Nhất Phẩm Giang Sơn Chương 191 : Đấu giải Nguyên

Nhất Phẩm Giang Sơn
Tác giả: Tam Giới Đại Sư

Quyển 5: Quyết Chế Lệnh
Chương 191: Đấu giải Nguyên

Nhóm dịch: Đọc Truyện Đêm Khuya
Nguồn: Mê Truyện


Bấm nút "Thu gọn" để thu gọn nội dungThu gọn

Trên thực tế, nhóm Gia Hữu học xã của bọn Trần Khác chỉ là hàng con cháu so với đám Thái Học văn hội của Lưu Kỷ.

Thái Học văn hội tuyên bố chỉ thu nhận người có tài văn chương xuất chúng, vì vậy tập trung được rất nhiều kẻ sĩ có học vấn trong Thái Học, song cũng có nhiều con cháu thế gia trong kinh dùng ngàn vàng vào hội nhằm đánh bóng danh tiếng bản thân. Bởi thế mà đoàn thể được thành lập lâu năm này muốn tài có tài, muốn tiền có tiền, phong quang một thời không gì sánh được.

Nhưng Gia Hữu học xã mới nổi gần đây khiến bọn họ rất khó chịu. Lý do là vì Trần Khác, huynh đệ Tô Thức, cả Lã Huệ Khanh cũng cự tuyệt lời mời gia nhập của bên Thái Học, thay vào đó là thành lập một đoàn thể nhỏ tự tiêu khiển. Loại coi thường trắng trợn như vậy khiến Thái Học văn hội cảm thấy bị xúc phạm.



Vốn tưởng rằng bọn người đó sẽ lúng túng khi vào trường thi, ngờ đâu khi yết bảng, cả đám Gia Hữu học xã đều có tên trên bảng không sót một ai. Nếu đổi lại là Thái Học văn hội, vì gần đây tốt xấu lẫn lộn nên thực tế có một nhóm không đậu, việc này khiến cho bọn Lưu Kỷ tự xưng là Thái Học tinh anh hội nhanh chóng muốn đánh bại đối phương để chứng minh họ vẫn mạnh nhất.

Nhưng ai ngờ xuất trận bất lợi, không thể làm chủ được trận thứ nhất. Lưu Kỷ chuẩn bị đích thân ra đấu lại bị một người ngăn cản, kẻ đó nói:
- Giết gà cần gì tới dao mổ trâu, Chi Đạo huynh, hãy để cho tiểu đệ tới trước đi.

Mọi người bên Thái Học văn hội trông thấy Tống Thiên Nhạc – con trai của Thái Học giả Tống Kỳ lên ứng chiến, tức thì họ mừng rỡ, ai cũng nói: “Lần này thì thỏa đáng rồi”.

Tống Thiên Nhạc khẽ phẩy quạt xếp, chậm rãi tiến lên, trầm bổng ngâm nga:
- Liễu tuyến oanh toa, chức tựu Giang Nam tam xuân cảnh. (oanh liễu sợi thoi, dệt thành ba xuân cảnh Giang Nam)

- Vân tiên nhạn tự, truyền lai tắc bắc cửu thu thư. (mây nhạn giấy chữ, truyền đến chín thu thư tái bắc)
Giáp Đản đối đáp rất tự nhiên.

- Hoa ổ xuân tình, điểu vận tấu thành vô khổng địch. (Khóm hoa xuân tình, chim hót tấu thành Vô Khổng sáo)
Đây là lấy tiếng chim hót so với tiếng sáo Vô Khổng (thổi sáo bằng đan điền – vùng dưới rốn).

- Thụ đình nhật mộ, thiền thanh đạn xuất bất huyền cầm. (Cây đình hoàng hôn, tiếng ve gảy thành đàn khuyết dây)
Giáp Đản suy nghĩ một hồi lâu mới đối được, lấy tiếng ve so với tiếng đàn không dây, hiển nhiên nhận được sự hưởng ứng của mọi người.

- Tống huynh nên đối khó một chút, đừng để chúng coi thường Tống gia.
Người của Thái Học văn hội lớn tiếng nói.

Lúc này, sĩ tử thư sinh khắp lầu bị cuốn hút vào màn long tranh hổ đấu này. Tống Thiên Nhạc thấy thời cơ đã đến, y gấp quạt giấy, ngâm khoan thai:
- Chung cổ lâu trung, chung dạ chung thanh chung bất đoạn.
(Chuông trống trong lầu, tiếng chuông suốt đêm vang không ngừng)
Câu đối tưởng chừng như bình thường này, trên thực tế lại ẩn tàng sát khí. Bởi vì câu đối có ba từ đồng thanh là “chung” (chuông), “trung” (ở trong) và “chung” (suốt), hơn nữa hai từ “chung” (chuông và suốt) xuất hiện đến hai lần.

Giáp Đản đầu đầy mồ hôi, không thể không bại mà rút lui. Y cực kỳ hổ thẹn nói với các ca ca:
- Đệ thua rồi…

- Làm rất tốt.
Mọi người cười nói:
- Xem Tử Chiêm huynh của đệ đi.

Tô Thức liền vươn người đứng dậy. Sau khi đến kinh thì y luôn âm thầm, ẩn mình mãi đến lúc thi Hương thì trúng phó khôi yết bảng. Vì vậy lúc này mọi người đều bàn tán, rốt cuộc vị trí phó khôi này có được là nhờ may mắn hay do thực tài.

Hiển nhiên Tống Thiên Nhạc là viên đá vàng đầu tiên để y thử tài.

- Vế đầu của Tống huynh là “chung cổ lâu trung, chung dạ chung thanh chung bất đoạn”.
Tô Thức cười thản nhiên, đẩy cửa sổ ra nói:
- Vế đối sau của tiểu đệ là “Kim khoa trường cận, kim nhật kim bảng tận đề danh.” (kim khoa kề cận, hôm nay kim bảng đã đề danh)

Mọi người trước là sửng sốt, sau khi ngẫm nghĩ ý tứ một hồi thì tiếng ủng hộ rung trời vỡ òa, không riêng gì người của Gia Hữu học xã, thậm chí đến phe Thái Học văn hội cũng thật lòng bội phục Tô Thức… Trạng Nguyên lầu nằm sát bên Quốc Tử Giám, Quốc Tử Giám là trường thi của mọi người, mà sĩ tử trong Trạng Nguyên lầu hôm nay đều là người tham gia thi. Câu đối sát đề như thế, hơn nữa còn đẩy trình độ đối câu lên đến tuyệt đỉnh, Tô Tử Chiêm này quả nhiên không phải hạng tầm thường!

Trong khi đó Tống Thiên Nhạc đã ẻm nhẹm vế đối đầu nhiều năm nay. Nhà y học vấn uyên thâm, mấy năm trước đọc được vế đối đầu trong một cuốn sách, lao tâm khổ tứ mãi mà không đối được vế sau. Lúc này thấy Tô Thức đối đáp nhẹ tênh, y tức thì đỏ mặt. Nhằm nhanh lấy lại thể diện, Tống Thiên Nhạc lại ra một vế đối giấu đã lâu:
- Vũ tư xuân thụ bích liên thiên. (mưa rơi cây xuân xanh mấy ngày)

Lần này thì không có gì lạ kì, thậm chí mọi người không ngẫm ra huyền cơ trong đó, nhưng ai biết được bên trong lại ẩn giấu sát khí.

Tô Thức trầm ngâm một lát, ngẩng đầu cười nói:
- Phong tống hoa hương hồng mãn địa. (Gió tiễn hương hoa đỏ tràn đất)

- Vế đối đầu của ta có thể đọc ngược lại.
Tống Thiên Nhạc cười lạnh nói:
- Vũ tư xuân thụ bích liên thiên. Thiên liên bích thụ xuân tư vũ!

Mọi người nghe vậy đều hít hơi cảm khái, thật là độc ác quá đi mà.

- Ai nói ta không thể đọc ngược được chứ?
Tô Thức cười thản nhiên.

- Phong tống hoa hương hồng mãn địa, địa mãn hồng hương hoa tống phong.
Lập tức có người giúp y đọc lên, phút chốc xung quanh đều hoan hô. Tô Thức này quả thật đỉnh thôi rồi! Xem ra thật xứng với vị trí phó khôi!

- Ta còn câu đối cuối cùng.
Tống Thiên Nhạc thẹn quá hóa giận nói:

- Nếu ngươi có thể đối được thì ta nhận thua!

- Không dám, không dám.
Tô Thức chắp tay cười nói.

- Đừng làm càn, ta vẫn chưa ra câu đối mà!
Tống Thiên Nhạc nổi giận nói:
- Nghe đây, “bạch tháp nhai, hoàng thiết tượng, sinh hồng lô, thiêu hắc thán, mạo thanh yên, thiểm lam quang, thối tử thiết, tọa bắc triều nam đả đông tây”!
(phố tháp trắng, tiệm rèn vàng, lò rèn đỏ, đốt than đen, tỏa khói xanh, lóe ánh lam, tôi sắt tím, ngồi bắc hướng nam đánh đông tây)

Mọi người lại thấy đầu óc choáng váng, thầm nhủ y lấy đâu ra nhiều câu đối quỷ quái thế này? Trắng vàng đỏ đen xanh lam tím, bắc nam đông tây, bảy màu bốn hướng, sợ là thần tiên cũng không thể đối được.

- Có rồi!
Ngờ đâu Tô Thức còn “thần tiên” hơn cả thần tiên, y suy nghĩ một chút liền vỗ tay đối:
- Dương hoa tự, kim phương trượng, thiết thổ đàn, bãi mộc trác, nhiên hỏa chúc, thi thủy thuật, khu âm hồn; triệu thần khu tiên trừ quỷ mị!
(chùa dương hoa, kim phương trượng, lập thổ đàn, bày bàn gỗ, thắp lửa nến, hành thuật thủy, đuổi âm hồn; gọi thần xua tiên trừ quỷ mị)

Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ âm dương đối với trắng vàng đỏ đen xanh lam tím, thần tiên quỷ mị đối với bắc nam đông tây!

Trong tiếng hoan hô không ngớt của mọi người, Tống Thiên Nhạc chắp tay nói một tiếng: “Đã lĩnh giáo.” rồi vội vàng chen qua đám đông rời đi, nghe nói y đời này không đối câu với người khác thêm lần nào nữa.

….

Thấy Tống Thiên Nhạc nổi danh đối hay cũng chịu thua thảm hại trước mặt Tô Thức, người của Thái Học văn hội không dám ra ứng chiến. Ánh mắt của mọi người đều hướng vào Lưu Kỷ, vị giải Nguyên khoa này sớm đã được xưng là đệ nhất tài tử của Đại Tống.

Đến nước này, nhằm bảo vệ danh tiếng đệ nhất tài tử của mình và vinh dự của Thái Học văn hội, Lưu Kỷ không thể không ra trận. Nhưng ba vế đối kinh người khi nãy của Tô Thức lại khiến Lưu Kỷ chưa chiến đã sợ, y cảm thấy nếu đấu với người này thì sẽ thua rất thảm hại.

Ngay lúc y đang trầm tư, bên Thái Học văn hội có kẻ lên tiếng:
- Các vị, chúng ta vì sao lại đấu trận này, hiện tại hình như có chút nhầm lẫn rồi đó?

- Đúng, chúng ta muốn thấy giải Nguyên khoa chính và giải Nguyên Biệt Đầu ai lợi hại hơn, tại sao lại trở thành cuộc đấu của những người không liên can?
Người cùng hội liền ngầm hiểu, vội kẻ xướng người họa nói.

- Cứ chứng minh giải Nguyên này giỏi hơn thứ Nguyên hẵng tính.
Lã Huệ Khanh cười nói:
- Không thắng được Tô Tử Chiêm thì còn gì để nói nữa?

- Hoang đường.
Phe Thái Học văn hội quả quyết nói:
- Thứ bậc là do quan khảo sắp xếp, tại sao còn phải tỷ thí lần nữa? Lẽ nào chư vị hoài nghi hai vị chủ khảo và phó chủ khảo?

Ai cũng có thể thấy người của Thái Học văn hội yếu thế rồi, không dám để Lưu Kỷ đấu với Tô Thức. Hơn nữa nãy giờ Lưu Kỷ vẫn im lặng, e là cũng nghĩ tương tự, song không ai phản bác được họ… Mặc dù triều Tống cấm môn sinh bái quan chủ khảo, nhưng thân là cử nhân đã đậu thì nên cảm kích quan khảo. Vừa mới yết bảng chưa đầy một canh giờ, nào có thể nói này nói nọ về thứ bậc cho được?

Huống chi mọi người cũng cực kỳ muốn thấy cuộc so tài giữa giải Nguyên khoa chính và giải Nguyên Biệt Đầu, không cần biết là xuất phát từ tâm lý nào, việc này hiển nhiên vô cùng hấp dẫn.

- Hỏng rồi hỏng rồi.
Tằng Bố nói nhỏ với Trần Khác:
- Dù gì Lưu Kỷ cũng không phải hư danh, y thực sự có tài Trạng Nguyên. Nếu họ đã cự tuyệt so tài với Tô Thức, vậy ngươi cũng làm tương tự, cứ từ chối so tài với họ đi.


Trần lại sầm mặt không lên tiếng, không ai hiểu con như cha. Trần Hi Lượng từng nói nhìn hắn lúc nào cũng hi hi ha ha không để ý gì, thực chất lòng hiếu thắng nhiều hơn ai hết. Trước mắt, người của Thái Học văn hội tránh Tô Thức mà đối phó với Trần Khác, vốn là xem nhẹ hắn rồi.

Không so tài thì sao biết ai thắng ai bại? Lẽ nào giải Nguyên Biệt Đầu của hắn là lượm được từ dưới mặt đất à?

Trần Khác không màng đến sự ngăn cản của các huynh đệ, đứng dậy nói:
- Tử Chiêm, ngươi lui xuống đi.

…..

Cuối cùng, Lưu Kỷ và Trần Khác tiến lên ứng chiến trong ngàn tiếng cổ vũ. Lưu Kỷ dáng người gầy yếu, thấp hơn Trần Khác một bậc, ít ra nhìn từ vẻ ngoài thì y đã bị hắn áp chế một đầu.

Trạng Nguyên lầu cũng lặng đi, mọi người chỉ thấy Lưu Kỷ và Trần Khác nói chuyện vài câu rồi nghe bọn họ tuyên bố, hai người ước định đấu ba trận, ai được hai trận thì xem như thắng.

Trận đầu tiên do Gia Hữu học xã ra đề. Sau khi khẩn trương bàn bạc, mọi người quyết định dựa theo sở trường của Trần Khác, Lã Huệ Khanh đứng dậy nói:
- Chư vị, việc tinh thông đủ loại sách có thể thể hiện rõ nhất năng lực của người đọc sách, vì vậy chúng tôi đề nghị tìm hai quyển sách ở đây mời hai vị giải Nguyên học thuộc, xem ai có thể đọc được vừa nhiều vừa chuẩn trong thời gian một nén hương.

Mọi người đều gật đầu, đây đúng là biện pháp hay. Song có người dị nghị, chẳng may đó là cuốn sách mà một trong hai người từng dọc qua thì sao? Đối với hai vị giải Nguyên đã đọc nhiều sách thì việc này rất có khả năng.

- Ta có cách này.
Người lên tiếng chính là ông chủ của Trạng Nguyên lầu, mọi người bất đắc dĩ nhìn ông, chuyện của người đọc sách chúng ta, ông làm loạn gì chứ?

- Nghe ta nói trước đã, nếu không được thì thôi.
Ông chủ cười ha hả nói:
- Ở lầu có rất nhiều sổ sách ghi chép khách khứa, chắc chắn hai vị chưa từng thấy qua.

- Sổ sách?
Mới đầu mọi người cảm thấy thật hồ đồ, nhưng nghĩ lại thì ý này không tồi. Trước tiên, chắc chắn là hai người lần đầu xem qua, có thể đảm bảo tính công bằng, hơn nữa nội dung sổ sách lại hỗn tạp, thích hợp để thử tài trí nhớ nhất.

Hai quyển sổ dày cộm nhanh chóng được đưa tới trước mặt hai người, sĩ tử phụ trách phán quyết thắp hương rồi nói:
- Bắt đầu đi.

Hai người bắt đầu lật sách đọc. Tửu lầu im lặng đến mức kim rơi cũng có thể nghe thấy, không gian chỉ còn lại tiếng lật sách loạt soạt của hai người.

Nguồn: tunghoanh.com/nhat-pham-giang-son/quyen-5-chuong-191-I2Maaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận