Thời gian này, họ đang ngả nghiêng, chao đảo với những phát ngôn gây sốc, với những vụ “mua, bán dâm” lộ liễu bị phát giác khắp nơi. Những phát ngôn kiểu “yêu mà không có tiền, cạp đất ra mà ăn”, hay “người đẹp mất gì trong giao dịch nghìn đô”... được họ nhắc đi nhắc lại một cách khoái chí.
Tôi không phán xét cũng không có ý dạy dỗ ai, mà chỉ muốn kể vài câu chuyện nhỏ thế.
Tôi quen một cô nàng, giàu chẳng giàu, nghèo chẳng nghèo, nhưng có “sở thích” kì lạ là luôn đòi hỏi người yêu “gửi tiết kiệm” vào cuối mỗi buổi hẹn hò. Nàng đồng ý hẹn, nghĩa là chàng sẽ phải bỏ ra một khoản kha khá để trả công. Tất nhiên là nàng nói rằng nàng rất yêu chàng... Nàng cũng yêu tiền của chàng như là lời nàng bộc bạch cùng chàng. Còn chàng, chàng yêu tất thảy những thứ thuộc về nàng. Gia cảnh chàng đủ khấm khá, nên những yêu cầu của nàng chẳng thấm tháp vào đâu, không chút “xi nhê” nào hết. Trước giờ, nàng cũng chưa từng mang tiếng đào mỏ. Ừ, có chiếc máy đào mỏ nào giàu ngang cơ mỏ vàng, có chiếc máy đào mỏ nào cần vàng như một thói quen và một bằng chứng chứng minh cho điều nàng gọi là “tình yêu”?
Hôm trước, trên một tờ báo, có bài viết: “Tâm sự của một đồng xu”. Tạ Chuyện kể về một công tử nhà giàu yêu một nàng... sắp giàu. Nàng giàu vì những món đồ chàng tặng, nàng giàu vì những đòi hỏi của nàng chàng luôn sẵn sàng đáp ứng, thậm chí cả những món tiền (được nàng cho là) nhân danh tình yêu... Để rồi, một ngày kia, phát hiện ra rằng tất cả chỉ là trò lừa gạt, nàng đã hành động như vậy với rất nhiều thằng bạn khác trong nhóm bạn thân của chàng, chàng trai mới hiểu ra rằng mình chỉ là một đồng xu lăn trên sân, nằm trong sự điều khiển của nàng. Nhưng, đến thời điểm mà chàng phát hiện ra điều này thì nàng cũng cao chạy xa bay. Hình như nàng đã… sắp giàu.
Không chàng trai nào thích bị coi là mỏ vàng cho người ta đục khoét. Song cũng có nhiều chàng trai chỉ xứng danh mỏ đồng nhưng cũng ráng công nhọc sức, đóng giả mỏ vàng, nuông chiều người yêu mình từng chút một để rồi bất ngờ phát hoảng khi không còn nhận ra người mình thương yêu nữa. Tôi rất thích cách lập luận của người viết bài trên, nghĩa là chuyện đồng xu, mỏ vàng, đục khoét đào xới, không chỉ là lỗi của phụ nữ hám danh, cầu tiền, mà còn nằm ở những người đàn ông của họ, người đã sẵn sàng chiều theo sở thích khó nhằn ấy.
Ngay cả các phương tiện truyền thông cũng đang “dội” vào chị em phụ nữ những ảo mộng, mơ ước về một mối tình với chàng trai cầu hôn bằng dàn siêu xe, hay cũng đơn giản là đủ sức thuê hẳn một tầng của quán ăn để tạo bất ngờ cho người yêu mình... Hiệu ứng đám đông xảy ra tất yếu khi càng nhiều phụ nữ ngoài kia được hưởng “sung sướng”, khoe với bàn dân thiên hạ niềm vinh dự đó. Đó chẳng phải lí do khi thấy đàn chị “nô nức” khoe sang giàu bằng mọi cách, thậm chỉ cả bán dâm, cô nàng chưa tới mười tám tuổi – Phương Trinh – cũng hùng hồn tuyên bố có đại gia sẵn sàng chi cả nghìn đô ra để hẹn hò với nàng sao.
Đành rằng chẳng ai ủng hộ tư tưởng “yêu mà không tiền cạp đất ra mà ăn” của nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh, nhưng thú thực tôi cũng không ưa lắm lí thuyết AQ tuyệt đối theo kiểu “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”. Song, tôi tin, cách tốt nhất để xóa bỏ lí thuyết ấy, không phải là cố sống cố chết bám vào cái cọc nào đó, “nhẫn tâm” “đào mỏ”, biến tình yêu thành một thứ phương tiện kiếm chác, lợi dụng. Nhiều phụ nữ tin rằng họ chẳng mất gì trong những “giao dịch” ấy, nhưng đáng buồn thay, thứ họ đã lãng quên và đánh mất trên đường đời nhọc nhằn ấy, lại là thứ họ chẳng khi nào có thể lấy lại, lòng tự trọng và sự tự tin vào bản thân.
Vẫn biết kiếm được đồng tiền chẳng khi nào là điều đơn giản, lắm người mưu sinh vất vả đến mức trào nước mắt. Nhưng có nhất thiết phải mang trái tim, tình yêu của mình đến trước mặt một người đàn ông và rao: “Trái tim này, anh mua giá bao nhiêu?” như vậy không?
Một chị bạn thân của tôi đã viết trên Facebook những dòng như thế này: “Tình phí, yêu tình này rất phí”. Tôi vội vàng nhấn “like”, chưa khi nào thấy hài lòng đến vậy. Chẳng ai có thể ngồi nhìn nhau cả đời, chấp nhận chết đói để nuôi dưỡng tình yêu. Nhưng tiền cũng chỉ là một nhân tố rất nhỏ để cấu thành lên hạnh phúc. Hãy để nó mãi mãi chỉ là nhân tố, đừng biến nó trở thành tác nhân phá hoại hạnh phúc của bạn!