LiLa K Hành Trình Tìm Lại Chương 6


Chương 6
Đến vào một buổi sáng - rất sớm, như thói quen của em - em nhìn thấy ánh sáng lọt qua những mành sáo của văn phòng rộng có tường kính.

Ngay lúc ấy, em đứng sững lại, hơi thở bị đứt, đột nhiên không thể đi thêm bước nào nữa, trong khi hai cánh cửa thang máy từ từ khép lại đằng sau em. Thật là ngốc, phải không? Em đã chờ đợi quá lâu để thấy phòng này có hoạt động. Đáng ra em phải vui sướng lắm và bùng cháy vì thiếu kiên nhẫn. Nhưng thay vì thế, em cảm thấy trào dâng trong lòng như một mong muốn, mong muốn mọi thứ trở lại như trước: văn phòng trống, im lặng, tắt đèn, từng đồ vật ở nguyên chỗ của chúng - nhất là không có gì động đậy. Và cái tên này được khắc trên tấm biển, Milo Templeton, mà không có người mang cái tên ấy trong phòng. Đúng vậy, em rất muốn tất cả trở lại như trước. Em sợ bị thất vọng.

Cả tầng nhà vẫn chìm trong bóng mờ tối. Chỉ có ánh sáng của những chiếc đèn ngủ chạy dọc dưới chân cột, và đèn tường lọt qua cửa kính ra ngoài hành lang, đằng kia, từ văn phòng rộng có tường kính. Và em, chôn chân trên thềm nghỉ cầu thang như một tượng xác ngu đần, đếm từng giây trong khi chờ cơn bão trong lòng lắng xuống.

Đếm đến 547, em tự nhủ, thế là đủ rồi, mày sẽ không đứng ở đây trong nhiều giờ, sớm hay muộn mày cũng buộc phải vào phòng của mày, vậy thì hãy đến đó ngay lập tức. Em đã lấy lại can đảm, hít một hơi sâu, và bắt đầu bước, tay nắm chặt lọ thuốc trong túi áo khoác - điều này luôn rất hiệu quả, gần như thể em vừa uống một viên thuốc, nhưng không có các tác dụng phụ vậy.

Đi đến ngang ô cửa, em tiến lại gần, thật chậm, không một tiếng động. Em nhất định phải nhìn, em không thể cưỡng lại nổi. Em biết vậy. Em đã quá chờ đợi, và cũng có thể, đã quá mơ ước đứng trước văn phòng vắng lặng này. Em ghé mắt nhìn qua khe mành sáo. Và đây, lần đầu tiên em nhìn thấy anh.

 

Cúi người bên bàn làm việc, với vẻ chăm chú, anh đang tra cứu các tờ báo cũ đã ố vàng. Những nếp nhăn trên trán, đó là điều em nhận thấy trước tiên. Những nếp nhăn này, thật khó có thể tin được ở một người đàn ông vẫn còn trẻ thế - mới 35 tuổi, theo những gì đọc được trong mục tiểu sử vắn tắt lưu trong trang mạng của Thư viện. Không một tấm hình nào kèm theo - khác hẳn với ông Copland, anh là một người kín đáo, và anh không muốn bị phát tán bằng những


tấm hình.

Em đã không bao giờ thử tưởng tượng về anh - em muốn nói là về mặt hình dáng. Nhưng dẫu sao, em cũng không ngờ thấy khuôn mặt quá già nua đến thế. Hãy hiểu rõ: em không nói là em thấy xấu. Hoàn toàn không. Chỉ là khuôn mặt ấy gây cho em một chút bối rối. Khác biệt.

Ngay sau đó, em phát hiện đôi bàn tay anh. Đôi bàn tay không đeo găng. Kể từ thời ông Kauffmann, đây là lần đầu em thấy một người giở các trang tài liệu giấy mà không mang bất cứ phương tiện bảo vệ nào. Em không xác định được điều đó làm em xúc động đến nhường nào. Đây chắc hẳn là lý do em đứng trộm ngắm anh lâu đến thế. Em không tài nào rời mắt khỏi đôi bàn tay anh, những ngón tay anh lật những trang giấy.

Rồi đột nhiên anh ngẩng đầu lên, em bật lùi lại phía sau để ẩn mình trong bóng tối hành lang. Nép sát vào tường, nín thở, em thấy anh nhìn chăm chú vào bóng tối. Trong đầu em chỉ còn sự hỗn loạn. Sự ngạc nhiên - hoặc cảm giác bị làm phiền - càng làm hiện rõ các nếp nhăn trên trán anh. Điều đó chỉ làm tăng thêm nỗi hoảng sợ trong em.

Anh vẫn nghe ngóng, thêm vài giây, rồi anh nở một nụ cười kì lạ, trước khi lại vùi vào đống tài liệu phủ đầy trên bàn làm việc. Em bỏ chạy như một tên trộm.

Justinien đến lúc 9 giờ.

- Ông Templeton đã trở về rồi đấy!

- Ừ, tôi biết, Justinien ạ, - em trả lời bằng giọng mà em muốn bình tĩnh hơn - nhưng em vẫn chưa hoàn toàn dẹp yên những cảm xúc của mình.

- Chị không thể biết tôi vui thế nào vì ông ấy trở về đâu! Trái tim tôi được an ủi, đó là mật ong, là mặt trời, là đầy ánh nắng. Sẽ có thay đổi, chị sẽ thấy: bây giờ, những người khác sẽ không gây chuyện với tôi nữa.

- Tôi thấy vui thay cậu.

- Chị không có vẻ khỏe lắm.

- Có, có, tôi ổn mà.

Cậu ta nháy mắt với em bằng cái mí mắt đầy sẹo.

Chị đừng lo, tôi không quên chị đâu. Tôi có mọi thứ chị cần, như mọi khi.

Em gượng cười.

- Cảm ơn cậu, Justinien. Tôi thật chẳng biết làm thế nào nếu không có cậu.

- Chắc chắn rồi, tôi khá có ích cho chị mà!

Rồi cậu ta tiến lại gần nói thầm vào tai em:

- Dù thế nào đi nữa, chị hãy biết rằng tôi sẽ làm bất cứ việc gì vì chị.

 

Công việc buổi sáng của em không được hiệu quả lắm: em đã mắc nhiều lỗi, khi thì quên lệnh, lúc thì nhảy trang, có khi thì scan xiêu vẹo. Lúc khoảng 11 giờ, anh dừng lại trên hành lang ngang phòng em, em làm ra vẻ đang rất tập trung vào việc scan tài liệu, và em ngoan cố cúi mặt xuống, cho đến khi anh quyết định bước tiếp.

 

Em rời khỏi phòng lúc 17 giờ, thậm chí không nhìn qua những bài báo Justinien mang lên cho em. Trong hành lang, em bước nhanh, vừa đi vừa đếm. Đến bước chân thứ 19, rẽ trái, đến 103, rẽ trái tiếp. Đến 122, em ở trước phòng của anh. Đi qua mà không nhìn. Sau đó, nín thở đi thẳng, đến 65, là thang máy.

Khi em gọi thang máy, các ngón tay em để lại vết ẩm trên mặt nút nhôm nhẵn bóng.

- Cô K!

Em giật mình.

- Có thể gặp cô một phút được không?

Em quay lại, như người chết rồi. Ông Copland gọi em từ ngưỡng cửa phòng anh.

- Cô K, có người muốn gặp cô.

Em nhìn thấy anh đứng cạnh ông Copland trên ngưỡng cửa. Chuyện không thể tệ hơn. Em nín thở, rồi đính một điệu cười trên môi, và em bước về phía anh. Nhưng điệu cười không lừa phỉnh được ai.

- Thôi nào, đừng sợ! - Ông Copland nói. - Chúng tôi không ăn thịt cô đâu!

Rồi ông ta khẽ cười tinh quái, tuy không độc ác nhưng khiến em thêm bối rối. Anh nghiêm trang nhìn em, không chia sẻ vẻ tươi cười của ông Copland. Em những tưởng muốn thấy anh tươi cười hơn, trong hoàn cảnh này - vì vậy, chúng ta không bao giờ hài lòng.

- Thưa cô, giới thiệu với cô đây là anh Templeton, giám đốc bộ phận số hóa, vừa mới trở về sau nhiệm vụ vĩ đại trong Vùng, - ông Copland nói.

 

Trong lối nói cường điệu của ông ta có một kiểu mỉa mai gì đó khiến em thấy khá khó chịu.

- Anh Milo, đây là cô K, đã vào làm việc cùng chúng ta được hơn một năm, sau chuyến đi của anh đến với những kẻ hoang dã trong Vùng.

Em vẫn nhận thấy vẻ tự do quá trớn ông ta nói với anh. Điều đó gần như là khiêu khích, nhưng anh vẫn kiên nhẫn. Ông Copland coi thường anh, vẻ nửa đùa cợt nửa độc ác và, trong một lúc, ông ta và anh cười với nhau như những con chó cùng đàn, như thể em không còn tồn tại nữa vậy. Rồi ông Copland nói tiếp, vẫn tiếp tục với giọng liến thoắng:

- Ở đây cô K đảm nhận một công việc đặt trước. Và cô ấy thể hiện là một nhân viên kiểu mẫu.

Em cảm thấy đỏ mặt, một chút vì khiêm tốn, còn chủ yếu bởi vì em thấy không xứng đáng với lời khen ngợi ấy.

- Chi tiết sẽ làm anh thấy vui, anh Milo ạ, tôi nghe đồn cô K hòa hợp một cách tuyệt vời với anh chàng được anh bảo vệ... tên là gì nhỉ, à... Justinien, đúng không nhỉ? Tóm lại, tôi nhớ là các nhân viên gọi cậu ta bằng một cái tên khác... Không quan trọng. Hãy nhớ rằng cô K đã che chở cho cậu ta. Thật cảm động, đúng không? Anh chàng tội nghiệp đó đã chuyển biến. Cuối cùng, chúng ta có thể nói...

Không bận tâm đến lời mỉa mai, anh khẽ nói:

- Vâng, cậu ấy đã kể với tôi.

Ông Copland kiên trì:

- Hỏi nghiêm túc nhé, thưa cô, cô đã thấy gì ở cậu ta, anh chàng đáng thương đó?

 

- Tôi... tôi... tôi thích cách nói của cậu ấy.

- Cách nói của cậu ta, ah, ah! Cách nói của cậu ta! - Ông Copland phá cười.

Lúc này anh nhìn em chăm chăm. Em đỏ mặt, cúi đầu xấu hổ.

- Anh hiểu rồi đấy, anh Milo, cô K đây là một người hoàn toàn không điển hình và giàu tri thức! Ngoài khả năng đối đáp mà vừa rồi chúng ta vừa chứng kiến, vốn văn hóa của cô ấy thật ấn tượng, mà những công việc tầm thường được giao cho cô ấy là không tương xứng. Anh hãy đọc hồ sơ của cô ấy, và rồi cho tôi biết ý kiến của anh.

Anh gật đầu vẻ suy nghĩ, vẫn không rời mắt khỏi em:

- Tôi không ngạc nhiên về điều ông nói với tôi, ông Félix thân mến. Bản thân tôi đã có thể kết luận rằng cô K được thiên phú một khả năng quan sát tốt.

- Ôi, rất tốt, rất tốt! - Ông Copland trả lời mà chẳng hiểu gì, trong khi em càng đỏ mặt hơn nữa.

Anh nói thêm trong một nụ cười nửa miệng:

- Thưa cô, tôi lấy làm hân hạnh được làm quen với cô.

Lúc này, em ấp úng một câu nhạt nhẽo nào đó để nói rằng em cũng vui. Câu chuyện giới thiệu diễn ra. Chúng ta bắt tay nhau, ngắn gọn. Việc này không làm em thấy ghét, em phải nói với anh như vậy.

 

Giờ đây, em có thể thừa nhận rõ ràng: ngay từ đầu, anh đã cuốn hút em - ngay từ đầu, em muốn nói trước cả cuộc gặp gỡ của chúng ta. Vì những cuốn sách trên bàn làm việc của anh, những chiếc bút trên chiếc bàn nhỏ, những bức chân dung trên các bức tường. Điều đó không cản trở em giữ khoảng cách. Nói chuyện với anh, tạo ra một mối liên hệ, có lẽ đi ngược lại các nguyên tắc của em. Chúng ta biết chuyện bắt đầu từ đâu, mà không bao giờ biết chuyện kết thúc ở đâu, và em không muốn có một rủi ro nào, anh hiểu không? Dù sao, em không thể cho phép mình bị phân tán. Em biết rằng, để thành công, em không bao giờ được đánh mất mục đích của mình, chuyến đi dẫn em đến với mẹ. Em phải chuẩn bị cho việc đó. Chỉ có điều đó là đáng kể. Anh cũng như những người khác, em không có chỗ để dành cho.

Thỉnh thoảng, trong khi em đang làm việc, anh đến quan sát em qua tấm kính, như với ngày đầu tiên. Trong nhiều phút liền, anh đứng lùi trong hành lang, mắt nhìn em không rời. Em vờ như đang quá chăm chú vào công việc nên không nhận ra anh, nhưng không thể ngăn cản bản thân tự đặt ra những câu hỏi. Tại sao anh làm vậy? Có phải anh coi em như một con bé lạ lùng ngớ ngẩn? Anh nghi ngờ em có những dàn xếp với Justinien? Anh là người thân thiện hay đáng ngờ? Để biết được, có lẽ em phải dám nhìn vào
mắt anh.

 

Cả hai có lẽ có thể tiếp tục như thế mãi, anh quan sát em trong im lặng, em trốn tránh anh và băn khoăn những câu hỏi không lời đáp. Cả hai có lẽ có thể tiếp tục như thế mãi mãi, miễn là đừng bao giờ để ánh mắt chạm nhau. Nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng được lựa chọn, phải vậy không anh? Đôi khi, sự tình cờ quyết định cho chúng ta. Sau đó, tùy theo kết quả, mà chúng ta gọi đó là may mắn, hay đen đủi. Hay đồng thời cả hai.

 

Một buổi sáng, khi đến phòng, em nhận ra mình đã làm mất chiếc khăn quàng. Chắc nó rơi trong thang máy mà em không nhìn thấy, lúc em cởi áo pull. Hoặc có thể trong hành lang. Thật may, vẫn còn sớm; tầng nhà gần như vắng lặng. Nếu nhanh chân, em có cơ may tìm lại nó trước khi ai đó nhìn thấy.

Ngay lập tức em sải bước chạy quay lại. Rẽ trái, hành lang rộng, lại rẽ trái, em rất tức bụng. Bỗng nhiên, em đứng khựng lại: anh ở đó, trên ngưỡng cửa phòng anh, với chiếc khăn cầm trên tay.

- Nó là của cô à?

Em sợ hãi đến nỗi suýt trả lời không. Rồi em trấn tĩnh lại, và khẽ trả lời đúng với một giọng rất lạ, và hơi buồn cười
một chút.

- Một chiếc khăn rất đẹp. Người ta không thấy nhiều những chiếc khăn đẹp như thế này đâu.

- Đó là... đó là một món quà.

- À đấy, người ta đã không coi thường cô, - anh đáp lại và đưa chiếc khăn cho em, đồng thời nói thêm:

- Lạ thật đấy, tôi thấy nó ở đây, ngay trước cửa phòng.

- Là bởi vì tôi đã... tôi đã ngó vào phòng anh, sáng nay, lúc tôi đến. Tôi đã có thói quen này, khi anh không ở
đây, và...

- Và người ta không dễ đánh mất một thói quen, đúng không nào?

Em cảm thấy rủn người. Không còn cách nào khác, em buột lời:

- Tôi rất thích phòng làm việc của anh.

Em thấy anh nhíu mày ngạc nhiên, càng làm các nếp nhăn hiện rõ trên trán.

- Đó là... đó là vì các cuốn sách, em nói thêm, như để biện bạch.

- Các cuốn sách, tất nhiên rồi. Tôi đã đọc hồ sơ của cô.

Anh nhìn thẳng vào mắt em thật lâu, im lặng. Rồi đột nhiên anh hỏi:

- Tôi vừa mới tìm được một cuốn sách cổ, khá hấp dẫn. Cô muốn ngó qua một chút không?

- Anh thật dễ mến, nhưng... tôi có nhiều việc đã bị muộn mất rồi, và nhất thiết tôi phải làm xong trước 9 giờ, và...

- Chỉ mất vài phút thôi, cô biết đấy. Nếu cô yêu các
cuốn sách...

Em nhìn anh, do dự. Đúng là vô cùng hấp dẫn. Và nữa là, từ chối làm sao để không bị thô thiển nữa chứ? Thế là em đã chấp nhận, và anh cười.

 

Cuốn sách nằm trên bàn, được bao trong lớp bọc kín. Em chầm chậm tiến lại. Bỗng nhiên, như ngày trước, khi ông Kauffmann đẩy xe đến phòng em, cũng với niềm phấn khích ấy khi phát hiện ra tựa đề - San Francisco Museum of Art, the Complete Collections (Bảo tàng Nghệ thuật San Francisco, toàn tập) - cũng với sự bồn chồn ấy khi gỡ ra lớp bọc, cũng với sự bối rối ấy, khi bàn tay em đặt trên lớp bìa. Liền lúc ấy, em lấy kính râm ra đeo.

- Cô bị đau mắt sao?

- Tại ánh sáng...

- Cô muốn tôi giảm bớt đèn không?

- Không, không cần đâu, anh đừng bận tâm. Tại vì tôi... Tôi không chịu được ánh sáng. Đó là... đó là chứng dị ứng ánh sáng.

- Dị ứng ánh sáng. Tôi hiểu

- Xin anh đừng bận tâm. Chỉ cần đeo kính thôi, mọi thứ đều rất ổn rồi ạ.

- Vậy thì tôi không nài nỉ nữa. Cầm lấy này, - anh nói và đưa em đôi găng tay, hãy xem kỳ quan này.

- Anh không phiền nếu tôi giở sách bằng tay trần chứ?

Anh hé cười.

- Không, tôi không thấy phiền đâu.

Em bắt đầu mở những trang sách, xúc động vì vẻ đẹp của những trang ảnh, cũng như hành động đơn giản bàn tay lướt nhẹ mặt giấy.

- Sao, cô thấy nó thế nào?

- Tuyệt vời ạ. Và thật lạ khi nghĩ rằng phần lớn những tác phẩm này không còn tồn tại nữa.

Anh im lặng gật đầu. Em tiếp tục xem sách. Em cảm thấy anh đang quan sát em, và điều đó làm em ngượng nghịu đôi chút. Thật may, em đang đeo kính râm. Em thưởng thức cuốn sách trong vài phút nữa, rồi miễn cưỡng gập sách lại.

- Thật sự rất tuyệt diệu ạ. Tôi có thể hỏi anh tìm thấy nó ở đâu không?

- Trong Vùng Tối, cô gái ạ, cũng như tất cả tài tiệu mà cô thấy ở đây thôi.

- Trong Vùng Tối ư! Ở đó họ có những cuốn sách ư?

- Họ không phải là những người hoang dã, cô biết đấy, mặc dù có một số người có thể kể vậy. Tất cả các thư viện đã không bị đốt trong các cuộc nổi dậy năm 91.

- Anh muốn nói là người ta còn đọc tài liệu bằng giấy ư, ở bên ngoài biên giới ấy?

- Đúng vậy, phần lớn. Chỉ có rất hiếm một vài ngoại lệ, không có gì được số hóa cả. Chính xác việc đó là mục đích cho những nhiệm vụ vĩ đại của tôi, như ông Copland nói: đánh giá tình trạng và đề xuất một kế hoạch số hóa.

- Tất cả các cuốn sách bằng giấy đó, tự do tiếp cận ư? Tôi không tưởng tượng nổi...

- Việc ấy sẽ không kéo dài nữa. Trong bốn hay năm năm tới, chính phủ sẽ trang bị cho toàn bộ dân chúng bằng grammabook, và thu lại những cuốn sách vẫn còn lưu hành. Vấn đề sức khỏe công cộng ấy mà.

- Anh có vẻ nghi ngờ việc đó.

- Tôi không dám đâu, thưa cô. Thế là không cẩn trọng. Trong lúc này, tất cả những gì quan trọng đối với tôi, đó là khẩn cấp thực hiện việc số hóa trong Vùng Tối, nhằm tránh việc đóng cửa các thư viện.

Em không mong đợi cuộc nói chuyện ấy dẫn đến câu chuyện nghiêm trọng đến thế. Em không biết nói gì nữa. Không còn cách nào khác, em hướng mắt nhìn về các tấm chân dung treo trên bức tường đối diện với bàn làm việc - em đã nhiều lần ngắm nghía chúng trước đây. Hình ảnh quen thuộc và có sức an ủi đã giúp em không bị bối rối.

- Cô thích chúng ư?

- Vâng, rất thích.

- Cô không biết cô làm tôi vui thế nào đâu, cô ạ. Không phải thường xuyên có người đánh giá cao những tấm hình của tôi đâu.

- Chính anh đã chụp các ảnh chân dung này ư?

- Đúng vậy, thưa cô. Đây là những người tôi đã gặp khi đi công tác trong Vùng Tối.

Vẫn còn và lại luôn là Vùng Tối. Anh chỉ tay về tấm chân dung một người phụ nữ có vẻ mệt mỏi, khuôn mặt già nua, đầu tóc rối bù.

- Cô ấy tên là June Parkman, và lúc tôi chụp tấm hình này, cô ấy ba mươi tuổi.

- Ba mươi! Trông như đã năm mươi tuổi vậy.

- Cô ạ, trong Vùng Tối, người ta già đi nhanh. Nhanh hơn rất nhiều so với ở đây.

Em đã nghĩ đến khuôn mặt biến dạng của mẹ em trong khu vực dành cho bị cáo. Mẹ chưa đến ba mươi và dường như trông còn già hơn cả June Parkman. Em cảm thấy đã đến lúc rút lui.

- Thôi, tôi phải tạm biệt anh đây. Cảm ơn anh đã cho tôi xem cuốn sách.

 

- Không có gì đâu, việc đó làm tôi thấy vui. Trước khi cô đi, tôi còn một điều muốn nói với cô: cảm ơn, vì Justinien.

- Cảm ơn ư? Nhưng... tại sao?

- Cô biết đấy, trong cuộc sống, cậu ấy không có cơ hội gặp gỡ nhiều người như cô. Những người có khả năng đánh giá tốt cậu ấy, bất chấp những tật thói xấu, những điều tệ hại của cậu ấy. Vì thế, điều đó rất xứng đáng với một lời cảm ơn.

Em gật đầu, một lần nữa ý thức được mình không hoàn toàn xứng đáng với lời khen ngợi, nhưng cũng cảm thấy nhẹ người: từ giờ em yên tâm là Justinien đã không nói với anh về những dàn xếp giữa hai đứa.

 

Trở về phòng, em mở tủ để cất những tài liệu cậu ấy đã sắp xếp lại giúp em hôm trước, những tài liệu chính thức ở trên, tài liệu lậu ở dưới. Trong số đó, có một bài thuật lại vụ cháy một trung tâm thương mại của quận 14, khi diễn ra Sự kiện. Em đọc lại bài này trong lúc chờ đến 9 giờ và đợi Justinien đến.

Khi cậu ấy đến, cậu ấy có vẻ sầu thảm, một kiểu vẻ mặt mà một cậu bé như cậu ấy không thể cho phép bản thân
như thế.

- Không ổn à, Justinien?

- Không, chả ổn gì cả!

- Có chuyện gì với cậu vậy?

- Vừa rồi, tôi đã nhìn thấy chị với ông Templeton...

- À, vậy sao? Còn tôi đã không thấy cậu.

- Chắc chắn rồi, chị quá bận cơ mà!

- Tôi không hiểu, Justinien ạ.

- Tôi hiểu mình, đó mới là quan trọng... Chị đã có vẻ rất hài lòng mà. Chị nói gì với ông ấy?

- Rút cục, Justinien, chuyện này có liên quan đến
cậu đâu!

Cậu ấy cười tỏ vẻ khinh miệt.

- Thì tôi nghĩ thế mà. Tôi thất vọng lắm, tôi phải nói như vậy. Tôi không tưởng tượng chị lại như thế đâu!

- Cậu làm sao vậy, mẹ kiếp?

- Hôm trước, chị đã không muốn đến ăn trưa với tôi trên thềm đá. Cứ cho là chị không có thời gian. Nhưng để nói chuyện với ông Templeton, chị lại có khá nhiều thời gian! Tôi đã hiểu, chị biết đấy.

- Justinien. Để tôi giải thích...

Cậu ấy quay đi.

- Không cần đâu. Tôi đã hiểu, tôi nói với chị rồi mà. Tôi không phải là một thằng ngốc.

- Sáng nay khi đến đây, tôi làm rơi khăn quàng cổ ở hành lang. Ông Templeton đã nhặt nó. Sau đó, ông ấy mời tôi vào văn phòng nói chuyện một lúc. Thật sự không có gì liên quan đến cậu trong chuyện này!

Cậu ấy im lặng một lúc không nói gì, rồi dò hỏi:

- Khăn của chị ư? Khăn nào?

- Đây này, nhìn xem, - 10000 em vừa nói vừa rút chiếc khăn từ trong túi áo.

- Đây không phải khăn của chị. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó trước đây.

- Đấy là bởi vì tôi luôn quàng nó trong áo khoác, để không ai nhìn thấy.

- Tôi không tin chị đâu. Chính ông Templeton đã tặng nó cho chị, và chị không muốn nói với tôi!

- Nói thế là phi lý, Justinien ạ! Tại sao tôi phải nói dối cậu chứ?

- Tôi không biết, nhưng tôi cảm thấy không thật. Đừng coi tôi như một thằng ngốc.

- Thôi, đủ rồi! Cậu thật nực cười!

Không nói một lời, cậu ấy lấy trên chiếc xe đẩy tập tài liệu đã sắp xếp cho em. Cậu ấy thu lại các tài liệu của hôm trước, rồi đẩy chiếc xe ra cửa. Trước khi đi ra, cậu ấy nhìn em một lúc, và ném vào em lời cay đắng:

- Trong khi tôi nghĩ đến mọi việc tôi đã làm vì chị.

 

Suốt những ngày tiếp theo, cậu ấy giận em, không đưa lên bài báo nào ngoài những bài trong danh sách chính thức. Đó là cách cậu ấy trừng phạt em. Trừng phạt em vì cái gì cơ chứ? Vì đã nói chuyện với anh sao? Em không tin nổi chuyện đó. Em cảm thấy quá ngán.

Tất cả điều đó càng làm củng cố thêm giải pháp của em giữ khoảng cách nhất có thể với những mối quan hệ con người với con người. Quá phi lý, quá phức tạp. Em có quá nhiều việc phải làm nên không thể để mất thời gian vào chuyện đó.

Hàng ngày, sau khi kết thúc công việc, em chạy trên đường đi bộ. Em đã quen với tiếng động và với những người chạy khác. Giờ đây, em đã thành công trong việc coi như họ không có mặt. Nhưng trên phố, đấy lại là chuyện khác: ngay khi rời khỏi khu phố ở để tiếp tục đi phía trên kia, những khu vực đông người qua lại hơn, nỗi sợ hãi rơi xuống em giữa vỉ hè, mồ hôi trên lưng, những cơn buồn nôn. Em phải quay trở lại, thảm hại, lảo đảo và mất tinh thần. Về việc đi dưới đường ngầm, không có chuyện nghĩ tới điều đó. Tuy nhiên, em cần phải chiến thắng nỗi sợ hãi thành phố, nếu em muốn một ngày nào đó đạt được mục đích mà em đã gắn chặt.

 

Justinien đã trở lại đáng yêu vào ngày hôm sau. Một buổi sáng, cậu ấy bước vào phòng em, tươi cười.

- Có chuyện gì với cậu sáng nay thế, Justinien? Cậu không còn giận nữa sao?

- Chị muốn nói gì vậy?

Cậu ấy có vẻ ngạc nhiên thật, như thể cậu ấy đã quên hết mọi chuyện.

- Cậu thật sự không nhớ gì hết sao?

Cậu ấy lắc đầu. Em thở dài:

- Cuộc đời đầy bí ẩn, phải không?

- Đó là điều tôi vẫn luôn nói, chị ạ, - cậu ấy hào hứng đáp lại. Rồi cậu ấy nháy mắt phải nói thêm:

- Tôi có nhiều thứ cho chị, như mọi khi.

Em cười.

- Cảm ơn.

 

Em lấy số tài liệu, và để cậu ấy đi, không tìm cách đẩy câu chuyện thêm nữa. Sau tất cả, điều cốt yếu là cuối cùng chúng em cũng đã giảng hòa với nhau. Cuộc sống đầy bí ẩn.

 

Vài ngày sau, em lại làm mất chiếc khăn lần thứ hai. Lúc trưa, khi mặc lại áo để đi ăn, em không còn thấy nó nữa. Tuy nhiên, em chắc chắn quàng nó khi đến. Em chỉ ra khỏi phòng một lần duy nhất, lúc khoảng 10 giờ, khi đi vệ sinh. Hẳn phải có ai đó lợi dụng lúc đó để vào phòng và lấy mất chiếc khăn. Tất nhiên, em nghĩ ngay đến Justinien. Ngoài anh ra, cậu ấy là người duy nhất biết đến sự tồn tại của chiếc khăn này. Rồi em tự nhủ điều này có thể là bất cứ ai. Chỉ cần một người nào đó cùng tầng, khi thấy em đi trên hành lang, cũng có thể nhân cơ hội đó để lẻn vào phòng em và lục lọi đồ đạc, vì tính xấu hoặc vì tò mò. Chỉ cần phát hiện chiếc khăn, người đó quyết định lấy luôn nó.

Tất nhiên em có thể báo việc mất trộm và đề nghị cho xem lại băng hình từ máy ghi hình giám sát. Nhưng điều đó chỉ làm thu hút sự chú ý vào em đúng lúc mà, hơn bao giờ hết, em muốn mình được lãng quên. Em thậm chí muốn không cần tìm ra thủ phạm hơn là phải có một rủi ro nào đó. Và đó là điều mà em đã trải qua, cái chết trong tâm hồn. Em nói cái chết, bởi vì với chiếc khăn ấy, một lần nữa, đó là một chút gì đó của ông Kauffmann bị lấy đi khỏi em.

 

Từ sự việc Justinien gây gổ với em, em giữ trong lòng như một sự e sợ. Cậu ấy cố tỏ ra duyên dáng hay giúp đỡ nhưng vô ích, em thấy nghi ngờ. Em không quên câu nói cuối cậu ấy ném vào em từ đáy cơn giận dữ: Trong khi tôi nghĩ đến mọi việc tôi đã làm vì chị. Em tự hỏi cậu ấy sẽ có thể trở nên như thế nào nữa nếu em tạo ra cơ hội cho một cuộc khủng hoảng mới. Vì thế, em cảnh giác: em né tránh anh, giống như thời gian trước, như thể đã không bao giờ có cuộc nói chuyện đó giữa chúng ta, cuốn sách mà anh đã để em lật từng trang, những tấm chân dung, lòng khoan dung lễ độ của anh, như thể những điều đó đã không tồn tại vậy. Em cố ý để không bao giờ gặp anh, để không phải nói chuyện với anh. Em đi sát vào các bức tường, và bỏ trốn khi anh đến gần. Em làm ngơ như không biết mỗi lần anh đến nhìn em trong khi em làm việc. Nhưng như thế là không đủ. Cần tin rằng điều đó
phải đến.

 

Điều đó xảy ra vào một ngày 20 tháng Ba, anh nhớ không? Tất nhiên, anh nhớ. Justinien vừa mới đến, với điệu cười buổi sáng, và cái nháy mắt nhàu nhĩ khi đưa em tập tài liệu.

- Có mọi thứ chị muốn, vẫn như thường lệ!

Chúng em buôn chuyện với nhau một lúc. Cậu ấy có vẻ vui, và em cảm thấy ổn. Khi anh vào phòng, hai đứa giật mình.

- Tôi làm các bạn sợ. Cho tôi xin lỗi.

- Không, không, không sao đâu ạ. - Em ấp úng, ôm chặt lấy tập tài liệu, trong khi Justinien bắt đầu run rẩy.

- Tôi thấy cửa mở, thế nên tôi đã nghĩ... Tôi thật sự xin lỗi đã làm phiền các bạn.

- Không việc gì đâu ạ, tôi chắc chắn với anh đấy.

Như để nói ngược với lời em, Justinien đập tay mạnh vào một bên xe đẩy tài liệu. Anh đã phản ứng ngay:

- Justinien, không được làm vậy. Chúng ta đã nói về chuyện này, em còn nhớ chứ?

Cậu ấy gật đầu và dừng lại. Nhưng cậu ấy vẫn run.

- Tôi sẽ không làm phiền cô quá lâu đâu, thưa cô. Tôi chỉ muốn hỏi liệu cô có thể đến phòng tôi tối nay được không, khi xong việc? Để bàn về báo cáo đánh giá mười tám tháng làm việc của cô.

- À vâng, bản báo cáo.

- Như cô biết đấy, tôi được giao thực hiện một cuộc trao đổi với cô và viết đánh giá - thủ tục đơn giản, nhưng dù sao cũng phải hoàn thành theo quy định, đúng không? 19 giờ nhé, có tiện cho cô không?

- Vâng, được ạ, tôi sẽ đến, - em trả lời, bối rối, đồng thời liếc mắt nhìn Justinien.

Cậu ấy không phản ứng lại. Cậu ấy vẻ như đang ở một nơi khác. Thậm chí em đã tin cậu ấy không nghe thấy gì. Anh cười:

- Vậy thì hẹn tối nay nhé. 19 giờ.

- Vâng, hẹn tối nay.

- Chúc một ngày tốt lành, Justinien, - anh nói lúc đi ra.

Cậu ấy không đáp lại.

 

Thật bất ngờ, cậu ấy trở lại gặp em lúc trước 17 giờ một chút. Bình thường, vào giờ này, cậu ấy đã phải quay xuống dưới kho từ lâu để chuẩn bị việc phân phát tài liệu cho ngày hôm sau. Khi nhìn thấy em đang thu dọn đồ, cậu ấy hỏi với vẻ thất vọng:

- Chị đã đi rồi ư?

- À, ừ. Tôi xong việc rồi.

- Trước khi chị đi, tôi có cái này cho chị xem.

- Không được rồi. Tôi hơi vội.

- Nhưng chị đã xong việc rồi, chị nói thế mà!

- Đúng, nhưng tôi có việc khác phải làm, ngay lúc này. Tôi không có thời gian. Ngày mai thì có thể. Hoặc ngày kia.

- Tại sao chị lại không thể?

- Tôi... tôi có cuộc hẹn, cậu nhớ chứ? Sáng nay, ông Templeton yêu cầu tôi đến phòng ông ấy, sau giờ làm việc, để phỏng vấn.

Khuôn mặt cậu ấy biểu hiện khác lạ, vừa kinh ngạc vừa dữ tợn. Cậu ấy bỗng cắn mạnh vào môi, làm hằn trong lớp da một vết răng đỏ.

- Dừng lại, Justinien, cậu làm cậu đau đấy!

- Chính chị mới là người làm tôi đau, vì coi tôi như một thằng ngu dốt độc ác! Tại sao chị không muốn tôi?

- Justinien! - Em thét lên, điên tiết, đồng thời lùi lại đằng sau một bước.

- Tôi đã tử tế với chị. Vậy tại sao chị không muốn?

- Justinien, hãy dừng lại!

Nhưng cậu ấy trở nên mất kiểm soát. Cậu ấy tiến lại gần em. Em lùi lại nữa, đến khi chạm vào tủ.

 

- Đó là bởi vì tôi không đẹp trai nên chị không muốn
tôi sao?

- Xin cậu, hãy dừng lại!

Cậu ấy không nghe nữa.

- Tại sao chị không yêu tôi như tôi yêu chị? Tại sao?

Cậu ấy áp vào người em. Hành động đè ép này thật không thể chịu đựng nổi, và máu từ môi bầm giập chảy xuống cằm cậu ấy. Khi cậu ấy cố ôm em, em đã đẩy cậu ấy bằng tất cả sức lực của mình - điên dại, ghê tởm, em không thể kìm nén được. Em thấy cậu ấy mất thăng bằng, ngã xuống kéo đổ theo chiếc ghế bằng kim loại. Em nhớ tiếng ồn mà chiếc ghế đổ tạo ra, tiếng rầm rầm ấy, như là tận thế, như là thảm họa mà người ta không trở lại nữa.

Khi cậu ấy đứng dậy, vẫn còn hoàn toàn choáng váng, em hét lên:

- Cút ra!

Cậu ấy muốn tiến đến một bước về phía em.

- Cút ra!

- Chị ơi, xin lỗi, tôi không biết cái gì đã lấy mất tâm trí tôi! Xin lỗi! - Cậu ấy cầu xin, rất thảm hại.

Cú sốc đã làm cậu ấy tỉnh lại từ cơn lầm lạc, nhưng lúc này, đến lượt em không muốn nghe gì nữa.

- Cút ra!

- Xin chị, chị ơi...

- Cút ra, em nói với cậu, đồ thú vật bẩn thỉu!

Em không biết mình bị làm sao, em khẳng định với anh. Nỗi sợ hãi, hẳn nhiên rồi, sợ hãi cậu ấy cố làm lại lần nữa. Và cả máu trên mặt cậu ấy, lem luốc trên những vết sẹo của cậu ấy. Em không thể chịu đựng được nữa, thế là quá khủng khiếp, cậu ấy làm em buồn nôn. Đồ thú vật bẩn thỉu. Em đã nói thế như người ta nôn mửa; người ta không thể kiềm chế được. Cậu ấy bị tương câu nói ấy thẳng mặt. Em thấy hai mắt cậu ấy mở to, mồm méo đi theo cách lạ lùng. Cậu ấy bắt đầu run lên, dữ dội. Thật khủng khiếp, những cái giật nảy trên cơ thể vốn đã bị ngược đãi quá mức ấy. Nhưng em quá khiếp sợ nên không còn thấy thương hại cậu ấy.

Cuối cùng, cậu ấy chắp hai tay. Em không biết cậu ấy cố nói điều gì, xin lỗi, xin lỗi, chắc là thế, nhưng để làm gì nữa: điều xấu xa đã được thực hiện. Từ cả hai phía, nó đã được thực hiện. Sự thật hiển nhiên này làm cả hai chúng em sững sờ. Sau lời xin lỗi cuối cùng, em thấy cậu ấy quay gót, bước vội trong hành lang trước khi bỏ chạy bằng lối cầu thang thoát hiểm.

 

Em chạy thẳng đến thang máy, ở đó, em sụp xuống. Em bị đảo lộn đến nỗi không còn nghĩ đến cuộc hẹn gặp với anh. Thậm chí nếu có nhớ đến, thì em cũng không thể đi đến được. Em về nhà bằng xe con thoi. Em nuốt chửng năm viên thuốc an thần, và em lịm đi.

 

Ngày hôm sau, khi em đến Thư viện, lòng suy sụp và đầu ủ ê, do những viên thuốc và do tất cả những gì em sắp phải đối mặt, bắt đầu từ anh. Thậm chí em không kịp chuẩn bị một lời xin lỗi để giải thích việc lỡ hẹn của em hôm trước. Cũng để thấy rằng em nói dối dở đến mức nào.

Trên hành lang, em nhận ra cô gái tóc vàng được giao nhiệm vụ đưa em đi thăm Thư viện trong lần đầu tiên em đến. Cô ta có vẻ phấn khích. Khi thấy em hướng đến văn phòng của anh, cô ta đã nói:

- Ở vị trí của cô, tôi sẽ tránh đi. Ông Templeton đang làm việc cùng cảnh sát.

- Cảnh sát ư?

- Cô không biết tin ư? Đó là vì Mặt Sẹo. Cậu ấy chết rồi.

- Chị nói gì cơ?

- Mặt Sẹo chết rồi. Không còn sống nữa, nếu cô muốn nghe vậy hơn.

- Không... không thể nào!

- Cô chỉ cần hỏi ông đội trưởng đội vệ sinh. Ông ấy là người đã thấy cậu ấy, tối qua, dưới chân cầu thang thoát hiểm. Có vẻ trông cậu ấy không được đẹp đẽ lắm. Hãy để ý, cũng như mọi khi! Cô ta nói thêm trong điệu cười
khúc khích.

Cô ta dường như tự hào lắm về từ ngữ hay ho của mình, đồ khốn. Em quay đi để không tát vào mặt cô ta, rồi em bỏ chạy náu mình trong phòng.

 

Em sẽ không nói với anh về nỗi buồn của em, những ân hận của em, những giọt nước mắt của em. Em chỉ nói với anh về nỗi khiếp sợ của em, khi em nhận ra Justinien không còn ở đây nữa để lấy lại những tài liệu trong tủ. Trong số đó có năm bài báo lấy trái quy định từ kho lưu giữ.

 

Khoảng 10 giờ, sau khi cảnh sát ra về, anh đến các phòng thông báo tạm dừng công việc trong một ngày, do hoàn cảnh. Những người làm có thể trở về nhà. Em là người cuối cùng, ở tận cuối hành lang. Khi anh đẩy cánh cửa, anh chỉ nói hai câu, hơi khô một chút:

- Thưa cô, chúng ta phải nói chuyện. Vui lòng theo tôi.

Em theo anh đến phòng anh; em thậm chí không biết mình đã làm thế nào để bước được đến tận đây. Anh mời em ngồi, và anh hạ bức mành trên ô cửa kính.

- Cô sợ ánh sáng, tôi cho là thế.

Em nói vâng bằng một giọng bị lạc đi. Nhưng dù sao em vẫn đeo đôi kính đen. Chỉ im lặng. Cực hình. Rồi anh đến ngồi đối diện với em.

- Hôm qua, tôi đã chờ cô.

- Tôi... tôi cảm thấy không được khỏe lắm.

- Điều đó có thể xảy ra. Nhưng dù sao đáng ra cô nên báo với tôi.

- Tôi xin anh tha lỗi. Tôi thật sự rất xin lỗi.

- Thưa cô, hãy nói với tôi, việc cô không đến cuộc hẹn giữa chúng ta có một liên hệ nào với cái chết của Justinien không?

Thật thông minh, thật đáng gờm, điều đó khiến dạ dày em đảo ngược và toàn thân run rẩy. Em phải chống tay lên mép bàn để khỏi rung lên.

- Nào, thưa cô, hãy nói với tôi chuyện xảy ra. Việc này quan trọng đấy.

Em nhắm mắt sau đôi kính đen, và em nín thở.

- Hãy nói với tôi, - anh nhắc lại.

Em gật đầu, và giơ tay để anh kiên nhẫn. Trước hết, cần phải đếm đến 120. 120, hai phút ngắn ngủi, để gom lại tất cả những mảnh vụn của lòng dũng cảm mà em có thể nhặt nhạnh. Đáng ra em sẵn sàng kéo dài hơn - 180, 240, 300, để bắt đầu chóng mặt - nhưng em cảm thấy đôi mắt anh đang nhìn em. Em không thể cho phép mình khiến anh chờ đợi quá lâu. Vì vậy, em hít thở trở lại, và em kể. Em kể tất cả với anh: chuyến thăm bất ngờ của Justinien, cơn giận dữ của cậu ấy, cậu ấy đã cố ôm em như thế nào, em đã đẩy cậu ấy ra sao, môi cậu ấy chảy máu, những lời cậu ấy xin lỗi, và lời sỉ nhục thú vật bẩn thỉu, và cậu ấy hoảng loạn bỏ chạy. Sự việc quá dữ dội, quá buồn nên em luôn không biết làm sao em đã có thể tìm thấy dũng cảm và những từ ngữ để kể lại.

Anh ngồi im thật lâu không phản ứng. Rồi cuối cùng anh khẽ nói:

- Justinien đã làm thế!

Anh dường như rụng rời.

- Chuyện quá nghiêm trọng, thưa cô, quá nghiêm trọng. Tại sao cô đã không nói gì?

- Tôi không biết. Tôi không thể làm vậy. Cậu ấy... cậu ấy đã quá tử tế, mọi khi ấy. Tôi không thể tin nổi.

Anh lắc đầu với vẻ thất vọng.

- Tất cả chuyện này là lỗi của tôi. Chính tôi đã cố thuyết phục để đưa cậu ấy lên làm việc trên tầng, ngược với ý kiến của tất cả mọi người. Tôi không tưởng tượng cậu ấy có khả năng thực hiện... Cô đã quá tốt với cậu ấy. Trong cuộc đời cậu ấy, chưa bao giờ cậu ấy nhận được, cô biết đấy. Đấy có lẽ vì sao... Tôi không nói điều này để biện giải cho cậu ấy, tất nhiên. Chỉ để lý giải như thế nào...

Câu nói của anh còn bỏ lửng. Anh dường như buồn hơn cả buồn. Em nhìn anh, bối rối. Em nghĩ đến những tài liệu trong tủ, và đến thảm họa báo trước với mình.

- Anh đã nghĩ sai khi tin tưởng tôi. Tôi cũng không đến nỗi quá tốt với cậu ấy đến thế đâu.

- Cô muốn nói gì vậy?

- Đừng hỏi tôi thêm nữa. Anh sẽ sớm hiểu ra thôi.

Rồi em đứng dậy. Em cảm thấy nặng trĩu, như khi tất cả đã mất đi, khi không còn gì khác để làm ngoài việc từ từ chịu đựng nỗi bất hạnh. Anh đã không tìm cách giữ em lại. Anh chỉ đưa mắt nhìn theo, khuôn mặt rất nghiêm trọng, có phần nghi ngờ. Ngay trước lúc em đẩy cánh cửa, anh nói:

- Tạm biệt cô.

- Tạm biệt anh.

Em ra về. Ánh nắng tràn ngập hành lang. Hôm nay ngày 21 tháng Ba. Mùa xuân bắt đầu.

 

Em đã gọi cho thầy Fernand: thầy luôn luôn rất giỏi trong những hoàn cảnh như thế này - ý em là khi em không thấy ổn. Những khi ấy thầy cảm thấy là người có ích nhất. Em kể với thầy cái chết của Justinien, cái chết của cậu ấy, không chuyện gì nữa - thầy không cần biết nhiều hơn, và, dù sao, thế cũng là đủ để giải thích với thầy tâm trạng hiện tại của em. Thầy đã gọi bác sĩ, bác sĩ cho em một mũi tiêm. Nỗi đau đớn mau chóng dịu lại. Bác sĩ cũng viết giấy cho em nghỉ làm, trong 15 ngày. Nhưng em biết em sẽ không trở lại Thư viện nữa. Với vụ việc người ta sẽ phát hiện những tài liệu trái quy định trong tủ của em, em không dám chắc người ta còn để cho em tự do nữa không.

 

Em nghỉ ốm ở nhà nhiều ngày, nỗi buồn và nỗi sợ hãi cứ lặp đi lặp lại. Thầy Fernand gọi điện thoại hỏi thăm mỗi tối. Em nói với thầy, em ổn, để thầy bớt lo lắng cho em.

- Tôi đến thăm em nhé?

- Đừng, thầy Fernand ạ, em muốn ở một mình hơn, nếu thầy không phiền.

Sự thật, em không thấy ổn chút nào. Ngay cả với những viên thuốc an thần, em không tĩnh tâm lại được, làm sao có thể tĩnh tâm được khi mà tai họa sắp liên tiếp xảy ra.

Nhưng nhiều ngày trôi qua mà không có chuyện gì xảy ra: không giấy triệu tập, không sự ập đến của cảnh sát. Không dấu hiệu nào của sự buộc tội. Cứ như là không ai để ý đến chuyện gì hết vậy.

Cuối tuần đầu tiên, em nhận được một thông tin gửi đến cho toàn bộ nhân viên Thư viện. Cuộc điều tra về cái chết của Justinien đã đóng lại. Theo kết luận điều tra, cái chết là do tai nạn, cú ngã ở cầu thang dẫn đến vợ sọ. Chỉ ba dòng, vụ việc được xếp lại. Dù sao đi nữa, có ai quan tâm đến cái chết của Justinien đâu?

 

Khi em nghe thấy tiếng chuông cửa vang lên, em đã nghĩ thế là xong: tất cả đã bị phát hiện, người ta đến bắt em. Em lết đến màn hình chuông cửa điện tử, và em tưởng mình khuỵu xuống khi thấy khuôn mặt anh xuất hiện trên màn hình. Thật may là có bức tường để dựa vào.

- Chào cô.

- ...

- Chúng ta cần nói chuyện.

Thời điểm của sự thật. Theo một cách nào đó, em cảm thấy nhẹ người.

- Anh lên đi, tôi ở tầng trên cùng, - em đáp lại và ấn nút mở cửa.

Rồi em nín thở.

Khi anh bấm chuông cửa, em đếm đến số 110. Em tự nhủ, 110, vậy là đã đến, và em mở cửa cho anh.

- Mời anh vào.

Em chắc không được dễ nhìn cho lắm, em cho là vậy, nhưng em không nghĩ đến điều đó; em lo lắng nhiều
chuyện khác.

- Mời anh ngồi, - em nói đề phòng và chỉ tay vào chiếc ghế dài.

Em thấy anh đưa mắt nhìn quanh căn phòng, dừng một lúc ở cây bút bằng bạc, tất nhiên vẫn nằm trên tủ. Em chưa bao giờ dám sử dụng nó - em sợ sẽ buồn nếu nghĩ đến việc phá bỏ các niêm phong trên hộp giấy và lọ mực. Nhưng dù sao, để nhìn ngắm nó cũng thích. Rồi anh nhìn con Pacha đang nằm ngủ trên một chiếc gối, ngay gần cửa sổ.

- Con mèo tuyệt đẹp! Một con mèo giống a-bi-xi-ni, phải vậy không?

- Vâng, đúng vậy. Dòng cầu vồng.

- Dòng hiếm nhất. Dòng đẹp nhất! Màu tiếp theo của nó sẽ là gì?

- Chúng ta không thể biết được. Vòng chuyển màu của nó là ngẫu nhiên.

Một hồi im lặng. Em hiểu rõ rằng anh không đến để nói về con mèo, và em bồn chồn chờ đợi điều anh quyết định.

- Cô cảm thấy thế nào? - Cuối cùng anh đã hỏi.

- Tôi không biết.

Anh gật đầu thở dài.

- Chắc hẳn cô thắc mắc về lý do chuyến đến thăm
của tôi.

- Không thực sự hẳn. Nhưng tôi cũng thắc mắc.

- Vài ngày trước, tôi nhận được cuộc gọi từ nơi Justinien ở. Họ muốn tôi đến thu dọn phòng cậu ấy. Justinien không có gia đình, cô biết đấy, vì thế, thỉnh thoảng tôi lo cho cậu ấy đối với những thủ tục hành chính và một số vấn đề thiết thực. Tóm lại... Tôi đã đến đó. Và tôi thấy cái này, trong số đồ đạc của cậu ấy.

Từ túi trên, anh rút ra một gói nhỏ bằng vải mà anh đã mở. Những màu sắc lộ ra, như đóa hoa giữa các ngón tay anh: chiếc khăn quàng cổ của ông Kauffmann.

- Tôi không biết cô đã tặng cậu ấy chiếc khăn này. Tôi đã nghĩ cô sẽ vui khi lấy lại nó.

 

- Tôi không tặng cậu ấy gì cả! Chính cậu ấy đã... cậu
ấy đã...

- ... lấy trộm?

Em gật đầu im lặng. Anh có vẻ bối rối.

- Tôi thực sự rất tiếc. Đây, hãy lấy lại nó.

Em lắc đầu.

- Tôi không muốn vậy.

- Tuy nhiên, cô tha thiết giữ chiếc khăn mà.

- Như vậy là đúng, nhưng giờ đây, tôi không thể. Thế thôi ạ.

Em nhìn chiếc khăn, những ánh lấp lánh của nó, những hoa văn sặc sỡ của nó. Thật không dễ dàng để từ chối nó, nhưng em chắc chắn về quyết định của mình.

- Hãy làm bất cứ gì anh muốn với nó. Vứt bỏ, cho người khác. Còn tôi, tôi không thể lấy lại nó đâu.

- Nếu đó là điều cô muốn..., - anh đáp lại với vẻ khổ tâm.

Em đeo đôi kính đen.

- Xin anh thứ lỗi. Ánh sáng, anh biết đấy...

- Vâng, tất nhiên rồi, chứng dị ứng ánh sáng của cô.

Lại một khoảng im lặng nữa. Rồi em thấy anh ngắm nghía cái gương lớn, sau cái gương có chiếc máy quay.

- Cô có vẻ mệt.

- Tôi biết.

- Chúng ta nên ra ngoài đi dạo một chút. Việc này sẽ làm cô khỏe hơn.

Em gật đầu. Thông điệp là rõ ràng: cuộc nói chuyện của chúng ta chưa kết thúc.

 

Anh bước những bước dài, rõ ràng là vội vàng rời khu phố. Em đi theo sau, không dám hỏi nơi anh đưa em đến. Chúng ta nhanh chóng ra khỏi phạm vi quen thuộc của em, và em cảm thấy nỗi lo sợ quay trở lại. Cứ mỗi bước, nỗi lo sợ ấy lại đè nặng hơn một chút. Em bắt đầu mỏi chân. Anh vẫn tiếp tục bước, quá nhanh, không nói một lời. Em không theo nổi nữa. Lúc này, nỗi lo sợ đang ở đây, nó bóp cổ em, siết họng em. Em lục tìm trong túi, và em nhận ra đã để quên lọ thuốc an thần. Em đột ngột dừng lại giữa hè phố.

- Có chuyện gì vậy? Có gì không ổn sao?

- Có... mà... không. Hãy cho tôi chỉ hai phút thôi. Tôi cần dừng một chút.

Em nín thở. Em dùng thời gian để đếm, không nghĩ đến gì khác. 120, con số nhỏ nhất để em lấy lại tinh thần. Khi đến 120, em mở mắt. Anh chằm chằm nhìn em với vẻ nghiêm trang, nhưng không mất kiên nhẫn. Chính điều đó khiến em quyết định kéo dài hơn nữa. Đến 310, em cảm thấy đã dịu lại một chút. Đáng lẽ em có thể tiếp tục, nhưng em không muốn lạm dụng lòng tốt của anh - khi cần phải đi, thì cần phải đi. Vì vậy, em nói với anh: Tôi đã sẵn sàng. Và chúng ta bước tiếp.

 

Chúng ta đã bước đi trong bao lâu nhỉ? Ít nhất là một giờ. Có thể hai. Em thừa nhận em đã mất mọi khái niệm về thời gian - em quá tập trung vào những bước chân của em. Anh liên tục rẽ, quay ngược lại, trước khi đi tiếp theo một hướng khác, như một người đi đường đang say rượu hoặc bị lạc vậy. Tuy nhiên em đoán anh biết chính xác nơi chúng ta đến.

Khi anh nói, chúng ta đến nơi rồi, em ngẩng đầu, không dám tin, vẫn hoàn toàn u mê vì chuyến đi dài. Chúng ta đến trong một ngõ cụt nhỏ, đổ nát lạ thường, như một góc phố bị lãng quên giữa thành phố quá đỗi lấp lánh và sạch sẽ này.

- Cô thích chứ?

Em nhìn anh, hoảng hốt, và em thấy thoáng trên môi anh một nụ cười rất nhẹ.

- Ở đây không có gì thay đổi từ thế kỷ trước: không một cái míc, không một máy quay. Nó khác hẳn với khu phố của cô, không phải sao?

Không có máy quay, chuyện này vẻ như không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, anh nói thật. Em rùng mình. Không phải vì em sợ, mà đó là cảm giác kỳ lạ khi nghĩ rằng chỉ có riêng hai chúng ta - em muốn nói, thật sự riêng chúng ta, không có bất cứ một hình thức giám sát nào, không có bảo vệ. Nếu chuyện gì đó xảy đến với chúng ta, thì cũng không ai biết được. Như thể bỗng nhiên, thế giới trở nên kém an toàn.

- Điều này không có vẻ làm cô vui.

- Có, có ạ...

Anh cười.

- Cô sẽ quen thôi, cô sẽ thấy. Dù sao, tôi cũng không có lựa chọn. Tôi buộc phải chọn nơi này, cô thấy, khi mà chúng ta muốn đề cập tới những hoạt động bất hợp pháp.

Trong một khoảng thời gian, em tưởng mình sắp chết, chết thực sự, hoặc ngất đi, hai cách ấy để chạy trốn thực tại. Nhưng điều đó đã không xảy ra: em vẫn đứng, hơi chao đảo, nhưng đúng là vẫn đứng, tim rụng rời, nhưng đôi bàn chân vẫn trên mặt đất - cần phải tin rằng cùng với thời gian, em đã trở nên dẻo dai hơn.

- Anh đã tìm thấy chúng, phải không?

- Nếu cô ám chỉ những tài liệu trái quy định mà Justinien mang lên cho cô từ các kho lưu trữ, thì đúng, tôi đã tìm
thấy chúng.

Em đỏ bừng mặt.

- Nhưng vậy thì, chuyện gì...?

- Tất cả vào trật tự rồi. Tôi muốn cho cô biết.

- Anh muốn nói anh đã không... tố giác tôi?

- Tất cả vào trật tự rồi, - anh nhắc lại. Cô không có gì phải lo lắng.

- Tại sao anh làm vậy?

- Vì Justinien, hẳn là vậy. Rốt cục, đó là lựa chọn của cậu ấy. Một phần nào đó, cũng là vì cô. Cuộc đời đầy bí ẩn. Cô thích câu nói ấy, đúng không?

Em gật đầu, không thể nói được một lời; giọng Justinien vọng lại trong tai em: Cuộc đời đầy bí ẩn, chị ạ. Đúng như vậy. Em nhắm mắt, một lúc.

- Cảm ơn.

- Đừng nói với tôi lời cảm ơn. Nhưng hãy nói với tôi tại sao. Tôi muốn hiểu chuyện này.

- Đó là vì... tôi... tôi quan tâm đến Vùng Tối.

- Đến mức chấp nhận một rủi ro đến mức ấy ư?

- ...

- Cô đã không nói hết với tôi, đúng không? Còn có một lý do khác nữa. Một lý do chính đáng hơn.

Em lặng im một lát, rồi gật đầu.

- Hãy nói với tôi lý do đó?

- ...

- Cô không tin tôi sao?

- Không phải thế, nhưng...

- Vậy thì hãy nói với tôi.

Em thấy thật tệ nếu trả lời: Không, anh sẽ không hiểu gì đâu. Sau điều anh vừa làm cho em, trả lời vậy là hoàn toàn không thể được, và em không có can đảm nói dối một lần nữa. Vì vậy, em đã lựa chọn trao cho anh một nửa sự thật. Chỉ một phần thôi. Vậy đã là nhiều lắm rồi.

- Tôi... tôi được sinh ra trong Vùng Tối. Đó là lý do.

Rồi em cúi đầu, chết lặng vì đã phải phản bội một bí mật mà em đã cẩn thận gìn giữ đến tận bây giờ. Em vô cùng xấu hổ, nếu anh biết. Em nói thêm, như để xin lỗi:

- Tôi được sinh ra ở bên ngoài bức tường, nhưng tôi không nhớ gì hết, hầu như vậy. Không có gì đáng kể, có thể nói
như vậy. Bây giờ, xin anh, đừng nói với tôi về chuyện này thêm nữa.

- Cô biết đấy, thưa cô, không có gì là xấu hổ khi đến từ Vùng Tối, - anh buồn bã trả lời. Tôi chân thành hy vọng một ngày nào đó, cô sẽ hiểu vì sao.

Em nhìn anh, hoài nghi, và anh cười với em.

- Đi nào, tôi đưa cô về.

 

Em quay lại làm việc ngày mùng 5 tháng Tư. Trên tầng, không ai nhận ra sự vắng mặt của em, và điều đó làm em vui. Thay thế Justinien là một cô gái, tên là Lucrezia, không khuyết tật, không vết sẹo, vẻ ngoài hoàn toàn bình thường. Em tự hỏi liệu đó có phải một trong số những người được anh che chở, bởi vì cô ấy khá xinh.

Trước giờ tạm nghỉ lúc 13 giờ, anh đến gõ lên kính phòng em. Em hài lòng, nhưng không thể hiện ra, bởi vì đồng thời em cũng rất sợ gặp lại anh.

- Khỏe không, cô đã bình phục chưa?

- Vâng, tôi khỏe rồi.

- Hoàn hảo. Nếu cô cần bất cứ thứ gì...

- Cuộc đi dạo...

- Gì cơ?

- Tôi muốn cảm ơn anh vì cuộc đi dạo. Chưa bao giờ tôi đi xa đến thế trong thành phố, và... điều đó giúp tôi rất nhiều. Tôi phải nói với anh như vậy.

- Tôi cũng vui, cô Lila ạ.

Đó là lần đầu tiên anh gọi tên em Lila.

 

Em đã không quá khi nói rằng chuyến đi dạo cùng anh đã giúp em rất nhiều: nó đột ngột ném em ra ngoài các biên giới của mình, buộc phải ra khỏi chu vi chật hẹp mà em ru rú cho đến tận lúc đó. Cú sốc không đến mức dữ dội như em lo ngại, và điều đó đã mở mắt cho em.

Chúng ta dành cuộc đời mình để xây dựng những rào cản và chúng ta tự ngăn cấm bản thân vượt ra ngoài những rào cản ấy: đằng sau các hàng rào, có tất cả những con quái vật mà chúng ta tưởng tượng ra. Chúng ta tin rằng những con quái vật ấy khủng khiếp, vô hình, nhưng điều đó là không đúng. Ngay khi chúng ta có đủ lòng dũng cảm để đương đầu với chúng, chúng cho thấy chúng yếu hơn nhiều so với chúng ta vẫn tưởng tượng. Chúng đánh mất sự lì lợm, rồi dần tan biến đi. Đến mức cuối cùng chúng ta tự hỏi liệu chúng có thực sự tồn tại.

Em bắt đầu đi ra ngoài tất cả các ngày, một hoặc hai giờ, sau thời gian làm việc. Không phải em muốn tìm hiểu nơi em đến. Em bước đi trong thành phố, đơn giản để làm quen với điều lạ - với những mùi hương, với những tiếng động, với những vận động không lúc nào dứt của những cơ thể xung quanh em. Tất cả những cuộc gặp gỡ ấy mà trước đây em đã phải tránh né.

Đôi khi nhan sắc khiến em gặp phiền toái. Em luôn thực hiện bất cứ hành động nào có thể để che giấu bớt nhan sắc của mình - mặc quần áo chật, đeo kính đen, không bao giờ trang điểm - nhưng như thế vẫn chưa đủ: sắc đẹp vẫn phơi ra, và mọi người thường quay lại nhìn theo em. Hầu như mỗi lần ra ngoài đều có những người đàn ông đến gần bắt chuyện với em, cả phụ nữ cũng vậy. Không bao giờ em trả lời; em vẫn đi đường của em, tim đập mạnh, bởi vì như vậy không bao giờ là dễ chịu cả. Nhưng ít nhất, họ không cố nài nỉ. Từ khi luật về quấy rối tình dục được thắt chặt, mọi người đã biết giữ khoảng cách hơn.

Rốt cuộc, điều khó khăn nhất đối với em là những lúc phó mặc. Chấp nhận chuyến đi lang thang, điều ngạc nhiên, cái bất ngờ. Cứ để bản thân bước đi. Không bao giờ cuộc sống của em để chỗ cho cảm hứng, và em nhận thấy sự tự do này phức tạp hơn, cũng đáng sợ hơn tất cả những bó buộc mà em đã sống trong đó đến tận bây giờ.

 

Em đã không buông tay. Em vẫn vững vàng. Bàn chân này nối tiếp bàn chân kia, em bước đi, bước tiếp đi, đi quãng đường càng ngày càng dài hơn. Mỗi một chuyến đi dạo là một chiến thắng trước những con quái vật: chúng không còn chồm lên ngực, lên họng em như những lần đầu tiên nữa. Chúng đứng ở phía xa, vẫn luôn khó chịu và đe dọa, nhưng lùi dần trong khi em tiến lên. Giờ đây, em biết bắt chúng phải e sợ, và em dám ở bên ngoài cho đến khi trời tối. Thậm chí, có khi em chỉ trở về vào giờ giới nghiêm.

Cuối tháng Sáu, lần đầu tiên em đi tàu điện ngầm. Em đã nôn - cần phải chờ đợi. Em đã lường trước và mang theo một cái túi, vì tôn trọng môi trường. Mọi người làm như thể không có chuyện gì. Họ chỉ lùi ra một chút và quay mặt đi. Với những cơn buồn nôn và vẻ sợ sệt của em, chắc hẳn họ thấy em kỳ cục lắm. Còn em, em không hiểu rằng tất cả họ không làm như em, đầu cúi xuống hai chân, mật xanh mật vàng trong một cái túi giấy.

Bất chấp tất cả, em đã kiên trì. Ngày lại ngày, em thách thức đám đông chật chội trong những toa xe điện ngầm, những mùi lẫn lộn, và sự hỗn tạp bẩn thỉu. Em không có lựa chọn, em phải đi đến đó. Và em đã đi đến đó, vì điều này cũng như vì điều khác, nín thở, trong phần lớn thời gian, và cắn chặt răng để không bị xỉu vì đụng chạm những cơ thể người, vì lướt qua những hơi thở.

Đường ngầm là hang ổ cuối cùng nơi những con quái vật còn trú ngụ. Vào cuối mùa hè, em đã xua đuổi chúng ra
khỏi đó.

 

Mỗi ngày anh đều ghé qua nói chuyện một lúc: Hôm nay cô thế nào? Cô đã có những lần đi dạo mới chưa? Và con mèo của cô, tháng này nó mang màu gì? Điều này tốt cho em, sự quan tâm anh dành cho em, sự tinh tế. Và cả cái nhìn của anh nữa.

Nói chuyện được vài phút, anh luôn kết thúc bằng câu nói: Bây giờ tôi để cô nghỉ ngơi, tôi đã lạm dụng khá nhiều thời gian của cô. Và mỗi lần như thế, em luôn phải kháng cự với mong muốn trả lời: Hãy ở lại thêm một lát nữa. Rút cục, em vẫn để anh ra về. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều. Em có thể tiếp tục tin chắc rằng những cuộc trao đổi của chúng ta là không quan trọng.

 

Từ khi biết được chuyện anh đến nhà thăm em, thầy Fernand hỏi em rất nhiều về anh. Em luôn cố gắng nói về anh ít nhất có thể, và tuy vậy, em vẫn có cảm giác như thế đã là quá nhiều. Thầy chào đón mỗi câu trả lời của em bằng một sự im lặng đáng ghét mà em thấy khó chịu. Một hôm, do bất cẩn, em đã nói với thầy về những nếp nhăn của anh - đáng ra tốt hơn em nên im lặng. Không tiêm làm căng da! Thầy kêu lên, sửng sốt. Thầy không muốn tin em, không tiêm làm căng da. Rồi thầy nói thêm với một vẻ nghi ngờ và đầy đe dọa:

- Điều đó nói lên một dạng đầu óc đấy.

Em không hiểu. Lúc này, thầy rít qua hàm răng nghiến chặt:

- Ông Templeton của em là một kẻ ương ngạnh, không theo khuôn phép. Có lẽ việc đóng vai kẻ kích động khiến ông ta thấy vui thú! Một lời khuyên, Lila: hãy tránh xa người đàn ông này.

Lẽ ra em có thể đuổi thầy đi - thầy xen vào chuyện gì thế? Em đã đủ lớn để biết được em phải làm gì. Nhưng em không muốn cãi lại thầy. Sẽ thật ngu ngốc nếu chơi với lửa trong khi chỉ vài tháng nữa là em được giải phóng. Vì thế, em trả lời:

- Thầy đừng lo lắng, thầy Fernand ạ. Em giữ khoảng
cách mà.

Rốt cuộc, đó không phải là một lời nói dối.

 

Em không biết vì sao em kể với anh tất cả chuyện này, bởi vì thực tế, em ít bận tâm đến những phản ứng gay gắt của thầy Fernand. Em vẫn đều đặn thực hiện những công việc chủ yếu: những cuộc đi dạo và Thư viện. Mỗi sáng, Lucrezia mang cho em những tài liệu cần xử lý trong ngày. Tất cả đều liên quan đến Vùng Tối - một món quà thực sự bất ngờ, mà em chắc chắn cô ấy làm vậy không phải vì tình cờ. Em cảm thấy vô cùng biết ơn anh, dù không hiểu vì sao anh tìm cách giúp đỡ em. Cuộc sống đầy bí ẩn.

Mỗi khi thực hiện xong công việc cắt và số hóa tài liệu, em dành thời gian đọc chăm chú từng bài báo. Dần dần, em bắt đầu có những nghi ngờ về mọi thứ người ta kể cho em về Vùng Tối, những cuộc giết hại, chủ nghĩa khủng bố, những chiến dịch gìn giữ trật tự. Nhiều chuyện dường như không đơn giản như người ta muốn nói thế. Một số bài viết cho biết nhiều sự kiện với một phiên bản hoàn toàn khác hẳn so với bài viết chính thức, thậm chí đôi khi đến mức ủng hộ cuộc kháng chiến - người ta vẫn gọi là các hoạt động khủng bố. Mọi thứ được xem xét lại. Tất cả những điều chắc chắn của em.

Cho đến lúc này, em đã không bao giờ thực sự đặt ra những câu hỏi về công việc của mình. Em áp dụng các lệnh thao tác, tất cả chỉ là thế này: loại bỏ những bài có tính kích động bạo lực, loạn dâm, sử dụng các chất bị cấm, các cách xử lý thực phẩm gây hại cho sức khỏe. Loại bỏ những bài hướng tới phẩm cách của cơ thể con người, hoặc tới quyền hình ảnh. Loại các bài có dính đến phân biệt đối xử. Vân vân. Ban đầu, không có gì trong tất cả những điều đó làm em sốc. Và rồi sau đó, dù sao, khi chúng ta có một nhịp điệu để thực hiện, tất nhiên chúng ta không có lý do suy nghĩ. Nhưng giờ đây khi em dành thời gian so sánh mỗi một bài báo với phần bài báo đó còn lại sau khi được số hóa, em nhận thấy rõ có một vấn đề. Cắt xén quá nhiều, đôi khi quá nguy hại đến nỗi chúng thậm chí làm ngược hẳn ý của bài viết, hoặc khiến cho bài viết không thể hiểu nổi.

Em không ngu ngốc. Em nhanh chóng hiểu đó là việc gì, và em thừa nhận với anh điều đó làm em phẫn nộ. Em thậm chí suýt đến nói với anh về chuyện này - em không tin nổi anh lại có thể bao che cho tất cả việc đó. Nhưng sau khi suy nghĩ, em tự nhủ thật không có ích gì khi làm mình nổi bật, nhất là khi xen vào chính trị. Sau tất cả, có quan trọng gì đối với em việc có một gian bếp chật chội, bẩn thỉu lẫn vào Thư viện. Người ta vẫn có thể tiếp tục cắt xén, thay đổi, bóp méo, việc đó không liên quan đến em: với em, em có thể đọc các bài gốc, biết được sự thật. Đó mới là điều cốt yếu, và mặc kệ những người khác.

Hàng ngày, em chăm chú đọc các bài báo, và cũng với sự mãnh liệt ngày trước dành cho những cuốn sách, trong gian phòng của em ở Trung tâm. Em giữ lại tất cả trong trí nhớ - bài viết, ngày tháng, hình ảnh. Mọi thứ như thể được in lên vỏ não em: các vụ sát hại năm 91, việc kiểm soát ở biên giới, các tổ chức bí mật. Luôn luôn kèm theo là những hình ảnh những tòa nhà bốc cháy và những cuộc đánh nhau trên phố. Những thi thể nát bươm nằm đầy trên mặt đất, và những chiếc máy bay trực thăng bay trên đống đổ nát. Dần dần, em đã tái tạo được lịch sử trong những năm ấy, điều mà người ta không bao giờ nói với em, và điều đó gây đảo lộn trong em. Trong đầu em vẫn còn đó lời anh nói, trong ngõ cụt, trước khi đưa em về: Không có gì là xấu hổ khi đến từ Vùng Tối. Tôi chân thành hy vọng một ngày nào đó, cô sẽ hiểu vì sao. Em tin chắc em bắt đầu hiểu.

 

Hì hụi ăn phần lớn các khẩu phần của em, con Pacha đã trở nên béo ú. Em cho nó ăn nhiều quá, thầy Fernand không ngừng nhắc nhở. Cẩn thận đấy, nếu không em sẽ gặp rắc rối đấy. Cuối cùng thầy nói làm em thực sự thấy sợ: nếu thanh tra thú y chú ý đến chế độ ăn của con mèo, thì họ sẽ nhanh chóng tìm ra vấn đề. Đó không phải tin tốt lành gì. Nhưng em không đủ sức từ chối món patê. Vì thế, em nảy ra một ý định khác: một buổi tối, em mở cửa sổ, và đặt con Pacha trên ban công.

- Đi đi, suỵt, mèo cưng ơi!

Nó nhìn em, bối rối.

- Đi đi, - em lại nói, đồng thời đẩy nó về phía máng mái nhà. Hãy đi mà sống một chút cuộc đời mày!

Nó có vẻ như càng nghi ngờ hơn.

Một cơn gió thổi qua bộ lông nó. Em vuốt ve bên sườn nó, rồi khẽ đẩy.

- Đi đi, mèo ơi.

Nó kêu meo, một tiếng gọn lỏn, em không biết nó muốn nói gì. Chắc là không gì cả - những con vật thường ngốc nghếch hơn người ta tưởng. Rồi nó tiến lên trước, chầm chậm trên gờ mái.

 

Con Pacha rất nhanh chóng thích thú với trò mới này. Em thả nó đi mỗi buổi tối. Sáng hôm sau nó trở về, mệt lử, lông rối bời, nhưng luôn luôn cao ngạo, như một lãnh chúa đi giao du với những tên vô lại trong những khu phố hắc ám. Chắc mày phải làm chao đảo nhiều trái tim lắm, con mèo đẹp mã của tao, em vừa nói vừa vuốt ve bộ lông màu cam của nó. Nó nghiêng nghiêng đầu, và bắt đầu gừ gừ - anh thử tưởng tượng xem.

 

Mọi thứ diễn ra như em mong muốn: sau vài tuần, nó đã lấy lại dáng vẻ mảnh mai - một chút luyện tập và một chút dâm đãng, đây là thứ nó thiếu. Vấn đề đã được giải quyết. Chúng em đã có thể tiếp tục yên tâm trong việc ăn uống, nó ăn phần của em, còn em ăn phần của nó. Em giấu các loại rau quả trong đám đất của những cây dương xỉ, và để mặc đến đâu hay đó. Tất cả là để tốt đẹp nhất.

 

Cả mùa hè em dành thời gian để đi lượn trong thành phố, hết khu phố này sang khu phố khác: quận 1, bảo tàng Notre-Dame; quận 9, những bông lúa mạch mạ vàng trên quảng trường Champs-Élysées; quận 32, La Courneuve, với những khu vườn rộng và những biệt thự đẹp của những
năm 40; quận 50, làng Thế vận hội, dòng sông và hai bên bờ tràn ngập những người đến tắm vào tháng Tám. Không khí dịu mát. Cuối cùng, em đã đến gần được với cuộc sống - cuộc sống của những người khác. Em cảm thấy rõ cuộc sống ấy không dành cho em, nhưng ít ra, từ nay em có thể lướt qua nó mà không phải quay mặt đi hay gục đầu nôn mửa. Nỗi sợ hãi của em không còn là một trở ngại nữa.

Dĩ nhiên thầy Fernand biết về những chuyến đi dạo của em. Thầy thấy tò mò và hỏi em nhiều: Hôm nay em đi đâu? Chuyến đi diễn ra như thế nào? Em luôn trả lời sự thật, phòng trường hợp thầy có thể kiểm tra lại. Dẫu sao, nói dối cũng không ích gì - em không làm gì xấu, ngược lại: em cố gắng mở lòng với thế giới, đúng theo những yêu cầu của Ủy ban. Nhiều lần, thầy Fernand đề nghị đi cùng em. Em nói: Không, em cần phải quen tự xoay xở một mình. Thầy không nài thêm.

 

Ngày thứ bảy đầu tiên của tháng Chín, em đã đến tận ranh giới phía nam. Đó là nơi xa nhất em có thể đi mà không gây ra những nghi ngờ. Chuyến đi mà em sẽ phải thực hiện để gặp lại mẹ sẽ đưa em đi xa hơn nhiều, nhưng em tự nhủ rằng thế cũng đã là tốt rồi khi đến ranh giới để nhận ra các địa điểm, để cảm nhận chúng. Em nghĩ điều đó giúp em cảm thấy tự tin hơn, khi ngày trọng đại ấy đến.

Em đã đến vào cuối buổi chiều. Em đã rất cẩn thận - đôi kính đen trên mũi và, lọ thuốc an thần trong túi, phòng trường hợp cần đến. Nhưng em không cần dùng đến chúng. Tất cả giống như trong những hình ảnh thời sự, một cách chính xác, sạch sẽ và đẹp đẽ, trong trật tự: bức tường dài vô tận với những bức tranh trừu tượng và sặc sỡ, những bụi cây hoa tú cầu hồng và xanh lơ, cứ mỗi hai mươi mét lại có một 45bb chòi canh, mỗi một chòi canh lại nhô ra một điểm kiểm tra. Trên quảng trường, từng hàng dài những kẻ tội nghiệp giãn theo một trật tự hoàn hảo, gần như hình học. Những cánh cổng an ninh nuốt lấy họ tạo thành một đám đông liên tiếp. Ở phía trên, nhấp nháy lời cảnh báo: Mọi hành động trốn tránh sự kiểm soát sẽ bị trừng phạt. Tất cả diễn ra rất nhanh, yên ắng, không chê vào đâu được: những người đàn ông trưng ra khuôn mặt và thẻ lưu trú của họ; những cái máy tự động kiểm tra thẻ và scan con ngươi trong khoảng thời gian chưa đến hai giây. Không có dù chỉ một hạt cát trong đám đông chằng chịt khổng lồ ấy. Em hiểu rõ hơn rằng, trong vòng chưa đến vài tiếng đồng hồ, vào mỗi tối, thành phố sạch bóng hàng triệu người nhập cư, mà nó nuốt vào mỗi buổi sáng sớm, trước khi lại khạc họ ra, vào buổi tối sau.

 

Người ta chờ đợi tiếng rầm rầm từ đằng xa của những đoàn tàu đến từ Ga phía Nam, mang đi tất cả những con người này, mỗi người trở về quận của họ. Hàng trăm đoàn tàu lăn bánh theo các hướng xuyên qua Vùng Tối, chật cứng những cơ thể, phải đến hàng nghìn người. Em đã nghĩ rằng sớm thôi, em sẽ là một trong số họ, và em rùng mình - em không biết đó là vì tự hào hay hoảng sợ. Dù sao cũng không quan trọng gì, bởi vì em sắp thực hiện điều đó. Em đã chiến đấu nhiều thế nào để đến được đây. Vì sợ hãi, em không tiến gần thêm nữa. Nỗi sợ hãi và em, cả hai dàn xếp ổn thỏa
với nhau.

 

Lúc ấy là cuối tháng Chín, trời vẫn còn nóng. Em đang ăn trưa trước Đài Tưởng niệm thì anh đến gặp em.

- Cô cho phép tôi ngồi với cô một lúc được không?

- Tất nhiên rồi, - em lúng búng, vừa cuống cuồng đậy lại nắp cái hộp bằng kim loại đựng patê.

- Xin cô cứ tự nhiên. Hãy cứ ăn tiếp.

- Tôi... tôi ăn xong rồi.

- Cô thường xuyên đến đây, phải không?

- Vâng. Tôi rất thích nơi này. Nó thật bình yên, và nữa, có những cái tên khắc nổi kia. Tất cả những con người kia... Tôi cố nghĩ về họ, tưởng tượng họ, và... tôi không biết tại sao, việc này làm tôi khá hơn. Tôi cũng thường nghĩ đến Justinien nữa. Đến bố mẹ cậu ấy. Tôi tự hỏi đâu là tên của họ trong số những cái tên ấy. Cậu ấy nói rằng cậu ấy đã quên. Nhưng anh, liệu anh có thể cho tôi biết không?

- Justinien đã kể với cô tên bố mẹ cậu ấy có trên tấm
bia ư?

- Anh không biết việc này sao?

- Nhưng Lila này, Justinien không có bố mẹ! Justinien là một con thú đầu sư tử!

- Một con thú đầu sư tử!

- Tôi nghĩ cô đã đoán ra.

Em lắc đầu, bàng hoàng.

- Tôi cam đoan với cô, Lila ạ: Justinien đúng là một con thú đầu sư tử. Một con thú đầu sư tử thất bại, giống như hầu hết tất cả bọn họ đều là như thế, - anh nói thêm trong một điệu cười cay đắng. - Tuy vậy, điều đó thường xảy ra. Làm sao cậu ấy...?

- Tôi... tôi không biết... Tôi thấy rõ cậu ấy có nhiều... vấn đề, cậu ấy không như tất cả mọi người, nhưng dù vậy, tôi thấy cậu ấy... con người.

- Đúng, cô có lý: Justinien rất con người. Chắc chắn còn hơn một số trong chúng ta.

Anh cười buồn bã.

- Cậu ấy viết rất nhiều. Những bài thơ. Cô biết chứ?

- Vâng, cậu ấy có nói với tôi.

- Hôm cậu ấy chết, cậu ấy có một tờ giấy trên người. Có thể cô biết?

- Không... không, tôi...

- Cảnh sát mang đến cho tôi một bản sao. Trên tờ giấy có những bài thơ của cậu ấy. Tôi đã đọc; chúng rất hay. Một hôm nào đó, tôi sẽ đưa cho cô, nếu cô muốn.

- Một hôm nào đó, có thể... nhưng không phải bây giờ. Vẫn còn hơi sớm.

- Dĩ nhiên.

Chúng ta lặng yên một hồi không nói gì, thời gian sắp xếp lại trật tự trong nỗi đau đớn của hai người. Mặt trời chiếu bóng Đài Tưởng niệm lên chúng ta. Anh là người phá vỡ sự im lặng:

- Tôi đến để nói lời chào cô, Lila ạ. Tôi quay trở lại Vùng Tối. Họ yêu cầu tôi thực hiện một vài chỉnh sửa trong cấu trúc mà tôi triển khai trong chuyến công tác lần trước.

- A...

- Tôi sẽ vắng mặt trong một tháng. Có thể là hai. Tất cả phụ thuộc vào các chỉ thị của Bộ trưởng. Thế với cô có ổn không?

- Anh muốn nói gì ạ?

- Tôi không biết... Việc cô được giải phóng... Sớm thôi, đúng không?

- Vâng, chỉ hơn ba tuần nữa thôi, về mặt nguyên tắc là thế. Ngày 19 tháng Mười. Tôi hai mươi tuổi.

Anh gật đầu, vẻ ưu tư.

- Tôi có cái này dành cho cô. Hãy cầm lấy, - anh khẽ nói và đưa cho em một gói nhỏ bọc giấy màu xám ghi. Hy vọng nó làm cô hài lòng.

Cái gói nhỏ chứa một chiếc khăn lụa nhiều màu sắc. Các họa tiết chính xác giống y như chiếc khăn của ông Kauffmann.

- Thật khó tin! Làm thế nào anh có được nó vậy?

- Tôi đã tìm kiếm. Khá lâu, đúng vậy. Nhưng cuối cùng chúng ta luôn luôn tìm thấy thứ mình muốn, khi chúng ta bỏ thời gian tìm kiếm.

Các ngón tay anh vuốt nhẹ chiếc khăn.

- Nó sẽ không bao giờ thay thế được chiếc khăn kia, tất nhiên, nhưng tôi nghĩ nó sẽ có ích cho cô, khi sương giá quay trở lại.

Em không biết nói gì - em vô cùng xúc động, và cả một chút ngượng nghịu, bởi vì không phải là không có gì khi chấp nhận một món quà. Em thỏ thẻ một lời cảm ơn làm anh cười.

- Cô muốn quàng thử bây giờ không, để tôi nhìn khi trên người cô chiếc khăn sẽ như thế nào?

Em thắt chiếc khăn quanh cổ, rồi cẩn thận che nó dưới lớp cổ áo thẳng. Anh lại cười.

- Cô không muốn diện nó à?

- Tôi quàng chiếc khăn trước cũng theo cách này, nên anh hiểu...

- Không vấn đề gì; hãy làm thế nào cô thấy thoải mái.

Anh đứng lên.

- Bây giờ, tôi tạm biệt cô.

- Cảm ơn anh một lần nữa, thưa anh.

- Tôi xin cô: hãy gọi tôi là Milo.

- Vậy thì, cảm ơn Milo. Và chúc anh đi công tác
may mắn.

- Cũng chúc cô may mắn, - anh đáp lại với giọng rất
khác lạ.

 

Ngày hôm sau anh đi. Em biết rằng em sẽ nhớ anh, nhưng, ở một khía cạnh khác, em cảm thấy nhẹ người hơn. Trong những tuần lễ cuối cùng trước chuyến đi quan trọng của em, hơn bao giờ hết em cần tiếp tục tập trung cho mục đích của mình. Và thêm nữa, điều đó tránh cho em khỏi phải nói dối anh.

 

Ngày 19 tháng Mười, Hội đồng đã chính thức tuyên bố em được tự do. Trong cả hai năm vừa qua, em đã không bao giờ ngừng cho thấy những bằng chứng của sự cân bằng và của thiện chí, và mặc dù vẫn còn nhiều nỗ lực lớn em phải hoàn thành trong việc hòa nhập xã hội, mọi người đều ghi nhận những cố gắng mà em thể hiện để hòa mình trong đám đông, trên đường phố, trong đường ngầm. Để khen thưởng, trước khi đi, anh đã viết một báo cáo ca ngợi công việc của em ở Thư viện. Sự giải phóng của em đã được trao với sự đồng thuận, cùng với những lời chúc mừng khen ngợi. Cuối cùng, em đã được giải thoát khỏi sự giám hộ chặt chẽ.

Để ăn mừng sự kiện này, thầy Fernand đã mời em đến một nhà hàng sang trọng. Em trở nên hoàn hảo, vui vẻ, hoạt bát. Em thưởng thức tất cả, và cẩn thận không bao giờ nhắc tên anh, để không làm hỏng bầu không khí. Nhưng em quàng chiếc khăn của anh dưới chiếc váy áo choàng lễ.

Cuối bữa ăn tối, thầy Fernand nói với em:

- Bây giờ, tôi không còn là người giám hộ của em nữa. Chúng ta có thể có một mối quan hệ bình thường. Ý tôi là... như những người bạn, em thấy thế nào?

Em trả lời:

- Vâng, tại sao lại không chứ?

Một mối quan hệ bình thường, như thế sẽ tốt, điều đó sẽ thay đổi.

Chúng em đi lấy lại áo khoác ở phòng gửi áo. Khi em mặc lại áo khoác, chiếc cúc trên cùng của áo váy đã bật ra.

- Cái gì thế này? - Thầy Fernand chỉ chiếc khăn của
anh hỏi.

- Một chiếc khăn ạ.

- Một chiếc khăn, tôi nhìn thấy rõ mà! Tôi chỉ muốn biết từ đâu mà có nó!

- Một món quà tặng.

- Từ ai?

Trong tích tắc, em đã nghĩ đến việc nói dối thầy. Và rồi, em tự nhủ, thế là đủ rồi, em đã được giải phóng, thầy không thể làm gì nữa.

- Một món quà tặng của Templeton.

Thầy đỏ sẫm lại.

- Tôi đã chẳng yêu cầu em giữ khoảng cách sao?

- Thầy đã quên nói cụ thể em phải có thái độ như thế nào nếu ông ấy tặng em một món quà.

- Lila, chúng ta hãy ngừng tranh cãi, em muốn vậy không?!

- Em không mong muốn gì hơn.

- Hãy nghe này, tôi đã cố cảnh báo em, nhưng em không muốn hiểu, vì thế, tôi sẽ nói thẳng. Tôi đã tìm hiểu về tay Templeton. Anh ta không chỉ có những người bạn ở trên Bộ. Có những tin đồn liên quan đến các nhiệm vụ của ông ta trong Vùng Tối. Một số người khẳng định các nhiệm vụ đó che đậy nhiều hoạt động chẳng mấy hợp pháp, nhiều hoạt đồng trao đổi mờ ám...

- Những tin đồn. Có phải là thầy đây không, thầy Fernand? Thầy sẵn sàng lắng tai nghe nhưng tin đồn ư?

Thầy không hề bối rối.

- Cho đến lúc này, Milo Templeton đã nhận được sự nâng đỡ của những tay có thế lực trên Bộ, nhưng việc đó đang thay đổi. Ở trên cao ấy, gió đang đổi chiều!

- Thầy Fernand, chính xác thì thầy muốn nói với em chuyện gì?

- Tôi đang cố gắng cảnh báo em, tất cả chỉ có thế. Tay Templeton của em có nguy cơ gặp phải những phiền phức lớn. Hãy tin tôi, Lila, hãy dè chừng người đàn ông này!

Em nhìn thầy không đáp lại. Bỗng nhiên em nhìn thấy thầy đúng như thầy đang là thế: một con người cô độc khốn khổ. Một con người đã không biết giữ vợ mình, con ruột của mình, con mèo của mình, không gì hết, nhưng con người đó có thể khoe khoang vẫn lui tới văn phòng Bộ trưởng. Thật là thành đạt quá!

Lẽ ra em tỏ thái độ coi thường thầy, có thể nói với thầy, thầy Fernand ạ, thầy chỉ là một kẻ thảm hại, nhưng em không làm được như thế. Bởi vì trong sâu thẳm, em hiểu thầy: đã từ lâu lắm rồi, trong cuộc đời thầy, đã không có gì thay đổi cả; dĩ nhiên, thầy không chịu đựng nổi cảnh diễn ra một điều gì đó trong cuộc đời của những người khác.

Chúng em đi bộ về nhà, bên cạnh nhau, trong im lặng, cùng lấy làm tiếc vì buổi tối bị làm hỏng này. Dù vậy, dưới chân tòa nhà, thầy ngỏ ý mời em lên nhà thầy, để uống một ly cuối cùng. Em nói với thầy em đã quá mệt. Thầy không nài thêm. Em trở về nhà mình.

 

Đêm ấy, em không ngủ. Em nghĩ về cuộc đời mình, nghĩ đến những cố gắng đã bỏ ra để đi đến tận nay. Em nghĩ đến tất cả những người đã giúp đỡ em, đôi khi họ không biết điều đó. Ông Kauffmann, chị Lucienne, thầy Fernand và Justinien. Em nghĩ đến anh. Em cảm thấy tự hào và mạnh mẽ, sau cuối là sẵn sàng: từ giờ em có thể một mình bước đi giữa đám đông, đi dưới đường ngầm, chịu đựng tiếng tàu điện ngầm và các âm thanh hỗn tạp, các loại mùi, các loại ánh sáng thỉnh thoảng lóe lên trong đường hầm. Em hai mươi tuổi, em tự do và đi sát tới đích.

 

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86291


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận