Tôi lấy phòng riêng ở một nhà trọ trên một con đường nhỏ giữa Quận 3 và Quận 10. Mệt mỏi sau chuyến đi, tôi ăn tối sớm và đi ngủ sớm, lúc đó có lẽ mới bảy giờ. Sau mười hai giờ Chi lay tôi dậy, như đã hẹn (tôi không nhớ rõ, hình như Chi có đến với tôi lúc tôi ở trên tàu và nói chị em mình sẽ gặp nhau đêm hôm sau, lúc nửa đêm). Tôi ngồi trên giường, dựa lưng vào vách. Phòng hẹp, không có chỗ kê bàn và ghế, Chi ngồi dưới đất, tựa vào bức vách bên dưới cửa sổ. Chi ngồi rất gần tôi, nhưng tôi chỉ thấy Chi một phần, vì Chi bị cạnh giường che khuất từ ngực trở xuống, và chỗ Chi ngồi rất tối. Dù vậy, tôi cũng thấy Chi rất buồn, nghiêm trang và cứng rắn. Tôi thấy hơi nhói ở tim, vì tôi đã thương nhớ Chi, nhưng Chi giữ một khoảng cách nào đó suốt từ đầu cho đến cuối lần gặp lại này.
"Chúng ta có một đứa em gái, Mai có nhớ như vậy không?"
"Có chứ. Tên nó là Quỳnh. Quỳnh đang học ở Thụy Sĩ."
"Quỳnh học thứ gì, Mai có biết không?"
"Mai không biết."
"Quỳnh chẳng học gì cả. Quỳnh đang ở Sài Gòn."
"Không thể nào. Mẹ Quỳnh nói Quỳnh đi du học. Mai đã đến nhà, đã vào phòng của Quỳnh. Căn phòng của nó để trống."
"Trống là vì Quỳnh không ở đó."
"Tại sao? Căn phòng thật là đẹp."
"Vì nếu nó ở đó thì cha mẹ nó sẽ không gởi tiền sang Thụy Sĩ nữa. Quỳnh lúc nào cũng cần tiền."
"Quỳnh không đi Thụy Sĩ sao? Chuyện thật lạ lùng."
"Quỳnh yêu một nhạc sĩ nghiện xì ke. Quỳnh đi Thụy Sĩ, rồi Quỳnh bỏ về sống với người yêu, không cho cha mẹ biết. Cha mẹ Quỳnh cứ tiếp tục gửi tiền."
"Lỡ gặp cha mẹ ngoài phố thì sao?"
"Ông bà ấy có bao giờ ra phố đâu. Họ đi đâu cũng đi bằng một trong hai chiếc xe màu đen, và Quỳnh biết họ đi những nơi nào. Đó không phải là thế giới của Quỳnh."
"Quỳnh sống như vậy đã bao lâu rồi?"
"Có lẽ ba tháng. Hay bốn."
"Quỳnh có nghiện không?"
"Không."
Một lúc sau Chi hỏi:
"Quỳnh đẹp lắm. Mai có thấy vậy không?"
Câu hỏi làm cho tôi thấy bất an. Tôi lờ mờ linh cảm chuyện không lành.
"Sao hôm nay Chi lại kể cho Mai nghe chuyện của Quỳnh?"
"Quỳnh là em gái của chúng ta. Mai không quan tâm tới em mình sao? Quỳnh đang gặp nạn."
"Nạn gì?"
"Chuyện nhỏ thôi. Nếu không đến hôm nay, nó sẽ đến vào một hôm khác. Người yêu của Quỳnh bị bắt."
"Vì sao?"
"Anh ta tìm cách để có tiền."
"Anh ta đã làm gì?"
"Em không biết."
"Chuyện gì Chi cũng biết mà."
"Em không biết thật. Em không cần biết thì em không biết."
"Chi không cần biết thì kể Mai nghe làm gì?"
"Em kể chuyện của Quỳnh, không phải chuyện anh kia. Quỳnh đang cần tiền, một khoản lớn. Cha mẹ có nhiều lắm, mà không xin được. Không có gì mà Quỳnh không làm để cứu người yêu."
"Chi không được đưa Quỳnh đến Muôn Hoa."
"Em không cần phải đưa Quỳnh đến Muôn Hoa, vì đã có người khác làm chuyện đó rồi."
"Ai?"
"Cha đọc một cuốn sách rút từ kệ sách của Quỳnh. Ông dùng một tờ danh thiếp để đánh dấu trang rồi bỏ quên trong sách. Khi thấy cái danh thiếp Quỳnh nghĩ nó của chủ cũ cuốn sách, vì Quỳnh mua cuốn sách đó ở hàng sách cũ, sách in cách đây gần bốn mươi năm rồi. Quỳnh thích cái câu in trên tờ danh thiếp, nó làm Quỳnh tò mò. Quỳnh lưu số điện thoại vào máy, rồi từ máy vào sổ. Tuần trước Quỳnh gọi đến đó."
"Câu đó là Live out your dreams, and fantasies. Mai vẫn còn nhớ. Nó cũng đã từng làm Mai tò mò."
"Cha đưa Quỳnh tới Muôn Hoa chứ không phải em. Em chỉ đến làm bạn với Quỳnh, an ủi Quỳnh trong lúc người yêu nó ở trong tù."
"Mai không tin Chi tốt với Quỳnh."
"Đúng rồi. Chi không bao giờ tốt với Quỳnh đâu. Quỳnh có mọi thứ, và Chi không có gì cả. Người ta không cho Chi thở, để dành cho Quỳnh hết tất cả."
"Chi đang đưa Quỳnh vào câu chuyện kinh khủng nào đây?"
"Người đưa Quỳnh đến Muôn Hoa không phải là em. Quỳnh đã được chọn để làm cái việc mà Mai đã không làm."
"Không bao giờ. Vả lại, cha con nhận ra nhau ngay."
"Việc của Quỳnh dễ hơn việc Mai định làm rồi không làm. Quỳnh không phải phân vân, vì Quỳnh không biết chuyện. Và chuyện loạn luân sẽ không xảy ra. Nhưng như thế cũng đủ rồi."
"Chuyện như thế nào?"
"Mai có nhớ những người đàn ông đến đốt nến sinh nhật ở Muôn Hoa không? Những cây nến cắm vào một cái giá treo bên trên một cái bàn. Trên mặt bàn đó là một đứa con gái. Nếu đứa con gái đêm đó là quà của những người bạn mua tặng người có sinh nhật, người ta sẽ gói nó trong giấy gói, hoặc phủ lên nó một tấm lụa có đính nơ. Uống xong vài chai rượu, người có sinh nhật sẽ mở quà của mình, và…"
"Và họ làm gì Mai biết rồi."
"Và nếu mọi người hứng thú thì người đó sẽ tận hưởng món quà của mình trước mặt những người khác. Mà họ thì lúc nào cũng hứng thú.
Thứ sáu này cha sẽ ăn sinh nhật ở Muôn Hoa, Bạn bè cha, những người dưới quyền cha, đã góp tiền mua món quà đó rồi. Món tiền đã được trao cho cô Tâm. Họ tin ở sự lịch lãm của cô, nhờ cô ấy chọn một đứa con gái đẹp, và còn rất mới. Cô Tâm đã tìm được Quỳnh rồi.
Mọi việc đã được sắp xếp xong. Tối mai, họ uống rượu hút thuốc xong, khoảng mười một giờ thì quà sẽ được mở trước mặt mọi người."
"Chi không cần phải nói tiếp nữa. Mai không đồng ý. Chi không được để cho chuyện này xảy ra. Mai sẽ làm bất cứ chuyện gì để ngăn nó."
"Mai sẽ không đồng ý, nhưng chuyện vẫn xảy ra, Mai không có cách gì ngăn được. Ở Muôn Hoa Mai đã gây khó khăn cho cô Tâm hai lần rồi, cô ấy nghĩ Mai chỉ đem tới xui xẻo. Họ không bao giờ mở cửa cho Mai ở Muôn Hoa nữa. Và họ có cách để cho Mai không dám tới bấm chuông chứ. Còn buổi lễ mừng sinh nhật, Mai đâu biết nó diễn ra ở căn phòng nào, trong căn nhà nào. Muôn Hoa ở nơi nơi. Với lại, Mai còn nợ cô Tâm một khoản tiền lớn đấy, không đến đó là hơn."
"Mai sẽ đi tìm Quỳnh và nói cho Quỳnh biết."
"Nếu Sài Gòn này chỉ có một con đường duy nhất, Mai cũng không tìm được. Nhưng Mai cứ đi tìm đi, biết đâu em sẽ chỉ cho Mai."
"Không. Chi không được hại Quỳnh. Quỳnh không có tội gì hết."
"Cha giết em để thế giới sung túc của nó được bảo đảm. Tuy vậy nhưng em không ghét Quỳnh, nó có biết gì đâu. Em không hại Quỳnh, chỉ nhờ nó giúp em cái việc mà chị không chịu làm và chị đã phá hỏng, để giúp cha thức dậy. Việc của nó không khó như việc của chị, em đã nói rồi."
"Quỳnh sẽ thấy nhục. Sẽ đau đớn lắm."
"Ừ thì đau đớn. Nó đã được hưởng tất cả mọi thứ em vì nó mà không được hưởng. Nó nợ em một ít. Thôi cứ xem như nó làm việc này để trả nợ em đi."
"Cái nhục sẽ làm Quỳnh khổ suốt đời. Không có sông biển nào rửa được."
"Nhưng còn em, người ta đã giết em mà."
"Cái nhục ghê gớm hơn cái chết."
"Mai biết gì về cái chết! Mai biết gì về nó: khi em không có miệng để nói và mắt để khóc; khi em ước ao có lại cảm giác ấm áp và mềm mại trong lúc chính em chỉ là một làn hơi lạnh làm người khác rùng mình.
Và nếu mới có bảy mươi ngày mà Mai đã quên, thì để em nhắc: mẹ đã chết rồi. Chết vì bị hãm hại, vì nghèo khổ, vì bị bỏ rơi. Mẹ chết vì ai, Mai có biết không?"
Chúng tôi không giã từ nhau, như Chi đã hứa. Hoặc là đối với Chi, đó là những lời từ giã. Tôi hụt hẫng, tôi nao lòng. Tôi không biết cách nén nỗi buồn, cũng không biết để lộ nó ra. Chúng tôi ngồi yên một lúc lâu. Rồi một lúc sau, Chi không còn đó nữa.
Buổi chiều tôi đi tìm Quỳnh, đứa em tôi chỉ nhìn thấy ảnh một lần, trong một thành phố tám triệu người. Tôi đi, không biết mình đã đi qua những con đường nào. Tôi đi vào các ngõ hẻm, quanh quẩn, rồi lại ra đường lớn, rồi lại vào những con hẻm khác. Khi trời bắt đầu tối, một cơn mưa nhỏ bắt đầu rơi xuống thành phố. Tôi không có áo mưa, cứ mặc cho ướt áo, tôi vẫn tiếp tục đi tìm Quỳnh. Đường phố nhạt nhòa, những âm thanh hỗn độn trập trùng trong mưa. Sự vô vọng làm tê đi một phần ý thức, tôi bước đi trong mộng du, không biết giờ nào mình sẽ tỉnh lại.
Bỗng nhiên, trên đường phố nhập nhòe màu của một giấc mơ, tôi nhìn thấy Quỳnh. Tôi không biết đó có phải là Quỳnh không, cùng lúc tôi nghĩ đứa con gái này phải là một người nào đó trong câu chuyện của tôi, trong đêm mưa này, trong thành phố này, vào khoảnh khắc này.
Đứa con gái vừa từ trước mặt đi lướt qua tôi. Tôi quay lại, bây giờ tôi chỉ còn thấy cái lưng của nó. Tôi gọi: "Quỳnh." Nó chùng lại nửa bước, rồi đi tiếp. Tôi lại gọi: "Quỳnh." Hai giây sau nó quay nhìn tôi, rất nhanh, tôi không kịp nhìn kỹ gương mặt, nó đã quay đi và bước vội. Tôi đi nhanh theo Quỳnh, nó cũng bước nhanh hơn, gần như chạy. Tôi đứng lại và chỉ trong nửa phút tôi bàng hoàng không biết mình phải làm gì, đứa con gái đã rẽ vào một con hẻm và mất tăm. Tôi chạy theo vào hẻm. Nó còn thấp thoáng ở chỗ gần ngã rẽ, chỉ còn là một cái bóng mơ hồ. Tôi bước nhanh lại, chiếc bóng đó biến mất, rồi lại thấp thoáng ở đàng trước, rồi lại mất. Tôi đi theo bóng người đó mãi, rồi một lúc nào đó tôi chợt thấy cơn buồn ngủ đến trong lúc chân vẫn bước. Tôi nhắm mắt lại trong vài giây, chợt ý thức tôi loãng dần, tôi đang chìm trở lại vào một giấc mơ – dường như tôi đang ở trong một giấc mơ, trong một thành phố lênh đênh phai nhạt.
Tôi mất cảm nhận về thời gian. Tâm tưởng tôi là một chiếc lá khô vừa rơi xuống mặt đất. Mưa xuống và nắng lên, ngày đi và đêm tới, trí nhớ tôi dần vùi tan vào mặt đất ẩm mục.
Một thời khắc nào đó, tôi thấy mình đi với Quỳnh lên cầu thang bằng gỗ dẫn lên căn phòng của Quỳnh. Hai đứa leo một tầng, rồi một tầng nữa dọc theo tường bên trái của một căn nhà hẹp nằm trong ngõ. Trời đang mưa nhỏ. Quỳnh mở khóa, bên trong phòng tối, Quỳnh đi đến cuối phòng, nơi có kê một cái bàn, Quỳnh bật chiếc đèn nhỏ trên bàn. Một vùng ánh sáng nhỏ loang ra, chỉ đủ làm sáng một góc trong phòng. Quỳnh vào phòng tắm lấy ra hai cái khăn, đưa cho tôi một cái. Quỳnh nói gì đó, nhưng tôi không nghe thấy tiếng. Tôi chợt nhận ra rằng tôi đứng ở bên ngoài thân thể mình, đứa con gái vừa bước vào gian phòng cùng với Quỳnh là tôi, nhưng tôi đang ở bên ngoài nó. Tôi đang ở đây, cùng chung không gian với Quỳnh, nhưng Quỳnh không thấy tôi, chỉ thấy đứa con gái kia. Tôi thấy mọi thứ trong gian phòng nửa tối, nhưng tôi không nghe gì cả. Không có tiếng nói, tiếng động, chỉ có một âm thanh nửa âm u nửa thầm thì, rất nhỏ, như tiếng gió lùa qua những lối hẹp. Tôi thấy Quỳnh và tôi đang lau tóc, vì chúng tôi vừa đi ngoài mưa vào. Quỳnh ngồi xuống trên hai gót chân, mở cánh cửa một cái tủ thấp, lấy ra hai bộ quần áo mặc ở nhà. Hai đứa con gái cởi ra bộ quần áo ướt trên người, rồi lau mình bằng chiếc khăn lúc nãy. Tôi nhìn thân thể Quỳnh, và thân thể tôi. Trong chút ánh sáng hắt lại từ cây đèn ở góc phòng đàng kia, làn da hai đứa con gái màu trắng, gần như trong suốt, ẩn hiện, và đường nét của những bầu vú chưa đầy, ngọt ngào mong manh làm cho tôi thấy cảm động. Trên cánh tay, trên vai, trên ngực trần của tôi, phía bên trái, có những vết cắt đã thành sẹo, tôi thấy Quỳnh đưa những ngón tay vuốt những vết sẹo đó, thật dịu dàng. Rồi hai đứa con gái mặc quần áo vào, nằm xuống ngủ trên tấm nệm dưới đất. Hình như hai đứa nói chuyện gì với nhau. Quỳnh cuộn người, quay mặt ra ngoài, hình như Quỳnh khóc rất lâu. Tôi quay đi. Nơi bức tường đối diện, phía trên cái bàn kê sát tường, có một cái cửa sổ nhỏ. Lúc đi ra Quỳnh đã quên đóng cửa, nên nước mưa hắt vào làm ướt một khoảng trên mặt bàn và những giấy tờ trên đó. Mưa đã tạnh, và lạ lùng thay, bên ngoài, một con trăng hạ tuần đang treo trên bầu trời trong vắt đằng sau khung cửa sổ.
Tôi đi quanh căn phòng nhỏ. Phòng chật và không ngăn nắp, quần áo của Quỳnh và người yêu, sách vở và đĩa hát, vương vãi đây đó. Dọc tường bên phải có một cái kệ sách, một cái tủ thấp. Trước mặt, dọc khoảng tường rất hẹp, kê một cái bàn nơi cửa sổ. Ở góc bên kia có máy hát, âm li, loa, tai nghe, dựa tường có một cây đàn guitar điện. Trên hai bức tường có những tấm ảnh được ghim hay dán bằng băng keo lên vách. Ảnh chụp Quỳnh ngoài trời: Quỳnh cười, Quỳnh ngó lên trời, Quỳnh ngó xuống đất, Quỳnh cột dây giày, Quỳnh buộc tóc. Và ảnh chụp Quỳnh trong nhà: ảnh cận một bờ vai, bờ vai của Quỳnh; ảnh chụp đường cong của cái mông lúc Quỳnh nằm sấp, cái bụng với một chút xương hông nhô lên lúc Quỳnh nằm nghiêng; ảnh chụp hai bầu ngực Quỳnh êm ái; ảnh chụp đầu và lưng Quỳnh chụp từ phía sau, lúc Quỳnh đang nằm, tóc rơi xuống gối, để lộ chiếc gáy với những sợi lông tơ óng ánh. Không biết sao tôi nghĩ những tấm ảnh chụp trong nhà đều đã được chụp lúc họ vừa làm tình xong, lúc Quỳnh đang mệt lả và mơ màng, tất cả các cơ thịt đều buông lơi. Sự đằm thắm trong căn phòng làm cho thấy môi tôi tê lịm và tim tôi buôn buốt. Tôi chưa bao giờ biết tình yêu giữa một người con trai và một đứa con gái như thế nào. Hôm nay, trong căn phòng này, trong lúc Quỳnh đang nằm khóc ở đây và người đàn ông Quỳnh yêu đang ngủ ở một nơi nào đó trong tù, tôi hiểu tình yêu. Không phải tôi hiểu ý nghĩa, mà là sự hiện diện của nó. Tình yêu đổ đầy mỗi phân không khí, nó ngọt lịm vào một đêm rất buồn.
Quỳnh vẫn ngủ say. Tôi thấy tôi cựa mình. Khi nhìn hai hàng mi mở ra chầm chậm, đôi mắt dài và đen nhìn lên trần nhà, khi nhìn thấy gương mặt và một nửa mái tóc nằm trong bóng tối, tôi chợt nghĩ rằng người tôi nhìn thấy là Chi. Lúc ở Huế, Chi nói Chi sẽ trả lại cho tôi thân thể này, chúng tôi sẽ chia lìa vĩnh viễn. Bây giờ Chi còn nằm đó, còn hưởng chút ấm áp mềm mại bên trong một làn da, chỉ còn đôi ba giờ nữa thôi. Tôi thấy buồn khủng khiếp.
Tôi đi tìm Quỳnh để nói một điều gì đó rất quan trọng. Tôi nhớ như vậy, nhưng tôi không còn nhớ đó là điều gì. Dù tôi có nhớ ra thì cũng không nói được. Quỳnh đã ngủ rồi, và nếu thức, Quỳnh cũng không nhìn thấy tôi, nghe tiếng tôi nói. Tôi phải về thôi.