Hành trang kiếm sống của y thật là đơn giản: một thùng gỗ phế thải kiểu như những chiếc thùng đựng xà phòng đóng bằng những thanh gỗ mỏng, thưa; hai chiếc mẹt nhỏ; một con dao to bản cực sắc; một chiếc thớt lớn gỗ nghiến và những xếp giấy báo loại, những chiếc túi ni lông rẻ tiền. Hôm nào cũng vậy, đúng 8 giờ sáng là y dọn hàng. Chiếc thùng gỗ dựng đứng lên, trên đó là chiếc mẹt lớn nằm phủ phục một chú chó thui màu cánh gián cùng bộ dồi chó có nhân đỗ xanh, lá mơ, được nướng qua lửa, ai nhìn cũng ứa nước miếng. Rau húng, rau thơm, ngổ, lá mơ, riềng, ớt, muối tiêu... y để gọn trong thùng. Để cho lịch sự, y mua thêm những thếp giấy lau tay nhiều màu và dùng dao xén những tờ báo loại thành những xấp vuông vức, thay cho đĩa ăn.
Ban đầu, những cô mậu dịch viên của cửa hàng bia này hoàn toàn không thích sự có mặt của y. Bẩn thỉu, bệ rạc, nhếch nhác - họ bảo thế và nhiều lần đề nghị cửa hàng trưởng đuổi đi. Y thấy tủi, thấy nhục. Nhưng vì sinh kế, y đành phải chai mặt. Cũng may món mộc tồn của y là thứ quốc hồn, quốc túy. Cộng với thái độ của y thật chu đáo,
khách muốn xơi một ngàn, hai ngàn, mười ngàn... y sẵn sàng chiều, vì thế cửa hàng bia trước ế sưng ế sỉa, nay lúc nào khách cũng đông nghịt. Các cô mậu dịch viên bắt đầu thấy mến y. Họ đặt cho y cái tên gọi thân tình, vừa phù hợp với nghề nghiệp của y: anh Tuất.
- Này, sao hôm nay không thấy anh Tuất bán hàng?
- Vắng anh Tuất một ngày mà cửa hàng mình vãn khách. Rõ chán!
Các cô nói với nhau những khi nghỉ bán hàng. Ấy là những ngày đầu tháng âm lịch, thường là mồng một, mồng hai, mồng ba. Dân ta có thói quen kiêng ăn thịt chó vào những ngày ấy. Y biết rõ điều đó và nhất quyết dừng việc sát sinh. Nhưng thực ra y đâu có nghỉ. Với chiếc xe phượng hoàng cũ kỹ, y đạp thốc lên mãi vùng thượng huyện lùng mua chó dành để giết thịt dần.
Tung tích của y thế nào? Người ở đâu? Đã có vợ con chưa?... Ở cửa hàng bên kia, không một ai biết. Y không hề nói gì về mình. Những lúc vui vẻ, có ai tò mò hỏi thăm, y chỉ mỉm cười: "Tôi tuổi chó, lại làm cái nghề chó này, có gì đáng nói nữa đâu...". Nói thế tức là y đã nhận mình là kẻ bỏ đi. Dưới đáy xã hội rồi, cần gì phải lý lịch, tiểu sử.
Vậy mà ở cửa hàng bia, có một người đã lặng lẽ truy tìm đến gốc gác của y. Người ấy là Dung, nhân viên cửa hàng thực phẩm của công ty mới được điều về đây.
Trong đám chị em ở cửa hàng, Dung là người có nhan sắc. Tuổi ba mươi, nhưng khối cô mười tám đôi mươi phải chạy dài... Chỉ cần liếc thấy bộ mặt trắng hồng, đôi mắt phượng đuôi cong vút, đôi mông núng nính là khối ông năm, sáu mươi vốn không máu mê bia bọt cũng làm ra vẻ đam mê, tạt vào cửa hàng làm một vại. Những người đã biết qua về Dung thì đều bảo cô thuộc loại hồng nhan đa truân. Ngần ấy tuổi mà đã qua hai đời chồng. Lần đầu với một gã choai choai, tuổi học trò búng ra sữa. Hai anh chị tí tởn với nhau khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Rồi thề bồi lấy nhau bằng được mặc dù cả hai đều chưa có việc làm. Mối tình chóng vánh kết thúc khi Dung vừa đẻ đứa con đầu lòng ở tuổi mười bảy. Tiếp đến là mối tình sét đánh với một gã trai đi lao động ở Tiệp về. Cuộc hôn nhân vội vã này, một lần nữa đẩy Dung vào bi kịch. Gã trai quen sống buông thả ở Tiệp coi Dung là loại đàn bà bỏ đi, gã tận dụng nốt hương thừa, tặng Dung thêm một đứa con rồi phớt. Hai đời chồng, hai đứa con, sức sống còn rừng rực, mà Dung đâm ra chán ghét thế giới đàn ông. Dung tâm sự với bạn bè: "Với tao bây giờ chẳng có tình tang gì hết. Thằng nào muốn chết, tao cho chết, nhưng với điều kiện là phải nôn hết chỉ, hết que để tao nuôi con". Đã năm năm rồi Dung sống với phương châm ấy. Mỗi tuần lại có một anh chàng cưỡi xe Dream hoặc lái Toyota đến đón Dung đi chơi. Mỗi tháng trên người Dung lại có thêm một thứ trang sức lạ: chiếc nhẫn mặt saphia, chuỗi vòng hạt xoàn, chiếc vòng đeo tay mã não...
Với y, ban đầu, tất nhiên là Dung không thèm để ý. Y là một con số không so với đám đàn ông lẵng nhẵng chạy theo Dung.
Nhưng rồi năm sáu tháng qua đi. Sự vắng mặt của y ở cửa hàng trong những ngày đầu tháng đã khiến Dung cảm thấy hụt hẫng và trống vắng.
Sao thế nhỉ? Vào một ngày mồng một đầu tháng âm lịch, Dung bỗng tự hỏi. Và suốt một ngày, Dung như người mất hồn.
Ba ngày nữa vẫn vắng bặt tin y. Đến lúc này thì cả cửa hàng nhao lên: "Anh Tuất làm sao thế nhỉ? Anh ấy mà không đến thì cửa hàng bia chúng mình ế mất". Các cô đều lo lắng thực sự. Bởi lẽ đơn giản: bao nhiêu năm sống trong cơ chế bao cấp, cửa hàng bia gia công của các cô bung ra, mặc dù giá rất bất ngờ 1.200 đồng một vại, nhưng khách cũng không mấy vồ vập, vì ngoài vại bia chua loét, chỉ có vài hạt lạc, mấy chiếc nem chua... khách không xực nổi. Có món mộc tồn của y, phương thức tiếp thị đã thực sự thay đổi. Bia thịt chó, một thực đơn tuyệt vời. Lại nữa, thịt chó của y là loại chính hiệu, chó quê, chứ không phải loại thịt chó bôi bột cari thịt nhão nhoét như ở trên phố.
Không biết cách nào đó, Dung đã biết được quê y, một làng hẻo lánh ở cách thành phố hai mươi bốn cây số. Dung báo với cửa hàng xin nghỉ một ngày. Bốn giờ sáng, cô phóng chiếc Dream đi. Chao ơi đi tìm một anh thịt chó chưa biết tên, ở một làng chưa đến bao giờ, quả là một kỳ công. Nhưng rồi, với sự tháo vát của một người đàn bà khá lọc lõi trong đời, cộng với sự thôi thúc mơ hồ của trái tim, cuối cùng, vào quãng trưa, Dung đã tìm ra y. Hóa ra y không phải tên là Tuất mà là Mậu. Y đẻ năm Mậu Tuất, ấy là tên Hán tự. Nghĩa tiếng Việt cũng là năm chó.
Gia cảnh của y khiến Dung nao lòng. Một căn nhà hai gian, vách đất, lợp ngói song cầu nằm giữa vạt ruộng cuối làng. Một bà mẹ già gần tám mươi tuổi và một con gái chưa đầy bốn tuổi. Nghe mẹ y kể thì đời y gian truân lắm. Học hết phổ thông, y tình nguyện đi bộ đội. Đánh nhau ở biên giới, bị thương, xin về làm ở trạm máy kéo huyện. Rồi y cưới một cô gái từng là hoa khôi của thị trấn. Cuộc đời y tưởng phơi phới đi lên. Ai ngờ, mấy năm sau trạm máy kéo huyện tan rã. Lãnh đạo trạm bán máy móc, tẩu tán tài sản, cắt đất chia nhau. Y vốn trung thực, làm đơn tố giác lên huyện, lên tỉnh. Kết quả là ban lãnh đạo trạm máy kéo vẫn vô can, trạm trưởng được điều lên nhà máy cơ khí tỉnh, trạm phó lên phó phòng nông nghiệp huyện, còn y, nhận quyết định về vườn. Rồi vợ sinh chuyện. Thị bỏ đi buôn trên biên giới, rồi bỏ luôn đứa con gái mới hai tuổi, theo một gã giám đốc công ty hữu hạn nào đó, đi biệt. Y về làng với hai bàn tay trắng và đứa con gái nhỏ. Gia đình y bốn anh em trai, nhưng kiến giả nhất phận, ai cũng nặng gánh với gia đình. Gắng lắm ba anh em trai mới hùn sức làm cho y hai gian nhà tạm ở thửa ruộng "phần trăm" của gia đình. Mẹ y, già yếu lắm rồi, nhưng thương con út, tình nguyện ra trông con cho y. Y nhận ba sào ruộng khoán. Nhưng thật buồn, sức vóc của y mà đất cũng không nuôi nổi người.
Có thời kỳ y bỏ ra thành phố hàng tháng trời. Bốc vác, làm thuê, không từ một việc gì. Thành phố đông như kiến. Người từ các làng quê bỏ ra thành phố kiếm việc cũng đông như kiến. Người giàu sang tiêu không hết tiền. Nhà cửa mọc lên san sát. Người ta thi nhau lên tầng. Một mét đất giá lên tới ba, bốn cây vàng. Y ao ước giá như cái làng của y ở ngay sát thành phố, chỉ cần xén một trăm mét ra bán đi, y đã đổi đời.
Lang thang mãi, cuối cùng y phát hiện ra một hướng làm ăn: Ấy là khi y tạt vào cửa hàng bia và thấy cảnh các cô mậu dịch đang ngồi đuổi ruồi quanh những vại bia và chỏng chơ mấy hạt lạc trên bàn. Nếu ta mang cái đặc sản chính hiệu vùng quê lên đây thì sao nhỉ? Y nhìn cái cơ ngơi cửa hàng mậu dịch rộng thênh thang và tự hỏi như vậy. Thế là y quyết định hành nghề thịt chó. Y sẽ mang lên thành phố một loại thịt chó quê thứ thiệt, một thứ đặc sản không bôi bác, pha tạp. Giữa thành phố nhộn nhạo này, y phải khẳng định những giá trị vật chất và tinh thần của làng quê y.
Sự vắng mặt mấy ngày của y trên thành phố, tất nhiên chẳng có ý nghĩa gì đối với cả triệu người đang đi lại, làm ăn, ăn uống, chơi bời một cách hối hả kia. Nhưng chí ít có một người hôm nay đã phải lặn lội đến tìm y. Nàng đứng lặng xúc động khi thấy y, gương mặt đỏ bừng, trán nóng bỏng, đang thiêm thiếp trên chiếc giường gỗ rẻ tiền.
- Anh Mậu, anh mệt lắm phải không? - Lần đầu tiên Dung gọi đúng cái tên thật của y. Dung bối rối đưa bàn tay búp măng mát lạnh lên trán y.
Y choàng mở mắt:
- Kìa chị! Sao chị lại biết tôi ở đây?
- Tôi đi công tác qua, ghé thăm anh. Chị em ở cửa hàng thấy mấy ngày anh không đến, ai cũng mong... Kìa, anh cứ nằm nghỉ, mặc tôi. Anh đã uống thuốc gì chưa? Tôi có mang thuốc cho anh đây...
Y hoàn toàn bất ngờ. Quả tình, với các nhân viên trong cửa hàng, lâu nay y đều kính nhi viễn chi. Với Dung, y càng chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Dung rực rỡ, kiêu sa và có phần phù phiếm đối với y. Y không biết đời tư của Dung thế nào, nhưng cứ nhìn cách ăn mặc, đi đứng, nhìn cảnh chiều đến lại có một anh chàng nào đó cưỡi xe máy, hoặc lái xe ô tô đến đón Dung, là y lại thấy cô xa lạ với mình. Dung thuộc mẫu người mà y ngại tiếp xúc. Không phải vì mặc cảm mà chính y lo sợ. Có lẽ bài học cay đắng với cô vợ xinh đẹp trên thị trấn của y đã tạo cho y sự phòng ngừa này. Hãy cảnh giác với tất cả những gì hào nhoáng màu mè - y tâm niệm như vậy.
Cho nên, sự có mặt của Dung trong ngôi nhà nghèo nàn tạm bợ của y, giữa lúc vết thương cũ của y tái phát chỉ làm y cảm động và biết ơn, giống như một đứa trẻ lang thang biết ơn một người làm từ thiện. Sau này, khi y đã bình phục, trở lại cửa hàng kia với tư cách một anh bán thịt chó, y vẫn giữ một thái độ như thế với Dung.
Và chính thái độ ấy của y, đã làm Dung đau khổ.
Kỳ lạ thay cái thế giới tình cảm của con người. Chính Dung cũng không lý giải nổi vì sao càng ngày y càng tràn vào đời sống tâm hồn cô một cách ào ạt, mãnh liệt? Y là ai? Một chàng trai thôn quê bình thường bán thịt chó. Y là người thế nào? Một gã đàn ông bị vợ cắm sừng rồi bỏ theo trai, để lại một cô con gái nhỏ và căn nhà tuềnh toàng tạm bợ. Vậy mà lặng lẽ và chậm chạp, hình ảnh y, tính cách y cứ dần dần chiếm lĩnh cả hồn vía Dung. Sao thế nhỉ? Có lẽ Dung đã quá chán ngán cảnh mèo chuột, và hết thảy các gã đàn ông đến với Dung đều bộc lộ một tư chất mèo. Họ vuốt ve, chờn vờn, cấu xé thỏa sức rồi bỏ mặc để đến với con chuột khác. Họ bỏ tiền bạc, vật chất như một phương thức mua bán để đổi lấy sắc đẹp và thân xác đàn bà. Nhiều khi Dung thấy tởm lợm với những cuộc vui của mình. Dung mơ ước một đời sống gia đình mộc mạc, giản dị, một người đàn ông thuần phác, lương thiện. Và chính y, bằng sự hiện diện hàng ngày của mình đã khiến Dung nhận ra rằng y chính là người đàn ông mà lâu nay cô
Oái oăm thay, dường như y không hề biết những tình cảm của Dung. Cả cái lần Dung giả đò đến thăm y ốm cũng không tạo cho y một ý niệm gì. Với Dung, y vẫn là một chàng trai nhà quê bán thịt chó ghé nhờ quán bia mậu dịch. Càng oái oăm thay, trong lúc ánh mắt của Dung lúc nào cũng hướng về y nồng nàn, thì ánh mắt y thường dõi theo một hướng khác. Nơi ấy, từ mấy tháng nay, cứ
tầm chiều lại xuất hiện một cô gái bán hoa. Cô đi một chiếc xe phượng hoàng nữ cũng tồi tàn như của y, trên phoóc-ba-ga là một chiếc giỏ đủ các loại hoa hồng Đà Lạt. Những bông hoa màu vàng, phớt hồng, tím nhung hay đỏ thắm của cô làm bừng sáng một đoạn phố. Hoa đẹp hơn người. Cô gái không có một nét gì đáng chú ý. Một dáng người chắc đậm, gương mặt u buồn, nhẫn nhục. Duy có đôi mắt là trong trẻo, một sự trong trẻo đặc biệt, thậm chí có phần ngơ ngác. Y thích hướng nhìn vào gương mặt ấy. Dường như ở đó chứa một hồn quê.
Một lần bán hàng xong sớm, dắt chiếc xe đạp ra đầu ô, y cố chùng chình ngồi đợi. Y đoán rằng cô ở làng hoa phía kia, cùng đường về làng y. Kia rồi, cô gái bán hoa. Lâu lắm rồi, trái tim mệt mỏi của y mới lại rung lên những nhịp đập bồi hồi.
- Ô, anh bán hàng xong từ lâu rồi cơ mà? - Cô gái hồn nhiên đỗ xe lại sát y.
- Ừ, bán xong lâu rồi nhưng tôi... muốn đợi...
- Ô, hay quá nhỉ? Đợi em ư? Mấy lần em cũng muốn về cùng anh đấy, nhưng cứ ngại... nhiều hôm bán hàng về muộn, cứ mong có một người đi cùng...
- Thế thì từ hôm nay tôi sẽ đợi... để cùng về nhé!
- Hay quá - Cô gái cười, má lúm đồng tiền - Hãy gọi em là Xoan. Thế còn tên anh?
- Tên tôi là Mậu.
- Thế sao các chị ở cửa hàng cứ gọi anh là Tuất? Em biết nhiều chuyện về anh lắm đấy nhé... Các chị ở cửa hàng bảo chị Dung đang chết mê chết mệt...
- Đâu có... - Y bỗng bừng mặt - Con gái thành phố họ chỉ đùa bỡn với mình thôi... cái nghề của mình vốn chẳng ra gì, nên con người mình cũng chẳng ra gì... Tôi cứ ao ước "hoa chanh nở giữa vườn chanh".
Trời ơi, hóa ra y cũng là một nhà thơ. Chính y cũng vận dụng một cách nhuần nhuyễn và tài tình câu thơ của một nhà thơ thôn quê nổi tiếng vào cảnh ngộ của y mà không biết. Chỉ một câu thơ ấy thôi đã nói thay cho tất cả.
Từ hôm ấy họ trở thành đôi bạn. Sáng sáng lai một con cầy tơ qua cái làng hoa của Xoan, y thấy mình như được ướp trong bầu không khí thanh khiết, ngát hương vùng ngoại thành. Rồi y lại thắc thỏm mong cho chóng đến chiều để được nhìn thấy Xoan và giỏ hàng hoa của cô, được cùng cô sóng vai trên con đường về làng.
Mùa đông sắp qua và mùa xuân đang đến gần.
Đúng vào những ngày cuối năm se lạnh, khi mà "thị trường" thịt chó đang có nhu cầu cần gia tăng và là cứu cánh duy nhất của các cửa hàng bia, thì y bỗng vắng mặt trên thành phố. Các cô ở cửa hàng bia mậu dịch lại ngồi co ro ngáp vặt. Họ mong y, rồi rủa thầm y. Riêng Dung cứ như kẻ đồng bóng. Có lúc cô đờ đẫn nhìn đi đâu. Có lúc cô lồng lộn như con sư tử bị sổng con mồi. Rồi Dung phóng chiếc Dream đi ngược chiều gió đông bắc ràn rạt. Không cần ý tứ, Dung rú ga, vượt qua rãnh nước, xộc thẳng vào giữa sân nhà y.
Mẹ y hoảng hồn tưởng y có chuyện gì bị người ta về bắt giải lên thành phố. Bà cho biết y đã đi đâu từ ba bốn hôm nay. "Khốn khổ, tôi cũng chẳng biết nó làm sao. Mấy con chó mua về, suối tuần nay vẫn nhốt chỏng chơ trong cũi kia".
Dung lóe một ý ngờ vực. Không kịp chào bà mẹ, cô vội rú ga khiến cho lũ chó cùng rồ lên sủa ầm ĩ.
Chiếc xe của Dung như một con ngựa điên đảo ba vòng quanh làng hoa. Kia rồi, đích thị là y. Trời lạnh mà y chỉ phong phanh chiếc áo bộ đội bạc màu. Y xới đất, tưới hoa, xén tỉa... như một chủ vườn thực thụ. Và kia, a, đúng là cô ta rồi. Cô ta vừa sắp từng bông hoa vào giỏ vừa cười với y, tình tứ và âu yếm lắm. Cảnh ấy làm cho Dung phát điên lên. Hừ, rõ là đồ nhà quê. Nhà quê cả một lũ. Đã thế ta sẽ mang tiền xuống mua hết cả khu vườn hoa kia, xem chúng sẽ dắt nhau đi đâu để tí tởn?
Bực bõ, Dung nhổ toẹt một bãi nước bọt vào bông hoa hàm tiếu cạnh đó rồi rú ga phóng như điên về thành phố.
Tiếng xe máy khiến cả y và Xoan đều ngẩng lên nhìn. Bằng linh cảm của phụ nữ, Xoan nhận ra ngay người đàn bà bán bia lâu nay vẫn săn đuổi y.
- Chị Dung tìm anh đấy - Xoan nói và nhìn y thăm dò.
- Không phải tìm anh mà tìm lại cái cô ta đã đánh mất.
Y nói một câu rất văn hoa, nhưng Xoan hiểu được. Cô chau mày nghĩ ngợi một chút rồi bảo:
- Sau Tết, anh cũng khó bán hàng được ở cái quán bia ấy. Mà thôi, chả sợ. Bố em muốn anh ở hẳn đây giúp bố em và em chăm sóc vườn hoa này. Chúng ta có cả một vùng ngoại thành. Thành phố mở rộng xuống đây thì mình sẽ chuyển nghề trồng hoa về làng anh...
- Nhưng anh vẫn không muốn mình bỏ nghề thịt chó - Y nói - người thành phố càng văn minh hiện đại thì họ càng thiếu cái chất dân dã, quê kiểng. Phải làm cho họ thấy rằng, nếu không có nhà quê chúng ta thì đời sống của họ sẽ nghèo đi rất nhiều...
Xoan nguýt yêu và ngắt đưa y một bông hồng đỏ thắm. Cô nghĩ đến những ngày xuân sắp tới. Họ sẽ làm đám cưới giữa vườn hoa này. Họ sẽ sống ở đây hay cái làng của y dưới kia. Họ cấy lúa, trồng hoa và thịt chó. Chẳng cần tham vọng mưu mô gì. Họ nhà quê đến cùng. Dù cho không ai trồng hoa và làm thịt chó nữa thì họ vẫn là người mang đặc sản thịt chó và hoa tươi đến với thị thành.