Hồi Ký Tâm Si-đa Vượt Lên Cái Chết Chương 9


Chương 9
Căn nhà Hy Vọng

Thấy tôi như vậy, anh Hùng - trưởng nhóm Thảo Đàn tìm cách tạo điều kiện giúp tôi kiếm sống. Thế là mỗi ngày tôi đưa đón cô Mie người Nhật, là bạn của Thảo Đàn. Cứ sáng, trưa, tối, tôi và Mie đi tiếp cận và qua khu xóm ghe Bến Đình ở quận 8 để Mie khám bệnh cho trẻ em nghèo.

Hết ba tháng, Mie trở về Nhật. Cuộc sống của tôi lại khó khăn như cũ. Không còn cách nào xoay trở, tôi gần như kiệt sức. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thấy tình cảnh tôi bi đát, liền xin bác sĩ Trương Xuân Liễu, Giám đốc Sở y tế, cho tôi về Ủy ban Phòng chống AIDS làm công tác tiếp cận với mức lương 400.000 đồng/ tháng. Tôi được bác sĩ Lan Thảo phân công đi tiếp cận trẻ em lang thang đường phố vừa nghiện ma túy, vừa làm mại dâm.

Mặc dù lương tháng ít hơn so với trước đây nhưng tôi bằng lòng với hiện tại. Làm việc cho Văn phòng AIDS, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều giám đốc của các bệnh viện, nhận được sự hỗ trợ của các anh chị bác sĩ trong việc giúp đỡ trẻ em và những người sống trên hè phố. Mỗi khi có em nào đó bị bệnh, tôi lập tức tìm cách giúp cho họ được vào nằm viện. Mỗi khi tôi đưa trẻ vào xin điều trị miễn phí đều được y bác sĩ trong bệnh viện chấp nhận hết. Riết rồi tôi có thêm cái tên mới là “ban xin xỏ”. Tôi không buồn khi có cái tên nghe kỳ quặc ấy. Nhưng chẳng thà tôi xin cho người khác, chứ tôi không lợi dụng lòng tốt của ân nhân để thu lợi như một số người mà tôi biết. Bởi tôi đã thay đổi cuộc đời nên tôi đi xin cũng dễ hơn các anh chị em còn lang thang trên đường phố. Có ai biết họ đâu mà giúp? Hơn nữa, các anh chị ân nhân làm sao biết ai thật sự là người nghèo khó, bệnh tật để có thể đến tận nơi mà giúp? Mà họ thì làm sao dám xin?

Năm 1998, thành phố có chỉ thị cho cai nghiện miễn phí đối với người nghèo. Trung bình mỗi tuần tôi thuyết phục, giúp đỡ từ ba đến bốn người đi cai nghiện ma túy tại trung tâm Bình Triệu. Muốn vào trung tâm cai nghiện thì phải có giấy của Chi cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội. Tôi đi xin giấy cai nghiện miễn phí của Chi cục. Các anh chị nhân viên của Chi cục đều hết lòng tạo điều kiện cho tôi trong công tác giúp đỡ người nghiện sống lang thang được vào Trung tâm Bình Triệu.

Bất cứ nơi nào trong thành phố có tụ điểm, có bụi đời, có mại dâm, có người nghiện ma túy là có mặt tôi tìm đến để truyền thông phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS, để giúp đỡ các chị em mại dâm khám chữa bệnh lây qua đường tình dục. Càng ngày trẻ em đường phố đi vào con đường nghiện ma túy càng nhiều. Nhìn những em mười đến mười lăm tuổi xài chung kim chích, tôi rất lo cho các em. Tôi muốn giúp các em bỏ ma túy, nhưng thời điểm này lại chưa có nghị định về cai nghiện miễn phí cho trẻ em. Tôi rất khó khăn trong việc giúp các em bỏ ma túy. Mỗi lần làm báo cáo công việc, tôi luôn tâm sự với bác sĩ Lan Thảo là phải tìm cách nào để ể giúp đỡ các em cai nghiện ma túy. Tôi tiếp cận, tạo mối quan hệ tốt với các em rồi nhưng giúp các em bằng cách nào đây? Các em cũng muốn cai nghiện ma túy nhưng văn phòng AIDS không có nhà mở thì làm sao giúp các em cai nghiện hay từ bỏ nghề mại dâm? Những em đúng mười tám tuổi còn có thể xin vào cai nghiện tại trung tâm, nhưng những em nhỏ dưới 18 tuổi thì không cách nào giúp được!

Tôi thật sự bức xúc khi các em còn quá nhỏ mà đã bị người lớn dụ dỗ vào con đường nghiện ngập ma túy. Các em còn quá nhỏ, không thể vào trường cai nghiện được. Mà nếu có vào được đi chăng nữa thì theo tôi cũng không nên. Vì khi vào nơi cai nghiện tập trung toàn người lớn, các em sẽ học tánh xấu của họ, khi trở về các em sẽ ranh mãnh hơn, lọc lõi hơn. Tôi cứ suy nghĩ hoài… Làm cách nào để tìm cách giúp các em đây? Giúp người lớn đã khó, giúp trẻ đường phố nghiện ma túy càng khó hơn. Muốn giúp cho các em được an toàn, chuyện không phải dễ dàng gì. Cái khó không thể bó cái khôn, tôi chợt nhớ đến căn nhà Thảo Đàn. Ở đó, anh Hùng là trưởng ban điều hành và các bạn giáo dục viên đang thể nghiệm mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho trẻ đường phố. Tôi lại tìm đến anh để xin cho trẻ ở và cai nghiện ma túy.

Cũng trong thời gian này, tôi gặp lại anh Thành tại Trung tâm Bình Triệu. Anh đang phụ trách lò bánh mì của trung tâm. Chúng tôi cùng hoàn cảnh và là bạn bè từ thuở nhỏ, giờ gặp lại nên đến với nhau rất nhanh. Anh Thành làm thiện nguyện viên cho Thảo Đàn và cũng là bạn thân của anh Hùng. Chúng tôi kết hợp cùng làm việc để giúp các em. Anh Thành làm thiện nguyện viên cho Thảo Đàn.

Nhà Hy Vọng, một trong những căn nhà nhỏ của chương trình Thảo Đàn - nơi cô Thảo đang phụ trách chăm sóc, giáo dục trẻ nghiện ma túy và nhiễm HIV. Ngôi nhà này đang làm thể nghiệm, chỉ giúp ba em. Trình độ cô Thảo có, nhưng kinh nghiệm làm việc với người nghiện ma túy thì chưa nên không đạt được kết quả như mong muốn của tất cả giáo dục viên cũng như sự giúp đỡ của Cha Linh, Cha Thân. Thấy tình hình vậy, tôi và anh Thành xin tự nguyện về nhà Hy Vọng để giúp các em. Từ đó nhà Hy Vọng bắt đầu khởi sắc. Từ  ba em cũ, tôi đi tiếp cận đưa về thêm bốn em và phát triển thêm nhà Bình Chánh dành cho trẻ nữ. Cô Ngọc Anh phụ trách nhà nữ, anh Thành phụ trách nhà nam, còn tôi chỉ là người hỗ trợ trong việc giúp các em cai nghiện ma túy. Chúng tôi cùng ăn cùng ở với các em như một gia đình thực thụ.

Công tác giáo dục, giúp đỡ các em cai nghiện ma túy không dễ chút nào, nhất là khi các em đã biết mình bị nhiễm HIV/AIDS lại còn khó khăn hơn. Bởi lẽ, tâm sinh lý của các em luôn luôn thay đổi, vui buồn lẫn lộn, việc tái sử dụng ma túy là không tránh khỏi. Nếu giáo dục viên phụ trách không phát hiện được hiện tượng “phê” của các em thì coi như là hỏng việc. Tôi luôn chia sẻ với cô Ngọc Anh trong vấn đề phát hiện trẻ tái sử dụng ma túy. Nhưng cô Ngọc Anh thì vừa chủ quan vừa tự tin vào lòng hy sinh của mình dành cho các em nữ. Cô tin là các em sẽ thay đổi, có hành vi tốt. Thậm chí cô còn nghe lời các em khi có em nói xấu thầy cô trong chương trình. Điển hình là Mai. Em tâm sự với cô: “Má Tâm thiếu tiền của mẹ con năm triệu đồng. Nay mẹ con đã chết rồi nên má Tâm không chịu trả cho con”. Cô Ngọc Anh tin lời Mai ngay. Cô không nói cho tôi biết mà cô lại đi nói cho chồng tôi và các em nam trong nhà Hy Vọng.

Anh Thành nghe xong cũng không dám nói cho tôi biết, còn dặn trẻ đừng nói gì, để từ từ anh tìm cách giải quyết. Anh sợ tính nóng nảy của tôi. Nếu tôi biết em Mai nói xấu tôi như vậy thì chắc chắn sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra. Cho đến một hôm, trong buổi giao ban tuần, cô đem Ngọc Anh đem chuyện tôi thiếu tiền của mẹ em Mai ra góp ý và yêu cầu tôi trả năm triệu đồng ấy cho em Mai. Cô còn nói tôi là giáo dục viên mà đi lừa gia đình các em như vậy, nhất là hiện giờ em Mai không còn cha mẹ, tại sao tôi lờ đi mà không trả cho em. Lỗ tai tôi lùng bùng, tôi tức điên người. Hai bên lời qua tiếng lại, gần đánh nhau. Cô Ngọc Anh thì bênh vực Mai, còn tôi thì bảo vệ uy tín của mình. Anh Hùng thấy vậy lên tiếng can ngăn chờ điều tra lại. Tôi yêu cầu sau giờ họp, cô Ngọc Anh phải đi với tôi đến nhà dì em Thảo để rõ sự thật là ai thiếu tiền ai. Vì dì em Mai từng biết chuyện tôi cho mẹ em khi còn sống mượn tiền làm vốn buôn bán nuôi con.

Khi đã rõ trắng đen, tôi được minh oan, cô Ngọc Anh mới xin lỗi tôi. Cũng nhờ đến nhà dì của em Mai, cô mới biết được em Mai từng dẫn em Hà mua hàng về chích chung tại nhà của dì. Riêng tôi thì yêu cầu ban điều hành cho họp nhà có tất cả trẻ nam, trẻ nữ và một số giáo dục viên của chương trình để cho cô Ngọc Anh minh oan cho tôi. Sau khi cô Ngọc Anh thông báo là đã đi xác minh lời em Mai nói với cô là không đúng sự thật, chính miệng dì ruột của Mai nói với cô Ngọc Anh là mẹ của em Mai mượn tiền của tôi chứ không phải tôi mượn tiền của mẹ em như lời em nói với cô. Mọi chuyện đã rõ ràng. Lúc này Mai mới chịu xin lỗi tôi trước mặt các em trong nhà, nhưng em vẫn đổ lỗi cho dì của em. Những sự việc xảy ra trước mắt như vậy mà cô Ngọc Anh vẫn chủ quan. Chính vì sự chủ quan ấy đã làm cô khủng hoảng khi cô đạp phải kim ống chích mà các em vừa dùng xong vứt bừa trong góc.

Cuộc họp nhà diễn ra, không một em nào nhận là bộ kim ống đó của mình. Ngược lại các em còn đổ lỗi cho cô, nào là yêu thương không đồng đều, nào là ăn xén ăn bớt tiêu chuẩn… Quá sốc với lời góp ý không đúng sự thật, cô đâm ra chán nản. Cô nằm vùi trên gác không ăn uống chung, không buồn nói chuyện hay nhắc nhở các em lời nào, cho dù tất cả giáo dục viên biết chuyện đã động viên cô. Bản thân tôi mỗi ngày sau giờ đi tiếp cận đều ghé qua nhà nữ để chia sẻ với cô. Cô đã khóc rất nhiều bởi niềm tin của cô đối với các em nữ đã bị phá vỡ. Cuối cùng, cô đã ngưng công việc tại nhà Bình Chánh và dọn đồ cá nhân bỏ về quê.

Các em nữ lại chuyển về nhà Hy Vọng ở chung với các em nam. Riêng em Phụng thì theo cô Ngọc Anh về quê của cô để ở và cai nghiện ma túy. Tôi cũng lưu ý cô khi cô quyết định đưa bé Phụng về nhà cô ở, nhưng cô vẫn tin là bé Phụng khi ở nhà cô sẽ cai nghiện tốt vì cô chỉ giúp mỗi mình em. Khi Phụng về nhà cô ở, đứa cháu trai của cô cũng bị bé Phụng lôi kéo vào con đường nghiện ngập ma túy. Vậy là bé Phụng không thể ở nhà cô được nữa. Cha của em lại tìm gặp tôi để xin giúp em thêm lần nữa bởi ông không còn nhà để lo cho bé Phụng. Ông tâm sự, mỗi lần lên cơn vật vã, Phụng chửi ông không tiếc lời. Thương con sớm mồ côi mẹ, ông không nỡ đánh đập nó nhưng ông rất khổ tâm. Ông thất nghiệp, không nuôi nổi hai đứa con đành phải gửi vào mái ấm. Bé Phụng nghiện từ hồi mẹ còn sống. Tôi đem chuyện bé Phụng ra xin ý kiến ban điều hành trong việc có nên tiếp tục giúp em nữa hay không. Ban điều hành không đồng ý. Vậy là người cha đành đưa bé Phụng về.

Từ khi nhà Bình Chánh không còn người phụ trách, các em nữ sát nhập với các em nam, ở chung trong nhà Hy Vọng, chúng tôi cực nhọc hơn trong vấn đề quản lý các em. Các em nam ngủ trên gác. Anh Thành ngủ trong phòng. Tôi và các em nữ ngủ nhà trước. Bé Hoài có nhu cầu sinh lý rất cao. Tuy chỉ mới mười lăm tuổi nhưng em đã từng nạo phá thai. Khi về nhà Hy Vọng ở chung, em đã cố tình phô bày thân thể trước tất cả các em nam và cả giáo dục viên nam. Biết chuyện, tôi thường xuyên trao đổi với em và nhắc nhở về việc quan hệ tình dục sớm có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và tâm lý sau này. Mỗi lần như thế, em đều ăn nói rất bài bản. Nếu như không biết rõ về em, chắc chắn người ta sẽ tin em là đứa bé ngoan, tin là em luôn bị giáo dục viên làm áp lực.

Bởi vì giáo dục viên không muốn xảy ra tình trạng nam nữ xô bồ xô bộn trong nhà.  Các anh chị làm việc với em không quá cương mà cũng không quá nhu, quan trọng là phải biết “đọc” những suy nghĩ của em để kịp thời giúp em dừng lại, không gây ra những chuyện xấu trong nhà. Tuy nhiên, chúng tôi ngăn được chuyện này nhưng không ngăn được chuyện khác. Hoài lại nảy sinh tình cảm với em Tú. Hai đứa hẹn hò đi nơi khác để quan hệ tình dục, chúng tôi phát hiện được đã gọi em Tú tới làm việc riêng. Từ đó Tú bắt đầu lơi dần tình cảm với Hoài. Hoài xin rời nhà, còn đòi nhảy lầu tự vẫn khi không nhận được tình cảm của Tú, nói chung là quậy tung lên. Chúng tôi phải động viên, phân tích rằng không phải cấm đoán việc các em có tình cảm với nhau, mà chúng tôi chỉ mong các em quan hệ lành mạnh trong căn nhà, đến khi nào các em thật sự trưởng thành rồi đi đến hôn nhân cũng không muộn.

Chuyện tình cảm của hai em Hoài và Tú tạm ổn thì anh Thành phát bệnh phải vào Bệnh viện 115 điều trị, cũng là lúc có cô Phước về nhà Hy Vọng để cai ma túy. Phước là chị họ của anh Hùng, trưởng nhà mở Thảo Đàn. Tôi vừa lo chăm sóc anh Thành vừa lo công việc tại nhà Hy Vọng. Gần hai tháng điều trị, bác sĩ cho anh Thành xuất viện. Anh về nhà Hy Vọng nằm, tôi cùng các em chăm sóc ân cần nhưng anh vẫn không qua khỏi. Anh trút hơi thở cuối cùng trên tay các em. Anh mất đi, các em đều xin để tang bố Thành cho trọn tình nghĩa.

Trong lúc tôi và các em lo tang cho anh Thành thì cô Phước ở nhà Hy Vọng một mình, vừa tự cai ma túy vừa phụ trông coi nhà cửa. Từ khi anh Thành mất đi, nhà Hy Vọng bắt đầu có thêm cô Phước, bác sĩ Tiến, tuy bác sĩ Tiến không có mặt thường xuyên. Duy đã cai nghiện tốt. Tôi lại nhận thêm em Nhật. Nhật sử dụng ma túy nặng “đô” nên khi cai nghiện cho em, cả nhà rất cực. Mọi người thay phiên thức canh cho Nhật. Sau một tháng cai, Nhật lên cân thấy rõ, sức khỏe đã hồi phục.

Nhật xin phép rời nhà, tôi đồng ý vì em quá lớn tuổi so với quy định. Nhật hồi gia nhưng tôi vẫn thường xuyên ghé nhà em để động viên. Cuối cùng Nhật đi làm nghề biển, theo tàu cá đánh bắt xa bờ. Thỉnh thoảng em vẫn ghé nhà Hy Vọng, còn mua quà cho các em. Không riêng gì gia đình em mà cả chính quyền địa phương nơi em cư trú đều mừng cho sự thay đổi này, bởi em từng là đàn anh của một băng đảng chuyên đi cướp giựt. Từ ngày em về nhà Hy Vọng cai ma túy và hồi gia sau khi cai xong, em đã sống rất tốt. Sau Nhật còn nhiều em khác nhập nhà Hy Vọng để cai nghiện ma túy. Đây là những em do các thầy tu của các giáo xứ gửi đến. Khi cai nghiện xong, các em về lại gia đình và đã có các thầy động viên giúp đỡ.

Trong nhà, các em và tôi đang sống bình yên bỗng nhiên lại xảy ra chuyện. Em Toàn xin rút tiền tiết kiệm để rời nhà. Em làm đơn nộp cho tôi và nhờ tôi nói giúp với cô Trang cho em được rút hết số tiền em gửi cho cô Trang giữ giùm. Tôi giải thích và động viên cho Toàn hiểu là em đang học may chưa được bao lâu, thôi thì cố gắng học cho đến nơi đến chốn, khi thành thợ rồi hãy xin rời nhà. Em nhất định không chịu. Em khăng khăng lấy tiền tiết kiệm ra làm vốn buôn bán. Tôi nói để em hiểu, với số tiền vài trăm ngàn đồng đó không thể nào làm vốn được, con cố gắng học may khi nào thành thạo rồi má và cô Đỗ Ngọc bên báo Phụ Nữ sẽ xin cho con vào xí nghiệp may, lúc đó con rời nhà cũng không muộn. Nói thế nào cũng không được, em nhất định đòi lấy lại tiền đang gửi cô Trang. Bao nhiêu thầy, cô khuyên nhủ cũng không được, cuối cùng em rời nhà. Mỗi lần có em nào rời nhà là tôi buồn muốn phát bệnh vì cảm thấy mình thất bại trong việc giúp đỡ giáo dục các em. Tôi tự trách bản thân mình, tại sao tôi không giữ các em được. Vừa xong chuyện của em Toàn thì xảy ra chuyện trong nhà.

Lúc này tôi phải cáng đáng thêm tiền thuốc lá, tiền sinh hoạt cá nhân cho cô Phương. Có thể nói mọi sinh hoạt cá nhân của cô Phương đều dựa vào tôi. Nhưng rồi tôi phát hiện cô Phương mua “hàng” về chích tại nhà! Kim chích xài xong, cô bỏ trong phòng ngủ của tôi và bé Lý. Tôi nhắc nhở cô về trách nhiệm của một giáo dục viên, cũng như sự nghiêm túc, phải nêu gương khi làm việc với trẻ nghiện. Bị phát hiện, cô cũng hứa không tái phạm nữa. Cô mong tôi đừng báo ban điều hành việc cô tái sử dụng ma túy. Để giúp cô khỏi mặc cảm, tôi đã không báo với ban điều hành nhưng tôi phải báo cho bác sĩ Tiến biết sự việc xảy ra tại nhà. Tuy nhiên, cô Phương vẫn lén mua hàng về chích tại nhà và còn cho Duy chích cùng. Phát hiện được việc tái sử dụng ma túy của hai dì cháu, tôi làm việc với Phương ngay để ngăn chặn tình huống xấu có thể xảy ra ngay trong nhà. Phương lại hứa sẽ không tái phạm. Thấy vậy, tôi cũng không đả động tới. Tôi muốn cô Phương tự thay đổi để sống tốt như các em.

Ngược lại, càng ngày cô càng tệ. Cùng làm việc chung nhưng cô Phương chỉ phụ trông nom nhà cửa, còn lại tất cả công việc để mình tôi cáng đáng: chợ búa, nấu ăn… Cô cứ cáo bệnh nằm dài, chờ tới tháng lãnh lương. Đến một hôm, tôi lại phát hiện vết máu trong nhà vệ sinh do em Duy chích để lại, tôi gọi cô Phương vào và chỉ cho cô xem. Tôi cứ tưởng cô sẽ giáo dục cháu mình, nhưng chẳng ngờ cô làm lớn chuyện, chửi bới om sòm. Buộc lòng tôi phải báo ban điều hành và xin họp giáo dục viên. Bất ngờ, cô Phương nói với ban điều hành là tôi không được tình cảm của các em trong nhà, trẻ luôn than phiền về tôi, trẻ chỉ muốn cô Phương làm việc chứ không muốn có tôi. Ban điều hành lập tức cho họp nhà Hy Vọng để các em có ý kiến về hai chúng tôi trong thời gian cùng làm việc tại nhà. Lúc này cả ban điều hành lẫn tôi mới té ngửa. Các trẻ trong nhà báo là cô Phương từng rủ rê các em chích và nhờ các em chích giùm. Cuối cùng ban điều hành buộc phải đưa cô Phương về văn phòng để cai ma túy và hỗ trợ trông coi nhà, còn em Duy thì xin về gia đình. Duy cũng xin lỗi tôi về việc em tái sử dụng ma túy tại nhà Hy Vọng. Em nói em rất muốn bỏ ma túy nhưng dì Phương của em cứ rủ chích hoài, làm sao bỏ được. Tôi cho em về nhà để tôi dễ giáo dục các em tại nhà Hy Vọng. Sự việc Phương đối xử với tôi và việc anh Thành ra đi đột ngột đã làm tôi sa sút tinh thần tưởng chừng không thể nào gượng dậy được. Tôi muốn buông trôi tất cả nhưng vì tâm nguyện của anh Thành, tôi phải tiếp tục thay anh chăm sóc các em. Một mình tôi vừa chăm sóc vừa giáo dục bọn trẻ, vừa quản lý nhà cửa…

Các em ở với tôi đã khá lâu, phải chuẩn bị cho các em kế sinh nhai để sau này tự lập. Tôi đi tìm trường dạy nghề xin cho các em học lấy một cái nghề. Ngay cả việc chọn nghề cho các em học cũng khó khăn bởi các em có HIV, không ai muốn nhận. Cuối cùng tôi cũng xin được một chỗ. Mạnh, Huy, Nguyên, Toàn học sửa xe gắn máy, còn Bình học điện lạnh. Nhà trường cho ở trọ miễn phí, nhưng các em phải đóng tiền cơm, mỗi em là 10.000 đồng một tuần. Trường dạy nghề cũng mang tên Hy Vọng, ở tận Thủ Đức rất xa. Các em được ăn ở tại trường, cuối tuần về thăm nhà. Qua sáu tháng học tập, đa số nhận được chứng chỉ học nghề nhưng không có chỗ để thực hành cái nghề đã học được.

Riêng em Bình, nghề điện lạnh do em chọn nhưng em học không thành. Em viện đủ lý do bởi sự lười biếng. Em muốn đi học chẳng qua là vì để có thời gian kiếm tiền bằng cách quan hệ tình dục với nguời nước ngoài và có cơ hội lén chích ma túy. Mỗi lần em chích xong khi về nhà đều bị tôi phát hiện. Để tự bào chữa lỗi của mình, em nói với ban điều hành là tôi thù ghét em, tôi ăn xén ăn bớt tiêu chuẩn của các em trong nhà nên em buồn mà đi chích lại.

Thời gian học nghề đã kết thúc, các em trở về nhà Hy Vọng với chứng chỉ trong tay, riêng em Bình thì không có, lại còn mượn nợ của nhân viên trường dạy nghề. Vì uy tín của chương trình Thảo Đàn buộc lòng tôi phải trả tiền cho họ. Với hai em Huy, Nguyên, tôi động viên cho tiếp tục việc học văn hóa dở dang. Tôi đi thuyết phục và xin tiền của Cha Linh để đóng học phí cho hai em. Cha đồng ý cho tiền đóng học phí được một năm. Huy học lớp 9, Nguyên học lớp 8. Chỉ có tiền đóng hai học kỳ, còn những học kỳ sau tôi phải chạy vạy để có tiền đóng tiếp. Tôi không dám xin Cha Linh nữa vì ban điều hành hỏi tại sao tôi nhận tiền đóng học phí mà không hỏi ý kiến của họ. Vì tự ái nên tôi tự đi xin của bạn bè tôi để giúp cho Thịnh và Nguyên được đi học. Cũng may, chị Bích Hạnh báo Mực Tím bàn với các anh chị ban biên tập làm công văn xin giảm học phí cho hai em. Đây chính là sự động viên rất lớn đối với các em trong nhà và tôi.

Qua công việc thực tế tôi lại quen thêm người bạn mới tên Mai - một nhân viên bán hàng miễn thuế. Nhờ Mai, tôi có thêm nhiều bạn mới khác như Thủy và một số bạn trong cửa hàng mà tôi không nhớ hết tên. Các bạn giúp đỡ nhiệt tình để tôi giúp lại những người cùng khổ, bệnh tật. Tết năm 2002, tôi và chị Bích Hạnh cùng đưa sáu em về phía Bắc để thăm gia đình. Kể từ khi các em bỏ nhà đi vào miền Nam sống bụi, đây là lần đầu các em được về thăm gia đình, lại có chúng tôi đi cùng. Tiền tàu xe, ăn uống bên tòa soạn chị Bích Hạnh tài trợ hơn chục triệu. Thịnh, Nguyên, Cương ở Hải Phòng; Hòa ở Thanh Trì; Thuận ở Hà Tây; Phúc ở Triệu Sơn - Thanh Hóa. Mỗi em đều ở cách xa hàng trăm cây số nên tôi và chị Bích Hạnh chia nhau để vãng gia, tìm hiểu hoàn cảnh của từng em. Mỗi em mỗi cảnh. Gia đình nghèo khó khiến các em bỏ nhà ra đi tìm cái ăn. Không may các em lại rơi vào con đường nghiện ngập ma túy khi tuổi đời chỉ mười ba, mười bốn.

Sau cái Tết về thăm gia đình, các em trở về nhà Hy Vọng tiếp tục học hành. Được gia đình tha thứ, các em càng tự tin hơn. Có điều, các em đều giấu cha mẹ về căn bệnh của mình. Chị Bích Hạnh biết các em là nhờ vào các bài dự thi, tâm sự của các em về HIV/AIDS do báo Mực Tím và Ủy Ban Phòng Chống AIDS tổ chức vào ngày 1 tháng 12 năm 2001 tại Thảo Cầm Viên. Chị Bích Hạnh xúc động nên tạo điều kiện, làm cầu nối giúp các em có điều kiện về thăm gia đình.

Lại gặp thử thách

 

 Căn nhà Hy Vọng của chúng tôi đang bình yên, ban điều hành tự nhiên lại gửi em Việt xuống, dù Việt không có HIV. Em quậy tưng bừng, tôi một phen mất ăn mất ngủ vì phải giáo dục em trở lại từ đầu, quen dần với nội quy của nhà. Nghĩ cũng lạ, bất cứ em nào khó dạy là ban điều hành lại gửi xuống cho tôi. Khi trẻ đã ngoan ngoãn thì họ đón về văn phòng. Không riêng gì em Việt, nhiều em khác cũng vậy. Tôi thật khó xử khi cứ phải nhận trẻ không đúng với mục tiêu đã giao ước, nhưng trong tình thế bắt buộc tôi không thể làm khác được.

Tôi liên hệ cho Việt học hớt tóc. Việt học được bốn tháng thì bỏ ngang, lấy luôn chiếc xe đạp của nhà Hy Vọng. Tôi rất bực mình, báo cho ban điều hành biết sự việc. Rồi tới em Hiền, em Tiến cũng được gửi về nhà Hy Vọng. Thời điểm này, trong nhà có tất cả 15 em. Chỉ cần sơ hở một chút là các em có thể cãi vã, thậm chí cầm dao đòi đâm chém nhau. Chỉ lo giải quyết chuyện của trẻ thôi giáo dục viên cũng muốn điên đầu, nói chi đến chuyện người lớn. Bấy giờ bác sĩ Tiến bàn với tôi cho trẻ tham gia sinh hoạt Đoàn bên Quận 2. Các em học rất tốt về kỹ năng sinh hoạt Đoàn, nhưng rốt cuộc cũng không thoát khỏi tình trạng bị lôi cuốn về đường cũ. Chúng tôi phát hiện và làm việc với từng em một. Em nào cũng hứa hẹn đủ điều. Cũng có em đổ thừa “tại, bị, vì, thì, là” để chạy tội.

Mọi chuyện tưởng êm xuôi, nào ngờ trẻ bỗng nhiên đồng loạt làm đơn xin rời nhà. Sau khi em Đức trở lại gia đình ở Quận 2, Điền cũng xin rời nhà qua ở chung với em Đức. Tôi hỏi ý kiến bác sĩ Tiến về việc qua nhà em Đức để nói chuyện với mẹ của em trước. Chờ hoài không thấy bác Tiến qua, tôi nóng ruột đi đại qua gặp mẹ em Đức và mong bà giúp tôi bằng cách từ chối dung chứa các em của nhà Hy Vọng. Bà chối phăng là bà không để em nào trong nhà hết. Tôi phải chỉ cho bà thấy chiếc xe đạp của em Nguyên đang để ngay góc nhà. Lúc này bà mới chịu thừa nhận. Tôi lên tiếng: “Khi em Nguyên rời nhà Hy Vọng em có mang theo một chỉ vàng y – đó là tiền tiết kiệm của em. Nếu bà cứ chứa em Nguyên trong nhà, buộc lòng tôi phải báo chính quyền, báo cho gia đình em biết để họ vào đây nói chuyện. Gia đình em Nguyên có thể sẽ thưa bà về chuyện chứa chấp, dụ dỗ Nguyên chơi ma túy với con bà”. Nghe tôi nói thế, bà hứa sẽ nói chuyện để cho các em trở về nhà Hy Vọng. Bà cũng hứa sẽ không cho các em ở nhà của bà nữa.

Ấy vậy mà tôi chờ hoài vẫn không thấy các em về. Tôi nhờ đến thầy Trực, thầy giáo dạy kèm của Nguyên. Thầy Trực sau giờ làm việc bảy, tám giờ tối đã qua bên Quận 2 tìm và gặp các em. Thầy khuyên nhủ, động viên các em về và tiếp tục đến lớp học. Từ lúc trở về nhà Hy Vọng, các em sinh hoạt vẫn bình thường, nhưng mặc cảm sai phạm vẫn còn. Tôi hiểu các em nên tôi không đả động đến chuyện cũ. Hoạt động của nhà trở lại bình thường, nhưng bản thân tôi ngày càng suy kiệt. Bác sĩ Tiến thấy sức khỏe tôi quá yếu đã đề xuất cho tôi được đi khám sức khỏe tổng quát. Anh Hùng thì cho tôi đi Đà Lạt nghỉ ngơi vài hôm. Tôi đi Đà Lạt vài hôm không yên tâm nên quay về tiếp tục công việc. Trong nhà lúc này số lượng trẻ khá nhiều – mười bốn em, nhỏ nhất là bé Lý mới bốn tuổi.

Công việc ngập đầu, tôi không còn thời gian để nghỉ ngơi. Bác sĩ Tiến chỉ làm việc ban ngày, ban đêm chỉ mỗi mình tôi tự xoay xở. Những em bệnh nặng như em Nam, bé Lý ban đêm vẫn phải theo dõi, chăm sóc. Do đó giấc ngủ của tôi không bao giờ được trọn vẹn. Áp lực công việc làm cho tôi bị khủng hoảng, tâm lý của tôi bắt đầu thất thường. Đã thế, chính quyền địa phương lại gây khó dễ cho hoạt động nhà Hy Vọng. Họ đòi giấy phép hoạt động, đòi bắt tất cả các em để đưa vào trường trại, với lý do “để trẻ nhiễm sống t 668e rong cộng đồng rất nguy hiểm, sợ các em lấy máu cho lối xóm uống để lây truyền HIV. Các ban ngành địa phương đến nhà liên tục, đòi giải tán trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ… Chỉ có tôi, anh Hùng, cô Trang là chạy lo sốt vó. Chúng tôi đi kêu gào ở các nơi có thể bảo vệ được hoạt động của nhà, bảo vệ sự an toàn cho các em. Từ sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đến Sở Y Tế, Chi cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội... chúng tôi đều chia nhau tìm đến nhờ giúp đỡ. Thậm chí anh Hùng đến Sở Y tế còn nói với Phó Giám đốc sở là bác sĩ Lê Trường Giang: “Chị Tâm đòi tự tử tại nhà Hy Vọng nếu như không có sự hỗ trợ của các ban ngành cho nhà Hy Vọng được hoạt động lại”. Bác sĩ Trường Giang nghe anh Hùng nói như vậy cũng lên tiếng với chính quyền địa phương để cho nhà Hy Vọng được tồn tại. Cuối cùng nhà mới được tiếp tục hoạt động.

Nhà Hy Vọng được sửa chữa. Bác sĩ Tiến đi học thêm Xã Hội Học. Lại mình tôi chăm lo mọi thứ từ trong ra ngoài. Lợi dụng lúc giáo dục viên lu bù công việc, em Duy, em Lưu đã tái sử dụng ma túy và làm giấy xin rời nhà. Hai em tự động bỏ đi khi tôi đi chợ chưa về. Tôi lại đi tìm các em, khuyên nhủ động viên, tha thứ để các em yên tâm sống tốt. Cũng chỉ được một thời gian ngắn, em khác lại tái sử dụng ma túy. Tôi phát hiện thì em chối quanh. Đã vậy, để chạy tội chơi ma túy, em lên ban điều hành nói với anh Hùng, cô Trang là tôi làm việc với các em trong nhà không tốt nên em bất mãn mới chơi ma túy để tìm quên. Anh Hùng kêu tôi lên để nói chuyện.

Tôi đang trong tâm trạng khủng hoảng vì công việc, không có ai để chia sẻ, không được lời động viên nào từ phía ban điều hành mà còn bị gọi lên văn phòng quở trách. Áp lực dồn dập làm tôi nổi cơn khùng. Tức giận làm tôi mất khôn. Tôi đã quậy tung văn phòng và xin nghỉ công việc tại nhà Hy Vọng. Thấy vậy, anh Hùng cho tôi nghỉ một tháng được hưởng lương, để tôi rời xa công việc, rời xa sự ồn ào. Hoạt động nhà Hy Vọng sẽ có người khác lo. Thấy tôi thu xếp đồ đạc để đi xa, các em trong nhà đứa nào đứa nấy buồn hiu. Bọn trẻ sợ tôi bỏ đi luôn. Tôi động viên các em: “Má đi nghỉ dưỡng sức vài hôm má lại về. Mấy đứa ở nhà phải ngoan má mới yên tâm. Má dẫn theo bé Lý cho nó chơi với má, để nó ở nhà tội nghiệp”.

Tôi và bé Lý đi Phú Quốc chơi được một tuần lễ, tôi lại quay về vì không yên tâm với các em ở nhà. Hai má con vừa về tới nhà, tôi đã bị sốc với câu nói của anh Hảo (trong thời gian tôi đi nghỉ phép, anh Hảo trực nhà thay tôi). Anh nói trống không khi thấy tôi lo soạn đồ ra: “Tôi mà như chị được nghỉ phép về nhà chơi cho khỏe, tội gì mà về đây cho mệt. Hơn nữa chị về đây làm gì? Tôi bây giờ là người trực tiếp làm việc ở nhà Hy Vọng, chị về đây không nên. Đã vậy còn bàn thờ của chồng chị nữa. Sao chị không để thờ ở nhà mà lại để thờ ở đây?”. Tôi rất giận câu nói của anh Hảo nhưng cố nhịn để cho mọi chuyện được êm đẹp. Anh Hảo thừa biết là tôi không có nhà cửa như các đồng nghiệp trong chương trình. Thấy tình thế như vậy, tôi thu dọn tất cả đồ cá nhân, bàn thờ của anh Thành đem gửi ở nhà chị gái. Buồn cho sự đời, tôi đi lang thang các công viên chơi với trẻ đường phố, vài hôm lại ghé qua Thảo Đàn chơi với các em. Thấy khó chịu khi nhìn thấy đầu tóc các em nhuộm đủ màu xanh đỏ tím vàng, tôi hỏi: “Ai cho mấy đứa con nhuộm tóc vậy?”. Bọn trẻ nhao nhao: “Bố Hảo đó má! Bố còn nói tụi con thích cái gì bố cũng chiều. Bố muốn cho tụi con được hưởng thụ”. Tôi thật sự không hiểu anh Hảo giáo dục các em kiểu gì.

Thấy vắng vài đứa trong nhà, tôi hỏi: “Thằng Lập, thằng Thi đi đâu rồi?”. Bọn trẻ trả lời: “Thằng Lập bỏ đi theo anh Trung bán cà phê, còn Thi xin về nhà rồi. Hai thằng đó chích lại rồi má ơi. Thằng Minh cũng bỏ ra ngoài và chích lại luôn”.

Anh Hảo thấy tôi lại nói: “Nhà này bây giờdo tôi phụtrách, anh Hùng giao trách nhiệm cho tôi rồi. Chịnên xem lại, đừng đểtôi phải khó xử”. Nhịn không được thái độcủa anh Hảo, tôi nói luôn: “Anh giáo dục mấy đứa nhỏtốt quá hén? Đến nỗi tụi nhỏbỏđi gần hết! Trong nhà từtrước tới giờkhông đứa nào có mái tóc xanh đỏtím vàng. Từngày có anh, tụi nhỏđầu tóc đổi màu hết. Còn bé Lý? Nếu tôi không phát hiện kịp thời, liệu bây giờnó còn sống không? Anh không quan tâm đến mấy đứa nhỏnên nó bệnh nặng anh cũng không hay biết gì hết trơn. Hởmột chút là anh nói là tụi nhỏsống không được bao lâu, cứđểcho chúng hưởng thụ. Anh gieo mầm chết chóc trong đầu các em, làm cho các em bắt đầu chủquan, bắt đầu bỏquên nềnếp của hoạt động nhà từtrước tới nay”. Nghe tôi nói thế, anh sửng cồvới tôi. Tôi cốnhịn vì không thểgây gổtrước mặt các em. Tôi lên văn phòng báo cho anh Hùng biết sựviệc. Anh Hùng cho tôi hay chỉđiều anh Hảo tạm thời trong coi nhà Hy Vọng trong thời gian tôi nghỉbệnh, chứkhông phải đểanh phụtrách luôn. Bây giờtôi vềlại nhà, anh Hảo phải rút vềvăn phòng. Ban điều hành cũng đã nắm được tình hình của nhà khi anh Hảo phụtrách: Anh không đi chợnấu ăn như tôi mà anh chỉ phát mỗi em 5.000 đồng đểăn trong ngày; sau đó anh lấy xe của nhà Hy Vọng đi từsáng đến mười một giờđêm mới về. Ban điều hành hỏi lý do tại sao anh vắng mặt, anh bảo là tập cho các em lấy lại niềm tin, tập cho các em sống tựlập, tựquản lý lẫn nhau… Từhôm bé Lý xuất viện, tôi phải có mặt trong nhà đểchăm sóc. Tiền chợcủa các em, anh Hảo không đưa lại cho tôi mà nói rằng cho anh nợđầu tháng anh mới trả. Bởi vì tiền chợcủa các em, anh lỡsửdụng vào việc riêng rồi. Anh năn nỉtôi đừng báo ban điềuhành biết. Tôi cốgiúp anh cuối tháng lãnh lương anh sẽtrảcho tôi. Nhưng anh nghỉlàm và quỵt luôn nợcủa một sốgiáo dục viên, trong đó có tôi. Hơn hai tháng không có mặt tôi, trong nhà rất ư bềbộn. Anh Hảo đi rồi, tôi phải xắp xếp lại nhà cửa, ổn định các em đi vào nềnếp như trước đây.

Ngày 1 tháng 6 năm 2003, thầy Linh về nhà Hy Vọng cùng tôi phụ trách, chăm sóc, giáo dục các em. Tuy thầy ngồi xe lăn nhưng tinh thần và nghị lực của thầy đã tác động đến các em rất nhiều. Qua hình ảnh ngồi xe lăn của thầy, các em nhận ra một điều: Thầy như vậy mà còn vượt qua những khiếm khuyết của thân thể. Các em bắt đầu đua nhau học tập. Thầy dạy đàn, Anh văn, hội họa, vi tính cho các em. Nhờ có thầy, tôi có được thời gian rảnh đi ra ngoài tiếp cận và giúp đỡ những em ngoài đường phố. Tôi tiếp cận và giúp những em nữ vào các nhà mở dành cho trẻ nữ, để các em không còn cảnh kiếm sống bằng nghề “đi khách”. Tôi cũng giúp các em ở độ tuổi 20 - 23 cai nghiện ma túy. Thuốc cai nghiện tôi mua của bác sĩ Tiến với giá rẻ để giúp cho các em ngoài đường. Còn những em ở độ tuổi dưới 18, tôi đưa về giúp cho các em cai tại nhà Hy Vọng.

Tôi và thầy Linh tiếp nhận em Văn quê tận Hà Tĩnh. Em sống lang thang hết công viên này đến công viên khác trong TP.HCM. Từ khi em về sống với chúng tôi, em đã cai nghiện được và sức khỏe phục hồi mau chóng. Lúc mới vào em chỉ cân nặng 40kg, một tháng sau đã lên 50 kg. Khi làm phiếu xã hội cho em, tôi chợt phát hiện ra em luôn nói dối với giáo dục viên và tâm sinh lý của em không được bình thường. Trong bữa ăn, em thường bốc hốt thức ăn, mà cũng không cần mời ai ăn. Chúng tôi phải giáo dục em từng chút. Thật khó trong việc giáo dục vì em chỉ mới học lớp một. Ngay việc tắm rửa vệ sinh thân thể tôi cũng phải hướng dẫn cho em. Thỉnh thoảng em vào nhà vệ sinh ấn nút bồn cầu cho xả nước. Tôi hỏi: “Con không đi cầu, tại sao con xả nước làm gì?”. Em trả lời tỉnh queo: “Thấy lạ quá nên con xả nước chơi cho biết”. Hình như tất cả đồ vật trong nhà đều lạ lẫm với em. Ti vi, đầu máy, máy vi tính… em đều lén bật nút để xem chơi. Rầy em thì em nói: “Mở coi cho biết cũng la. Thấy ghét!”. Tóm lại, việc giáo dục Văn rất ư là cực vì từ nhỏ cho đến lớn em chưa từng sống trong căn nhà có đầy đủ tiện nghi, nên tới bốn, năm tháng sau, em mới quen nếp sống của nhà.

Nhân dịp tôi nhận lời mời của tổ chức CARE đi huấn luyện cho nhóm đồng đẳng của tỉnh Hà Tĩnh, tranh thủ giờ rảnh tôi tìm tới nhà em Văn theo sự chỉ dẫn của em. Tìm thật khó khăn vì địa chỉ không rõ ràng, lại ở sâu trong vùng núi. Tôi nhờ các bạn trong lớp tập huấn dẫn đi. Mất nửa ngày mới tìm ra nhà Văn. Gọi là nhà cho xôm chứ thật ra chỉ là căn chòi che tạm để tránh nắng tránh mưa. Tiếp xúc với mẹ em, tôi mới hiểu nguyên nhân nào khiến em bỏ nhà vào tận miền Nam mà sống bụi. Bố em có vợ khác, mẹ thì ngủ với rất nhiều đàn ông trong thôn. Bà có bốn đứa con với bốn người chồng khác nhau, trong đó có Văn. Không đứa nào được đi học. Thôn giúp đỡ tiền học phí cho bọn trẻ, bà đem ra tiêu xài hết. Đứa nào cũng phải đi chăn trâu chăn bò, bà đỡ phải lo cơm áo (lời trưởng thôn cho biết về mẹ Văn). Khi tôi đến gặp bà, báo cho bà biết tình hình của em Văn và hỏi bà có thể đón em hồi gia hay không. Bà lật đật nói: “Nếu cô không nuôi nó nữa thì tôi nhờ cô gửi nó vào tù cho nó ở. Chớ về đây tôi lấy gì mà nuôi?”. Tôi nói làm sao gửi Văn vào tù được khi em không phạm tội. Bà trả lời với thái độ lạnh lùng: “Thì cô cứ báo là nó ăn trộm đồ của cô để công an bắt nó!”. Thấy thái độ của bà, tôi chán ngán ra về. Lúc này tôi mới thấm thía cho hoàn cảnh của em - cũng y chang hoàn cảnh của tôi trước đây.

Sau khi huấn luyện xong trở về tôi, báo cho thầy Linh biết hoàn cảnh của Văn. Chúng tôi còn đang dự định tìm cách để có thể giúp em lâu dài thì em đã tự bỏ đi, lại còn lấy cắp xe đạp của Nguyên. Rồi đến em Nam cũng bỏ đi, mang theo chiếc bàn ủi. Tôi và thầy Linh phải hùn tiền để mua bàn ủi khác đền vào. Tôi đi tiếp cận ngoài đường, trong khi ở nhà thầy Linh thì chưa có kinh nghiệm quản lý trẻ nghiện. Trẻ đường phố nghiện ma túy, không phải em nào vào nhà mở và cai nghiện xong cũng đều sống tốt cả. Có em vào được vài tháng là tìm cách lấy trộm thứ gì đó rồi bỏ đi. Người phụ trách phải móc tiền túi ra mà đền. Cũng có em rất ngoan, muốn sống tốt dù biết mình đã bị nhiễm HIV.

Chăm sóc các em không hề đơn giản. Muốn tập cho các em quen với cuộc sống gia đình, có một tinh thần lạc quan là việc không dễ. Tôi phải quên đi sở thích cá nhân để sống với các em như một gia đình thật sự. Vì tình huống xấu lúc nào cũng có thể xảy ra với các em. Hơn nữa thầy Linh đi lại cũng khó khăn, dù rằng vẫn có các em thật sự quen với nếp sống gia đình phụ trông coi nhà cửa. Tôi phải đi tiếp cận trên đường phố, chăm sóc cho bệnh nhân AIDS vào giai đoạn cuối tại cộng đồng. Tôi không thể làm ngơ vì người bệnh cần sự hướng dẫn chăm sóc. Nhiều bệnh nhân AIDS tuổi đời còn quá trẻ, không quá 25 tuổi. Cứ vài ba hôm lại có người thân của bệnh nhân gọi điện thoại cho tôi. Có nhiều người tôi chưa từng biết, tôi hỏi họ sao biết số điện thoại của tôi. Họ trả lời là họ hỏi qua tổng đài 1080 và được chính những người bệnh truyền miệng cho nhau. Thế là tôi lại để cho thầy Linh trông coi nhà, tôi phải đi để chia sẻ và chăm sóc cho người bệnh vào giai đoạn cuối. Những người bệnh có gia đình thì tôi hướng dẫn cách chăm sóc, cho ăn uống đúng dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, giới thiệu đến bác sĩ Phấn, bác sĩ Tiến hoặc đến bệnh viện nếu gia đình có điều kiện. Còn những người sống lang thang không nơi nương tựa, tôi xin ý kiến của sơ Tuệ Linh ở Trung tâm Mai Hòa, nơi nuôi dưỡng bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

Tôi luôn đi xin tiền của ân nhân bè bạn. Tiếng là xin cho tôi nhưng thực chất tôi sử dụng đồng tiền đó để giúp cho những người bệnh lang thang trên đường phố. Bất cứ thứ gì, từ những bộ quần áo cũ cho đến thuốc men, tôi đều xin tuốt. Có những ca bệnh sống lang thang muốn về gia đình, để khi họ chết đi còn có người thân chôn cất. Tôi làm gì có sẵn tiền? Lại đi xin ân nhân bè bạn để có thể giúp đỡ những người đó về lại gia đình theo nguyện vọng cuối cùng của họ.

Ở cái thành phố này không phải chỉ có mình tôi là đồng đẳng. Rất nhiều anh chị khác là đồng đẳng như tôi, nhưng họ dư giả hơn tôi. Bản thân tôi “trên dưới trống không”, cái gì cũng không có. Tôi làm việc lương tháng chỉ đủ lo toan trả tiền nhà thuê cho má tôi. Quần áo thì có đồ cũ của bạn bè cho, mặc không hết, còn đem chia sẻ cho người khác nên tôi chẳng cần mua sắm thứ gì. Thỉnh thoảng tôi cũng muốn sống cho riêng mình, muốn quên đi những gì xảy ra xung quanh, muốn làm ngơ những gì xảy ra trước mắt – sống bàng quan như nhiều người khác. Nhưng những tình cảm của các cha xứ, các vị ân nhân từng cưu mang giúp đỡ tôi trong lúc tôi không còn hình dáng của một con người cứ thôi thúc tôi cố gắng sống cho đúng nghĩa của một con người. Mặc dù quanh tôi vẫn có người ghét vì bản tính tôi hay nói thẳng khi gặp chuyện bất bình, không cần nể nang.

Đôi khi tôi phát hiện ra một số người mệnh danh là đạo đức, là chuyên giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ, những người có trình độ học vấn cao, nói năng có bài bản nên khiến cho xã hội tin họ hơn chúng tôi, thực chất chỉ mượn tay những người như chúng tôi để lợi dụng lòng tốt của người khác mà thôi. Họ có làm việc tốt hay không, chỉ lương tâm họ biết. Riêng tôi, từ những công việc thực tế, có chung đụng với họ, tôi nhận ra rằng họ rất tinh vi khi đem cái đạo đức giả tạo ấy ra để mà thu lợi từ những nguồn tiền của xã hội. Ví dụ như mọi người gửi gắm 5.000 đồng cho các em thì họ chỉ xuất ra 2.000 đồng, số tiền còn lại tôi không biết nó trôi về đâu. Miệng họ luôn nói là rất yêu thương bọn trẻ, rất yêu thương những con người có quá khứ đau buồn như tôi, nhưng trên thực tế, tất cả chúng tôi chỉ là công cụ để họ lợi dụng.

Đấy là những cái mà tôi chứng kiến tại cơ sở nơi tôi làm việc, còn các nơi khác tôi không biết. Chính những điều mắt thấy tai nghe đã làm cho tôi thêm ngao ngán cái gọi là trò đời. Từ một con người như tôi và các em kém may mắn, họ có thể moi tiền ở các nhà hảo tâm. Nơi cơ sở của tôi đang làm, tôi luôn nghe các từ ngữ thật êm tai, nào là làm công tác xã hội thì không tính toán giờ giấc, thiệt hơn, phải biết hy sinh cho các em… Nghe riết tôi thấy nhàm.

Tôi càng chán nản hơn khi chứng kiến những người trong ban điều hành tranh giành chức vụ. Họ đấu đá, phe nhóm để khai trừ anh Hùng ra khỏi ban điều hành. Khi anh Hùng thôi không làm việc nữa, tôi cũng bị ảnh hưởng vì tôi từng là bạn của anh Hùng. Họ kiếm đủ mọi cách để buộc tôi nghỉ việc. Đơn cử như trường hợp của em Tuấn bị bệnh lao. Trước đây, Thảo Đàn đã từng giúp nhưng em đã bỏ đi trong lúc đang điều trị. Đến khi trở bệnh khá nặng, em nằm trên hè phố của ga Hòa Hưng. Ông Olivo - người Pháp, từng đến thăm, giúp đỡ trẻ em ở Thảo Đàn -  gặp em Huấn đã đưa về và yêu cầu ban điều hành giúp đỡ cho em. Giữa ông và ban điều hành cãi vã nhau như thế nào tôi không biết, nhưng khi ban điều hành bảo tôi nhận em Huấn về nhà Hy Vọng để chăm sóc, tôi không nhận vì em không phải là đối tượng của nhà. Hơn nữa, các em trong nhà Hy Vọng sức đề kháng rất yếu, tôi sợ các em bị ảnh hưởng bởi bệnh lao của em Huấn. Hơn nữa, văn phòng Thảo Đàn rộng thênh thang lại không có trẻ, chỉ toàn là người lớn, thế thì tại sao không chăm sóc nổi một đứa bé đang bệnh cần sự giúp đỡ? Khi tôi thắc mắc thì ban điều hành nói đây là công việc của tôi. Tôi còn bị chửi: “Chị làm công tác chăm sóc trẻ làm gì mà chị không nhận trẻ? Vậy chị nên nghỉ việc đi!”. Tôi tức lắm nhưng phải cố gắng kìm nén: “Tôi chỉ đồng ý nhận em Huấn với điều kiện có thuốc lao cho em uống. Còn nếu như không có thuốc, tôi không nhận. Tôi nghỉ việc cũng được, chớ nhận em vào để lây cho các em khác trong nhà thì sao?”. Cuối cùng ban điều hành nói: “Bây giờ chị cứ nhận em Huấn. Cô Bích sẽ chở em xuống. Tối sẽ có người đem thuốc cho em”. Vậy là buộc lòng tôi phải nhận Huấn.

Khi cô Bích đưa em Huấn xuống nhà Hy Vọng, tôi hỏi chừng nào có thuốc cho em Huấn uống, cô Bích nói tối có người đem xuống. Đến tối, cô Minh Phương đưa hai vợ chồng người bác sĩ bạn của ông Olivo và thuốc trị lao cho em Huấn. Tôi hỏi thầy Linh xem có phải là thuốc điều trị lao hay không, thầy Linh bảo đúng. Chỉ cần có vậy là tôi yên tâm giúp đỡ em Huấn.

Nhưng hai hôm sau, ban điều hành điện thoại chửi tôi té tát, nào là toa rập qua mặt ban điều hành, tại sao nhận thuốc của ông Olivo mà không báo cho ban điều hành biết. Tôi càng giải thích thì càng bị chửi bới không ra gì. Tức giận, tôi cúp máy không thèm nghe. Lập tức nội nhật ngày hôm ấy, tôi nhận được quyết định buộc thôi việc trong 24 giờ đồng hồ. Tôi tức điên lên. Tôi gọi điện cho anh Trần Công Bình trong ban quản trị biết là tôi sẽ nhờ đến luật sư can thiệp vì ban điều hành buộc tôi thôi việc vô cớ. Bình nói tôi nên bình tĩnh chờ ban quản trị xét lại, đừng làm lớn chuyện. Thế là họp và họp liên tục về việc của tôi. Cuối cùng, ban điều hành thu hồi lại giấy quyết định buộc thôi việc, nhưng tôi đã photo giữ lại một tờ để phòng hờ sau này vì tôi biết tôi thua họ ở chỗ tôi không có phe nhóm.

Không sa thải tôi được vì không có lý do chính đáng, họ quay sang kiểm tra tôi một cách tích cực, chỉ cần sơ hở là đòi trừ lương. Tự dưng tôi nhìn các bạn trong chương trình bằng đôi mắt có dấu hỏi. Trước đây tôi luôn tôn sùng và tin rằng tất cả những người đang hiện diện quanh tôi thật sự là người tốt, là tấm gương để cho những con người như tôi học hỏi. Nhưng thực tế phũ phàng, tôi cảm thấy mình mất niềm tin vào những con người từng hô hào vì lòng nhân ái, vì yêu thương trẻ em lang thang cơ nhỡ, yêu thương những con người như tôi… Từ ngày tôi chính thức về ở với các em cho đến bây giờ cũng được bốn năm. Tính ra các anh chị trong ban điều hành ghé xuống nhà Hy Vọng thăm và động viên cả nhà chúng tôi được bao nhiêu lần? Đếm không qua đầu ngón tay.

Nhưng nếu có các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đến văn phòng Thảo Đàn thăm, lập tức họ đưa xuống nhà Hy Vọng để quảng cáo, nào là trẻ bị nhiễm HIV, nào là người phụ trách các em cũng từng là mại dâm, ma túy, nào là chồng tôi, anh Nguyễn Tấn Thành cũng đã chết vì căn bệnh AIDS… Càng ngày tôi càng phát hiện ra họ đem tất cả chúng tôi trong nhà Hy Vọng ra để moi tiền của các tổ chức khác. Nếu tôi thắc mắc thì họ trả lời khác đi, rất ư là bài bản.

Còn công việc của tôi thường ngày, tôi vẫn sống, cùng ăn cùng ở 24/ 24 với các em. Một tuần tôi chỉ nghỉ có một ngày. Sống chung 24/24 giờ như vậy, có bao giờ họ nghĩ đến việc tôi sẽ bị phơi nhiễm không? Hoặc khả năng tôi bị lây các bệnh cơ hội khác từ các em không? Vẫn không có sự quan tâm nào đến hai người đang trực tiếp sống chung với các em. Nhưng chỉ cần sơ hở là họ kiểm điểm, phê bình không một chút cảm thông hay chia sẻ. Tôi cảm thấy mình bị lợi dụng sức lao động một cách tinh vi! Đây cũng là bài học có giá trị vô cùng lớn với tôi - bài học của những người mệnh danh là làm việc xã hội, làm việc vì lòng nhân ái mà họ đã cho tôi. Còn tôi thì biết quá khứ của mình không ra gì nên tôi phải cố gắng sống có ích với mong muốn rất bình thường là nhận được sự tin yêu của các tầng lớp trong xã hội, được xem là người phụ nữ bình thường.

Thật ra tôi cũng mang ơn thầy Linh, bác sĩ Tiến là những người cùng chia sẻ công việc giáo dục đầy khó khăn cho các em tại nhà Hy Vọng. Mỗi khi tôi được các tổ chức NGOs mời đi huấn luyện và xây dựng nhóm giáo dục đồng đẳng ở các tỉnh thành hoặc những công việc xã hội khác, bác sĩ Tiến hoặc thầy Linh đều làm công việc tại nhà Hy Vọng thay tôi. Những hình ảnh các em nhỏ, các anh chị có HIV trong người đã làm tôi trăn trở. Tôi chia sẻ cơn đau với họ. Tôi chăm sóc họ như đang chăm sóc chính mình. Đây cũng là niềm vui trong quãng đời còn lại của tôi. Chỉ tiếc rằng tôi quá nghèo không đủ khả năng mua nổi chiếc xe để đi lại. Xe tôi đang sử dụng hàng ngày vẫn là xe của ân nhân cho mượn để tôi sử dụng cho công việc thì nói chi đến việc có một căn nhà. Nếu tôi có sẵn nhà, tôi có thể tự do giúp các em mà không cần xin ý kiến người khác. Và tôi tin một ngày nào đó tôi sẽ được toại nguyện.

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/73904


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận