Ngôi Nhà Ma Truyện ngắn 17


Truyện ngắn 17
Thương vụ ái tình

Ngay buổi đầu tiên gặp Kiều Linh ở quán cà phê Mây Chiều, tôi đã bị choáng ngợp. Một người đàn bà hoàn hảo tới mức không thể tìm thấy khiếm khuyết. Vẻ đẹp đài các thoáng nét kiêu sa này gợi cho tôi nhớ tới một ngôi sao màn bạc mà tôi đã từng quen biết cách đây chục năm. Rất có thể nàng là em gái diễn viên nổi tiếng đó. Đôi mắt bồ câu với hàng mi đen rợp kia, cái miệng nhỏ xinh chúm chím đầy vẻ nũng nịu kia, y chang nguyên mẫu với người đàn bà mà tôi mê mẩn một thời.

Tôi thán phục và thầm ghen với Tình. Trong số bạn bè lớp 10A ngày ấy, sức học của Tình bình thường, tư chất không có gì nổi trội, vậy mà nó luôn là người tốt số và


đào hoa.

Không đỗ đại học do lý lịch gia đình có vấn đề, Tình nhờ người anh họ xin vào học một trường trung cấp, rồi lên công tác trên tít huyện vùng cao Lai Châu. Bẵng đi hơn hai chục năm, bạn bè tôi bỗng kháo nhau: "Thằng Tình chuyển cả gia đình vợ con về Hà Nội rồi. Mua hẳn một căn biệt thự ở Tây Hồ. Đi làm có xe ô tô con. Bét ra cũng chức Tổng Giám đốc hoặc Vụ trưởng".

Quả nhiên danh bất hư truyền. Mấy tháng sau chúng tôi nhận được lời mời của Tình với lý do: "Họp mặt nhân kỷ niệm 35 năm khóa học sinh lớp 10A chúng tôi tốt nghiệp". Tôi tự cảm thấy xấu hổ vô cùng. Mang tiếng là lớp trưởng lại có thâm niên ở Hà Nội hơn hai chục năm, vậy mà tôi chưa bao giờ tổ chức được một cuộc hội tụ bạn bè phổ thông một thuở.

Căn biệt thự của vợ chồng Tình nằm bên cạnh đầm sen, ven Hồ Tây thơ mộng, có đường cho xe ô tô con dẫn thẳng vào sân, có thảm cỏ trước nhà và một hòn giả sơn cao tới hai mét với những cây si, cây đa cổ thụ, những chiếc cầu đá, một ông Lã Vọng ngồi trầm ngâm thả cần câu bên cạnh một khe nước chảy róc rách.

Quả tình là tôi không tin ở mắt mình. Thoạt tiên tôi cứ nghĩ Tình thuê địa điểm để gặp gỡ bạn bè. Một cô bạn rỉ tai tôi:

- Nhà của Tình đấy. Hắn còn chục héc ta đất trên Hòa Lạc nữa.

Đến lúc vợ chồng chủ nhân từ trong nhà đi ra đón khách thì tôi tin đấy chính là nhà của Tình. Hóa ra chỉ có mình là thằng vô tích sự. Mấy chục năm vẫn căn hộ lắp ghép do Nhà nước phân và một vài cuốn sách nhăng nhít.

Tình như đọc được những day dứt của tôi. Nó ôm tôi, vỗ vỗ vai và bảo:

- Chúng mày đừng cho tao là chơi trội. Tao có thời gian, lại có điều kiện. Nhớ chúng mày quá nên phải bịa ra cái cớ để gặp nhau.

 

Rồi Tình đưa vợ con đi chào khắp bạn bè. Thu Loan, vợ Tình, thuộc dòng Thái trắng quí tộc của đất Mường Tấc, Phù Yên. "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". (Nhất Mường Thanh, nhì Nghĩa Lộ, ba Than Uyên, bốn Phù Yên). Tuy Phù Yên đứng hàng thứ tư về diện tích, nhưng gái đẹp thì lại xếp hàng đầu. "Gái Phù Yên, mất bao nhiêu tiền cũng lấy". Ca dao Thái nói thế. Thu Loan, ngoài bốn mươi tuổi nhưng vẫn còn đằm hương sắc của một bông hoa rừng. Hai đứa con, một trai một gái, không thể bình luận thêm điều gì.

Chúng tôi uống rượu Black Label, bia Heineken và
ăn lẩu cá chình. Nguyễn Huỳnh, nguyên bí thư chi
đoàn lớp 10A, vừa hết nhiệm kỳ tham tán công sứ ở mấy nước Tây Âu về, nâng nách Lê Cao đứng dậy, nói với mọi người:

- Quý vị yên lặng, xin giới thiệu đây là vị giáo sư đầu tiên của khóa chúng ta mới được Nhà nước phong hàm năm nay. Cách đây sáu tháng, tôi có hân hạnh được đón tiếp tiến sĩ Lê Cao tại Thụy Sĩ. Thấy tôi cứ cặp kè với vị tiến sĩ đáng kính, một người bạn Pháp bảo tôi: "Đây là thằng con trai mới sang thăm mày phải không?". Tôi bảo: "Bạn tao, giáo sư tiến sĩ đấy". Ông Tây nọ tròn mắt xua tay lia lịa: "Tao xin lỗi, vì nó bé và thấp quá, tao cứ ngỡ nó còn trẻ con...".

Cả bọn ôm bụng cười đến muốn sặc cả thức ăn. Tiến sĩ Lê Cao giơ tay đề nghị yên lặng:

- Như thế vẫn chưa có gì ngạc nhiên. Dù mấy chục năm nhưng tao vẫn là tao, chứ khối đứa đổi họ thay tên đến không thể nhận ra. Chúng mày còn nhớ thằng Nhặng không?

Mọi người nhao nhao:

- Sao lại không nhớ! Lớp 10A chúng ta có một bộ ẩm thực truyền thống gồm bốn loại đặc sản là Tương, Diệu, Thủ, và... Nhặng. Một lần ra chơi, họa sĩ Lê Cao vẽ trên bảng một cái thủ lợn, một chai rượu, một bát tương và một con nhặng vo ve với chú thích: "Lớp 10A thân yêu của chúng tôi", khiến có thằng cười đái cả ra quần. Thằng Đỗ Tương đi bộ đội suốt đời binh nhất, phụ trách khâu cấp dưỡng, khi chuyển ngành lại đổi tên là Đỗ Tướng, thằng Bùi Trọng Thủ viết báo cáo lấy bút danh là Bùi Trang Thư.

Tiến sĩ Lê Cao vỗ tay bồm bộp ra hiệu cho tất cả
trật tự.

- Còn đồng chí Nhặng của chúng ta giờ đã trở thành đại tá. Hôm tao xuống Hải Phòng họp thấy giới thiệu đại tá Nguyễn Văn Nhang, tao trố mắt. Lúc lâu sau mới thốt kêu lên: "Thôi bỏ mẹ, thằng Nhặng phải không?".

Cuộc rượu tưởng có thể nổ tung vì những tràng cười.

Bữa tiệc ở nhà Tình hôm ấy đánh dấu cuộc hội tụ của một thế hệ bạn bè tứ tán phiêu bạt ba mươi nhăm năm. Cái lớp 10A ngày ấy trừ tám đứa hi sinh ở chiến trường, sáu đứa ở lại quê sản xuất, còn lại bây giờ hầu hết đều quây quần quanh Hà Nội. Và Tình, như một nhạc trưởng, như một Mạnh Thường Quân, thường là người khởi xướng những cuộc gặp gỡ, những chuyến pic-nic, những cuộc viếng thăm thầy cô và mái trường xưa...

 

 

*

*      *

 

Do vị trí công tác, lại cũng do đặc điểm nghề nghiệp, tôi là người được Tình đặc biệt ưu ái. Thường xuyên Tình phôn cho tôi, lúc rủ đến một cuộc rượu toàn những bạn bè kinh doanh thành đạt, lúc đánh xe đón tôi đi thực tế viết bài ở một nhà máy A, công trường X. Đến lần gặp Kiều Linh ở quán cà phê Mây Chiều thì không còn là chuyện chơi bời, thù tạc bình thường, mà Tình đã đặt tôi ở một cấp độ bạn bè cao hơn, tin cậy và thân thiết hơn rất nhiều.

- Anh Tình em cứ nhắc anh luôn - Như đã quen biết nhau từ rất lâu, Kiều Linh vừa pha cà phê cho tôi, vừa chủ động bắt chuyện - Quán cà phê Mây Chiều này em mở là nhằm phục vụ đối tượng văn nghệ sĩ các anh đấy. Ngày mai anh rủ các bạn anh đến nhé. Em sẽ khuyến mại cà phê Trung Nguyên một tháng...

Người này mà bán hàng thì khách có bao nhiêu tiền phải dốc ra hết. Thoáng nhìn đôi môi, ánh mắt Linh, tôi đã nghĩ vậy. Thảo nào cậu Tình dám bất chấp cả vợ con để "chung lưng mở một ngôi hàng" với nàng.

- Này, hoa hậu Mường Tấc của cậu đã biết quán Mây Chiều này chưa? - Tôi kéo Tình ra một góc hỏi nhỏ.

- Biết thế nào được? - Tình đặt ngón tay lên môi, mắt tròn mắt dẹt nhìn quanh rồi thầm thì - Cánh đàn ông chúng mình, mày còn lạ gì. Kiều Linh đã có con gái bốn tuổi, bỏ chồng từ năm ngoái. Tao mới đưa nàng từ Thái Nguyên về đây. Mày đừng nói gì với nàng về quan hệ vợ chồng tao nhé. Nếu nàng có hỏi thì mày cứ nói tao và Thu Loan sắp li dị.

Tôi đã mang máng hiểu ra. Ông bạn tôi đang rửng mỡ, muốn có thêm một "phòng nhì". Tôi biết, gần đây đại dịch "ết" đã làm nhiều anh phát hoảng không dám chơi cái trò "bóc bánh trả tiền". Những anh có máu mặt cỡ như Tình quay ra đầu tư chiều sâu, thiết lập những mối quan hệ ổn định và lâu dài. Họ tìm những nữ sinh viên non tơ tốt nghiệp rồi nhưng chưa có việc làm, những phụ nữ trẻ đẹp từ các tỉnh lẻ muốn về sống ở thành phố để cặp bồ hoặc lấy làm vợ nhỏ. Kiều Linh đang được bạn tôi chăn dắt theo cách này đây.

Ngẫm ra, thời buổi kim tiền, người giàu có bao giờ cũng thiết lập được một lối sống riêng, có phe cánh riêng, địa hạt chơi bời và hưởng thụ riêng. Tình bắt đầu tham gia câu lạc bộ đi săn của các đại gia, mua hẳn hai khẩu súng hơi hai nòng hiệu Bơraoning của Đức, chung nhau sắm riêng một chiếc xe Jeep chuyên dụng để đi đường dài và một xe máy 650 phân khối để đi đường gần. Có lần Tình rủ tôi đi săn mòng két và vịt trời ở mãi những đầm lầy vùng sông Hoàng Long, Nho Quan, Ninh Bình. Chiều tối, Tình nhường hẳn khẩu Bơraoning mới cứng và hai mươi nhăm viên đạn chì. Tình bảo: "Đạn thì cậu cứ bắn thả phanh, nhưng nhớ giữ lại cát tút. Mỗi viên cát tút năm mươi nghìn đấy". Thế là một mình tôi một súng, một thuyền cùng cậu bé lái thuyền đã được cánh thợ săn thuê sẵn đi xuyên qua cách đầm sen cao ngập đầu người, rậm rạp như một cánh rừng. Đến khi thuyền bơi ra cánh đồng mênh mông nước trắng thì trời đổ mưa tầm tã. Người tôi ớn lạnh, run cầm cập vì mưa thì ít mà vì sợ hãi thì nhiều. Mưa gió đầy trời, tay cầm khẩu súng giữa đồng khác nào cầm thanh thu lôi, chỉ một chớp sét đánh rẹt là đi đời... Sau buổi ấy, tôi cạch không bao giờ đi săn với Tình nữa.

Không có tôi, Tình vẫn có bao bạn bè và thú vui khác. Chiều chiều anh đánh xe tới sân tennit giao đấu với quan chức để lấy thông tin và thiết lập các mối giao dịch, sau đó về Tòa nhà Tháp trung tâm, bấm thang máy lên tầng 23 để xông hơi khô, xông hơi ướt, ngâm mình trong các bể nóng, lạnh, matxa trong bể xục rồi thư giãn trong các phòng VIP có các thiếu nữ váy ngắn áo ba lỗ, đẹp như tiên sa phục vụ. Thảng hoặc những lúc cao hứng, Tình lại rủ tôi đi chơi cùng. Tôi trở thành vật trang sức cho Tình, bởi hình như tôi cũng có tí danh, thỉnh thoảng tên tôi cũng được xuất hiện trên vài ba tờ báo, mặt tôi cũng được lộ trên ti vi. Vả lại, cuộc rượu của những tỷ phú mà không có gái đẹp, không có một tay văn nghệ sĩ hay chuyện, có duyên kể chuyện thì nhạt hoét, phí tiền.

Trong một cuộc nhậu vô tiền khoáng hậu kéo dài từ mười một giờ trưa đến chín giờ tối, tám người chén hết một con kỳ đà, một rùa núi, hai bộ chân gấu... và bốn chai Chivas cùng mấy thùng Heineken, Tình mới thổ lộ với tôi:

- Nhờ mày phôn cho vợ tao nói tao có công chuyện phải ở lại Hải Phòng không về được. Tao say quá, nói vào máy, nó biết.

- Thế tối nay cậu định ngủ đâu? Hay là về nhà mình?

 

- Tao ngủ ở quán cà phê Mây Chiều với Kiều Linh. Chỗ ấy thường để ngủ trưa, nhưng đôi khi trong những trường hợp thế này, ngủ tối ở đấy lại rất thú vị...

- Phải thận trọng - Tôi nói - Hà Nội bé như lòng bàn tay. Đi đêm nhiều rồi cũng có lúc gặp ma...

- Mo phú tuốt - Tình phẩy tay, giọng nhão ra, không rõ tiếng - Đời là một cuộc chơi mà... Nếu Thu Loan biết, thì tao đến ở với Kiều Linh. Thú thật với mày, quán cà phê Mây Chiều là của tao. Tao bỏ tiền hàng tháng ra thuê cho hai mẹ con nàng. Đầu tư đến tận răng như thế nhưng chỉ để làm chỗ nghỉ trưa và thỉnh thoảng ngủ tối, mày bảo có thằng nào dám ga lăng như thế không?

Câu hỏi của Tình thật ngạo mạn, nhưng thành thật và đầy tự tin. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong bom đạn và đói ăn triền miên, hoàn cảnh này đã tạo nên nét tính cách đặc thù của số đông là tham lam, hèn và giả dối. Anh được phân một cái săm xe đạp rồi, lại muốn thêm một cái áo may ô hay một nửa bánh xà phòng. Đến cơ quan, thấy cái bóng đèn cầu thang mới lắp, nhìn trước nhìn sau không thấy ai là xoáy mang về. Một ông nhà văn nọ, bạn vong niên của tôi đã thú nhận trong một tự truyện: mỗi hôm đến cơ quan ông đều mang theo một cái túi vải để đút vài viên gạch ăn trộm được từ gian nhà đổ, mang về nhà. Tích góp ba năm trời, cộng với mỗi tối đóng cọc tre lấn cái ao đầu nhà, đùng một cái như có phép lạ, túp lều hơn chục mét vuông bỗng được thay bằng căn nhà lợp prôximăng trên khoảng diện tích hơn trăm mét vuông, rộng mênh mông. Biển lận và khốn nạn đến thế là cùng. May mà những năm đất nước mở cửa, xuất lộ những con người thành đạt, dám nghĩ, dám làm, dám trung thực và đầy tự tin như Tình. Tình và bạn bè hắn đã khiến xã hội phải thay đổi cách nhìn, cách đánh giá cả một thế hệ. Chúng tôi không có những chiến công hiển hách như lớp đàn anh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng chúng tôi là lớp người đi đầu trong công cuộc cải cách và mở cửa. Tôi dám chắc, một người hàng tháng dám bỏ ra hàng mấy chục triệu bạc chỉ để thuê một chỗ nghỉ trưa như Tình thì quyết không thể là một người tầm thường.

 

*

*      *

 

Bẵng đi hai tháng, sau chuyến đi công tác phía Nam, tôi không gặp Tình. Thông tin mới nhất về ông bạn vàng của tôi lại do cô chủ quán cà phê ở đầu cơ quan tôi tiết lộ:

 - Hình như anh có ông bạn tên Tạ Tình phải không?

- Đúng rồi. Bạn học phổ thông. Em cũng quen anh
ấy à?

- Em còn lạ gì. Quán cà phê Mây Chiều ông Tình thuê cho bồ nhí vốn trước đây là quán của đứa bạn em. Khi anh Tình hỏi thuê lại, nó khuyên hợp đồng thuê nhà cứ để tên nó, hàng tháng đưa tiền thuê nhà để nó nộp cho chủ. Bạn anh không nghe, cứ nhất định phải sang tên cho cô vợ bé Kiều Linh.

- Chuyện ấy thì anh biết rồi...

 

- Biết sao anh không khuyên can? Bạn anh là tay chơi bán trời không văn tự, nhưng còn ngờ nghệch lắm. Ngữ ấy chỉ chơi bời dăm bữa nửa tháng thì được, chứ đánh đu lâu ngày thì mang vạ vào thân. Rõ là ngu lâu. Nghe gái tỉ tê, chỉ hơn tháng sau đã bòn cạp váy vợ lấy bốn trăm triệu mua cái quán cà phê ấy tặng cô ả...

- Sao cô biết? - Tôi tròn mắt, không tin - Bạn anh bảo mỗi tháng chỉ chi đúng bốn triệu trả tiền thuê nhà cho Kiều Linh thôi...

- Bà chủ nhà là chị họ em, em còn lạ gì. Kiều Linh làm reo, tuyên bố cắt hợp đồng nếu Tình không mua đứt quán Mây Chiều. Mà bốn trăm triệu còn là rẻ, vì chủ nhà đang cần tiền để chuyển cả gia đình vào Vũng Tàu. Tiền vừa trả xong, giấy tờ mua bán đứng tên chủ mới Kiều Linh vừa đóng dấu đỏ chói chưa kịp khô mực, cô nàng đã giở
mặt ngay.

- Tức là...

- Là... bái bai anh Tạ Tình dại gái chứ còn gì nữa.

- Chuyện hoang đường... - Tôi làu bàu như muốn nói với chính mình - Trước khi đi công tác, anh còn uống cà phê với Tình và Kiều Linh. Họ bám nhau còn hơn cả sam...

Cô bạn bật cười khanh khách, chí ngón tay vào
trán tôi.

- Cả anh rồi cũng chết vì gái. Đàn bà bọn em, muốn lừa tay nào là tay ấy chỉ có chết. Thời đại Internet, chỉ một cú nháy là hoàn tất một cuộc hò hẹn. Ông Tạ Tình có hóa phép thành ông Tấn Tình cũng không cản nổi cô nàng tống tình với một gã đàn ông khác. Đừng tưởng các bà vợ chiều chiều đi đón con, rồi tạt qua chợ mua đồ nhắm về cho chồng uống rượu... là chung tình đâu nhé. Bé cái nhầm đấy. Các đức lang quân đáng kính đâu biết buổi trưa nàng đã tranh thủ lên một chiếc xe do một gã Đông Gioăng nào đó lái qua sông, sang khu nhà nghỉ Gia Lâm rồi... Nàng Kiều Linh của Tạ Tình cũng vậy thôi. Ả xài tiền của Tình nhưng lại đem tình của mình cho một anh chàng khác. Mà anh có biết đối thủ của Tình là ai không?

Tôi còn đang ngớ người vì thứ triết lý hiện đại và nghiệt ngã của cô bạn thì cô nói tiếp:

- Chính là cái gã vẫn thường đánh tennit với Tình đó. Gã vừa bỏ cô vợ thứ ba...

Tôi đã mang máng hình dung ra gã tình địch của bạn mình. Mặt vát lưỡi cày. Môi mỏng quẹt. Dáng đi lúc nào cũng ngả ra phía sau như sắp ngã ngửa. Gã hay ngồi một mình bên chiếc bàn kê ở trong góc phải và lúc nào cũng giấu đôi mắt sau cặp kính màu. Nghe nói gã có rất nhiều tiền. Lại nghe nói thời sinh viên gã đã lừa cô vợ một người bạn ra công viên giở trò bậy bạ. Bị rình bắt quả tang, gã tìm cách chạy làng, đổ vấy cho vợ bạn đã chủ động tấn công gã...

Tôi lấy máy, phôn cho Tình. Không có tín hiệu trả lời.

- Phải bắt nó nôn ra chứ đâu chịu mất trắng bốn trăm triệu đồng - Tôi nói một cách đanh thép.

- Mắc bẫy cò ke rồi anh ơi. Giấy tờ đứng tên cô ả rồi, đụng vào nó làm toáng lên, bạn anh tan hoang cửa nhà là cái chắc. Đau quá bị hoạn. Nhục nhất là thằng cha Sở Khanh ấy ngang nhiên dọn đến ở với cô Kiều Linh trong quán cà phê Mây Chiều...

Không để cô bạn bình luận thêm, tôi phóng xe lên Hồ Tây, đến nhà Tình.

Thu Loan, như mọi lần, vồn vã đón tôi ở cổng. Qua vẻ mặt và thái độ của nàng, tôi đoán nàng vẫn chưa hay biết chuyện gì đã xảy ra với Tình. Hóa ra người nào cả tin, thì cứ cả tin đến cùng...

- Anh Tình em hồi này bận việc, thường đi đến tối ngày - Loan vừa pha nước mời tôi vừa nói bằng giọng lo âu trìu mến - Lúc nào anh khuyên nhà em một tiếng. Ai chẳng muốn làm ăn lớn. Nhưng ham hố quá, sẽ tổn thọ. Tuổi các anh bây giờ, sức khỏe phải đặt lên hàng đầu. Giàu có mà hao tâm tổn trí thì em cũng chẳng thiết...

- Để mình sẽ nói...

- Anh thử hỏi nhà em về cái phi vụ buôn bán lớn vừa rồi. Nhà em huy động tới vài trăm triệu tiền vốn ấy anh ạ. Em hỏi anh ấy chẳng thèm nói. Em đồ rằng Tình nhà em đang gặp một thương vụ khó khăn...

Tôi quay đi để tránh cái ánh nhìn như dò hỏi của Thu Loan. Chao ôi! Sao cái thằng bạn tôi lại tốt số có được một người vợ tuyệt vời đến thế. Buôn bán gì đâu. Một thương vụ ái tình vừa bị trắng tay mà nàng vẫn không hay biết gì.

Cầu cho mãi mãi nàng vẫn không hay biết gì.

 

Đón năm Dậu 2005

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86361


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận