Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 4

Chương 4
Một chiếc xe con xịch đỗ đầu khu lắp ghép. Vợ chồng Vũ Xuyến và vợ chồng Trần Trung vào đón cô Mai Du về Hội trường.

Xe bon bon trong một buổi chiều nắng đẹp cuối tháng 12-1990, khi mà trường cấp 3 huyện H. đã ở vào tuổi 30 - cái tuổi đầy sung sức. Hai mươi mấy năm xa, bây giờ mới lại có dịp đi trên những nẻo đường thân quen, Mai Du lâng lâng xúc động. Cô đang nhớ lại những kỷ niệm vui buồn đã gắn mình với mỗi đoạn đường, mỗi địa danh, mỗi cảnh vật của một thời xa xưa thì chuyện kể của các cô cậu học trò đã đưa cô về thực tại. Những chuyện Nam Định bây giờ, huyện H. bây giờ, chuyện những người ngày ấy cùng cô ở huyện, ở trường, nay ai còn ai mất, ai đương chức, ai nghỉ hưu... Rồi những ký ức về trường, về lớp, về cô, về trò cứ nối tiếp nhau không dứt làm Mai Du quên cả chặng đường dài. Chập tối, xe đưa cô trò về tới huyện H. Qua khỏi huyện lị một chút thì đến trường PTTH A. Đó là một tòa nhà ba tầng đường bệ, đã được trang trí cờ hoa lộng lẫy, nằm sát tòa nhà thờ lớn của toàn xứ. Người huyện H. vẫn tự hào gọi nó là "ngôi trường chiến lợi phẩm", bởi đó chính là cái Trường Dòng, cũng là cái bốt gác lợi hại của quân Pháp mà khi xưa quân dân huyện H. đã anh dũng giành lại được. Huyện và trường đón những người ở xa về rất trịnh trọng. Nhưng Mai Du muốn nấn ná đứng giữa sân trường để gặp gỡ, trò chuyện với bạn, với trò. Cả những chiến sĩ hải quân, những anh lính chiến khi xưa chỉ "gặp cô" qua thư từ nay cũng đã dần dần tề tựu. Có cả vợ chồng Tân - Miễn. Họ đ u là bác sĩ quân y, đã từng cùng nhau đi phục vụ ở chiến trường B, và nay cùng chuyển về làm quản lý ở bệnh viện huyện H. Cô Mai Du nắm chặt tay những người học trò, rưng rưng xúc động. Cô hình dung lại từng gương mặt thân quen của mỗi người như mới ngày nào ngồi trên ghế nhà trường. Còn họ thì kể cho cô giáo những chuyện của vợ chồng con cái mình. Đồng nghiệp thấy Mai Du về, nhiều người reo lên vui mừng. Song không mấy ai gọi tên Mai Du mà chỉ gọi tên các nhân vật mà Mai Du đã sắm vai theo cách nhớ của họ:

- Chị Nhàn (Kịch "Chị Nhàn").

- Chị Hòa! (Kịch "Chị Hòa")

- Chị Minh! (Kịch "Một đảng viên")

- Vân! (Kịch "Nổi gió")

- Chị gái! (chị Trung úy Phương)...

Những cái tên gọi nhắc Mai Du nhớ đến những kỷ niệm của một thời sôi nổi ở cấp 3 huyện H.

Buổi tối, sau những cuộc gặp gỡ với huyện, với trường, người ta mời cô Mai Du về nghỉ tại một nhà khách sang trọng. Nhưng Mai Du từ chối, khi cô phát hiện ra gần đó có nhà trọ học của một nữ sinh trường PTTH A. Cô bé gọi Mai Du là "bà" vì bố cháu cũng là học sinh cũ của trường, còn Mai Du thì muốn "hai bác cháu ngủ chung" để có dịp được trò chuyện mà hiểu biết thêm chút nữa về thực tế hiện nay của cấp 3 huyện H. Đã khuya rồi, Mai Du vẫn có "khách" đến thăm. Nói đúng hơn, họ mới là "chủ", đến xem cô giáo có cần gì? Ông chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện dè dặt:

- Thưa cô! Em rất muốn gặp riêng cô, nhưng em biết từ tối đến giờ cô rất bận! - Rồi anh thân tình tự giới thiệu:  - Ngày cô mới về trường, em học lớp cuối cấp, cô chỉ dạy thay lớp em một thời gian ngắn. Nhưng đó là những tiết học đầy ấn tượng, bọn em mang theo hành trang, đi suốt cuộc đời mình!

- Bây giờ, anh có thể giúp đưa tôi tranh thủ đến thăm một đồng chí cán bộ huyện cũ nào đó được không?

- Cô đề xuất ý kiến rất tuyệt. Em nghĩ cô đến được nhà bác Tâm thì quý quá. Hồi cô làm Ủy ban thì bác ấy làm Huyện đội trưởng. Cô còn nhớ không?

- Có chứ. Bác Tâm A vẫn muốn cô làm huyện đội phó. Về sau cô đi rồi thì bác ấy làm Bí thư Huyện ủy nhiều năm, cô biết chứ!

- Một con người thật nhân đức, thật gương mẫu! Chỉ lo cho mọi người, tình nghĩa chu đáo với mọi người mà không hề nghĩ đến mình, cô ạ.

- Có phải bác Tâm A có tin buồn? Một người con trai hy sinh?

- Đúng đấy ạ. Người con trai duy nhất của bác đã hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn! Từ ngày báo tử, bác ấy suy sụp hẳn. Về hưu ở dưới thôn Hùng, hai ông bà già sống chật


vật lắm.

Chiếc xe "Đờ-rim" của ông Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện chở cô giáo cũ xé màn sương lao đi trong đêm khuya lạnh, vắng ngắt! Hai người mải trò chuyện, chẳng bao lâu đã hết đoạn đường 5 cây số. Ông bạn già lập cập mở cửa đón khách từ Hà Nội về:

- Cô giáo Mai Du à? Cô còn nhớ anh, quý hóa quá!

Với Mai Du, đó là một cuộc gặp gỡ cảm động mà thú vị, không ngờ đã có được trong chuyến về hội trường hiếm hoi và rất ngắn ngủi này. Khi trở lại nằm bên cô nữ sinh lớp 10, Mai Du vẫn không tài nào chợp mắt được. Xa xa có tiếng gà te te gáy sáng. Rồi tiếng chuông nhà thờ bốn phía thi nhau đổ rền, lay động cả không gian yên ả. Mai Du nao nao nhớ lại cảm giác của mình buổi đầu tiên về trường gần 30 năm trước!

Sáng hôm sau, trong buổi hội trường, thay cho lời phát biểu ý kiến đại diện của các thầy cô giáo cũ, Mai Du đọc bốn câu thơ:

Biết mấy yêu thương gửi chốn này

Hai lăm năm vắng lại về đây

Gặp trò, gặp bạn mừng khôn xiết

Nói chẳng nên lời, tay nắm tay.

Trên diễn đàn trọng thể, Mai Du không chỉ nói với bạn, với trò mình ở cấp 3 huyện H., lòng cô giáo còn hướng tới toàn thể nhân dân trong huyện - cảm ơn những cử chi đã một thời cầm lá phiếu tín nhiệm mình, hướng tới những người cộng sự lớn tuổi thuở xưa ở cơ quan huyện, gửi lời ân cần thăm hỏi hoặc kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của họ.

 

Một ngày một đêm trở về trường, vui vẻ lắm, mà lòng Mai Du vẫn bâng khuâng, bâng khuâng! Bạn cũ có người chắt lưỡi: "Tiếc quá! Mai Du về mà anh Thanh không về!". Ngày ấy, anh Thanh đi B. Cho đến bây giờ chưa ai gặp lại, cũng không rõ địa chỉ của anh, mặc dầu biết sau giải phóng anh đã trở ra Bắc rồi. Mai Du ghi vội mấy dòng vào sổ lưu niệm của trường trước khi lên xe cùng vợ chồng Vũ Xuyến trở về Hà Nội, hy vọng có ngày nào đó may ra anh Thanh đọc thấy:

Sao anh không về thăm huyện H?

Hội trường gợi nhớ những ngày xưa

Mỏi mắt tìm ai mà chẳng thấy

Rừng người sao bỗng hóa nên thưa!

Chỉ chừng mươi lăm hôm sau chuyến về hội trường, Mai Du tới tấp nhận được nào thư, nào ảnh, nào những bài thơ "họa" của bạn, của trò. Thế là "kho tài sản đồ sộ và vô giá" của cô lại được bổ sung thêm những kỷ vật mới của cấp 3 huyện H.

Nguồn: truyen8.mobi/t91418-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận