Hồ Điệp Truyện 7


Truyện 7
CHÙM TRUYỆN HUYỀN TƯ

Lão Vương

Lão Vương chẳng có việc gì bèn sưu tầm những chuyện hồi sinh thời của một số nhà âm nhạc nổi tiếng, nếu không thì cũng xem những câu chuyện âm nhạc trên đài Truyền hình trung ương. Ông rất thích Clara của nước Đức. Bà sống trong khoảng từ 1819 đến 1896, thọ 77 tuổi. Lúc đầu bà lấy Suman, lớn hơn bà chín tuổi. Sau Suman phải vào bệnh viện tâm thần và chết vào năm 1856. Lúc đó Clara 37 tuổi.

Sau đó, bà lại có người tình là Brams, Brams nhỏ hơn Suman hai mươi ba tuổi và nhỏ hơn bà mười bốn tuổi. Sau đó Brams cũng phải vào bệnh viện tâm thần. Clara mất năm 1896; năm sau Brams cũng chết nốt.

Rõ ràng là Clara yêu ai thì người ấy đều là nhạc sĩ nổi tiếng trong lịch sử.

Clara cũng để lại nhiều tác phẩm âm nhạc của mình, nhưng vì chồng bà và người tình của bà quá nổi tiếng nên tác phẩm của bà đã không có được tiếng vang đáng có.

Còn bác mù A Bính thì sao? Cha là đạo sĩ, anh ta là tiểu đạo sĩ kiêm hành khất. Sau giải phóng, bác được đối xử rất tốt, nhưng số phận không may, năm 1950 vừa được sống sung sướng thì đã chết, thọ năm mươi bảy tuổi, cùng một tuổi thọ ngang với Các Mác.

Sau đó lão Vương nghĩ, năm 1929 ở nước Trung Quốc vĩ đại có một người ra đời, sau này được gọi là lão Vương. Ông chẳng biết sáng tác nhạc và cũng chưa ăn xin, càng không đề xuất được lý luận gì, kể cả lý luận vĩ đại hay lý luận nhỏ nhoi. Ông chưa vào bệnh viện tâm thần và cũng chưa hề tới Đức (tuy có uống thứ thuốc viên nhập khẩu của Đức). Vợ ông không phải là Clara, không nhỏ hơn ông chín tuổi, cũng không lớn hơn ông mười bốn tuổi. Thị lực của ông không tốt nhưng chưa đến nỗi mù. Thu nhập của ông không cao song cũng không cần ăn xin. Ông không có tác phẩm nào, cũng chưa bị tù lần nào. Tên ông sẽ không được bất kỳ ai ngoài con cái của ông nhớ đến.

Cho nên, ông không phải là A Bính, không phải Suman, không phải Brams. Ông là ông, là lão Vương. Ông chỉ có thể và chỉ cần ưỡn ngực hoặt rụt cổ làm lão Vương mà thôi.

Gậy chống

Mỗi khi đi du lịch tới ngọn núi nổi tiếng, lão Vương bao giờ cũng mua một cây gậy chống. Thăm núi xong, gậy đem về nhà, lần sau đi du lịch, không hề nhớ phải đem theo gậy, liền tới chân núi mua một chiếc gậy khác. Lão Vương thở dài, trong việc leo núi của ông, gậy đã không còn là thứ có thể thiếu được nữa rồi.

Lúc đầu, gậy chất đống ở nhà. Chúng luôn luôn nhắc ông hồi tưởng những cuộc leo núi Thái Sơn mà xem thiên hạ là nhỏ, chơi núi nổi tiếng mà vượt lên được bụi trần, coi các núi khác chẳng ra gì. Lâu dần ông cảm thấy gậy chiếm nhiều chỗ, ngăn đường ngáng chân, bèn tiện tay thu gom lại.

Gần đây lão Vương mắc chứng bệnh lạ, đi đường không dễ dàng nữa nên mới nghĩ đến gậy chống, nhưng khi tìm thì chẳng tìm thấy một cái gậy nào.

Lão Vương cuống lên, không biết nên oán trách ai bây giờ. Bèn than rằng: “Lúc trẻ không cố gắng, già rồi luống bi thương!”. Vợ ông cười ầm lên:

- Ông nói cái gì thế? Văn chẳng đúng đề, từ không đạt ý!

Lão Vương đổi lại than rằng: “Ngày thường chẳng đốt nhang, lúc gấp ôm chân Phật!”.

Nói xong ông tự lắc đầu, vẫn cảm thấy từ không biểu đạt hết ý. Thuận miệng, ông nói thêm: “Thà chuẩn bị mà không đánh, còn hơn đánh mà không chuẩn bị!”

Ông cảm thấy mình quá nông cạn, cả đến cảm giác lũ gậy ngày thường chắn lối ngáng chân, lúc dùng đến lại tìm không thấy mà cũng biểu đạt không nên hồn.

Kiểm tra

Khớp chân đau, lão Vương đến bệnh viện khám. Trước hết tới khoa Ngoại, thử máu, tất cả đều bình thường, chứng tỏ không viêm nhiễm gì.

Sang khám khoa Nội, kiểm nghiệm sinh hóa máu, kết quả cho thấy ông không mắc chứng thống phong.

Lại sang khoa Xương, chiếu X quang, chứng tỏ xương cốt không hề hấn gì.

Bèn vào khám khoa Da liễu, bác sĩ cho biết chân đau không liên can gì với vi khuẩn bệnh da liễu như hắc lào.

Cuối cùng lão Vương ngộ ra rằng, thiết bị và kỹ thuật y học có hoàn hảo đến mấy thì cũng chỉ lợi cho việc xác định anh không mắc bệnh gì chứ không xác định được anh mắc là mắc cái bệnh gì.

Dùng thuốc

Lão Vương đến bệnh viện khám bệnh, gặp rất nhiều người quen. Người quen đầu tiên lĩnh xong thuốc, khe khẽ bảo lão Vương:

- Thuốc này của tôi là thuốc đặc hiệu, năm ngoái mới nghiên cứu ra và mới được nhập khẩu từ Đức. Vốn dĩ cơ quan không thanh toán tiền cho loại thuốc này nhưng Chủ nhiệm đã phê riêng cho tôi, vì thế tôi mới được lĩnh đấy chứ!

Lão Vương vâng dạ, chỉ biết kính cẩn hơn nữa.

Người quen thứ hai lĩnh xong thuốc, bảo lão Vương:

- Thứ thuốc này hoàn toàn giống với loại thuốc mà lãnh đạo X đang dùng, hôm qua bệnh viện vừa mới viết đơn cho ông X, thế mà hôm nay cũng kê đơn cho tôi y như thế. Tôi quen với Chủ nhiệm khoa Nội, thế cho nên bác sĩ mới cho tôi dùng thứ thuốc này đấy chứ!

Lão Vương gật đầu lia lịa, hoàn toàn tin, kính trọng, sùng bái và khâm phục.

Người quen thứ ba tiêm xong thì cho lão Vương biết:

- Người thường không khi nào được tiêm thứ thuốc này. Anh có biết mũi tiêm này của tôi đáng giá bao nhiêu tiền không? Tiêm một mũi còn đắt hơn số tiền bỏ ra đi du lịch úc một chuyến đấy!

Lão Vương thất sắc, gục đầu xuống lẩm bẩm nói:

- Tiêm không nổi, tiêm không nổi...

Cuối cùng lão Vương chia tay với ba người quen. Ông hớn hở vui mừng vì không phải dùng đến thứ thuốc vừa mới được nhập khẩu  từ Đức, không cần so bì với ông X về việc dùng thuốc, lại cũng không cần dùng tới món tiền đi du lịch úc để được tiêm.

Mà thật ra, ông cũng không hề có ý muốn đi du lịch úc.

Bóng bàn

Lão Vương thường nhớ lại tình hình phát triển phong trào bóng bàn Trung Quốc từ cuối những năm 50 tới những năm 60 ở thế kỷ trước. Khương Vĩnh Ninh, Tôn Mai Anh là hai vận động viên Trung Quốc giành được danh hiệu sớm nhất trong cuộc thi hồi Liên hoan thanh niên thế giới. Hình như Khương còn là Hoa kiều về nước. Hai vận động viên bóng bàn tiên phong ấy kết thành vợ chồng là giai thoại hồi ấy.

Sau đó đến Dung Quốc Đoàn, Khưu Chung Huệ... Điều phấn khởi nhất là thời kỳ những năm 60, tuy thiên tai nhân họa, ăn chẳng đủ no nhưng mọi người vẫn muôn phần cuồng nhiệt với những Trang Tắc Đống, Lý Phú Vinh, Từ Dần Sinh, Lâm Tuệ Khanh, Trịnh Mẫn Chi...

Sau đó còn nêu khẩu hiệu “hữu nghị thứ nhất, thi đấu thứ hai” (đương nhiên như thế là đúng), và thực hiện thành nhường bóng khiến người ta có cảm giác đắc thế.

Bây giờ lão Vương cũng hay xem thi đấu bóng bàn quốc tế phát trên tivi, nhưng phần nhiều ông lại thầm chúc cho vận động viên nước ngoài thắng. Khổ nỗi Nga mãi mới có được một Samsônốp, Đức mãi mới có một Poll thì kết quả vẫn là thua nhiều lần cầu thủ Trung Quốc.

Lão Vương tự hỏi: “Lẽ nào tinh thần yêu nước của mình có vấn đề?”.

Rồi ông lại nhớ ra, khi ông xem Vương Nam, Trương Di Ninh hoặc Ngưu Kiếm Phong thi đấu, ông cũng luôn mong đối thủ của Vương Nam thắng. Người ta thường không thích một vận động viên hoặc một đội nào cứ thắng mãi, người ta thường mong trên sân thi đấu luôn luôn xảy ra tình thế bất ngờ mới mẻ, như thế gọi là “thiên đạo vô thường” (đạo trời không vĩnh hằng một phía). Đối với những quán quân thuở nào, đối với những người ưu tú nhất mà nói, thiên đạo – dân tâm (đạo trời, lòng dân) thật là tàn khốc!

Lên núi

Ngoài bảy mươi tuổi, lão Vương trèo lên đỉnh núi cao nhất của Hương Sơn, được gọi là núi “Quỷ thấy phát rầu” một phen. Vừa trèo ông vừa đọc câu thơ “Dục cùng thiên lý mục, Cánh thướng nhất tầng lâu” (muốn mắt nhìn thấu ngàn dặm thì lên thêm một tầng lầu) để tự động viên. Lên trên cao nhìn thế giới, nhìn Bắc Kinh thì mới thấy khác. Ông cảm thấy mình đang cưỡi gió, vượt mây, nuốt nhả vũ trụ, tinh thần rong ruổi đến bốn phương tám hướng... Ông than thở cho mình ngày thường tầm mắt quá hẹp, góc nhìn quá thấp, bao quát được quá ít.

Thế giới, ôi thế giới! Lão Vương vừa cảm thán vừa xuống núi. Xuống tới chân núi, lão Vương mới thấy hai chân mỏi nhừ, mỗi bước đều như giẫm trên bông. Giữa đường ông phải nghỉ đến mấy bận. Thấy mặt trời đã ngả về tây, trời sắp tối rồi, ông cuống lên, chân nam đá chân chiêu, ông ngật ngưỡng chạy xuống núi như say rượu.

Cuối cùng cũng xuống được tới chân núi, xuống đến đất mới thở phào. Ông lục lọi trong ký ức, mong tìm thấy những vần thơ cổ vũ người ta từ trên cao đi xuống dưới đất, chẳng hạn như “Muốn biết vị thật sự. Xuống thêm một tầng lầu”, “Muốn sống cuộc đời thật, Xin mời xuống chân núi”, hoặc “Lên cao ngóng được xa, Đứng thấp mới nhìn thật”. Tiếc rằng nghĩ một lúc lâu, ông chẳng tìm thấy một câu nào như thế cả. Còn mấy câu gọi là thơ do ông nghĩ ra thì kém cỏi vô chừng, không dám công bố.

Kính

Thị lực của lão Vương dường như mỗi ngày một kém. Vốn dĩ thị lực của ông là 1,2 bây giờ cả đến 1,0 cũng không đạt được.

Bác sĩ đề nghị ông đổi kính khác và ngầm cho ông biết kính của ông đang đeo (loại kính lắp năm 1961 là thời kỳ khó khăn nhất) quá lạc điệu.

Ông tiếp thu ý kiến của bác sĩ và cảm thấy xúc động. Sau khi thay cặp kính cũ kỹ này đi, trên người ông thực hiện ngay được hiện đại hóa, bất kỳ một thứ cũ kỹ nào đều không còn. Đồ đạc cũ kỹ trong nhà đều bán cả cho trạm thu mua của Công ty phế liệu, tạp chí cũ khi dọn nhà đã xử lý tuốt tuồn tuột. Còn quần áo cũ, cái còn tốt thì cho người giúp việc, cái cũ thì làm giẻ lau bàn, và lau nhà.

Lão Vương bàn với vợ con chuyện đó, được cả nhà hoan hô. Lão Vương nên thay kính từ lâu rồi. Thế là được con cái góp tiền và bà vợ chịu chi, lão Vương có tất cả hơn tám ngàn tệ. Mọi người bắt ông phải sắm một cái kính vào loại đi đầu trong số kính đeo trong toàn thành phố, có thể đổi màu được; gọng kính phải là loại mốt nhất làm bằng thứ kim loại nhẹ nhất mới được dùng trong ngành hàng không. Cô con gái ông nhấn mạnh:

- Bố phải đeo kính sao cho ra tôn nghiêm, cho ra lòng báo hiếu của con cái, cho ra địa vị của trí thức, cho ra cảnh gia đình ở thế tốt đẹp, trung lưu về mọi mặt!

Lão Vương vâng dạ, thầm nghĩ thế là phải. Cả một đời xuềnh xoàng, già rồi mà còn không đeo một cái kính thật tốt hay sao?

Ông theo lời nói phải, nghiêm túc quán triệt. Kiểm nghiệm độ sáng rồi lại kiểm nghiệm độ sáng, hết nhờ máy tính lại nhờ chuyên gia, khám mắt thường rồi lại khám sau khi cho giãn đồng tử. Cuối cùng ông lắp một cặp kính chất lượng cực tốt ở hiệu kính hợp doanh với Nhật hết tám ngàn mười tệ.

Nhưng ông chưa thật hết băn khoăn: những người ở thế yếu thì sao? Không nói đâu xa, chỉ nói ngay chị công nhân gác thang máy ở tòa nhà họ ở thôi, một năm chị ấy cũng không kiếm nổi tiền để lắp một chiếc kính như thế! Ông đeo kính rồi soi gương, cảm thấy mình không còn là mình nữa, dường như học vấn nhiều thêm và địa vị cũng cao thêm.

Chỉ có điều thị lực vẫn không được cải tiến. Ông đến bệnh viện khám lại, thị lực vẫn chỉ còn 0,6. Ông hỏi bác sĩ, bác sĩ bảo, người già thị lực giảm sút là chuyện thường, đó là điều không thể xoay ngược được.

Phong phú

Lão Vương tán gẫu với mấy bạn già đến chơi, mọi người nhất trí cho rằng bất kể về vật chất hay về tinh thần, cuộc sống bây giờ là phong phú nhất kể từ khi thế hệ họ sinh ra. Lão Vương than thở:

- Nhưng phong phú rồi thì có gì tốt nào? Bây giờ không mấy ai chăm đọc báo nữa, ấy là vì sao? Vì quá nhiều loại báo, ngay mỗi trang của tờ báo đã phong phú hơn trước rất nhiều. Các bác mà đọc báo nghiêm túc như ngày trước thì không đứt mạch máu não mới là chuyện lạ. Bây giờ tôi không xem tivi nữa, có xem cũng không nhớ nổi. Tại sao nào? ối là là, có đến mấy chục kênh, biết xem kênh nào? Còn chưa đủ cho bác bấm điều khiển từ xa để chọn kênh sao? Tôi bây giờ xem tivi chủ yếu để cho buồn ngủ, dù sao hễ xem tivi là ngáp lên ngáp xuống. Bây giờ cũng không còn muốn ăn nữa, mở tủ lạnh ra, thức ăn thức uống phong phú đến mức bác thấy buồn nôn, phong phú đến mức phát rợn cả người. Tôi còn không đến hiệu sách và thư viện nữa kia, sách báo phong phú đến thế, bác đọc thế nào đây? Chỉ nhìn giá sách thôi cũng đủ chóng mặt rồi. Lại còn ca khúc nữa chứ. Ca khúc bây giờ một bài tôi không hát được. Điện ảnh bây giờ cũng vậy, bác dứt khoát chớ nên xem, bác ạ. Quần áo cũng phong phú đến mức chỉ tổ nhử giòi bọ đến!

Mấy ông bạn già đều đồng tình cho rằng nghèo nàn quá cố nhiên không hay, mà phong phú quá rốt cuộc cũng không tốt.

Họ về rồi, con cái của lão Vương bèn nói:

- Chao, biết nói với các cụ thế nào đây!

(Tiểu thuyết nguyệt báo, số 11 năm 2004)

 

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26696


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận