Mùa Hè Thứ Tư Của Quần Jean May Mắn Chương 6

Chương 6
Đêm khai mạc đến rồi đi.

Carmen vận đồ đen, dốc kiệt sức mình ra thay phông nền và quản lý trang phục. Nó tập trung cao độ; không có chỗ cho sai sót. Mặc dù nó đã làm rất tốt, đây lại là loại công việc mà người ta chỉ chú ý khi bạn làm hỏng bét.

Trong số những người Carmen vỗ tay hoan hô, nó vỗ tay to nhất cho Julia trong vai Annie Sullivan. Nó đảm bảo có một bó hoa hồng được gửi tặng cho cô bạn trên sân khấu. Nó tự hào về bạn mình. Với Julia, ngay cả niềm tự hào cũng nhuốm ít sắc màu biết ơn.

Carmen đã làm việc chăm chỉ. Nó học mọi thứ. Nó tự trả lời các câu hỏi của riêng mình mà không cần ai giúp đỡ. Nó gần như vô hình với mọi người, đúng rồi, nhưng riêng khả năng của nó cũng đã là một điều đáng nói.

Sau đó nó tặng Julia một cái lắc bạc. Julia đáp lại bằng một đĩa bánh sô cô la hạnh nhân cho Carmen, được mang đến phòng nó tối muộn hôm đó.

“Này, cậu nhận được bảng xếp phòng ở Village Theater chưa?” Julia hỏi. Nó cầm giấy tờ của mình trong tay.

“Tớ nghĩ là rồi,” Carmen nói, tìm lá thư trên bàn vừa đến sáng hôm đó từ Vermont.

“Forte House, phòng 3H,” Julia đọc. “Họ sắp chúng mình ở cùng nhau chứ?”

“3H. Ừa.”

“Ồ, tốt.”

Một lần nữa, Carmen thấy may mắn và cũng nhẹ nhõm nữa. Nó mới may mắn làm sao khi Julia muốn ở cùng phòng với nó. Nó đã hơi sợ là khi nhận sắp xếp Julia lại thích ở với người lạ hơn.

“Anh trai tớ bảo sẽ lái xe đưa tớ đến. Anh ấy đến thăm cô nào đó ở Dartmouth cách chỗ mình không xa lắm. Cậu có muốn đi cùng không? Cậu có ai đưa đi chưa?”

Anh trai Julia, Thomas, là một anh chàng năm cuối đẹp trai ngời ngời học ở Williams. Khi có mặt anh ta, Carmen choáng ngợp đến độ không thốt ra nổi một lời. Nó không chỉ vô hình mà còn bị câm nữa. “Tuyệt quá. Tớ vẫn chưa có xe đi.”

“Ồ, tốt,” Julia lại nói, trông thực lòng vui sướng. “Cậu có muốn uống cà phê không?” cô hỏi.

“Có chứ,” Carmen nói, và khi đi vơ vẩn cạnh một Julia cởi mở, nó cảm thấy mình kính ngưỡng cái váy kiểu Mexico của Julia, cái áo ống máu đỏ thẫm của nó, sự gầy gò của nó và vẻ tự tin khi đội cái mũ vải tuýt sẽ trở nên khá vô duyên với hầu hết những người khác. Một lần nữa Carmen cảm thấy sung sướng khi có ai đó để làm mọi việc cùng. Không phải một kẻ vu vơ nào đâu nhá, mà là một trong những người nổi bật nhất trường.

Carmen đứng xếp hàng tại căng tin sinh viên để lấy cà phê cho cả hai và quay lại bàn để chứng kiến Julia đang được một bầy con trai năm hai vây quanh. Carmen nhẹ nhàng lướt vào ngồi cạnh. Nó cười trước những nhận xét dí dỏm của Julia và ngưỡng mộ sự thoải mái của cô bạn.

Hàng trăm lần nó tự hỏi không biết Julia thấy gì ở nó. Tình bạn này là mối lợi không tưởng với Carmen, nhưng Julia thì được gì chứ? Còn biết bao cô gái ở trường quyến rũ như Julia. Để làm bạn bè thì họ hợp với Julia hơn nhiều, ấy vậy mà nó lại cặp kè với Carmen vô hình, câm lặng, nhạt hoét.

Carmen nhìn vào cốc cà phê của mình trong khi Julia kể một câu chuyện cười về hệ thống âm thanh rối tinh lên trong màn hai vở kịch. Carmen cảm thấy chán nản vì mình không là một người bạn đáng giá hơn. Nó nên nghĩ ra vài thứ để nói, chứ không phải ngồi đó như một đứa dở hơi. Nó lẽ ra phải có gì đó để cho đi.

Julia không thuộc về một kẻ thảm hại trong một cái áo l ạnh cộc tay quá cỡ. Nếu không vì lý do nào khác, Carmen quyết định nó sẽ vực lại bản thân vì Julia.

 

Nằm ngả lên người Brian, mặt dính vào bộ ngực nhớp mồ hôi của cậu, Tibby cảm thấy những giọt nước mắt bé nhỏ, ấm nóng từ khóe mắt mình rỏ xuống, chạy vòng qua vành mũi, rớt long lanh xuống sườn cậu. Đấy là những giọt nước mắt bí ẩn nhất và thành thật nhất của nó. Khi đưa tay lên mặt cậu, nó nhận ra lông mi cậu cũng ướt.

Nó muốn nằm đó mãi mãi. Nó muốn lặn vào trong cơ thể cậu và sống ở đó. Nó cũng nhận ra là mình phải đi tiểu.

Lúc sau nó nằm ngửa ra và cậu ngồi dậy.

Nó sờ lên đôi má đỏ bừng của mình.

“Sao...” Một âm thanh kỳ cục xuất hiện trong cổ họng cậu.

Nó cũng ngồi dậy, nghe được âm thanh đó.

“Sao cơ?” nó kinh ngạc nói.

“Tớ... có cái... tớ không chắc...”

“Brian?”

“Cái bao cao su... Tớ nghĩ nó bị... Nó không...”

“Không làm sao?” Nó thậm chí không muốn nhìn.

“Không... được.”

“Ý cậu là sao?” Giọng nó vẫn bình thường, nhưng các cơ trên người nó đang co lại.

“Chúa ơi, Tib. Tớ không rõ. Hình như nó bị rách. Tớ nghĩ nó bị rách.”

“Thế á?”

Cậu đang xem xét, tóc xòa ra trước mặt. Cậu giơ một tay về phía nó, nhưng nó đã đứng dậy, kéo theo cái chăn.

“Cậu chắc không?” Giọng nó lên cao. Lo lắng đang gieo mầm và lan mọc, vươn ra những thân cành như trong một bộ phim quay chậm.

“Sẽ không sao đâu. Bọn mình sẽ... Tớ sẽ...”

Cậu có chắc là nó bị rách không?” Nó giữ chặt cái chăn quanh người bằng cả hai tay. Nó căm hờn nghĩ đến cái bao cao su kém cỏi sống trong ví cậu suốt bao tháng nay.

Cậu ngồi như bức tượng Thinker của Rodin trên chiếc giường trống. “Ừ, tớ hơi chắc thôi. Tớ không biết xảy ra khi nào.”

Nó có thể có thai. Nó có thể đang có thai ngay bây giờ. STD(1)_ thì sao? Bệnh mụn giộp thì sao? Và, Chúa ơi, AIDS nữa chứ?

Không, cậu là trai tân. Cậu bảo cậu là trai tân mà. Cậu phải là trai tân chứ. Cậu là trai tân, phải không nhỉ? “Nó xảy ra khi bọn mình làm tình,” nó nói lạnh lùng.

Cậu nhìn lên nó, cố hiểu cái giọng kỳ lạ kia.

Nó có thể có thai! Dễ lắm chứ! Chính xác là chuyện đó đã xảy ra như thế! Nó cần phải nghĩ. Nó có kinh khi nào nhỉ? Đây là những chuyện xảy ra với các cô gái thê thảm vừa không cẩn trọng vừa không thực tế như Tibby.

Nó phải làm gì đây? Thế này nghĩa là sao? Từ trước đến nay, ở tất cả những nơi lạ lùng trong đời nó, nó vẫn náu mình trong sự thật là ít nhất nó vẫn là một cô gái trinh. Ít nhất nó không phải sợ những nỗi sợ này. Đây là cái ngưỡng duy nhất nó vẫn chưa bước qua.

Nó không còn trinh nữa! Sao nó lại để chính mình quên mất rằng chuyện đó là quan trọng chứ?

Nó nhìn Brian, trông cậu xa xôi hết mức trong căn phòng chật chội. Đáng lẽ nó phải nói những lo lắng này ra, cho cậu nghe, chứ không phải chỉ nghĩ một mình. Nhưng nó không làm được.

Nó mong mình có thể mặc quần áo mà cậu không nhìn thấy. Nó quay đi.

“Tibby, tớ xin lỗi. Tớ rất tiếc đã xảy ra chuyện này. Tớ thậm chí không biết...”

“Cậu có làm gì đâu...” Lời nó nói được yểm trợ bằng hơi thở nhỏ xíu và bay lơ lửng lên tường.

“Tớ chỉ mong...,” cậu nói.

 

Bụng Bridget đã sôi ùng ục từ lúc nó thức dậy sáng hôm đó, nhưng khi bố nó đặt một đĩa trứng lên bàn cho nó, nó lại vạ vật trong bếp thay vì ngồi xuống bàn.

“Bố, sao bố lại cho Perry nghỉ học?” nó hỏi.

Bố nó vận cái quần vải chéo nhăn nhúm và áo khoác vải tuýt, theo nó nhớ là cùng một bộ ông đã mặc đi làm. Ông là giáo viên dạy Sử và phó hiệu trưởng một trường cấp ba tư thục, và ông không biết gì theo kiểu mà nó tưởng tượng chỉ có các giám hiệu phổ thông lâu năm mới thế. Sự nghiệp của ông là phớt lờ bọn vị thành niên. Với đám con cái tuổi teen của mình ông cũng thực hành y hệt.

“Nó đâu có nghỉ hẳn. Nó chỉ xả hơi một tí thôi.”

“Nó nói thế với bố thế à?”

Bố nó khoác lên vẻ mặt rút lui im lặng. Ông không thích bị chất vấn. Ông cưỡng lại nó theo cách bị động của riêng mình. “Con nên ăn đi nếu muốn bố cho đi nhờ trên đường bố tới trường,” ông khẽ nói. Ông luôn sẵn lòng cho nó đi nhờ đến chỗ này chỗ nọ.

“Sao nó lại nghỉ xả hơi? Bố có hỏi nó không? Ba khóa học ở đại học Cộng đồng Montgomery thì có gì mà quá sức đâu.”

Ông rót cà phê. “Không phải ai cũng thuộc về nhóm Ivy League(1)_ đâu, Bridget ạ.”

Nó mở to mắt nhìn ông. Ông đang cố buộc nó phải rút lui. Ông biết nó không phải học giả cũng chả phải kẻ hợm mình, rằng nó thấy chuyện đi học ở Brown là khá nhạy cảm. Bố nó chắc hẳn đã tính là việc này có lẽ sẽ làm nó ngậm miệng lại, nhưng chả ích gì. “Vậy tới mùa thu nó đi học lại ạ?” nó liến thoắng nói.

Bố nó đặt dĩa lên bàn. Ông ngồi xuống ăn. “Bố mong là thế.”

Nó cố gắng bắt lấy ánh mắt bố. “Bố thực sự mong là thế ạ?”

Ông rắc muối lên trứng. Ông dừng lại, đợi nó ngồi xuống. Nó không muốn ngồi xuống. Khi động đến ông, nó cũng là một kẻ phản kháng thụ động. Đó là một trong số ít những điểm chung của hai bố con.

Ông nấu món trứng như một tín hiệu. Ông đã làm điều đó vì nó. Ấy vậy mà nhìn thấy chúng bụng nó lại chộn rộn. Sao nó không thể chấp nh n những đề nghị hòa hoãn ít ỏi mà ông đưa ra chứ?

Ông từ chối cho nó thứ nó muốn. Nó từ chối nhận cái ông cho.

Nó ngồi xuống. Nó cầm dĩa lên. Ông ăn.

“Con lo cho nó,” nó nói.

Ông gật đầu vẻ mơ hồ. Mắt ông lạc sang tờ báo trên bàn ngay cạnh. Trong hầu hết các buổi sáng tờ Washington Post là bạn ăn sáng của ông, và nó nhận thấy ông không thích thú gì khi thông lệ đó bị gián đoạn.

“Cứ như thể nó đang... mục ruỗng ra trong phòng nó ấy.”

Cuối cùng bố nó nhìn nó. “Em con thích những thứ khác con, nhưng dù khác thì đó cũng là sở thích của nó. Sao con không ăn đi?”

Nó không muốn ăn. Nó không muốn làm theo lời ông. Nó cảm giác nếu nó ăn, nó sẽ tán thành với ông, với cuộc sống trong cái địa ngục này, mà nó lại không sẵn lòng làm thế.

“Nó có gặp ai không? Nó có ra khỏi nhà không? Nó có thích gì ngoài việc nhìn vào màn hình máy tính suốt ngày suốt đêm không?”

“Đừng có trầm trọng hóa quá, Bridget. Nó sẽ ổn thôi.”

Đột nhiên nó giận điên lên. Nó đứng dậy và dĩa của nó kêu loảng xoảng trên sàn. “Nó sẽ ổn ư?” nó hét lên. “Như là mẹ sẽ ổn ấy à?”

Ông ngừng nhai. Ông bỏ dĩa xuống. Ông không nhìn nó mà xuyên qua nó. “Bridget,” ông nói giọng trầm đục.

“Sao bố không nhìn quanh đi! Nó có vấn đề! Sao bố không chịu thấy chứ?”

“Bridget,” ông hạ giọng lần nữa. Ông càng gọi tên nó, nó càng cảm thấy như mình đang không ở cùng phòng với ông.

“Sống thế này mà gọi là sống à! Bố không thấy hay sao?” Nó cảm thấy nước mắt trào lên trong cổ họng và trong mắt, nhưng nó sẽ không khóc. Ông không đủ tin cậy để nó có thể khóc trước mặt ông, và nó đã không khóc từ lâu lắm rồi. Thế này mới cô đơn làm sao.

Ông lắc đầu. Dĩ nhiên ông không thấy được. Bởi vì ông cũng sống như thế.

“Bridget. Con sống theo cách con chọn lựa. Con hãy để cho Perry được như thế.”

Cả bố nữa. Con hãy để bố thế, ông đã có thể nói thêm.

Nó không ngồi xuống. Nó không ăn trứng ông nấu. Nhưng nó sẽ sống theo cách nó chọn. Nó sẽ làm thế vì ông.

Nó túm lấy cái túi và ba lô rồi bước ra khỏi bếp, ra khỏi nhà. Đây là cái nó chọn.

 

“Vậy là khi anh ấy gọi, tớ bảo là tớ không nói chuyện được,” Julia giải thích, ngồi bắt tréo chân trên cái giường đôi của Carmen trong căn phòng ký túc nhỏ xíu ở Vermont. “Tớ thấy cũng dở với cả nọ kia. Tớ không biết làm cách nào để nói với anh ấy là tớ sẽ thật sự hứng thú chuyện đó trong mùa hè này.”

Thật buồn cười. Bối cảnh thì mới - khu học xá của một trung tâm biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức một festival sân khấu - nhưng tình huống thì y như cũ - Julia ngồi trên giường ký túc buổi đêm kể cho Carmen nghe tập mới nhất trong mối quan hệ lên lại xuống với Noah Markham, học giả kiêm Brad Pitt.

Carmen gật đầu. Nó đã dỡ các thứ ra xong nên giờ bắt đầu gập lại đồ.

“Ý tớ là, giả sử tớ gặp ai đó ở đây thì sao? Cậu ngó quanh chưa? Có biết bao nhiêu anh đẹp giai. Có khi một nửa trong số đó là gay, nhưng dẫu có thế thì họ vẫn được coi là đẹp trai.”

Carmen gật đầu. Nó thực ra vẫn chưa ngó ngàng gì xung quanh.

“Một nơi như thế này, mọi thứ đều có thể xảy ra. Cậu biết chuyện các bạn diễn luôn phải lòng nhau khi đóng phim và làm hỏng các mối quan hệ sẵn có của họ thế nào rồi đấy?”

Carmen đọc tờ Us Weekly khá thường xuyên đủ để biết sự thật này. Nó đặt một chai dầu gội cả hai đứa đều thích lên tủ của Julia. Nó thấy bức ảnh trắng đen quen thuộc chụp mẹ Julia trong khung bạc. Julia để nó trong phòng ký túc ở trường. Đó là một bức ảnh tuyệt đẹp được chụp bởi một nhiếp ảnh gia nổi tiếng mà Carmen chỉ giả vờ là có biết tên. Mẹ Julia từng là người mẫu, Julia kể với nó thế. Bà đẹp, chắc chắn rồi, nhưng Carmen cũng nhận ra rằng mẹ Julia hầu như chả bao giờ gọi điện cho nó.

Carmen không trưng bất kỳ tấm ảnh chụp gia đình nào của mình ra cả, nhưng nhét trong bìa sách của nó là một tấm ảnh nhỏ chụp Ryan vào cái ngày đáng nhớ thằng bé ra đời. Nó cũng nhét một bức ảnh chụp các cô gái tháng Chín tại bãi biển Rehoboth lần cuối cùng bọn nó đông đủ cùng nhau. Lúc nào đó giữa mùa đông nó đã chuyển tấm ảnh từ bìa trước ra bìa sau, vì mặc dù nhìn ảnh làm nó vui vui, nó vẫn vui theo một kiểu buồn nhất có thể.

Julia nhìn Carmen dọn dẹp căn phòng. “Này, cậu có mang theo dầu dưỡng tóc Teramax không?”

Carmen nhướng mày. “Tớ nghĩ là không. Có trong danh sách à?”

Julia gật đầu. “Tớ nhớ rõ là mình có viết ra mà.”

Carmen sục sạo túi đựng thuốc nhưng không thấy dầu dưỡng tóc gì cả. “Chắc là tớ quên mất rồi.” Nó thấy tội lỗi, mặc dù nó thậm chí còn không dùng đến.

“Thôi đừng lo,” Julia nói.

“Tớ sẽ mua khi mình vào thành phố,” Carmen nói vẻ hối lỗi.

“Thật đấy, không có gì đâu,” Julia trấn an nó.

Julia ngủ mất lúc nào không biết, còn Carmen nằm trên giường. Nó phải tự nhắc mình đang ở đâu.

Sau một lúc nó ngồi dậy và kiểm tra danh sách mà nó và Julia đã soạn ra cho nó mang tới tiệm thuốc. Thuốc dưỡng tóc Teramax không có trong đó.

Nó ra ngoài hành lang gọi cho Lena. Lena không bắt máy, vì thế nó để lại tin nhắn. Tibby cũng không trả lời, còn Bridget thì đã lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ rồi.

Dù đã muộn, nó vẫn gọi cho mẹ.

Nena, chào con. Mọi chuyện ổn chứ?” mẹ nó hỏi giọng ngái ngủ.

“Ổn ạ. Bọn con ổn định ở đây rồi.”

“Thấy thế nào hả con?”

“Tốt ạ,” Carmen nói mà không nghĩ. “Ryan thế nào ạ?”

Mẹ nó bật cười. “Nó vừa ném giày ra ngoài cửa sổ.”

“Ôi không. Đôi mới ấy ạ?”

“Ừ.”

Carmen tưởng tượng Ryan với đôi giày nhỏ xíu của thằng nhỏ và nó hình dug mẹ nó chạy quanh tìm giày.

“Ném ra đường hay sân ạ?”

“Dĩ nhiên là đường rồi.”

Carmen cười. “Thế còn chuyện gì nữa không ạ?” nó hỏi, hơi buồn bã.

“Hôm nay nhà mình gặp thợ sơn.” Mẹ nói như thể gặp tổng thống không bằng.

“Ồ, thế ạ?”

“Cho họ sơn lót các tường rồi. Đang bắt đầu chọn màu.”

Carmen ngáp. Nó không có nhiều điều để nói về sơn lót.

“Vâng, thế, chúc mẹ ngủ ngon.”

“Con cũng thế, nena. Mẹ yêu con.”

Carmen nhón chân vào phòng bò lên giường, cẩn thận không làm Julia thức giấc, con bé khá thính ngủ.

Carmen biết mẹ yêu mình. Điều đó thường đem lại môt cảm giác đủ đầy nhất định. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ khiến nó thấy mình đặc biệt.

Nó đã từng cảm thấy nó và mẹ gần như là một người, sống cùng một cuộc đời. Giờ thì cuộc đời hai người tách biệt. Căn cước của mẹ nó không phải là cái nó có thể bám theo được nữa.

Thế không có nghĩa là mẹ không yêu nó. Mẹ đã cho Carmen cuộc sống, nhưng bà không thể nào cứ mãi trao tặng phẩm cho nó. Vậy mà Carmen lại không biết làm sao để sống được một mình.

Nó nhét tay dưới gối, và mặc dù có thể nghe thấy tiếng Julia thở cách đó vài thước, nó vẫn cảm thấy vô cùng cô đơn.

 

Tối hôm đó, khi Lena về đến phòng, nó gọi lại cho Carmen, hy vọng là không quá muộn. “Tớ phải hỏi cậu cái này và đừng có nhảy xổ lên người tớ đấy,” nó nói, sau khi cho Carmen thời gian chạy ra hành lang.

“Giá mà tớ làm được điều đó nhỉ,” Carmen nói, tò mò đến nỗi không buồn giả vờ bị tổn thương.

“Theo cậu thì tớ đã quên được Kostos chưa?”

“Cậu gặp ai đó rồi à?” Carmen hỏi.

Lena nhìn lên trần nhà. “Không.”

“Cậu nhìn ai đó rồi à?”

Lena thấy mình đỏ bừng mặt và mừng là Carmen không thấy được. Carmen luôn là sự kết hợp của khả năng kỳ quặc giữa sự minh mẫn gần như huyền bí và sự trì độn toàn tập, nhưng nó hiếm khi sử dụng cả hai thứ cùng một lúc. “Sao cậu lại hỏi thế?”

“Vì tớ nghĩ cậu sẽ chính thức quên được Kostos khi cậu nói về - hay thậm chí chỉ cần thực sự nhìn - một ai đó.”

“Có hơi đơn giản hóa quá không đấy?”

“Không,” Carmen nói.

Lena bật cười.

“Một ngày nào đó cậu sẽ phải lòng một người và quên anh ta đi. Chẳng chóng thì chầy chuyện đó sẽ phải xảy ra. Tớ đã hy vọng là nó xảy ra sớm hơn.”

Lena bắt tréo chân trên giường. Nó có thể quên được Kostos không? Đó có phải là điều mà nó phải phấn đấu không? Cho đến bây giờ, nó vẫn nhằm vào mục tiêu “quên được” anh, dù cho thế nghĩa là gì, và nó thường vênh mặt tự hào khi tiến được những bước dài đến mục tiêu đó. Nhưng thật khó để hình dung ra việc quên hẳn. Nó thực sự không phải là loại dễ quên đi được.

“Tớ không biết chuyện đó có khả thi không.”

“Tớ nghĩ là có. Tớ nghĩ sẽ xảy ra thôi. Mà cậu biết tớ còn nghĩ gì về Kostos không?”

Lena thở dài. Nó đã lên đến giới hạn của chính mình trong việc nói ra cái tên Kostos và vượt xa giới hạn nghe người khác nhắc đến tên anh. “Không, đồ khôn lỏi. Gì?”

“Tớ có cái dự cảm kỳ cục này là ngay khi cậu quên được Kostos, cậu sẽ gặp lại anh ta đấy.”

Lena cảm thấy bụng mình rộn rạo. Cảm giác vừa buồn nôn vừa rộn ràng phấn khích. Nó mừng là phòng vệ sinh ở ngay đó.

“Ô, thật á, thế á.” Lena cố làm cho giọng nói mình có tí giễu cợt vui vẻ, nhưng nghe u ám như bùn.

“Thật đấy,” Carmen nghiêm trang đáp.

Lena dập máy, lòng đầy ngờ vực, có lẽ thậm chí cả hy vọng, rằng Carmen đã ngoặt vào bên trì độn.

 

Nó có kinh trên đường từ trường về Bethesda, đúng không nhỉ? Tibby cố nhớ những triệu chứng đính kèm quen thuộc - chiếc quần lót dính máu, việc quên mua băng vệ sinh hay xếp chúng vào ba lô, việc phải dừng ở trạm xăng để giải quyết các vấn đề khẩn cấp.

“Tibby Rollins?”

Nó và Bee đã chạy xe cùng nhau. Bee mượn ô tô bạn cùng phòng ở Providence và đón nó ở New York trên đường đi. Tibby nhớ ít nhất bọn nó đã hai lần dừng ở trạm xăng. Một lần là để đổ xăng thật, một lần vì nhu cầu cá nhân khẩn cấp. Nhưng liệu vấn đề khẩn cấp là máu chảy ra quần hay chỉ là cần một hộp bánh Krispy Kremes? Nó không nhớ được. Khi đó nó vẫn là gái trinh, và gái trinh thì được quyền ngu si hưởng thái bình về chuyện khi nào thì có kinh khi nào thì hết.

“Tibby Rollins?”

Nó khó chịu quay về phía có giọng nói viên quản lý. Charlie lúc nào cũng gọi đầy đủ cả họ tên, như thể có ba Tibby ở cùng một chỗ không bằng.

“Charlie Spondini?” nó đáp lời.

Anh ta cau mày với nó. “Hộp đựng đĩa trả nhiều quá rồi không nhét thêm gì vào được nữa. Em có phiền không?”

“Em có phiền. Điều này thể hiện sự vô tâm đối với khách hàng và việc doanh thu chúng ta phụ thuộc vào phụ phí trả muộn.” Đôi khi nó có thể khiến anh ta ngoác miệng ra cười, nhưng hôm nay nó biết mình thật bất lịch sự. Nó gần như mong anh ta sẽ đuổi việc nó.

“Tibby Rollins...” Trông anh ta mệt mỏi hơn là tức giận.

“Được rồi, được rồi,” nó nói. Nó đi lại chỗ hộp các tông lớn đựng đĩa trả lại dưới quầy và bắt đầu đổ ra.

Nó và Bee đã lái xe xuống đây hồm mồng 4 tháng Sáu. Nếu khi đó nó có kinh thật, thế nghĩa là... Thế nghĩa là gì nhỉ? Chẳng lẽ nó phải biết lúc nào mình rụng trứng ư? Nó ghét ba cái chuyện đó. Nó đã trải qua toàn bộ quy trình điều trị sinh sản của mẹ nó, các nhiệt kế và dụng cụ y tế nọ kia. Nó không muốn sống trong cái thế giới như thế.

“Xin lỗi?”

Tibby nhìn lên. Một khách hàng. Anh ta đeo kính màu và tóc tết màu xám. “Tiệm mình có phim Striptease không nhỉ?”

“Gì cơ?” Nó liếc anh ta vẻ khó chịu.

Striptease ấy?”

Tởm. “Nếu có thì nằm ở mục Phim bộ.”

“Cám ơn,” anh ta nói, và quay ra chỗ lối đi.

“Phim đó nhảm toàn phần,” nó nói với cái lưng anh ta.

Ở nhà đèn báo tin nhắn của nó đang nhấp nháy. Thường thì nó tìm thấy nguồn động viên quý giá trong các tin nhắn lãng mạn ngọt ngào của Brian. Tối nay nó buộc mình phải nghe.

“Tib, tớ đã tìm ra loại thuốc cậu có thể uống.” Giọng cậu căng thẳng và lo lắng. “Tớ không nghĩ là quá muộn đâu. Tối nay tớ sẽ lên phòng cậu nếu cậu muốn tớ đi cùng. Tớ có địa chỉ của Planned Parenthood(1)_. Không xa lắm - chỉ ngay trên phố Bleecker thôi. Tớ có thể...”

Nó đập mạnh vào nút Xóa và căn phòng trở lại yên tĩnh. Nó không muốn biết địa chỉ của Planned Parenthood. Nó không muốn sống loại cuộc sống đó. Nó không muốn bị một bác sĩ phụ khoa thăm khám và kê đơn. Nó muốn trải nghiệm tình dục của mình hoàn toàn không dính dáng gì tới bác sĩ.

Tại sao nó lại làm thế chứ? Sao nó lại để Brian thuyết phục nó làm việc đó? Thực ra cậu ấy có thuyết phục mày đâu, giọng nói của Siêu-Tibby vang lên. Thật sự không có chuyện trò thuyết phục gì nhiều ở đây.

Nhưng cậu chính là người muốn điều đó hơn cả. Cậu chính là người thèm muốn và đã nài nỉ nó suốt bao tháng qua. Cậu chính là người mang cái bao cao su lởm đó trong ví. Cậu chính là người đã chắc chắn rằng làm như thế thì sẽ khiến bọn nó gần nhau hơn.

Mọi suy nghĩ đen trong tối có đều gắn với cái bao cao su chết tiệt và với Brian vì cậu đã hết sức hào hứng giữ nó bên mình mà còn giữ rõ lâu.

Tibby bật cái ti vi nhỏ xíu lên. Tin tức địa phương phát trên kênh bảy. Tibby luôn bật kênh này, vì có một phát thanh viên nó thích. Bà ấy lớn tuổi, có khi phải đến sáu mươi rồi, tên là Maria Blanquette. Bà da nâu, các nét trên khuôn mặt toát lên vẻ thông minh và không hoàn hảo, và không giống hầu hết những phát thanh viên khác luôn trang điểm dày cộp, trông Maria giống một con người thật. Bà phụ trách phần tin “Manhattan Moments” trong đó bà trình bày các sự vụ liên quan đến các sao ở New York. Nhưng thay vì nịnh hót các sao, như hầu hết các mục giải trí khác, Maria cười cợt họ, và bà có kiểu cười không giống bất kỳ thứ gì khác trên ti vi. Giọng cười phóng khoáng, khàn khàn và hoàn toàn không màu mè. Tibby ngồi hàng giờ xem tin tức vì những giây phút đó.

Tibby háo hức ngồi xem, nhưng hôm nay Maria không cười. Tibby ngờ rằng các nhà sản xuất đã buộc bà phải thế.

 

Thường thì Bridget thích đồ ăn trên máy bay. Nó là một trong số rất ít người thích đồ ăn trên máy bay.

Nếu bạn tọng hết xuống dạ dày lúc nó còn bốc hơi nghi ngút, thì mùi vị khá là ngon. Nếu bạn nghĩ đến nó quá nhiều và để nó nguội tanh nguội ngắt, giờ Bridget nhận ra, thì nó chả ngon lành gì mấy. Điều này đúng với nhiều điều trong cuộc sống.

Tối nay, hộp đồ ăn vẫn nằm nguyên trên khay của nó. Eric thì ở Baja. Nó tưởng tượng anh đang lặn xuống biển Cortez. Ở đó sắp đến giờ ăn tối, và anh thường hay đi bơi trước khi ăn tối. Còn nó thì ở đây, ở độ cao mười nghìn mét trên Đại Tây Dương. Cả hai đều lơ lửng trên mặt nước, không đứa nào chân chạm đất.

“Eric cư xử như thể mình chẳng cần gì thật,” nó nói với Tibby qua điện thoại vài ngày trước.

“Có lẽ cậu cư xử như thể cậu chả cần gì,” Tibby nói. Nó nói nhẹ nhàng, nhưng câu nói đó vẫn xuyên vào trung tâm não của Bee.

Nó cảm thấy chút lo lắng, cách mặt đất quá xa và lao quá nhanh về phía ngược lại với Eric, xa nhà và xa những thứ nó cần.

Trong cabin tối om, bên ngoài cửa sổ cũng tối. Nó không hoàn toàn cô đơn. Rải rác khắp cabin có nhiều người cùng tham gia chương trình với nó. Nó sẽ ở cả mùa hè cùng họ. Giờ họ vẫn là người lạ, nhưng trên lý thuyết là bạn bè. Thật tệ khi Bridget lại không phải là loại người lý thuyết.

Nó thích những chuyến bay ngắn hơn, đi rồi đến chỉ trong một ngày. Nó thấy hơi khó chịu khi ngay tức khắc bay ra xa mặt trời.

Nó đút hai bàn tay lạnh ngắt vào trong Cái quần, cảm nhận sự dễ chịu của những đường chỉ xô lệch và chỗ phồng lên của loại sơn vải mà Carmen đã dùng.

Nó thực sự cần gì đây? Nó cần bạn bè, nhưng nó đã có Cái quần Du lịch. Thế thì cũng như có bạn bè ở cùng mình. Cái quần cho phép nó giữ chặt lấy bạn bè dù có chuyện gì.

Greta đang ở nhà tại Burgess, lúc nào cũng thế. Nếu Bridget tính được thời gian ở đó lúc này, nó có thể biết chính xác Greta đang làm gì. Thứ Ba lúc bảy giờ là chơi bingo. Sáng thứ Tư thì đi mua đồ. Dù Bridget có đi nhanh hay xa cỡ nào, Greta vẫn ở yên như thế.

Còn Eric nữa. Một lần trong đời nó đã cần Eric và anh đã có mặt ở đó. Anh đã biết chính xác phải làm gì. Nó không bao giờ quên điều đó.

Và gia đình. Nói một cách lý thuyết, đó là một căn nhà ghép ván xám xỉn trong đó có em trai và bố nó. Nó nuốt khan. Nó đưa khay thức ăn chưa đụng tới cho cô tiếp viên đi ngang qua. Họ có cần nó không? Nó có cần họ không?

Những câu hỏi này không đúng. Chúng là N/A_(1). Nó nhớ mình đã nhận ba chữ N/A trong phiếu liên lạc hồi lớp một và lo là mình đã trượt mấy môn đó. Khi nó kể với bố, ông cười lớn và nghịch tóc nó. “Thế nghĩa là Not Applicable, Beezy ạ. Con không trượt gì đâu.” Khi đó ông còn có thể an ủi nó. Hồi ấy nó cũng cố gắng nhiều hơn.

Giờ đó không phải là ngôi nhà mà các nhu cầu nảy sinh hay được đáp ứng. Nếu Perry và bố nó cần nó, cũng chẳng quan trọng, vì dù sao họ cũng không chịu nhận sự giúp đỡ của nó. Nếu nó cần họ... ồ, nó không cần. Họ không có thứ gì nó cần để mà trao cho nó.

Nó không thể giúp họ. Nó không cần họ. Sự thật là thế. Không phải ai cũng có một gia đình thân thiết. Không phải ai cũng cần một gia đình thân thiết.

Nó đang bay xa khỏi mặt trời, nhưng mặt trời sẽ ở đó để gặp nó khi nó hạ cánh. Cả hai chỉ là đang đi theo hai đường khác nhau để đến cùng một nơi mà thôi.

Nó thả lỏng người trong ghế, tách đầu óc mình khỏi lục địa phía sau, nhìn về lục địa phía trước. Nó không thể giúp bố mình hay Perry. Nó không thể. Nhiệm vụ của nó là nhìn về phía trước, trong khả năng của mình làm cho đời mình đẹp nhất có thể. Nó không cần phải ngoái nhìn lại nữa.

Nó tháo giày ra và co chân lên ghế. Nó khoát tay trước ngực và nhét bàn tay xuống dưới nách cho ấm. Khi tỉnh dậy, nó sẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trên một lục địa khác, một bán cầu khác, một vùng biển khác.

Nó thấy cơn nhộn nhạo bắt đầu. Nhưng đây là cơn nhộn nhạo của cảm giác phấn khích chứ không phải sợ hãi. Cái cảm giác làm bạn thấy đói chứ không thấy buồn nôn. Cái cảm giác đến từ việc nhìn tới phía trước chứ không phải nhìn về phía sau.

Đây đúng là cùng một cơn nhộn nhạo. Chỉ là nó mang lại cảm giác dễ chịu hơn nhiều.

 

Carmen vẽ linh tinh lên mấy tờ thông cáo trong khi các diễn viên sân khấu triển vọng - ở đây được coi là những người tập sự - đến từ khắp cả nước ngồi nghe phần trình bày trong nhà sân khấu chính. Julia đã sơn móng tay, một việc làm nghe có vẻ khá ngốc xít. Nhưng nó sơn màu đen, với Carmen dường như đó là một hành động rất ra dáng nữ diễn viên.

Carmen đưa mắt nhìn những đứa trẻ ăn mặc diêm dúa kia. Julia không phải là đứa duy nhất phủ hàng lớp quần áo vintage và viền mắt màu mực đen. Carmen suýt phá lên cười khi nghĩ rằng mặc dù Julia nổi bật trong đám nhếch nhác ở trường, Carmen lại nổi bật trong số những nữ hoàng hào nhoáng ở đây.

Đạo diễn của chương trình Main Stage hoành tráng và đáng khao khát, Andrew Kerr, giới thiệu trước tiên.

“Năm nay chúng ta sẽ diễn vở Câu chuyện Mùa đông. Tôi chắc các bạn đã biết, mỗi lần kỷ niệm mười năm thành lập nhà hát, chúng ta đều tổ chức một mùa hè toàn-Shakespeare, và năm nay là năm kỷ niệm thứ ba mươi. Chúng ta đã có được vài diễn viên chuyên nghiệp tuyệt vời tham gia cùng. Vấn đề là như thế này.” Ông hắng giọng để mọi người tập trung chú ý. “Main Stage lần này đóng vai trò một sản phẩm sân khấu chuyên nghiệp, đẳng cấp. Nhưng theo truyền thống chúng ta sẽ để ngỏ một vai diễn cho một tập sự viên. Một vai, và thường không phải là vai chính. Năm nào cũng thế. Các em được tự do thử sức, nhưng những người được gọi lại sẽ rất ít. Đừng lãng phí quá nhiều công sức cho việc đó. Còn rất nhiều vai diễn hay cho các em ở Second Stage và các chương trình cộng đồng. Tất cả các em đều sẽ có vai trong đó.”

Hầu hết những đứa kia đều biết chuyện này rồi. Nhưng thật khó để mà không hy vọng. Carmen nghi là nhiều đứa sẽ tốn không ít công sức cho vai diễn phụ đó, mặc Andrew Kerr nói gì thì nói. Nó bắt đầu nhận ra rằng diễn viên nói chung thường là ấp ủ đầy hy vọng, và lòng tự trọng cũng rất cao.

“Các buổi thử vai đều bắt đầu cùng một lúc. Rồi tiếp đó sẽ là từng danh sách gọi lại riêng cho ba chương trình.”

Liệu có ai ở đây cũng vào thẳng đội phụ trách hậu trường không nhỉ? Carmen tự hỏi. Liệu nó có phải là người tập sự sân khấu chưa bắt đầu đã chào thua đầu tiên ở nước Mỹ không?

“Các buổi thử vai chưa bắt đầu vào ngày mai, mà là ngày kia. Bảng đăng ký ở ngoài sảnh. Chúc tất cả các em may mắn.”

Carmen tự hỏi không biết mình có cơ hội làm hậu trường cho vở diễn lớn này không. Nó nghĩ là không. Quả là đã có những nhà thiết kế và xây dựng sân khấu nổi tiếng kéo đến đây. Ừa, nó sẽ sung sướng biết chừng nào nếu được làm việc trong một vở diễn khác vậy.

Sau cuộc họp mặt, Julia rất hứng khởi. “Bọn mình về phòng tập luyện luôn đi.”

“Tớ nghĩ mình chưa có gì để làm cả,” Carmen nói, đi tụt lại sau những bước sải đầy năng lượng của Julia.

“Tớ đang hy vọng cậu sẽ đọc lời thoại cùng tớ,” Julia nói.

 

Một số người thích thay đổi hơn những người khác. Toàn bộ nhóm của Bee tản ra nằm ngủ trên ba hàng ghế của chiếc Suburban cũ, một trong số mấy chiếc xe lớn, dãi dầu sương gió thuộc tập đoàn Khảo cổ học Classical. Bee ngồi thẳng như như cây cọ, nhìn ngắm vùng đồng quê giữa Izmir và Priene. Giờ họ đã đến bờ biển đủ gần để thấy biển Aegean ngoài cửa sổ xe bên tay phải.

“Chỉ còn cách Ephesus vài ki lô mét nữa thôi, về bên trái,” Bob Gì đó, một sinh viên cao học đang lái xe, nói. “Hè này chúng ta sẽ ở đó ít nhất là một ngày.”

Bridget liếc về hướng Đông, nhớ những bức ảnh chụp thành cổ Ephesus trong lớp Khảo cổ học. Mặt trời thực sự đã cán đích cùng với nó.

“Cả Aphrodisias, Miletus, và Halicarnassus nữa. Đấy là một trong những di tích đẹp nhất mà các bạn sẽ được chiêm ngưỡng đấy.”

Nó mừng vì mình còn thức, vì nếu không Bob sẽ chẳng có ai để kể chuyện này và nó sẽ không được nghe.

“Còn Troy thì sao ạ?” nó hỏi, bắt đầu cảm thấy gần như hụt hơi. Nó đang ở đây, một xứ sở tuyệt diệu, xa nhà hơn bao giờ hết. Dưới mảnh đất này chứa đựng nhiều lịch sử hơn bất kỳ nơi nào trên trái đất.

“Troy ở phía bắc, mãi gần Dardanelles. Đọc thì có vẻ hấp dẫn lắm, nhưng chả có mấy thứ để ngắm nghía đâu. Đoàn mình sẽ không có ai đi tới đó cả, theo anh biết là thế.” Anh mặc một chiếc áo in hình cá sấu da cam bạc màu, mặt tròn trịa. Nó nghĩ chắc anh này mới cạo râu, vì cằm và má dưới của anh nhợt nhạt, còn toàn bộ phần mặt lại hồng hào.

“Học kỳ trước, em đã đọc Iliad ở trường,” Bridget nói. “Gần hết.” Ngoài lớp Khảo cổ học, nó tham gia cả lớp Văn học Hy Lạp theo bản dịch. Lúc đó nó không nhận ra, nhưng giờ nhìn lại, nó coi việc này cho đến bây giờ là trải nghiệm học hành thu hút tâm sức của nó nhất. Không phải lúc nào bạn cũng biết được cái gì là quan trọng với mình.

Khi xe chạy vào khu đào, Bridget ngạc nhiên khi thấy nó nhỏ và giản dị đến mức nào. Hai lều lớn, vài lều nhỏ, và đằng xa là bóng dáng bụi bặm của khu khai quật có chăng dây. Nó nằm trên một ngọn đồi cao nhìn ra đồng bằng tiếp giáp với sông, và ngay tiếp đó, là biển Aegean.

Nó bỏ hành lý vào một căn lều, chỉ là vải bạt quây quanh một khung gỗ. Trong lều mắc có bốn cái võng và giá để trống, nhưng nó lại thấy khá lãng mạn. Nó đích thị là khách quen của những địa điểm nghỉ hè nơi thôn dã.

Những người mới đến lảo đảo tập trung cho một buổi chào mừng, và Bridget thực thi thói quen xấu là nhìn xung quanh rồi quyết định xem anh nào đẹp giai nhất phòng. Đây là thói quen có từ trước lúc nó là gái có bồ, và nó chưa hoàn toàn rũ bỏ được.

Trong trường hợp này, căn phòng thực ra là một cái lều rộng mở ra hai bên, sẽ được dùng làm phòng họp, phòng giảng dạy, và căng tin của bọn nó. Cảnh đẹp nhất là biển Aegean, nhưng cũng có ít nhiều khuôn mặt khả ái.

“Các bạn thân mến, khu này khá là hẻo lánh. Hệ thống ống nước thì sơ khai. Chúng ta có bốn nhà xí và hai nhà tắm. Thế thôi. Hè này hãy đánh bạn với mồ hôi của chính mình,” Alison Gì đó, phó giám đốc, nói lời chào mừng không mấy ân cần. Bridget xác định cô này mang kiểu tâm lý của trại huấn luyện lính mới tuyển. Cô ta phấn khích trước cảnh thiếu thốn.

Ừ, mà Bridget cũng có thể trở nên phấn khích trước cảnh thiếu thốn.

“Chúng ta có một máy phát điện dùng cho phòng thí nghiệm hiện trường, nhưng khu vực ngủ không được nối điện. Tôi hy vọng không ai mang theo máy sấy tóc.”

Bridget bật cười, nhưng vài cô khác trông không mấy dễ chịu.

Theo thông tin Bridget tổng hợp được thì đây là một khu đào xới nhỏ gần như mới triển khai. Tổng cộng có khoảng ba mươi người, gồm cả sinh viên, các nhà khoa học và vài tình nguyện viên. Rất khó nói, giữa đám áo phông, quần túi hộp, áo lao động và đống xăng đan kia, đâu là giáo sư đâu là sinh viên cao học, đâu là sinh viên đại học, đâu là dân thường. Hầu hết đều là dân Mỹ hoặc Canada; có một vài người Thổ Nhĩ Kỳ.

“Khu này có ba phần, và tất cả chúng ta sẽ dành thời gian cho cả ba phần đó. Nếu bạn là sinh viên và muốn có chứng chỉ, bạn phải tham dự các bài giảng vào thứ Ba từ ba đến năm giờ. Chúng ta sẽ đi cả thảy bốn chuyến đến các khu khác. Lịch trình được dán trên bảng. Tất cả các chuyến đi đều có tính bắt buộc để có được tín chỉ. Đó là chuyện học hành. Thế thôi. Ngoài ra, đây là công việc và chúng ta làm việc theo nhóm. Có ai hỏi gì không?”

Sao mấy người tổ chức lại tẻ nhạt thế nhỉ? Bridget tự hỏi. Có ai không muốn thấy đền thờ Artemis ở Ephesus cơ chứ?

Thật tình thì cũng may là đại học Brown nằm ở một khu vực khá là thành thị chứ không phải ở trong một cái lều, vì thật khó mà tập trung khi biển cứ nháy mắt với bạn như thế. Nó bắt đầu lờ Alison đi mà quay lại với thói quen của mình. Có một anh chàng rất ưng mắt mà nó đoán cũng là sinh viên. Anh này tóc xoăn đen, mắt rất sẫm màu. Nó nghĩ anh chàng là người Trung Đông. Có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó nghe thấy anh nói tiếng Anh.

Một anh nữa cũng khá bảnh trai. Trông anh khá lớn chắc là sinh viên cao học. Tóc anh hơi đỏ và vì bôi quá nhiều kem chống nắng nên mặt hơi ánh xanh. Có lẽ không được sexy cho lắm.

“Em là Bridget phải không?” Alison hỏi, làm nó giật bắn mình.

“Vâng.”

“Em làm trong nhà quàn.”

“Vâng.”

“Nhà quàn nghĩa là gì?” Bridget hỏi một cô nàng cao lớn tên là Karina Itabashi trên đường về khu khai quật.

“Nghĩa là nhà để người chết.”

“Ồ.”

 

Sau bữa trưa, Bridget sắp xếp đi nghe bài giảng đầu tiên và phát hiện ra một điều thú vị: anh chàng đẹp trai nhất trong đám con trai ở đây không phải là anh dân Thổ cũng không phải là anh đầu đỏ trát vô tội vạ kem chống nắng. Anh đẹp trai nhất đang đứng ngay trước mặt nó, giảng về đồ tạo tác.

“Được rồi, các bạn.” Anh đẹp trai nhất đang cầm một vật sau lưng, và giờ anh giơ ra cho bọn nó xem. “Vật trong tay tôi đây là tạo tác kỹ thuật, tạo tác xã hội, hay tạo tác tư tưởng?” Anh đẹp trai nhất đang nhìn thẳng vào nó, chờ nó trả lời câu hỏi của anh.

“Đó là một quả cà chua,” nó nói.

May mà anh bật cười chứ không ném quả cà chua vào nó. “Em có lý, em...?”

“Bridget.”

“Bridget. Còn ý tưởng nào nữa không?” Vài cánh tay giơ lên.

Nó nghĩ anh là sinh viên cao học khi lần đầu thấy anh ngồi ăn sandwich dưới gốc cây ô liu hôm đó. Trông anh chưa thể đến ba mươi. Nhưng anh tự giới thiệu mình là giáo sư Peter Haven, vậy trừ phi anh nói dối, thì đúng là vậy. Anh dạy ở đại học Indiana. Nó cố hình dung bang Indiana trên bản đồ.

Tối hôm đó, lúc mặt trời lặn s au bữa tối trong lều lớn, một nhóm người tụ tập chuẩn bị leo lên đỉnh đồi ngắm hoàng hôn. Vài hộp bia sáu lon nằm trên mặt đất. Bridget ngồi cạnh Karina, cô này cầm một lon bia.

“Cậu làm tí không?” cô hỏi Bridget, chỉ về phía đám đồ uống.

Bridget ngại ngần, và Karina hình như đọc được nét mặt của nó. “Theo như tớ biết thì ở đây không giới hạn tuổi bia rượu đâu.”

Bridget nhoài tới cầm lấy một lon. Năm ngoái, nó đã tiệc tùng nhiều đến độ đủ để hình thành một mối quen biết khá thân thiết với bia bọt, nếu không muốn nói là một tình bằng hữu thực sự.

Ngồi cạnh Karina, Bridget nhận ra một vị giám đốc, và nó ngạc nhiên, cũng như khi ăn bữa tối, trước sự hòa trộn của cả hội. Đội này không theo tôn ti như ở trường. Xét theo tuổi tác thì không hẳn đã đồng nhất. Có chăng là mọi người tập trung theo khu vực của khu khai quật nơi họ làm việc hơn là theo độ tuổi hay chức vụ nghề nghiệp. Nó nhận ra mình đã quen để mắt tìm những người có thẩm quyền, nhưng ở đây nó không thấy ai như thế cả.

“Cậu đào ở đâu?” nó hỏi một cô vừa ngồi xuống cạnh nó. Nó nhận ra đây là Maxine cùng cabin với mình.

“Tớ không đào. Tớ là chuyên viên bảo quản. Tớ chuyên về đồ gốm trong phòng thí nghiệm. Cậu thì sao?”

“Nhà quàn. Ít nhất ban đầu thì thế.”

“Ồ ồ. Bụng dạ cậu tốt chứ?”

“Tớ nghĩ là thế.”

Nó thấy Peter Haven ở cuối nhóm. Anh cũng đang uống bia và cười đùa chuyện gì đó. Ở anh có gì đó rất dễ chịu.

Mặt trời đã lặn. Trăng đang lên. Maxine cầm chai bia lên và Bridget cụng với cô. “Vì nhà quàn,” Maxine nói.

“Vì đồ gốm,” Bridget đế theo, chưa bao giờ uống bia với một chuyên viên bảo quản. Là người lớn thật thích. Ngay cả bia ở đây uống cũng ngon hơn.

 

Nếu Leo nhìn Lena như dự kiến, nó đã không phải nghĩ đến anh vài lần tối hôm đó, hay cố đoán họ của anh để tra Google.

Và chắc chắn là nó sẽ không cảm thấy cần phải đến studio vắng hoe vào một sáng thứ Bảy khi mọi sinh viên hội họa biết tự trọng đều còn đang nằm trên giường. Nó đến đó để lén nhìn bức vẽ của anh, thầm hy vọng rằng biết đâu kỹ năng hội họa của anh không như tiếng tăm hứa hẹn.

Nó xem bản vẽ của mình trước. Đó là hình một phụ nữ đùi to đang đứng tên là Nora. Lena có thể tự thuyết phục mình về vẻ đẹp của Nora chừng nào cô còn đứng im. Ngay khi cô thay đổi nét mặt hay mở miệng, khái niệm đó rơi vỡ toang trên sàn nhà và Lena buộc phải xây dựng lại từ đầu sau mỗi tư thế.

Nhưng cặp đùi của Nora quả thực có nét duyên dáng kỳ lạ, và quan trọng hơn, chúng cho Lena một cảm nhận tinh tế về khối, rất khó để tái tạo trong không gian hai chiều. Lena thích cái cách mà phần vẽ này của nó đang thành hình.

Giờ, ngượng ngùng mặc dù chỉ có một mình, nó mon men đi loanh quanh trên lớp lót sàn mòn xơ. Nó xem xét cái bục mẫu trống không, những giá vẽ không người, cánh cửa sổ cao, cọt kẹt, cây dương xỉ không ai tưới nước, những cái mùi còn vương lại. Một studio trống không làm Lena nhớ đến thế giới vào buổi đêm. Thật khó hòa hợp thế giới ban đêm với thế giới ban ngày.

Lena nhớ một trận bão mùa hè đầy sấm chớp hồi học cấp hai. Nó tỉnh giấc lúc nửa đêm và dũng cảm bước xuống cầu thang trong bộ áo ngủ để ngồi ở mái hiên trước nhà và quan sát. Một tia chớp lóe lên, nửa đêm trở thành chính ngọ, và Lena choáng người khi thấy tất cả mọi thứ trong thế giới đêm bí ẩn cũng giống hệt như trong thế giới ban ngày tầm thường, hân hoan.

Sau lần đó nó dành rất nhiều thời gian để tự thuyết phục rằng cái mình nhìn thấy, thậm chí cái mình cảm thấy, có một mối liên hệ không đáng tin với cái thực sự có ở đó. Cái thực sự có ở đó là hiện thực, dù cho mình có nhìn thấy hay cảm thấy thế nào về nó.

Nhưng sau đó nó bắt đầu vẽ và phải tháo gỡ tất cả sự thuyết phục mà nó đã tự làm. Không còn cách nào khác để tiếp cận một hiện thực thị giác ngoài cái mà ta nhìn thấy. Hiện thực là cái mà ta nhìn thấy. “Chúng bị mắc kẹt trong những giác quan của mình,” cô giáo cũ, Annik, có lần từng bảo nó thế. “Chúng là tất cả những gì chúng ta có trong thế giới này.”

Và vì thế chúng chính là thế giới, Lena nhớ khi đó mình đã nghĩ thế, và kể từ đó cứ nghĩ thế rất nhiều lần.

Ta không thể vẽ một cái đùi dựa trên điều ta biết về nó, trong bóng tối hay ngoài ánh sáng. Ta phải vẽ cái đùi một cách chính xác những phân tử ánh sáng đi vào mắt ta và cách ta tiếp nhận chúng từ góc độ đó, trong căn phòng đó, vào giây phút đó ra sao.

Sao nó phải tiêu phí quá nhiều thời gian trong đời để quên đi những thứ đã học thế nhỉ? Chuyện đó còn khó hơn việc học rất nhiều, nó suy ngẫm khi rụt rè đi quanh bức tranh của Leo.

Nó cơ hồ sợ không dám nhìn - sợ bức tranh xấu hơn hình dung nhưng còn sợ hơn nếu biết đâu nó lại đẹp hơn.

Nó đợi đến khi mình đứng hẳn hoi trước bức tranh của anh rồi mới động vào.

Sau ba ngày ở studio, bức tranh của anh thực sự chỉ mới bắt đầu. Mới chỉ gợi nhiều hơn là tả. Vậy nhưng nó vượt xa bức tranh của Lena đến mức nó muốn bật khóc. Không phải chỉ vì khi đem ra so sánh thì bức của nó trông thật nghiệp dư, mà còn vì bức của anh có dáng điệu và phẩm chất, dù chỉ mới ở giai đoạn ban sơ, vừa đáng yêu vừa gợi lên một nỗi buồn không sao giải thích nổi.

Nó đã cống hiến đời mình cho trường nghệ thuật, và nó biết mình có thể học rất nhiều thứ ở đây, nhưng trong một thoáng ngộ ra, nó đã biết rằng đây không phải là thứ có thể dạy mà thành được. Nó không thể lý giải tại sao bức tranh lại tác động đến nó nhiều như vậy, hay đâu là cái nhìn thấu suốt vào tâm tưởng của Nora, nhưng nó cảm nhận được điều đó. Và nó cũng cảm thấy toàn bộ ti u chuẩn và tham vọng của chính mình đang bị cuộn sạch xuống toilet. Có khi nó còn nghe cả được tiếng nước dội.

Nó đưa ngón tay lên mắt, run người cảm thấy mắt ươn ướt thật sự. Nó đã hy vọng đây sẽ là những giọt nước mắt trên lý thuyết, không phải là những giọt nước thật.

Nó nghĩ đến Leo. Mái tóc và bàn tay. Nó cố dung hòa khuôn mặt anh với bức vẽ này.

Và đột ngột, nó thấy xấu hổ với trò chơi ngốc nghếch này khi nhận ra mình sẽ nghĩ đến anh, dù anh có nhìn đến nó hay không, nhìn khi nào và nhìn ra sao cũng mặc.

 

LennyK162: Chàooooo, Tibby. Cậu có đó không? Cậu không                               trả lời điện thoại làm bạn bè lo lắng đấy. Bee đã viết sẵn bản

        báo cáo tìm trẻ lạc và tớ đang định gọi cho Alice. Làm ơn tư            vấn giùm.

Tibberon: Tớ đây, hỡi người bạn vui vẻ.

 

“Tib à, nếu được thì gọi lại cho tớ trước lúc năm giờ nhé,” Brian nói.

Tibby nằm trên giường nghe đoạn cuối tin nhắn. Nó không muốn gọi lại. Nếu nó thực sự nói chuyện với cậu chứ không để lại tin nhắn cho cậu khi biết chắc cậu đang đi làm, nó hẳn sẽ không tài nào mà nổi giận với cậu.

“Sẽ ổn thôi mà, Tib,” cậu kết thúc lời nhắn.

Sao lúc nào cậu cũng nói thế nhỉ? Cậu có quyền lực gì để khiến mọi thứ đều ổn cơ chứ? Nhỡ đâu không ổn thì làm sao. Nhỡ đâu nó dính bầu thật thì sao.

Mà tóm lại là ổn cho ai? Có lẽ vì đây là cơ thể của nó chứ không phải của cậu.

Mà nếu nó có thai thì sao? Khi đó cậu sẽ nói gì? Nếu cậu muốn nó giữ đứa bé thì sao? Trước đây cậu có nói chuyện con cái rồi. Nhỡ đâu cậu đã ngấm ngầm muốn một chuyện như thế này xảy ra thì sao?

Siêu-Tibby định có ý kiến về chuyện này, nhưng Tibby-bình-thường bịt mồm cô ta lại ngay tắp lự.

Có lẽ Brian đã lãng mạn hóa ý tưởng có một đứa con. Hẳn cậu đã nghĩ đó sẽ là một điều đẹp đẽ giữa hai đứa. Thế đấy, Tibby đã đích thân chứng kiến toàn bộ quá trình, và thấy nó chẳng đẹp đẽ gì đâu. Nó đã thấy cái bụng vĩ đại của mẹ nó, khi mang thai Nicky, với những vết rạn màu đỏ chằng chịt nhìn phát sợ. Nó biết thế nào là thiếu ngủ và trẻ con khóc nhiều ra sao. Và một trong những trải nghiệm lạ lùng bậc nhất trong đời là hồi nó phải chịu đựng cả một quy trình máu me khi làm bạn đẻ bất đắc dĩ của Christina. Nó biết sức mạnh của việc sinh đẻ, cả sự đẹp đẽ lẫn nỗi kinh hoàng. Trên thế giới này nó chính là cô gái không bao giờ có thể coi điều đó là dễ thương và sexy.

Nó không thể dính được. Nếu nó dính thì sao?

Nếu kỳ kinh cuối cùng của nó kết thúc vào ngày năm, xem nào... hay là ngày sáu nhỉ? Rồi mình đếm hai mươi tám ngày. Không, hai mươi mốt ngày chứ nhỉ? Từ ngày cuối cùng à? Hay ngày đầu tiên?

Tibby đã đau đầu với câu hỏi này ít nhất một trăm lần rồi, và vẫn mắc đúng ở những chỗ giống nhau.

Brian làm phụ tá dọn bàn ăn cho một nhà hàng Mexico ở Rockville vào các tối thứ Tư. Nó đợi cho đến khi ca của cậu đã bắt đầu mới gọi lại.

“Tớ nghĩ cuối tuần này cậu không nên đến. Tớ tính sẽ đi Providence chơi với Lena. Okay? Xin lỗi nhé.”

Nó gác máy thật nhanh. Nó thấy mặt mình nhăn nhúm lại thành một hình khó chịu. Nó bấn óc đến mức không cảm thấy xấu hổ khi nói dối hay thậm chí để nói cho thuyết phục.

Nếu là ngày năm, thì chu kỳ của nó - nếu có đến - sẽ là vào ngày hai mươi sáu. Nhưng nếu không phải là ngày năm thì sao? Rất có thể là ngày sáu hay bảy lắm chứ. Rồi nó sẽ phải đợi cho đến Chủ nhật. Làm sao mà đợi lâu thế được đây?

Và nếu Chủ nhật không có thì sao? Nếu nó không có kinh thì sao?

Không. Nó không được nghĩ thế. Nó không thể để mình nghĩ như thế, ấy vậy mà nó không tài nào nghĩ sang chuyện khác được.

Thực ra nó không định đi Providence. Giờ nó không muốn gặp bạn bè. Không muốn gặp ai chừng nào nó chưa có kinh. Nếu đi, nó sẽ phải kể cho bọn kia nghe mọi chuyện. Chúng quá hiểu nó nên không lý nào chấp nhận sự né tránh và những lời nói dối của nó. Nó không muốn nói to cái từ đáng sợ kia ra cho bạn bè nghe, vì như thế sẽ khiến mọi thứ có cảm giác như thật.

Nó ghét việc không được kể với bạn bè rằng cuối cùng nó cũng đã làm chuyện đó. Nó cần phải nói cho chúng một thông tin quan trọng như thế. Nhưng cái màn hậu kỳ của chuyện đó thật đau đớn quá không kể được, và hai chuyện này lại không thể tách rời.

Giờ nó không gặp Brian được. Nó không muốn nói về chuyện đã xảy ra. Nếu cậu muốn làm tình nữa thì sao? Cậu sẽ thế phải không nhỉ? Nó sẽ phải làm sao?

Lẽ ra Brian không nên khăng khăng đòi hỏi, nó thấy mình đang nghĩ. Lẽ ra bọn nó nên giữ mọi thứ như cũ.

Nó không muốn ăn, cũng chẳng muốn ngủ. Không có gì để mong ngóng, không có gì để thấy hạnh phúc, và không có gì khiến nó buộc mình làm.

Ấy vậy mà nó đã lên kế hoạch rất chi tiết cụ thể cho cuối tuần này. Nó sẽ đợi chờ, hy vọng một điều duy nhất nó thực sự muốn. Nó sẽ đợi và hy vọng điều ấy sẽ đến.

 

“Ôi Chúa ơi. Một mẩu xương sọ. Ai đó gọi Bridget hộ cái.”

Bridget cười và quay lại.

Darius, anh Trung Đông đẹp trai, hóa ra không phải dân Thổ, mà là người Iran sống ở San Diego. Anh cũng làm ở bộ phận nhà quàn, và vào lúc này anh đang chỉ vào một bức tường đất.

Nó bước vào trong nhà quàn. Nó bỏ cái bay sắc vẫn hay dùng xuống để lấy những dụng cụ tinh tế hơn. Mới hơn một tuần nó đã nổi tiếng là đứa không biết sợ. Đối diện với những khúc xương mục nát, rắn, sâu, nhện, bọn gặm nhấm, và bọ, to bé cỡ nào, nó cũng thản nhiên như không. Ngay cả mùi nhà xí cũng chẳng nghĩa lý gì với nó. Mặc dù thật ra nó chưa bao giờ đi tè trong đó.

Đến năm rưỡi tối, những đồng nghiệp bẩn thỉu, đẫm mồ hôi của nó đang vạ vật đi về phía trại, nhưng nó vẫn tiếp tục làm việc với mẩu xương. Thực ra đó là một mẩu khá lớn. Và là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ. Không phải cứ đào lên là xong. Từng mẩu đất phải được phủi đi và cẩn thận sàng lọc. Từng phần của mẩu xương, từng mảnh đất hay đá phải được đưa về phòng thí nghiệm. Mọi thứ phải được ghi chép lại theo bối cảnh trên một lưới vĩ độ ba chiều lớn. Nó phải chụp ảnh từng cái một bằng máy kỹ thuật số, đánh số theo rổ và lô.

“Sự khác nhau giữa cướp bóc và khảo cổ học là bảo toàn bối cảnh,” Peter đã bảo nó thế. “Bản thân hiện vật, dù giá trị thế nào, chỉ thể hiện một phần nhỏ giá trị của chúng với chúng ta.”

Đến sáu rưỡi, chỉ còn Peter ở đó với nó. “Thầy cứ đi đi,” nó nói. “Em gần xong rồi.”

“Để em lại một mình trong ngôi mộ, tôi thấy không hợp lý lắm,” anh nói.

Nó thích anh ở đó, mặt trời đằng sau. Nó để anh ở lại.

“Em đặt tên cho anh ấy là Hector,” nó nói, nhấc cái sọ ra khỏi đất.

“Ai cơ?”

“Anh này.” Nó chỉ vào cái lỗ chắc là mũi của cái sọ.

“Đó là một cái tên rất oai hùng. Sao em lại nghĩ đây là ‘Anh ấy’?”

Nó không chắc anh đang hỏi hay đang đánh đố mình. “Dựa vào kích cỡ. Hôm qua bọn em đã tìm thấy một mẩu xương sọ phụ nữ.”

Anh gật đầu. “Thế em đặt tên cho cô ấy là gì?”

“Clytemnestra.”

“Tôi thích tên đó.”

“Cám ơn thầy. Em đang cố tìm những phần còn lại của cô ấy. Bộ xương của cô ấy gần như hoàn chỉnh rồi.”

“Ồ, ra đó là Clytemnestra. Tôi có nghe nói về cô ấy trong phòng thí nghiệm.”

Bridget gật đầu. “Mấy anh bên sinh học đang hào hứng với cô ấy lắm.”

Khi đất đã được phủi gần xong, nó rón rén nâng sọ Hector lên. Nó bắt đầu quét các đường rãnh như đã được dạy.

“Chuyện này không làm em sợ nhỉ?”

Nó nhún vai. “Không hẳn ạ.”

“Rốt cuộc cũng sẽ có thứ gì đó thôi. Tôi biết là có vẻ xa xưa thật, nhưng rồi sẽ có một chuyện gì đó chạm được tới mình.”

“Nhưng không có nhiều bi kịch lắm trong một cái chết xảy ra từ ba nghìn năm trước, nhỉ?” Bridget ngẫm ngợi thành lời. “Dù cuộc đời Hector có vĩ đại hay tồi tệ thế nào đi nữa thì anh ấy cũng đã chết từ rất lâu rồi.”

Peter mỉm cười với nó. “Như vậy chẳng phải là triết lý về chuyện sống chết sao?”

“Vâng. Sao chúng ta cứ phải lo lắng quá nhiều khi cuối cùng rồi cũng kết thúc ở đây?” nó hỏi. Nó cảm thấy khá vui vẻ khi đang đứng ở một khu chôn cất, tay cầm một mảnh sọ người khá lớn.

Anh cười nó, nhưng có vẻ tán thưởng. Anh ngồi xuống rìa con hào suy ngẫm. Nó có cái cảm nhận kỳ quặc là anh có đôi tai rất tinh tường. Dường như anh nghe ra được trọn vẹn mọi điều nó nói và nghĩ, dù nó nói to hay nói khẽ. Khi cùng cảnh, việc lắng nghe nhau trở dễ dàng hơn.

“Rõ ràng một cái chết mới xảy ra luôn có vẻ bi kịch hơn,” anh trầm ngâm. “Tôi nghĩ vì chúng ta vẫn tiếp tục sống cái thế giới vắng mặt người đã chết đó. Chúng ta vẫn còn đây để mà nhớ họ.”

Trong đời anh có trải qua bi kịch nào như thế không? Nó tự hỏi. Anh có biết là nó đã từng không?

Nó hất tóc ra sau. Nó nhận ra mình vừa quệt một vệt đất ngang trán. “Mối liên hệ đạo đức của chúng ta với con người sẽ kết thúc sau một thời gian nhất định. Thầy có nghĩ thế không? Nếu không làm sao chúng ta lại đào mộ họ lên được?”

“Em hoàn toàn đúng, Bridget ạ. Quá đúng luôn. Nhưng bao lâu? Hai trăm năm? Hai nghìn năm? Làm sao tính được khoảnh khắc mà cái chết của một người trở thành khoa học chứ không còn là cảm xúc?”

Nó biết anh đang hỏi một câu hỏi tu từ, nhưng nó thực sự muốn trả lời. “Em xin trả lời là ta tính bằng cái chết của người cuối cùng có cuộc đời gối lên cuộc đời người đã chết. Bằng thời điểm họ đánh mất khả năng giúp đỡ hay làm tổn thương một tâm hồn còn sống.”

Anh mỉm cười trước sự chắc chắn của nó. “Đấy là giả thuyết của em?”

“Đấy là giả thuyết của em.”

“Nhưng em có nghĩ là khả năng giúp đỡ hay làm tổn thương có thể vượt xa đời sống tự nhiên của một con người không?” anh hỏi.

“Em không nghĩ thế,” nó tuyên bố, gần như theo phản xạ năng. Đôi lúc nó cảm thấy sự chắc chắn có sức hút còn mạnh mẽ hơn cả sự thật.

“Vậy thì em còn cần phải học hỏi đôi điều từ người Hy Lạp đấy cô bạn của tôi ạ.”

 

Lenny,

Tớ gửi kèm với Cái quần một ít bụi đất cổ xưa và một bức ảnh chụp tớ với bạn trai mới của tớ, Hector. Cậu có thể thấy là anh ấy không sôi nổi cho lắm. Nhưng anh ấy có được sự khôn ngoan do tuổi tác.

Một đống tình yêu từ bạn Bee của cậu

(và một nụ hôn đầy răng từ bạn-rể của cậu, Hector)

 

Carmen đúng là có học lời thoại cùng Julia. Nó đọc thoại hàng giờ liên tục suốt hai ngày liền. Julia muốn thử một loạt vai trước khi chính thức quyết định chiến lược thử vai.

Carmen nhẹ cả người khi Julia tới văn phòng phô tô thêm vài trang vì nó được nghỉ ngơi và kiểm tra email. Nó có một danh sách các tin chưa đọc từ Bee, Lena và mẹ nó cùng với Paul, đứa em cùng mẹ khác cha của nó.

Khi Julia quay lại, nó ngay lập tức để ý thấy một bức ảnh mà Carmen đã in ra và để trên bàn.

“Này, ai đây?” Julia hỏi. Nó cầm tờ giấy lên săm soi.

Đấy là bức ảnh chụp Bee ở Thổ Nhĩ Kỳ đang cầm một cái sọ người và vờ hôn nó. Bee đã gửi qua Internet, và bức ảnh khiến Carmen khoái chí đến nỗi nó bèn in ra luôn.

“Bridget, bạn tớ,” Carmen nói.

“Thật á?”

“Ừ.”

Carmen biết thật là kỳ khi không nói nhiều về bạn bè mình với Julia. Nó chỉ thỉnh thoảng nhắc qua, nhưng chưa bao giờ lộ ra là bọn nó rất quan trọng với nó. Nó không chắc là vì sao. Cứ như thể nó đã đặt mấy đứa đó và Julia vào hai ngăn khác nhau. Không trộn lẫn. Nó không muốn hai bên trộn lẫn với nhau.

“Đây là bạn cậu á?” Julia trông có vẻ thoáng nghi ngờ, như thể Carmen đã cắt bức ảnh từ tạp chí ra và đang nói chơi.

Carmen nghĩ có thể chính vì thế.

“Bạn ấy trông xinh kinh lên được. Nhìn cặp chân kìa,” Julia nói.

“Vận động viên mà.”

“Xinh quá. Bạn ấy học ở đâu?”

Quả là buồn cười. Thật sự thì Carmen không nghĩ là Bee xinh. Bee không đủ kiên nhẫn để làm một cô gái xinh đẹp. “Brown,” nó nói.

“Tớ cũng đã từng nghĩ đến việc học ở đó. Nhưng Williams trí thức hơn nhiều.”

Mấy lời này được thốt ra từ một cô gái không chỉ đọc Tuần báo Mỹ mỗi tuần, mà cả SaoOK! nữa. Carmen nhún vai.

“Tóc bạn ấy trông giả giả thế nào ấy. Bạn ấy lẽ ra nên dùng màu đậm hơn.”

“Sao cơ?”

“Bạn ấy tự nhuộm à?”

“Bridget á? Cậu ấy đâu có nhuộm tóc đâu. Tóc tự nhiên đấy.”

“Tóc thật đây á?”

“Ừa.”

“Cậu có chắc không thế?”

“Chắc.”

“Đó là bạn ấy bảo cậu thế thôi,” Julia nói, nửa đùa nửa thật, nhưng Carmen không thấy buồn cười.

Nó nhìn Julia, tự hỏi chuyện gì đây. Chẳng lẽ con bé quả thực muốn ganh đua với một cô gái mình chưa từng gặp bao giờ ư?

“Này, bọn mình đi mua nhanh ít đồ ăn tối rồi mang về đây đi,” Julia gợi ý sau một giờ đọc thoại tiếp theo. “Tớ muốn tiếp tục học.”

“Cậu cứ ở đây đi,” Carmen đề nghị. “Tớ đi cho.” Thật ra là nó sung sướng vì được thoát khỏi mấy đoạn thoại, sung sướng vì được ra ngoài. Khoảng sân ở đây rất đẹp, nhất là dưới ánh đèn buổi đêm. Những hàng cây nhỏ cành lá buông rủ dọc lối đi và những khu vườn cây một mùa rộng mênh mông quanh mấy tòa nhà chính.

Mải mê ngắm hoa, nó quên mất đường tới quán ăn tự phục vụ, được dân tập sự gọi là căng tin. Nó đi bộ đến khi tới được một bên đồi khá đẹp trông xuống thung lũng. Ở đây cây cối sum suê và ngạt ngào hương thơm dưới ánh sáng.

Carmen đứng đó nhìn ngắm một lúc lâu. Nó đã bị lạc - nó không thể bị lạc hơn nữa, phải không nhỉ? Nó trầm ngâm, khi ta không thuộc về một nơi nào cả, ta gần như thuộc về mọi nơi.

Nó tự hỏi đã bao lâu rồi nó không dùng các giác quan của mình để cảm nhận cái đẹp. Cứ như thể nó đã bị đóng băng suốt mấy tháng qua và giờ mới đang bắt đầu rã đông.

Nó nhận ra một người nữa từ khu học xá đang ở cạnh bên, cũng đang chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Đó là một phụ nữ nó chưa từng thấy hay gặp mặt bao giờ.

“Đẹp nhỉ,” người phụ nữ nói.

Carmen thở dài. “Đẹp thật.”

Họ bước cùng nhau dọc con đường. “Em tham gia chương trình sân khấu à?” người phụ nữ hỏi. Hông chị to và trông dáng người hơi thô. Carmen chắc mẩm chị không phải là diễn viên, và cảm thấy thân thiết.

Carmen gật đầu.

“Em định thử vai gì?”

Carmen vén một sợi tóc rối ra sau tai. “Không ạ. Em làm phông cảnh thôi, hy vọng là vậy.”

“Em không định thử vai nào ư?”

“Không ạ.”

“Sao không?”

“Vì em không phải là diễn viên.”

“Sao em biết được? Em đã thử bao giờ chưa?”

“Em nghĩ là chưa. Chưa từng ạ.” Mặc dù bố em bảo là em rất hợp với sân khấu, nó nghĩ thầm.

“Em nên thử đi. Đây thực sự là sức mạnh của chương trình này.”

“Chị nghĩ thế ạ?”

“Đương nhiên rồi.”

“Hừm.” Carmen mất hai giây giả vờ cân nhắc ý nghĩ này để không ra vẻ khiếm nhã. “Này, chị chỉ cho em đường đến căng tin được không? Em lạc đường và chẳng biết mình đang đi đâu nữa.”

“Đương nhiên rồi,” người phụ nữ nói. Chị chỉ về phía trái nơi con đường phân nhánh.

“Cảm ơn chị,” Carmen ngoái lại nói.

“Tên em là gì?” người phụ nữ hỏi.

“Carmen.”

“Chị là Judy. Rất vui được gặp em, Carmen. Em thử đi, nhé?”

Carmen không thể nói okay nếu nó không thực sự định thế. “Để em nghĩ đã nhé?”

“Chị chỉ có thể yêu cầu chừng đó,” người phụ nữ đáp.

Sau đó, khi Carmen cố ngủ và tất cả những lời thoại và lời thoại và lời thoại bay quờ quạng trong đầu nó, nó thực sự nghĩ đến chuyện đó. Nó chủ yếu nghĩ đến việc tại sao nó lại không thử nhỉ.

Hết chương 6. Mời các bạn đón đọc chương 7!

Nguồn: truyen8.mobi/t40200-mua-he-thu-tu-cua-quan-jean-may-man-chuong-6.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận