Ngay buổi chiều hôm ấy chị Thủy - vợ anh Mạnh rủ tôi đi gọi hồn bác. Tôi theo anh chị đến nhà một “cậu đồng”. Đó là một người đàn ông trạc 40 tuổi sống độc thân người ngợm ẻo lả má phấn môi son mồm lúc nào cũng nhai trầu. Nhà “cậu đồng” thờ nhiều lắm. Bắt đầu cuộc nhập hồn vào “cậu”, thông qua thân xác “cậu” bác nói chuyện với vợ chồng anh Mạnh, trò chuyện được một lát, tôi ngồi đằng sau cất tiếng chào:
- Cháu chào bác ạ!
- Chào chị Hoài nhé, cảm ơn chị mọi công việc xong xuôi tốt lành cả, bác vui lắm rồi.
“Cậu” tiếp luôn:
- Con gái dâng cho bố chén rượu nào?
Anh Mạnh và chị Thủy ngơ ngác, tôi ngồi im “cậu” phán tiếp:
- Con gái Hoài đâu, bố muốn uống rượu của con dâng mời bố .
Anh Mạnh lập cập:
- Cô…cô Hoài, em… em… mời bố rượu đi bố nhận em là con gái rồi…
Rồi anh quay sang phía chị Thủy:
- Thủy… Thủy… lấy rượu lấy rượu cho em gái mời bố. Anh chị khóc òa.
Sau khi uống hết chén rượu đầy tôi dâng, “cậu” vừa hút thuốc tôi mời vừa bảo vợ chồng anh Mạnh:
- Bố nhận em gái cho các con, từ nay trở đi các con đã có anh có em. Các con yêu thương đùm bọc nhau, bảo ban nhau mà sống cho tốt các con nhé, thôi bố vui lắm bố đi đây…
Hôm đó trở về nhà anh chị vui như tết. Còn tôi không khỏi băn khoăn, không phải tôi không muốn làm con của bác nhưng thật khó khi một người đã khuất nhận tôi là con gái. Con người sống ở trên đời còn chẳng thể hiểu nhau để mà thương yêu nhau cho trọn vẹn… Tôi chưa thấy người đã khuất về nhận con nuôi bao giờ, chỉ người đang sống nguyện làm con người đã khuất… Liệu tôi có làm nổi cái trách nhiệm con cái trong nhà như liệt sĩ mong muốn hay không? Tôi sẽ nói với gia đình thế nào về vấn đề này với chồng con và anh chị em trong đại gia đình tôi. Phải vất vả khổ sở lắm cả gia đình tôi mới tìm ra người bố đẻ cho tôi, bây giờ tôi sẽ phải nói với gia đình thế nào? Tôi đã phải tìm 4 ông bố để nhận ra một ông bố chính thức sinh ra mình, bây giờ tôi lại có thêm một ông bố mới nữa thì nghĩa là sao? Tại sao trong mắt mọi người tôi không phải là người đơn giản, tại sao lúc nào tôi cũng bị gắn với với lập dị, với những phức tạp cồng kềnh…
Trong chuyện này tôi chẳng biết sẽ phải vào đề với gia đình mình như thế nào được nữa… khó cho tôi quá! Lẽ ra công việc xong xuôi là tôi trở về văn phòng nhưng tôi còn đang ôm ấp đi tìm một chứng nghiệm. Chuyện là, sau việc tìm mộ liệt sĩ Lê Hữu Hạc, một lần khoảng tháng 10/2009 chị Oanh gọi điện cho tôi nói có người chụp được hình ảnh anh bộ đội trên ngôi mộ anh Hạc mà tôi đã chỉ cho gia đình chị trong nghĩa trang Lộc Ninh và người ta bảo đó chính là hình anh Hạc. Người quản trang bèn gửi tấm ảnh chụp được về cho gia đình liệt sỹ xác nhận xem người trong ảnh có đúng là liệt sĩ nhà mình hay không?. Khi nhận được ảnh các chị em gái của liệt sĩ đã òa khóc, tấm ảnh anh bộ đội đó chính là liệt sĩ Lê Hữu Hạc. Tôi biết trên thế giới người ta cũng đã chụp được một số tấm ảnh của người đã khuất nhưng chỉ do vô tình hình ảnh của người âm lọt vào ống kính, còn việc chủ động gọi linh hồn người chết về chụp ảnh thì tôi chưa nghe và cũng chưa thấy bao giờ, dù rất tin chị nhưng người làm khoa học không cho phép tôi chỉ nghe thông tin mà không trực tiếp thực hành công việc đó. Tôi nghĩ ngay tới gia đình anh Mạnh vì liệt sĩ Lương Xuân Tách cũng không có ảnh. Sau khi nghe tôi có ý kiến, gia đình anh Mạnh nhất trí liên lạc với anh Quân, người có khả năng gọi được hồn người chết về hiện hình để thân nhân chụp lấy hình ảnh người đã khuất.
Chiều hôm đó anh Quân đến. Đó là người đàn ông nhỏ nhắn nước da đen, khuôn mặt hiền lành, anh ngồi đối diện với tôi mắt nhìn chằm chằm vào một khoảng trống rồi nói với anh Mạnh.
- Bố anh đang ở đây! Anh Quân nhắc anh Mạnh dẫn lên bàn thờ và anh quay sang bên tôi.
- Chị lên đi, bố chị bảo con gái cùng lên.
Tôi không nói gì, hơi bất ngờ không hiểu anh Quân tiếp xúc được với liệt sĩ nên nói thế hay anh ta tưởng tôi là con gái của liệt sĩ. Anh Mạnh đi trước, anh Quân theo sau, tôi đi sau cùng nhưng khi lên gần tới nơi thờ tôi bỗng thấy liệt sĩ xuất hiện phía trước anh Mạnh. Sau khi khấn làu làu một bài khấn dài, giọng khấn rất giống các thầy cúng, anh Quân nhắc tôi:
- Tí nữa bố chị về chỉ cho mình chị chụp hình bố chị thôi đấy!
Nói rồi anh ta móc chiếc điện thoại đeo bên hông rồi huơ lên huơ xuống và bất ngờ hình ảnh một người đàn ông hiện ra rất rõ.
- Bố về rồi này chụp lại nhanh lên… nhanh lên…
Tôi và anh Mạnh cuống cà kê. Anh Mạnh đưa máy điện thoại lên chụp, rồi anh giục tôi, vì quá bất ngờ lên tôi ớ ra, rồi tôi cũng lật bật đưa điện thoại di động của mình lên chụp, tất cả xảy ra chưa đầy mươi giây, hình liệt sĩ hiện lên trên điện thoại của anh Quân biến mất. Anh Mạnh nhăn nhó xuýt xoa vì tôi chụp lại không được rõ như khi ba chúng tôi nhìn thấy. Anh Quân nói có thể gọi liệt sĩ lên chụp tiếp ở ngoài mộ. Vậy là chúng tôi cùng nhau đi ra nghĩa trang liệt sĩ, trên đường đi tôi đã hỏi anh Quân rất nhiều chuyện liên quan tới tâm linh và khả năng của anh. Thỉnh thoảng anh lại nhắc tôi nhớ chụp ảnh cho liệt sĩ vì liệt sĩ đã dặn anh là chỉ cho mình tôi chụp được hình liệt sĩ thôi. Tôi ậm ừ cho qua chuyện nhưng không làm theo lời anh dặn mà nhắc anh Mạnh nhờ thêm mấy “tay” chụp ảnh nữa cho chuẩn, còn tôi bỏ điện thoại mượn máy ảnh để chụp.
Tới nghĩa trang lên kì đài thắp hương xin phép rồi quay về phần mộ anh Quân tiếp tục lặp lại động tác lúc trước nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi đến sốt ruột mà không thấy hình ảnh liệt sĩ hiện lên, tôi càng thêm nôn nóng khoảng thời gian trôi đi khá lâu anh Quân khấn lên khấn xuống mãi vẫn chưa thấy gì, anh nhắc tôi và anh Mạnh gọi bố, thế là anh Mạnh gọi. Còn tôi chưa kịp thì bất ngờ liệt sĩ lại hiện hình lên chiếc điện thoại của anh Quân đặt trên mộ. Ai cầm máy ảnh trong tay đều liên tục bấm máy, hình ảnh liệt sĩ hiện lên rất rõ, khoảng một phút lại biến mất, màn hình điện thoại lại trở lại một màu tối đen. Dù là chứng kiến lần thứ hai mà tôi vừa thảng thốt vừa vui mừng, mọi người đều kiểm tra máy ảnh của mình. Kỳ lạ thay, tất cả những chiếc máy ảnh kỹ thuật số đều không để lại dấu tích của một file ảnh nào. Hi vọng vào chiếc máy cơ do một chú tên là Hải chụp sẽ lấy được ảnh đẹp nên mọi người tích tốc mang máy ảnh ra thợ để rửa, nhưng đoạn phim trong máy ảnh đều bị cháy, không có một bức hình nào hiện lên. Riêng chiếc máy ảnh của tôi chụp lưu được 4 file ảnh. Song do sử dụng không quen và có ánh đèn flash nên bốn tấm ảnh liệt sĩ đều bị lóa. Tôi tin vào khả năng của anh Quân, ngoài ra còn rất khâm phục vì trên thế giới đã có một số người chụp được ảnh của người đã khuất hiện hình bằng cách nào đó mà người chụp không hề nhìn thấy, họ vẫn thường gọi là chụp được “ma” hoặc chụp được “ảnh ma” nhưng chỉ là do vô tình hình ảnh của người âm lọt vào ống kính, người ta chỉ phát hiện được sau khi rửa ảnh. Còn trường hợp của anh Quân thì hoàn toàn khác, anh chủ động mời được linh hồn người quá cố về hiện hình lên màn hình điện thoại di động để người thân có thể chụp lại được hình ảnh.
Phải kết luận rằng đã có những trường hợp vô tình phó nháy chụp được ảnh người đã chết, còn trường hợp đặc biệt này là Việt nam có người gọi được hồn ma lên cho gia đình chụp ảnh. Tôi đã nhìn thấy liệt sĩ bằng chính con mắt của mình rất nhiều lần, nhưng bây giờ nhìn vào tấm ảnh chỉ giống người tôi nhìn thấy khoảng 70 % nhưng đôi mắt và bộ lông mày với cái miệng của liệt sĩ thì không thể lẫn đi đâu được. Điều này tôi thấy cũng dễ hiểu vì chính tôi khi chụp trong ảnh nhìn cũng khác ở ngoài đời, nhưng những nét cơ bản thì không thể khác được. Tôi nhắc gia đình phải mang tấm hình tôi chụp được về quê, hai bên nội ngoại và những người biết liệt sĩ xem họ xác nhận người trong ảnh có đúng là liệt sĩ Lương Xuân Tách hay không? Tại nghĩa trang chúng tôi chụp ảnh liệt sĩ Tách này cũng có một ngôi mộ giả của anh Hạc nên khi chụp ảnh bác Tách xong chị Oanh nhờ anh Quân sang bên đó mời anh Hạc lên chụp và chị Oanh cũng chụp được ảnh anh Hạc bằng điện thoại di động, tiếc rằng sau đó tấm hình chụp anh Hạc ở nghĩa trang Quảng Ninh nó bị biến mất không lưu lại được. Lúc đi cùng anh Quân, tôi hỏi anh có tìm được mộ thất lạc, anh bảo anh không phải là nhà ngoại cảm mà anh chỉ là “nhà công chứng”. Thấy anh nói chuyện hài hước tôi phì cười. Chia tay anh Quân, tôi thầm hứa sẽ hẹn anh một ngày nào đó tôi sẽ đi theo anh Quân nhiều buổi như thế này, có như vậy tôi mới có thể tìm hiểu và nghiên cứu kĩ hơn về khả năng của anh.
Tình nghĩa Âm Dương
Tối hôm ấy xong việc tôi xin phép gia đình về ngay. Gia đình anh Mạnh tặng tôi một chiếc ti vi tôi nhất định không nhận. Anh bảo thấy cái ti vi ở văn phòng bé quá nên anh chị tặng tôi mang về văn phòng cho mọi người cùng xem cái màn hình to thì tốt hơn. Hai anh em cứ đưa đi đẩy lại rồi anh Mạnh khóc nói bố đã nhận tôi làm con gái rồi. Trên đường về xe càng chạy cách xa Quảng Ninh bao nhiêu thì lòng tôi càng thêm trống vắng bấy nhiêu. Tôi bâng khuâng nhớ lại những ngày bận rộn đã qua, tình cảm cha con của anh Mạnh cứ thấm sâu vào tâm khảm tôi, những chuyện tâm linh, những nhà ngoại cảm, những điều huyền bí… Tất cả đều có thể đến với con người .
Tôi về nhà được khoảng 3 ngày, anh Mạnh gọi điện thông báo anh đang ở quê. Người thân của liệt sĩ đã òa khóc nức nở khi nhìn thấy tấm hình và gia đình anh Mạnh quyết định dùng tấm hình đầu tiên tôi chụp làm ảnh thờ liệt sĩ. Còn tôi từ lúc về nhà tôi phải làm việc liên tục vì thời gian tôi đi vắng công việc ùn lại. Chuyện giữa tôi và liệt sĩ tôi cũng chưa sắp xếp được thời gian nói chuyện với gia đình thế nào cho hợp lí. Tôi có thói quen không kể chuyện công việc của tôi với người thân vì tôi rất ít thời gian rảnh dỗi. Hơn nữa trong gia đình mỗi người, mỗi lứa tuổi có nhận thức, hiểu biết khác nhau. Gia đình tôi có trẻ nhỏ tôi không muốn con trẻ biết đến những chuyện quá xa vời mà chúng chưa đến tuổi phải biết. Tuy nhiên tôi vẫn đang loay hoay không biết vào đề chuyện này ra sao cho thuận…
Chiều chủ nhật, tôi nhắc chồng tôi ra văn phòng để lắp cho tôi chiếc ti vi gia đình liệt sĩ tặng. Cả nhà háo hức cũng ra văn phòng hết để xem ti vi màn hình mỏng hình ảnh nó như thế nào. Khi chồng tôi đang loay hoay tháo thùng ti vi thì tôi nhìn thấy liệt sĩ đứng ngay bên cạnh Anh Hải. Bé Lâm Như mới 9 tháng tuổi đang nằm trên tay mẹ Anh Hải bế. Bỗng nhiên Lâm Như khóc váng lên, nó giãy dụa tụt khỏi tay mẹ nó lao sang ôm chặt lấy chồng tôi khóc thét lẹt. Lúc này người Anh Hải tím tái, nó run lẩy bẩy từng cơn rồi nó òa lên khóc. Tôi hoảng quá ào ra chỗ nó, nó vồ lấy tôi và cứ thế nó gào thét lên khóc một cách bất thường. Tôi biết là liệt sĩ đã nhập vào người nó lên cuống quýt dỗ dành, mặc cho tôi nói gì thì nói nó gào khóc ôm chặt lấy tôi. Tai tôi bị váng lọng hết óc bởi tiếng gào khóc quá độ của nó. Lo con bé là gái đẻ mà khóc thế này nó bị làm sao thì chết, lại tưởng liệt sĩ không vừa ý cái ti vi lên tôi khóc theo:
- Ôi trời ơi, bố liệt sĩ ơi, bố đừng làm con sợ nữa con không dám nhận cái ti vi này. Con sẽ đóng lại ngay trả anh Mạnh. Bố ơi, con của con bị bố nhập vào người thế này thì nó chết mất bố ơi... Có gì không vừa lòng bố nhập vào con… Con của con chết mất bố ơi… Con xin bố con lạy bố… Con không phải điều gì bố tha thứ cho con… Mặc cho tôi kêu xin, Anh Hải vẫn cứ gào lên thảm thiết. Tôi xin trả ti vi, tôi xin tha thứ, tôi xin bỏ qua lỗi lầm khi tiếp xúc với liệt sĩ, tôi đã sai điều gì thì tôi xin cắn cỏ cắn rơm… thôi thì tất cả mọi điều tôi đều van… đều lạy…
Bé Lâm Như vừa bám chặt lấy chồng tôi, vừa khóc thét lẹt từng cơn. Nó tè dầm hết ra áo ông nó. Chồng tôi vừa dỗ cháu vừa lo lắng hết nỗi, tôi bảo anh lấy cho chiếc điện thoại tìm mãi mới thấy số anh Mạnh gọi cho anh và dí vào tai Anh Hải.
- Bố! bố ơi, anh Mạnh gọi cho bố này, con trai của bố này bố ơi…
Mặc cho tôi dỗ dành chiếc điện thoại áp bên tai Anh Hải vẫn gào thét, tiếng gào khóc, đau đớn, ai oán khiến tôi rối như tơ vò không còn biết ra làm sao nữa, chồng tôi tới gần dỗ theo:
- Bố ơi, anh Mạnh gọi bố này… (sau này chồng tôi kể chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao, thấy cảnh này hoảng quá đành liều gọi con mình làm bố, anh nói theo tôi vậy)
Nghe chồng tôi nói, Anh Hải gạt điện thoại ra vừa khóc vừa nói:
- Con rể của bố ơi, bố đau lòng lắm… Rồi ôm chặt lấy tôi gào khóc to hơn, trong tiếng gào tôi nghe được từng câu nói đứt quãng:
- Con gái… ơi! Con… gái ơi… bố đau đớn… đời bố lắm… con có hiểu lòng bố không con ơi… con ơi, bố đau đớn … quá… các con ơi….
Rồi lại gào… lại khóc, tôi dí máy điện thoại vào tai năn nỉ:
- Bố ơi, con thương bố… chúng con biết, chúng con hiểu bố, bố ơi, anh Mạnh gọi bố này bố ơi…
Chợt dừng tiếng khóc “ bố” gào lên:
- Các con ơi, bố đau đớn lắm, con có hiểu cho lòng bố không… mấy chục năm bố giữ chặt trong lòng… ôi đau đớn quá… Tôi không hiểu đầu bên kia anh Mạnh đã nói những gì nhưng chỉ nghe bên này bố gào lên lẫn tiếng khóc:
- Ô cái thằng này, mày gặp bố mày…, không hề hỏi han bố có khỏe không? Bố sống như thế nào? Chỉ có bố phù hộ độ trì cho con thế là như thế nào hả cái thằng này…, Ôi bố thương con lắm, bố chỉ có mỗi mình con côi cút trên đời này thôi, con trai của bố… con dâu của bố… các cháu của bố… bố thương các con…
Vừa gào vừa khóc rồi bố hất điện thoại ra. Gục đầu vào vai tôi nằm im. Tôi gọi chồng châm thuốc, bố rít mạnh mấy hơi qua vai tôi, rồi ngồi thẳng người lại lúc này không khóc nữa bố ngồi hút thuốc, bắt đầu nói chuyện, vừa hút thuốc vừa nói, giọng cứ oang oang như lệnh vỡ…. Từ cái giọng nói… đến cung cách ngồi, cử chỉ hành động đều là của người đàn ông, đúng là không thể tưởng tượng nổi.
- Hôm con gái bố từ Quảng Ninh về bố cũng theo về luôn. Bố chờ con gái nói chuyện với con rể bố, các cháu của bố về bố mà con gái chẳng nói gì cả. Bố tủi thân quá, vậy mà con gái bố lại hứa với trai của bố, dâu của bố là về sẽ nói chuyện với rể bố chứ lại…
Rồi quay về phía chồng tôi bố nói tiếp:
- Con rể của bố, con có biết không mấy hôm trước vợ con với anh con sang Lào đón bố. Trên đường đi, anh em nó nói chuyện với nhau bố ngồi bố nghe hết, thương chúng nó quá, đứa nào cũng khổ. Anh con có bố thì bố hi sinh sớm nên anh con côi cút lắm các con ơi, tuổi thơ của anh con khổ cực lắm đấy các con ạ… Còn vợ con có bố đẻ sống đấy mà chẳng nhìn nom đến phút nào, cứ như thể không có mặt con mình trên đời, người gì mà vô tình bạc nghĩa đến vậy, nên bố thương con trai, con gái bố. Đời bố bị người ta phụ bạc, đã vậy lúc bố ra đi người ta cũng quên luôn cả hòn máu đào của bố…, Bố thương anh con lắm. Các con của bố, tội nghiệp các con quá, bố thương, bố xót lắm…
Và rồi bố quay sang phía bé Lâm Như đã ngủ, bố sờ nắn tay con nhỏ, bố bảo:
- Cháu ngoại của cụ, nó nhìn thấy cụ nên nó lạ quá, nó sợ nó khóc đấy, chứ cụ về cụ có làm gì đâu mà con sợ thế con… khổ thân nó, cụ về thăm mà nó hết hồn hết vía vì cụ nó đây…
Rồi bố cười nhẹ:
- Ơn trời giờ đây bố có con trai, con gái, con dâu con rể, có cháu nội, cháu ngoại, có cả chắt ngoại nữa. Bố sung sướng, hạnh phúc lắm, các con của bố ơi, giai của bố, dâu của bố, gái của bố, rể của bố, các cháu của bố…
Tôi chen ngang:
- Thưa bố con lạy bố, xin bố nhập vào con, cháu Anh Hải nó mới sinh con bố về thế con sợ lắm bố ạ…
Bố xoa đầu tôi bảo:
- Bố hợp nó, thôi bố đi đây bảo anh chị con từ nay đến tết lên đây cho bố gặp nhé. Bố cảm ơn con, nhất là con rể bố.
Thấy bố đã vui tôi thật lòng thưa:
- Thưa bố, con có sai gì con xin bố tha thứ, bố về bố khóc hết hơi thế này, lần sau bố lại về con sợ lắm.
- Thông cảm cho bố, chỉ một lần này thôi bố dồn nén trong tâm mấy chục năm rồi, bố không có ai có thể hiểu để bố chia sẻ nỗi khổ day dứt trong tâm này. Nay bố nói được với con gái bố, bố thấy nhẹ nhõm đi nhiều rồi, bố sẽ cố gắng không nghĩ đến chuyện buồn đó nữa, lần sau về bố sẽ vui. Bố không chấp gì con vì khi đó con chưa biết, chưa hiểu, còn bây giờ con đã biết mà còn hành động như thế là không được. Hai con nghe bố dạy, từ nay bố về nhà ở với các con, chứ bố không ở nhà anh chị con đâu, bố hợp với con gái bố, cho nên từ nay trở đi phải thờ bố đấy nhé, bố hợp với gái bố, bố ở với gái bố… Nói đến đây Anh Hải đổ vật ra. Chân, tay, người ngợm nó lạnh ngắt, môi tím tái, tôi đặt Anh Hải nằm đắp chăn cho nó rồi lay nó tỉnh lại… Cả nhà tôi được một mẻ hồn bay… phách lạc…. Lúc này tôi mới bình tâm lại. Đúng là sợ quá, sợ hết cả hồn lẫn vía, cái tai trái của tôi nhức buốt vì Hải khóc hét vào bên đó. Tôi ngồi thở dốc như con hết hơi nghĩ lại mà hãi mà kinh, cũng may tôi đã trải qua nhiều năm tháng làm việc. Tôi đã chứng kiến rất nhiều những hiện tượng tương tự như thế này, chứ nếu như tôi và người thân của tôi chứng kiến lần đầu thì có lẽ sợ quá mà phát loạn lên mất, không thì cũng vỡ tim mà chết. Còn Hải lần đầu tiên bị hồn nhập. Ngày hôm sau con bé nằm li bì như người bệnh nặng, nhiều ngày sau đó nó cứ như người mất hồn, tôi lên trạm y tế xã nhờ người khám và tiếp đạm, nước cho nó.
Thế là sau chuyện xảy ra, cả nhà tôi chẳng ai bảo ai, tôi cũng khỏi phải tìm cách nói chuyện với gia đình. Cả nhà tôi vui hẳn lên vì từ nay gia đình tôi có thêm một ông ngoại nữa. Các con tôi luôn mồm nói chuyện về “ông ngoại liệt sĩ nhà mình” vì bây giờ tôi có tới ba người bố, nên gia đình tôi quyết định đặt danh như sau cho dễ hiểu. Người bố sinh ra tôi nhưng không một ngày nuôi nấng gọi là ông ngoại sinh. Người bố cả một đời nuôi dưỡng tôi gọi là ông ngoại nuôi và gia đình tôi tự hào có thêm một ông ngoại liệt sĩ.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !