ cũ, hễ kim giây vận hành siêu giai đoạn như thế thì người có đồng hồ nhớ mà thay pin. Nhưng lần này, đột nhiên đồng hồ chết là chẳng kim nào chạy nữa.

Biển dâu vô hạn nhớ xưa, nay! Trước kia, sao mà quý cái đồng hồ đến thế! Mãi đến năm 1954, sau khi đổi thành chế độ trả lương, lứa cán bộ cuối cùng của chế độ bao cấp mới mua được đồng hồ riêng cho mình. Mất hơn một trăm tệ, lại còn phải nhờ vả mới mua được chiếc đồng hồ cũ của Anh. Sau đó mới có đồng hồ trong nước sản xuất. Chiếc đồng hồ nội đầu tiên của ông mác Mồng một tháng Năm do Thiên Tân sản xuất. Chưa dùng được hai năm, nó đã mắc bệnh cấp tính mỗi ngày chạy nhanh hàng nửa tiếng. Chữa mấy cũng chẳng ăn thua, sau đó ông đổi sang dùng đồng hồ mặt đen Thượng Hải. Chiếc Mồng một tháng Năm đem kí gửi ở cửa hàng kí gửi nhờ bán (bây giờ nhớ lại ông không sao hết xấu hổ), suốt nửa năm trời may mà chẳng có ai mua, nếu không, lương tâm ông không khỏi cắn rứt.

Sau khi Râyga tới nhà thì chiếc mác Thượng Hải không cánh mà bay, thật là một nghi án mà đến nay chưa giải đáp được. đời người lắm chuyện ngờ vực, hễ nghĩ tới lòng lại buồn.

Chiếc Râyga đem tới hiệu nhờ thay pin và lau dầu. Cửa hiệu bảo trả chín mươi tệ, đợi một tuần.

Lý Trầm Trọng mở chiếc tủ đầu giường, lấy ra một chiếc hộp nhỏ. Đấy là tặng phẩm của đơn vị tài trợ cho hội nghị sáng tác họp tại Lư Sơn mà hồi ấy ông có tham gia. Trong hộp là chiếc đồng hồ mạ vàng có in tên của xí nghiệp. Đem về nhà là ông cất luôn vào tủ đầu giường, dễ có đến hơn hai năm rồi. Bây giờ mở ra, đồng hồ còn đó nhưng không chạy nữa, vả lại dây đeo đã chuyển thành màu đen.

Lại còn một cặp đồng hồ ông được tặng sau khi thực hiện xong tiết mục cho đài truyền hình. Hai chiếc này mang về nhà chưa lâu lắm. Lý Trầm Trọng lục tìm mãi, cuối cùng tìm thấy chiếc hộp đựng, mở ra chỉ thấy hộp không, đồng hồ đi đâu mất rồi.

Thế là ông tìm vợ là bà Triệu Khinh Tùng để nghiên cứu xem đôi đồng hồ càn khôn này chạy về hướng nào. Triệu Khinh Tùng bảo có lẽ đã đem tặng cho đôi vợ chồng mới cưới nào đó. Trầm Trọng không tin, không chịu thôi, truy đuổi đến cùng, không chịu buông tha. Thế là Khinh Tùng mới nói đem cho anh em nhà mình. Trầm Trọng bực mình lắm, bảo nếu cứ tặng theo kiểu này thì truyện ngắn của tôi dù có viết nhiều, viết nhanh, viết hay, có được giải thì cũng chẳng ăn nhằm gì.

Khinh Tùng cười phá lên.

- Đùa ông đấy thôi. Nhà văn vĩ đại ơi, thì ra ông tầm thường đến thế! Tầm thường vì sao ấy à? Vì truyện của ông viết thoát tục quá. Văn chương quá vĩ đại, tới cuộc sống thực tế thì chỉ còn lại phần nhỏ nhoi mà thôi. Nhưng cái tình thì có thể lượng thứ.

Rồi Triệu Khinh Tùng cất tiếng hát:

Đàn ông anh tuấn gặp hàng vạn hàng ngàn,

Duy có anh đáng ghét nhất.

Tuy đáng ghét nhưng em vẫn yêu,

Không hề sợ rụt lưỡi dù nói phét bao nhiêu.

Sau đó Triệu Khinh Tùng mới nhắc chồng:

- Cặp đồng hồ uyên ương mà đài truyền hình biếu ông chẳng phải chính ông đem tặng cho con trai ông Phó bí thư đảng ủy Hội nhà văn là gì!

- Tôi cứ tưởng mình có nhiều đồng hồ đeo tay lắm, cuối cùng thì sao nào? Cả tuần nay tôi không có để mà đeo! Đấy chính là triết lý mà cụ Trang Tử đã nói rồi: nhiều rồng không ai làm mưa, nhiều tiểu không ai gánh nước, nhiều “em” chẳng có thực tình, nhiều rận không hề bị cắn, đồng hồ nhiều không có mà đeo, không có cách gì biết mấy giờ.

- Phu quân tác gia ơi! Ông vẫn còn đấy chứ! Ông quên cái của cô lưu học sinh Hàn Quốc rồi sao?

Lý Trầm Trọng mừng quýnh. Thế là lục tủ mở hòm, tìm cả một buổi tối. Lý Trầm Trọng lâu nay vẫn châm biếm tính thích cất giữ của Triệu Khinh Tùng. Ông nhại câu hát của tên hiến binh Nhật khi không tìm thấy mật mã đánh điện của quân ta trong vở Chiếc đèn đỏ rằng: cái gì Đảng cộng sản cất giấu thì Quốc dân đảng tìm không ra.

Cuối cùng cũng tìm thấy chiếc đồng hồ của cô nữ sinh Hàn Quốc. Đồng hồ vẫn chạy nhưng lại là đồng hồ nữ. Lưng đồng hồ có chữ Daiwoo. Đới Ngô à? Không phải, đó là sản phẩm của công ty Đại Vũ.

Thế là nhà văn lão thành Lý Trầm Trọng đeo cả tuần đồng hồ nữ. Trong những lúc suy nghĩ mông lung, tưởng ngủ mà không phải ngủ, ông dường như nghe thấy chiếc đồng hồ nữ cất giọng oanh vàng nói chuyện với ông. Nó thỏ thẻ bảo nhà văn họ Lý rằng số X đồng hồ đeo tay mà ông từng đeo hoặc từng có vừa vặn bằng số X truyện ngắn xuất sắc của ông. Có nghĩa là ông nên viết những truyện về mác Anh những năm 50, truyện về mác Mồng một tháng Năm những năm 60, truyện về mác Thượng Hải những năm 70, truyện về mác Râyga những năm 80, truyện về vỏ mạ vàng, tặng phẩm của đài truyền hình, của nữ lưu học sinh Hàn Quốc cùng tất cả đồng hồ đeo tay, kể cả chiếc của Trần Hy Đồng và tiểu thư Hà Bình những năm 90. Giọng nói của chiếc đồng hồ nữ mới mê ly làm sao, chẳng khác gì hạt châu lớn nhỏ rơi xuống mâm ngọc khiến ông nở gan nở ruột, tâm ý bối rối, tiêu hồn lạc phách, thực là đáng thương.

Từ đó truyện ngắn của nhà văn họ Lý tinh tiến hẳn lên, ông Phó bí thư có con vừa cưới vợ bảo truyện ngắn của ông gần đạt tới độ hàng xịn rồi. Có điều một tuần sau, ông gây nên trận phong ba gia đình, suýt nữa thì ly dị bà Triệu Khinh Tùng. Chậm mất mấy hôm, ông đem trả chín mươi tệ, lấy chiếc Râyga về và đem trả chiếc đồng hồ nữ cho bà Lý Triệu thị hoặc Lý Triệu Bất Khinh Tùng. Theo thói quen, bà Triệu Khinh Tùng cất chiếc đồng hồ xinh xắn đó theo cách giấu mật mã. Chẳng bao lâu, vợ chồng nhiều lần hòa thuận, tình cảm dần dần sống lại. Cuối cùng họ thông báo cho bạn bè biết tháng sáu năm sau sẽ mời bạn bè đến mừng cho đám cưới ngọc lam của họ. Họ đã đặt trước phòng đa chức năng tại Văn hào đại tửu điếm, có tất cả hơn ba chục đài, báo, xí nghiệp và đơn vị tài trợ cho hoạt động mừng gia đình hòa thuận này của họ. Nghe nói hoạt động này còn có quan hệ tới cuộc đấu tranh giữa hai phái gì đó trên văn đàn, cần phải nâng oai phong của người phía mình và diệt chí khí của phe đối lập. Còn được biết khách tham gia buổi lễ này mỗi người sẽ được một chiếc đồng hồ mạ vàng làm kỉ niệm.

Lý Trầm Trọng gần đây thường nằm mơ. Ông mơ thấy mình đi trên cát, bước chân nhẹ lâng lâng như là trượt băng, lại như ốm lâu ngày vừa khỏi. Đi mãi đi mãi, chợt trông thấy một cây to đen sì, trông thật oai nghiêm nhưng có vết cưa.

- Ai đấy? - Ông hỏi, tiếng âm vang như từ trong giếng.

Không có tiếng trả lời.

- Ai đấy? - Ông lại hỏi, tiếng âm vang như ở giữa núi.

Không có tiếng đáp.

- Rốt cuộc anh là ai? - Ông Lý bực mình, quát to.

Thế là tiếng vọng vang lên giữa núi, tuyết bằng, đá lở, động đất, mưa to gió lớn.

Cái cây to có vết cưa không thấy đâu nữa, chỉ thấy những mảnh giấy mờ mịt như những tờ giấy xâu lại trong tập truyện của ông.

Lý Trầm Trọng tiếp tục lướt đi.

Cặp môi mềm mại, một chiếc hôn dịu êm. Ông Lý không ghìm mình được nhưng ông vẫn cố sức tự khuyến cáo, rằng ngần này tuổi đầu rồi, đừng có gây chuyện nực cười. Vả chăng, mùa đông không cất giấu thì mùa xuân sẽ lây lan. Nhưng ông vẫn thấy khắp người rã rời.

A, cái gì ôm cổ ông chặt đến thế này nhỉ? Người chăng? Người tình hay kẻ thù? Rắn chăng? Rắn độc hay rắn lành?

Ông tỉnh dậy. Chẳng có chuyện gì.

Thế là thế nào nhỉ? Là truyện hay không phải truyện? Chủ đề là gì? Tìm chẳng ra chủ đề, thế là ông viết không nên truyện. Ông lại ngủ thiếp đi, nước mắt dâng lên trong mắt.

Lý Trầm Trọng dắt theo cậu nghiên cứu sinh sáng tác văn học tên là Lý Diệc Bất Khinh, cậu này giữ nguyên chức vụ để đi sâu vào cuộc sống và đảm nhận chức phó phòng văn hóa giáo dục tại một huyện.

Đoàn kịch của huyện tổ chức một buổi dạ hội với nội dung lành mạnh. Vừa hay, một vị lãnh đạo của tỉnh đi qua đây, Lý Diệc Bất Khinh là cậu nghiên cứu sinh ấy liền mời vị lãnh đạo nọ đến dự buổi dạ hội của họ để tỏ ra là quan tâm, cổ vũ.

Xem được một nửa, vị lãnh đạo toan đi, đi cho kịp chuyến tàu hỏa cuối cùng. Thế là Diệc Bất Khinh, nhà văn lớn trong tương lai hạ lệnh cho các diễn viên đang diễn phải dừng ngay lại để chụp ảnh chung với lãnh đạo. Chụp ảnh xong lại diễn.

Buổi diễn đang diễn tới cảnh khá là cảm động, trên, dưới sân khấu đang sắp khóc rống thì chen vào cảnh chụp ảnh chung với lãnh đạo, thành thử chẳng ra thế nào, diễn viên và người xem đều dở cười dở khóc, cảm thấy phiền quá.

Chuyện này loang ra, càng đồn đại càng thêm mắm muối, lại càng khó nghe. Có người bảo chuyện này nên đưa vào tập truyện cũ soạn lại của Hàn Phúc Củ.

Lý Trầm Trọng nổi giận, xóa tên rồi đuổi cậu nghiên cứu sinh kia đi.

ít lâu sau, Lý Diệc Bất Khinh viết câu chuyện đó thành một truyện ngắn, truyện được vào danh sách để bình một giải văn học lớn của địa phương trong năm đó. Ai cũng bảo truyện đó đúng là trở về với truyền thống. Nhưng Lý Diệc Bất Khinh không thể giữ nguyên chức về huyện công tác được nữa. Ai cũng bảo anh chàng này ăn cháo đái bát, danh dự của cậu ta giảm sút rất nhiều.

Lý Trầm Trọng than thở, nếu sớm biết chú mày viết thì anh đây viết còn hơn. Anh đây viết thì ít nhất cũng lung linh văn vẻ hơn. Chồng chất toàn tư liệu có trong cuộc sống, sao kể được là truyện?

Chẳng bao lâu, Lý Trầm Trọng và Lý Diệc Bất Khinh làm lành với nhau. Họ thường cùng nhau dùi mài đẽo gọt, thường cùng nhau ăn lẩu dê, thường cùng nhau đọc và thảo luận về số tạp chí Văn học Bắc Kinh mới ra, nhất là những tác phẩm dự thi truyện ngắn giải Cúp Tân Tinh đăng trên tạp chí này.

 

Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học Bắc Kinh có đặt tôi viết bài bút đàm về truyện ngắn. Tôi cảm thấy tôi đã viết khá nhiều về vấn đề này rồi, viết nữa cũng không có ý gì mới, bèn viết truyện ngắn trên đây, thực cũng không biết là bút đàm về truyện ngắn hay là chính truyện ngắn nữa.

(Tiểu thuyết tuyển chọn, số 3 - 1998)

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26694


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận