nhưng tôi đã chủ tâm làm cho cuộc chia tay không đến nỗi nhạt nhẽo về phía tôi. Số phận tốt lành mở rộng bàn tay và trái tim một cách kỳ lạ, và cho đi một ít khi người ta nhận được rất nhiều, thì chỉ là mở ra một lối thoát cho những cảm giác đang sôi sục cô bé học sinh quê mùa yêu mến tôi, và khi chia tay cảm tưởng này đã được chứng minh rõ, chúng biểu lộ cảm tình một cách mộc mạc và thắm thiết. Tôi cảm động sâu sắc thấy rằng quả thực tôi đã có một địa vị trong những trái tim hồn nhiên của chúng. Tôi hứa với chúng từ nay tuần lễ nào tôi cũng sẽ lại thăm chúng và giảng bài một giờ ở trường.
Tôi vừa coi cho lớp học - bây giờ có đến sáu mươi em - xếp hàng đi qua mặt tôi vừa khóa cửa xong, anh Rivơ đến vào lúc tôi đang đứng tay cầm chìa khóa, trao đổi vài câu tiễn biệt riêng với sáu bảy em học sinh ngoan nhất. Họ là những cô gái ngoan ngoãn, đứng đắn, khiêm nhường, có học thức nhất trong tầng lớp nông dân nước Anh. Điều này rất có ý nghĩa vì dù sao nông dân Anh cũng là những người có học, có giáo dục, và biết tự trọng nhất so với nông dân châu Âu. Từ hồi ấy đến nay tôi đã có dịp gặp những phụ nữ nông thôn ở Pháp, ở Đức, và tôi nhận thấy rằng những người khá nhất trong bọn họ cũng có vẻ dốt nát thô lỗ ngu ngốc, so với các cô gái Mortơn của tôi.
- Cô có cho là mình đã được đền công khó nhọc một thời gian làm việc rồi không? - Rivơ hỏi tôi, sau khi chúng đã đi hết - Thấy mình làm được việc hữu ích thực sự cho thời đại và thế hệ mình có phải là sung sướng không?
- Nhất định rồi.
- Ấy là cô mới vất vả có vài tháng thôi! Nếu cô hiến cả cuộc đời cho công cuộc phục hồi giống nòi thì cô có cho là đáng sống không?
- Có - tôi nói - Nhưng tôi không thể nào kéo dài mãi mãi như thế được. Tôi cần được hưởng thụ những năng khiếu của chính tôi, cũng như vun xới năng khiếu của những người khác chứ. Bây giờ tôi phải được hưởng thụ, xin đừng nhắc nhở tí gì đến trường lớp cả nhé. Tôi đã rời nhà trường và đang định nghỉ ngơi hoàn toàn đây.
Anh có vẻ nghiêm trang:
- Gì vậy? Sao bỗng nhiên cô lại say sưa đến thế? Cô dự định làm gì?
- Định làm rất nhiều việc, làm nhiều hết sức. Trước hết, tôi phải yêu cầu anh để cho già Hana được rãnh rỗi và tìm người khác hầu anh.
- Cô cần bà ta à?
- Phải, để về Mua Haodơ với tôi. Trong vòng một tuần lễ Đyana và Mary về nhà, và tôi muốn thu xếp chu đáo mọi thứ khi họ về.
- Tôi hiểu rồi. Tôi lại tưởng cô dự định đi chơi đâu xa. Thế cũng hay. Già Hanna sẽ về với cô.
- Vậy anh bảo già ấy phải sẵn sàng nhé, chìa khóa trường học đây, sáng mai tôi sẽ đưa anh chìa khóa nhà tôi.
Xanh Jôn cầm lấy, nói:
- Cô có vẻ sung sướng khi trả lại nó nhỉ. Tôi không hiểu rõ được sự vui thích của cô, vì tôi không biết cô được định làm gì thay vào công việc cô rời bỏ này. Hiện thời cô có dự kiến gì, mục đích gì, tham vọng gì cho cuộc đời?
- Mục đích đầu tiên của tôi là quét dọn tẩy rửa (anh có hiểu hết ý nghĩa của chữ ấy không?) - quét dọn tẩy rửa Mua Haodơ từ phòng ở đến hầm chứa; thứ hai là đánh xi lau dầu, bàng mọi thứ giẻ trên đời, cho nhà lại bóng loáng lên; thứ ba là xếp dọn lại bàn, ghế, giường, thảm, cho có ngăn nắp, chính xác như toán học, rồi tôi sẽ đến phá hại anh về tiền than củi để nhóm lửa ở các phòng, sau cùng, hai ngày trước khi các cô em anh về, tôi và già Hanna sẽ bận bịu vào công việc đập trứng, chọn nho khô, nghiền gia vị, làm bánh cho ngày lễ Giáng sinh, băm mọi thứ làm batê và làm nhiều việc bếp núc long trọng khác, mà nói ra thì cũng chẳng gợi được một ý niệm nào rõ ràng đối với người vô tích sự như anh. Tóm lại, mục đích của tôi là sửa soạn mọi thứ cho thực chu đáo trước ngày thứ năm sắp tới để đón Đyana và Mary, và tham vọng của tôi là dành cho họ một sự đón tiếp lý tưởng khi họ về.
Xanh Jôn hơi mỉm cười, nhưng anh chưa được hài lòng.
- Bây giờ như thế là tốt lắm rồi, - anh nói, - nhưng nói đứng đắn, tôi mong rằng khi sự bồng bột ban đầu đi qua thì cô sẽ nhìn cao hơn một chút những công việc nội trợ thú vị và sự vui sướng trong gia đình ấy.
- Đó là những điều tốt nhất trên đời đấy! - Tôi ngắt lời anh.
- Không, Jên ạ, thế giới này không phải là nơi để hưởng thụ, đừng nên khiến cho nó thành như vậy, đó cũng không phải là nơi để nghỉ ngơi, chớ nên trở thành lười biếng.
- Trái lại, tôi định làm rất nhiều việc chứ.
- Jên, lúc này tôi tạm thể tất cho cô, tôi dành cho cô hai tháng đặc xá để tận hưởng cái địa vị mới; và vui thú với những người thân lâu ngày mới tìm ra, nhưng sau đó tôi hy vọng cô sẽ nhìn xa hơn Mortơn và Mua Haodơ, xa hơn cảnh chị em sum họp, sự bình yên ích kỷ, và những tiện nghi thể chất do cuộc đời văn minh và phong lưu mang tới. Tôi mong rằng những năng lực của cô, một lần nữa, với sức mạnh của chúng, sẽ thôi thúc, khiến cô phải băn khoăn.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh, nói:
- Xanh Jôn, tôi thấy anh nói thế thì gần như ác nghiệt. Tôi đang định sống sung sướng như một bà hoàng, vậy mà anh lại gợi cho tôi những lo âu. Thế để làm gì vậy?
- Để phát huy những tài năng mà Thượng đế đã trao cho cô giữ, và chắc chắn có ngày Người đòi cô trình bày rõ cô sử dụng ra sao. Jên, tôi sẽ lo lắng và bám sát cô chặt chẽ, tôi báo trước cho cô biết điều ấy. Cô hãy gắng kìm hãm sự say sưa quá đáng lao mình vào những sự vật tầm thường, phù phiếm. Cô nghe rõ chưa, cô Jên?
- Vâng, rõ như anh nói tiếng Hy Lạp vậy. Tôi cảm thấy mình có lý tưởng xứng đáng để sung sướng nhất và tôi định sẽ sung sướng. Chào anh nhé!
Ở Mua Haodơ tôi thấy sung sướng thật, và tôi đã làm việc cật lực, cả già Hanna cũng vậy. Già hể hả thấy tôi vui vẻ như thế nào giữa đám đồ đạc lỏng chỏng đang được xếp dọn lại trong nhà, thấy tôi hăng hái lau chùi cọ rửa, nấu nướng... Và quả thực sau một hai ngày bề bộn, lủng củng hết chỗ nói, chúng tôi dần dần thấy khoan khoái vì đã biến được cái đống hỗn độn thành trật tự ngăn nắp. Trước đó, tôi đã đi về S... để mua vài thứ đồ đạc mới, các cô chị họ tôi đã cho tôi "toàn quyền" muốn thay đổi thế nào cũng được, và tôi đã giành riêng một món tiền vào việc ấy. Phòng khách và phòng ngủ thường ngày, tôi để nguyên như trước vì tôi biết Đyana và Mary, thấy lại những bàn, ghế, giường thân mật cũ, sẽ thích thú hơn là thấy quang cảnh đã đổi mới, dù là rất sang trọng. Tuy thế cũng cần phải có vài thứ mới lạ để ngày về của họ có cái vẻ đặc sắc như tôi mong muốn. Những tấm thảm và màn cửa màu sẫm, đẹp và mới tinh, vài thứ đồ cổ bằng đồng và sứ chọn lựa cẩn thận, giường mới, màn mới, vật dụng trên bàn trang điểm đều nhằm mục đích ấy. Những thứ đó trông tươi vui mà không quá lộng lẫy. Tôi bài trí lại hoàn toàn một buồng ngồi chơi và buồng ngủ phòng sẵn, với những đồ đạc bằng gỗ đào hoa tâm cũ và màn cửa đỏ sẫm. Tôi căng vải ở hành lang và đặt thảm ở cầu thang. Khi mọi việc xong xuôi, tôi nghĩ Mua Haodơ thực là một kiểu mẫu hoàn toàn, sự ấm cúng tươi sáng và nhã nhặn ở bên trong, cũng như ở bên ngoài, và mùa này, nó là một tiêu biểu của sự buồn tẻ mùa đông và sự tiêu điều cô quạnh.
Cuối cùng, cái ngày thứ năm đặc biệt ấy đã tới. Chúng tôi đợi họ vào lúc hoàng hôn, và trước khi trời tối, chúng tôi đã thắp đèn cả trên gác lẫn dưới nhà, nhà bếp cũng rất tinh tươm. Tôi và già Hanna đều ăn bận chỉnh tề, mọi thứ sẵn sàng cả.
Xanh Jôn đến trước, tôi đã yêu cầu anh đừng bén mảng trước khi tôi sắp đặt mọi thứ xong xuôi, và thực ra, chỉ nghĩ đến cảnh tất bật bẩn thỉu và tầm thường diễn ra trong nhà anh, cũng đủ khiến anh khiếp vía mà lánh xa rồi. Anh thấy tôi trong bếp, đang lúi húi nướng bánh để uống trà. Bước lại gần lò bếp, anh hỏi xem tôi đã vừa lòng với các công việc nội trợ chưa? Tôi trả lời bằng cách mời anh theo đi tổng kiểm tra kết quả của những công sức tôi đã bỏ ra. Cũng phải khó khăn một chút mới bắt được anh ấy khi xem khắp nhà. Khi tôi mở cửa các phòng, anh chỉ ngó qua thôi; lúc lên gác xuống gác đi khắp chỗ rồi anh ấy bảo chắc tôi phải mất nhiều công phu khó nhọc lắm mới xếp dọn thay đổi được nhiều thế trong một thời gian ngắn như vậy. Nhưng anh không thốt ra lời nào tỏ ý vui thích vì thấy nhà mình được trang trí đẹp đẽ hơn trước.
Sự lặng thinh ấy làm tôi cụt hứng. Tôi nghĩ có thể những thay đổi ấy làm xáo lộn vài kiểu bày biện cũ mà anh trân trọng. Tôi hỏi có phải như thế không, hẳn là bằng một giọng có phần thất vọng, anh đáp:
- Không phải đâu, trái lại tôi nhận thấy cô hết sức tôn trọng mọi cách bày biện cũ; quả thực tôi e cô đã để lại quá nhiều tâm trí vào một việc không xứng đáng đến thế. Chẳng hạn, như cô đã mất bao nhiêu thời gian để nghiên cứu bày biện căn buồng này? À, mà có thể cho tôi biết quyển sách ấy để ở đâu không?
Tôi chỉ quyển sách đặt trên giá. Anh lấy xuống, rồi lùi về góc cửa sổ chỗ thường ngồi, anh bắt đầu đọc.
Bạn đọc ạ, lúc này tôi không thích như vậy chút nào. Xanh Jôn là người tốt, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy anh ấy đã nói thực, khi anh bảo mình là người lạnh lùng, sắt đá. Những thú vui êm ấm ở đời đều không cám dỗ được anh, không có ý vị gì đối với anh. Nói thực thì anh chỉ sống để hoài bão những cái gì tốt đẹp, lớn lao, đã đành như vậy, nhưng không bao giờ anh muốn nghỉ ngơi, mà cũng không tán thành cho những người khác chung quanh anh được nghỉ ngơi. Ngắm nhìn vầng trán cao, và im lìm, xanh xao như một phiến đá trắng, những nét thanh tú trên mặt anh sắt lại trong khi anh đọc sách - tôi chợt hiểu rằng khó lòng anh trở thành một người chồng tốt, và phải làm vợ anh thì gay go lắm. Tự nhiên tôi hiểu được bản chất mối tình của anh đối với cô Ôlivơ; tôi đồng ý với anh rằng đó chỉ là tình yêu thể xác. Tôi cũng hiểu tại sao anh sẽ phải khinh bỉ mình đến thế, khi tình yêu ấy ảnh hưởng mạnh mẽ đến anh, tại sao anh mong muốn bóp nghẹt, tiêu diệt mối tình ấy, tại sao anh không tin ràng nó có thể đưa anh hoặc cô ta đến hạnh phục bền vững được. Tôi thấy là anh đã được nhào nặn bằng những chất liệu tạo hóa dùng để dựng nên những con người anh hùng - Cơ đốc giáo hay ngoại đạo, những nhà lập pháp, những chính trị gia, những người đi chinh phục. Đó là một bức thành lũy kiên cố bảo vệ những quyền lợi lớn lao; nhưng đặt bên ánh lửa lò sưởi của gia đình thì nhiều khi chỉ là một cây cột cồng kềnh, u ám, và lạc lõng.
Căn phòng khách này chẳng phải là giang sơn của anh ấy, tôi suy nghĩ. - Dãy Hy Mã Lạp Sơn, những bụi rậm ở miền Cafrơ, hoặc cả đến những đồng lầy đầy dẫy những mầm bệnh tật ở bờ biển xứ Ghinê còn thích hợp với anh hơn. Anh xa lánh cái êm ả của cuộc sống gia đình là phải, đó không phải là môi trường của anh; ở đây, năng khiếu của anh chỉ bị trì trệ, không thể nẩy nở hoặc đem ra thi thố có lợi được. Anh chỉ lên tiếng và hành động với tư cách người lãnh tụ, bậc bề trên, trong khung cảnh của chiến đấu và nguy hiểm, khi can đảm được thử thách, nghị lực được rèn luyện, lòng kiên quyết được thi thố. Ở bên cái lò sưởi này thì anh ấy không bằng một đứa trẻ thơ. Anh ấy chọn nghề truyền giáo là phải lắm. Bây giờ thì tôi hiểu rồi.
- Các cô ấy đã về! Các cô ấy đã về! - Già Hanna mở rộng cửa phòng khách kêu lên.
Cùng lúc ấy, con Caclô mừng rỡ sủa ầm lên, tôi bèn chạy ra. Lúc này trời đã tối hẳn, nhưng tiếng bánh xe lăn lạch cạnh nghe rất rõ. Già Hanna đốt ngay đèn bão. Xe dừng lại ở cổng, bác xà ích mở cửa xe, đầu tiên, một dáng quen thuộc bước ra, rồi một dáng người nữa. Thoắt cái tôi đã chạy ra áp mặt vào cặp má mềm mại của Mary và những búp tóc lòa xòa của Đyana. Họ cười vang, hôn tôi, rồi hôn già Hanna, vỗ về con Caclô đang mừng quýnh lên, rồi rốt rít hỏi han tin tức, và khi biết mọi việc đều tốt đẹp, họ vội vã bước vào nhà.
Hai người bị lạnh cóng, vì chặng đường từ Waitơrôt về nhà vừa dài vừa xóc, lại thêm khí đêm lạnh lẽo giá buốt, nhưng dưới ánh đèn đêm vui vẻ, mặt họ tươi tỉnh lại. Trong khi bác xà ích và già Hanna mang hòm xiểng vào thì Xanh Jôn từ phòng khách bước ra. Cả hai lập tức ôm chầm lấy cổ anh. Anh điềm đạm hôn từng người, thấp giọng nói với họ vài lời chào đón, đứng yên nghe họ nói chuyện một lúc, rồi lấy cớ rằng hẳn họ sẽ đến gặp anh ngay ở phòng khách, anh lui về đấy như về một nơi ẩn dật.
Tôi đã thắp nến để đưa họ lên gác, nhưng Đyana còn phải dặn già Hanna ân cần tiếp đãi bác xà ích, rồi hai người mới đi theo tôi. Họ rất vui thích thấy phòng của họ được bày biện trang hoàng lại với những tấm thảm mới và những lọ sứ nhiều màu, và cả hai đều tỏ ý hài lòng một cách hồn nhiên. Tôi vui sướng thấy cái cách xếp đặt của tôi hợp với sở thích của họ, và những việc tôi làm đã góp thêm vào ngày về vui vẻ của họ một ý vị hết sức hấp dẫn.
Buổi tối hôm ấy thật êm ấm. Hai chị em họ tôi hân hoan sôi nổi, kể chuyện và bình phẩm luôn miệng, khiến tôi quên bẵng anh Xanh Jôn đang ngồi lặng lẽ. Anh thành thực hài lòng được gặp hai cô em, nhưng anh không thể hòa hợp được với niềm vui bồng bột ồn ào của họ. Sự việc đặc biệt của ngày hôm ấy - tức là cuộc trở về của Đyana và Mary - khiến anh vui mừng, song anh khó chịu với cái gì đi theo nó, sự huyên náo vui vẻ, với những lời hàn huyên líu ríu. Tôi thấy là anh mong cho chóng đến ngày mai hơn. Ngay giữa lúc mọi người đang vui nhất, vào khoảng một giờ sau khi uống trà, chúng tôi nghe thấy tiếng gõ cửa. Bà Hanna bước vào, cho biết rằng "giữa đêm hôm như thế này, mà lại có một đứa bé đến mời ông Rivơ tới thăm bệnh cho mẹ nó sắp nguy đến nơi".
- Bà ta ở đâu, già Hanna?
- Ở mãi tít trên đồi Witơcrôt Brô, xa đến bốn dặm ấy, mà đường đi chỉ toàn đồng lầy với bụi rậm.
- Bảo nó là tôi đi ngay đây.
- Thưa cậu chớ nên đi, đường đất ấy đêm hôm thế này, đi vất vả lắm, không có lối đi qua đồng lầy đâu. Trời lại rét buốt, gió lạnh thấu xương đấy, cậu ạ. Tốt hơn là cậu cứ bảo họ sáng mai sẽ đến.
Nhưng anh ấy đã ra đến hành lang, khoác áo choàng, và không hề lẩm bẩm phàn nàn gì, anh ra đi. Lúc ấy đã chín giờ tối, mãi đến nửa đêm anh mới về, vừa mệt vừa đói nhưng trông anh vui sướng hơn lúc ra đi. Anh đã hoàn thành một việc bổn phận, đã cố gắng, đã cảm thấy mình đủ sức lực để làm việc và chịu những hy sinh đày đọa, và anh hài lòng về mình.
Tôi e rằng suốt tuần lễ sau, anh phải kiên nhẫn lắm mới chịu đựng nổi. Ấy là tuần lễ Thiên chúa giáng sinh, chúng tôi chẳng có việc gì bận rộn rõ rệt, suốt ngày vui chơi giải trí trong nhà. Không khí của đồng cỏ, sự thoải mái trong gia đình, buổi bình minh của cảnh sung túc, tất cả những điều ấy đã tác động đến tâm hồn Đyana và Mary như một liều thuốc bổ hồi sinh. Họ vui vẻ suốt từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối. Họ trò chuyện luôn mồm, những câu chuyện của họ vừa dí dỏm, sinh động, vừa độc đáo, đã hấp dẫn tôi, thậm chí tôi thích nghe chuyện họ, hoặc góp chuyện với họ hơn làm bất cứ việc gì. Xanh Jôn không trách chúng tôi vui vẻ với nhau, nhưng anh tránh những chuyện đó, ít khi anh có nhà, xứ đạo của anh rộng, dân cư lại ở rải rác, hàng ngày anh bận đi thăm những người nghèo khổ ốm đau trong các khu khác nhau.
Một buổi sáng, sau bữa điểm tâm, Đyana có dáng trầm ngâm một lúc, rồi bỗng hỏi anh:
- Dự kiến của anh có thay đổi gì không?
- Không thay đổi và không thể thay đổi được! - Anh trả lời rồi nói tiếp, báo cho chúng tôi biết rằng ngày lên đường rời nước Anh của anh bây giờ đã được quyết định dứt khoát vào năm tới.
- Thế còn Rôdamơn Ôlivơ? - Mary gợi câu hỏi, câu ấy hình như cô vô tình buột miệng, vì vừa nói xong, cô phác ngay một cử chỉ như muốn giữ câu nói lại.
Xanh Jôn đang cầm quyển sách ở tay - anh vẫn có cái thói quen không hợp phép xã giao, là vừa ăn vừa xem sách - bèn gấp sách lại, ngẩng lên, nói:
- Cô Rôdamơn sắp lấy ông Grenbai, một trong những người dòng dõi nhất và đáng trọng nhất ở S... cháu thừa kế của cụ Frêđêric Grenbai. Tôi được cha cô ấy cho biết tin hôm qua.
Hai cô em nhìn nhau, rồi nhìn tôi. Cả ba chúng tôi cùng nhìn anh. Anh vẫn thản nhiên như không.
- Cuộc hôn nhân ấy có vẻ vội vàng quá nhỉ? - Đyana nói. - Họ biết nhau đã lấy gì làm lâu?
- Chừng hai tháng thôi, họ gặp nhau trong một cuộc dạ hội ở S... tháng mười vừa rồi. Nhưng mà cuộc hôn nhân không gặp trở ngại nào, nhưng trong trường hợp này, khi mà cuộc hôn phối xứng đáng về mọi mặt như thế, thì dĩ nhiên cũng chẳng cần phải chờ đợi lâu. Cụ Frêđiric cho vợ chồng họ cái biệt thự S... chỉ còn chờ biệt thự sửa sang xong để đón họ, là họ sẽ tổ chức hôn lễ.
Sau khi biết tin này, lúc gặp Xanh Jôn một mình, tôi đã muốn hỏi ngay xem việc đó có làm anh buồn không, nhưng anh có vẻ rất không cần có người thông cảm với mình, đến nỗi tôi không dám tỏ tình thân mật với anh mà còn thấy hổ thẹn khi nhớ lại thái độ vừa rồi của mình. Phải chăng tôi đã mất thói quen trò chuyện với anh, càng ngày anh càng lạnh lẽo hơn khiến tính cởi mở của tôi bị băng giá lại. Anh không giữ lời hứa sẽ coi tôi như em gái. Giữa các cô em anh và tôi, anh vẫn còn ít nhiều phân biệt, khiến cho tính thân mật của tôi và anh không có chiều hướng phát triển, tóm lại, tuy bây giờ được công nhận là em họ anh, lại cùng sống với anh dưới một mái nhà, tôi lại cảm thấy khoảng cách giữa chúng tôi còn lớn hơn khi đối với anh tôi chỉ là một cô giáo trường làng. Nhớ lại đã có lần tôi được anh thổ lộ tâm sự thì tôi rất khó hiểu thái độ lạnh lùng của anh bây giờ.
Trong tình hình ấy, làm sao tôi không ngạc nhiên khi thấy anh đang cúi trên bàn xem sách, bỗng ngửng lên nói:
- Jên, cô thấy không? Cuộc chiến đấu đã qua và thắng lợi đã đạt được.
Sửng sốt vì bị hỏi như vậy, tôi chưa trả lời ngay, đắn đo vài phút rồi tôi mới đáp:
- Nhưng anh có chắc anh không ở địa vị những người chinh phục đã phải mua chiến thắng bằng một giá quá đắt không? Thêm một chiến thắng như thế, liệu anh có bị kiệt lực không?
- Tôi không tin vậy, và nếu có thế thì điều ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì lắm. Tôi sẽ không bao giờ có dịp chiến đấu để giành một thắng lợi thuộc loại ấy nữa. Kết quả cuộc chiến đấu đã quyết định, con đường tôi theo ngày càng rõ ràng. Tôi cảm tạ Thượng đế.
Nói đoạn anh lại quay về quyển sách và sự lặng lẽ của anh.
Dần dần khi niềm vui chung của chúng tôi (nghĩa là của Đyana, Mary và tôi) lắng xuống, chúng tôi trở lại với những thói quen hàng ngày và công việc học tập đều đặn, thì Xanh Jôn cũng có mặt ở nhà nhiều hơn. Anh ngồi cùng phòng với chúng tôi, đôi khi hàng giờ. Trong lúc Mary vẽ, Đyana đọc một tài liệu bách khoa (một điều làm tôi khâm phục và kinh ngạc), và tôi đánh vật với tiếng Đức, thì anh nghiền ngẫm một môn học bí hiểm, ngôn ngữ Đông phương nào đó, mà anh thấy cần thiết cho kế hoạch của anh.
Ngồi làm việc như thế trong một góc riêng, anh có vẻ rất bình thản và chăm chú, nhưng cặp mắt xanh lơ của anh thường rời quyển ngữ pháp xa lạ để lơ đãng nhìn đó đây, và đôi lúc đăm đăm nhìn chúng tôi, những người bạn cùng học với anh như có ý tò mò quan sát một cách cặn kẽ. Nếu bị bắt gặp thì lập tức anh nhìn đi chỗ khác, nhưng rồi chỉ một chốc thế nào anh cũng lại đưa mắt về phía bàn chúng tôi, có ý tìm tôi. Tôi không biết tại sao như vậy, tôi cũng không hiểu tại sao bao giờ anh cũng tỏ ý hài lòng về một việc mà tôi thấy không có gì quan trọng, là việc hàng tuần tôi đến thăm trường Mortơn; và tôi lạ lùng hơn nữa khi gặp ngày tiết trời xấu, như mưa to, gió lớn, tuyết rơi, các cô em khuyên tôi ở nhà, thì chẳng bao giờ anh coi trọng những lời khuyên ấy, trái lại luôn luôn khuyến khích tôi đi làm nhiệm vụ, mặc dù thời tiết thế nào.
Anh thường bảo:
- Jên không phải là con chim non như ý các cô muốn. Cô ấy có thể chịu đựng một cơn gió núi, một trận mưa rào, vài bông tuyết rơi như chúng ta vậy. Thể chất cô ấy khỏe, dẻo dai, đủ sức chịu đựng được những thay đổi của thời tiết còn hơn nhiều người có sức lực.
Khi tôi trở về, nhiều lần rất mệt mỏi vì phải dãi dầu mưa gió, nhưng chẳng bao giờ tôi dám phàn nàn vì tôi biết hễ than thở một chút là anh phật ý, trong mọi trường hợp cứ tỏ ra can đảm thì anh thích, còn trái lại chỉ làm anh khó chịu.
Tuy thế, cũng có một buổi chiều tôi được phép ở nhà vì tôi bị cảm thực. Các cô em anh thay tôi đi sang Mortơn. Tôi ngồi đọc Sile, còn anh thì mò mẫm đọc một thứ chữ phương Đông viết loằng ngoằng. Lúc tôi thôi không dịch nữa để chuyển sang làm bài tập, tôi vô tình nhìn về phía anh, thì thấy cặp mắt xanh lơ của anh đang nhìn tôi. Tôi không bết anh xoi mói nhìn khắp người tôi từ lúc nào. Cái nhìn sắc sảo quá, mà cũng lạnh lẽo quá, khiến tôi bỗng cảm thấy mình mê tín, tưởng như đang ngồi trong phòng cùng với một cái gì quái đản.
- Cô đang làm gì thế, Jên?
- Học tiếng Đức.
- Tôi muốn cô bỏ tiếng Đức, mà học tiếng Hinđi.
- Anh không nói đùa chứ?
- Không nói đùa, vì tôi nhất định muốn thế, tôi sẽ nói cô rõ tại sao.
Rồi anh bắt đầu giải thích rằng Hinđi là thứ tiếng anh đang học, rằng anh càng học thì nhớ được phần sau lại quên mất phần đầu, như vậy nếu có một người học trò cho anh có dịp ôn lại luôn những phần cơ bản thì sẽ giúp anh rất nhiều và mới khắc sâu vào trong trí anh được; anh cũng nói rằng anh đã suy tính lựa chọn mãi giữa tôi và hai cô em, nhưng anh quyết định chọn tôi vì thấy tôi có thể ngồi học lâu nhất trong bọn họ. Liệu tôi có nhận lời giúp anh không? Có lẽ sự hy sinh này cũng chẳng lâu vì chỉ còn ba tháng nữa anh ấy đã đi rồi.
Đối với một người như Xanh Jôn muốn từ chối một điều gì không phải là chuyện dễ dàng, người ta cảm thấy rằng mỗi ấn tượng gây cho anh, thú vị hay khó chịu đều khắc sâu mãi vào tâm trí anh. Tôi đành nhận lời. Khi Đyana và Mary trở về, thì Đyana thấy cô học trò của mình đã đổi thầy rồi, cô cười lớn, và cả cô lẫn Mary đều cho rằng Xanh Jôn không bao giờ thuyết phục được họ làm như thế. Anh điềm nhiên trả lời:
- Tôi biết lắm.
Tôi nhận thấy anh là một ông thầy kiên nhẫn, khoan dung nhưng đòi hỏi cao, anh muốn tôi làm việc nhiều. Mỗi khi tôi làm đúng ý anh, anh tỏ vẻ hài lòng hết sức, theo cách riêng của anh. Dần dà, đối với tôi, anh có một ảnh hưởng nhất định, khiến tôi mất cả tự do suy nghĩ, những lời khuyên và nhận xét của anh khiến tôi e ngại hơn cả thái độ lãnh đạm của anh. Có mặt anh, tôi không còn cười nói tự nhiên được nữa, vì một linh tính luôn ám ảnh nặng nề, nhắc nhở tôi rằng sự ồn ào vui nhộn (ít nhất ở tôi) chỉ làm anh khó chịu. Tôi có ý thức rõ ràng anh chỉ đồng tình với thái độ nghiêm trang và những công việc đứng đắn, còn mọi cố gắng làm khác thế trước mặt anh đều vô nghĩa. Tôi như bị mê hoặc đến tê liệt. Khi ấy anh bảo "Đi" thì tôi đi, bảo "Lại đây" thì tôi lại, bảo làm cái gì thì tôi làm cái ấy. Nhưng tôi không ưa phục tùng như thế. Nhiều lần tôi mong giá anh cứ thờ ơ với tôi như trước thì hơn.
Một buổi tối, vào giờ đi ngủ, các cô em anh và tôi đứng quanh anh để chúc anh ngủ ngon. Anh hôn họ như thường lệ, và cũng như thường lệ, anh giơ tay bắt tay tôi. Đyana lúc ấy có ý nghịch ngợm (ý chí của anh không thể chi phối được cô, vì ý chí của cô, tuy không giống anh, nhưng cũng không kém mạnh mẽ) bèn kêu lên:
- Xanh Jôn, anh vẫn thường bảo Jên là cô em thứ ba của anh kia mà, sao anh không đối xử với Jên như thế. Anh cũng phải hôn Jên chứ!
Cô đẩy tôi về phía anh. Tôi cho là Đyana trêu chọc quá mức, và cảm thấy lúng túng ngượng nghịu, trong lúc tôi nghĩ và cảm thấy thế, thì Xanh Jôn cúi đầu xuống, khuôn mặt Hy Lạp của anh thấp ngang mặt tôi, cặp mắt anh nhìn thấu vào mắt tôi dò hỏi, và anh hôn tôi. Không làm gì có những cái hôn của đá hay của băng giá, nếu không, tôi sẽ bảo cái hôn của ông anh họ giáo sĩ đúng là thuộc loại ấy. Nhưng có thể có những cái hôn thử thách, và cái hôn của anh là một cái hôn thử thách. Hôn xong anh nhìn tôi để xem kết quả ra sao, không có gì đáng chú ý, tôi chắc rằng tôi không bị đỏ mặt, có lẽ tôi hơi tái đi chăng, vì tôi cảm thấy như cái hôn ấy là một con dấu đóng lên những dây xích ràng trói tôi. Từ đó anh không hề bỏ cái nghi thức này, và sự bình thản trang trọng của tôi khi nhận cái hôn, hình như làm cho anh thấy nó thêm thú vị.
Về phần tôi, càng ngày tôi càng muốn làm vừa lòng anh. Nhưng muốn được thế, càng ngày tôi càng cảm thấy phải từ bỏ nửa phần bản tính mình, phải bóp nghẹt nửa phần năng khiếu của mình, phải uốn nắn những sở thích của mình theo hướng khác, tự ép mình theo đuổi những mục đích không thích hợp với khuynh hướng bẩm sinh của tôi. Anh muốn luyện tôi vươn tới một độ cao mà không bao giờ tôi đạt được. Tôi khổ sở từng giờ từng phút vì cứ phải rướn tới cái trình độ anh muốn. Điều này không thể nào thực hiện được, cũng như uốn những đường nét không đều trên mặt tôi cho thành cân đối và đẹp mẫu mực như mặt anh, hoặc đổi cái màu xám dễ biến của mắt tôi thành màu xanh da trời với cái ánh sáng trang nghiêm như của mắt anh vậy.
Trong thời gian này, không phải chỉ riêng cái uy lực của anh trói buộc tôi, ít lâu nay, tôi thường dễ lộ vẻ buồn rầu, một nỗi đau đớn gặm nhấm tim tôi, hút cạn hạnh phúc của tôi ngay từ ngọn nguồn. Đó là nỗi đau đớn vì chờ đợi.
Có lẽ bạn đọc cho rằng giữa những đổi thay của cảnh ngộ và số phận như vậy, tôi đã quên ông Rôchextơ rồi chăng, không, không một chút nào quên. Ý nghĩ về ông vẫn canh cánh bên lòng tôi, vì nó chẳng phải là một màn sương mù mà ánh mặt trời có thể xua tan, cũng chẳng phải là một hình vẽ vạch trên cát mà bão táp có thể xóa đi, đó là một cái tên, đã được khắc sâu lên mặt đá, số phận nó cũng phải lâu bền như chất đá kia. Ý muốn tha thiết được biết rõ ông ấy ra sao ám ảnh tôi ở bất cứ đâu. Khi còn ở Mortơn, mỗi buổi chiều trở về ngôi nhà nhỏ, tôi đều nghĩ đến ông, và bây giờ ở Mua Haodơ, mỗi tối lên giường ngủ, tôi cũng ủ ấp những ý nghĩ về ông.
Trong thư cần trao đổi với ông Bric về bản di chúc, tôi đã hỏi xem ông ấy có biết gì về chỗ ở hiện tại và tình hình sức khỏe của ông Rôchextơ không, nhưng như Xanh Jôn đã ước đoán, ông Bric chẳng biết gì hết. Tôi bèn viết thư cho bà Fefăc, xin bà cho biết tin tức. Tôi đã tính làm như vậy chắc thế nào cũng đạt được mục đích, tôi tin rằng sẽ sớm có thư trả lời. Nhưng lạ quá, nửa tháng trôi đi mà không có thư phúc đáp, rồi thêm hai tháng nữa qua đi, ngày lại ngày, người đưa thư vẫn tới, nhưng chẳng mang gì cho tôi hết, tôi cảm thấy ruột gan bồn chồn lo lắng.
Tôi lại viết thư nữa, có thể lá thư đầu của tôi bị thất lạc chăng? Tiếp theo những cố gắng mới là niềm hy vọng mới, cũng chói sáng trong vài tuần như hy vọng lần trước, để rồi cũng như lần trước, phai nhạt tắt lụi đi, tôi không nhận được một dòng, một chữ nào hết. Tới khi nửa năm trôi qua trong sự chờ đợi vô vọng thì hy vọng của tôi cũng tắt hẳn, và tôi cảm thấy mình sống trong tăm tối.
Một mùa xuân tươi đẹp bừng sáng xung quanh tôi mà tôi chẳng thể hưởng thụ. Mùa hè sắp tới, Đyana cố làm tôi vui, cô bảo tôi có vẻ ốm, và muốn cùng tôi ra nghỉ ở bãi biển. Xanh Jôn phản đối việc này, anh bảo rằng tôi không cần giải trí, mà cần làm việc, cuộc sống hiện tại của tôi không có mục đích, tôi cần có một mục tiêu. Chắc hẳn là để bổ sung cho sự thiếu thốn đó, anh càng kéo dài những bài học tiếng Hindi của tôi, càng nóng nảy muốn tôi học cho xong. Và tôi, như một người mất trí, không bao giờ nghĩ tới chuyện cưỡng lại anh... mà tôi cũng không thể cưỡng lại được.
Một hôm tôi ngồi vào học, lòng rầu rĩ hơn bao giờ hết, tinh thần sa sút do một sự thất vọng đau xót, buổi sáng, già Hanna báo cho tôi biết có một bức thư gửi cho tôi, khi tôi xuống lấy, gần như chắc mẩm tin tức chờ đợi từ bao lâu nay rốt cuộc đã đến, thì chỉ thấy một bức thư không quan trọng của ông Bric nói chuyện công việc. Sự thất ý chua chát ấy đã làm cho tôi phát khóc, và bây giờ ngồi nghiền ngẫm những dòng chữ loằng ngoằng này và những đoạn văn chương hoa mỹ của một bác thư lại Hinđi nào đó, nước mắt tôi lại ứa ra.
Xanh Jôn gọi tôi đến bên để học bài, trong lúc cố gắng đọc, giọng tôi lạc hẳn đi, tiếng phát âm lẫn vào trong tiếng nức nở. Trong phòng khách lúc đó chỉ có mình tôi với anh. Đyana đang tập nhạc trong phòng khách chính, Mary đang làm vườn; hôm ấy là một ngày tháng năm đẹp trời, trong sáng, gió hây hây thổi, ánh nắng chan hòa. Xanh Xôn không hề tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự xúc động của tôi, anh cũng chẳng hỏi xem nguvên nhân vì sao, anh chỉ bảo:
- Ta đợi vài phút, Jên ạ, cho đến lúc cô bình tâm hơn.
Trong khi tôi vội vã nén xúc động, anh vẫn ngồi bình thản và kiên nhẫn, tựa vào bàn, như một thầy thuốc theo dõi với con mắt học cơn bệnh của một người ốm mà ông đã biết trước và giải thích được diễn biến. Sau khi nén những tiếng nức nở, lau nước mắt, và khẽ nói sáng nay mình không được khỏe, tôi lại đọc bài, và cũng đọc được xong. Xanh Jôn xếp sách của tôi và của anh lại, khóa ngăn kéo bàn học và bảo:
- Jên, bây giờ cô hãy đi chơi với tôi một chốc.
- Để tôi gọi Đyana và Mary đi một thể.
- Không sáng nay tôi chỉ muốn có một người bạn thôi, và phải là cô. Mặc áo vào, đi ra bằng lối cửa bếp rồi đi theo con đường dẫn tới đầu thung lũng Mac En. Tôi sẽ đến ngay.
Tôi không biết thái độ nửa vời, trong đời tôi, giữa sự phục tùng hoàn toàn và sự cương quyết chống đối, chẳng bao giờ tôi có thái độ nửa vời trong khi tiếp xúc với những người tính nết dứt khoát, kiên quyết, hoàn toàn trái ngược với tôi. Thường thường tôi vẫn khuất phục cho đến lúc đột ngột nhảy sang chống đối, đôi khi với tất cả cái hung hãn của hỏa diệm sơn. Nhưng hoàn cảnh và tâm thần tôi lúc bấy giờ không thích hợp với sự phản kháng, cho nên tôi cẩn thận theo lời dặn của Xanh Jôn, mười phút sau tôi đã đi bên anh trước con đường hoang dại xuống thung lũng.
Gió tây hây hây thổi qua những ngọn đồi, thoảng mùi thơm của lau sậy; bầu trời xanh ngắt không vẩn đen, dòng suối trong khe đầy nước vì những trận mưa xuân mới đây chảy trong vắt và tràn trề, lấp lánh ánh nắng vàng, và phản chiếu vòm trời xanh màu ngọc thạch. Rời khỏi con đường nhỏ, chúng tôi đi trên một nệm cỏ mềm mại, xanh như ngọc và mượt như rêu, điểm vài bông hoa trắng xinh xinh và đây đó rải rác những bông hoa vàng như những ngôi sao. Dãy đồi vây kín chúng tôi, vì đầu kia của thung lũng ăn sâu vào khu trung tâm.
- Chúng ta ngồi đây thôi - Xanh Jôn nói, khi chúng tôi tới những hòn đầu tiên của một dãy núi đá kẹp lấy một lối đi hẹp, nhìn qua bên kia thấy một dòng suối đổ xuống thành thác, và cũng ở phía ấy, xa hơn chút nữa, núi đá đã giũ sạch cỏ hoa, chỉ còn trơ lại bụi rậm làm áo, và đá làm ngọc trang sức, ở đó cảnh hang dã đã đến mức man rợ, vẻ tươi mát biến thành vẻ nhăn nhó. Nơi đó là nơi hy vọng cuối cùng của sự cô độc và là chốn nương náu cuối cùng của sự yên lặng.
Tôi kiếm một chỗ ngồi, Xanh Jôn đứng gần tôi. Anh nhìn lên lối đi hẹp và ngó xuống phía dưới thung lũng. Anh đưa mắt lơ đãng nhìn theo dòng suối quanh co, rồi lại ngước lên bầu trời không gợn mây phản chiếu màu xanh xuống dòng suối. Anh bỏ mũ ra, mặc cho làn gió nhẹ thổi lùa vào tóc anh và lướt trên vầng trán như một cái hôn. Hình như anh đang cảm thông với vị thần giữ nơi hẻo lánh này, bằng cặp mắt, anh đang nói lời vĩnh biệt với một số cái gì đó.
- Rồi tôi sẽ thấy lại cảnh này trong giấc mơ - anh nói to - khi tôi nằm ngủ bên dòng sông Hằng, và sẽ thấy lại một khác nữa, vào một thời gian xa hơn, khi một giấc ngủ khác đến đánh ngã tôi trên bờ một dòng sông tăm tối hơn.
Thực là những lời nói kỳ quặc của một tình yêu kỳ quặc! Một thứ tình cảm cuồng nhiệt đối với nước tổ của một người yêu nước khắc khổ! Anh ngồi xuống, đã đến nửa giờ, cả anh lẫn tôi không ai nói với ai lời nào, sau đó anh bắt đầu:
- Jên ạ, sáu tuần lễ nữa thì tôi đi, tôi đã giữ một buồng trên tàu của Công ty Đông Ấn nhổ neo vào ngày hai mươi tháng sáu.
Tôi trả lời:
- Chúa sẽ che chở cho anh, vì anh đã theo đuổi công cuộc của Người.
- Phải - anh nói - đó là vinh quang và niềm vui sướng của tôi. Tôi là bề tôi của một vị minh chủ, vô cùng sáng láng, tôi ra đi không phải là theo sự hướng dẫn của con người, không bị lệ thuộc vào những luật pháp thiếu sót và sự kiểm soát dễ nhầm lẫn của những người đồng loại hèn yếu của tôi. Vị Chúa của tôi, Người ban bố pháp luật, vị chỉ huy của tôi, là đấng Toàn Thiện. Tôi rất ngạc nhiên thấy mọi người quanh tôi không nhiệt thành xung vào đội ngũ dưới cùng một lá cờ, để góp sức vào cùng một công cuộc.
- Không phải ai cũng có sức mạnh của anh. Kẻ yếu mà muốn bước ngang với người mạnh thì chỉ là điên.
- Tôi không nói với những người hèn yếu, cũng không nghĩ đến họ, tôi chỉ nói với những người xứng đáng, với công cuộc đó mà có đủ khả năng để hoàn thành.
- Những người như thế thì ít có, mà cũng khó tìm.
- Cô nói đúng, nhưng một khi đã tìm ra rồi thì ta có bổn phận kích động họ, thúc giục họ, động viên họ cố gắng, chỉ rõ cho họ biết tài năng thiên phú của họ là gì, tại sao họ được ban cho tài năng ấy, nói vào tai họ lời phán bảo của Chúa, thay mặt Chúa tiếp nhận họ vào hàng ngũ những người Chúa đã chọn.
- Nếu quả thực họ có tư cách làm nhiệm vụ đó, sao chính lòng họ không bảo cho họ biết trước tiên?
Tôi cảm thấy như có một sự mê hoặc ghê gớm đang thành hình và tụ tập quanh tôi. Tôi run rẩy đợi một tiếng khốc liệt nào đó vang lên, đồng thời sẽ tuyên bố trói buộc tôi vào sự mê hoặc ấy.
- Thế lòng cô có nói gì không? - Xanh Jôn hỏi.
- Lòng tôi câm lặng... lòng tôi câm lặng! - Tôi bàng hoàng và rùng mình trả lời vậy.
- Thế thì tôi phải nói họ nói - cái giọng trầm trầm, không thương hại ấy vẫn tiếp tục: - Jên hãy đi với tôi sang Ấn Độ. Hãy làm người cộng tác, người đồng bạn lao khổ của tôi.
Cả thung lũng và bầu trời quay cuồng, đồi núi dâng hẳn lên! Dường như tôi nghe thấy một lời kêu gọi từ trên trời, dường như có một vị thiên sứ hư ảo, giống vị thiên sứ ở Maxêđônya(1), đã tuyên gọi: "Hãy đến giúp ta". Nhưng tôi đâu phải là một tông đồ, tôi không thể nhìn thấy vị truyền sứ, tôi không thể nhận lời kêu gọi của người được.
- Ồ Xanh Jôn! Tôi kêu lên - xin anh hãy rộng lòng thương?
Tôi đã cầu khẩn một người không hề biết đến tình thương hay hối hận, trong lúc thực hiện một điều mà họ cho là bổn phận. Anh tiếp tục nói:
- Chúa và Tạo hóa sinh ra cô là để làm vợ một nhà truyền giáo. Cô đã được ban cho những khả năng thiên phú không phải về hình xác, mà về tinh thần. Cô ra đời để làm việc, không phải để yêu đương. Cô phải là vợ của nhà truyền giáo - nhất định sẽ như vậy. Cô sẽ thuộc về tôi. Tôi đòi hỏi cô, không phải vì khoái lạc riêng, nhưng để phục vụ Chúa.
Tôi đáp:
- Tôi không xứng với việc ấy, tôi không có khuynh hướng ấy.
Anh đã tính trước đến những lời phản đối đầu tiên này, nên không vì thế mà giận dữ. Thực vậy, nhìn anh dựa lưng vào tảng đá, khoanh tay trước ngực, mặt không biến sắc, tôi thấy anh đã chuẩn bị đối phó với một sự kháng cự dai dẳng và gay go, và có sẵn kiên nhẫn để chịu đựng cho đến cùng - dù sao anh cũng đã nhất quyết phải thu được thắng lợi.
- Đức khiêm cung là cơ sở của đạo đức Cơ đốc. Cô nói rằng không xứng đáng với công việc ấy? Hoặc ai là người cho dẫu được Chúa vời đến thực, lại tự cho mình là xứng đáng với lời phán gọi ấy? Thí dụ như tôi, chẳng qua cũng chỉ là tro, là bụi. Cùng với thánh Pôn, tôi tự biết mình là con người nhiều tội lỗi nhất, nhưng tôi không để cho các ý thức về sự ti tiện của bản thân làm tôi sợ hãi. Tôi biết rõ Đấng chỉ đường của tôi, tôi biết Người là chí công và toàn năng. Khi Người đã chọn một công cụ yếu ớt để thực hiện một nhiệm vụ to tát, thì Người sẽ thấy trong kho tàng vô tận của Người, để bổ sung cho sự thiếu sót của những phương tiện cho xứng đáng với mục đích. Hãy nghĩ như tôi, Jên ạ, hãy tin tưởng như tôi. Ấy là tôi yêu cầu cô nương tựa vào Tảng đá của đời đời(1). Đừng nghi ngại nó sẽ không mang được cái phàm căn nặng nề của cô.
- Tôi không hiểu gì về đời sống của nhà truyền giáo, tôi chưa bao giờ nghiên cứu những công việc của họ.
- Cái đó, dù tôi hèn kém, tôi cũng có thể giúp đỡ cô được. Tôi sẽ bày công việc làm từng giờ cho cô, sẽ luôn luôn ở bên cô, lúc nào cũng giúp đỡ cô, tôi có thể làm thế lúc đầu, sau đó không lâu, cô sẽ đủ khả năng, đủ sức lực như tôi (tôi biết rõ năng lực của cô), chẳng cần tôi giúp đỡ nữa.
- Nhưng tôi đâu có năng lực làm việc ấy? Tôi không cảm thấy thế, trong khi anh nói, chẳng có gì lên tiếng hay chuyển động trong người tôi, tôi chẳng hề thấy một ngọn lửa nào nhóm lên, một sức sống nào dồn dập thôi thúc, một tiếng nói nào khuyên nhủ hay khích lệ tôi. Ôi, giá tôi có thể khiến anh nhìn thấy lúc này tâm hồn tôi giống một nhà ngục tối tăm như thế nào, với một nỗi lo sợ run rẩy bị xiềng xích dưới đáy hầm - là nỗi lo sợ bị anh thuyết phục làm cái công việc mà tôi không tài nào làm được!
- Tôi xin trả lời thay cô. Hãy nghe tôi, tôi đã quan sát cô ngay từ buổi đầu ta gặp nhau. Tôi đã coi cô là đối tượng nghiên cứu suốt mười tháng nay. Trong quãng thời gian này, tôi thử thách cô bằng nhiều cách khác nhau, và tôi đã thấy gì. Tôi đã rút ra được gì? Ở trường làng, tôi thấy cô làm việc rất tốt, đều đặn và đứng đắn, nhưng việc không thích hợp với thói quen và xu hướng của cô. Tôi thấy cô đã hoàn thành nó một cách tài tính, khéo léo, cô thu được lòng người trong khi cô chỉ huy. Qua thái độ bình tĩnh của cô khi đột nhiên cô biết mình trở thành giàu có, tôi thấy rõ một tâm hồn không bị cái tật xấu của Đimat(1) làm nhơ bẩn, cô không bị thói vụ lợi chi phối. Trong thái độ kiên quyết sẵn sàng của cô muốn chia gia tài làm bốn phần chỉ giữ một phần cho mình, còn ba phần thì khước từ theo yêu cầu của một lẽ công bình trừu tượng, tôi nhận ra một tâm hồn biết sung sướng trong sự hy sinh. Trong thái độ dễ dàng của cô, khi theo ý muốn, cô rời bỏ một môn học sở thích để học một môn khác vì tôi thích, trong sự chuyên cần không mệt mỏi của cô khi vùi đầu vào môn học ấy, trong cái nghị lực kiên cường và cái quyết tâm của cô khi gặp những khó khăn, tôi thấy những đức tính bổ sung mà tôi đang tìm. Jên ạ, cô là người dễ bảo, cần mẫn không vụ lợi, trung thành không dao động và can đảm, rất hiền hậu, mà cũng rất anh hùng; thôi đừng nên hoài nghi chính mình nữa. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở cô. Nhận làm người lãnh đạo các trường học ở Ấn Độ, giúp đỡ phụ nữ ở đấy, cô sẽ đem lại cho tôi một sự cộng tác vô giá.
Tấm áo liệm bằng sắt khép chặt lại quanh tôi, sự thuyết phục tiến lên từng bước chậm rãi và chắc chắn. Mắt tôi tuy đã nhắm lại, song những lời nói sau cùng của anh vẫn giúp được tôi nhìn thấy con đường trước kia tưởng bế tắc, nay trở thành tương đối quang đãng. Công việc của tôi trước đây có vẻ mơ hồ, tản mạn một cách vô vọng, nay dần theo lời anh nói, tập trung lại, và thành hình dứt khoát dưới bàn tay sáng tạo của anh. Anh chờ tôi trả lời, tôi xin anh mười lăm phút suy nghĩ trước khi dám đáp.
- Rất vui lòng - anh nói và đứng dậy, đi ra xa một quãng, rồi ngả mình trên một bờ cỏ rậm và nằm im ở đó.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ. "Ta có thể làm được điều anh muốn ta làm, ta bắt buộc phải thấy và công nhận điều đó - nghĩa là ta có thể làm, nếu ít nhất ta sống được. Nhưng ta cảm thấy cơ thể ta không thể chịu đựng được lâu ánh nắng của xứ Ấn Độ. Vậy lúc ấy sẽ ra sao? Anh sẽ không quan tâm gì đến điều đó, khi ta sắp chết, hẳn anh sẽ bình thản và thành kính mà trả ta về với Chúa, Người đã ban ta cho anh. Tình hình thật quá rõ ràng. Rời khỏi nước Anh, là phải rời khỏi một xứ sở ta yêu dấu, tuy nó trống rỗng đối với ta, vì ông Rôchextơ không còn ở đây, mà dẫu còn ở đây thì điều đó có ý nghĩa gì đối với ta nữa? Đời ta bây giờ là không được chung sống với ông. Chẳng có gì phi lý, yếu đuối hơn là cứ kéo dài ngày này sang ngày khác, dường như ta còn chờ đợi một sự đổi thay nào đó, không thể thực hiện được của hoàn cảnh, khiến ông và ta lại được xum họp cùng nhau. Dĩ nhiên (như Xanh Jôn đã có lần nói) ta cần phải tìm cho cuộc sống một ý nghĩa khác thay thế cho ý nghĩa đã mất. Công việc anh trao cho ta bây giờ chẳng phải là công việc thực sự vinh quang nhất mà con người có thể nhận, hoặc được Chúa cắt cử đó sao? Lấp kín sự trống rỗng gây nên do những cảm tình bị rứt bỏ và những hy vọng đã tiêu tan, bằng những quan điểm cao quý và những kết quả tuyệt vời của nó, đó chẳng phải việc làm thích hợp nhất hay sao? Ta cho rằng ta phải trả lời: "Vâng"- ấy thế mà ta vẫn run rẩy. Ôi! Nếu ta đi với Xanh Jôn, thì ta phải từ bỏ nửa thân ta; nếu ta đi Ấn Độ, thì là ta đi đến một cái chết non yểu. Và trong khoảng thời gian từ lúc rời nước Anh đi Ấn Độ, đến lúc từ Ấn Độ về nấm mồ, ta sẽ làm gì đây? Ồ! ta biết lắm; ta có thể tưởng tượng được rõ ràng, ta sẽ cố gắng làm hài lòng Xanh Jôn cho đến khi tất cả các dây thần kinh trong người ta đau đớn, ta sẽ làm vui lòng anh đến cùng cực, tới giới hạn cuối cùng của điều anh mong mỏi. Nếu như ta đi với anh thực sự, nếu ta chịu hy sinh thực sự, như anh thúc bách, thì ta sẽ làm đến mức tuyệt đối, sẽ dâng lên bàn thờ Chúa tất cả, trái tim, sinh lực, toàn bộ vật hiến tế. Anh sẽ chẳng bao giờ yêu ta, nhưng anh sẽ tán thành ta, ta sẽ bày cho anh thấy những năng lực anh chưa biết, những của báu anh không ngờ đến. Phải, ta có thể làm việc vất vả và lao khổ như như anh, và, cũng như anh, ta không hề phàn nàn một tiếng.
"Vậy có thể nhận lời yêu cầu của anh được, duy chỉ có một điều - một điều đáng sợ, đó là anh muốn ta lấy anh mà đối với ta anh chẳng có trái tim của một người chồng, không khác gì tảng đá lớn cau có kia, nằm bên dòng suối ngầu bọt. Anh đánh giá ta như một người lính đánh giá một thứ võ khí tốt, và chỉ có thế thôi. Không lấy anh, điều đó sẽ chẳng bao giờ khiến ta phiền muộn, song ta có thể cứ để cho anh hoàn thành những tính toán, lạnh lùng thực hiện kế hoạch, cứ tiến hành lễ cưới được không? Liệu ta có thể cứ nhận cái nhẫn cưới của anh, chịu nhận mọi hình thức của tình yêu (điều này ta biết chắc anh sẽ rất tôn trọng) dù biết rằng anh không để tâm hồn anh vào đấy? Ta có thể chịu đựng ý nghĩ rằng mỗi cử chỉ âu yếm của anh chỉ là một sự hy sinh theo nguyên tắc? Không, như vậy là một sự tuẫn nại quái gở, ta không thể nào kham được. Ta chỉ có thể đi theo anh như một người em gái, chứ không thể như một người vợ, ta sẽ nói với anh thế.
Tôi quay lại phía gò, anh đang nằm đó, im lìm như một cái cột đổ, quay mặt lại phía tôi, cặp mắt ánh lên một vẻ quan sát soi mói. Anh vùng đứng dậy, đi lại phía tôi.
- Tôi sẵn sàng đi Ấn Độ, nếu tôi không bị ràng buộc gì.
- Câu trả lời của cô cần được giải thích thêm - anh nói - nó không được rõ ràng lắm.
- Cho đến nay tôi vẫn coi anh là người anh nuôi, và tôi là em nuôi của anh. Chúng ta giữ quan hệ như vậy, không lấy nhau thì hơn.
Anh lắc đầu:
- Cái tình anh em kết nghĩa không thích hợp trong trường hợp này. Nếu cô là em gái tôi thực, thì lại khác, tôi sẽ đem cô đi và sẽ không tìm vợ, nhưng trong tình trạng chúng ta đây, thì hoặc sự cộng tác của chúng ta phải được hôn nhân gắn bó và thừa nhận, hoặc nó không thể có. Nhưng trở ngại thực tế sẽ cản trở mọi dự kiến khác. Jên, cô không thấy thế sao? Hãy suy nghĩ một lát, lương tri vững vàng của cô sẽ hướng dẫn cô.
Tôi suy nghĩ, và lương tri của tôi vẫn cứ hướng tôi về sự thực tế là chúng tôi không thể yêu nhau như hai vợ chồng, do đó chúng tôi không thể lấy nhau được. Tôi bèn bảo anh như vậy.
- Xanh Jôn! - tôi nói, - tôi coi anh như anh tôi, và anh coi tôi như em anh, vậy chúng ta cứ nên đối với nhau như thế.
- Không thể được, không thể được! - Anh trả lời, giọng quả quyết, ngắn gọn, dứt khoát. Như vậy không ổn. Cô đã nói cô sẽ đi Ấn Độ với tôi. Hãy nhớ rằng cô đã nói như thế đấy.
- Với điều kiện.
- Được, được, về điểm chính - rời nước Anh với tôi, cộng tác với tôi trong những công việc tương lai của tôi - cô không phản đối. Cô gần như đã nắm tay vào cái cày rồi, cô lại là người khá kiên định, chẳng lẽ lại rút tay về. Cô chỉ còn một điều cần xem xét, làm thế nào để hoàn thành tốt nhất công việc mình đã bắt đầu. Hãy đơn giản hóa những quan tâm, tình cảm, tư tưởng, ước muốn, mục đích phức tạp, hãy tập trung mọi suy nghĩ vào một ý định, làm sao hoàn thành một cách hiệu quả, một cách quyết tâm, nhiệm vụ vị Chúa tối cao của cô trao cho. Để làm được như vậy cô cần một người đỡ đần, không phải một người anh, sợi dây ràng buộc ấy lỏng lẻo quá, mà phải là một người chồng. Tôi cũng vậy, tôi không cần một người em gái, một người em gái thì rồi cũng có ngày bị người ta lấy đi mất. Tôi cần một người vợ, người bạn giúp đỡ duy nhất tôi có thể ảnh hưởng được một cách hiệu quả trong đời sống, và tuyệt đối 4337 giữ được cho đến lúc chết.
Nghe anh nói, tôi rùng mình, tôi cảm thấy ảnh hưởng của anh thấu đến tận xương tủy, uy lực của anh rằng trói lấy tứ chi tôi.
- Hãy tìm một người nào khác không phải là tôi, anh Xanh Jôn ạ, anh hãy tìm một người thích hợp với anh hơn.
- Cô định nói là một người thích hợp với mục đích của tôi, thích hợp với xu hướng của tôi. Tôi cần nói lại với cô rằng tôi không tìm một cá nhân vô nghĩa, - con người tầm thường với những cảm quan ích kỷ - để kết bạn, tôi tìm một nhà truyền giáo.
- Tôi sẽ dâng nhà truyền giáo mọi năng lực của tôi, đó là tất cả những gì người ấy cần - chứ không phải con người tôi, nếu như vậy chỉ như thêm vỏ, thêm hột vào quả anh đào. Người ta chẳng cần những cái đó làm gì, nên tôi xin giữ lại.
- Cô không thể, và không nên thế. Cô nghĩ rằng Chúa có thể hài lòng với một nửa vật hiến thế sao, rằng người lại chịu nhận một lễ vật bị bớt xén sao? Tôi biện hộ đây là vì mục đích của Chúa, tôi chọn cô là để chiến đấu dưới lá cờ của Người. Tôi không thể nhân danh Người nhận một sự trung thành nửa vời, nó cần phải trọn vẹn.
- Ồ, tôi sẽ dâng trái tim tôi cho Chúa - tôi nói - anh thì cần gì đến nó.
Bạn đọc ạ, tôi không dám cam đoan rằng trong giọng nói khi tôi thốt ra câu ấy, cũng như trong cảm nghĩ tiếp theo đó, đã không có đôi chút mỉa mai, tuy tôi cố kìm giữ lại. Cho đến nay, tôi vẫn thầm sợ Xanh Jôn, vì tôi không hiểu anh. Anh đã buộc tôi phải kính nể, vì đã khiến tôi chỉ biết nghi nghi hoặc hoặc về anh. Cho đến nay, tôi vẫn không nói rõ được trong con người anh có bao nhiêu phần là siêu phàm, bao nhiêu phần là trần tục. Nhưng trong cuộc nói chuyện này, tôi đã phát hiện được rồi. Bản chất con người anh hé lộ dần dần trước mắt tôi. Tôi thấy rõ chỗ yếu của anh, và tôi đã hiểu. Tôi hiểu rằng tôi ngồi đây, trên một gò cỏ rậm, với con người khôi ngô đẹp đẽ ấy ở trước mặt, là đang ngồi dưới chân một người đàn ông cũng có thể lầm lạc như tôi mà thôi. Tấm mạng che đậy sự sắt đá và độc đoán của anh đã rơi xuống. Cảm thấy anh có những đức tính kia, tôi cũng cảm thấy anh không hoàn hảo. Và do đó tôi cam đảm hơn. Tôi đang ngồi với một người bình đẳng với tôi, một người tôi có thể cùng tranh luận, một người tôi có thể kháng cự lại, nếu cần.
Anh yên lặng sau khi tôi thốt ra câu nói kia. Tôi mạnh bạo ngước mắt nhìn vào mặt anh. Cặp mắt anh cúi xuống ngó tôi, vừa lộ vẻ kinh ngạc, vừa dò hỏi xoi mói: "Cô ấy châm chọc chăng? Mà lại châm chọc ta? Thế nghĩa là gì?", hình như anh muốn nói thế.
- Chúng ta đừng nên quên rằng đây là một vấn đề trang nghiêm, - lát sau anh nói, - mà chúng ta không thể nói sẽ dâng trái tim cô cho Chúa, mà tôi cũng chỉ muốn có thế thôi. Một khi cô rứt trái tim cô khỏi những con người, và đem nó dâng lên đấng Sáng tạo, thì cô sẽ coi việc giang sơn tinh thần của đấng Sáng tạo trên trái đất này được mở rộng thêm là một niềm hân hoan chủ yếu, là sự cố gắng chính của cô; cô sẽ sẵn sàng làm mọi điều để tiến đến mục đích ấy. Cô sẽ thấy những cố gắng của cô và của tôi sẽ được thúc đẩy mạnh như thế nào, nếu bằng một cuộc hôn nhân chúng ta kết hợp với nhau về mặt tinh thần cũng như thể chất. Đó là sự kết hợp duy nhất có thể mang lại cho các số phận và những dự kiến của con người một tính chất phù hợp thường xuyên. Và vượt qua mọi sở thích trẻ con, mọi khó khăn tầm thường, mọi tình cảm tế nhị, và mọi thắc mắc về mức độ, tính loại, sức mạnh, hoặc tính dịu dàng của những thiên hướng cá nhân, cô sẽ vội vã bước vào cuộc kết hợp ấy ngay.
- Thực chăng? - tôi chỉ nói thế thôi, và tôi ngắm diện mạo anh, khôi ngô với những nét hòa hợp, nhưng ghê gớm một cách kỳ lạ vì im lìm nghiêm khắc; ngắm vầng trán anh uy nghi mà không cởi mở, cặp mắt anh trong sáng, sâu thẳm và xoi mói, nhưng không lúc nào êm dịu, thân hình anh dỏng cao, oai nghiêm, và tôi tưởng rằng tôi là vợ anh. Ô, không bao giờ thế được! Là trợ lý của anh, là người bạn của anh, điều đó thì được, tôi sẽ cùng anh vượt đại dương với tư cách ấy, tôi sẽ làm việc cực nhọc dưới ánh nắng mặt trời miền Viễn đông, trong những vùng sa mạc Á châu - để truyền đạo, tôi sẽ cảm phục anh, thi đua với anh về mặt can đảm, tinh thần tận tụy và nghị lực, lặng lẽ ưng chịu anh sai khiến, thanh thản mỉm cười trước cái tham vọng không gì lay chuyển được của anh, phân biệt tính cơ đốc với tính người ở anh, kính trọng sâu sắc tính cách này cũng như vui lòng tha thứ tính cách kia. Gắn bó với anh, dù chỉ với danh nghĩa đó, chắc chắn là tôi sẽ phải khổ sở luôn, rồi thể xác tôi sẽ phải chịu một cái ách khá nặng, nhưng tâm hồn và trí não tôi sẽ được thảnh thơi. Tôi sẽ còn lại cái phần riêng không bị trói buộc để quay về, còn những tình cảm tự nhiên, không bị nô lệ hóa, để cảm thông trong lúc cô đơn. Như vậy trong tâm hồn tôi, vẫn còn những chỗ ẩn náu, là của riêng tôi, anh ấy không bao giờ bước tới được, ở đó tình cảm sẽ được nẩy nở tươi tốt yên ổn, không bị cái tính khắc khổ của anh làm thui héo, cũng không bị những bước chân đều nhịp của người lính ấy giày xéo lên. Nhưng nếu là vợ anh, phải luôn luôn ở bên anh, phải luôn gìn giữ, luôn luôn bị kìm hãm, bắt buộc giữ ngọn lửa của lòng tôi lúc nào cũng leo lét, chỉ cho nó cháy âm ỉ ở bên trong không bao giờ được thốt lên một tiếng kêu, mặc dù ngọn lửa bị cầm tù ấy đốt hết sinh lực này đến sinh lực khác... như thế thì không sao chịu đựng được.
- Anh Xanh Jôn! - tôi thốt lên, khi đã suy tính kỹ càng.
- Gì kia? - anh trả lời lạnh lẽo.
- Tôi nhắc lại là tôi vui lòng đi với anh với tư cách là người bạn truyền giáo, chứ không phải là vợ anh, tôi không thể lấy anh và trở thành một phần của anh.
- Cô phải trở thành một phần của tôi! - anh quả quyết trả lời, - nếu không mọi chuyện thành vô nghĩa. Làm sao mà tôi, một người đàn ông chưa đến ba mươi, lại có thể mang một cô gái mười chín đi Ấn Độ, trừ phi cô ấy là vợ tôi? Làm sao chúng ta có thể cùng sống với nhau mãi mãi, có khi ở những nơi hoang vu vắng vẻ, có khi ở giữa những bộ lạc man rợ, mà không lấy nhau được?
- Được lắm chứ! - tôi đáp gọn, - thì cứ coi tôi như em gái anh thực, hay một người đàn ông, một tu sĩ như anh thôi.
- Ai chẳng biết cô không phải là em gái tôi, tôi không thể giới thiệu cô như vậy. Làm thế chỉ thêm chuốc lấy những sự nghi ngờ không chính đáng cho cả hai chúng ta. Vả chăng tuy cô có trí óc vững mạnh của đàn ông, song cô vẫn có trái tim đàn bà, và như thế thì... không được.
- Được lắm chứ - tôi quả quyết, giọng hơi bỉ báng - hoàn toàn được. Tôi có trái tim của đàn bà, nhưng không liên quan gì đến anh. Đối với anh, tôi chỉ có lòng chung thủy của người bạn, sự thẳng thắn, sự trung thành, và tình hữu ái, nếu anh muốn của người bạn đồng ngũ, sự kính nể và phục tùng của một tín đồ mới đối với vị tu sĩ thầy mình, không có gì hơn nữa... Anh đừng ngại gì hết.
- Đó là điều tôi muốn - anh như nói với chính mình - đó là điều tôi muốn. Nhưng còn có những chướng ngại trên đường đi, cần phá bỏ. Jên ạ, cô sẽ không ân hận vì lấy tôi đâu, cô hãy yên trí như vậy. Chúng ta phải lấy nhau, tôi xin nhắc lại thế, không còn con đường nào khác, và sau khi lấy nhau, thế nào chẳng nảy sinh ra đủ tình yêu, để khiến cô cũng phải công nhận rằng chúng ta lấy nhau là đúng.
- Tôi khinh bỉ cái ý niệm về tình yêu của anh! - Tôi không thể tự kiềm chế không nói lên câu ấy, tôi đứng bật dậy trước mặt anh, tựa lưng vào tảng đá, - tôi khinh bỉ thứ tình cảm giả dối anh đưa ra. Phải, anh Xanh Jôn ạ và khi anh đưa ra thứ tình cảm ấy thì tôi khinh anh nốt.
Anh chăm chú nhìn tôi, mím chặt cặp môi đẹp như vẽ. Anh giận dữ hay ngạc nhiên, hay thế nào nữa, thực khó lòng nói rõ được, anh hoàn toàn chủ động không để lộ ra ngoài mặt.
- Tôi không ngờ lại nghe cô nói như thế, tôi nghĩ là tôi đã không làm gì; không nói một điều gì đáng bị khinh bỉ.
Giọng nói ôn tồn của anh làm tôi cảm động, vẻ mặt cao kỳ, bình thản của anh làm tôi sợ hãi.
- Anh Xanh Jôn, anh hãy bỏ quá cho tôi câu ấy. Nhưng cũng là lỗi tại anh nên tôi mới bực mình mà nói năng bừa bãi như vậy. Anh đã đề cập đén một vấn đề không bao giờ chúng ta nên tranh luận. Ngay cái chữ "tình yêu" cũng đủ gây ra một mối bất hòa giữa chúng ta. Nếu cần phải nói ra sự thực, thì chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta sẽ cảm thấy gì? Anh họ thân mến của tôi ạ, anh hãy từ bỏ ý định lấy nhau đi. Hãy quên đi.
- Không, đó là một ý định đã được ấp ủ từ lâu, và là ý định độc nhất có thể đảm bảo thực hiện mục đích lớn lao của tôi. Nhưng bây giờ tôi không thúc giục cô thêm nữa. Mai tôi sẽ đi Cambrigiơ, ở đấy tôi có nhiều bạn nên tôi muốn đến đó từ biệt nó. Tôi sẽ vắng nhà trong vòng nửa tháng, trong thời gian đó, cô hãy suy xét cân nhắc những điều tôi đề nghị, và đừng quên rằng nếu cô từ chối đề nghị ấy thì không phải là cô cự tuyệt tôi, mà là cự tuyệt Chúa. Qua tôi là trung gian, Người đã mở cho cô một nghiệp vụ cao cả, chỉ làm vợ tôi cô mới có thể bước chân vào sự nghiệp đó. Từ chối không lấy tôi, tức là cô mãi mãi tự giam mình trong con đường sung túc ích kỷ, và tối tăm trơ trụi. Hãy nên run sợ rằng như vậy cô sẽ bị liệt vào hạng những người đã bỏ đức tin, còn tồi tệ hơn những kẻ vô đạo đức.
Nói xong, anh quay mặt đi và một lần nữa anh lại
Nhìn xuống dòng sông, nhìn lên dốc núi
Nhưng lần này, anh hoàn toàn giữ kín tình cảm của anh trong tâm khảm, tôi không xứng đáng được nghe anh nói lên nữa. Khi đi bên anh để về nhà, trong cái yên lặng sắt đá của anh, tôi đọc thấy hết những điều anh cảm nghĩ về tôi, sự thất ý của một tâm hồn khắc khổ và độc đoán khi gặp sự chống đối ở nơi tưởng như chỉ có sự khuất phục, thái độ không tán thành của một trí phán đoán lạnh lùng đanh thép khi nó nhận ra trong một tâm hồn khác những tình cảm và quan điểm mà nó không thể thông cảm được. Tóm lại, là người đàn ông, Xanh Jôn mong muốn áp bức tôi phải vâng lời; chỉ có con người cơ đốc chân chính ở anh là kiên tâm chịu đựng sự hư đốn của tôi và bằng lòng cho phép tôi suy nghĩ và hối hận trong một thời gian dài như thế.
Tối hôm đó, sau khi hôn các cô em, anh nghĩ là nên quên cả đến việc bắt tay tôi và yên lặng rời khỏi phòng. Tôi - tuy không yêu, nhưng rất mến anh - cảm thấy bất bình vì bị anh cố ý bỏ quên, bất bình đến nỗi nước mắt tôi ứa ra.
Đyana nói:
- Jên, tôi thấy cô và Xanh Jôn đã có xích mích với nhau lúc hai người đi chơi trên đồng cỏ, thôi, hãy chạy theo anh ấy đi. Anh ấy còn nấn ná ở hành lang chờ cô đấy. Anh ấy giảng hòa với cô thôi.
Trong những trường hợp như thế này, tôi không còn lòng kiêu hãnh nữa, tôi luôn luôn mong muốn được sung sướng còn hơn sĩ diện hão, và tôi chạy theo anh, anh đang đứng ở chân cầu thang.
- Chúc anh ngủ ngon, anh Xanh Jôn! - tôi nói.
- Chúc cô ngủ ngon, cô Jên! - anh thản nhiên đáp.
Tôi nói thêm:
- Vậy thì bắt tay:
Bàn tay anh nắm lấy những ngón tay tôi lỏng lẻo và lạnh lẽo làm sao! Câu chuyện xảy ra hôm ấy làm anh bất mãn sâu sắc. Thái độ thân mật không khiến được anh tươi tỉnh, cũng như nước mắt không thể làm anh động tâm. Với anh, không có sự hòa giải vui vẻ được, cũng không có được nụ cười vui hay một lời khoan dung nào, nhưng con người cơ đốc ở anh vẫn kiên trì và điềm nhiên, và khi tôi hỏi anh có tha lỗi cho tôi không, anh trả lời rằng không có thói quen ấp ủ trong lòng chuyện hờn giận đã qua, rằng anh đã không bị ai xúc phạm thì cũng chẳng có gì mà phải tha lỗi cho ai.
Trả lời thế rồi anh bỏ đi. Tôi muốn thà anh cứ đánh ngay tôi ngã xuống còn hơn.
1. Theo Kinh thánh, các vị tông đồ đã có lần nhìn thấy một thiên sứ hiện lên bảo họ rằng: Hãy đến Maxêđônya và giúp ta" (NXB).
1. Chỉ lòng tin vào đạo Gia tô.
1. Nhân vật trong Kinh thánh, vì vụ lợi mà bỏ Đạo chúa.