Khi Vết Thương Nằm Xuống Chương 22


Chương 22
Thành phố đang mùa hoa, dự báo những điều nhân nghĩa và sự sung túc của cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Người ta nói đến sự phát triển, nhưng là sự phát triển nào? Thế nào là phát triển, con người có cần quá nhiều như vậy không? Thế hệ những người trẻ đang ở đoạn đường nào?

Lúc này tôi đang ngồi với Kiêu, cảm giác cậu chững chạc vượt tuổi như ô tô đã vượt qua hàng ngàn chiếc xe đạp trên đường. Hai mươi hai tuổi, sinh viên Đại học Cảnh sát với rất nhiều chiến công và được nhiều người biết đến. Phải kể đến những hành động dũng cảm của cậu khi ngăn chặn tội phạm cướp giật ngoài bến xe, giúp công an bắt ổ chích hút, tội phạm giết người bỏ trốn... Có ai ngồi mà đếm từng ngày trôi đi bên cửa sổ, cũng như đếm vó ngựa ngoài kia khắc khoải hay vụt nhanh thế nào. Đúng là có sự thần kỳ xảy ra với Kiêu. Cái chết của cô bạn gái mà cậu từng mê mẩn, sa đà vào chuyện tình ái mà quên mất ước mơ. Ước mơ ngày đó lạc lõng nơi nào, bị treo lên cây, nóc nhà cao tầng, hay bẹp rúm ró dưới đáy tâm hồn. Cái chết của Mẫn Yến, tuy là khổ đau nhưng lại là ngọn lửa thắp cháy khát vọng đang dần tan, thối rữa trong tuổi trẻ của cậu. Mẹ của Mẫn Yến phải trả giá về hành động của mình. Trở về với hai bàn tay trắng và trái tim đầy vết thương còn là quá nhẹ đối với một người mẹ từng hư hỏng. Bà ăn năn thì con gái đã chết. Việc cần làm ngay lúc này là tìm một con trai một con gái về, cho chúng cuộc sống. Bà phải làm lại từ đầu để hồi sinh những con người mới. Cũng như Kiêu, phải hồi sinh.

Mẹ nuôi ra khỏi trại tâm thần, với những suy nghĩ giằng xé, sau đó thay đổi thần kỳ. Để động viên cậu, cho cậu đứng lên. Đã có lúc, sau khi chép được chuyện này vào một cuốn sổ, dự định sẽ làm thành tiểu thuyết, tôi bất chợt ao ước mình đã từng kinh qua chuyện này, có nghĩa đã từng trải qua số phận của Kiêu, để chính tôi viết nên cuốn sách của đời mình. Nói thế, Kiêu cười xòa, nụ cười lấp lóa ánh trăng: “Sao thế được, cậu không chịu được khổ đâu, nhìn tướng cậu là biết”. Ôi không, tuy tôi chân yếu tay mềm, cũng phải trải qua vất vả khổ đau và những thiệt thòi tuổi niên thiếu, nhưng nó không lãng mạn bằng quãng đời của Kiêu, không có những yếu tố “tiểu thuyết”. Kiêu bảo: “Muốn viết thì cậu cứ viết, tớ sẽ hậu thuẫn”. Tôi gật đầu cảm ơn.

Chúng tôi ngồi mổ xẻ những giấc mơ của Kiêu. Tôi không cho những điều đó là quan trọng đối với cuộc đời cậu, rõ hơn là sẽ ảnh hưởng gì đến cậu. Còn cậu thì tha thiết được tôi chia sẻ. Cậu nói đối với cậu điều đó rất quan trọng, cho phép hình dung về những nấc thang sắp tới của một con người. Tôi nói:

- Đó có phải là những ảo ảnh không? Tôi khẳng định là như vậy. Là những ảo ảnh. Cho nên Kiêu đừng tin vào ảo ảnh.

- Không phải, nó có tính chất dự báo đấy. Rơi xuống vực sâu, tất cả những người đó, những nhân vật trong giấc mơ. Tớ có cảm giác cả xã hội đang rơi xuống vực sâu vậy, nếu không làm thay đổi thì hậu quả thật khó lường.

- Có phải do cậu cả nghĩ, nhạy cảm quá không?

- Điều này thì... chưa chắc. Những linh cảm của tớ, nếu không chắc chắn trăm phần trăm thì cũng phải đúng tám mươi phần. Còn tớ còn cậu, chúng ta thử để ý xem nhé. Ít nhất chúng ta còn tồn tại vài chục năm nữa. Thời gian đủ để chúng ta nghĩ ra và chứng kiến những thay đổi hay những mất mát đó.

- Cậu cứ như nhà chiêm tinh vậy, hoặc một ông cụ non, hoặc một thiên sứ.

- Tớ chẳng là gì hết, tớ chỉ nói những điều mình nghĩ thôi. Sẽ là gì đây ở xã hội này, nếu những người ở thế hệ chúng ta không có một đóng góp. Không phải tớ tuyên truyền, nhưng đó là những gì đang hiện hữu. Có thể tớ nói như một ông cụ thật, đặt ra những vấn đề to tát thật nhưng cậu hãy nghe tớ.

- Được rồi, tớ nghe cậu. Tớ cũng là thanh niên, mà thanh niên là thế hệ làm chủ tương lai của đất nước. Tớ cũng đang vận hành mình đây, hành trình của tớ âm ỉ chỉ chờ ngày bung phá.

- Vậy thì tuyệt, chúng ta hợp nhau đấy!

Hai người đưa tay ra bắt.

Có những ngày hai chúng tôi đến trường của Kiêu. Dưới đó nhiều "bóng hồng" tôi không thể cấm mình đừng thèm khát. Tôi dự tính họ đẹp khủng khiếp, sau này trở thành cảnh sát, nhan sắc đó sẽ khiến lũ tội phạm điêu đứng. Kiêu rất tự hào được học cùng họ. Bởi vì cậu cảm mến chân thành những người con gái có cùng ước mơ, công việc sau này có thể sẽ rẽ theo một hướng khác, có nghĩa họ chưa chắc sẽ cùng đi trên một con đường. Mọi chuyện đều không và có thể xảy ra.

 

Kiêu vẫn gặp đồng nghiệp của bố ngày xưa. Họ đã từng về nhà và quan tâm giúp đỡ cậu. Giờ vẫn vậy, họ coi cậu như con, lúc nào cũng quan tâm đến sự sống chết của mẹ cậu, thường xuyên hỏi han tình hình. Nhưng mẹ cậu vẫn bặt tin.

Hoằng giờ đã làm cho công ty liên doanh với nước ngoài, thi thoảng Kiêu có gặp. Chẳng thể nào vô tư được như xưa nữa. Lời này do cậu nói ra, cậu cảm thấy vậy. Bản thân mỗi người không thể khiên cưỡng đối với mối quan hệ đã ít nhiều bị thời gian, những biến cố o ép cho méo mó. Đằng này, sau vết thương cậu gây cho cô, khó lành. Cậu nghĩ không còn mặt mũi nào để nói đến chuyện cũ, thảng hoặc đôi ba lần cậu hình dung về tình yêu đó. Nếu nói là yêu, thì giờ ở cậu hóa ra chỉ là lừa dối, cậu thấy thương hơn yêu. Tôi đùa: “Hay là giới thiệu cho tớ”. Kiêu nhăn mặt: “Chỉ đùa... biết đâu được cánh nhà thơ lãng mạn các cậu...” “Cánh nhà thơ thì không có quyền được yêu ư?”. “Không. Cánh nhà thơ các cậu, khuôn mặt ít ai được dán tem, tin thế nào...” “Tớ là bạn cậu mà”.

Người như Kiêu ắt hẳn có nhiều cô gái trong lớp để ý. Cậu chưa dám để một cô gái nào “lọt” vào mắt mình. Đúng hơn cậu đang muốn hoàn thiện mình. Không còn cái cực đoan mà đời đã vô tình tặng cậu, gieo vào niên thiếu của cậu. Giờ cậu yêu đời và đầy khao khát. Bản thân tôi quen Kiêu do một lần bị tên cướp giật điện thoại. Kiêu nhìn thấy đuổi theo, bắt được, lấy lại điện thoại. Sau đó thi thoảng gặp nhau, thấy hợp thì kết thành bạn thân. Hỏi, tại sao ở môi trường khắt khe như vậy mà cậu thường xuyên được “hoạt động” bên ngoài. Kiêu nói: Mình là trường hợp đặc biệt. Một nụ cười rất đỗi thân thiện được nở ra, như bông hoa phượng đầu hè trong nắng.

Cuối cùng thì Kiêu cũng giới thiệu Hoằng cho tôi. Chẳng bao lâu tôi đã có thể mời Hoằng đi uống nước. Đó là một cô gái thân thiện, dễ mến hơn cả những gì Kiêu mô tả. Cô đoán già đoán non tôi là nhà văn, bởi cô thấy cách ăn nói của tôi như nhà văn. Tôi cười xòa: “Tôi chỉ là một người viết”. Những ngày tiếp sau, ba chúng tôi đã có thể cùng nhau tâm sự, thậm chí là những chuyện sâu kín nhất. Kiêu và Hoằng bớt khiên cưỡng. Sự có mặt của tôi như một thứ gia vị xúc tác, làm cho bát canh trong đó có Kiêu và Hoằng vốn đang nhạt nhẽo trở nên ngon lành.

Một ngày, như biết bao ngày bình thường khác, tôi mang “ống kính” của người viết văn đi soi rọi cuộc sống của thời mình, với những sinh động đang diễn ra ở các chiều cắt, những rẽ lối. Những khuôn mặt vẫn qua đi trong tôi, ấn tượng và không. Bao nhiêu khuôn mặt, bấy nhiêu thân phận. Chưa bao giờ, có lẽ vậy, người ta liệt kê xem mỗi thành phố có bao nhiêu loại khuôn mặt. Tôi có thể kể ra, bằng quan sát và nhạy cảm của mình, ít nhất có thể biết gần hết những loại khuôn mặt khác nhau. Và, đang hình dung về một khuôn mặt ở ngay trong căn phòng bé nhỏ, méo mó cũng giống một khuôn mặt, chất chứa đầy sách của tôi thì Kiêu tìm đến. Tiếng gõ cửa gấp gáp và chắc chắn tim của chủ nhân tiếng gõ đang đập loạn. Tôi gọi Kiêu lên, cậu phờ phạc với vệt râu từ hôm trước chưa cạo đang run run. Trên ngực cài miếng băng đen, thứ để thể hiện cậu đang để tang ai đó. Tôi ngạc nhiên nhìn vào, Kiêu nói để tang mẹ đẻ. Tôi không tin. Kiêu nói: “Mẹ tớ đã chết rồi”.

Tôi điếng người sau câu nói ấy. Kiêu hạ cái thân xác vô hồn của mình xuống một cách nặng nề. Đó là tâm trạng của một người vừa xảy ra mất mát, mất thực sự, một điều không bao giờ trở lại nữa, không bao giờ sống lại được. Dù tôi có nói thế nào thì


Kiêu cũng khẳng định mẹ mình đã chết. Cậu thấy chuyện đó qua giấc mơ.

- Chẳng lẽ cậu có thể tin vào giấc mơ của mình. Giấc mơ chỉ là giấc mơ, tớ không thể tin vào chuyện đó. Cậu hãy tin là mẹ cậu vẫn còn sống.

Kiêu lắc đầu:

- Nếu còn sống thì thời gian vừa qua phải về rồi. Giấc mơ nói rằng mẹ tớ đã trốn được.

- Trốn bằng cách nào?

- Mẹ tớ và người bạn của mình đã làm cho chủ tin, sau đó trốn được, đi trình báo công an và được họ đảm bảo an toàn, rồi được đưa về biên giới Việt - Trung. Phía bên kia chỉ bảo đảm cho mẹ tớ qua được biên giới. Từ đó mẹ tớ và người bạn của mình phải tự lo lấy, tất nhiên có được cấp ít tiền tàu xe.

- Vậy thì sao chứ? Có chuyện gì xảy ra trên đường về sao? - Tôi sốt ruột hỏi.

- Đúng là có chuyện xảy ra trên đường về. Cậu biết đấy, thoát khỏi nơi đó để trở về nước, về lại với gia đình, có lẽ còn sung sướng hơn được về thiên đàng. Mẹ tớ và người bạn của mình hân hoan trong niềm vui sướng, cả trong niềm vui những người ở ổ điếm đó sẽ được giải thoát vì hai người đã báo cho công an Trung Quốc. Nhưng chẳng may, hai người đã bị kẻ khác bắt lại, trên đường chạy trốn bị rơi xuống vực.

Tôi nổi hết da gà, nhắm mắt để Kiêu kể tiếp. Lẽ nào điều đó đã xảy ra như thế thật, gần như giấc mơ mà Kiêu đã thấy trước đó. Chưa tin hẳn, bởi nó chưa đủ căn cứ, hay một chi tiết chắc chắn nào đó để có thể tin. Tôi nói với Kiêu: “Chỉ bấy nhiêu thôi chưa khiến người ta tin là mẹ cậu đã chết”. Giọng Kiêu thảng thốt:

- Mẹ báo mộng cho tớ. Trong mơ, hai mẹ con đã nói chuyện với nhau. Mẹ vừa nói vừa lau những vết máu trên người, khủng khiếp lắm. Mẹ nói tớ phải cố gắng, sống và thành người có ích. Tớ không muốn mẹ đi, tớ đòi mẹ trở về với tớ. Nhưng cậu thấy đấy, mẹ tớ đã chết và mẹ nói không thể về được, mẹ con chỉ có thể gặp nhau trong mơ. Tớ không tin, không muốn tin. Mẹ bảo: “Hãy ra ngoài, nhìn lên trời con sẽ thấy một ngôi sao to nhất, con cũng sẽ thấy một chiếc khăn trắng ngay cạnh chỗ nằm của con. Đó là khăn tang cho mẹ. Con hãy tin”. Khi tỉnh dậy, tớ đã thấy chiếc khăn, chạy ra ngoài nhìn lên trời đã thấy ngôi sao xanh biếc. Mồ hôi tớ vã ra, toàn thân như bị rút sạch sẽ từng đoạn xương. Mẹ tớ đã chết thật rồi. Tớ phải tin điều đó.

Kiêu rút trong túi ra mảnh khăn tang trắng, cậu nâng niu nó như nâng niu báu vật của đời mình, nhìn và ngấu nghiến đau khổ.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83367


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận