Sau Đại Cathay, Tín Mã Nàm, cùng thời với những Sơn Đảo, Lâm Chín ngón, Điền Khắc Kim… ở Sài Gòn, mảnh đất miền Trung và Cao Nguyên cũng xuất hiện một loạt tên tuổi đen trong làng dao búa. Nổi bật trong số đó là tên cướp Năm Vĩnh, kẻ được giới giang hồ mệnh danh là “hùm xám miền Trung”. Với những người lương thiện đang sống một cuộc sống an bình, cái danh xưng mỹ miều ấy vô nghĩa và vô cảm. Nhưng, đối với người dân lao động nhiều địa phương khoảng những năm đầu thập niên 70, danh xưng ấy đích thị là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Với “xã hội đen”, Năm Vĩnh còn nổi tiếng ở một khía cạnh khác: Hắn chính là kẻ tạo tiền lệ cho vòng xoay tội lỗi sau này sẽ thành một phong trào: đăng lính để trốn tù tội, sau đó trốn lính để làm du đãng, đồng thời sử dụng uy lực của “quân đội Việt Nam Cộng hòa” để tác oai tác quái và ăn cướp. Bằng cách đó, Năm Vĩnh và những tên giang hồ mặc áo lính đã biến sư đoàn 23 ngụy thành “sư đoàn du đãng”, Vùng II chiến thuật thành “vùng của giang hồ”.
* * *
Không giống như những tên du đãng cộm cán khác thường xuất thân đá cá lăn dưa, trường học đầu đời là lề phố hoặc cô nhi viện, Năm Vĩnh có một tuổi thơ khá êm đềm. Vĩnh sinh năm 1947 tại Quảng Ngãi, đựơc ăn học đến nơi đến chốn, từng mài đũng quần trên ghế trường Trung học Bồ Đề, Quảng Ngãi – một ngôi trường nổi tiếng, đào tạo không ít nhân tài cho rẻo đất miền Trung.
Học không tệ nhưng tính tình hiếu động, có phần hung bạo, tên học trò cà chớn này đã không ngần ngại bẻ vế thứ nhất của câu cách ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” thành “tiên học… võ”. Sống đúng như câu cách ngôn của riêng mình, Vĩnh thường xuyên trốn lớp để tìm thầy học võ. Vĩnh học qua rất nhiều lò. ở lò nào, hắn cũng bị đuổi vì thường xuyên đòi thách đấu với các sư huynh để phân chia cao thấp. Tuy thế, đến 18 tuổi, trình độ võ thuật của tên học trò Năm Vĩnh cũng đã khá thượng thừa. Để khẳng định trình độ, thay vì thượng đài, Vĩnh chọn cách “dân dã” hơn: gây sự đánh nhau, một mình đánh đôi, đánh ba ngay trên đường phố, sân trường. Lần nào hắn cũng toàn thắng, trong khi nạn nhân của hắn toàn là… bạn học. Vì thế ông Dương Ngô Thống (thường gọi là ông Dương), thầy giáo chủ nhiệm lớp hắn ở trường Bồ Đề đã nổi giận táng cho Vĩnh một bạt tai và gọi giám thị đuổi tên học trò bất trị ra khỏi lớp. Ông giáo mô phạm tuyên bố:
- Dạy dỗ anh chỉ tốn công, loại như anh sau này chỉ có thể làm kẻ cướp!
Ngớ người ra một lúc, Năm Vĩnh chợt cảm thấy ông thầy mình nói… chí phải. Không muốn kéo dài sự lo lắng của thầy và bạn, hắn bỏ học. Chẳng bao lâu, thị xã Quảng Ngãi bé nhỏ lại có thêm một hung thần. Sự liều lĩnh, hung bạo và đẳng cấp võ nghệ của Năm Vĩnh đã khiến đám du thủ du thực tỉnh lẻ bạt vía, đành chắp tay qui phục, suy tôn Vĩnh làm đại ca.
Cuối những năm 1960, theo chân của 500.000 lính Mỹ, chiến tranh tràn khắp, cả miền Nam là một bãi chiến trường. Sự tuyệt vọng của tâm hồn người dân trong hỗn mang cuộc chiến chính là mảnh đất màu mỡ cho các loại tư tưởng triết học du nhập và bén rễ. Sinh viên học sinh miền Nam bơi giữa vô số dòng chảy tư tưởng từ phương Tây ồ ạt tuôn vào Việt Nam. Hiền lành như Kali Gibran, Kan, hoài nghi, đập phá như Nietzsche, chán chường như Camus, hiện sinh như J.Sartre… loại nào cũng có. Sinh viên, học sinh, tầng lớp năng động nhưng tâm hồn sớm tổn thương vì cuộc chiến nhất, dễ trở nên bi quan tuyệt vọng, nhanh chóng vồ vập với chủ nghĩa hiện sinh và suy tôn những F.Nietszche, J.Paul Sartre làm ông tổ tinh thần. Hậu quả của nó là những kẻ đua đòi, thích ăn chơi đập phá, “ghét Mỹ nhưng thích bắt chước Mỹ”, đã chìm hẳn giữa dòng xoáy của phong trào hippie với tóc để dài, ăn mặc chim cò, nốc rượu và nhảy disco giậm dựt. Loại có học hơn mơ mòng biến mình thành người hùng với trước tác của Sartre kè kè bên nách; một bộ phận trong số họ – tích cực hơn – dù chưa thật sự ý thức đầy đủ về chủ nghĩa cộng sản, về kháng chiến cũng không ngần ngại xé áo thư sinh lên rừng, quyết sống tận cùng theo chủ nghĩa dấn thân…
Không mấy chuyên chú cùng sách vở, nhưng tâm hồn nổi loạn của Năm Vĩnh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng của học thuyết hiện sinh và chủ nghĩa dấn thân. Ước mơ của Năm Vĩnh là một sự pha trộn lệch lạc giữa sở thích thụ hưởng, ăn chơi và hình ảnh người hùng đơn độc, lấy nguyên mẫu từ hình ảnh gã sát thủ ba Tàu trong “Thân phận con người” của André Malraux – cuốn sách gần như duy nhất được Năm Vĩnh đọc trọn từ đầu đến cuối. Rất nhanh, gã cảm thấy thị xã Quảng Ngãi nhỏ bé luôn co rúm mình vì lo sợ bom pháo cả hai bên trở nên ngột ngạt và tù túng không chịu nổi. Đầu năm 1970, Vĩnh quyết định dấn thân, hành phương Nam theo tiếng gọi giang hồ.
Mảnh đất đầu tiên tên “hắc đạo” trẻ tuổi chọn lựa để lấy số lấy má là thị trấn Mỹ Ca nằm bên quốc lộ 1, cạnh Quân cảng Cam Ranh – căn cứ quân sự khổng lồ lúc nhúc lính Mỹ và các sắc lính đồng minh. ở đâu có các chú lính mắt xanh mũi lõ, ở đó các loại tệ nạn cứ tha hồ mọc như nấm. ở cây số 9 Mỹ Ca, văn hóa lùi về thời tiền sử, nhường chỗ cho văn minh hưởng thụ, sống gấp trước khi chết gấp, sặc mùi lính tráng thời chiến. Với một cây dao chặt đá cây lưỡi răng cưa lởm chởm nặng trịch, Năm Vĩnh nhanh chóng đánh bạt bọn ma cô, đầu gấu xứ này, giành quyền bảo kê thu thuế giựt các phòng trà, tiệm nhảy, nhà thổ của toàn bộ khu vực phục vụ các sắc lính trên toàn thị trấn. Tiền bạc bất lương thu vào như nước biến Vĩnh thành “vua con” của vùng quân cảng. Ngạo mạn và sa đà, Năm Vĩnh còn ngang nhiên chống lại cả cảnh sát bài trừ du đãng, cuối cùng “lỡ tay” chém chết một trung úy quân cảnh ngụy. Do đó, hắn bị tầm nã ráo riết ngay khi tên tuổi mới lừng lên trên chốn giang hồ.
* * *
Để tránh rơi vào vòng lao lý với một cái án cầm chắc sẽ rất nặng, Năm Vĩnh chọn cho mình giải pháp duy nhất: đăng lính. Với kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, người Mỹ bắt đầu rút dần quân đội về nước, để lại cho quân đội Việt Nam Cộng hòa một lỗ hổng lớn, đầu tiên là về mặt tinh thần. Sự tấn công mạnh mẽ của quân giải phóng trên khắp các chiến trường đã khiến cho quân số của ngụy quân, đang rệu rã tinh thần, hao hụt liên tục. Để bù đắp, ngụy quân ráo riết bắt lính. Bất cứ một thanh niên lành lặn tuổi từ 18 đến 37 nào cũng có thể nộp đơn xin vào quân ngũ ngay mà không hề bị xét hỏi lôi thôi. Đặc biệt, đăng lính vào khoảng từ ngày mồng 10 – 20 hàng tháng thì càng chắc chắn được các nhân viên tuyển quân dịch gật đầu ngay. Lý do đơn giản: 10 hoặc 20 ngày lương đầu tháng của chú tân binh sẽ nghiêm nhiên chảy vào túi các “thầy” tuyển quân dịch, đó là chưa kể thêm khoản định mức 400đ/tân binh được quân đội cho hưởng, thành thử việc thẩm tra, thẩm vấn dại gì phải làm căng!
Lúc này, quân chủ lực của vùng II chiến thuật ngụy (gồm khu vực miền Trung và Tây Nguyên) là sư đoàn 23 bộ binh với các đơn vị: Trung đoàn 44 đóng ở Sông Mao (Bình Thuận), trung đoàn 53 ở Bảo Lộc và trung đoàn 45 đóng ở Buôn Ma Thuột. Trong số đó, Trung đoàn 44 là đơn vị thiện chiến nhất, anh cả của sư 23. Nguyên thủy, nó là sư đoàn Nùng khét tiếng tàn bạo và thiện chiến đóng ở Quảng Ninh, thời còn thuộc quân đội Liên hiệp Pháp, do Đại tá Voòng A Sáng chỉ huy. Những tên lính Nùng này giỏi trận mạc bao nhiêu thì cũng rừng rú, hoang dã và bất trị bất nhiêu. Ngoài chỉ huy trực tiếp, những tên lính Nùng tuyệt đối không thần phục và nghe lệnh bất kỳ ai khác. Thậm chí khi nổi nóng, chúng (có thể) còn dám cắt tai cả Tổng thống! Lo sợ đám kiêu binh làm loạn, Ngô Đình Diệm đã chia nhỏ quân số Sư đoàn 5 (tên gọi của Sư đoàn Nùng thời Đệ nhất Cộng hòa), lấy từng bộ phận của chúng để hình thành nên các lực lượng mới như Lực lượng liên binh phòng vệ phủ Tổng thống, Liên đoàn Biệt động quân, Lữ đoàn dù… sau đó tuyển tân binh cho đủ quân số, lập lại Sư đoàn 5, giao cho Nguyễn Văn Thiệu – đang mang lon Đại tá – làm sư trưởng, đưa chúng lên tận Đà Lạt trú quân để đề phòng hậu họa. Sau nhiều thăng trầm dâu bể, một phần của Sư đoàn Nùng xưa kia lại tiếp tục tuyển quân, trở thành Trung đoàn 44 thuộc sư 23 bộ binh ngụy.
Năm 1970, dù là tên tội đồ đang bị truy nã, máu yêng hùng của Năm Vĩnh vẫn chưa tan. Với tờ khai mang tên giả là Nguyễn Văn Biên, quê ở Phú Yên, hắn quyết định chọn trung đoàn 44 nổi tiếng “đầu gấu” để tòng quân. Lúc này, Trung đoàn 44 đang thuộc quyền chỉ huy của Trung tá Lầu Cắm Bảo tức Lưu Kim Bảo – một đệ tử của Voòng A Sáng chỉ huy. Nhưng, chỉ chưa đầy một năm sau, khi “Chiến dịch Lam Sơn 719” đánh Hạ Lào của quân đội ngụy vừa mở màn thì gã người hùng đã tái mặt… đào ngũ ngay.
Đối với quân đội Việt Nam Cộng hòa, chiến dịch Lam Sơn 719 thật sự là một thảm kịch. Sau hai năm theo đuổi chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, quân đội Việt Nam Cộng hòa cần có một chiến dịch qui mô để thử nghiệm thực lực của mình. Dưới sự hối thúc của người Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu đã đồng ý tiến hành một chiến dịch “tìm và diệt” tấn công vào Tchepone, một tỉnh nằm ở Đông Lào. Mục đích của cuộc hành quân qui mô này là tấn công vào các căn cứ tiếp tế của miền Bắc trên đất Lào và tiêu diệt các đơn vị quân đồn trú chủ lực, nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế đường mòn Hồ Chí Minh, ngăn chặn từ xa một cách triệt để sự tiến quân về Nam của bộ đội miền Bắc. Kịch bản chiến tranh và bản đồ chiến lệ do người Mỹ đưa ra, nhưng Nguyễn Văn Thiệu – kẻ thực hiện, vẫn gắn vào nó đầy những tham vọng. Thiệu muốn thông qua cuộc hành quân, bà đỡ Mỹ sẽ thấy rằng quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thật sự trưởng thành, có thể đủ sức giành thắng lợi trong những chiến dịch tấn công qui mô, điều mà từ trước đến giờ hầu như vẫn do các lực lượng quân đội Mỹ đảm nhiệm. Đó cũng là nước cờ tuyệt nhất để Thiệu có thể bảo đảm phần thắng cho mình trong cuộc chạy đua giành ghế tổng thống sẽ diễn ra trong năm 1971.
Để tìm kiếm một chiến thắng trọn vẹn, tháng 3.1971 Nguyễn Văn Thiệu đã cắt 2 sư đoàn thiện chiến nhất gồm một sư thủy quân lục chiến và một sư bộ binh giao cho tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ huy để ném vào canh bạc. Từ các căn cứ tập kết tại Kon Tum, 25.000 binh sĩ ngụy đã được trực thăng Mỹ chở sang Lào và bất ngờ ném xuống các tọa độ đã định trước thuộc tỉnh Tchepone. Không may cho Thiệu, chiến sự đã diễn ra hoàn toàn không giống như kịch bản. Những đợt tấn công ồ ạt của quân đội Việt Nam Cộng hòa đã vấp phải một sự chống trả quyết liệt, dũng mãnh, được chuẩn bị chu đáo của “Cộng sản Bắc Việt”. Chỉ sau 4 ngày giao tranh, 3.000 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chiến. ảo vọng “tốc thắng” của các chú lính Việt Nam Cộng hòa sụp đổ hoàn toàn khi lần đầu tiên, những chiếc xe tăng T54 của bộ đội chủ lực miền Bắc xuất hiện, áp đảo hoàn toàn tinh thần chiến đấu của đối phương. Đòn phủ đầu trở thành thất bại thảm hại đã khiến viên Tư lệnh chiến dịch Hoàng Xuân Lãm không dám liều lĩnh, sợ bị sa lầy như một Điện Biên Phủ thứ hai trên đất Tchepone, các đơn vị tiền đồn trên đất Lào sẽ bị bao vây không thể chống giữ, cũng không có khả năng tiếp viện kịp thời. Cay đắng, Thiệu đành chấp nhận thay đổi chiến thuật, như Lãm đề xuất, chỉ đánh Tchepone rồi rút ngay, không đề cập tới chuyện giữ.
Thảm kịch thật sự xảy ra ngay trên đường rút lui, con số binh sĩ chết và thương vong tăng quá nhanh, nhanh đến mức không đủ trực thăng để sơ tán họ về tuyến sau. Đã thế, “sự quan liêu tai hại của Lầu Năm Góc” – như lời chỉ trích của Thiệu sau đó – đã khiến cho sự chỉ đạo và yểm trợ (bằng pháo binh và không quân) của Mỹ diễn ra không đầy đủ. Hậu quả là một cuộc hành quân đại bại đã chấm dứt sau 44 ngày, tước mất của Thiệu hơn 8.000 lính, buộc số còn lại phải giày xéo lên nhau mà chạy, mong toàn mạng thoát khỏi “tử địa” Tchepone.
Thất bại thảm hại của chiến dịch Lam Sơn 719 đã phá nát phần nhuệ khí của cả quân đội Việt Nam Cộng hòa lẫn máu yêng hùng của Năm Vĩnh. Những trận đụng độ đầu tiên, nhìn thấy xác bạn đồng ngũ được trực thăng bốc về tuyến sau nhiều la liệt, tên du đãng sợ mất mật đành chọn giải pháp mang trên lưng thêm một lệnh truy nã về tội đào ngũ nữa để mong được bảo toàn mạng sống.
Sau hai tháng trời sống chui rúc cạnh sân bay Nha Trang nhờ vào sự bao bọc của đám ma cô, du đãng thành phố biển, Năm Vĩnh nhận ra rằng không thể xưng hùng xưng bá bằng con đường đơn thương độc mã, chỉ cậy vào võ nghệ và sự liều lĩnh. Hắn cũng nhận ra rằng, khác với vùng Mỹ Ca nhỏ bé, ở một thành phố đủ lớn, đủ ô hợp như Nha Trang thì chẳng ma nào thèm chú ý đến mình, nghĩa là khó bị luật pháp sờ gáy hơn. Yên tâm với những gì vừa nhìn thấy, hắn lại tự khai tên là Nguyễn Văn Vĩnh – một cái tên rất học giả – và chọn trung đoàn 53 để quay lại làm lính. Tại quân trường Dục Mỹ (Ninh Hòa, Khánh Hòa), Năm Vĩnh nhanh chóng kết giao với Năm Cao, trùm mặt rô ở Nha Trang, cũng vào lính để trốn truy nã. Không biết bàn bạc kiểu gì, nhưng 3 tháng quân trường vừa hoàn tất, hai thằng Năm lại đào ngũ. Chỉ ít lâu sau, du đãng Nha Trang đã có một “nội các tam đầu chế” giữ vị trí ông trùm, thường được giang hồ gọi xách qué là “băng ba năm mười lăm” gồm Năm Vĩnh, Năm Cao và Năm Càri, đóng đại bản doanh tại một căn lầu ở cư xá Sân Bay do Năm Cao mua tặng.
Sau hơn một năm hùng cứ thành phố biển, tên tuổi nổi cộm như những hung thần, băng “ba năm mười lăm” tan rã. Đúng hồi đang ăn nên làm ra, băng “ba năm mười lăm” đột nhiên có khách đến thăm: một thằng “ngó qua là biết cô hồn”, tóc dài trùm gáy, người đen đúa, áo thun đen phủ cẩu thả trên chiếc quần rằn ri nâu của lính Biệt động quân. Gã xưng tên là Hiệp ruồi, tức Hiệp Súng sáu, một tên anh chị đứng bến có cỡ của bến xe An Đông (Chợ Lớn), nhưng lại giấu biệt cái quá khứ bị “lốc ổ”, phải bỏ của chạy lấy người, mò ra Nha Trang tìm đất sống.
Hôm đó, Năm Vĩnh không có mặt, tại căn phòng ở cư xá sân bay chỉ có Năm Cao và Năm Càri tiếp Hiệp ruồi. Chào hỏi, xưng danh với nhau đúng lễ giang hồ, xong Năm Cao mới hỏi Hiệp ruồi:
- Bạn ghé thăm anh em chúng tôi chắc không phải để nói dóc chơi. Có gì, bạn cứ nói thẳng.
Hiệp ruồi không giấu giếm bản chất cô hồn:
- Ai rảnh đâu mà khi không mò ra đây nói chuyện chơi. Là tôi nghe anh em đang sống khỏe nên muốn tới hùn vốn làm ăn. Có vậy thôi!
Câu trả lời xấc xược của Hiệp ruồi khiến hai thằng Năm bất giác chột dạ đưa mắt nhìn nhau. Sau vài phút im lặng, Năm Càri đằng hắng:
- Chỗ giang hồ, bạn đã có lời, tụi này đâu có chối. Nhưng xin hỏi thẳng: bạn định góp vốn bằng gì?
- Tiền không, vàng không – khách bắt đầu giở giọng chối tai – thằng Hiệp này xưa nay chỉ có nắm đấm và con dao coi như là vốn. Chịu nhận hùn hay không, anh em cứ nói đại đi một tiếng, khỏi lằng nhằng!
- Mày nói cái gì?
Hộc lên một tiếng, Năm Càri nhổm người vọt dậy, định lao ngay vào Hiệp ruồi. Nhưng Năm Cao khá nhanh tay, vội chụp lấy vai hắn giật lại, khiến Năm Càri gần như bổ chửng xuống ghế. Nếu là ở ngoài đường, chắc chắn Năm Cao sẽ không cản đồng bọn mà sẽ làm ngay cái việc là nhảy bổ vào Hiệp ruồi băm kẻ khiêu khích ra trăm mảnh. Ngặt một nỗi đang ở ngay tại nhà, hắn không dại gì “đem máu tưới vườn nhà”, vừa mất tiếng giang hồ, vừa rước thêm rắc rối với cảnh sát. Chờ một chút cho máu nóng trên mặt tan bớt, Năm Cao mới ngọt nhạt:
- Tứ hải giai huynh đệ, bạn đã định hùn, tụi này hết sức hoan nghinh. Chuyện làm ăn tính sau đi, giờ anh em mình nhậu cái chơi, coi như tiệc sơ giao vậy.
Thấy địch thủ nhún mình, Hiệp ruồi không nghi ngờ gì cả, gật đầu ngay. Cuộc nhậu kéo dài đến quá nửa đêm, đầy những chuyện gái trai đĩ bợm nhưng tuyệt nhiên không ai đề cập đến chuyện làm ăn hùn hạp. Tiệc tàn, chủ và khách đều say bí tỉ, ngủ lăn như chết. Còn mỗi Năm Cao là tỉnh. Vào khoảng 9 giờ đêm, viện cớ nhức đầu, muốn “đi tắm cái cho giã rượu”, Năm Cao lỉnh đi đâu mất.
Sáng hôm sau, không ai trên đời còn nhìn thấy Hiệp ruồi đâu nữa. Nhưng cũng trong sáng hôm ấy, cảnh sát đã tìm thấy trên bờ biển dưới chân núi một chiếc bao bố đẫm máu, bên trong có một xác chết bị cắt ra nhiều khúc. Hồ sơ cảnh sát ghi nhận: trước khi bị phanh thây, nạn nhân say rượu đã bị đâm nhiều nhát bằng lưỡi lê cho đến chết. Những vết máu còn tươi, chứng tỏ nạn nhân mới bị giết vào khoảng 2 – 3 giờ sáng. Quay trở về, nghe chuyện, Năm Vĩnh chỉ còn biết la trời.
Sau khi tổ chức “luộc” Hiệp ruồi tức Hiệp Súng sáu, Năm Cao trở nên ngạo mạn và coi thường các băng du đãng khác. Một lần, hắn đã ngang nhiên xé sòng bầu cua tôm cá của một đám du đãng mũ nồi nâu (Biệt động quân). Điên tiết, Năm Cao vừa quay lưng, một tên Biệt động quân đã rót vào lưng hắn trọn vẹn một băng M.16. Mất thổ địa, lại bị hàng loạt tên du đãng khác vừa từ mặt trận trở về dọa “làm thịt”, Năm Vĩnh và Năm Cao lại vội bỏ Nha Trang lên Cao Nguyên tìm nơi ẩn nấp. Cái “hang” mà chúng chọn là Liên đoàn 21 Biệt động quân.
Trở lại quân đội với trang phục rằn ri nâu, mũ nồi nâu, vị trí của Năm Vĩnh và đồng bọn đã thay đổi hẳn. Lính tráng toàn Cao nguyên không tên nào không từng nghe qua danh xưng “đại ca Năm Vĩnh”, “hùm xám miền Trung”. Vì thế, chỉ huy các đơn vị của Vĩnh – hắn thuyên chuyển đơn vị liên tục – cũng vị nể, chẳng bao giờ bắt Vĩnh và đàn em của hắn phải ra trận. Bù lại, phần ăn nhậu, hút xách của các “thầy, các “chú” tự nguyện chung chi đủ, cộng thêm khoản lương lính của chúng “chẳng đáng là bao”, đến tháng các sĩ quan cứ việc giở sổ lương mà lấy. Dĩ nhiên Năm Vĩnh nổi tiếng đến thế thì tung tích hắn không cần tìm cũng thấy, quân cảnh ngụy không khó gì mà không tìm ra để tóm cổ tên tội đồ từng giết người và đào ngũ như cơm bữa này. Nhưng mỗi lần có công văn tầm nã, sĩ quan các đơn vị lại sẵn sàng báo cáo láo là “không hề có tên đương sự trong danh sách”, lờ đi, tiếp tục che chở cho Năm Vĩnh để ăn của đút bằng cách chuyển hắn sang một bộ phận khác! Cảnh sát cũng chẳng dại gì mò lên tận tiền đồn để truy nã một thằng đầu trâu mặt ngựa, lơ mơ ăn đạn của cả hai bên chưa biết chừng. Thậm chí, một tiểu đoàn trưởng nổi tiếng, đại úy Tôn Thất Trực, bạn học của tướng Lê Minh Đảo, còn xúi Năm Vĩnh:
- Mỗi tháng mày nên về Nha Trang chơi bời ít bữa cho nó… khỏe, nhớ rủ tao đi với!
Lợi dụng thế tự do, tên du đãng mặc áo lính dồn hết thì giờ để tổ chức hai việc: bán ma túy và mở sòng bài phục vụ cho những tên lính Vùng II sầu đời vừa trở về sau các cuộc hành quân. Sau Vùng I (từ Đà Nẵng đến Quảng Trị), Vùng II chiến thuật, đặc biệt là khu vực Cao Nguyên là chiến trường thường xuyên xảy ra đụng độ, lính tráng thường xuyên bị ném vào các chiến dịch qui mô. Để quên cái chết luôn cặp kè bên nách, lính tráng vùng chiến thuật này đều bạt mạng, hết sức vô kỷ luật và nhanh chóng ngã vào vòng tay đê mê của ma túy. Nghề bán thuốc phiện nhanh chóng giúp Năm Vĩnh giàu nứt đố đổ vách. Có tiền, Vĩnh vãi ra mua chuộc đàn em trong các sắc lính không hề tiếc. Dĩ nhiên, ai trả lương cao, người đó được quyền sai bảo. Những tên du đãng mặc áo lính nhanh chóng trở nên ngoan ngoãn nghe lời Năm Vĩnh hơn nghe lệnh chỉ huy – những kẻ chỉ có thể cho chúng chưa đầy một phần mười số lương “anh Năm” quăng ra, lại còn hay cố tình bớt xén.
* * *
Giống như cây số 9 Mỹ Ca, khu vực ngã ba Diệp Kính dưới chân căn cứ Hàm Rồng những năm 1970-1972 cũng là địa điểm tập trung ăn chơi của các sắc lính đóng cạnh thị xã Pleiku. ở đó có một rạp chiếu phim, một dãy quán xá và hơn chục nhà thổ, lúc nào cũng đầy nhóc những tên lính người Việt giày trận đứt tung dây, áo quần đầy bụi đất đỏ, kéo lê những khẩu AR15, M16. Thay vì nói chuyện, chúng văng tục. Thay vì vỗ tay tán thưởng giọng ca, chúng chĩa nòng súng lên trời và quạt nguyên băng… ở đó, lính tráng tên nào cũng rượu bia say bí tỉ mà không cần phải đụng đến ly… Ngoài những bộ quân phục, không một người dân nào dám bén mảng đến khu ngã ba Diệp Kính vào buổi tối nếu họ không thuộc một trong hai loại: ma cô hoặc gái điếm phục vụ tại các quán xá.
Dù hung tợn, các sắc lính ở đây vẫn cứ phải dè chừng một cái tên: Năm Vĩnh – “Hùm xám miền Trung”. Băng của hắn thuộc loại “đụng là chạm, chạm là nổ”. Vào quán, ăn nhậu xong, thay vì trả tiền, hắn ngoắt chủ quán tới và đưa cho họ một cái ly cối, trong ly là… một quả lựu đạn đã rút chốt, loại “chấm đỏ” M26 hoặc M67, rút chốt ném là nổ ngay. Sau cái ám hiệu ấy, cả đám cứ việc bỏ đi ung dung, không một chủ quán nào dám hó hé nửa tiếng. Lần sau, thấy mặt hắn quay lại là chủ quán hiểu liền, vội xòe ra mấy chục ngàn để “anh Năm tiêu vặt”, may ra mới được yên thân.
Đa phần lính tráng Vùng II đều xuất thân từ các tỉnh miền Trung. Đời lính buồn và… mau chết, những tên lính cứ bưng luôn câu ngạn ngữ gốc ruộng “muốn dỡ chuồng heo thì phải dám seo cột nhà” vào quân ngũ làm lẽ sống. Rảnh rỗi, rượu còn có người chê chứ bài bạc sát phạt nhau thì tên lính nào cũng “máu”. Một chiều mùa Đông năm 1972, khi sòng bạc ở ngã ba Diệp Kính đang đến hồi cao trào thì cửa phòng bị đạp tung. Trên ngưỡng cửa xuất hiện hai bộ đồ rằn ri, áo bỏ ngoài quần, tóc râu tua tủa và nét mặt rất cô hồn. Giật phắt chốt quả M26 ném keng xuống sàn, một tên tuyên bố:
- Bỏ hết tiền, đồng hồ, tư trang xuống bàn!
Dù cùng là lính tráng, nhưng trái lựu đạn cũng đủ chặn mọi bàn tay manh động, những tên lính đành ngưng cuộc sát phạt, líu ríu nghe lệnh gã cô hồn. Khi mọi cái túi đã được lộn trái, tên kẻ cướp điềm nhiên hô “biến!”, đồng thời thả trái lựu đạn xuống mặt bàn và hốt tiền, vàng vào ba lô lộn. Lựu đạn phun khói xì xì khiến đám con bạc xéo nhau chạy trối chết. Hốt đầy ba lô, ngẩng lên sòng bạc đã vắng ngắt, thằng cô hồn ung dung bước ra cửa gọi tên bạn đang lăm lăm súng đứng cạnh:
- Dọt mày!
Đúng lúc đó, gáy bỗng dưng lạnh buốt khiến hắn phải ngoái đầu lại. Dưới bóng điện mờ mờ, trên một tấm phản kê tít trong góc phòng có một tên biệt động quân đang chống tay trái nằm nghển cổ duỗi dài thân nhìn xoáy vào mặt hắn. Một tấm áo palto lính trải rộng che nửa thân trên và cánh tay phải của kẻ đang nằm. Quá đỗi ngạc nhiên, tên kẻ cướp bước lại gần hỏi:
- Mày là bảo kê sòng này?
Tên kia không thèm ngồi dậy, trả lời nhát gừng:
- Nhìn là biết, hỏi chi?
Thằng kẻ cướp ngạc nhiên lắm:
- Lựu đạn phun khói ì xèo sao mày không bỏ chạy. Bộ không sợ chết hả?
Câu trả lời của thằng kia còn cô hồn và lọc lõi hơn:
- Ngu như bò! Lựu đạn mà nổ, mày đứng gần chết trước chứ không phải tao. Nó không nổ mày mới đứng đó được chứ nổ thì trời xúi, ông già mày cũng không dám, đừng nói chi mày. Trò con nít của tụi bay cũng đòi hù ông nội bay sao?
Túi vàng, tiền trên vai trở nên nặng như đá tảng, tên cướp cạn chửi thề:
- Mày ngon, mày tin là tụi tao sắp giết mày không?
Thằng kia nhếch mép:
- Tin cái mốc, trước đó tao đã bắn nát sọ mày rồi!
Vừa nói, hắn vừa hất chiếc áo paltô để lộ một khẩu colt “đui” đang ghếch nòng trên tay phải… Mặt xanh như đít nhái, tên cướp cạn líu ríu thả túi hàng xuống đất:
- Đại ca cho em biết quý danh?
Thằng kia hất mặt:
- Năm Vĩnh. Bộ mày thối tai hay sao mà không nghe?
Ngôi thứ được đổi ngay sau đó. Hai tên lính chắp tay lạy như tế 2bde sao:
- Anh Năm tha tội. Tụi em mới hành quân trên Plei-cần về. Đang nhậu mà vã quá, không đủ tiền trả nên mới liều mạng.
Năm Vĩnh gạt đi:
- Đây là đất của tao, không thằng nào được phá đám. Để tiền, vàng lại hết. Còn ăn nhậu, chơi bời tối nay, ngày mai, tụi bây có bi nhiêu thằng, tao lo tất!
Kiểu hành xử vừa lì lợm, bạt mạng, vừa tỏ ra đàn anh kèm theo tiền bạc tuôn ra bao bè như suối đã giúp Năm Vĩnh lấy lòng, thần phục được không ít tên đầu trâu mặt ngựa trong các sắc lính miền Trung và Cao Nguyên. Giống như Vĩnh, tất cả những tên này đều mang hai, ba án truy nã nên đứa nào cũng hung hãn, sẵn sàng lao vào chỗ chết, miễn có tiền. Một lần, đang nằm ở một trong những hang ổ của du đãng gốc lính tại suối Đốc Học, ngoại ô Buôn Ma Thuột, Năm Vĩnh nhận được hung tin: một số đàn em của y bị quân cảnh túm cổ vì một lý do hết sức vô duyên. Số là vừa trở về sau một cuộc hành quân sát biên giới Moldulkiri, thuộc địa phận Đak Song, Đak Lak, Năm Càri, Mầm Điên và một số tên khác thuộc lực lượng Biệt động quân đã xả xui, tổ chức nhậu với Thắng, tay anh chị bên Chiến đoàn Lôi Hổ. Cuộc nhậu được bày ra hoang dã ngay tại gốc đa Cây số 5, bên rìa thị xã Buôn Mê. Thấy lính tráng tác phong bê tha, lôi thôi lếch thếch, một toán quân cảnh đi qua đã tạt vào yêu cầu đám này bỏ áo vào quần, gom ống quần vào giày và buộc dây đàng hoàng để giữ tác phong quân kỷ. Câu trả lời là một tiếng lựu đạn nổ “đoành”, rơi ra từ tay Thắng “Lôi Hổ”, lúc này đang say lử đử. Thế là không nói gì thêm, toán quân cảnh xông vào tước vũ khí, còng tay luôn cả bọn.
Nhận tin, Năm Vĩnh tức khắc gặp viên trung úy đồn trưởng, bảo:
- Sáng mai, tụi Năm Càri không về thì cứ thấy thằng quân cảnh nào trên đường, coi như thằng đó đổ ruột.
Bỏ về, Vĩnh sai đàn em đi báo tin cho đám tay chân trong các đơn vị đồn trú lân cận để chuẩn bị. Quả nhiên, 4 giờ sáng hôm sau, đang ngủ vùi sau cơn say, Năm Vĩnh đã bất ngờ bị quân cảnh ập vào còng tay đưa đi. 7 giờ sáng, đồn quân cảnh bị nhiều loại quần áo rằn ri vây chặt, có cả đại liên M60 tham gia “cuộc chiến tranh”. 7 giờ 15 phút, một trái M79 nổ tung ngay giữa cột cờ trong sân đoàn quân cảnh. Không còn cách nào khác, viên trung úy đành phải thả Năm Vĩnh và đến 16 giờ thì Năm Càri, Mầm Điên, Thắng “Lôi Hổ” cũng vừa cười, vừa tự do kéo nhau ra khỏi trại!
Tuy tha hồ huyênh hoang, khoác lác nhưng sau vụ đó, Năm Vĩnh cũng biết là sự lộng hành của y đã vượt quá giới hạn. Bỏ cuộc hành quân của đơn vị, hắn chuồn lên suối Đốc Học nằm khan, sau đó dông tuốt về Nha Trang sống phè phỡn bằng nghề tuồn thuốc phiện vào quân lao Khánh Hòa bán cho đám quân phạm đang “nằm ấp”. Cuối năm 1973, bị lùng sục, hắn lại “lỡ tay”, một lần nữa giết chết một tay quân cảnh và bị tóm cổ.
* * *
Vác theo một balô vàng – chiến tích còn lại của mấy năm ngang dọc – Năm Vĩnh được dẫn vào quân lao Khánh Hòa làm bạn với những gương mặt mốc cộm cán của Vùng II chiến thuật như Phi Vân, Sơn Trắng, Tuấn Đả, Lực búa, Cù Đinh… những kẻ trước đó không lâu còn lá “khách hàng truyền thống” trong nghề buôn thuốc phiện của Vĩnh. Trong tù, cảnh gây bè, kết đảng đâm chém thanh toán nhau lại tiếp diễn, cuối cùng Năm Vĩnh được thừa nhận là một “đại ca trong các đại ca” của cái quân lao khét tiếng vô kỷ luật và lắm đầu trâu mặt ngựa này.
Sau Tết nguyên đán năm 1975, quân lao Khánh Hòa nhận thêm một tù nhân dáng dấp mô phạm, bị tống giam vì tội “tình nghi Việt cộng”. Đó chính là ông Dương Ngô Thống, thầy giáo dạy trường Bồ Đề, Quảng Ngãi, năm nào. Chuyển lên dạy học ở Đà Lạt, thầy giáo Dương bị hàm oan. Nguyên trung úy Tình – một sĩ quan Phượng Hoàng – say mê cô hoa khôi phố núi Xuân Lan nên đã hỏi cưới và có con với cô gái này, trong khi y đã có vợ có con. Sợ bị loại ngũ vì tội có vợ bé, Tình đã ép Xuân Lan phải bỏ con. Là bạn của bà Phụng, cô ruột Xuân Lan, ông Dương động lòng đã nhận lời giúp bà Phụng, cùng vợ mình đem đứa bé trốn đi, tránh cho nó bị cảnh cha ruột hắt hủi. Để trả đũa, trung úy Tình đã vu vạ và dẫn cảnh sát đến bắt ông vào mùng 8 Tết. Nhờ quen biết với thiếu tá Nguyễn Văn Hiển, quản đốc quân lao Khánh Hòa, Tình đã tìm cách tống được ông Dương vào địa ngục này cho bõ tức. Để dằn mặt người tù mới, theo yêu cầu của tên trung úy bất lương, thiếu tá Hiển đã đẩy ông giáo vào chung buồng giam với tên hùm xám Năm Vĩnh, dự định mượn tay tên hung thần để hành hạ người tù.
Đã từng nghe tiếng tên hung thần, ông Dương co rúm mình và suýt ngất xỉu khi những tên tù tàn bạo dựng ông ngồi thẳng lưng, bắt phải chứng kiến từ đầu chí cuối cảnh Năm Vĩnh và một tên đàn em cởi trần trùng trục tra tấn cho đến chết một quân phạm chung buồng. Xong việc, Năm Vĩnh đến trước mặt ông cúi người lễ phép:
- Thầy nhớ con không? Con là Năm Vĩnh, thằng học trò bị thầy tát tai gọi là đồ kẻ cướp ở Bồ Đề đây mà!
Suýt nữa, ông thầy giáo đã ngất xỉu vì tin chắc trận đòn thù sẽ sắp được tên học trò xưa trút xuống đầu mình. Quá sợ hãi, ông lắp bắp:
- Anh… thông cảm, khi xưa tôi chỉ…
Năm Vĩnh cắt ngang:
- Dạ không, không. Con cảm ơn thầy vì lời thầy quá đúng. Đời con chẳng có thể làm được trò trống gì hơn ngoài một thằng tướng cướp.
Như một cảnh phim quái gở điên rồ, hùm xám miền Trung thét đàn em kê nệm, trải drap và đón ông thầy mình lên “chiếu trên” nằm nghỉ, cơm bưng nước rót hầu hạ đến tận chỗ nằm. Khi đã trấn tĩnh, ông Dương mới dám hỏi Vĩnh:
- Anh là người còn biết giữ chút lễ nghĩa, sao hôm trước vô cớ lại đánh người ta đến chết?
Triết lý tàn bạo của lối sống giang hồ được gã học trò quỷ dữ trả lời sau một giọng cười buồn:
- Con đã giết hai người, chẳng bao lâu sẽ bị đày ra Côn Đảo lãnh án chung thân cấm cố. Ra đó coi như là chết, con phải “mua vé” bằng án mới để tiếp tục bị điều tra, còn có cơ hội được ở lại đất liền. Giang hồ hiểm ác, người này sống thì kẻ kia phải chết, tại số thằng đó… xui thầy ạ!
* * *
Nhưng, Năm Vĩnh đã không còn cơ hội để sống tiếp với cái triết lý thú vật của đám giang hồ. Gần giữa tháng 3.1975, xe tăng quân Giải phóng ầm ầm tiến vào làm chủ Nha Trang. Lợi dụng thời cơ, đám quân phạm đã bạo động giết lính canh, phá quân lao trốn chạy. Bị Năm Vĩnh ép, ông Dương phải theo chân những tên tù sổng khám chạy về hướng Phan Rang. Nhưng, cầu Du Long đã sập, những tên lính mặc áo tù lại lôi ông chạy ngược trở lại quân cảng Cam Ranh. Trên đường đi, ông giáo mô phạm đã đau đớn và bất lực chứng kiến cảnh tên học trò khốn nạn và đám đàn em của hắn mặc sức cướp, hành hạ những người chạy loạn khốn khổ mà không cách nào ngăn lại được.
Đến Cam Ranh, Vĩnh và đám đàn em lại dùng súng, lựu đạn uy hiếp và cướp được một chiếc tàu, kè theo ông Dương tiến thẳng ra khơi. Trên tàu, chúng lại tiếp tục giết người cướp của, dồn vàng, đôla vào 2 balô chặt cứng. Trên tàu toàn kẻ cướp nên tàu bị từ chối không cho cặp cảng Vũng Tàu. Năm Vĩnh lại ra lệnh đưa tàu ra khơi. Đến đảo Phú Quốc, hắn sai đàn em kết ván và dây thừng thành một chiếc thang dây bảo ông Dương:
- Trong kia là thị trấn Dương Đông, thầy vào đó chắc sẽ có cách về được đất liền, tìm vợ con. Còn tụi con, tội lỗi quá dày, không dám theo thầy cùng về được.
Từ chối số tiền, vàng Vĩnh cho, ông Dương đu theo thang dây nhảy xuống nước bơi vào bờ. Đến chiều, ông bất ngờ gặp lại gã học trò trên đảo. Quá lộng hành, đám cướp làm loạn đã bị dàn quân cảnh đảo Phú Quốc khống chế, và tóm cổ đưa vào thị trấn Dương Đông, trong đó có cả ông trùm Năm Vĩnh. Phiên tòa được tổ chức ngay và chỉ kéo dài dăm phút với án tử hình dành cho cả đám. Trước lúc xuống tàu về lại đất liền, ông Dương đã tận mắt chứng kiến cảnh Năm Vĩnh bị bắn ngay sau khi kết thúc phiên tòa. Hắn được chôn lại dưới chân núi Tượng ở thị trấn Dương Đông. Không mộ chí, nấm mồ bị cỏ quên dần dần vùi lấp. Âu đó cũng là đoạn kết tất yếu của con đường giang hồ, con đường tội ác.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!