Momo Chương 6. Tính toán

Chương 6. Tính toán
Tính toán lọc lừa mà vẫn trúng mánh

Có một điều bí ẩn diễn ra hàng ngày mà ai cũng biết. Ai cũng đều dự phần, đều biết nó là gì, nhưng không mấy ai bận tâm nghĩ về nó. Phần lớn người ta cứ chấp nhận nó là như thế mà không hề thắc mắc chút nào. Điều bí ẩn này là thời gian.


Người ta có lịch và đồng hồ để đo thời gian, nhưng điều này chẳng có nghĩa gì mấy, vì ai cũng biết một giờ có thể dài vô tận song đôi khi chỉ thoảng qua như một nháy mắt, tuỳ theo điều gì xảy đến với ta trong một giờ này.

Vì thời gian là cuộc sống. Mà ta cảm nhận cuộc sống bằng con tim.



Không ai biết rõ điều này bằng bọn người màu xám.

Không ai biết bằng họ về giá trị một giờ, một phút, thậm chí một giây duy nhất của cuộc sống. Dĩ nhiên họ am tường về thời gian như loài đỉa rành về máu. Và họ hành động theo kiểu của những con đỉa.

Họ có những toan tính về thời gian của con người. Đó là những toan tính lâu dài, được chuẩn bị chu đáo. Điều quan trọng nhất đối với họ là không để bị ai chú ý đến việc họ làm. Họ thầm lặng bám rễ vào cuộc sống thị thành và của người dân ở đấy. Rồi ngày ngày, từng bước một, họ thâm nhập và chế ngự con người mà chẳng ai hay biết.

Họ biết rành mạch ai là người đáng được lưu ý trong những toan tính của họ, biết từ lâu lắn rồi, trong khi chúnh đối tượng lại chẳng biết gì sất. Thành ra họ chỉ còn chờ đúng dịp để chụp lấy đối tượng. Và chính họ góp phần thúc đẩy cái dịp ấy mau tới.

Lấy ví dụ ông thợ hớt tóc Fusi. Tuy không phải thợ hớt tóc trứ danh, nhưng ông có uy tín trên con đường ông đặt cửa tiệm. Ông không giàu cũng chẳng nghèo. Cửa hiệu của ông ở ngay trung tâm thành phố, nhỏ thôi và có một cậu học nghề phụ việc.

Một bữa kia ông Fusi đứng ở cửa tiệm chờ khách. Hôm ấy cậu học nghề được nghỉ, trong tiệm chỉ có mình ông Fusi. Nhìn mưa rơi xối xả trên đường mà lòng ông Fusi cũng rầu rĩ như bầu trời.

"Đời mình rồi sẽ qua đi theo tiếng kéo, theo bọt xà phòng cạo râu và những chuyện gẫu với khách hàng thôi," ông thầm nghĩ, "chứ nào mình có được hưởng quái gì đâu! Một mai nhắm mắt xuôi tay thì cũng tựa như chưa hề có mình trên thế gian này."

Thật ra ông Fusi không ghét gì chuyện tán gẫu. Thậm chí ông còn rất thích tranh luận dông dài với khách để được biết họ nghĩ gì. Ông cũng không hề ghét tiếng kéo hay thù xà phòng cạo râu. Ông rất yêu thích công việc của mình và ông biết rằng mình làm tốt. Nhất là cạo râu cằm từ dưới cổ cạo lên thì không dễ gì ai hơn được ông. Nhưng có những lúc ông chợt thấy trên đời chẳng có gì quan trọng cả. Ai mà chẳng có lúc nghĩ như thế.

"Mình đã phí hoài cả cuộc đời," ông Fusi nghĩ. "Chứ đã nên vương nên tướng gì nào? Chỉ thành nổi một tay phó cạo tầm thường. Nếu như mình có thể quyết định được con đường đời mình muốn đi thì nay mình đã là một con người hoàn toàn khác rồi!"

Nhưng làm thế nào có được một cuộc đời cho ra trò thì ông Fusi không rõ. Ông chỉ hình dung nó như một cái gì đó nổi tiếng, cái gì đấy xa hoa, cái gì đấy ta luôn thấy trên các hoạ báo.

"Nhưng mà," ông cau có nghĩ, "công việc của mình đâu có được rảnh rỗi cho những chuyện ấy. V muốn sống cho ra hồn cũng cần phải có thì giờ chứ. Phải rảnh rỗi chứ. Mà mình thì cả đời kẹt cứng với tiếng kéo, với những mẩu chuyện gẫu và xà phòng cạo râu mất rồi còn đâu."

Đúng lúc ấy một chiếc ô-tô sang trọng màu xám tro xịch tới dừng trước tiệm hớt tóc của ông Fusi. Một gã màu xám xuống xe, bước vào tiệm. Hắn đặt chiếc cặp màu xám chì lên cái bàn trước tấm gương, treo cái mũ cứng hình quả dưa lên móc, ngồi vào ghế rồi móc túi lấy sổ tay, vừa lật tới lật lui vừa luôn miệng bập bập điếu xì-gà nhỏ màu xám.

Ông Fusi lật đật khép cửa, vì chợt cảm thấy lạnh khác thường trong cái tiệm hớt tóc nhỏ hẹp của mình.

"Thưa, ông muốn gì ạ?" Ông Fusi lúng túng hỏi, "cạo râu hay cắt tóc ạ?" Rồi liền thầm trách mình sao quá vô ý vô tứ, vì đầu ông khách hói bóng như gương.

"Không cạo râu cũng chẳng cắt tóc," người khách màu xám không cười mà lầm lì đáp với một giọng lạ kỳ không có trọng âm, ta tạm gọi là thứ tiếng màu xám tro. "Tôi là đại lý số NYQ/384/b của Quỹ Tiết kiệm Thời gian. Chúng tôi được biết ông muốn mở một chương mục tiết kiệm ở Quỹ của chúng tôi."

"Đâu ccó chuyện ấy," ông Fusi càng lúng túng tợn. "Thú thật, cho đến nay tôi chưa hề biết có một Quỹ như thế nữa cơ."

"A, nhưng bây giờ thì ông biết rồi đấy," tay đại lý đáp gọ lỏn. Rồi hắn lật lật quyển sổ tay nói tiếp: "Ông tên là Fusi, làm nghề hớt tóc, phải không nào?"

"Chính phải, chính là tôi," ông Fusi đáp.

"Vậy là tôi đến đúng chỗ rồi," người khách màu xám tro vừa gập sổ tay vừa nói. "Ông là người dự tuyển ở Quỹ của chúng tôi."

"Ông nói sao ạ?" Ông Fusi hỏi lại, vẫn chưa hết sửng sốt.

"Ông Fusi này", tay đại lý nói, " như ông thấy: ông phí hoài cuộc đời với tiếng kéo, những câu chuyện gẫu và xà phòng cạo râu. Một mai ông nhắm mắt thì coi như chưa từng có ông trên cõi đời này. Nếu như ông có thì giờ để sống cho ra sống thì ông sẽ là một con người khác hẳn. Thành ra cái mà ông cần là thời gian. Tôi nói đúng không?"

"Về điều này thì tôi cũng nghĩ tới hồi nãy," ông Fusi lẩm bẩm trong lúc cảm thấy ớn lạnh, vì tuy đã khép cửa rồi mà sao vẫn cứ lạnh thêm.

"Đây, ông thấy chưa!" Người khách màu xám đáp rồi rít xì gà ra dáng hài lòng. "Nhưng người ta lấy thời gian từ đâu mới được chứ? Chỉ có cách duy nhất là tiết kiệm thôi! Ông Fusi ạ, ông đã phí phạm thời gian một cách rất vô trách nhiệm. Tôi muốn chứng minh điều này qua một con tính nhỏ cho ông thấy. Một phút có 60 giây. Một giờ có 60 phút. Ông hiểu ý tôi chứ?"

"Dạ, hiểu ạ," ông Fusi đáp.

Tay quản lý số XYQ/3844/b liền viết những con số này trên tấm gương với một cây bút nỉ màu xám.

"60 nhân 60 là 3600. Nghĩa là một giờ có 3600 giây.

Một ngày có 24 giờ, 24 nhân 3600 giây thành 86400 giây. Vị chi một ngày có 86.400 giây.

Một năm, như ta biết, có 365 ngày, vị chi là 31.536.000 giây.

Nghĩa là 315.360.000 giây trong mười năm.

Ông Fusi theo ông đoán thì ông thọ được bao năm?"

"À, à...," ông Fusi lúng túng lắp bắp đáp, "tôi hy vọng nếu được Chúa thương thì 70, 80 năm."

"Được," vị khách màu xám đáp, "ta cứ tạm coi như 70 năm đi. Thế nghĩa là 315.360.000 nhân 7. Sẽ được hai tỉ năm trăm lẻ bảy triệu năm trăm hai mươi ngàn giây."

Rồi hẳn viết con số 2.207.520.000 này lên tấm gương.

Đoạn hắn gạch dưới mấy lần rồi mới nói tiếp: "Ông Fusi, có nghĩa đây là khoản thời gian mà ông có được."

Ông Fusi đưa tay lên trán, miệng nuốt khan. Con số kia khiến ông choáng váng. Ông không ngờ mình lại giàu đến thế.

"Chà," tay đại lý gục gặc đầu rồi lại rít điếu xì-gà nhỏ màu xám, "thật là một con số đầy ấn tượng, nhỉ? Nhưng ta thử tính tiếp xem nào. Năm nay ông bao nhiêu tuổi rồi, ông Fusi?"

"Thưa, bốn mươi hai ạ," ông lắp bắp như thể có lỗi vì đã khai gian.

"Trung bình mỗi tối ông ngủ mấy tiếng đồng hồ?" Người khách màu xám tiếp tục cật vấn.

"Khoảng 8 tiếng ạ," ông Fusi thú thật.

Tay đại lý tính toán nhanh như chớp. Chiếc bút nỉ chạy ken két trên mặt gương khiến ông Fusi nổi gai ốc.

"42 năm, mỗi ngày 8 tiếng, chưa chi đã mất hết 441.504.000 giây. Con số mà ta có quyền coi như đã mất thật rồi. Ông Fusi, mỗi ngày ông phải bỏ ra bao lâu cho công việc.

"Cũng khoảng 8 tiếng đâu đó," ông Fusi lí nhí đáp.

"Thế nghĩa là chúng ta lại phải ghi cũng bấy nhiêu đó vào bên chi," tay đại lý tiếp tục một cách nghiệt ngã. "Rồi ông phải bỏ ra một số thì giờ cần thiết cho chuyện ăn uống nữa chứ. Ông mất bao nhiêu thời gian cho mấy bữa trong ngày?"

"Tôi không biết chắc," ông Fusi lo lắng đáp, "khoảng 2 tiếng chăng?"

"Tôi thấy như thế là hơi ít đấy," tay đại lý nói, "nhưng thôi cứ coi như thế đi, vị chi trong 42 năm hết 110.376.000. Ta làm tính tiếp! Theo như chúng tôi biết thì ông sống với bà mẹ già. Hàng ngày ông dành cho cụ bà một giờ chẵn, nghĩa là ông ngồi trò chuyện với cụ, dù cụ điếc đặc chẳng còn nghe thấy gì nữa. Đúng là thời gian bỏ đi: 55.188.999 giây. Ngoài ra ông còn một con hoàng yến hoàn toàn không cần thiết mà mỗi ngày ông mất 15 phút săn sóc, tính ra thành 13.797.000 giây."

"Nhưng mà...," ông Fusi khẩn khoản nói xen vào.

"Đừng cắt ngang lời tôi!" Tay đại lý quát, trong lúc vẫn tiếp tục tính toán nhanh như chớp. "Ông Fusi, vì mẹ ông không đi lại được nên ông phải tự tay đảm trách một phần công việc nhà. Ông phải đi chợ, đánh giày hoặc những chuyện phiền toái lẩm cẩm khác. Mỗi ngày hết bao lâu?"

"Khoảng 1 tiếng, nhưng mà..."

"Ông Fusi, thế là ông mất thêm 55.188.000 giây. Chúng tôi còn biết thêm là mỗi tuần ông đi xem phim một lần, mỗi tuần tham gia hát một lần trong ca đoàn, hai lần đi đến quán nước quen, còn những tối khác thì ông gặp bạn bè hoặc lâu lâu đọc sách. Nói gọn, ông phí thì giờ vào những việc vô bổ, mỗi ngày khoảng 3 tiếng, nghĩa là 165.564.000 giây. Ông Fusi, ông không được khoẻ hay sao vậy?"

"Đâu có," ông Fusi lúng búng, "tôi xin lỗi, nhưng mà..."

"Sắp xong rồi," người khách màu xám nói: "Nhưng chúng ta còn phải nói về một chương đặc biệt trong cuộc đời của ông nữa đấy. Ông còn một chút bí mât. Ông hiểu mà."

Răng ông Fusi đánh lập cập. Ông lạnh đến như thế đấy.

"Chuyện ấy mà ông cũng biết cả ư?" Ông lẩm bẩm không ra hơi. "Tôi cứ tưởng ngoài tôi và cô Daria..."

"Trong thế giới hiện đại của chúng ta," tay đại lý số XYQ/384/b ngắt lời, chẳng còn gì là bí mật cả. Ông Fusi này, ông hãy nhìn sự vật cho khách quan và thực tế. Ông hãy trả lời tôi câu hỏi này: ông định lấy cô Daria ư?"

"Không," ông Fusi đáp, "chuyện này không được..."

"Đúng thế," người khách màu xám nói tiếp, "vì cả đời cô Daria dính vào xe lăn, do hai chân cô bị tàn phế. Nhưng hàng ngày ông mang hoa cho cô, thăm viếng cô nửa tiếng đồng hồ. Để làm gì?"

"Lần nào cô ấy cũng rất mừng," ông Fusi đáp mà suýt ứa nước mắt.

"Nhưng, ông Fusi ạ, tỉnh táo mà xét," tay đại lý nói, "đó là thứ thì giờ phí phạm. Tổng cộng đã lên tới 27.594.000 giây. Nếu bây giờ phải tính thêm rằng ông có thói quen mỗi tối trước khi đi ngủ ngồi 15 phút trước cửa sổ ngẫm nghĩ về chuyện trong ngày thì chúng ta lại phải khấu trừ đi 13.797.000 giây nữa. Nào, ông Fusi ạ, bây giờ ta hãy xem thử ông còn dư được những gì nhé."

Trên tấm gương đã ghi thế này:. Ngủ 441.504.000 giây

Làm việc 441.504.000 "

Ăn uống 110.376.000 "

Mẹ 55.188.000 "

Chim hoàng yến 13.797.000 "

Đi chợ v..v... 55.188.000 "

Bạn bè, ca hát v..v... 165.564.000 "

Chuyện bí mật 27.594.000 "

Nghĩ vẩn vơ bên cửa sổ 13.797.000 "

Tổng cộng: 1.324.512.000 giây. "Đây," người khách màu xám vừa nói vừa liên tục gõ bút thật mạnh lên tấm gương nghe không khác tiếng súng lục, "đây là tổng cộng khoảng thời gian ông đã mất cho đến nay. Ông Fusi, ông nghĩ sao?"

Ông Fusi không mở miệng nổi. Ông buông phịch người xuống ghế trong góc phòng, lấy khăn lau trán, vì ông vẫn toát mồ hôi dù người ông lạnh toát.

Người khách màu xám gục gặc đầu ra vẻ nghiêm trọng.

"Đây, ông thấy rất rõ," hắn nói, "đã hết quá nửa số thời gian ông được sở hữu rồi đấy, ông Fusi ạ. Bây giờ ta xem thử rằng 42 năm qua của ông còn được gì nhé. Một năm là 31.536.000 giây, như ông biết. Nhân 42 thành 1.324.512.000 giây." Hắn viết con số này dưới con số tổng cộng thời gian đã mất.. 1324512000 giây

1324512000 "

0000000000 giây. Hắn giắt bút vào túi, rồi ngồi im một lúc để những con số 0 kia tác động lên ông Fusi. Và hắn đã thành công!

"Đó," ông Fusi vô cùng nản chí thầm nghĩ, "hoá ra đó là bản quyết toán cuộc đời ta đến giờ."

Con tính cực kì chi li kia đã khiến ông quá đỗi ấn tượng, đến nỗi đành cắn răng cam chịu. Mà con tính kia đúng thật. Đó là một trong những mánh lới mà bọn người màu xám kia lừa bịp mọi người cả nghìn lần.

"Ông Fusi," tay đại lý số XYQ/384/b dịu dàng nói tiếp," ông thấy rằng không thể tiếp tục làm ăn như thế được nữa rồi chứ? Ông có định bắt đầu tiết kiệm chưa nào?"

Ông Fusi lặng lẽ gật đầu. Đôi môi ông đã lạnh tím cả.

"Phải chi," cái giọng nói màu tro của tay đại lý vang bên tai ông Fusi, "từ hai mươi năm trước ông bắt đầu dành dụm mỗi ngày chỉ một tiếng đồng hồ thôi, thì bây giờ ông đã có được vốn liếng là 26.280.000 giây rồi. Nếu dành dụm được 2 giờ mỗi ngày thì số vốn sẽ gấp đôi, nghĩa là 52.560.000 giây. Thưa ông Fusi, hai tiếng đồng hồ nhỏ nhoi nào có nghĩa gì so với con số v ừa nói này?"

"Chẳng thấm thía gì cả!" Ông Fusi nói lớn, "chỉ là một con số quá ư vụn vặt!"

"Tôi rất mừng vì ông đã vỡ lẽ ra được," tay đại lý thản nhiên nói tiếp. "Tính thử trong cùng điều kiện xem ông sẽ tiết kiệm được bao nhiêu trong 20 năm nữa thì chúng ta đạt một con số đáng tự hào là 105.120.000 giây. Đây là số vốn mà ông đã được tự do sử dụng vào năm ông 62 tuổi."

"Tuyệt vời!" Ông Fusi trố mắt lắp bắp.

"Chưa hết," người khách màu xám nói tiếp, "còn hay hơn nhiều nữa cơ. Chúng tôi, nghĩa là Quỹ Tiết kiệm Thời gian, không chỉ giữ số thời gian tiết kiệm này cho ông mà còn trả lãi nữa. Nghĩa là, trong thực tế ông sẽ có nhiều hơn."

"Nhiều hơn bao nhiêu ạ?" Ông Fusi thều thào hỏi.

"Cái đó tuỳ ở ông," tay đại lý giải thích, "tuỳ theo ông tiết kiệm bao nhiêu và gửi tiết kiệm chết ở Quỹ chúng tôi bao lâu."

"Gửi chết," ông Fusi hỏi, "nghĩa là sao ạ?"

"Dễ hiểu lắm," người khách màu xám đáp. "Nếu ông không đòi lại số thời gian tiết kiệm trước 5 năm thì chúng tôi sẽ trả thêm cho ông ngần ấy năm. Cứ sau 5 năm thì số thời gian của ông sẽ gấp đôi, ông hiểu chứ? Sau 10 năm sẽ là gấp 4 số vốn ban đầu, sau 15 năm là gấp 8. Và cứ thế tiếp tục. Nếu ông bắt đầu từ 20 năm trước, và mỗi ngày chỉ tiết kiệm có 2 giờ thôi, thì khi ông 62 tuối, nghĩa là sau tổng cộng 40 năm, ông sẽ có được 256 lần số thời gian ông tiết kiệm được để sử dụng. Nghĩa là 26.910.720.000 giây."

Hắn lại lấy cây bút xám ra viết con số này lên tấm gương.

"Ông Fusi, ông thấy đó," hắn nói và lần đầu tiên khẽ nhếch mép mỉm cười, "sẽ là gấp hơn mười lần cả đời ông. Mà mới chỉ là tiết kiệm mỗi ngày có 2 tiếng đồng hồ thôi đấy. Ông thấy sao, có đáng không nào?"

"Đáng quá đi chứ!" Ông Fusi kiệt sức đáp. "Thật chẳng còn nghi ngờ gì nữa! Tôi đúng là số con rệp nên đã không lo tiết kiệm từ sớm. Mãi bây giờ tôi mới mở mắt ra. Và thú thật... tôi tuyệt vọng quá!"

"Ấy chết," người khách màu xám dịu dàng đáp, "đâu có gì mà phải tuyệt vọng. Chẳng bao giờ quá muộn cả. Nếu ông muốn thì tiết kiệm ngay từ bây giờ vẫn kịp chán. Ông sẽ thấy đáng đồng tiền bát gạo lắm."

"Còn phải nói!" Ông Fusi kêu. "Thế, tôi phải làm gì bây giờ ạ?"

"Thưa ông," tay đại lý nhướng đôi mày đáp, "nhất định ông sẽ thấy cần tiết kiệm thời gian bằng cách nào! Chẳng hạn ông phải làm việc nhanh hơn, bỏ hết mọi chuyện thừa thãi. Ông dành cho một người khách 15 phút thôi thay vì nửa giờ. Ông bỏ những chuyện phiếm tốn thì giờ đi. Ông giảm một thời giờ ở với cụ bà xuống còn 30 phút thôi. Tốt nhất ông đưa cụ bà vào một nhà dưỡng lão tốt và rẻ; cụ được chăm sóc và ông dôi ra được mỗi ngày nửa tiếng đồng hồ. Ông bỏ con chim hoàng yến vô bổ kia đi! Và nếu bắt buộc thì hai tuần thăm cô Daria một lần thôi. Ông nên bỏ 15 phút kiểm điểm chuyện trong ngày, nhất là đừng nên thường xuyên phí thời giờ quý báu cho việc ca hát, đọc sách hay gặp những người gọi là bạn. Ngoài ra tôi khuyên ông nên treo trong cửa tiệm một cái đồng hồ thật to, chạy đúng để có thể kiểm tra chính xác công việc của mấy cậu nhóc học nghề."

"Được thôi," ông Fusi nói, "tôi giải quyết được hết, nhưng tôi phải làm gì với số thời gian tiết kiệm được bằng cách này? Tôi phải bỏ vào Quỹ à? Ở đâu? Hay tôi phải tự giữ nó? Các chuyện này phải giải quyết như thế nào?"

"Chuyện này," người khách màu xám lại nhếch mép cười lần thứ hai, "ông không cần phải lo. Đã có chúng tôi lo hết. Ông cứ tin chắc rằng không một tí ti nào trong số thời gian ông tiết kiệm bị thất thoát. Ông sẽ thấy chúng không lòi ra chỗ nào được cả."

"Được rồi," ông Fusi bối rối đáp, "tôi tin vào điều ông nói."

"Ông cứ yên tâm đi," tay đại lý vừa nói vừa đứng lên. "Vậy là tôi xin phép chào mừng, ông là thành viên mới trong cộng đồng đông đảo của những người tiết kiệm thời gian. Ông Fusi, giờ đây ông thật sự là người tiết kiệm hiện đại và tiến bộ. Xin chúc mừng ông!"

Rồi hắn cầm lấy mũ và cặp.

"Khoan đã!" Ông Fusi nói. "Chúng ta không phải làm hợp đồng gì hết à? Tôi không phải kí gì hết sao? Tôi không có một hồ sơ gì à?"

Tay đại lý số XYQ/384/b quay người lại ở ngưỡng cửa, chăm chú nhìn ông Fusi với vẻ không mấy hài lòng.

"Để làm gì mới được chứ?" hắn hỏi. "Chuyện tiết kiệm thời gian này không so sánh được với bất cứ kiểu tiết kiệm nào khác. Đây là chuyện hoàn toàn tin cậy giữa hai bên! Chúng tôi chỉ cần ông đồng ý là đủ. Không hồi lại được đâu. Chúng tôi sẽ lo cho khoản tiết kiệm của ông. Còn tiết kiệm bao nhiêu là hoàn toàn ở nơi ông. Chúng tôi không ép uổng gì ông hết. Xin chào ông Fusi!"

Rồi tay đại lý leo lên chiếc xe xám sang trọng phóng ào đi.

Ông Fusi xoa trán nhìn theo. Người ông từ từ ấm hơn nhưng ông thấy yếu ớt như nhuốm bệnh. Làn khói xanh của điếu xì-gà vẫn còn đặc trong phòng, chưa chịu tan.

Chỉ sau khi tan hết khói thuốc ông Fusi mới thấy đỡ. Mà khói thuốc tan bao nhiêu thì những con số trên tấm gương cũng mờ đi chừng nấy. Rồi khi những con số biến sạch thì người khách màu xám kia cũng biến mất luôn khỏi kí ức ông Fusi. Chỉ người khách đó thôi, chứ quyết định nọ thì không! Vì ông nghĩ rằng nó là quyết định của riêng ông. Ý định từ nay sẽ tiết kiệm thời gian để một lúc nào đó trong tương lai có thể bắt đầu một cuộc đời khác bám chắc vào tâm hồn ông như một cái ngạnh.

Rồi người khách đầu tiên trong ngày đến tiệm. Ông Fusi cau có tiếp khách. Ông bỏ hết mọi chuyện không cần thiết, chỉ lẳng lặng làm và quả thật chỉ sau hai mươi phút là xong, thay vì nửa tiếng.

Từ đó trở đi khách nào cũng đều vậy cả. Dĩ nhiên, khi làm thế thì ông không còn thấy hứng thú trong công việc, nhưng điều này không quan trọng gì nữa. Ngoài cậu học việc ra ông còn thuê thêm hai người phụ nữa và kiểm soát gắt gao để họ không phung phí một giây nào. Mỗi một động tác đều được quy định bài bản chi li. Trong cửa hiệu của ông Fusi giờ đây treo một tấm biển mang dòng chữ: THỜI GIỜ TIẾT KIỆM GIÁ TRỊ GẤP HAI!

Ông viết một bức thư ngắn gọn gửi cô Daria mói rằng ông rất tiếc không thể đến thăm cô được nữa, vì thì giờ eo hẹp. Ông bán con chim hoàng yến cho một cửa hàng buôn thú. Còn bà mẹ thì ông tống vào một Viện dưỡng lão tốt nhưng rẻ tiền và mỗi tháng đến thăm mẹ một lần. Còn thì ông làm theo mọi lời khuyên của người khách màu xám kia mà giờ đây ông coi là những quyết định của riêng ông.

Càng ngày ông càng nóng nảy và bất an, vì có một điều lạ thế này: quả thật ông không hề có chút được nào dư từ số thời giờ dành dụm được. Chúng biến mất sạch một cách bí hiểm. Ngày tháng của ông cứ ngắn dần, mới đầu còn không nhận ra nhưng càng lúc càng thấy rõ. Chưa chi mà đã hết một tuần, một tháng, một năm, lại một năm, thêm một năm nữa.

Lẽ ra khi không còn nhớ đến chuyến viếng thăm của người khách màu xám kia thì ông phải khẩn thiết tự hỏi thời gian của mình biến đi đâu hết. Nhưng ông cũng như mọi người tiết kiệm thời gian khác, chẳng ai buồn thắc mắc cả. Ông cứ như bị cuồng si, thế thôi. Thảng hoặc ông có hốt hoảng thấy thời gian qua vùn vụt thì ông lại càng gồng người tiết kiệm tợn hơn nữa.

Đã có nhiều người trong thành phố lớn này cũng cảnh ngộ y chang như ông Fusi. Và càng ngày thêm nhiều người nữa bắt đầu làm cái chuyện họ gọi là "tiết kiệm thời giờ". Mà họ càng đông thì lại càng thêm nhiều người bắt chước, vì ngay những kẻ không muốn làm theo cũng không còn cách nào khác hơn.

Hàng ngày trên radio, truyền hình và báo chí người ta quảng bá và tán tụng những ưu điểm của các trang thiết bị mai này sẽ cống hiến cho con người đời sống "thật sự". Trên tường nhà và các cột dán áp phích nhan nhản những tấm quảng cáo để ai nấy thấy được về mọi hình ảnh khá thể của hạnh phúc. Bên dưới là những hàng chữ sáng ngời:. NGƯỜI TIẾT KIỆM THỜI GIAN CÀNG NGÀY CÀNG KHẤM KHÁ HƠN!

Hay là: TƯƠNG LAI THUỘC VỀ NHỮNG NGƯỜI TIẾT KIỆM THỜI GIAN!

Hay là: ĐỂ SỐNG NGON LÀNH HƠN - HÃY TIẾT KIỆM THỜI GIAN!. Nhưng thực tế lại khác hẳn. Tuy những người tiết kiệm thời giờ ăn mặc bảnh bao hơn những kẻ sông quanh Nhà hát lộ thiên thật: họ kiếm được nhiều tiền hơn nên chi tiêu cũng rộng rãi hơn thật. Nhưng mặt mũi họ khinh khỉnh, mệt mỏi và cau có và mắt họ không thân thiện. Dĩ nhiên họ không hề biết câu nói kiếu "Đến với Momo!" Họ không có ai chịu lắng nghe để họ được trở nên chín chắn, hoà dịu và thậm chí vui vẻ. Mà ngay cả nếu khu họ ở có được một người như thế thì cũng hoàn toàn không chắc họ chịu tìm đến với người ấy, trừ khu người ấy có thể giải quyết những vấn đề của họ trong vòng năm phút. Bằng không họ sẽ coi như mất thì giờ. Ngay cả thì giờ rảnh, như họ nghĩ, cũng phải được tận dụng. Chúng phải nhanh chóng đem lại cho họ thật nhiều lạc thú và thoải mái.

Thành ra họ không còn biết tiệc tùng thật sự là gì nữa, dù tiệc vui hay nghiêm trang. Với họ thì mơ mộng cũng gần như tội ác. Nhưng sự tĩnh mịch là điều họ khó chịu nổi hơn cả. Trong sự tĩnh mịch họ bị nỗi sợ chế ngự, vì họ linh cảm điều xảy ra với cuộc đời họ trong thực tế. Thành thử họ làm huyên náo, mỗi khi phải đối diện với sự tĩnh mịch. Nhưng đó không phải là sự huyên náo vui vẻ như ở bãi chơi của trẻ con, mà một sự ồn ào giận dữ và bất mãn ngày ngày tràn ngập các thành thị.

Anh có ưa thích, ham mê công việc không, điều đó không quan trọng. Mà ngược lại, vì yêu thích và ham mê chỉ sinh ra trễ nải. Điều quan trọng duy nhất là: làm được thật nhiều trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Cho nên tại các hãng xưởng lớn và trong các văn phòng đều treo những tấm biển, viết:. THỜI GIỜ RẤT QUÝ - ĐỪNG ĐỂ MẤT!

Hay: THỜI GIỜ LÀ TIỀN BẠC - HÃY TIẾT KIỆM! . Những tấm biển tương tự cũng đặt trên bàn các ông chủ, treo phía trên đầu các giám đốc, trong phòng khám bệnh của các bác sĩ, trong các hiệu buôn, quán ăn, siêu thị, thậm chí trong cả các trường học và vườn trẻ. Không ai, không nơi đâu là ngoại lệ.

Để rồi thành phố cũng càng ngày càng thay đổi diện mạo. Những khu phố cổ bị phá đi, nhà mới được xây nên, người ta bỏ hết những gì bị coi là thừa thãi. Không hơi đâu xây nhà phù hợp ý thích người sống trong đó, vì sẽ phải xây nhiều kiểu nhà khác nháu. Còn xây nhà nào cũng giống nhà nào thì vừa rẻ hơn, lại vừa tiết kiệm được thời gian hơn.

Phía bắc thành phố đã có những khu nhà mới trải rộng bát ngát, với cơ man những dãy nhà cao tầng cho thuê giống nhau y hệt. Và vì nhà nào cũng như nhà nấy nên dĩ nhiên phố xá cũng giống nhau mọc lên, trải dài thẳng tắp tới tận chân trời. Thật là một sa mạc ngăn nắp! Cuộc đời của những con người sống ở đây cũng y như thế: thẳng tắp tới tận chân trời! Vì ở đây mọi thứ, từng xăng-ti-mét và từng khoảnh khắc, đã được tính toán và hoạch định chi li.

Không ai ngờ được rằng khi mình tiết kiệm thời gian thì thật ra lại đã tiết kiệm một thứ hoàn toàn khác hẳn. Không ai chịu nhận rằng cuộc sống của mình ngày càng một nghèo nàn hơn, ngày một đơn điệu hơn và ngày một lạnh lẽo hơn.

Nhưng lũ trẻ cảm thấy điều này rõ rệt, vì nay không còn ai có thì giờ cho chúng nữa.

Mà thời gian là cuộc sống. Mà ta cảm nhận cuộc sống bằng trái tim.

Càng tiết kiệm thời gian thì lại càng có ít cuộc sống hơn.

Nguồn: truyen8.mobi/t117980-momo-chuong-6-tinh-toan.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận