Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 13

Chương 13
Lenin có quen Khasbulatov không?

Việc thành lập Hiệp hội Thân nhân của những người được an táng ở Hàng mộ Danh dự bên tường Kremli là câu trả lời đối với những lời kêu gọi “dẹp bỏ nghĩa trang ra khỏi Quảng trường Đỏ” những lời này thường xuyên được chính quyền “dân chủ” phát biểu ngang nhiên và trắng trợn.

Chúng ta hãy nhắc đến hai vụ việc lớn nhất.

Đầu tháng 10 năm 1993, thị trưởng Moskva Yu. Luzhkov trình lên Điện Kremli một dự thảo sắc lệnh của Tổng thống được Văn phòng Thị trưởng soạn thảo “Về việc khôi phục diện mạo lịch sử của Quảng trường Đỏ Moskva”. Vào những ngày đó, Điện Kremli đang rất cần đánh lạc hướng chú ý của dư luận trong nước và quốc tế khỏi cuộc đảo chính vi hiến kèm theo việc bắn phá trụ sở nghị viện và tàn sát đẫm máu ở ngay sát tường nhà nghị viện. Chúng ta nên biết là Hitler cũng chỉ dám đốt trụ sở Nghị viện Đức vào ban đêm, khi không có người trong tòa nhà.

Trong phụ lục kèm theo dự thảo sắc lệnh “Về các luận cứ lịch sử” có nói rõ: “Các sự kiện diễn ra ở Moskva vào các ngày 2-4 tháng 10 đã buộc chúng tôi phải trình lên Ngài (Yeltsin. - A. A.) yêu cầu giải quyết vấn đề cải táng” di hài V. I. Lenin và hơn 400 người được chôn ở chân tường thành Kremli. Đó là một cái cớ trắng trợn vô liêm sỉ. Nảy sinh một câu hỏi tất nhiên: Chẳng lẽ những người được an táng trên Quảng trường Đỏ như Lenin, Maxim Gorky, nguyên soái Zhukov, nhà du hành vũ trụ Gagarin, các viện sĩ Korolyov, Kurchatov và Keldysh và hơn 350 người khác nữa đang yên giấc vĩnh hằng tại đó có quen biết và kết bạn với những nhân vật lãnh đạo của cái Nghị viện bị nã pháo của các ông Khasbulatov và Rutskoy đó chăng?

Hành động tuyên truyền của Tòa Thị chính, có lẽ, được thỏa thuận trước với Điện Kremli, đã thành công: báo chí và các kênh truyền hình trên toàn th giới, ngay lập tức quên đi vụ bắn giết đẫm máu ở chân tường Nhà Xô viết(1), và bắt đầu đăng tải ầm ĩ các tin tức giật gân mới, bàn tán về số phận của Lăng V. I. Lenin và Hàng mộ Danh dự ở chân tường thành Kremli.

Nhiều phóng viên nước ngoài đánh giá kiến nghị của Yu. Luzhkov không khác nào thái độ phá hoại văn hóa mọi rợ. Thậm chí Điện Kremli vài ngày sau cũng thấy cần phải tách mình khỏi cái ý đồ đen tối của người đứng đầu thành phố. Một viên chức trong Văn phòng Tổng thống là A. Kotenkov (lúc đó là Trưởng Ban luật pháp nhà nước) trong khi trả lời phỏng vấn của Báo độc lập đã nói: “Chẳng lẽ đất nước ta không còn việc gì khác... ngoài việc mai táng Lenin nữa sao? Tôi muốn hỏi các tác giả của văn kiện này là họ muốn đưa diện mạo của Quảng trường Đỏ về thời kỳ lịch sử nào: trước năm 1917, thế kỷ XVI hay thế kỷ XV? Nếu như đã nói về diện mạo lịch sử thì có lẽ phải phá bỏ Điện Kremli và trồng cây trên khu đất đó, tạo ra các đầm lầy nữa chăng! Diện mạo lịch sử của một Quảng trường thường xuyên thay đổi. Những gì hiện diện vào lúc này cũng là diện mạo lịch sử mà chúng ta đã quen thuộc. Tôi không hiểu ai cần làm điều này và để làm gì” (tức là trình văn kiện đó để Tổng thống ký - A. A.).

Bình luận về dự thảo sắc lệnh trình Tổng thống của Luzhkov, hàng loạt tờ báo đã nhận xét chính xác: đúng hơn phải đặt tên cho sắc lệnh đó là: Về việc khôi phục diện mạo trước thời kỳ Bolshevik của Quảng trường Đỏ. Nhưng Luzhkov có lẽ sợ không dám nói thẳng và nấp sau cách nói hoa mỹ mang vẻ yêu nước giả tạo. Nhân tiện đây ta lại nhớ đến những lời được ghi trong nhật ký của Goebbels vào thời kỳ đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc, ngày 6 tháng 7 năm 1941: “Chủ nghĩa Bolshevik là tai họa của nhân loại, là căn bệnh tồi tệ mà chúng ta phải đốt bằng dùi sắt nung đỏ. Tất cả chúng ta phải cám ơn Quốc trưởng vì rằng ngài đã xáp vào mối nguy hiểm đó và tiêu diệt nó”. Có vẻ như là ông Luzhkov cố gắng làm cái việc mà Hitler không làm nổi.

Maria Zhukova, con gái của vị Nguyên soái, đã nói rất đúng: Sau vụ bắn phá dữ dội tòa Nhà Xô viết và bắn giết các công dân tay không vũ khí, “những kẻ chiến thắng” ngay lập tức muốn ồn ào vứt bỏ di cốt của những nhà hoạt động Xô viết ra khỏi chân tường thành Kremli. Ơn Chúa, chúng đã không làm được...” (báo Nước Nga Xô viết số ra ngày 21 tháng 6 năm 1994).

Năm 1997, tổng thống B. Yeltsin đã ba lần - ngày 14 tháng 3, ngày 6 và 11 tháng 6 - đề nghị đưa ra khỏi Quảng trường Đỏ các ngôi mộ của những nhà hoạt động nổi tiếng của Nhà nước Xô viết. Lần nào cũng vậy, ngay sau lời tuyên bố của tổng thống, các phương tiện thông tin đại chúng “dân chủ”, như một bầy chó săn được tháo rọ mõm liền cất tiếng sủa ầm ĩ lao vào tấn công Hàng mộ Danh dự, cố phô bày thói nô tì hèn hạ của mình. Tổng thống là người nhạc trưởng điều khiển tất cả các vũ điệu hú hét trên quan tài đó. 

Hết chương 13. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/t26608-su-that-va-bia-dat-ve-lang-lenin-va-khu-mo-ben-tuong-thanh-kremli-chuong-13.html...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận