Khuôn Mặt Bị Đánh Cắp Chương 3


Chương 3
Ba cô gái nhỏ

Cửa sổ nhà bếp và cửa ra vào căn hộ nhà chúng tôi giờ đây là những điểm tiếp xúc duy nhất của tôi với thế giới bên ngoài. Buổi sáng, tôi ngắm thánh đường và trường học cũ của tôi từ đằng xa. Trong ngày, thỉnh thoảng tôi lại mở cửa để đón một trong số những bệnh nhân bí mật của mẹ vào, những người dám lén đi qua các đường phố, giấu người trong burqa để đến nhờ mẹ tôi giúp đỡ. Khi mẹ khám bệnh xong, tôi lại ra đóng cửa cho họ và quay về phòng mình nằm dài trên giường và nghe tiếng nhạc mở rất nhỏ hoặc xem những bộ phim mà tôi đã xem ít nhất mười lần rồi. Về mặt thể chất tôi không được khỏe lắm. Tình trạng kiệt sức lạ lùng không tên ghim chặt tôi lại trên giường bên cạnh chị Soraya. Chúng tôi ôn đi ôn lại những việc mà chúng tôi không còn được làm nữa. Kể cả sinh nhật của anh Daoud vào tháng Mười năm ngoái cũng diễn ra một cách bình thường và lặng lẽ. Bộ quần áo tôi hằng mong mỏi và định mặc đi dự cái đám cưới đã không đến được giờ gấp lại bỏ trong hộp các tông. Nó sẽ không bao giờ được mặc đến dưới thời Taliban này. Truyen8.mobi

Tôi thấy thật khó tin chúng tôi chính là những người trước kia từng đã rất yêu các buổi lễ lạt, đám cưới, gia đình hội ngộ, nơi chúng tôi được thoải mái cười đùa và nhảy nhót. Những người xưa từng dạo bộ trên đường phố mua đồ trang điểm, băng đĩa nhạc và mua sách; từng thảo luận không ngớt về nhiều điều với bạn bè trên đường đi học về. Một vài người bạn của tôi, vốn không e lệ như tôi, thường phá lên cười thoải mái khi lũ con trai đi qua, thì thầm tán dương vẻ bề ngoài và quần áo của họ. Họ mới 15, 16 tuổi, nhưng một số bậc phụ huynh đã bắt đầu nghĩ đến chuyện hứa hôn cho họ.

Về đề tài bạn trai thì tôi kín đáo hơn nhiều. Tôi luôn nghĩ rằng tôi sẽ không lấy chồng chừng nào tôi còn chưa biết chắc về nhân cách, về quá khứ và gia đình anh ấy. Và tôi phải chắc là tôi yêu anh ấy. Tôi là một tín đồ, tôi cầu nguyện, tôi tôn trọng những tục lệ trong xã hội chúng tôi. Nếu người chồng tương lai muốn tôi đội khăn trùm đầu hoặc chador khi ra khỏi nhà, tôi sẽ làm theo không vấn đề gì. Nhưng đòi hỏi nhiều hơn thế thì tôi sẽ không chấp nhận. Về chuyện này cha mẹ tôi đều ủng hộ tôi.

Tôi vốn biết rất rõ rằng trong nền văn hóa của chúng tôi, một phụ nữ không thể sống nếu không có sự bảo vệ của nam giới, dù đó là cha, là anh em trai hay chồng mình. Khi ở một mình, cô ấy không có được đời sống xã hội. Tôi không từ chối sự bảo vệ này. Ngược lại là khác. Nhưng tôi muốn được độc lập và tự do suy nghĩ. Chị Soraya chưa đính hôn. Điều đó cần thiết cho công việc của chị ấy. Chị nói rằng chị giống tôi. Chị sẽ chỉ kết hôn với một người do chính chị lựa chọn. Cả cha lẫn mẹ tôi đều không muốn bắt ép chúng tôi phải cưới ai cả. Bất luận thế nào thì chúng tôi đều không muốn lấy chồng lúc này. Mà cái thời kỳ kinh khủng này cũng không đem lại được cho chúng tôi những cuộc gặp gỡ thuận lợi.

Chúng tôi không còn được gặp cả đại gia đình chúng tôi nữa. Chúng tôi không còn gặp bất cứ ai, ngoại trừ đôi khi gặp những người hàng xóm. Kể từ hôm xảy ra chuyện ở trước trụ sở hãng Hàng không Ariana đến giờ, chị tôi và tôi không ra ngoài nữa. Truyen8.mobi

Tôi nổi xung lên với bọn Taliban, những kẻ đang giam lỏng chúng tôi. Tôi để mình bị cuốn đi trong ý nghĩ ghê tởm rằng nếu bọn chúng còn nắm quyền lâu hơn nữa, thì cả đời tôi thế là xong. Trừ phi chúng tôi bỏ trốn khỏi đất nước mình, nhập vào làn sóng lưu vong và tị nạn đang ngày một nhiều, nhưng cha mẹ tôi không hề tính tới chuyện này. Tôi cũng đồng ý với cha mẹ mình về chuyện ấy.

Niềm an ủi duy nhất của tôi là sự khá giả tương đối của cha mẹ tôi. Sự khá giả ấy mang lại cho chúng tôi một lớp bảo bọc mà nhiều phụ nữ khác, những người buộc phải ra đường kiếm sống, phải ganh tị - cho dù đó chỉ là việc chúng tôi có cái để ăn khi đói. Nhưng năm tháng trôi đi, chị tôi và tôi sẽ già đi mà không có công ăn việc làm, tình yêu hoặc con cái. Chị tôi buồn, vừa nhẫn nhục vừa bi quan. Về phần tôi, niềm căm ghét trào dâng bên trong nay đã trở thành một tình trạng ù lì khổ sở.

Có tiếng gõ vào cánh cửa căn hộ. Tôi nhận ra sự nài nỉ nóng nảy trong tiếng gõ đó. Nó cho biết đấy là một bệnh nhân bí mật và nó nói lên rõ ràng như bằng lời rằng, “Mở cửa ra ngay. Cho tôi trốn với. Tôi không muốn bị nhìn thấy.”

Bị nhìn thấy à? Ai mà nhận ra được một người phụ nữ nào đó dưới tấm burqa chứ? Nhưng giờ nỗi sợ hãi ở phụ nữ lại trở nên thường trực đến nỗi nó trở thành bản năng thứ hai. Sợ gặp hàng xóm, sợ phải trả lời các câu hỏi. Chúng tôi nghi ngờ tất thảy. Tôi ra mở cửa cho một tấm burqa màu nâu. Người phụ nữ bỏ áo ra ngay khi cửa được đóng lại. Mặt cô sưng tấy, môi cô phồng lên và rỉ máu. Cô không cần phải nói gì. Tôi dẫn cô vào phòng khách nơi mẹ tôi khám cho cô. Vì tôn trọng, tôi để họ lại một mình với nhau. Nhưng qua cánh cửa đã được đóng lại tôi vẫn nghe thấy tiếng người phụ nữ đang khóc, và một lát sau, mẹ tôi gọi tôi. “Con mang một ít nước sôi và băng gạc vào đây. Nhanh lên.”

Tôi đổ đầy ấm nước, chuẩn bị băng gạc và sốt ruột chờ nước sôi. Lại một phụ nữ khác bị lăng nhục và đánh đập. Chỉ Đấng Allah mới biết tại sao.

Tôi xem mẹ tôi lau chùi và dùng kim mổ khâu các vết thương khắp vùng ngực và thân mình người phụ nữ. Một bác sĩ hành nghề bí mật phải biết cách làm gần như mọi thứ trong cái thế giới đảo điên này. Người phụ nữ này kể cho chúng tôi nghe vụ ngược đãi gần đây nhất mà cô ấy phải hứng chịu. Cô ấy đã bị bọn Taliban dùng roi đánh bởi vì cô dám đi ra ngoài một mình.

Mẹ hỏi cô ấy, “Sao chị lại ra ngoài một mình?”

“Cha tôi đã chết trong trận đánh mùa đông năm 1994. Tôi không có chồng, không có anh em trai, không có con trai. Không ra ngoài một mình thì tôi sống thế nào được?”

“Thế hôm nay chị làm thế nào?” Truyen8.mobi

“Anh họ tôi đã hộ tống tôi đến chỗ chị.”

Để nuôi sống mình, người phụ nữ này phải ra ngoài. Nhưng bọn Taliban không thèm quan tâm tìm hiểu. Chúng cứ thế vung roi lên quất mà thôi.

Nhưng tội ác cứ nối tiếp tội ác. Bọn chúng không vừa lòng với việc chỉ quất roi không thôi. Chẳng mấy chốc chúng lại áp dụng những hình thức mới.

Cuối tháng Mười năm 1996, tôi ra mở cửa để đón nhận một nỗi kinh hoàng mới - một tội ác mới nhằm vào phụ nữ.

Từ Ban Quốc tế của đài BBC chúng tôi biết được rằng lực lượng Kháng chiến Mujahidin dưới sự chỉ đạo của Ahmed Shah Massoud đã liên minh với lực lượng của thủ lĩnh Abdul Rachid Dostom người Uzbek, kẻ thù trước đây của ông, để tiến hành phản công vào miền Bắc Kabul. Đài Sharia đương nhiên chẳng thông tin gì về điều này cả, bởi Đài Sharia chỉ chuyên tôn vinh những chiến công của các anh hùng Taliban và giấu nhẹm đi những thất bại của bọn chúng. Nếu tin theo viên mullah chịu trách nhiệm “thông tin” cho thính giả Kabul, thì hẳn phải chắc chắn trăm phần rằng quân Taliban đã xâm chiếm được toàn bộ lãnh thổ Afghanistan ít nhất hai mươi lần. Nhưng thật ra lực lượng Kháng chiến dưới sự chỉ huy của Thủ lĩnh Massoud vẫn nắm giữ 25 phần trăm lãnh thổ mà quân Taliban lăm le thôn tính. Trận chiến này vẫn tiếp tục và diễn ra ở vùng Kohestan.

Vài ngày sau khi có tin này, khoảng chín giờ tối, tôi ra mở cửa cho bốn người phụ nữ quấn burqa. Tôi nhận ra ngay một người trong số họ. Chị ấy là Nafissa, bạn học cũ của chị Soraya. Ba người kia, ba cô gái còn trẻ, là chị em họ của chị ấy đến từ các tỉnh. Nhưng họ không chịu bỏ áo lộ khuôn mặt của mình. Nafissa giải thích sơ qua rằng họ đến từ vùng Kohestan, chính xác là từ bình nguyên Shomali. Truyen8.mobi

Vì họ đến một mình, cha tôi đâm lo. “Không có ai đi cùng các cháu à?” cha hỏi.

“Một người lái taxi đã đồng ý đưa chúng cháu đến đây.”

Mẹ dẫn ba cô gái vào trong phòng khách và đóng cửa lại, trong lúc đó cha tôi lặng lẽ đi xuống tầng dưới cùng chị Nafissa để cảm ơn người lái taxi.

Tôi nghe thấy tiếng ba cô gái khóc và tiếng mẹ khuyên họ bình tĩnh lại và không nên gây chú ý cho hàng xóm. Sau đó mẹ ra khỏi phòng, thảo nhanh một mẩu thư ngắn. “Daoud, hãy mang lá thư này đến chỗ bạn mẹ, bác sĩ Sima, ở khu Mikrorayna 2, nhanh lên nhé - chỉ còn một tiếng đồng hồ trước giờ giới nghiêm.”

Sau mười giờ tối, chúng tôi không được phép đi quanh thành phố nữa và đều phải tắt hết đèn trong nhà. Đêm nay đề phòng hơn, dù rằng các cửa sổ đều đã được sơn đen để không ai có thể nhìn vào bên trong căn hộ, chúng tôi vẫn lấy rèm vải loại dày màu tối che cửa sổ để giúp mẹ khám bệnh cho các cô gái một cách an toàn. Truyen8.mobi

Sau đó mẹ bảo chúng tôi trải một cuộn nhựa dẻo dài trên nền nhà để mẹ có thể tiến hành phẫu thuật. Bởi trong nhà không có kim mổ mới, vì mẹ không thể đi mua y cụ ở bệnh viện như trước nữa, chúng tôi phải đun nước sôi để khử trùng các kim mổ cũ. Tiếp đó, mẹ bỏ chúng vào một lọ cồn. Tôi vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra với các cô gái đang nằm co quắp trên sàn nhà và thổn thức lặng lẽ vào lớp áo burqa. Một cô trong số họ khẽ lắc người liên tục trong lúc ôm lấy bụng mình. Bức tranh về nỗi tuyệt vọng thống khổ của ba cô gái này mãi mãi hằn in trong tâm trí tôi.

Trong khi đợi anh Daoud về, mẹ xuống bếp cùng chúng tôi và kể chuyện đã xảy ra với họ.

“Các bạn ấy chừng tuổi con, Latifa ạ, độ 15, 16. Bọn Taliban đã bắt họ làm con tin trong một cuộc tấn công máy bay ở Shomali. Bọn này khoảng 15 tên. Chúng đã cưỡng bức họ... tất cả 15 tên đó. Thật kinh khủng, thật vô nhân tính... Nhưng thế vẫn chưa hết. Bọn chúng còn...”

Mẹ ngừng lời. Chúng tôi hiểu cái khó của mẹ khi phải thuật lại những điều như thế với các con gái của mình. Chị Soraya khóc. Tôi thì nhìn như dán mắt vào mẹ, choáng váng đến nỗi tôi phải cố ngăn mình không bật khóc.

“Gì ạ?... Bọn chúng đã làm gì?”

“Bọn chúng cắt xẻo các bộ phận sinh dục của họ. Xé rách chúng...”

Mẹ không nói được nữa và quay lại thật nhanh để chăm sóc ba cô gái bị tra tấn kia. Bây giờ mẹ phải tẩy trùng cho họ, gây tê bộ phận và khâu chúng liền lại bằng bất cứ thứ gì mẹ có. Tôi thậm chí còn không dám hỏi mẹ xem liệu các cô ấy có chịu nổi đau đớn không. Tôi thậm chí còn không dám hình dung... Tôi gạt phắt đi cái cảnh tượng một lũ 15 tên súc vật xâm phạm ba cô gái bằng tuổi tôi, ba cô gái trinh trắng. Những chị em của tôi.

Anh Daoud trở về cùng bác sĩ Sima ngay trước giờ giới nghiêm. Khi bác sĩ hiểu được tình cảnh, người đàn ông tội nghiệp đó phản ứng điên cuồng đến nỗi mẹ phải bảo bác ấy kiềm chế bản thân và giữ bình tĩnh.

“Anh phải giúp tôi hoàn tất việc này. Anh hãy bình tĩnh. Anh có mang theo những gì tôi bảo không?”

“Có, tôi mang cả theo đây.”

Suốt từ mười giờ đêm cho tới bốn giờ sáng họ chăm sóc các cô gái và khâu cho họ. Từ phòng chúng tôi có thể nghe thấy những tiếng rên yếu ớt của bệnh nhân và tiếng thì thào của mẹ và bác sĩ Sima. Chúng tôi không thể nghĩ đến điều gì khác nữa. Cũng không thể ngủ được.

Các cô gái trẻ ở nông thôn vốn có cách sống khác với chúng tôi. Mẹ tôi đã chứng kiến điều này trong thời Liên Xô đóng quân tại Afghanistan. Ban quản lý đã cử mẹ đến làm việc ở Kandahar sáu tháng. Mẹ phụ trách chăm sóc sức khỏe cộng đồng - các biện pháp phòng bệnh cũng như chữa bệnh. Mẹ kể cho tôi nghe mẹ đã gặp khó khăn như thế nào để tuyên truyền về việc hạn chế sinh đẻ, về các vấn đề phụ khoa và kể cả về cơ thể phụ nữ. Có lần một phụ nữ khoảng 40 tuổi đã đến gặp mẹ và than phiền về tình trạng bốc nóng và những cơn đau của mình. Bà ấy tin rằng mình đang mang thai; nhưng trên thực tế bà ấy đang mãn kinh. Truyen8.mobi

Tương lai đối với ba cô gái này ở vùng đó là một cuộc hôn nhân được gia đình sắp đặt. Việc bị cưỡng hiếp đã giết chết tương lai đó. Không một người hàng xóm nào trong làng họ, không cả một người bà con ở nơi khác cùng thị tộc sẽ đến xin dạm hỏi họ. Không một ai. Và thậm chí, nếu bằng cách nào đó ba cô gái giữ kín được toàn bộ chuyện này, thì cuộc đời họ sẽ vẫn bị phá hỏng bởi sức ép tàn bạo của nỗi tủi nhục riêng tư.

Theo một truyền thống ác nghiệt mà ngày nay vẫn còn được áp dụng, cưỡng bức một phụ nữ Afghanistan là buộc người phụ nữ này phải lấy kẻ xâm hại mình làm chồng. Hoặc là buộc cô ta phải lưu vong hoặc chết. Tôi vốn không có khuynh hướng bạo lực, nhưng đêm hôm đó, tôi hiểu rằng nếu điều này xảy ra với tôi, thì tôi hẳn sẽ giết chết kẻ cưỡng bức tôi trước khi tự kết liễu cuộc đời mình.

Khi công việc đầy đau đớn của mẹ tôi và bác sĩ Sima đã hoàn tất, họ ngồi trong bếp uống trà trong lúc ba cô gái trong phòng khách cuối cùng cũng ngủ thiếp đi. Mẹ tôi đang thuyết phục bác sĩ Sima mở một phòng khám bí mật.

“Có quá nhiều phụ nữ ốm yếu ở quanh đây, một mình tôi không thể khám hết cho họ. Thậm chí họ còn đến từ rất xa, như anh thấy đấy. Tôi không có đủ y cụ và thuốc men. Còn anh, các con anh đều đã khôn lớn và sống ở nước ngoài. Anh có thể bảo các cháu gửi những thuốc men mà chúng ta không có về. Anh có thể tổ chức tất cả chuyện đó tốt hơn tôi nhiều. Trên hết, tôi đã kiệt sức rồi. Tôi không còn sức lực và nghị lực nữa.”

Dịch vụ bưu điện ở Kabul giờ bị giảm thiểu xuống cái hình thức thô sơ nhất của nó. Những bưu kiện nhỏ nhất cũng có nguy cơ bị bắt. Vì thế mọi thứ đến được phải nhờ người đưa thư mang qua Peshawar ở Pakistan. Đó là điểm quá cảnh để vận chuyển tiền hoặc hàng hóa mà những người Afghanistan ở nước ngoài gửi về cho gia đình và bạn bè của họ. Kể cả các điện tín hay thư từ cũng thường được trung chuyển qua lộ trình này. Tất nhiên, phải chắc chắn về những người đưa thư và phải có kênh an toàn, và bác sĩ Sima có cả hai điều đó. Từ khi Taliban đến, trong các trường hợp khẩn cấp, mỗi lần mẹ cần đến thuốc men đều nhờ cả vào bác sĩ Sima mới có được.

Bác sĩ Sima không ngần ngại đồng ý với đề xuất của mẹ tôi về việc mở một phòng khám bí mật. Sau cảnh tượng kinh hoàng mà bác vừa chứng kiến, tính cấp bách của nó là điều đương nhiên. Rồi còn có những bệnh nhân thường xuyên của mẹ tôi, những người vốn chẳng có nơi nào để đến khám vì cái tình cảnh không lối thoát của riêng phụ nữ chúng tôi - chỉ nam giới mới được làm bác sĩ và các bác sĩ chỉ có quyền chữa bệnh cho nam giới.

Đêm hôm đó đã chứng kiến sự khởi đầu của một phòng khám bí mật quan trọng nhất ở Kabul. Sáng hôm sau, ba cô gái rời khỏi nhà tôi cùng với chị Nafissa và người tài xế taxi. Để đón chờ một số phận nào đây? Chúng tôi không bao giờ gặp lại họ nữa. Truyen8.mobi

Mỗi ngày trôi qua thế giới của chúng tôi lại suy thoái đi một chút. Nó rữa ra xung quanh mà chúng tôi không thể chiến đấu chống lại quá trình này. Cha kể với chúng tôi rằng ngày càng có nhiều người ăn xin trên đường phố. Đa số họ là những người phụ nữ bị cấm đi làm hoặc các quả phụ. Mẹ của Anita, một người bạn cùng trường của tôi, chuyên nhận giặt đồ thuê để kiếm miếng cơm manh áo. Bác ấy từng là giáo viên dạy ở trường cấp ba của tôi. Những phụ nữ khác thì nướng bánh mì hoặc làm bánh ngọt kiểu truyền thống để con trai họ đem bán ngoài phố. Những người khác nữa thêu thùa hoặc làm những chuỗi hạt vòng.

Gần đây anh Daoud thấy các cậu con trai đi bán từng điếu thuốc lá cuộn, cũng như từng viên aspirin. Anh cũng kể với chúng tôi rằng những thanh niên khác phải bán thuốc phiện để nuôi sống gia đình. Thuốc phiện, ở vùng biên giới giáp Pakistan, là thứ hàng sinh lời nhất và chính quyền Taliban cứ để thả nổi. Suốt thời gian này Đài phát thanh Sharia còn phun ra nhiều sắc lệnh hơn nữa. Viên Mullah Omar, thủ lĩnh và bậc thầy tư tưởng của bọn chúng, giờ đây còn ra sắc lệnh rằng tấm thêu mắt cáo cho phép phụ nữ nhìn qua tấm burqa có lỗ quá to. Từ bây giờ trở đi, các lỗ trên đó phải nhỏ hơn và chặt hơn. Các mullah còn chưa đưa ra kích thước chính xác chúng tôi phải tuân theo. Chắc sẽ nhỏ hơn nửa milimét.

Với sắc lệnh bổ sung éo le này, tôi mất hết cả niềm tin. Chị gái tôi cũng vậy. Chúng tôi lặp đi lặp lại, “Nhưng chúng ta có thể làm gì? Chúng ta biết làm gì đây? Hay cứ chết béng đi cho xong?”

Tôi đã ốm thực sự khá lâu rồi. Sáng nay tôi bị sốt và chóng hết cả mặt. Cứ gượng dậy, tôi lại đổ vật xuống giường. Mẹ nghĩ là tôi bị hạ huyết áp, nhưng mẹ lại không rõ vì sao. Điều tệ nhất là mẹ còn ốm yếu hơn tôi nhiều.

Tình trạng suy sụp của mẹ ngày càng nặng hơn. Chúng tôi cố gắng hết sức chăm sóc mẹ, nhưng chúng tôi có quá ít phương tiện trong tay. Và phương thuốc duy nhất dễ kiếm là những viên thuốc ngủ. Cha tôi, vốn rất yêu mẹ, luôn cố gắng ở bên mẹ mọi lúc có thể. Mất mẹ sẽ là một điều quá kinh khủng. Mẹ luôn điều hành mọi việc trong nhà. Mẹ từng là một phụ nữ có ý chí cao, rất ngăn nắp và rất đảm đang. Thêm vào mọi điều đang xảy ra ở Kabul là sự buồn nản của chúng tôi khi nhìn thấy mẹ như thế này. Sự lo lắng thường trực đè nặng lên mỗi người chúng tôi.

Những lúc duy nhất trông mẹ có vẻ ổn là khi chăm sóc cho người nào đó hoặc tư vấn cho họ. Điều đáng buồn là thi thoảng mẹ tôi còn không muốn gặp những bệnh nhân đang đau ốm của mình. Mẹ không có gì giúp được cho họ cả.

Mới đây có một phụ nữ bị rong huyết đến khám chỗ mẹ. Để cứu cô ấy, mẹ sẽ phải cần đến một loại thuốc giá xấp xỉ một triệu hai afghani (179 bảng Anh), đấy là nếu có thể tìm được loại thuốc này. Trước khi Taliban xâm chiếm, mẹ dễ dàng mua được nó ở bệnh viện. Nhưng giờ đây mẹ không thể đến bệnh viện nữa. Đã bị cấm hành nghề, mẹ sẽ bị đuổi ra, thậm chí bị bỏ tù. Việc bị cấm hành nghề y tá của mình giày vò mẹ trong mọi lúc. Thậm chí cả trong mơ mẹ cũng mơ thấy nó. Khi phải để người phụ nữ này ra về mà không giúp được gì, mẹ đã nói với chúng tôi, “Người phụ nữ đó sẽ bị biến chứng. Đó là điều không tránh khỏi. Có lẽ cô ấy sẽ chết vì nhiễm trùng phụ khoa, mặc dù phòng tránh điều này thật đơn giản. Chỉ cần một mũi tiêm thôi. Chỉ cần có thế...”

Lương tâm của một thầy thuốc vốn không thể lặng xuống một cách dễ dàng. Và chúng tôi hiểu được nỗi hoang mang đau đớn của mẹ. Việc một vấn đề y tế đơn giản có thể dẫn đến cái chết của một phụ nữ, chỉ vì sắc lệnh của Taliban, làm cho mẹ tôi càng thêm chán nản. Truyen8.mobi

Vào đầu hè năm 1998, người cha tội nghiệp của tôi có hai phụ nữ ốm yếu ở trong nhà: người vợ bác sĩ suy sụp tinh thần của cha không thể chữa bệnh được cho cô con gái ốm yếu của bà. Dù trong bất cứ trường hợp nào thì căn bệnh bí ẩn khiến tôi phát sốt vẫn nằm ngoài chuyên môn của mẹ.

Cha tôi gọi điện cho một người bạn bác sĩ và nài nỉ đến nhà giúp đỡ. Đó là một người đàn ông, vì thế bác ta bị cấm chữa bệnh cho phụ nữ, và bác ta sợ. Bác sẽ đến với một điều kiện: đó là cha phải thề sẽ giữ bí mật chuyện này. Bác chỉ đòi trả công có thế.

Bác sĩ không thể giúp gì trước tình trạng trầm cảm của mẹ tôi. Nhưng bác ấy nghĩ rằng có thể là do căn bệnh tiểu đường đang phát tác, mặc dù trước đây mẹ chưa từng bị tiểu đường. Bác lấy máu để làm xét nghiệm cho cả hai chúng tôi và mang ống nghiệm về theo mình.

“Tôi sẽ mang chúng đến phòng xét nghiệm dưới tên con gái tôi,” bác ấy nói với cha tôi. “Nhưng tôi có thể nói luôn với anh rằng cả hai đều cần được đưa đến bệnh viện ở Pakistan và cần được điều trị ngay lập tức. Latifa cũng bị trầm cảm, nhưng cô bé còn bị viêm màng phổi nữa. Có nước trong phổi của cháu. Anh không được phép để quá lâu.”

Thực ra tôi đã bị ốm khoảng ba tháng nay, với những thời kỳ tạm thời bình phục. Cơn sốt gần đây mới bắt đầu và lập tức trở thành dai dẳng.

Thế là quyết định đã được đưa ra. Chúng tôi sẽ đi Peshawar, nhưng việc chuẩn bị đi mất rất nhiều thì giờ. Phải tìm được xe ô tô và người lái xe, ngoài ra còn những việc khác nữa. Truyen8.mobi

Cuối cùng thì mọi thứ đã sẵn sàng. Cha đóng gói đồ đạc của mẹ trong khi chị Soraya chuẩn bị đồ đạc của chúng tôi. Anh Daoud phải ở nhà trông nhà. Rõ ràng là Taliban đang nhăm nhe muốn chiếm những căn hộ như căn hộ nhà chúng tôi, vốn hiện đại và nằm ở khu vực sang trọng của khu Mikrorayna. Chúng tôi sẽ lưu trú ở nhà bố mẹ chồng chị Chakila trong suốt thời gian chữa bệnh.

Vào thời trước, đi Peshawar không gặp phải bất cứ vấn đề đặc biệt nào, ngoài việc phải len lỏi qua một con đường hết sức nguy hiểm và những luật lệ trừng trị đối với những người Afghanistan rời khỏi đất nước. Bất chấp điều đó, nhiều người Afghanistan vẫn thường xuyên đến Peshawar, một hoặc hai lần một tháng, để mua hàng hóa. Các nhân viên hải quan nhắm mắt làm ngơ. Cách đi đến Peshawar là phải giả vờ đang đi tới Jalalabad, phải thương lượng với những trạm kiểm soát gắt gao ở nhiều điểm trên tuyến đường đến biên giới Peshawar - Pakistan đã đơn phương thay đổi biên giới này để có lợi cho mình. Anh lớn của tôi nói rằng đã từ lâu Pakistan hằng mơ thôn tính đất nước chúng tôi.

 

Đó là chuyến đi đầu tiên của chúng tôi kể từ khi Taliban chiếm quyền. Chuyến đi đầu tiên sau khoảng hai năm. Mùa hè đã đến và thời tiết rất nóng nực. Áo burqa gây ngột ngạt nhưng ba người phụ nữ chúng tôi vẫn phải mặc chúng.

Lúc bình minh lên, chiếc xe và người tài xế đã đợi chúng tôi ở bên ngoài tòa chung cư. Nếu tôi không bị ốm nặng, chuyến đi này hẳn sẽ là một cách giải trí. Có điều tôi đang cảm thấy sợ, không chỉ vì những hiểm nguy trên đường, mà còn vì mẹ mỗi lúc một kiệt sức hơn.

Người lái xe cảnh báo cha tôi một lần nữa, “Trên hết, đừng quên nói tại các trạm kiểm soát rằng chúng ta đang tới Jalalabad.” Truyen8.mobi

Con đường cắt ngang vùng ngoại ô lân cận Kabul của chúng tôi tường thuật lại lịch sử của đất nước từ khi tôi chào đời. Trên đó những xác xe tăng Liên Xô nằm bừa bãi. Những bức tường mang vết đạn Mujahidin trong cuộc bao vây Kabul do Thủ lĩnh Massoud tiến hành vào năm 1992. Mìn và lựu đạn vẫn còn nằm rải rác trên các cánh đồng và các con đường.

Tại trạm kiểm soát đầu tiên sau khi rời khỏi thành phố, chúng tôi phải ra khỏi xe để bọn chúng kiểm tra giấy tờ. Chúng tôi cũng phải chịu để chúng lục soát người. Đối với nam giới, việc lục soát do chính đám lính gác tiến hành theo các điều luật, và chúng làm việc này một cách nghiêm túc. Đối với phụ nữ, bọn Taliban cử ra các cậu bé độ tám tuổi, bởi chúng là những người đàn ông duy nhất được phép tiếp cận chúng tôi. Vì phụ nữ không được đi làm, nên không có cảnh sát nữ.

Đứa trẻ thậm chí không mở miệng nói với chúng tôi. Nó chỉ đơn giản ra hiệu để chúng tôi vén burqa lên, nhìn lướt mặt để xem xem chúng tôi có vi phạm lệnh cấm trang điểm hay không, và hời hợt đưa tay quờ khắp chiếc váy dài của chúng tôi. Việc lục soát dừng lại ở đó. Thằng bé trông nghiêm túc, hơi khinh khỉnh, nhưng rõ ràng là tự hào về công việc của mình, bất chấp nó còn nhỏ. Khẩu súng trường đeo trên vai nó trông còn to hơn cả chính nó.

Nó lớn lên rồi sẽ thành loại người nào đây?

Tiếp đó là lục soát thùng xe và các va li của chúng tôi. Cha tôi đưa va li của mình ra. Tên lính gác mở va li ra và kiểm tra nó một cách cẩn thận.

“Mấy người đi đâu?”

“Chúng tôi tới Jalalabad.”

Nỗi sợ của chúng tôi gần như sờ vào được. Những tên Taliban này có thể có những phản ứng bất ngờ, nhất là đối với phụ nữ, đến nỗi bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Tôi nhẩm lại những thứ có trong va li của mình. Tôi chỉ mang theo những đồ màu tối và màu đen. Không màu sắc. Cả mẹ và chị Soraya cũng vậy. Theo nguyên tắc thì va li của phụ nữ không bị lục soát; bọn Taliban trong trắng đến nỗi không cả chạm vào quần áo đàn bà.

Ngay khi cha nói, “Cái túi đó của vợ tôi và hai túi kia của các con gái tôi,” tên lính gác lùi lại.

Hàng xe đang đợi thật dài cả phía trước lẫn đằng sau chúng tôi. Phải đợi thêm hai mươi phút nữa mới có thể chạy tiếp. Khi đã đi được, xe xóc nảy lưng tôi, và thỉnh thoảng mẹ lại nói với cha bảo người lái xe chạy chậm lại. Mặt trời đang lên cao trên bầu trời và tỏa sức nóng xuống. Chúng tôi đến vùng Sarowbi sau khoảng hai tiếng đồng hồ ngồi xe mệt lử. Ở đây có một chốt gác nữa và chúng tôi lại phải chịu cái trình tự tương tự. Sau đó chúng tôi trở lại với con đường ngoằn ngoèo đi về hướng Jalalabad. Truyen8.mobi

Khi chúng tôi đến gần thành phố, có một trạm kiểm soát thứ ba. Cứ mỗi lần dừng lại, nỗi lo lắng lại khiến chúng tôi im lặng, chú ý đến cử chỉ nhỏ nhất của tên lính gác. Bọn chúng có thể chặn chúng tôi lại hoặc tống vào tù mà chẳng cần biết lý do. Dù chỉ một vi phạm nhỏ nhất cũng đủ để một trong những tên lính này nổi giận với một người trong đoàn, và những người còn lại sẽ phải hứng chịu hậu quả.

Ở phía trước mình một chút chúng tôi nhìn thấy một xe buýt đang bị lục soát. Bọn Taliban đang bắt phụ nữ phải xuống xe và sau đó người tài xế bị bắt phải đánh xe quay lại.

Cái nhìn đầy nghi ngờ mà những tên lính gác ném vào giấy tờ của chúng tôi, cái cách bọn chúng kiểm tra giấy, khiến tôi gần như yêu quý cái áo burqa của mình, dẫu nó gần làm tôi ngạt thở dưới cái nhiệt độ 40oC trong nắng như rang. Khi cuối cùng cũng qua được trạm kiểm soát này, chúng tôi còn phải đương đầu với con đường núi đến thị trấn Samarkhail, một con đường ngoằn ngoèo và lắm lối rẽ hơn cả con rắn vặn mình hình số tám. Khi vào đến thị trấn, chúng tôi phải đi qua trạm kiểm soát thứ tư. Nỗi lo lắng, nỗi sợ hãi bị chặn lại của chúng tôi vẫn chưa giảm chút nào.

Gần đèo Turkham ở biên giới, chúng tôi nhìn thấy những cậu bé đang từ Pakistan trở về mang theo những thùng đựng đầy xăng và dầu, và những bao đường mà chúng sẽ buôn bán lại. Những người đàn ông ngồi trên mặt đất với những đống tiền Afghanistan để đổi cho người Pakistan sang đây và những đồng rupee Pakistan để đổi cho những người như chúng tôi.

Chúng tôi đã mất hơn bảy tiếng đồng hồ để đến đây và mẹ đã kiệt sức hoàn toàn. Đúng lúc này người lái xe nói với chúng tôi, “Mọi người nhanh lên. Họ sắp đóng cửa biên giới rồi. Và tôi không thể đi qua đó được nữa.”

Chúng tôi phải dỡ những túi đồ xuống khỏi xe, tìm một cậu bé kéo xe kéo để chở hành lý và cố gắng đi bộ hết quãng đường còn lại đến tận chỗ những cánh cổng kim loại màu đen kịt ma quái chặn đường chúng tôi sang.

Cha và chị Soraya đang đỡ mẹ dậy để dìu mẹ đi. Mẹ bước đi thật chậm, quá chậm, chốc chốc lại dừng để lấy lại hơi. Và chúng tôi không biết chính xác là mấy giờ các nhân viên hải quan sẽ đóng cửa khẩu. Cha tôi cũng đang nhìn cậu bé đang đẩy chiếc xe mang va li của chúng tôi quá gấp rút.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến trước những cánh cổng màu đen, quét nhựa đường và phủ đầy dây thép gai. Không còn đường nào khác để qua biên giới trừ phi trèo qua một ngọn núi dựng đứng. Đứng canh trước những cánh cổng này là những tên Taliban được trang bị vũ khí. Ở phía bên kia cổng thì có những tên Pakistan vũ trang đầy đủ. Người ta phải chia thành từng tốp để đi qua. Nghe nói rằng cửa khẩu sẽ đóng tầm giữa mười hai giờ trưa và một giờ chiều. Chúng tôi suýt soát vừa đủ thời gian.

Một tên Taliban lục lọi hành lý của chúng tôi, kiểm tra hộ chiếu của cha tôi, giấy tờ duy nhất chứng minh vợ và các cô con gái của cha tồn tại. Toàn bộ việc cấm hay không cấm rời khỏi đất nước chúng tôi đúng là một trò hề. Ở đây, hàng nghìn người vẫn băng qua biên giới. Điều quan trọng nhất là chỉ cần có một người đàn ông đứng ra thương lượng và những phụ nữ phải cam chịu đúng mực trong những chiếc áo burqa của họ, đầu cúi xuống và câm lặng mà thôi.

Vào lúc đó, một cảnh sát Pakistan bước ra khỏi bốt gác của gã và chuẩn bị đóng cổng biên giới. Đằng sau chúng tôi một phụ nữ kêu to, “Cho chúng tôi qua đi, người anh em, đừng đóng cổng.” Truyen8.mobi

Tên Taliban quay lại nhìn. Hắn bước tới chỗ viên cảnh sát Pakistan và quát tháo gã này một cách hung dữ đến nỗi gã này liền rút lui không nói một lời và thay vì đi vào trong bốt gác bằng gỗ của mình, gã lại trốn đằng sau nó vì e rằng tên Taliban có thể nã vài viên đạn về phía gã. Kể cả viên cảnh sát này cũng tỏ ra hoảng sợ.

Nhưng gã lại không sợ cha tôi. Ngay khi chúng tôi vừa đặt chân sang phía bên kia cửa khẩu, gã cùng một tên khác tiến đến chỗ cha tôi. Gã lên mặt rất ta đây. Gã đeo một khẩu súng ngang lưng và vung vẩy một cây dùi cui phía trước mình, hai tay gã nắm chặt cả hai đầu gậy.

“Dấu?”

Cha tôi đưa hộ chiếu của mình cho gã. Làm gì có dấu và gã cảnh sát Pakistan này biết thừa điều đó. Gã muốn thứ khác chứ không phải là giấy tờ. Gã muốn tiền.

“Nhà này đi đâu?”

“Đến Peshawar. Vợ và con gái tôi cần chữa bệnh.”

Cha tôi phải ghìm lại bởi ông vốn ghét cái cơ chế thối nát đút tiền cho nhân viên hải quan mà không có lý do gì ngoại trừ lòng tham của chúng. Trên thực tế lãnh thổ này thuộc về chúng tôi. Người Pakistan chỉ ăn cắp nó. Đây không phải chỗ của chúng và chúng biết điều này rõ đến mức đã ép Najibullah phải ký một văn bản chính thức để thừa nhận đường biên giới mới này trước khi giết ông ta. Tôi biết cha tôi đang nghĩ gì vào chính giây phút đứng trước tên kẻ cắp Pakistan này. Cha đang nghĩ, “Mày đang ở trên đất nước của tao mà mày lại dám đòi tao, một người Afghanistan, phải trả tiền. Đây không đơn giản chỉ là một thủ đoạn làm tiền. Mà đây là một sự sỉ nhục đối với người Afghanistan.”

Nhưng biên giới vẫn ở đây, kể cả nếu cha tôi không chịu đựng nổi điều này. Điều cha không chịu được là việc nó trở thành biên giới mới quá dễ dàng và không một quốc gia nào thèm để ý đến sự thay đổi này. Rốt cục thì cha cũng rút ra một tờ 50 rupee.

Gã nhân viên hải quan lắc đầu. “Vẫn chưa đủ đâu, ông anh. Phải là mỗi người 50 rupee.”

Lần này thì cha tôi không chịu nổi. Ông cao giọng, “Gì kia? Anh muốn gì? Anh muốn tôi gây chuyện cãi lộn ở đây hả? Phải thế không?”

Gã này nổi giận, nhưng cuối cùng lại nhượng bộ. “Được rồi. Chỉ cần đưa tôi 50 rupee. Dĩ hòa với anh đấy.” Truyen8.mobi

50 rupee không phải một khoản tiền lớn, nó chưa đến một bảng. Nhưng với cha tôi nó là vấn đề nguyên tắc. Dưới thời Taliban, trao đổi buôn bán chỉ diễn ra bằng tiền mặt, và cha tôi chỉ có thể kiếm được tiền nhờ sự chiếu cố của đối tác ở Peshawar mà cha góp một số vốn nhỏ cho hoạt động kinh doanh của ông ấy.

Cha tức giận vô cùng. Khi đưa xong số tiền đút lót, cha rít qua kẽ răng, “Đây là lần cuối cùng tao đến Pakistan!”

Giờ chúng tôi phải tìm một xe taxi để đưa chúng tôi đến Peshawar. Người lái xe chúng tôi tìm được trông có vẻ thích hợp. Ông ấy bắt chuyện với chúng tôi ngay lập tức. Ở Kabul, không một tài xế nào nói chuyện với hành khách. Sự thiếu tin tưởng hoành hành khắp nơi.

“Các anh chị từ Kabul đến à?”

“Vâng.”

“Tôi cũng là người Afghanistan. Nhưng tôi sống ở Pakistan mười tám năm nay rồi...”

Chúng tôi ngồi trong xe chạy dọc theo một con đường tự do ở một đất nước tự do, và bất chấp cái nóng, cái dốc, cái quanh co khúc khuỷu, tình trạng con đường này vẫn khá hơn nhiều so với con đường phía bên kia biên giới. Tất nhiên cũng có những hiểm nguy. Ở dưới các hẻm núi, có thể nhìn thấy các phần còn lại của xe tải và xe buýt gặp nạn. Nhưng các dốc núi lại được phủ xanh bởi cây cối và các loài hoa dại. Người tài xế dừng xe một lát gần một hồ nước ngọt sáng lên lấp lánh và đổ xuống qua các hòn đá. Cuối cùng thì đến đây chúng tôi cũng được rửa mặt. Tôi thấy ngột ngạt. Chị gái tôi cũng vậy. Bàn chân chúng tôi sưng phồng lên vì nóng và vì ngồi quá lâu. Tôi nhấc áo burqa của mình lên để té làn nước mát lạnh vào người, mặc dù rõ ràng không nên uống nước ở đây.

Chặng nghỉ chân chốc lát trên núi này là một niềm vui thực sự. Tôi hầu như chưa ăn hoặc uống gì suốt chặng đường dài. Nước trên đôi má nóng hầm hập của tôi là một món quà Đấng Allah ban cho. Đi đứng tự do mà không có bóng dáng Taliban giống như hơi ôxy thần diệu. Nó gần như lọc sạch phổi tôi.

Nhưng dù được nếm mùi vị của sự tự do, chúng tôi vẫn mặc áo burqa cho đến tận Peshawar. Chúng tôi cần phải thận trọng. Truyen8.mobi

Người tài xế vẫn nói chuyện với cha tôi. “Tôi hiểu anh. Tình hình ở Afghanistan thật rùng rợn. Bọn Taliban là những kẻ tồi tệ. Chúng đàn áp con người ta bằng quá nhiều luật lệ.”

Cha tôi đề nghị người tài xế chạy xe chậm thôi để mẹ tôi đỡ mệt rồi chúng tôi lên đường. Chị Soraya và tôi ngồi yên lặng, mắt mở to nhìn quang cảnh hai bên. Người tài xế mở nhạc. Tiếng nhạc thoát ra qua cửa sổ xe để mở. Gần hai giờ thì chúng tôi đến Peshawar, đi qua vùng Karkhana.

Phía trước chúng tôi, ở xa ngút tầm mắt, là hàng dãy vô tận các cửa hiệu bày đầy hàng hóa khắp các tầng. Người lái xe nói với chúng tôi về cái chợ lớn vốn buôn bán đủ loại hàng hóa này, rằng đây là điểm buôn lậu vô vàn các chủng loại sản phẩm xuất xứ từ khắp nơi, nó đích thị là một khu vực vô luật pháp, không bị đánh thuế cũng như các khoản lệ phí hải quan nào cả.

“Ở đây, anh sẽ tìm được người bán vũ khí và thuốc phiện cho anh. Đó là thứ tất cả các gian hàng này đều có. Hơn nữa, nhờ điểm kiểm soát, anh sẽ tìm mua được các đồ gia dụng, máy quay phim, tivi, đài, máy ghi âm, máy điều hòa nhiệt độ và bất cứ thứ gì anh muốn.”

Ở một biên giới khác của chúng tôi, người dân tộc nhập khẩu hàng về Afghanistan mà không phải đóng bất cứ khoản thuế hải quan nào, bởi vì chúng tôi không bị đánh thuế, hoặc bị đánh rất ít. Sau đó các mặt hàng này lại được tái xuất sang Pakistan, mà cũng không phải đóng thuế... Vũ khí cũng được quay vòng như vậy.

Điều rõ ràng là đất nước chúng tôi, vì bị tàn phá bởi nhiều năm nội chiến, đã trở thành một bến cảng thuận lợi cho dân buôn lậu Pakistan. Đó là lý do Pakistan không hề ngần ngại thừa nhận chính quyền Taliban - chính quyền mà Pakistan cung cấp lính đánh thuê với sự đồng ý của Mỹ. Tất cả chúng tôi sẽ chết hết nếu lực lượng Kháng chiến không kiểm soát lại được thủ đô của chúng tôi. Đất nước chúng tôi sẽ bị xóa sổ, sẽ bị nuốt chửng dưới lớp vỏ Sharia rất đặc biệt được thiết lập bởi bọn Taliban đó. Truyen8.mobi

Khi chúng tôi đến nhà bố mẹ chồng chị Chakila, chị ôm lấy chúng tôi mà khóc sướt mướt. Đã bao lâu nay chị không gặp chúng tôi. Chị cũng không chứng kiến cảnh Taliban tràn vào Kabul, nhưng tất nhiên suốt thời gian này chị lúc nào cũng lo lắng cho chúng tôi. Chị sợ rằng chị phải đến Mỹ đoàn viên với chồng mà không được gặp lại chúng tôi nữa. Ở Peshawar, ít nhiều thì người ta cũng biết chuyện gì đang xảy ra ở Kabul, nhưng chị Chakila muốn biết từng phút chúng tôi trải qua trong những ngày này ra sao.

“Các em đối phó với cái áo burqa như thế nào?”

“Chúng em không ra khỏi nhà.”

“Thế thì thật khó cho các em. Các em còn quá trẻ. Nhưng các em làm gì ở nhà?”

“Em đọc sách. Em cố gắng học lại tiếng Anh qua sách chị gửi cho em.”

“Em học một mình hay học với Soraya?”

“Một mình. Có từ điển.”

“Em gầy thật đấy. Mẹ cũng vậy. Gầy quá mức và rất yếu nữa.”

Chakila hỏi thăm về các cô dì chú bác và những anh em họ hàng của chúng tôi trong lúc đưa chúng tôi lên phòng tắm của gia đình. Có ba phòng tắm tất cả. Nước chảy ra từ các vòi nước. Chúng tôi lại có thể được tắm dưới vòi hoa sen thực sự - một sự xa xỉ mà ở Kabul hầu như chúng tôi đã không còn nhớ đến. Chị Chakila tất bật chạy đi chạy lại. Chị mang cho chúng tôi khăn tắm và xà phòng. Em chồng chị cũng giúp một tay.

Sau đó mẹ đến nằm dài trên ghế sofa và chị Chakila nhẹ nhàng mát xa chân cho mẹ cho đến khi mẹ ngủ thiếp đi.

Chị gái tôi sắp đi Mỹ. Chị nóng lòng muốn được đoàn tụ với chồng mình, nhưng lại không biết gì nhiều về cái đất nước mà chị sẽ đến sống. Chị chỉ biết rằng chồng chị đảm nhận một công việc kinh doanh ở bang Virginia. Đối với chúng tôi, nước Mỹ là một hành tinh xa lạ - lối sống, con người, tên gọi các thành phố, chúng tôi chẳng biết gì về chúng kể cả dưới thời Liên Xô và sau này. Chị Chakila lấy làm buồn với ý nghĩ rằng có thể sẽ không bao giờ được về Afghanistan nữa. Nhưng chị tin tưởng chồng mình. Chị yêu anh ấy.

Đến đó chị sẽ không làm nhà báo nữa; mà sẽ làm việc trong cửa hàng của chồng chị. Họ sẽ vẫn giữ những truyền thống ở nhà. Chị tôi sẽ vẫn đội khăn trùm đầu khi cầu nguyện dưới bầu trời không phải bầu trời của chúng tôi, thế thôi.

Trong lúc đó, chị Chakila kể cho chúng tôi biết về những người bạn phổ thông cũ đã đến sống ở đây. Họ đều học đại học, họ may mắn được tiếp tục theo đuổi việc học tập của mình.

Nhưng chúng tôi không thể đến sống ở Pakistan. Chị Chakila sẽ sớm đi khỏi đây và cha tôi sẽ không thể tưởng tượng nổi việc xin tị nạn ở gia đình chồng con gái lớn của mình. Lòng kiêu hãnh của cha không cho phép điều đó.

Ngày hôm sau, tại bệnh viện, tôi vào khám một phòng, mẹ vào phòng khám khác. Người ta chụp X quang cho tôi. Bác sĩ xem phim rồi hỏi tôi, “Sao cô lại không đi chữa sớm hơn?” Truyen8.mobi

Tôi cho rằng ông ta hẳn phải biết là ở Kabul phụ nữ không được đi chữa bệnh. Thế mà ông ta lại hỏi một câu như thể đó là lỗi của chúng tôi vậy.

Tôi nằm viện một tuần. Họ chọc thủng phổi của tôi để hút nước ra - hai chai đựng đầy một thứ chất lỏng lạ lùng. Họ kê cho tôi vitamin B và các loại thuốc khác mà tôi không biết tên.

Cha tôi đến phòng bệnh nơi tôi nằm chung với một phụ nữ ốm khác và buồn bã nói, “Họ xác nhận rằng mẹ con bị bệnh tiểu đường nặng. Về bệnh suy sụp của mẹ, bác sĩ chỉ có thể kê thuốc an thần. Ông ta giữ mẹ con lại hai ngày, sau đó cha sẽ phải đưa mẹ đến chỗ bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Bệnh viện này không có bác sĩ chuyên khoa này.”

Thế là mẹ ra viện trước tôi. Việc đi khám bác sĩ chuyên khoa của mẹ không đem lại chút an ủi gì. Cha tôi phải giải thích cho bác sĩ những điều mẹ không thể tự trình bày rõ ràng được. Cha vốn thừa biết rằng mẹ sẽ không nói về những chịu đựng tinh thần của mẹ - mẹ không nói kể cả với cha. Cha cũng không kể lại được chi tiết những cú sốc và những căng thẳng liên tiếp mà mẹ đã phải trải qua, bởi có những bảo vệ người Pakistan đứng trước cửa nhà bác sĩ, và một người Afghanistan vốn không bao giờ thoải mái nói chuyện được trong những điều kiện như thế này. Cha sợ sẽ bị nghe lén và điều đó sẽ gây ra những phiền toái chính trị.

Mẹ từng là một người phụ nữ hạnh phúc trước khi Liên Xô tới. Cả sự nghiệp lẫn cuộc sống hôn nhân của mẹ đều thành công. Cha mẹ tôi yêu nhau bằng một tình yêu chưa bao giờ vơi cạn. Nhưng sau khi Liên Xô đến Afghanistan, mẹ tôi phải vượt qua quá nhiều bất hạnh: anh cả tôi bị tố cáo và bị bỏ tù ba năm; anh Daoud thì phải trốn lính; rồi những nỗi kinh hoàng hàng ngày của cuộc nội chiến, đầu tiên với tư cách y tá, rồi với tư cách bác sĩ phụ khoa. Và giờ đây, là nỗi đau của tất cả những người phụ nữ mẹ đã cố cứu giúp trong nhiều tháng ròng dưới chế độ Taliban...

Phải giải thích sao đây cho vị bác sĩ người Pakistan hiểu chuyện gì đã xảy ra với anh Daoud ở trường đại học sau trận đánh giữa các phe phái của lực lượng Mujahidin kéo dài từ năm 1993 đến 1996? Tôi vẫn nhớ từng biểu hiện trên mặt mẹ tôi khi nghe câu chuyện anh Daoud kể lúc đó. Hồi đó tôi 12 tuổi. Đó là một câu chuyện rất khủng khiếp. Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được. Truyen8.mobi

Khoa của anh Daoud bị đóng cửa và chiếm đóng bởi các đồng minh của Hekmatyar, khi đó đang là đối thủ của Ahmed Shah Massoud. Bọn chúng dùng tòa nhà của khoa làm doanh trại. Hekmatyar thua và khi các lực lượng của Thủ lĩnh Massoud kiểm soát khu vực này, đài phát thanh đã kêu gọi các sinh viên đến dọn sạch tòa nhà để khoa có thể mở cửa trở lại. Một buổi sáng anh Daoud đã đi hưởng ứng lời kêu gọi cùng tất cả các sinh viên khác đang muốn được đi học một lần nữa. Nhiều người trong số họ đã tình nguyện đến dọn dẹp.

Khi anh tôi về đến nhà, mẹ nhận thấy ngay là anh không được ổn. Nom mặt anh tái xám và không nói năng gì. Anh giam mình trong phòng không chịu ăn uống gì. Mẹ vẫn đang ở trong bếp và nài nỉ anh ấy xuống ăn cơm cùng chúng tôi.

“Xuống ăn cơm đi con, Daoud.” Truyen8.mobi

“Không, con không đói...”

“Có chuyện gì vậy con?”

Daoud không trả lời. Điều đó thật đáng lo ngại, thế nên tôi đi theo mẹ vào phòng anh trai tôi. Anh đang ngồi trên giường, hai tay ôm lấy mặt. Mẹ ngồi xuống cạnh anh, đợi đến khi anh nói được.

“Con nhìn thấy một cảnh tượng choáng người,” cuối cùng anh nói. “Một cảnh tượng thật đáng sợ.”

“Con đã nhìn thấy gì?”

“Con thấy một người phụ nữ hoàn toàn lõa thể... Cô ấy... Cô ấy bị đóng đinh vào một cánh cửa ở khoa con. Bọn chúng cắt người cô ấy ra làm hai... làm hai phần. Trên mỗi cánh cửa là một nửa thi thể. Một nửa thi thể bị đóng đinh của cô ấy... Và cửa cứ mở ra đóng vào. Thật kinh khủng. Thật đáng sợ.”

Mẹ bắt đầu khóc. Anh Daoud nói tiếp.

“Khắp nơi là những bàn chân. Những bàn tay đã bị cắt mất. Máu vương khắp nơi. Đúng là một cuộc tàn sát mẹ ạ. Con không biết bọn chúng đã giết bao nhiêu người, nhưng thật kinh khủng... Đài chỉ bảo rằng sinh viên nên đến dọn dẹp tòa nhà, sắp xếp mọi thứ như cũ. Nhưng chúng con không thể dọn sạch được, không phải thứ đó. Không thể được. Cuối cùng các nhân viên bảo vệ đã làm việc đó. Chiều nay con không muốn quay lại khoa nữa. Con chịu. Họ bảo chúng con đến trường dọn dẹp để chúng con thấy chúng đã làm gì. Họ muốn chúng con được biết, nhưng...”

Tôi trở về phòng tôi và khóc một mình. Anh Daoud không bao giờ đề cập đến chuyện này lần nào nữa. Nhưng mẹ vẫn bị nó ám ảnh. Mẹ không thể quên được. Tôi chắc chắn về điều đó. Và có quá nhiều những cơn ác mộng khác mà tôi không thể biết bởi mẹ chôn kín chúng trong lòng mình. Mẹ không nói ra bất cứ điều gì. Chỉ giấu chúng trong lòng, đào sâu chôn chặt tất cả. Sau đó báo chí đã nói về vụ tàn sát ở trường đại học, nhưng họ không đưa thêm bất cứ chi tiết nào. Truyen8.mobi

Bác sĩ khuyên cha tôi nên trông chừng mẹ cẩn thận, bảo đảm là mẹ đang uống thuốc an thần và những loại thuốc chữa bệnh tiểu đường của mẹ. Ông ta cũng bảo mẹ hàng ngày phải đi dạo ít nhất hai tiếng.

Đến cuối tuần tôi cảm thấy người khỏe hơn. Tôi có thể ra ngoài. Bác sĩ của tôi cũng bảo tôi phải đi dạo ít nhất hai tiếng một ngày và cử động trong bầu không khí trong lành càng nhiều càng tốt.

Theo như bác sĩ nói với cha tôi, “Ngoài thuốc ra, chúng tôi thực sự không thể làm được gì nhiều...”

Đêm đến, tại nhà chồng chị Chakila, ba chị em chúng tôi hàn huyên nhiều chuyện. Mong muốn không trở về nhà nữa, được ở lại đây và chạy trốn khỏi đất nước chúng tôi dấy lên mạnh mẽ. Khi ở nước ngoài nhìn vào, chính quyền của chúng tôi thậm chí còn đáng sợ hơn.

Nhưng chúng tôi không thể ở lại Pakistan. Bây giờ chị Chakila đang chuẩn bị chuyển đến Mỹ. Chị vừa mới nhận được điện thoại của chồng. Các giấy tờ của chị sắp được gửi về. Gia đình chồng chị không thể giữ chúng tôi ở đây. Còn tôi và chị Soraya thì không bao giờ nghĩ đến chuyện để cha mẹ về Afghanistan mà không có chúng tôi về cùng. Ở đó chúng tôi có một mái nhà, một căn hộ có thể trả được tiền thuê. Ở Pakistan thì chúng tôi sẽ được tự do, mẹ sẽ được chăm sóc, tôi sẽ được đi học đại học. Thế nhưng lại có mặt bất lợi, như chị Chakila chỉ ra.

“Ở đây người ta coi thường chúng ta. Cho dù tất cả hoạt động kinh doanh ở Peshawar đều do người Afghanistan điều hành. Kể cả chúng ta có xây dựng nhà cửa, có làm cho nền kinh tế khởi sắc, thì dân Pakistan vẫn không thích chúng ta.”

Và đó là sự thật.

Trong khi đó, cứ hai ngày một lần, tôi lại tận dụng không khí trong lành và đi dạo. Chúng tôi mua vải để may quần áo, mua những đôi giày mùa hè màu đen thật xịn thay thế giày thể thao, cha tặng tôi một chiếc khăn choàng dùng để cầu nguyện. Chúng tôi trò chuyện với nhau trong vườn lúc hoàng hôn. Một gia đình thực sự. Một cuộc sống đích thực.

Nhưng một tháng sau thì chúng tôi phải về nhà. Mẹ, chị Soraya và tôi thấy việc này quả là khó khăn. Tôi bỏ lại sau mình hình ảnh những người bạn cũ của tôi đang thong thả đến trường đại học, đang cười đùa, đang bước đi không chút vướng vấp khắp các đường phố Peshawar hoặc Islamabad. Phần lớn bọn họ đều có anh trai, chú, bác hoặc một người họ hàng gần, có thể giúp họ về mặt tài chính, đang sống ở nước ngoài. Cuộc sống của họ cũng không phải là sung túc. Một người bạn đã kể với tôi qua điện thoại rằng bảy người bọn họ dùng chung một phòng đơn ở Islamabad. Mặc dù vậy, bạn tôi vẫn may mắn vì được đi học. Tôi mong rằng cô ấy ý thức được sự may mắn của mình và học hành chăm chỉ như trước kia. Trong suốt cuộc chuyện trò, tôi cảm thấy cô ấy đã để mất đi một chút động lực được trở thành bác sĩ. Cô ấy có vẻ hời hợt hơn, ít lo lắng hơn trước kia. Có lẽ đó là một trong những điều mà sự tự do cho phép.

Trong chuyến trở về, chúng tôi đi bằng xe buýt, vì mẹ và tôi đã cảm thấy khỏe hơn. Những cuộc khám xét, những rào chắn, những cái nhìn quỷ quyệt của bọn Taliban, sự lăng mạ thường trực... Tôi còn cảm thấy bị tước đoạt nhiều hơn so với trước khi ra đi.

Lúc này mẹ tôi lại không chịu uống thuốc chữa bệnh tiểu đường của mình. Cha tôi và chị Soraya phải nghĩ ra đủ trò để bắt mẹ nuốt chúng. Nhưng mẹ thích thuốc an thần và thuốc ngủ của mẹ hơn. Chúng tôi canh chừng mẹ như trông một đứa trẻ. Mẹ tôi, ngày xưa khỏe mạnh và linh lợi đến thế, nay không chịu đối diện với hiện thực. Mẹ thoát ly khỏi hiện thực bằng giấc ngủ mỗi ngày một sâu hơn. Chúng tôi không biết làm gì nữa khi sự suy sụp của mẹ đã đánh bại cả bốn người chúng tôi. Truyen8.mobi

Chúng tôi còn cảm thấy chán nản hơn nữa khi anh Daoud kể rằng những trận đấu bóng đá anh vốn yêu thích là thế trên sân vận động Kabul giờ phải nhường chỗ cho màn biểu diễn một hành động gớm ghiếc mới của bọn Taliban. Giờ đây công lý được thực hiện giữa chốn công cộng. Bọn chúng treo các bị cáo lên cột dọc của khung thành, chặt tay những tên trộm, hành quyết những phụ nữ bị cho là ngoại tình bằng một viên đạn vào gáy. Đây là một cảnh tượng quái dị, ngắt quãng bằng những lời cầu nguyện bắt buộc. Khán giả bị lùa vào sân vận động bằng roi. Truyen8.mobi

Tôi không muốn nghe gì thêm về nỗi kinh hoàng trong thành phố của tôi nữa. Tôi sẽ không ra khỏi căn hộ một bước nào nữa. Tôi sẽ vừa lòng với việc nhìn ra ngoài qua cửa sổ bếp 125 và phòng ngủ càng nhiều càng tốt, như mẹ tôi, để quên đi cơn ác mộng đang hoành hành dưới ánh mặt trời sáng chói của Kabul này.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25025


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận