Nắng Vỡ Truyện ngắn 15


Truyện ngắn 15
Nắng vỡ

Hoài bước chân vào nhà rồi đóng sầm cửa lại. Đây là nhà của cô. Cô mới mua. Căn hộ rộng ba nhân năm mét, đồng dạng với cái hộp diêm. Có một cái hộp khác chung tường với nhà cô nhưng nó lại quay sang một tuyến phố sau. Mới đầu mua được cái nhà này, Hoài sướng thít cả người. Hai ông bà giáo cùng họ là Đỗ Thanh và Đỗ Thúy biết cô có ý định mua nhà liền rỉ rả: "Hay là cô lấy nhà của chúng tôi đi. Tuy bé một tý nhưng chỉ có một mình cô ở thì rộng. Sau này có chồng con lên thêm tầng ba nữa, ở cũng chả hết". Rồi bà giáo còn bảo: "Tôi với ông ấy chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu. Ông giáo nhà tôi lại là người độc đinh trong họ… Gớm, vừa mới nghe tin chúng tôi về quê ở, cả họ mừng…". Hoài cũng thấy hợp lý. Lúc giao tiền bà giáo ra vốn hẳn cho một triệu, điều này khác hẳn với tính cách của bà! Đúng là trí thức có khác, rộng rãi quá! Ban đầu lúc dọn nhà, Hoài thật sự hài lòng, đi đâu cũng chỉ mong sao cho chóng về đến nhà

 

mình là nơi cất giữ cái hình hài đã ba lăm tuổi, bảo hiểm chắc chắn trong cái hộp bê tông! Cảm giác thật thoải mái và an toàn. Mấy ngày đầu cô không hề để ý gì đến căn hộ chung vách phía bên kia. Cứ đi làm về là họ lại cãi nhau, xem ra đấy mới là nguồn sống chính chứ không phải cơm gạo. Mà chuyện gì họ cũng ra vấn đề. Từ chuyện vật chất nhỏ như cái kim, đến chuyện xã hội như bàn về ngày tận thế của loài người. Cô vợ đi chợ về, chồng hỏi mua rau ở đâu? Rằng mua rau sạch siêu thị - Tin làm sao được cái siêu thị - Thế không thì tin ai? Lại cãi nhau. Chồng mua chiếc tủ lạnh, nhưng tủ gì lại không biết làm đá. Vợ hỏi mua ở đâu? Hàng giảm giá, nhờ người quen mua hộ - "Càng quen càng lèn cho đau". Hoài nằm bên này còn nghe rõ tiếng thở dài và cái giọng kim của cô vợ. Anh chồng rút điện thoại ra gọi: Alô! Chị Minh à, chị mua giúp cho em chiếc tủ lạnh ở đâu vậy? Lúc sau nghe tiếng cô vợ: "Người quen anh bảo sao?". Bà ấy bảo nhờ cô bạn thân bên công ty đầu tư mua cho. Tiếng cô vợ giãy lên như bị chọc tiết: "Tôi đã bảo mà, thời buổi này bạn bè tin làm sao được?". Thế không tin bạn thì còn tin ai? Lại cãi nhau… Cãi cả những việc tận đẩu tận đâu. Anh chồng đem chuyện một ông tổng thống đưa vợ đi đẻ, mà đẻ sinh bốn nhá! Tiếng cô vợ: "Khiếp! Đẻ như chó". À mà tin ấy ở đâu vậy? Thì báo đưa tin chứ ai. Ôi giời! Nhà báo chỉ có nói phét thế mà cũng tin. Không tin báo thì tin gì? Thế là lại lăn xả vào nhau. Chuyện chả có gì liên quan đến gia đình bỗng chốc trở nên to… Ngày nào cũng thế, cứ hễ hở ra là to tiếng, nhưng đến đêm Hoài lại nghe thấy tiếng rúc rích êm ái làm cô giận sôi cả tiết. Thật không tài nào tin nổi! Đến phường chèo cũng không đến lượt ngữ ấy. Cô muốn chạy lên tầng thượng, lần sang mái bên kia, lật tấm tôn lên rồi thả một quả lựu đạn chày vào trong ấy. Cô bắt đầu ngán đến tận cổ. Đầu tiên cô trách vợ chồng ông bà giáo, sau trách cái tên kỹ sư xây dựng thiết kế những ngôi nhà quái gở, chung tường, chung móng. Hàng ngày đi làm cô phát chán những khuôn mặt hối hả, chạy xe như chó dái, hễ cứ có khoảng trống là chèn vào, cố nhoi lên trên người khác. Tối nào cũng được nghe hài kịch niềm tin. Nhưng mà đây là nhà cô cơ mà? Tiền mua nhà do cô kiếm được. Thế thì việc gì phải đi đâu? Vợ chồng ông bà giáo sống gần hết cả đời người đến tận lúc về hưu, về quê còn được. Sống chung với lũ thì đã sao, sau này có tiền đập ra xây lại không khéo lại thèm nghe tiếng cãi nhau. Nhưng mà tạng người như cô tính trầm, lối sống rành mạch, cứ hễ nghĩ đến chuyện lấy chồng không khác gì thụ án. Nhưng hiện tại cô chưa quen nên cứ phải nút hai tai bằng chiếc phone nghe nhạc. Nấu cơm, vệ sinh… đều phải nghe nhạc. Có nghĩa chiếc phone không được phép rời khỏi tai…

Hoài là giáo viên dạy toán, lại có văn bằng kế toán doanh nghiệp. Có hàng chục công ty thuê cô làm. Một lần cô đi đến công ty Bình Minh lấy chứng từ kê khai thuế thì bắt gặp vợ chồng ông giáo. Cô thật ngạc nhiên thấy bà giáo đang chỉ huy đám nhân viên của một cửa hàng ăn đặc sản, khách ra vào đông như kiến. Tưởng cô là khách, bà giáo đon đả chạy ra. May mà bà còn nhận ra cô. Hoài hỏi thăm: "Em tưởng thầy cô chuyển về quê ở?". Bà giáo trợn mắt lên, tay quay quay như kiểu người ta đốt vía: "Điên à! Về quê thì có mà điên à? Thế ai nói với cô như vậy, đểu thế?". Cô lí nhí chào bà giáo rồi phóng rất nhanh như đi cướp. Nếu ở lại cô sợ sẽ rắc cát vào mồm bà giáo mất. Hoài nhớ ra khoản một triệu đồng bà giáo dứt ruột bớt cho cô, hóa ra nó là tiền thế mạng. Lần bàn cái chuyện mua nhà bà giáo với Thơ (cô bạn cùng bộ môn). Không cần ngâm ngợi gì nhiều, Thơ nói luôn: "Chị phải cảnh giác với hai con chim già này, mọt lắm! Lõi sắt lắm! Thế chị có biết Đỗ Nhị Tinh là ai không?". "Không". Là hai nhà giáo họ Đỗ trường ta đấy! Chết, chị mà dây vào họ là rách túi đấy. Của thì ít mà suýt ra nhiều. Em nghe nói có hàng tá người đến hỏi mua nhà đều lắc đầu, lè luỡi. Đây này, chả nói đâu xa. Tuần trước bà giáo đem cái com pa gỗ của ông giáo ra khoe, bảo đấy là chiếc com pa do một Bộ trưởng tặng. Giờ chuẩn bị về hưu chả còn biết dùng làm gì nữa. Tôi bàn với ông ấy đem tặng bộ môn làm kỷ niệm. May mà hôm ấy chị đi vắng… Nghe nói đến kỷ vật nên ai cũng muốn có, thế là mọi người quyết định lập sàn đấu giá. Em ra giá cao nhất, trả cái com pa ấy hai trăm ngàn. Sau hỏi ra mới biết trước đây ông giáo cứ lấy giải dút để vẽ đường tròn. Trong một lần dự giờ, giám đốc sở ra lệnh từ nay nếu thấy ông giáo còn lấy dây dút vẽ đường tròn thì sẽ ra quyết định đình chỉ! Thế ông giáo mới chịu bỏ tiền ra mua chiếc com pa này đấy, cứt sắt lắm! Hoài tự an ủi: Thôi của đi thay người vậy, nhưng thầy xem tướng số bảo hai năm nữa cô mới chịu hạn. Hay mới là tạm ứng hạn đây? Làm cho cô lại phải thêm một mối lo. Thôi thế thì lại tìm cách bán quách cái tổ chim yến này đi. Giờ cô thấy ghét cái nhà của mình quá! Đã đến giờ đeo phone vào tai thì có tiếng gõ cửa. Tuyết, một cô giáo mới ra trường chưa lâu. Hoài vừa mở cửa, Tuyết đã ào vào ríu rít như con chim. Tuổi trẻ có khác! Cô vừa đi vừa ngắm căn hộ, mồm nói, mắt nói, lại biết cả nói ngọng: "Ôi, chị ôi! Chị sướng thật đấy! Các chị trong bộ môn ai cũng khen chị quá giỏ giăng, ai cũng bảo không thể tin được một cô ráo độc thân làm giàu không phải bằng nghề của mình, chả thèm thậm thụt dạy thêm dạy lếm, coi quy định của bộ chả khác lào như một đứa trẻ con! Chị nhỉ?". Rồi cô vòng quanh bên trong cái hộp ba nhân năm mét một lượt, liên tục phải tránh các chướng ngại vật; nào là giường cá nhân Hàn Quốc, tủ quần áo Ja Pan, bàn trang điểm Đài Bắc, bàn máy tính Hòa Phát, bộ minh đào mini… Gặp vật gì lại quệt tay một cái lấy khước. Người Tuyết lượn tránh các đồ vật mềm như cái lạt: "Chị ôi! Em ước được như chị quá! Đến kiếp nào em mới được. Chị thông cảm cho em nhá, nhà chị là em đến sau cùng, chơi với chị lốt ngày hôm lay là mai em phải vào trận ngay! Em xác định rồi, phải ép xác, phải cày như điên, phải đảo tung cái trật tự lày lên". Cô sực nhớ ra: "Lày, chị lày. Ngày hôm qua em đến nhà chị Thơ. Chị biết không, thật không thể tin nổi! Hai anh chị ấy dạy như điên! Chị có nhớ cái nhà hai tầng ở mặt phố Khai Trí không? Không phải thuê như rêu rao đâu, mua rồi đấy! Chị có tin không? Anh dạy trên tầng. Hai phòng… Hai mâm. Chị tầng trệt cũng hai mâm, dọn cái bếp làm thêm một mâm nữa là ba. Chị mà nhìn thấy cũng sướng mê". Mồm Tuyết không cười nữa nhưng mắt vẫn cười: "Chị ôi, thời buổi lày thật khó tin chị nhỉ? Chả biết quốc học có đập chết học bụi hay không? Nhưng mà em vừa thấy buồn lại vừa thấy vui, chị có tin không? Đảo lộn hết cả, chị nhỉ? Thôi kệ nó đi! Cả bộ môn mình, cả trường mình, cả cái bộ mình đánh mất mình rồi. Buồn mà vui, chị nhỉ? Thôi, kệ ló đi!". Vừa vặn lượn hết một vòng quanh cái hộp diêm, đến cửa ra vào là Tuyết rút lui: "Thôi chị nhá! Đến thăm chị một lát thôi em về đây kẻo tắc đường. Đường với sá thật không thể tin lổi!". Hoài nhìn theo Tuyết nhí nhảnh nhảy nhót trên từng bậc thang. Cô giống như con chim non, chuyền từ đoạn ngắn đến đoạn dài. Rồi đến một ngày nào đó Tuyết vụt bay cao, bay xa. Nhưng nhỡ ra trong lúc tập chuyền… Nhỡ ra, nhỡ ra. Thật không thể tin nổi! Hoài chả dám nghĩ nữa. Cô đeo chặt phone rồi bật máy tính, vào email và mở thư ra xem. Người bạn mới quen, hôm nay gửi kèm theo ảnh. Trông tự tin. Đẹp trai. Miệng cười ấm. Hai hàm răng trắng muốt, góc chụp tốt, nắng đậu trên răng phản chiếu trông như ảnh nghệ thuật, đính theo bài thơ "Nếu tin anh" tặng cô, kèm mấy câu đề vụng về. Hoài mỉm cười, niềm vui đến râm ran như rôm cắn. Dạo này cái hộp của cô tự nhiên vắng lặng rồi bỗng chốc lại ồn lên tiếng đập phá. Thì ra bên ấy họ đang làm nhà. Ôi Chúa ơi, lạy Chúa từ bi! Ông bà giáo nhẫn nại cả đời mà chả được hưởng phúc. Mình thật là may mắn. Trong giấy tờ nhà đất, hồ sơ trích lục kèm theo có dấu công chứng nhà nước hẳn hoi: "Một hoặc cả hai bên đều có quyền xây dựng nhà mình mà không phải hỏi ý kiến người liên quan. Nhưng phần tường chung sẽ thuộc về người xây sau". Hoài mừng rơn, mình vớ bở rồi, đôi vợ chồng phường chèo hào phóng quá. Mình thế là được lời mấy phân tường rồi. Thật không thể tin được! Sao giờ vẫn còn có người rộng rãi, xởi lởi thế không biết! Cô sửa lại phone, rung đùi gõ nhịp theo từng giai điệu bài hát từ chiếc máy nghe nhạc. Cô ngắm mãi người đàn ông trên màn hình. Người mà bấy lâu nay luôn đem lại niềm tin cho cô. Anh ấy đây à? Được đấy chứ! Nhóm bạn học của cô lập ra một blog để hàng ngày tin tức cùng chia sẻ với nhau. Rồi đột nhiên anh chàng xuất hiện mang nhiều điều mới mẻ đến cho các cô. Hoài thích cái suy nghĩ của anh ta, nó cứ na ná giống như từ trong óc cô đi ra vậy. Còn Loan, cô bạn kỹ sư địa chất thì đầy ngờ vực. Cô hỏi anh ta: "Anh là ai? Có phải thợ săn không?". "Không! Tôi chỉ là ngọn gió lang thang". "Ngọn gió ấy từ đâu tới?". "Nó ở khắp mọi nơi". Loan khuyến cáo các bạn lập trang khác. Mọi người phản đối: "Cứ để xem anh ta làm được gì". Loan công khai trên blog: "Tớ xin rút lui. Nhà toàn bà cô, có một ông mãnh tất nhiên được chiều rồi". Hoài cũng bênh: "Anh ta là nhà thơ đấy! Văn dễ đo - Báo khó dò. Cứ để ngọn gió lang thang làm khách nhà mình thì đã sao!". Hoài đọc thơ: Anh chẳng thể tin ai/ Chỉ biết tin vào nắng/ Giọt nắng vô tình…/ Đậu vào mắt/ Em/ Thơ ngây. "Ngọn gió lang thang" lấy địa chỉ từ blog rồi gửi riêng cho Hoài, kèm theo mấy dòng: "Anh như ngọn gió muốn vào rừng cây". Thêm mấy dòng nối bút: Bạn em như Tào A Man. Anh cũng xin liều mạng làm quen. Chỉ có mấy vần thơ làm quà (Thơ anh làm là thơ xịn đấy, anh đổ mồ hôi thật đấy! Anh tin và quý mến em thật đấy!). Hoài mỉm cười. Cô xét thấy anh cũng thơ ngây đấy chứ! Cũng tâm trạng đấy chứ! Tâm tình cũng như ngọn gió lang thang chả biết đi đâu, về đâu. Đâu cũng muốn đến mà bước chân bối rối, đầy sợ hãi. Mình là gì trên thế gian này? Một cái xác đang dần đổ bóng. Cả cái trần gian này đang tả tơi trong vội vã, trong tìm kiếm. Trong cơn tuyệt cùng vẫn không thể nhận ra đang ở đâu trong hiện tại? Cứ bảo sống cho mình mà như cho ai, cứ thực thực hư hư dùng cái giả để che đậy cái thật, cái đẹp đẽ bên trong. Không dám nói thật, không dám sống thật. Thật là thứ xa xỉ nhất trên thế gian này.

Một ngày chủ nhật Hoài bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa. Cô dậy và đi ra. Một người đàn ông chừng sau mươi tuổi, trông từa tựa như một công chức đã về hưu. Ông ta giới thiệu: "Tôi là Quyền, tổ trưởng dân phố 12A". Thấy Hoài ngẩn mặt ra, ông tổ trưởng giải thích: "Chắc cô không biết tổ 12A ở đâu? Xin giới thiệu với cô tổ 12A nằm song song với đường phố bên này". Cô gật đầu. Ông tổ trưởng mỉm cười: "Gớm, gặp được cô còn khó hơn gặp thủ tướng". "Bác có chuyện gì ạ?". "Vợ chồng nhà anh Sĩ - Thiện ở bên kia, có chung bức tường với nhà cô. Cái bức tường lịch sử để lại ấy mà! Vợ chồng nhà anh ấy vừa qua có làm đơn đề nghị xin xây dựng lại căn nhà cho nó khang trang. Xây ba bề đã xong rồi nhưng vì còn vướng đường biên giới chung nên anh chị ấy nhờ chính quyền sang xin phép cô ký nhận vào đơn". Có tiếng rúc rích phía bên kia tường vọng sang: "Ông bà Sỹ - Thiện thuê chính quyền thì có!". Hoài cố nghe giải thích. Cô nhìn bên dưới cầu thang còn có một người đàn ông nữa đang nghiêng đầu nghe điện thoại. Cô bảo với ông tổ trưởng dân phố: "Trong hồ sơ đất đã ghi rõ hộ nào làm trước thì không cần phải hỏi". "Ấy chết! Giấy thì ghi như thế nhưng mà quyết định kia lâu quá rồi, tin làm sao được. Ông bà ấy sang thống nhất với cô sau khi phá bức tường này ra, sẽ lấy đủ phần đất của mình. Ngoài ra ông bà ấy chịu thiệt thòi là bỏ tiền ra xây trả lại bức tường cho cô". Hoài ngẩn người, rồi mặt cô bỗng đỏ bừng cả lên: "Tùy các ông, các ông muốn xây cái gì thì xây, không cần phải bàn, tôi không thắc mắc gì cả". "Thì cô cứ cho tôi xin một chữ vào đây, nói thế tin làm sao được!". Hoài vô cùng bực mình, cô mượn cái bút của ông tổ trưởng định ký một nhát cho xong. Ông tổ trưởng vẫy tay gọi người đàn ông bên dưới: "Anh Sỹ Thiện, lên nhanh. Cả đôi cùng ký có sự chứng kiến ở giữa. Nhanh!". Hoài vừa ký vừa nghe tiếng giày kin kít chạy lên. Cô ngẩng mặt lên nhìn, há hốc miệng, đánh rơi cây bút xuống chân. Không thể tin nổi người đàn ông đang đứng trước mặt cô, đang nở một nụ cười ngoại giao. Nắng ban mai đậu vào hàm răng trắng tinh, đều tăm tắp. Anh ta chính là Ngọn gió lang thang… Đêm đêm vẫn thường chát với cô. Cô quay mặt đi và nhận ra những giọt nắng vỡ vụn trên hàm răng trắng muốt.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88276


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận