Qùa Tặng Mẹ Truyện ngắn 14

Truyện ngắn 14
Vẽ đường cho hươu (Giải Nhì tháng 2 đợt 2)

Lớp 12, lần đầu tiên tôi lưu tâm đến một người con gái khác, ngoài mẹ và em gái. Như rất nhiều cậu trai ở tuổi đó, tôi mụ mị chạy theo người ta, lơ là chuyện học hành và gia đình. Thậm chí cuối tuần - quãng thời gian hiếm hoi mà cả nhà tôi có thể quây quần bên nhau cũng bị tôi xà xẻo để dành cho người ấy.

Tôi không biết mẹ nhận ra những biểu hiện lạ lùng của mình từ khi nào. Chắc là rất sớm, nhưng vì tế nhị nên mẹ không nói.

Tôi còn nhớ một buổi tối đi học thêm về rất muộn, lí do là vì tôi chờ đến khi em học xong, canh để “tình cờ gặp gỡ” ở hàng truyện. Về, thấy cả nhà tắt đèn đi ngủ rồi, tôi rón rén mở cổng, bò vào bếp tìm đồ ăn. Đang lục tủ lạnh thì đèn bật sáng. Mẹ tôi nghiêm nghị đứng đó.

“Con đi đâu giờ này mới về?”.

“Con đi học thêm”.

“Đừng có dối mẹ, hôm nay học ca 7h – 9h cơ mà? Hơn tiếng đồng hồ qua con đi đâu?”.

Mẹ tôi bắt đầu quở trách, rằng tôi không biết thương bố mẹ, không biết nghĩ đến mọi người trong nhà. Rằng chuyện học hành của tôi gần đây tệ hại lắm rồi, mà đã lên lớp 12, thời gian không còn nhiều nữa. Rằng mẹ đã biết vì sao tôi bê bối như thế… Khoan, mẹ đã biết? Tôi ngẩng phắt lên, chỉ thấy mẹ nhịp nhịp tay trên bàn, giọng lạnh lùng:

“Chiều thứ bảy tuần này đưa con bé ấy đến nhà cho mẹ gặp”.

Thôi xong đời tôi rồi.

“Mẹ ơi, thật ra thì… bọn con không phải người yêu của nhau đâu ạ. Thật đấy, em ấy là bạn của cái Vy con nhà chú Tú, chỉ coi con như anh trai thôi. Con vẫn đang, vẫn đang…”.

Mẹ thở dài, “Thì cứ đưa nó đến nhà cho mẹ gặp, mẹ có ăn thịt nó đâu mà sợ. Nếu không là mẹ buộc phải nói với bố đấy, để xem lúc đó bố xử lí như thế nào”.

Mấy ngày sau đó tôi nghĩ nát óc vẫn không tìm ra cớ để mời em đến nhà. Bước đường cùng tôi phải nhờ cái Vy giúp. Nó dòm tôi lom lom, tôi đành thú thật sự thể là như thế. Mặt nó tái mét, ở tuổi chúng tôi tình yêu là thứ bị cấm, dù có là một người cực kì tâm lí và hiện đại như mẹ tôi thì chắc cũng khó lòng chấp nhận được. Mà nếu để chuyện lan đến tai bố tôi thì lại càng nguy hiểm, bố tôi là người rất nguyên tắc và bảo thủ, sẽ không đời nào tha tội cho tôi đâu.

Nghĩ mãi, cuối cùng hai anh em cũng tìm ra cớ. Em ấy rất ham đọc sách, nghe nói gần đây đang đi tìm mấy đầu sách hiếm, mà tình cờ sao trong tủ sách nhà tôi lại có. Chiều thứ bảy, Vy sẽ rủ em đi mua sách, sau khi lượn mấy hiệu sách mà không thấy, con bé sẽ “sực nhớ” ra rằng nhà tôi có nhiều sách hiếm, biết đâu sẽ có. Thế là…

Phần việc còn lại là của tôi, phải đảm bảo “an toàn tuyệt đối” cho hai đứa, không để cho em bị “sứt mẻ” chút nào khi bước ra khỏi nhà tôi.

Chiều thứ bảy ấy tôi như con kiến bị rang trên chảo nóng, trong khi mẹ tôi cứ bình chân như vại. Mẹ nấu chè, mẹ cán bột nướng bánh, vừa làm vừa ngâm nga hát. Mấy lần tôi vào bếp, định nhắc khéo mẹ nương tay cho em mà toàn bị mẹ lườm cho cháy mặt, lại lủi thủi đi ra. Đến khi hai tay tôi sắp xoắn chặt vào nhau rồi, đợi chờ mãi cuối cùng em cũng đến.

Lấy sách xong, ba đứa chúng tôi ngồi quanh bàn ăn, đối diện là mẹ tôi đang mỉm cười hòa nhã. Tôi cứ có cảm giác nụ cười ấy chứa kim châm, càng nhìn càng thấy nhột nhạt. Mẹ bắt đầu hỏi han về chuyện học hành của mấy đứa, rồi như rất vô tình, hỏi về nhà cửa, gia đình. Trống ngực tôi đánh liên hồi, em quê ở miền núi, nhà buôn bán, lại là người dân tộc nên em rất nhạy cảm với mấy câu hỏi kiểu này. Tôi còn nhớ khi mới biết về gia cảnh của em, em đã lạnh lùng hỏi ngược lại: “Có sợ bị bỏ bùa không?”. Không biết em sẽ trả lời mẹ tôi thế nào đây, mẹ tôi sẽ nghĩ gì về em đây…

Em nhẹ nhàng đáp lời: “Cháu không phải người thành phố, nhà cháu ở huyện B, xuống đây trọ học thôi ạ. Bố mẹ cháu có cửa hàng ở nhà, buôn bán lặt vặt thôi”.

Mẹ tôi nhíu mày nghiền ngẫm, tôi chực đỡ lời thì bị mẹ lườm cho một cái, đành phải im lặng.

“Nhà cháu ở thị trấn hay ở xã? Có biết nhà chú N không?”.

Em đờ người ra, nét mặt sững sờ. Dưới gầm bàn, cái Vy bấu chặt tay tôi, trong đầu tôi như vang lên tiếng nhạc tang lễ. Thôi xong rồi.

“Cháu là con bố N ạ”.

Mẹ tôi cười kìa, cười rất tươi là đằng khác.

“Cháu giống hệt bố cháu, thảo nào bác thấy quen quen. Ngày bác gặp cháu lần đầu thì cháu đang còn lẫm chẫm tập đi, vậy mà giờ đã lớn thế này rồi. Nhà nội hai đứa ở cùng làng đấy”.

Và rồi, cuộc trò chuyện giữa mẹ và bạn gái tương lai của con trai đã bẻ ngoặt sang một hướng hoàn toàn khác.

Nhiều năm sau, khi nhắc lại cuộc nói chuyện “định mệnh” ngày ấy, mẹ tôi thủng thẳng bảo rằng, thà vẽ đường cho hươu chạy còn hơn để nó tự mò mẫm rồi đâm quàng bụi rậm. Tôi vẫn luôn cám ơn cuộc đời vì đã cho tôi được làm con của mẹ, một người cực kì tâm lí, tôn trọng và yêu thương con mình đúng cách. Tuổi mười bảy bồng bột và xốc nổi của tôi đã trôi qua êm đềm nhờ có mẹ, tình cảm đầu đời của tôi có thể đơm hoa kết trái cũng là nhờ mẹ. Như một câu trong lá thư mẹ đặt vào tay tôi trước ngày tôi lên đường đi du học mà cả đời này, vĩnh viễn tôi không cách nào quên được:

“Người khác sẽ chọn những thứ mà họ cho rằng là tốt nhất cho con mình, còn mẹ, mẹ sẽ chỉ chọn những gì làm cho con cảm thấy hạnh phúc”.

 

Ngô Việt Duy

AUT, Auckland, New Zealand

 

Nguồn: truyen8.mobi/t78591-qua-tang-me-truyen-ngan-14.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận