Kẻ gian, sau khi lục lọi, giữ lại tiền và điện thoại, miệng làu bàu vì không kiếm được “miếng” khá hơn, sẽ lẳng cái túi đi một cách không thương tiếc. Và thế là xong một phi vụ.
Nhưng chẳng may, giữa những thứ hầm bà lằng không mấy giá trị kia còn có một quyển sổ hộ khẩu. Bạn không buồn đến mức mất sổ gạo của thời bao cấp, mà sẽ chỉ cảm thấy phiền hà quá. Bạn phải mất công làm lại. Đơn từ, các loại xác nhận, rồi chờ đợi… Kẻ gian kia, nếu hiểu được điều phiền muộn này, quay trở lại, giao trả cho bạn cuốn sổ hộ khẩu, rất có thể bạn sẵn lòng bỏ qua cái tội giật đồ, thậm chí còn cho thêm ít tiền “hậu tạ”.
Nhưng kẻ gian gan chưa to đến mức ấy. Thủ túi vài trăm, cầm cái điện thoại lem nhem vết bột trẻ con mang ra hiệu mua điện thoại cũ giá cao đang mọc ra nhan nhản khắp các phố. Bèo nhất cũng được vài chục nghìn. Kẻ gian nhận tiền, huýt sáo, kiếm một quán bia hơi, tự thưởng cho mình hôm nay “hết móm”.
Trong lúc đó, bạn hậm hực trở về nhà. Đứa con bé đến bữa bột, theo thói quen, chạy lại đòi điện thoại của mẹ. Bạn - đang sẵn cơn bực dọc - quát đứa nhỏ. “Thùng nước mắt” một tuổi kia chỉ chờ có thế, sẽ lăn đùng ra ăn vạ. Bát bột vốn là cực hình với nó, giờ có lý do chính đáng để không phải ăn.
Hôm sau, bạn sẽ nguôi đi một tí. Bạn đi hỏi han cách thức làm lại quyển hộ khẩu, tự nhủ hôm nào mát trời, sẽ xin nghỉ việc để làm lại quyển mới. Rồi bạn cũng bận, mà quên bẵng đi mất.
Chồng bạn bỗng nhiên gặp chuyện rất lạ. Liên tục có các cuộc điện thoại hỏi chồng bạn. Một giọng nữ, còn trẻ, nhẹ nhàng. Bất kể người nhấc điện thoại là ai, cô ta cũng chỉ có một yêu cầu là gặp chồng bạn. Có việc quan trọng. Nếu không có chồng bạn ở đấy, cô ta muốn xin số điện thoại cầm tay để tiện liên hệ. Nhưng chồng bạn đã có lời dặn dò trước với cơ quan, nếu không phải người quen, không cho số điện thoại di động. Chồng bạn thường xuyên phải đi ra ngoài, vì vậy chưa có cuộc điện thoại nào của người lạ mặt kia đến được với anh ấy.
Trong lúc ấy, bạn cũng gặp phải chuyện rất lạ. Bạn đi làm về và nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông lạ mặt lảng vảng trước ngõ nhà mình. Trong đầu bạn nảy sinh một nỗi sợ hãi mơ hồ. Quý giá nhất với bạn là đứa con. Con bạn còn nhỏ, hiếu động. Nhỡ trong lúc vui đùa, nó chạy ra ngoài ấy. Nhỡ… Một cái xe vù đi, để lại tiếng trẻ khóc thét. Một cú điện thoại tống tiền gọi lúc nửa đêm. Bạn rùng mình, không dám nghĩ tiếp nữa. Bạn giục ôsin khóa chặt cửa lại, hễ ai gọi cửa mà không quen thì không được mở cửa. Lệnh “giới nghiêm” được ban bố khẩn cấp.
Bạn ra vào nhà mình một cách cẩn trọng. Bạn bước ra khỏi nhà trong diện mạo của một ninza. Ninza nhảy lên xe máy, lao vút qua kẻ lạ mặt đang lượn lờ trước ngõ. Ninza đến cơ quan, mười lăm phút gọi điện về nhà một lần để kiểm tra tình hình chiến sự và nhắc nhở công tác phòng bị.
Một lần, bạn vừa đi làm về đến ngõ thì bị người đàn ông lạ mặt kia chặn lại. Thoáng nhìn, đó là một người phong độ, quần áo chỉn chu, xe hơi đen bóng loáng đỗ ở bên đường.
- Chị có phải là chị P., chủ nhà số 105 đây không? Chồng chị là…?
Sự sợ hãi nhen lên trong lòng bạn. Sao anh ta biết tên họ bạn và chồng bạn? Anh ta muốn gì? Nếu không phải rình rập bắt cóc con bạn thì định gây xì căng đan gì cho bạn đây? Bạn lo âu hàng xóm sẽ bắt gặp cảnh này. Họ sẽ đàm tiếu những điều mà có trời mới biết được.
Bạn vốn sinh trưởng ở thành phố và bạn được rèn luyện những bản năng để tồn tại ở chốn này.
- Không không, tôi không biết. Tôi chỉ đến chơi.
Bạn hấp tấp trả lời rồi rồ ga phóng xe ngược ra phố. Bạn trốn vào một siêu thị, gọi điện về nhà, kiểm tra tình hình “chiến sự” và tiếp tục nhắc nhở ôsin. Một giờ đồng hồ sau, bạn mới dám quay về. Không còn chiếc xe hơi màu đen đậu bên đường. Không còn người đàn ông lạ mặt đi đi lại lại trước ngõ. Nhưng trống ngực bạn vẫn đập thình thình.
Hôm sau, và nhiều hôm sau nữa, không còn chiếc
Chồng bạn không thể chạy mãi trên đường. Cũng có lúc anh về đến cơ quan, và phải nhận điện thoại. Người nữ kia vẫn đeo đẳng gọi đến. Sự kiên trì của chị ta đã có kết quả.
- Tóm lại thì cô muốn gì ở tôi?
Chồng bạn - sau khi được đồng nghiệp thuật lại sự tình - lên giọng gắt gỏng.
- Tôi chả phải hàng đại gia đâu mà các cô đeo bám làm gì.
Chồng bạn cũng là người có tinh thần cảnh giác cao. Chuyện các vụ án, anh ấy vẫn đọc hằng ngày. Và tội phạm ngày càng tinh vi lên, ai mà chẳng biết. Trong lúc trả lời điện thoại người phụ nữ lạ mặt, chồng bạn đã thẳng thắn bộc lộ thái độ. Chồng bạn còn lớn tiếng gọi chung là “các cô”. Chả cần phải là người thông minh mới hiểu được chồng bạn muốn nói gì.
Đầu dây bên kia lặng đi trong giây lát. Những tưởng máy sẽ đặt xuống, mọi chuyện sẽ chấm dứt.
- Tôi đang cầm sổ hộ khẩu của nhà anh!
Đầu dây bên kia đáp lại, giọng nhỏ, mệt mỏi.
Chồng bạn biết chuyện bạn bị giật túi khi đang ở chợ, trong túi có quyển hộ khẩu. Chồng bạn tức khí nổi xung lên. Kẻ cầm hộ khẩu nhà mình chẳng phải là kẻ cướp túi của vợ mình hay sao? Hoặc là kẻ thông đồng với tên ăn cắp ấy, lợi dụng tình huống này để “làm tiền”.
- Tôi chả cần hộ khẩu hộ khiếc gì hết. Cô đừng làm phiền tôi nữa.
Đầu dây bên kia lặng đi lúc nữa. Chồng bạn nghe thấy có tiếng thở dài.
- Mai tôi đi công tác nước ngoài. Sẽ phải mất vài tháng. Hiện tôi đang cầm hộ khẩu của gia đình anh. Nếu anh muốn lấy lại thì gọi cho tôi. Tôi sẽ đợi từ giờ đến chiều tối. Anh ghi số của tôi lại đi.
Chồng bạn hoang mang không biết thực hư thế nào, tần ngần cầm bút lên, ghi số điện thoại mà người kia vừa đọc cho.
Nhưng anh ấy phải đi họp. Một cuộc họp căng thẳng. Chuyện vừa diễn ra bị xếp lại để chờ xử lý sau.
Đến tối, sau bữa cơm gia đình, chồng bạn đột nhiên nhớ đến chuyện xảy ra trong ngày. Bạn lắng nghe trong tâm trạng bán tín bán nghi. Bạn tần ngần ngồi bên chiếc điện thoại, nhắc máy lên. Người phụ nữ nghe điện với thái độ bực dọc:
- Chị muốn nhận lại sổ hộ khẩu thì đến địa chỉ…
Chồng bạn không muốn đi. Anh ấy nghi đó là một cái bẫy được giăng ra. Nhưng giăng ra để bắt ai? Bạn không lý giải được. Bạn cầu viện đến cậu em họ to cao và nổi tiếng “đầu gấu”. Hai chị em đi đến địa chỉ theo như lời dặn.
Giả định chẳng có địa chỉ nào như thế. Một trò đùa không hơn không kém?
Giả định là một ổ tệ nạn? Bạn sẽ phải mất ít tiền.
Giả định…?
Giả định…?
Bạn mệt nhoài với những giả định mọc lên như nấm trong đầu. Nó làm cho bạn nhức nhối.
Thực tế thì chả có tình huống giả định nào.
Cuốn sổ hộ khẩu của nhà bạn rơi vào tay một bà đồng nát. Người phụ nữ lạ mặt nọ tình cờ nhìn thấy. Một trăm nghìn đồng để chuộc lại. Hành trình tìm lại chủ nhân của cuốn sổ bắt đầu. Chị ta phái cả anh lái xe đến nhà bạn để dò hỏi.
Và câu chuyện đã diễn ra, không có bất cứ tình huống giả định nào.