Người Thầy Chương 4


Chương 4
Tôi bảo đám học trò của tôi rằng tôi không mấy tự tin về nghề sư phạm nên đã nghĩ sẽ suốt đời làm việc ở Kho Cảng.

Ê, thầy McCourt, thầy đã bao giờ làm việc thật sự chưa, không phải dạy học, mà là, thầy hiểu ý chứ ạ, lao động thật sự cơ?

Em nói đùa ư? Chẳng lẽ dạy học không phải là lao động? Em thử nhìn quanh lớp học này rồi tự hỏi mình xem có muốn mỗi ngày đứng trên đây trước các em không. Chính các em đấy. Dạy học còn mệt hơn làm việc ở bến tàu hay các nhà kho nữa cơ. Bao nhiêu em có người thân làm việc ở khu cảng nào?

Một nửa lớp, chủ yếu dân Ý, vài em dân Ireland.

Trước khi dạy trường này, tôi nói, tôi đã làm việc ở các cảng Manhattan, Hoboken và Brooklyn. Một em thưa bố em có biết tôi ở Hoboken.

Tôi bảo chúng: Sau khi tốt nghiệp đại học tôi thi lấy bằng sư phạm, nhưng tôi không nghĩ mình sinh ra để làm thầy giáo. Tôi chẳng biết gì hết về thanh thiếu niên Mỹ. Tôi không biết phải dạy các em điều gì. Làm việc ở bến cảng dễ dàng hơn. Xe tải lùi vào bục. Rồi chúng tôi vung cây móc. Kéo, nâng, lôi, đẩy. Xếp lên bệ. Xe cần trục chạy tới, nâng hàng lên, gài số lùi, chất hàng vào nhà kho rồi trở ra bục. Lao động bằng chân tay còn đầu óc được nghỉ một ngày. Làm việc từ tám giờ đến trưa, nghỉ trưa ăn miếng bánh mì kẹp dài ngoằng, thêm một quart_(1) bia, sau đó lại đổ mồ hôi từ một giờ đến năm giờ rồi về nhà, ăn chiều xong đi xem phim, rồi làm vài ba ly bia ở một quán bar trên Third Avenue.

Quen rồi thì làm không khác người máy. Ta không thua kém người khỏe nhất trên bục, vóc ta lớn hay nhỏ không thành vấn đề. Ta quỳ xuống để giảm sức nặng trên lưng. Nếu ta quên sẽ có người la toáng nhắc Chúa ơi, xương sống anh bằng cao su chắc? Ta học cách sử dụng cây móc tùy theo kiện hàng nặng nhẹ: hộp, bao, thùng, đồ đạc hay những bộ phận máy móc khổng lồ bôi mỡ. Một bao đậu hay hạt tiêu có cách ngang bướng riêng của nó. Nó có thể thay đổi nhiều hình dạng thế này rồi thế kia, ta phải làm sao thích ứng. Ta ước lượng độ lớn nhỏ, hình dạng và trọng lượng khối hàng rồi biết ngay phải nâng và hất lên lưng như thế nào. Ta học cách cư xử với tài xế và phụ lái của họ. Tài xế nào kiêm chủ xe thì dễ chịu thôi. Họ không lệ thuộc ai, tự ấn định nhịp độ bốc dỡ. Các tài xế làm thuê thường xuyên thúc hối, nhanh lên cha nội, dỡ đồ xuống đi, nào, tôi không rảnh cả ngày đâu. Đám phụ lái thì luôn cau có, bất kể làm việc cho tài xế xe nào. Họ làm trò để nắn gân ta, loại bỏ ta, nhất là khi họ nghĩ ta mới chân ướt chân ráo từ tàu xuống. Nếu ta làm việc sát cạnh cầu tàu hay trên bục, họ thình lình buông cái bao tải hay thùng phía họ ra mạnh đến nỗi tay ta trật khỏi khớp như chơi và ta sẽ học được rằng phải tránh xa mọi thứ bờ, rìa, cạnh. Rồi họ cười, nhại giọng Ireland: Tớ xin lỗi, paddy, hay, Chúc cậu một buổi sáng tuyệt vời. Không bao giờ than thở được với sếp những chuyện ấy cả. Sếp sẽ chỉ nói: Chuyện gì, nhóc? Cậu không biết đùa hả? Than thở chỉ tổ rầy rà thêm thôi. Tài xế xe tải hay tay phụ lái mà nghe được thì ta sẽ bị hất văng khỏi bục hay thậm chí cầu tàu ngay - vô ý thôi. Một anh chàng bốc vác to con mới từ Mayo đã điên tiết vì bị ai đó nhét một cái đuôi chuột vào ổ bánh mì kẹp, anh ta dọa sẽ giết kẻ nào táo gan phá mình, liền bị - do vô ý - đẩy ngã xuống sông Hudson ngầu bọt, mọi người cười ồ rồi mới ném dây kéo anh ta lên, váng nước sông rỏ tong tỏng. Khi anh ta biết cười trước những trò đùa nhả như thế thì họ mới để anh ta yên. Ta không thể làm việc ở bến tàu mà mặt mũi lúc nào cũng dài thượt. Sau một thời gian họ không phá ta nữa, họ kháo nhau rằng ta biết chịu đựng. Eddie Lynch, sếp sòng bục dỡ hàng, gọi tôi là gã mick nhỏ bé kiên cường, điều này ý nghĩa với tôi hơn cả cái ngày tôi được thăng chức hạ sĩ trong quân đội Mỹ, vì tôi biết mình chẳng kiên cường đến thế, chỉ là tuyệt vọng.Truyen8.mobi

Tôi bảo đám học trò của tôi rằng tôi không mấy tự tin về nghề sư phạm nên đã nghĩ sẽ suốt đời làm việc ở Kho Cảng, con cá to trong cái hồ nhỏ. Có thể các sếp sòng sẽ ấn tượng trước tấm bằng tốt nghiệp đại học của tôi họ thăng tôi làm kiểm tra viên, rồi cho tôi chân văn phòng là nơi nhất định tôi sẽ tiến thân. Tôi có thể trở thành sếp của ban kiểm tra. Tôi biết nhân viên các văn phòng của kho và các văn phòng nói chung làm việc như thế nào. Họ ngáp dài ngáp ngắn chuyển giấy tờ từ chỗ này qua chỗ kia, nhìn qua cửa sổ xem chúng tôi làm quần quật như nô lệ trên bục dỡ hàng.

Tôi không hé một lời với đám học trò về cô nàng Helena trực điện thoại không chỉ mời anh bánh Doughnut(1)_ ở một góc khuất nào đấy sau nhà kho. Tôi cũng đã toan tò tí với nàng nhưng Eddie bảo tôi cậu chỉ hơi léng phéng thôi là cậu sẽ vào nằm trong nhà thương St. Vincent với con chim ướt đẫm ngay.

Khi không còn làm việc trên bến tàu nữa thì tôi thấy thiếu vắng lối sống mà ở đó người ta nói thẳng điều mình nghĩ, ai cười mặc ai. Không giống các vị giáo sư đại học chỉ bảo ta: Về mặt này thì đúng, mặt khác thì không, khiến ta chẳng biết phải nghĩ thế nào. Trong khi ta cần phải biết các vị ấy nghĩ sao, để còn trả bài khi thi cử. Ở các nhà kho người ta tha hồ chớt nhả lăng mạ nhau, cho đến lúc ai đó quá trớn thì cây móc sẽ thay cho lời nói. Có chuyện thì nhận ra ngay thôi. Khi những tiếng cười nhạt đi, chỉ còn nhếch mép, là có tay lớn miệng nào đó đã quá tọc mạch hoặc chướng tai, lúc ấy sẽ đến lượt cái móc hay quả đấm thay cho lời nói.

Khi xảy ra ẩu đả trên cầu tàu hay bục bốc dỡ thì công việc dừng ngay. Eddie bảo tôi người ta mệt mỏi vì cứ phải khuân, kéo và chất hàng, bấy nhiêu việc khốn nạn đó năm này qua năm khác là lý do khiến họ chửi bới nhau, khích bác nhau, thiếu điều choảng nhau thật sự. Họ phải làm gì đấy để phá tan sự nhàm chán thường nhật và những giờ dài câm lặng. Tôi bảo ông ta tôi chả ngán làm việc cả ngày không nói một lời, ông ta đáp: Phải, nhưng cậu khác. Cậu mới chỉ ở đây một năm rưỡi thôi. Cứ thử làm mười lăm năm xem, miệng cậu cũng sẽ mấp máy thôi. Có vài cậu ở đây từng chiến đấu ở Normandie(1) và Thái Bình Dương, bây giờ họ thành gì? Những con lừa. Những con lừa từng có trái tim tím đỏ. Cuối cùng thành những con lừa đáng thương hại. Họ uống say mèm ở trên đường Hudson rồi khoe khoác những tấm huân chương, dù chẳng ai thèm biết đến mấy thứ vớ vẩn ấy. Họ bảo rằng họ nai lưng làm cho con cho cái, con cái, con cái. Cho lũ nhóc có cuộc sống khấm khá hơn. Lạy Chúa! Tao mừng vì chưa từng lập gia đình.

Nếu không có Eddie thì những trận đánh nhau hẳn là nghiêm trọng hơn nhiều. Ông ta có tai mắt khắp nơi, đánh hơi được trong gió rằng sắp có chuyện lộn xộn. Khi hai anh chàng sắp ra tay thì Eddie xen vào giữa với cái bụng to như cái trống, bảo họ làm ơn xéo khỏi bục bốc dỡ của ông ta, ra đường mà choảng nhau. Họ chẳng bao giờ làm theo mà thầm cám ơn đã có được cớ để không phải dùng đến nắm đấm, nhất là cái móc. Nắm đấm thì còn đỡ hay tránh được chứ cái móc thì đâu biết nó giáng xuống từ hướng nào. Tuy họ vẫn còn gầm gừ, xỉa xói nhau nhưng cơn giận đã xẹp, thời điểm đã qua, khí tức đã tàn, lũ chúng tôi đã chúi đầu lo làm việc lại, mà đánh nhau cái nỗi gì khi không có người xem để biết ta đây anh chị cỡ nào?

Helena rời văn phòng ra xem choảng nhau, xong rồi, nàng thì thầm gì đấy vào tai kẻ chiến thắng, rủ gã vào một góc tối trong nhà kho để cùng nàng bù khú một lúc.

Có vài tên khốn nạn, Eddie nói, chỉ làm bộ gây gổ để sau đó được Helena đoái hoài, nếu có lúc nào đó ông ta bắt gặp tôi hú hí với nàng sau một trận ẩu đả thì ông ta sẽ đá tôi văng xuống sông. Ông ta nói thế vì có lần tôi choảng nhau - hay suýt choảng - với tay tài xế Dominic béo, một tay nghe nói là nguy hiểm vì người ta đồn hắn quan hệ với băng đảng. Eddie bảo rằng vớ vẩn. Nếu hắn thật có quan hệ như thế thì chẳng dại gì làm tài xế, gẫy lưng như bỡn vì bốc dỡ hàng. Tuy vậy tất cả chúng tôi vẫn tin có lẽ Dominic quen biết những kẻ có quan hệ, hoặc từng quan hệ, với băng đảng, thành ra làm việc chung với hắn chỉ có lợi thôi. Nhưng có thể nào làm việc chung được với một kẻ cứ châm chọc mình: Sao thế, paddy? Câm à? Một thằng đần đã ngủ với mẹ mày à?

Ai cũng biết dù trên bến cảng hay bục bốc dỡ hay bất cứ đâu, anh cũng đều không thể chấp nhận được chuyện ai đó sỉ nhục mẹ anh. Trẻ con đã biết điều này ngay từ khi bập bẹ. Có thể anh không ưa mẹ anh, nhưng đó là chuyện của anh. Người ta muốn nói gì về anh cũng được, nhưng sỉ nhục mẹ anh là quá đáng và nếu anh nhịn thì sẽ bị mọi người coi thường. Lúc ấy, nếu anh cần người phụ nâng một món hàng trên bục dỡ hay trên bến tàu sẽ chẳng ai thèm giúp cả. Anh trở thành con số không. Giờ ăn trưa, người ta không thèm cả chia bánh mì kẹp dồi gan với anh. Khi anh đi lang thang quanh bến cảng hay những kho hàng, thấy một gã nào đó ngồi ăn lủi thủi một mình là biết ngay gã đó bị ngập phân tới tận cổ rồi, đó là kẻ đã chịu bị người ta sỉ nhục mẹ hoặc từng có lần phá cuộc đình công. Sau một năm người ta có thể tha thứ cho kẻ phá cuộc đình công, nhưng không đời nào tha thứ kẻ chịu để mẹ mình bị sỉ nhục.Truyen8.mobi

Tôi trả đũa Dominic bằng một câu chửi học được trong quân đội. Ê, Dominic, thằng đần béo phị, lần chót mày thấy con chim của mày khi nào và làm sao mày biết rằng nó ở đấy thật?

Hắn quay người tống tôi văng khỏi bục dỡ hàng bằng cái nắm tay béo phị. Ngã xuống đường, tôi cáu tiết, vọt trở lên bục, vồ móc vào hắn. Hắn nhếch mép cười như muốn nói: Thằng nhóc khốn nạn kia, mày chết rồi, và khi tôi lao tới, hắn dùng lòng bàn tay đẩy vào mặt tôi làm tôi lại ngã lăn xuống đường. Lòng bàn tay là món nhục nhã nhất khi đánh nhau. Bị ăn nắm đấm là chuyện danh dự ngay thẳng. Các nhà quyền Anh vẫn đấm đấy. Nhưng bị cả lòng bàn tay vào mặt có nghĩa mình còn dưới mức bị coi khinh, thà hai mắt bị ăn đòn tím bầm còn hơn dưới mức bị coi khinh. Mắt tím bầm rồi sẽ hết, chứ thế kia thì nhục suốt đời.

Rồi hắn luôn miệng nhục mạ tôi. Khi tôi bám vào lề bục để đứng lên thì hắn đạp lên tay tôi, nhổ lên đầu tôi, khiến tôi nổi điên, tôi vung móc trúng bắp chân hắn, kéo cho đến lúc hắn gào lên: Đồ nhóc tì khốn nạn. Tao mà chảy máu chân là mày chết.

Không thấy máu chảy. Cái móc của tôi trượt khỏi lớp da ủng lao động dày cộp của hắn, nhưng tôi vẫn chực vung hòng móc vào da thịt hắn, cho tới khi Eddie chạy ào xuống bậc tam cấp lôi tôi ra. Đưa móc đây. Mày đúng là một thằng mick điên rồ. Mày mà thành kẻ thù của Dominic thì mày sẽ trở thành đống phân trên đường cho mà xem.

Ông ta ra lệnh cho tôi: Vào trong thay quần áo đi, rồi ra cửa sau, về nhà đi, đừng chường mặt tới đây nữa.

Tôi bị sa thải à?

Không, bố khỉ, không. Bọn tao đâu thể nào sa thải mỗi đứa gây chuyện ở đây được, nhưng mày bị trừ nửa ngày công, đền cho Dominic.

Nhưng tại sao tôi lại phải mất tiền cho Dominic? Hắn gây sự mà.

Dominic đem công ăn việc làm cho bọn tao, còn mày chỉ làm qua ngày. Mày tốt nghiệp đại học rồi thì nó vẫn tiếp tục chở hàng đến đây. Mày còn sống là may lắm đấy, nhóc ạ, mang mấy chỗ sưng đó về nhà đi. Và ngẫm nghĩ cho kỹ vào.

Trên đường ra về tôi ngoái nhìn xem Helena có đó không, quả thật nàng đứng đó với nụ cười lại-đây-anh quyến rũ, nhưng Eddie cũng đứng đó luôn và tôi hiểu rằng dưới đôi mắt nghiêm khắc của ông ta thì chẳng mong gì được chui vào góc tối nào đấy với nàng.

Một ngày nào đó, khi đến lượt tôi ngồi xe trục, tôi sẽ trả thù tên Dominic béo. Tôi sẽ tống ga, gí đồ béo phị kia vào tường đến nát bét, nghe nó kêu gào. Đó là giấc mơ của tôi.

Nhưng chuyện này không bao giờ xảy ra, bởi lẽ mọi chuyện giữa tôi và hắn thay đổi hẳn vào cái ngày hắn áp xe tải vào bục dỡ hàng rồi gọi với từ buồng lái: Ê, Eddie, bữa nay ai dỡ hàng đây?

Durkin.

Không được. Đừng cắt Durkin làm với tôi. Cắt cho tôi tay mick to mồm với cái móc ấy.

Dominic, anh điên à? Thôi đi.

Không đâu. Cứ cắt cho tôi tay to mồm ấy.

Eddie hỏi tôi có làm được không. Nếu tôi không muốn thì không nhất thiết phải làm. Ông ta bảo Dominic không phải sếp ở đây. Tôi bảo với thằng béo phị nào tôi cũng chơi được hết, Eddie bảo tôi thôi đi. Chúa ạ, hãy giữ mồm giữ miệng. Tao sẽ không cứu mày lần nữa đâu đấy. Thôi, bắt tay vào việc đi, và nhớ giữ mồm giữ miệng.

Dominic đứng trên bục dỡ, không cười. Hắn nói công việc này béo bở, toàn những thùng rượu Whisky Ireland, biết đâu chẳng có một thùng bị rơi dọc đường. Có thể vỡ một hai chai, song phần còn lại tụi mình giữ, nhất định sẽ xử lý gọn. Thoáng một nụ cười ngập ngừng vội vã, nhưng tôi quá ngượng nên không cười lại. Làm sao con người này có thể cười được sau khi đã đẩy cả lòng bàn tay vào mặt tôi thay vì dùng nắm đấm?

Chúa ạ, cậu đúng là một tay mick hãm tài, hắn nói.

Tôi thật muốn gọi hắn là đồ wop(1)_, nhưng không muốn xơi lòng bàn tay của hắn lần nữa.

Hắn vui vẻ nói như thể giữa chúng tôi không xảy ra chuyện gì cả. Điều này khiến tôi thắc mắc, vì khi tôi cãi cọ hay đánh nhau với ai thì tôi luôn không thèm nhìn mặt người ấy một thời gian dài. Trong lúc chúng tôi bốc dỡ những thùng Whisky hắn kể lể bằng giọng bình thường rằng vợ hắn là người Ireland, đã chết vì bệnh lao.

Cậu hình dung nổi không? Vì cái bệnh lao chết tiệt. Mụ đầu bếp bần tiện, ả vợ đầu của tớ ấy, giống như tất tật dân Ireland thôi. Đừng động lòng, chú nhóc ạ. Đừng nhìn tớ như thế. Nhưng cô ả hát hay phải biết! Cả opera nữa cơ. Hiện nay tớ có một cô vợ Ý. Chẳng có lấy một nốt nhạc trong đầu, nhưng nấu ăn thì khỏi chê!

Hắn đăm đăm nhìn tôi. Cô ả nấu khéo quá. Nên tớ mới béo phì không nhìn thấy cả đầu gối mình thế này.

Tôi mỉm cười, hắn liền gọi Eddie: Này, đồ cà chớn. Ông nợ tôi mười đô nhé. Tôi đã làm cậu lỏi mick này cười rồi đấy.

Dỡ và chất hàng vào kho xong là đến lúc vô ý làm rơi một thùng, vỡ mấy chai rồi cùng với những tài xế xe tải và phu bốc xếp khác ngồi trên những bao hạt tiêu trong phòng xông khói, thanh toán phần còn lại trong thùng, không để rơi phí một giọt nào.

Eddie là mẫu người mà ta muốn có cho vai trò ông bố. Ông luôn giải thích cặn kẽ cho tôi khi chúng tôi ngồi nghỉ giữa hai đợt bốc dỡ hàng. Mỗi khi ông giải thích tôi lại ngạc nhiên vì mình không biết những chuyện ấy từ trước. Chẳng gì tôi cũng là thằng sinh viên, thế mà ông biết nhiều hơn tôi và tôi kính trọng ông hơn bất kỳ giáo sư nào.

Cuộc đời ông là một ngõ cụt. Ông phải săn sóc ông bố bị suy nhược thần kinh nặng sau Thế chiến thứ nhất. Eddie có thể đưa bố vào ở trong cư xá cựu chiến binh được, song ông bảo rằng những nơi ấy là địa ngục. Khi Eddie đi làm thì có một bà đến lo cho ông cụ chuyện ăn uống cũng như tắm rửa. Chiều về, Eddie đẩy ông cụ trên xe lăn ra công viên rồi về nhà mở ti vi xem tin tức. Cuộc sống của Eddie là như thế đấy. Ông không phàn nàn. Ông chỉ bảo rằng ông luôn mơ có con có cái nhưng có lẽ là không được. Ông bố không minh mẫn nữa nhưng còn khỏe. Ông cụ sẽ còn thọ lâu và Eddie sẽ chẳng bao giờ có được căn hộ cho riêng mình để tính chuyện lập gia đình.Truyen8.mobi

Ông hút thuốc liên tục trên bục, ăn những tảng bánh mì khổng lồ kẹp thịt viên, chiêu hàng ly cối đầy sữa sôcôla cho bánh dễ trôi. Một ngày nọ thuốc lá đã làm ông ho sặc sụa khi ông đang lớn tiếng bảo Dominic béo lùi xe cho thẳng vào sát bục, Mày lái xe như con đĩ ngựa vùng Hoboken, tiếng ho lẫn với tiếng cười rồi Eddie tắc thở gục ngay trên bục, miệng vẫn ngậm điếu thuốc. Dominic béo ngồi trong buồng lái của chiếc xe tải vừa lùi xe vừa chửi thề cho đến lúc thấy Eddie mặt mày trắng nhợt, khò khè ngáp hơi. Khi Dominic béo nhảy từ buồng lái xuống bục thì Eddie đã chết, rồi thay vì cúi xuống nói với người chết như ta thấy trong phim thì Dominic béo đã lùi ra, lạch bạch bước xuống tam cấp, lên xe tải, vừa khóc rống lên như một con cá voi khổng lồ rồi lái xe đi luôn, quên cả món hàng phải giao.

Tôi đứng bên Eddie cho tới khi xe cấp cứu chở ông đi. Helena từ văn phòng bước ra nói rằng tôi trông thiểu nảo quá, an ủi tôi như thể Eddie là cha tôi. Tôi bảo cô rằng tôi xấu hổ vì người ta mới chở Eddie đi khỏi mà tôi đã nghĩ tới việc nộp đơn xin thế chỗ của ông. Tôi bảo làm như thế được chứ, nhỉ? Tôi có bằng đại học mà. Cô bảo ông sếp sẽ nhận tôi ngay. Ông ấy sẽ hãnh diện khoe rằng trên toàn khu cảng duy nhất Kho Cảng có một kiểm sát viên, sếp sòng bục dỡ hàng tốt nghiệp đại học. Cô bảo cứ ngồi vào bàn giấy của Eddie cho quen rồi viết một tờ đơn gửi sếp rằng anh muốn xin cái chân ấy.

Trên bàn là tấm bìa kẹp hồ sơ của Eddie, vẫn còn kẹp miếng giấy giao hàng của Dominic béo. Một cây bút đỏ được buộc với tấm bìa. Một chiếc ly cao đựng cà phê đen vơi một nửa trên bàn. Chiếc ly mang tên EDDIE. Tôi nghĩ mình cũng phải có một cái ly như thế mang tên FRANK. Helena chắc chắn biết mua thứ ly này ở đâu. Nghĩ có nàng phụ giúp cho tôi cảm giác được an ủi. Nàng hỏi: Anh còn chờ gì nữa? Viết đơn đi. Tôi nhìn ly cà phê của Eddie lần nữa. Tôi nhìn ra bục bốc dỡ nơi ông đã gục chết để rồi không lòng dạ nào viết nổi tờ đơn. Helena bảo rằng đó là cơ hội của đời tôi. Tôi sẽ được 100 đôla một tuần, trời ạ, thay vì 77 đô bèo như hiện nay.

Không, tôi sẽ chẳng bao giờ thay được chỗ của Eddie trên bục dỡ, lòng dạ tôi, trái tim tôi không được bao dung như Eddie. Helena nói OK, OK, anh đúng. Đại học mà làm gì khi ta chỉ đứng trên bục dỡ, kiểm kê những bao hạt tiêu? Người học hành dang dở làm cũng được, em không có ý xúc phạm Eddie đâu. Anh muốn thành một Eddie mới ư? Bỏ cả đời để kiểm hàng với Dominic béo ư? Anh cứ đi làm thầy giáo thôi, cưng ạ. Mới nở mày nở mặt được.

Do tách cà phê và sự thúc đẩy của Helena mà tôi đã chào vĩnh biệt bến cảng để vào lớp học hay ấy là lương tri đã bảo tôi, Thôi đừng ỡm ờ nữa, dạy học đi, cha nội?

Khi tôi kể những chuyện trên bến cảng thì các em học sinh nhìn tôi bằng đôi mắt khác. Một em nói rằng em thấy hơi lạ khi có một ông thầy ngồi trên bục giảng từng lao động như mọi người bình thường, chứ không chân ướt chân ráo từ đại học và nói toàn những chuyện trong sách vở. Trước đây em đã nghĩ hẳn em cũng sẽ thích làm việc ở bến tàu, được nhiều tiền làm thêm giờ, lại thỉnh thoảng bán chác những món hàng hư hại mà thu nhập thêm, nhưng bố em bảo sẽ đánh em nát đít, ha ha, mà trong những gia đình gốc Ý con cái không dám cãi cha mẹ. Bố em bảo, nếu ông người Ireland này thành thầy giáo nổi thì con cũng làm được, Romy ạ. Hãy quên ước mơ làm phu bến tàu đi. Có thể con sẽ kiếm bộn tiền đấy, nhưng phỏng ích gì nếu con không thể duỗi thẳng lưng?


Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25328


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận