Lão Già Mê Đọc Truyện Tình Chương 6


Chương 6
Ăn xong món tôm càng ngon lành, lão già cẩn thận rửa sạch bộ răng giả, gói vào khăn tay và cất đi.

Rồi lão lau bàn, ném chỗ rác thức ăn ra ngoài cửa sổ, mở một chai Frontera và chọn một cuốn tiểu thuyết.

Mưa bao bọc lão khắp bốn bề, đem lại sự riêng tư không gì sánh nổi.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu thật tuyệt.

Paul hôn nàng đắm đuối, trong khi người lái thuyền, kẻ đồng lõa trong những chuyến phiêu lưu của bạn mình, vờ quay nhìn một hướng khác, và chiếc gondola, được lót đệm mềm dọc hai thành, êm đềm trôi dọc những con kênh thành Venice.

Lão đọc to đoạn văn mấy lần liền.

Gondola là cái thứ gì ấy nhỉ?

Chúng trôi dọc các con kênh. Hẳn chúng phải là thuyền hoặc xuồng rồi. Và lại còn anh chàng Paul nữa, anh ta chẳng đáng trọng chút nào, vì anh ta hôn cô gái “đắm đuối” trước mặt một người bạn, kẻ đồng lõa trong phi vụ này.

Nhưng lão thích đoạn mở đầu này.

Lão cho là tác giả đã rất đúng khi làm rõ từ đầu ai là kẻ xấu. Theo đó người ta sẽ tránh được sự hiểu nhầm và đặt lòng cảm thông không đúng chỗ.

Còn về nụ hôn, thế nào là “đắm đuối”? Phải quỷ quyệt đến mức nào mới làm được như thế?

Lão nhớ lại một vài lần lão đã hôn Dolores Encarnación del Santísimo Sacramento Estupiñán Otavalo. Có lẽ dù lão không ý thức được, nhưng một trong số mấy nụ hôn hiếm hoi ấy là đắm đuối, y như nụ hôn của anh chàng Paul trong truyện. Dù sao, cũng chẳng có nhiều nụ hôn cho lắm, vì vợ lão hoặc đáp lại bằng những trận cười lớn hoặc bảo rằng họ thật tội lỗi làm sao.

Những nụ hôn đắm đuối. Những nụ hôn. Lão chợt nhận ra mình đã rất hiếm khi hôn, và cũng chỉ với vợ, vì hôn hít là chuyện xa lạ với người Shuar.

Đàn ông và đàn bà Shuar âu yếm nhau, ôm ấp khắp cơ thể, và cũng chẳng vấn đề gì nếu có nhiều người ở xung quanh. Nhưng thậm chí ngay giữa cơn yêu đương vật vã họ cũng chẳng hôn bao giờ. Người đàn bà thích ngồi lên trên người đàn ông, bảo rằng tư thế này khiến họ thấy cuộc yêu thêm sức mạnh, và như thế những khúc anent xuyên suốt cuộc vui càng thôi thúc nồng nàn.

Không, người Shuar chẳng bao giờ hôn cả.

Lão cũng còn nhớ có lần nhìn thấy một tên đào vàng nằm trên một người đàn bà Jibaro, một sinh vật khốn khổ chuyên bám lấy dân khai hoang và bọn tìm vàng để nài xin một ngụm rượu. Bất kỳ ai thích cũng có thể mang cô đến một góc vắng và chiếm đoạt cô. Người đàn bà tội nghiệp, bị men rượu tàn phá, không còn nhận ra người ta đang làm gì với mình nữa. Lần này kẻ săn tìm vận may đặt ngửa cô trên bãi cát và cố ấn miệng mình vào miệng cô.

Người đàn bà phản ứng như một con thú hoang. Cô xô tên đàn ông ra, ném một nắm cát vào mắt hắn, bỏ chạy, nôn mửa, bộc lộ nỗi ghê tởm thực sự.

Nếu như đấy chính là nụ hôn kiểu đắm đuối, thì anh chàng Paul trong truyện đúng là một kẻ đáng ghê tởm.

Đến trưa, lão đã đọc và ngẫm nghĩ được khoảng bốn trang, đang lo lắng vì không thể tưởng tượng được Venice bằng đặc điểm của những thành phố khác mà lão đã hình dung ra qua những cuốn tiểu thuyết trước.

Ở Venice, rõ ràng là các con phố đều dưới nước và người ta phải đi lại bằng gondola.

Gondola. Lão mê tít cái từ “gondola”, đó sẽ là cái tên rất hợp cho chiếc xuồng của lão. Chiếc Gondola của dòng Nangaritza.

Buổi chiều mơ ngủ bọc lấy lão lúc này đã chìm trong hàng đống suy nghĩ, và lão duỗi mình trên võng, mỉm cười thú vị khi tưởng tượng cảnh người ta mở cửa nhà, bước ra, và rơi thẳng xuống sông.

Buổi tối, sau khi tống đầy bụng tôm càng, lão vừa chuẩn bị đọc tiếp thì có tiếng kêu la bên ngoài khiến lão không thể tập trung được, buộc phải thò đầu ra khỏi cửa trong màn mưa xối xả.

Một con lừa đang phi nước đại điên cuồng dọc lối đi nhỏ, kêu be be ầm ĩ bằng cái giọng đã khàn và đá tung bất kỳ ai cố tóm nó lại. Sự tò mò trỗi dậy, lão trùm chiếc áo choàng nhựa lên vai và đi ra xem chuyện gì.

Sau cuộc chiến đấu vất vả, những người đàn ông đã quây một vòng quanh con thú đang lồng lộn chực tìm lối thoát, và vừa tránh những cú đá móng guốc vừa thu hẹp vòng tròn lại. Vài người mất thăng bằng ngã xuống, mình sũng bùn, nhưng cuối cùng họ cũng tóm được dây cương và ghìm nó lại.

Con lừa bị nhiều vết cắt sâu hai bên hông và máu đang chảy túa ra từ một vết thương kéo suốt từ đầu đến chỗ đám lông lơ thơ trên ngực.

Viên thị trưởng, lúc này không còn ô nữa, ra lệnh ghìm chặt con vật trong khi hắn giải thoát cho nó khỏi cơn khốn khổ. Phát súng đi trúng đích. Con vật đá tung chân vài lần rồi nằm bất động.

“Nó là lừa của Alkaseltzer Miranda,” ai đó lên tiếng.

Những người khác đều thừa nhận. Miranda là dân khai hoang, sống cách El Idilio chừng bảy kilômét. Ông ta không còn cày cấy gì trên mảnh đất đã bị rừng già giành lại nữa, mà mở một cửa hiệu tuềnh toàng bán rượu, thuốc lá, muối, và Alka-Seltzer – thứ đã trở thành biệt hiệu của ông ta – nơi những tên tìm vàng kiếm nguồn tiếp tế mỗi khi không muốn đi tới tận làng.

Con lừa được thắng yên, điều đó có nghĩa là người cưỡi nó đang ở đâu đó quanh đây.

Viên thị trưởng ra lệnh lập một nhóm tìm kiếm sẵn sàng để sáng hôm sau lên đường đến cửa hiệu của Miranda, rồi bảo hai người đàn ông xẻ thịt con vật.

Những con dao rựa làm việc thoăn thoắt dưới mưa. Chúng xuyên vào những thớ thịt chết đói, rút ra dính đầy máu, và khi chuẩn bị xuyên vào lần nữa để xử lý mấy chiếc xương cứng đầu thì đã kịp được cơn mưa xối xả rửa sạch không còn chút dấu vết.

Các súc thịt được đem đến cửa tòa thị chính, và tên béo phân phát cho những người đứng quanh.

“Lão già, lão thích miếng nào?”

Antonio José Bolívar đáp rằng lão chỉ muốn một miếng gan nhỏ, hoàn toàn ý thức được rằng sự tốt bụng của tên béo là cái cách hắn xếp lão vào đội tìm kiếm rồi.

Lão trở về lều, trong tay cầm chắc miếng gan còn nóng hổi, trong khi những người khác đem cái đầu và những phần không ăn được của con vật ném ra sông. Đã hoàng hôn rồi, và trên nền tiếng mưa người ta có thể nghe thấy tiếng lũ chó sủa ầm ĩ tranh giành phần ruột dính đầy bùn của nạn nhân mới nhất kia.

Vừa rán miếng gan rắc thêm mấy nhánh hương thảo, lão vừa nguyền rủa cái sự kiện nọ đã dứt lão ra khỏi cái ổ yên bình lặng lẽ của lão. Giờ đây lão không còn tập trung đọc được nữa mà chỉ có thể nghĩ về chuyện viên thị trưởng sẽ dẫn đầu trong cuộc viễn chinh ngày mai.

Ai ai cũng biết viên thị trưởng đã sẵn lòng đố kị đối với lão, và nỗi oán hận của hắn càng tăng lên kể từ hôm xảy ra chuyện với những người Shuar và cái xác tên ngoại bang.

Tên béo có thể gây khó khăn cho lão, như lão đã biết rất rõ từ một chuyện trong quá khứ.

Giận dữ, lão lắp bộ răng giả vào miệng để nhai miếng gan rán khô. Lão thường nghe nói là sự khôn ngoan đến cùng với tuổi tác, và lão chờ đợi, tin rằng sự khôn ngoan này sẽ cho lão thứ lão muốn nhất: Khả năng dẫn dắt ký ức và khả năng tránh lọt vào những cái bẫy nhằm vào mình.

Nhưng cuối cùng, một lần nữa, lão lại sập bẫy, trở nên điếc đặc trước tiếng mưa đều đều rơi.

* * *

Vài năm đã qua, kể từ buổi sáng có một chiếc thuyền không giống bất cứ chiếc nào từng thấy trước kia tới neo lại trên bến El Idilio. Một chiếc thuyền máy đáy rộng, đủ chỗ cho cả tám người du lịch thoải mái, có hai hàng ghế xếp dọc, chứ không phải kiểu một hàng như các chuyến du lịch bằng xuồng thông thường.

Con thuyền lạ này mang tới bốn người Mỹ được tranh bị đủ máy ảnh, lương thực, và đủ các thứ linh tinh chẳng ai biết dùng để làm gì. Chúng bỏ ra mấy ngày để dỗ dành vuốt ve và chuốc whisky cho viên thị trưởng, cho tới khi tên béo tự hào dẫn chúng tới căn lều của lão già và giới thiệu rằng lão là một chuyên gia địa phương về Amazonia.

Hơi thở tên béo bốc mùi và hắn cứ luôn mồm gọi Antonio José Bolívar là bạn và là cánh tay phải của mình, trong khi đám ngoại bang chụp hình cả hai, không những thế mà còn cả bất cứ thứ gì trong tầm ngắm máy ảnh của chúng.

Không đợi mời, chúng bước thẳng vào căn lều của lão, và một trong số chúng, sau những tràng cười sặc sụa, cứ nằng nặc đòi mua bức chân dung của lão với Dolores Encarnación del Santísimo Sacramento Estupiñán Otavalo. Tên ngoại bang thậm chí còn bạo gan dám tháo bức hình xuống và cho vào cái túi đeo lưng, đổi lại là một nắm tiền giấy vứt trên bàn.

Hết sức khó khăn, lão già kìm nén cơn giận điên người và cất tiếng.

“Hãy nói với thằng khốn kia rằng nếu nó không để tấm ảnh lại chỗ cũ, tôi sẽ cho nó hai viên bắn tung hòn của nó lên đấy. Và nói với nó là súng của tôi lúc nào cũng sẵn đạn.”

Lũ khách không mời mà đến hiểu tiếng Tây Ban Nha, và không cần viên thị trưởng phải giải thích thêm về ý định của lão già nữa. Bằng một giọng thân thiện, tên béo nói chúng hãy thông cảm, và giải thích rằng ở nơi này những kỷ niệm gia đình luôn được tôn thờ; rằng chúng không nên lo lắng; những người Ecuador nói chung, và hắn nói riêng, thực sự yêu mến người Mỹ, và nếu chúng muốn vài món đồ lưu niệm để mang đi, thì hắn hứa danh dự là chúng sẽ có.

Ngay khi bức hình được treo lại chỗ cũ, lão già gẩy chốt an toàn trên súng và buộc chúng phải cuốn gói.

“Lão già điên,” viên thị trưởng rên lên cáu kỉnh, “ta sẽ mất một quả đậm chỉ vì lão thôi. Chúng ta đều mất một món hời. Ông ta đã trả lại tấm hình cho lão rồi. Lão còn muốn gì nữa chứ?”

“Tôi muốn chúng biến đi. Tôi không quan hệ gì với loại người không biết tôn trọng nhà của người khác.”

Viên thị trưởng định nói thêm, nhưng khi nhìn thấy vẻ khinh khỉnh trên khuôn mặt những vị khách của mình trước khi chúng quay đi, hắn trở nên mất bình tĩnh.

“Lão mới chính là kẻ phải cuốn gói, lão già khùng dở.”

“Đây là nhà tôi.”

“Ồ, thật ư? Chẳng lẽ lão chưa bao giờ thắc mắc ai là chủ cái mảnh đất mà lão dựng cái nhà rách của lão sao?”

Antonio José Bolívar bất ngờ trước câu hỏi này. Lão từng có một tờ giấy chứng nhận sở hữu hợp pháp mang tên mình trên một mảnh đất hai héc ta, nhưng là ở cách đây vài kilômét về phía thượng nguồn.

“Nó chẳng là của ai cả. Không ai là chủ hết.”

Viên thị trưởng cười phá lên vẻ đắc thắng.

“Chà, lão sai rồi. Tất cả đất đai bên sông, tính từ bờ cho đến một trăm mét trong đất liền, là của Nhà nước. Và trong trường hợp lão đã quên, thì ở đây ta chính là Nhà nước. Lão chưa nghe đến đoạn này đâu. Ta sẽ không quên những gì lão vừa làm, và ta không dễ dàng bỏ qua đâu.”

Lão già cảm thấy trào lên thôi thúc mạnh mẽ muốn bóp cò súng và cho hắn ăn đạn. Lão thậm chí còn hình dung ra cảnh loạt đạn kép phóng thẳng vào cái bụng phệ to tướng kia, xô hắn ngã ngửa ra sau trong khi ruột gan phèo phổi và một khoảng lưng hắn nổ tung tóe.

Tên béo trông thấy tia sáng lóe lên trong mắt lão liền quyết định đã đến lúc phải tránh cho xa. Hắn lóc cóc chạy đuổi theo mấy tên người Mỹ nọ.

Ngày hôm sau chiếc thuyền đáy lớn rời bến với đoàn thủy thủ đã được bổ sung. Cùng đi với bốn tay người Mỹ là một người khai hoang và một người Jibaro được viên thị trưởng giới thiệu là các chuyện gia rừng rậm.

Antonio José Bolívar Proaño, với súng ống sẵn sàng, ngồi đợi tên béo tới viếng thăm.

Nhưng tên béo không bén mảng tới căn lều của lão. Thay vào đó, lão lại đón Onecén Salmudio, ông bạn người vùng Vilcabamaba đã tám mươi tuổi. Lão già quý ông vì họ đều là dân vùng núi tới đây.

“Có chuyện gì vậy hả, ông bạn già?” Onecén Salmudio hỏi ngay sau khi chào lão.

“Chẳng gì cả, ông bạn. Ông nói đi xem nào.”

“Tôi biết có chuyện đang xảy ra đấy, ông bạn ạ. Cóc Nhớt đã đến chỗ tôi bảo tôi đi cùng đám ngoại bang vào rừng. Phải mất một lúc mới thuyết phục được hắn là ở tuổi này, tôi không thể đi đâu xa được. Cóc Nhớt cứ bám lấy tôi. Hắn lải nhải mãi, bảo là bọn ngoại bang sẽ vui mừng biết bao khi có tôi đi cùng, vì rằng tên tôi đúng kiểu ngoại bang.”

“Sao thế được, ông bạn?”

“Là thế này. Onecén là tên một vị thần của lũ ngoại bang. Nó được in trên các đồng xu con con của bọn chúng và được viết thành hai chữ, thêm một chữ cái ‘t’ ở cuối chữ thứ hai.” (*)

“Này ông bạn, tôi không nghĩ là ông đến để kể cho tôi nghe về cái tên của ông đâu.”

“Không. Tôi đến để bảo ông phải cẩn thận. Cóc Nhớt đã thù ông rồi. Ngay trước mặt tôi, hắn còn nhờ bọn ngoại bang nói chuyện với viên thanh tra trưởng khi nào chúng trở về El Dorado và bảo ông ta cử hai viên cảnh sát địa phương tới theo dõi ông. Hắn muốn tống cổ ông ra khỏi cái nhà này đấy, ông bạn ạ.”

“Tôi có đủ đạn cho cả lũ chúng nó,” lão trấn an Onecén. Nhưng suốt mấy đêm sau đó lão không tài nào ngủ được.

Liều thuốc chữa mất ngủ đến sau đó một tuần, cùng với sự trở về của con thuyền đáy rộng. Bọn ngoại bang chẳng buồn neo thuyền cho tử tế. Chúng đâm thẳng vào những chân cọc đỡ bến tàu và chẳng buồn tháo đồ xuống. Chỉ còn ba tên, và cả ba chạy đi tìm viên thị trưởng ngay khi đặt chân lên đất liền.

Chỉ một lát sau đó, tên béo tìm đến lão để làm hòa.

“Này, lão già, trò chuyện luôn giúp cho người ta tìm được tiếng nói chung. Những gì ta đã nói với lão đều là sự thực. Nhà của lão dựng trên đất của Nhà nước và lão không có quyền ở đây. Hơn nữa, lẽ ra ta đã bắt lão vì tội chiếm dụng bất hợp pháp, nhưng vì chúng ta là bạn bè, và vì tay này rửa cho tay kia và cả hai tay đều chùi đít, nên chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau.”

“Ông muốn tôi làm gì bây giờ?”

“Trước hết, hãy nghe đã. Ta sẽ nói cho lão chuyện gì đã xảy ra. Lúc bọn chúng dựng lều lần thứ hai, thằng Jibaro bỏ trốn cùng với hai chai whisky. Lão biết bọn mọi rợ này thế nào rồi đấy. Bọn nó chỉ nghĩ đến trộm cắp thôi. Thằng khai hoang bảo với chúng rằng chẳng sao cả. Lũ ngoại bang rất háo hức muốn đi sâu vào trong rừng và chụp ảnh bọn Shuar. Ta chẳng hiểu sao chúng lại thích thú cái lũ Anhđiêng trần như nhộng ấy đến thế cơ chứ. Dù sao thì thằng khai hoang vẫn dẫn chúng đến tận chân núi Yacuambi chẳng khó khăn gì. Vậy mà chúng nói chúng bị lũ khỉ tấn công. Ta chẳng hiểu nổi một tí ti gì những điều bọn chúng nói, vì chúng nó cứ rối rít hết cả lên, cả ba nói cùng một lúc. Chúng nói lũ khỉ đã giết thằng khai hoang và một người của bọn chúng. Ta không thể tin được. Ai từng nghe đến chuyện khỉ giết người chưa? Hơn nữa, chỉ tung chân một phát là hạ được cả tá khỉ rồi. Ta không hiểu gì cả. Ta đoán đó chắc là bọn Jibaro. Lão nghĩ sao?”

“Ông biết rất rõ là người Shuar luôn tránh xa mọi rắc rối. Tôi cá là bọn chúng chẳng nhìn thấy một người Shuar nào cả. Nếu như, theo lời chúng nói, anh chàng khai hoang kia dẫn bọn chúng đến tận Yacuambi, thì người Shuar đã rời khỏi đó khá lâu rồi. Và tôi nói với ông điều này nữa: lũ khỉ có tấn công đấy. Đúng là bọn chúng nhỏ thật, nhưng một ngàn con khỉ thì có thể xé một con ngựa nát thành từng mẩu đấy.”

“Ta vẫn không hiểu. Bọn ngoại bang không đi săn kia mà. Bọn chúng thậm chí còn không mang vũ khí nữa.”

“Còn rất nhiều thứ ông chưa hiểu được đâu. Chính tôi đã sống bao nhiêu năm trời trong rừng rồi. Nghe đây. Ông có biết người Shuar làm gì trước khi đi vào vùng đất của khỉ không? Đầu tiên là họ bỏ hết các đồ đeo trên người ra; họ không mặc gì hết để khỏi khiến chúng nảy tính tò mò, và họ kẹp dao rựa giữa những miếng vỏ cây cọ dài đã đốt khô. Thử tượng tưởng một lũ ngoại bang, với máy ảnh, đồng hồ đeo tay, vòng xích bạc, khóa thắt lưng, dao, đúng là một trung tâm lấp lánh đầy ma thuật trước bản tình tò mò của lũ khỉ. Tôi biết vùng đất khỉ và tôi biết kiểu cách của chúng. Tôi nói cho ông hay, nếu ông bỏ sót một chi tiết thôi, nếu ông còn mang một thứ dù nhỏ bé nhất mà lọt vào mắt một con khỉ và nó từ trên cây đu xuống để lấy, thì tốt nhất là hãy đưa cho nó, bất kể thứ gì. Bởi vì nếu ông chống lại, lũ khỉ sẽ bắt đầu kêu gào và chỉ vài giây sau thôi, hàng trăm, hàng ngàn con quỷ nhỏ hung dữ sẽ nhào xuống điên cuồng quấn phủ lấy ông.”

Tên béo lắng nghe, vuốt mồ hôi đang túa ra.

“Ta tin lão. Nhưng đấy là lỗi của lão cả, vì lão không chịu đi dẫn đường cho chúng. Sẽ chẳng xảy ra chuyện gì nếu lão ở đó. Mà bọn chúng lại có một lá thư giới thiệu từ ngài thống đốc nữa chứ. Ta ngập trong mớ bòng bong này mất rồi, và lão phải giúp ta thoát.”

“Chúng cũng sẽ chẳng thèm quan tâm đến tôi đâu. Bọn ngoại bang luôn nghĩ là chúng biết tuốt mà. Nhưng ông vẫn chưa nói là cần tôi làm gì.”

Viên thị trưởng rút một chai whisky nhỏ từ trong túi ra, mời lão một ngụm. Lão già nhận lấy, chỉ để xem mùi vị thế nào, nhưng rồi ngay lập tức thấy xấu hổ vì nỗi tò mò đúng y như khỉ của mình.

“Chúng muốn một người đi nhặt những thứ còn sót lại của tên bạn kia. Ta hứa là chúng sẽ trả rất hậu, và lão là người duy nhất có thể làm được việc đó.”

“Được thôi. Nhưng tôi chẳng cần tí gì trong những thỏa thuận của ông cả. Tôi sẽ mang về những gì sót lại của tên ngoại bang kia và chỉ cần ông để tôi được yên.”

“Tất nhiên rồi, lão già. Như ta đã nói đấy, trò chuyện giúp người ta được đồng lòng.”

Lão chẳng gặp khó khăn gì khi tìm đến chỗ đám người Mỹ cắm trại đêm đầu tiên. Rồi lão dùng dao rựa vạch đường tới tận dãy núi Yacuambi, một vùng rừng trên cao, phong phú quả dại, nơi có mấy đội quân khỉ thiết lập lãnh thổi. Ở đó lão chẳng mất công lần dấu vết. Đám người Mỹ đã vứt lại nhiều thứ trong chuyến đi của mình đến mức lão chỉ phải lần theo chúng để tìm đến chỗ những nạn nhân xấu số kia.

Lão tìm thấy xác người khai hoang trước. Lão nhận ra nhờ cái sọ không còn răng của anh ta. Tên Mỹ thì nằm xa hơn, cách đó vài mét. Lũ kiến đã hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo, bỏ lại bộ xương trơn nhẵn như thạch cao. Bộ xương của tên người Mỹ xếp hạng cuối cùng trong mối quan tâm của lũ kiến. Lúc này chúng đang khiêng mái tóc vàng rơm của y đi từng sợi từng sợi một, trông như thể những nữ tiều phu tí hon đang đốn những cây đồng để gia cố cho lối vào đường hầm tới cái tổ của mình thêm vững chắc.

Không chút vội vàng, lão đốt một điếu xì gà và hút trong khi ngắm đám sâu bọ côn trùng đang bận rộn, thờ ơ với sự có mặt của lão. Chợt nghe thấy một tiếng động phía trên, lão không thể không bật cười phá lên. Một con khỉ bé tí từ trên cây rơi nhào xuống vì bị kéo xệ bởi sức nặng của chiếc máy ảnh mà nó vẫn đang cố bám giữ thật chặt.

Điếu xì gà cháy hết. Với con dao rựa, lão giúp lũ kiến gọt vét sạch nốt cái sọ rồi bỏ tất cả xương vào chiếc túi đi rừng.

Lão cố tìm được duy nhất một thứ còn lại thuộc về tên Mỹ khốn khổ kia: cái dây lưng với mặt khóa hình móng ngựa bằng bạc mà lũ khỉ không tài nào mở ra được.

Lão quay trở về El Idilio và đưa trả những thứ còn lại đó; viên thị trưởng để cho lão sống yên ổn, và lão chỉ cần có thế, vì đó là thứ mang đến cho lão những phút giây thư giãn bên sông, đứng tựa vào chiếc bàn cao mà chậm rãi đọc những câu truyện tình.

Và bây giờ sự bình yên ấy một lần nữa lại bị đe dọa bởi viên thị trưởng, kẻ đang ép lão tham gia vào đội tìm kiếm, và hơn cả là bởi những móng vuốt sắc nhọn đang lẩn trốn đâu đó trong sâu thẳm rừng già.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87755


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận