Chuyện chọn đề tài
Trong khi các sinh viên khác đều đã chọn được đề tài tâm đắc từ ngân hàng đề mà Ban Chủ nhiệm khoa công bố vào cuối năm học thứ 3 thì tôi vẫn chênh chao chưa có quyết định gì cụ thể. Tôi về quê nghỉ hè trong tâm trạng thao thức mông lung. Giữa thời điểm này một tin dữ đến: Bác Hồ từ trần. Cũng như bao người Việt Nam khác, nước mắt tôi tuôn trào trong những ngày tang Bác. Và bài thơ BÁC KHỒNG BAO GIỜ MẤT của tôi đã ào ạt tuôn chảy chỉ trong một buổi tối:
Ôi Bác ơi Bác ơi
Bác mất rồi sao Bác
Con chẳng thể nào tin
Sao vẫn trào nước mắt
Ôi cuộc đời con đấy
Đã hai mấy năm rồi
Có phút nào Bác ơi
Con không thầm gọi Bác
Bác dạy con tập viết
Khi con chẳng còn tay
Bác dạy con tập bay
Khi con không có cánh
Bác cho con sức mạnh
Vượt hết ngàn gian nguy
Khi thể xác đã suy
Tưởng không gì cứu vãn
Bác cho con ánh sáng
Để vươn tới tương lai
Mà bệnh tật chông gai
Phủ màn đen uất ức
Bác cho con đủ sức
Biết làm một con người
Mà số phận cuộc đời
Định bắt con tàn phế
Ôi công ơn trời bể
Bác đã để cho con
Bác đã thành máu xương
Bác đã thành tim óc
Bác không bao giờ mất
Giữa lòng con Bác ơi!...
Bài thơ đã viết xong nhưng những cảm xúc miên man về Bác thì dường như càng được dịp bùng phát trong tâm thức tôi. "Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng". Lời di chúc của Bác gợi tôi nhớ lại những câu hát quen thuộc: "Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh", "Ai yêu Bác Hồ Chi Minh hơn thiếu nhi Việt Nam". Tôi nhớ tới hai chiếc huy hiệu được Bác tặng tôi những năm học cấp 2.
Cũng thời điểm này tôi đặc biệt xúc động khi đọc các bài thơ khóc Bác của các em như Hồng Kiên, cẩm Thơ, nhất là bài thơ "Cháu thề phấn đấu suốt đời" củaTrần Đăng Khoa lúc ấy mới 11 tuổi: "Cháu buốt ở trong tim này/ Chỗ đeo tang suốt đêm ngày Bác ơi!/. ... Mắt cháu tưởng đã mờ rồi/ Cháu ngồi cháu khóc đất trời đổ mưa!/.../ Bác ơi! cháu chẳng bao giờ/ Còn mơ gặp Bác cháu chờ đã lâu
". Một ý nghĩ bất chợt lóe lên: tại sao mình không viết luôn luận văn đề tài "Bác Hồ với thiếu nhi qua thơ của Bác, của các tác giả và của các em" nhỉ? Đề tài hay quá, thời sự quá, mình viết là quá hợp rồi!
Tôi nghĩ vậy và háo hức thu xếp trở về Hà Nội ngay để đề đạt nguyện vọng với thầy Hoàng Như Mai - người đã tận tình hướng dẫn tôi làm khóa luận về thơ thiếu nhi ở năm học thứ ba.
Rời bến xe Kim Liên, tôi một mình xăm xăm cuốc bộ tìm đến nhà thầy Mai ở số nhà 52 phố Nguyễn Du ngập tràn hương hoa sữa ngay góc hồ Thuyền Quang khi mặt trời vừa đứng bóng. Gõ cửa, tôi giật mình nhận ra gia đình đang dùng bữa. Thấy bất tiện, tôi vội vàng định trở ra thì người nhà thầy bước tới giữ lại. Nhận ra tôi, thầy vội đứng dậy vồn vã:
- Ổ, Ký hả! Vừa từ quê lên đúng không? Thôi vào luôn dùng bữa với thầy. Đang giữa trưa nắng thế này đi đâu nữa cho mệt. Có chuyện gì cần trao đổi cứ ăn rồi nói sau.
Tôi một mực khước từ nhưng không được, đành nhẽ phải ngồi vào bàn. Cô Trang - vợ thầy - sợ tôi gặp khó khi dùng chân ăn nên có ý cầm bát bón cho tôi. Thầy liền ngăn lại:
- Ký tự ăn được mà! Bà cứ để Ký tự nhiên!
Được cả nhà quan tâm, thông cảm, chẳng bao lâu sự ngượng ngùng lúng túng trong tôi giảm hẳn. Vừa ăn tôi vừa chủ động thưa với thầy về ý tưởng đề tài luận văn mới thai nghén. Nhẹ nhàng đặt bát xuống bàn, giọng thầy vui bất ngờ:
- Ừ! Hay đấy! Đề tài rất nóng hổi tính thời sự. Ký tâm đắc là đúng lắm. Khẩn trương chuấn bị đề cương thầy duyệt cho!
Tôi mừng rơn. Lòng phơi phới như được mở cờ trong bụng. Cơm nước xong, tôi chào thầy cùng gia đình xin phép ra về. Vừa bước khỏi cửa, tôi bất ngờ thấy thầy bước ra nói như ra lệnh:
- Này Ký! Để thầy bố trí người chở ra bến xe.
- Dạ! Thưa thầy con không ra bến xe. Con đến nhà một anh bạn gần đây thôi ạ!
- ừ, đến đâu cũng được. Cứ nói chú ấy chở. Đừng ngại gì. - Tiếng thầy chưa dứt đã có người dắt xe đạp ra chờ sẵn bên lề đường trước nhà.
Tôi được chở đến nhà bạn cùng lớp là Lương Kỳ ở 92 đường Phan Bội Châu. Sau mấy giờ hàn huyên vui vẻ và hiểu nguyện vọng của tôi, Kỳ liền lấy xe đạp chở tôi vào La Khê giữa một chiều thu đầy nắng và thoang thoảng heo may.
Vui buồn sưu tầm tư liệu
Tôi quyết định thôi không về quê nghỉ hè nữa mà ở lại nhà bác Hè để có điều kiện hoàn tất bản đề cương luận văn trong thời gian sớm nhất theo yêu cầu của thầy Hoàng Như Mai. Việc sưu tầm tập hợp tư liệu để viết đề cương luận văn thật không đơn giản chút nào với hoàn cảnh tôi lúc này. Cao Cấp, Đức Long hai người bạn thân cùng trọ nhà bác Hè giờ vẫn đang nghỉ hè ở quê. Biết tôi băn khoăn, bác Hè nói luôn:
- Anh Ký cứ yên tâm! Không có các anh ấy đã có em Xuân, em Lộc, em Tuất, em Trung. Anh cần gì cứ báo chúng nó giúp. Đừng ngại ngần gì. Còn chuyện ăn uống anh khỏi lo. Gia đình có gì anh ăn nấy.
Quả thật từ đấy tôi đã được gia đình bác Hè coi như thành viên chính thức. Bữa bữa tôi được ăn chung với cả gia đình. Chỉ có điều khi cả nhà ngồi quây quần quanh chiếc mâm trên chiếc chiếu giữa nhà thì bao giờ bác Hè gái cũng sắp riêng cho tôi một mình ăn trên bàn. Dù tôi không muốn phiền vậy nhưng bác vẫn làm, vì bác hiểu khi ăn trên chiếu tôi rất khổ sở.
Mỗi lần như vậy, tôi cứ áy náy băn khoăn thế nào. Khẩu phần tôi góp với bác chỉ là mấy cân tem gạo, còn tiền bạc tịnh một niềm bác dứt khoát không nhận một cắc nào. Ấy vậy mà bữa nào tôi cũng được ăn cơm trắng thoải mái với thịt kho, đậu phụ rán, rau muống xào chứ không phải cơm gạo hẩm, gạo củ độn ngó, hoặc mì tôm, mì nắm, bo bo với duy nhất một miếng thịt gió thổi bay cùng vài sợi rau lõng bõng nước lại hạn chế khẩu phần theo định lượng như tiêu chuẩn bếp tập thể chia cho.
Cứ chốc chốc bác lại đứng dậy xem tôi ăn hết còn ra sao. Thức ăn thấy vơi một chút bác lại đứng lên "tiếp viện" ngay. Bác bảo:
- Anh cứ ăn cho thoải mái. Đừng có gì phải giữ kẽ.
Bác trai cũng nói đ theo với giọng nghe sao ân tình dịu ngọt:
- Anh cứ tự nhiên như đang ở nhà mình thôi. Có thế mới vui anh Ký ạ! Chẳng còn bao lâu nữa anh ra trường, lúc ấy có mời anh một bữa cũng khó.
Ngay sáng hôm sau, tôi quyết định ra Hà Nội bắt đầu con đường sưu tầm tư liệu. Biết lộ trình của tôi, cứ sáng sáng bác Hè lại "bắt" tôi ngồi trên chiếc xe xích lô để bác chở ra thị xã Hà Đông. Biết tôi rất ái ngại bác nói luôn:
- Anh yên chí. Tiện đường tôi chở đỡ anh được đoạn nào hay đoạn ấy. Đằng nào xe của tôi cũng ra thị xã Hà Đông. Chẳng gì cũng 2-3 cây. Anh đi bộ thấy tội quá! Chiều chiều khoảng 5-6 giờ nếu anh về, cứ đợi ở bến tàu điện Hà Đông này tôi đón.
Thật khó từ ngữ nào nói hết tấm lòng của gia đình bác Hè đã dành cho tôi những ngày này.
S ng sáng cứ sau khi rời chiếc xích lô của bác Hè, tôi lên tàu điện chỉ tốn 5 xu là tới Hà Nội. Từ đây tôi cuốc bộ tìm đến các địa chỉ cần cho việc sưu tầm tư liệu và tìm tòi các ý tưởng cho đề tài luận văn. Lang thang giữa chốn đô thành, lại chỉ có một mình với đôi tay buông thõng, không ít chuyện vui bất ngờ, chuyện cười ra nước mắt đã đến với tôi.
Hôm đến Thư viện Quốc gia, tôi trình bày thẳng thắn hoàn cảnh và yêu cầu của mình với một cô thủ thư nhỏ nhắn, tóc dài khá dễ thương. Sau ít phút tìm kiếm, cô vui vẻ mang tới chỗ tôi một chồng sách. Biết tôi dùng chân hơi khó khăn cô giúp tôi cài sách vào tới ba cái giá đọc một lúc.
Thư viện lúc này có cả trăm độc giả mà không khí vẫn im tắp. Đến cả việc lật sách cũng không ai dám để phát ra bất kỳ âm thanh nào dù nhỏ nhất. Vừa miệt mài tra cứu, tìm đọc vừa tranh thủ dùng chân ghi chép những tư liệu quý vào sổ đặt trên chiếc ghế liền kề. Luống cuống thế nào, chân tôi hất luôn một chiếc giá đọc xuống nền nhà. Một âm thanh khô khốc vang động cả phòng đọc. Ai nấy đổ dồn ánh mắt vào tôi khi một người đàn ông bước tới nói như quát:
- Anh làm gì mà khua náo cả phòng đọc lên thế? Anh không nắm được nội quy phòng đọc sao? Không giữ được im lặng thì từ mai đừng tới đây nữa!
Mấy bạn đọc ngồi cạnh liền vội vàng cúi xuống nhặt sách, nhặt giá đặt trở lại lên bàn giúp tôi. Cô thủ thư lúc nãy cũng vội chạy đến hỗ trợ và nói nhỏ vào tai người đàn ông có lẽ là sếp của cô. Tôi chỉ biết đứng lặng trong dòng nước mắt tuôn trào.
Một buổi chiều sau khi rời Thư viện Quốc gia, tôi tìm đến Nhà xuất bản Kim Đồng. Đang lững thững với chiếc túi xách đeo tòng teng bên hóng thì bất ngờ một chiếc xích lô từ đâu lao đến chắn ngang đường tôi:
- Anh về đâu tôi chở?
- Vâng, cảm ơn anh! Tôi tới gần đây thôi mà. Cuốc bộ cho khỏe anh ạ!
- Trông anh đi bộ thế này khổ sở quá. Anh cứ lên tôi chở.
Tôi từ chối thế nào anh ta cũng khăng khăng không chịu. Tôi đành "nhắm mắt" leo lên xe anh. Để tạo không khí thân thiện đi được một quãng tôi lên tiếng hỏi:
- Xin hỏi, anh quê gốc ở đâu ạ?
- Nam Định!
- Vậy là đồng hương rồi. Năm nay anh ở tuổi bao nhiêu?
- Bốn chục!
- Trước khi đến với nghề xích lô anh làm công việc gì ạ?
- Tù nhân!
Tóc gáy tôi bỏng sởn lên. Để ý nhìn, tôi nhận ra nơi má phải anh một vệt sẹo lớn. Mái tóc bù xù, dài trùm cả hai tai. Chiếc mũ lưỡi trai đội ngược về phía sau. Áo xanh cộc đế lộ hai bắp tay đầy những vết xăm kỳ dị. Vừa lúc tới đường Bà Triệu. Nhưng lạ thay, anh vẫn cố tình không rẽ vào đó theo yêu cầu của tôi mà cứ thế đi vòng lên tận phố Hàng Khay cạnh hồ Hoàn Kiếm rồi mới vòng vào phố Bà Triệu. Tôi hoảng quá! Thằng cha đầu gấu này chắc chủ đi vòng vo thế cốt để mua đường bắt chẹt mình phải trả thêm tiền đây! Trong túi chỉ còn hơn 1 đồng. Không biết lấy đâu để trả hắn. Vừa lúc Nhà xuất bản Kim Đồng ở số nhà 62 đã đến. Tôi vội vàng xuống xe, bình tĩnh nói với hắn:
- Anh vui lòng lấy tiền hộ tôi trong túi áo ngực. Tôi không tự lấy được.
Hắn chằm chằm vừa nhìn vừa đưa tay vào túi áo tôi lôi ra tất cả số tiền 1 đồng 2 hào. Suy nghĩ thế nào, hắn liền bỏ hết trở lại vào túi tôi rồi đạp xe đi luôn sau câu nói thật nhỏ:
- Thôi! Tôi không lấy tiền của anh đâu!
Khi hàn huyên với các anh chị ở Nhà xuất bản Kim Đồng về chuyện này, ai cũng mừng cho tôi hôm nay đã gặp được người tử tế dù từng là một tù nhân. Tôi cũng vỡ lẽ: anh ta phải đi vòng xa vậy vì đường Bà Triệu giờ chỉ được phép đi một chiều. Thế mới biết khi đánh giá một con người chớ vội "nhìn mặt, đặt tên".
Hôm tôi đi tìm gặp nhà thơ võ Quảng đúng vào lúc gần trưa. Đi loanh quanh mãi, tôi mới tìm được số nhà 44 phố Hàng Chuối. Tôi mừng đã tìm được địa chỉ. Nào ngờ hỏi thăm mới chưng hửng: nhà thơ có tiệc mời vừa đi cách ít phút. Sớm nhất 1-2 giờ chiều mới về. Buồn quá. Nên quay về hay ở lại chờ đây nhỉ? Về thì biết ngày nào mới trở lại được? Kế hoạch đã khít từng ngày. Chần chừ là hỏng cả. Quyết định ở lại chờ vậy. Lang thang vất vướng tới 3-4 tiếng cực lắm đây. Nhưng biết sao được. Bây giờ đi tìm chỗ ăn trưa đã.
Một quán phở nhỏ đã hiện ra. Thôi còn chờ gì nữa. Ta vào ăn luôn. Từ sáng tới giờ chưa có gì bỏ bụng. Bà chủ quán dáng đậm chắc, hơi béo, vui vẻ bê tô phở thơm phức nghi ngút khói tới bàn chỗ tôi ngồi. Khi thấy tôi từ từ lặng lẽ đưa chân lên mặt bàn cầm thìa, bà chủ tròn mắt:
-Ồ... tay của anh bị hỏng hả? Chác là thương binh đúng không?
- Dạ, không! Tay tôi bị liệt từ 4 tuổi. - Tôi bình thản đáp.
- À..à... hình như anh là...Nguyễn Ngọc Ký?
- Vâng! Cảm ơn bà!
Bà liền vỗ tay nói như reo với hai đứa con ở phòng trong:
- Này Thảo ơi, Hiếu ơi! Anh Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân đây này.
Tiếng bà vừa dứt, hai đứa trẻ sinh đôi chừng mươi tuổi hối hả chạy ra. Chúng trố mắt nhìn, rồi cùng lên tiếng hỏi mẹ:
- Có phải đây là Nguyễn Ngọc Ký trong bài Em Ký đì học trong sách lớp ba của chúng con không?
- Ồ đúng rồi!
Nghe mẹ đáp vậy, hai bé vội vàng trở vào phòng lấy ra quyển tập đọc lớp ba đã mở sẵn bài Em Ký di học.
Hiểu ý hai bé, tôi liền lên liếng:
-Hai em muốn anh ký tên vào chỗ bài này không nhỉ?
Hai bé mừng rơn cùng vỗ tay đáp:
- Dạ có! Dạ có!
Tôi tạm dừng ngang bữa ăn dùng chân ký luôn vào trang sách giáo khoa có bài viết và vẽ vẻ tôi. Hai bé sung sướng ôm sách nhảy cẫng reo mừng như được ôm giữ một vật quý trong mơ.
Chứng kiến cảnh đó, bà chủ quán tỏ vẻ vui ra mặt. Khi tôi trả tiền, bà chẳng những dứt một mực không nhận mà còn nói như có ý hàm ơn tôi:
- Đáng ra tôi phải trả thêm tiền anh bởi hôm nay anh đã cho hai con tôi bài học quý. Khi học bài về anh, chúng nghĩ là chuyện bịa ra để giáo dục. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy!
Biết tôi còn phải chờ lâu bà đã vui vẻ nhường luôn chiếc võng cho tôi nằm nghỉ thoải mái. Mệt quá tôi thiếp đi lúc nào không hay. Giật mình dậy khi đồng hồ đã chỉ 2 giờ Chiều. Tôi vội vàng chào bà chủ quán tìm về nhà ông Võ Quảng quên béng cả việc hỏi bà tên gì.
Một buổi kia tôi đến khu tập thể Kim Liên để gặp Nhà thơ Phạm Hổ. Vì số nhà nhớ không chuẩn, tôi loanh quanh hỏi hết dãy nhà này đến khu nhà khác. Cứ nghĩ nhà thơ Phạm Hổ nổi tiếng vậy chắc nhiều người biết. Gặp ai thấy có cơ hội là tôi hỏi thăm ngay. Chiều tà đã ập xuống mà tôi vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Sót ruột quá tôi định bỏ cuộc quay về. Vẫn cái túi xách lõng thõng bên hông, vẫn đôi tay lủng lẳng tôi thất thểu bước đi giữa những dãy nhà cao như những hộp diêm khổng lồ trong cảm giác buồn nản tràn trề. Một tốp trẻ đang chơi đá cầu trong sân khu tập thể. Bỗng có tiếng xầm xì:
- Chúng mày ơi, hình như anh Nguyễn ngọc Ký?
Bọn trẻ đang chơi bóng dừng tắp. Một bé lớn nhất tiến đến trước mặt tôi mạnh dạn hỏi:
- Anh là Nguyễn Ngọc Ký đúng không ạ?
Tôi nhoẻn cười đáp ngay
- Ừ! Đúng rồi! Anh cám ơn các em!
Bọn trẻ liền reo lên ùa đến vây lấy tôi. Chúng đua nhau sờ nắn hai bàn tay mềm nhũn của tôi. Tíu tít hỏi tôi đủ điều:
- Anh ơi, sao anh viết bằng chân được?
- Viết bằng chân có khó không anh?
- Bàn ở lớp cao thế sao anh viết được?
- Anh bao nhiêu tuổi?
Mấy phụ huynh thấy bọn tré xúm lại ngày một đông liền chạy lại xem có chuyện gì. Được bọn trẻ nói lại một vị phụ huynh chừng ngoài 40 bước tới niềm nở nắm tay tôi:
- Vâng, xin chào anh Nguyễn Ngọc Ký. Anh tới đây có việc gì mà tất bật vậy?
Tôi đáp ngay:
- Dạ! Cám ơn, tôi đi tìm nhà bác Phạm Hổ mà loanh quanh mãi chưa thấy ạ!
- Ồ, nhà thơ Phạm Hổ chuyên viết cho thiếu nhi chứ gì?
- Vâng! Quá đúng ạ!
- Thế thì tôi biết. Giờ anh đi theo tôi
Biết chiều đã muộn, tôi đành xin lỗi bọn trẻ mải miết bước theo anh mặc dù biết đám đông đang chưng hửng đứng nhìn theo trong trầm trồ nuối tiếc.
Một lúc sau, anh đã đưa tôi tới khu nhà E, tìm đến một căn hộ ở tầng hai mà tôi không còn nhớ số bao nhiêu. Anh gõ cửa. Nhà thơ Phạm Hổ ra mở cửa, nhận ra tôi, ông ôm hôn thân thiết. Nhà thơ cũng nhận ra người đàn ông nọ là chỗ quen biết liền bắt tay nhau thân thiết rồi tạm biệt, ông vui vẻ đưa tôi vào bàn, rót nước, mở bánh ngọt mời ăn. Thấy tôi mồ hôi nhễ nhại, chị Tuyết - vợ ông - vội vàng xoay quạt máy về phía tôi rồi giặt khăn đến lau cho tôi. (Chị Tuyế t học Văn khoa trước tôi 2 khóa). Cả hai cùng ngồi tiếp chuyện tôi. Tôi chưa kịp nói gì, nhà thơ Phạm Hổ đã mở đầu bằng tin thật bất ngờ:
- Anh thông báo với Ký một tin vui! Tập tự truyện Những năm tháng không quên của em Nhà xuất bản Kim Đồng sắp in xong. Em viết được lắm. Tới đây báo Văn Nghệ sẽ chọn giới thiệu với độc giả một trích đoạn của em trong đó.
Tôi lặng đi trong niềm mừng vui khôn xiết. Vậy là tác phẩm đầu tay của tôi sau bao tháng năm vật vã, thai nghén, ước mơ giờ đã sắp thành hình hài trọn vẹn. Tôi sung sướng quá! Hạnh phúc quá! Sau giây phút thầm thì với chính mình, tôi bình tĩnh trở lại và chủ động đi thẳng vào vấn đề muốn trình bày cùng ông hôm nay. Nghe tôi nói xong, ông ôm chặt tôi vào lòng lắc mạnh:
- Hay lắm! Hay lắm! Trong khả năng của mình anh sẽ cố gắng sưu tập các bài thơ em cần cho đề tài Bác Hồ với thiếu nhi. Hôm nào em đến tuần báo Văn Nghệ ở 17 Trần Quốc Toản anh sẽ gửi. Bây giờ anh cho em bài thơ mới viết cho thiếu nhi về Bác. Bài "Đôi dép thần kỳ".
Nhà thơ còn nhiệt tình đọc diễn cảm lại bài thơ cho tôi nghe với giọng Bình Định đầy âm vang mà xiết bao thiết tha xúc động:
"Ngày xưa ở nước nọ
Có đôi dép thần kỳ
Một cụ già thường đi..."
Ông còn tâm huyết giảng giải các ý tướng mà ông muốn gửi gắm qua bài thơ khiến tôi bừng sáng thêm nhiều tiêu chí đang thai nghén trong việc thiết kế các luận đề nơi bản đề cương luận văn của mình.
Chia tay nhà thơ, vừa bước xuống cầu thang, tôi gặp luôn người đàn ông ban nãy đã chờ sẵn từ lúc nào. Ông thiết tha bày tỏ một nguyện vọng:
- Chẳng mấy khi được gặp anh. Tôi muốn trân trọng mời anh qua nhà tôi chơi. Chẳng nói giấu gì anh tôi cũng có một bé trai tật nguyền đôi chân. Cháu hay bi quan lắm! Anh vui lòng ghé lại động viên cháu hộ tôi. Tôi đã mời hiệu ảnh. Anh vui lòng chụp với cháu một kiểu làm kỷ niệm để cháu vui. Hơi muộn một chút nhưng anh yên tâm, tôi sẽ chở xe đạp anh về La Khê. Tôi cũng là dân gốc La Khê đấy.
Không thể chối từ tâm nguyện quá đỗi cảm động của anh, tôi răm rắp làm theo. Khi anh chở tôi về đến La Khê thì dòng Nhuệ Giang đã hóa thành dòng lụa nhung tím thẫm lấp lánh đan cài muôn ngàn đóa hoa sao lấp lánh.
Để phần sưu tập tư liệu thêm trọn vẹn tôi quyết định dành thêm một ngày nữa ra Hà Nội gặp các anh chị ở báo Thiếu Niên Tiền phong và chị Vân Thanh - người chuyên nghiên cứu về văn học thiếu nhi ở Viện Nghiên cứu văn học.
Rời ga tàu điện bờ hồ phố Tràng Tiền, tôi lững thững đi bộ đến phố Hồ Xuân Hương, gặp bố con một người ăn xin thật tội nghiệp. Người bố cụt cả hai tay, hai chân. Mắt đen thẳm một hố sâu tăm tối. Nằm bất động trên tấm phản có 4 chân là các bánh xe được đứa con chừng 9-10 tuổi với đôi chân tập tễnh nặng nề buộc dây kéo đi. Trông thật thảm thương. Trước ngực thằng bé đeo chiếc túi nhàu nhĩ với cái miệng há to còn trống rỗng, nổi bật trên nền manh áo nâu xạc cũ, đen đúa, lỗ chỗ những vết vá loang lổ.
Dừng lại chia sẻ, tôi biết bố con ông quê Thanh Hóa. Là nạn nhân của trận giặc Mỹ ném bom cầu Hàm Rồng ngày 3-4-1965. Cả gia đình 7 người, chỉ duy nhất hai bố con ông sống sót với tật nguyền xa xót đang hiện hữu trước mắt tôi. Tôi quyết định dành chút tiền ít ỏi trong túi chia sẻ. Tôi đến bên thằng bé nói nhỏ vào tai nó:
- Anh có 5 hào kính biếu bố con em. Em vui lòng móc hộ anh số tiền trong túi.
Tôi nói đến lần thứ hai, rồi thứ ba, đứa bé vẫn ngu ngơ chưa hiểu ra thế nào. Nó giật lùi, nhìn tôi vẻ khó hiểu. Vừa lúc có mấy người bước tới. Biết ý đồ của tôi, một người đàn bà giúp tôi móc túi ngực, đếm cả thảy có 7 hào. Bà bảo nhỏ tôi nên cho ông ta 2 hào thôi. Nhưng vì đã nói với đứa bé từ trước nên tôi vẫn nhờ bà chuyển cho bố con ông ta đủ 5 hào. Nhiều người thấy vậy động lòng cũng móc tiền bỏ vô cái túi thằng bé đang đeo.
Vừa đến báo Thiếu Niên Tiền Phong tôi được tin vui: bài thơ "Suối" của tôi mới được đăng trong số vừa rồi. Được nhận báo biếu và nhuận bút 3 đồng, tôi mừng quá! Vậy là không còn lo gì chuyện "viêm màng túi" vì khoản "chi" vừa rồi nữa. Đúng là cho để được nhận. Trời có mắt vậy. "Xởi lởi trời cởi cho". Cái gì cũng có giá cả đấy!
Tôi rất vui khi các anh chị tòa soạn báo nhiệt tình tìm tặng tôi những số báo có in các bài thơ của tuổi thơ mới viết về Bác trong những ngày đau buồn tiễn Bác vừa qua. Thật bất ngờ khi tại đây tôi tình cờ gặp được nhạc sĩ Phong Nhã - tác giả bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng - vừa từ Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương đến tòa soạn liên hệ công việc, ông nồng nhiệt sôi nổi ngồi tiếp chuyện tôi, kể tôi nghe vì sao ông viết bài hát này, viết trong hoàn cảnh nào, thời gian nào.
ông còn say sưa trao đổi nhiều ý tưởng mới lạ. ông mời tôi sang phòng làm việc của ông ở khu nhà Ủy ban, trao tôi mượn một loạt tư liệu quý có liên quan đến đề tài Bác Hồ với thiếu nhi mà ông công phu tích góp bao năm qua. Trước khi chia tay, ông không quên chụp chung tấm ảnh làm kỷ niệm.
Tôi đến Viện Nghiên cứu văn học khi trời đã về chiều. Hỏi thăm, được tin chị Vân Thanh vừa rời cơ quan về nhà chăm con nhỏ. Muốn gặp thì 8 giờ sáng mai trở lại. Nếu vậy thì vất quá! Quỹ thời gian không cho phép "cao su" nữa. Thôi, mình quyết tìm đến nhà chị ngay chiều nay bằng mọi giá!
May sao, nhà chị không đâu xa mà ở ngay trong khu tập thể cận kề phía sau tòa nhà của viện. Chị đang cho cháu nhỏ ăn cháo. Có lẽ chị đã biết tôi qua sách báo từ trước nên khi nghe tôi tự giới thiệu, chị vui vẻ vồn vã mời vào phòng.
Căn phòng quá chật chội (chỉ chừng không đầy mười mét vuông). Không có chỗ đặt bàn ghế, chị mời tôi uống nước ngay trên chiếc giường đang ngồi cho bé ăn. Chị vừa bón cháo cho bé vừa trao dổi một cách tâm huyết mọi vấn đề tôi đặt ra trong việc thiết kế bố cục cũng như từng nội dung bản luậ n văn mà tôi nung nấu.
Chị còn lục tìm tặng các tập tạp chí có in bài của chị về văn học thiếu nhi những năm qua cùng một số cuốn sách có liên quan thiết thực tới đề tài tôi đang theo đuổi. Mải mê câu chuyện, khi giờ chia tay sắp đến, chị giật mình nhận ra ly nước mời tôi vẫn còn y nguyên. Chị chép miệng cười xuề xòa:
- Chết thật. Chị vô tâm quá! Mời nước em cứ tưởng em tự uống như khách bình thường. Thôi chị xin lỗi. Này, nước đây em uống đi cho đỡ mệt. - Vừa nói chị vừa nâng ly nước lên miệng tôi. Quả thật lúc này đang khát, nên tôi ực mấy ngụm là cạn ly. (Bình thường tôi vẫn dùng chân cầm ly uống nhưng với điều kiện chiếc ly hoặc ca phải có quai cầm)
Tôi rời căn phòng nhỏ bé chật chội về không gian diện tích nhưng rộng rãi mênh mông vẻ tình người của chị Vân Thanh khi đèn đường thành phố đã bật sáng từ lúc nào.
Sợ hết tàu điện, tôi rảo bước đi một mạch tới ga. Vừa lúc tàu dừng với hồi chuông leng keng rúc dài. Vì là chuyến tàu cuối trong ngày về Hà Đông nên khách dồn ứ. Lẫn trong dòng người chen chúc, tôi nhanh chóng bước lên tàu. Vì không còn đôi tay bình thường để chống đỡ, bấu víu nên người tôi luôn bị xô đẩy xiêu vẹo, không sao định vị được.
Điều sợ nhất lúc này không phải là lo ngã; lo không có chỗ "thở" mà lo cái túi xách đang đeo bên hông với bao tài liệu quý công phu tích góp từ sáng không khéo bị tuột khỏi vai thì không biết sao níu giữ lại được. Để đề phòng tôi luôn nghiêng vai bên phải cao hơn một chút, hy vọng chiếc đây deo túi ở đó sẽ không bị rơi tuột. Nào ngờ, càng nghiêng người rướn cao chiếc túi xách càng bị mọi người chen lấn trì nặng xuống thêm. Bỗng "bựt!" chiếc túi xách bị đứt dây đeo, rơi xòa, tuột khỏi vai. Tôi hoảng hốt hô mọi người cứu giúp. Song trong khi nhiều người vội vàng cúi xuống thu nhặt những cuốn sách vương vãi dồn lại vào túi cho tôi thì họ thấy tôi – chủ nhân chiếc túi - vẫn trân trân đứng nhìn như không phải việc của mình (sự thật thì tôi còn biết làm gì hơn thế nữa đâu!). Nhiều người không hiểu nên khi thấy vậy liền tỏ ra tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Lòng tôi càng lúc càng như có lửa đốt. Liệu rồi sẽ bằng cách nào mang được cái túi xách với số tài liệu quý kia về La Khê khi dây đeo đã đứt? Làm sao? Làm sao được bây giờ nhỉ?
Giữa lúc ấy, tôi nhận ra Thu Hằng từ cuối toa hớt hải chen lên:
- Ồ anh Ký! Sao có chuyện gì vậy anh?
- Rồi anh sẽ kể. Giờ em cầm lại chiếc túi xách này hộ anh với1
Hằng vội đỡ chiếc túi xách từ tay một người đàn ông tốt bụng. Tôi mừng như vừa thoát được tai họa khôn lường. Sau hỏi chuyện mới biết chiều nay Hằng vừa ra thăm mẹ từ Hà Nội trở vẻ. Một tay Hằng ôm chặt chiếc túi quý của tôi vào lòng như sợ rơi mất, một tay giữ lấy vai tôi như lo tôi bị xô ngã. Chúng tôi chẳng ai nói gì thêm. Chốc chốc lại bắt gặp ánh mắt Hằng quay nhìn tôi trong im lặng mà chan chứa bao nỗi niềm.
Chẳng mấy chốc ga Hà Đông đã tới. Người mệt. Bụng đói. Mời Hằng đi ăn nhưng em không chịu. Tôi phải khoe thật rằng hmô nay có nhuận bút. Để em tin, tôi "công khai" mời em kiểm tra… túi. Năn nỉ mãi Hằng mới chịu cùng ghé một tiệm phở trên đường rẽ về La Khé.
Xong bữa, hai chúng tôi giờ chẳng có lý do gì phải vội vàng nữa. Con đường dẫn vào làng La đêm nay sáng láng màu trăng như tắm bạc. Gió heo may man mác thoảng nhẹ. Chúng tôi thong thả sóng bước bên nhau cùng những câu chuyện tưởng không có điểm dừng giữa lao xao âm vang của ngàn muôn tiếng lúa đang vào mùa sây bông.
Đóng cửa viết luận văn ở quê
Sau những ngày gian nan sưu tầm tư liệu, tích hợp ý tưởng, tôi bắt tay vào viết đề cương sơ bộ. Được thầy Hoàng Như Mai thông qua bước đầu sau nhiều lần góp ý, tôi yên tâm bước vào năm học mới vừa học chuyên đề vừa triển khai viết đề cương chi tiết.
Học kỳ 1 kết thúc cũng kết thúc luôn việc học trên lớp của toàn khóa. Xuân Canh Tuất năm 1970 vừa tới. Chúng tôi được về quê ăn tết và dành toàn bộ thời gian sau đó cho việc viết luận văn đến ngày mãn khóa.
Biết mình tư duy chậm, viết bằng chân bao giờ cũng khó hơn, chậm hơn viết tay; lại không phải viết một bài văn vài ba trang mà viết cả một Luận văn tốt nghiệp dự kiến ngót trăm trang nên nếu không tranh thủ khẩn trương khó mà hoàn tất như kế hoạch. Ý thức rỗ điều đó nên tôi quyết định bắt tay luôn vào công việc ngay khi vừa đặt chân về tết. Nhưng rồi giữa suy nghĩ và thực tế không dễ gì gặp nhau. Trong suốt mấy ngày tết, tôi luôn bị cuốn hút không thể thoái thác vào các mối quan hệ gia đình, bạn bè, làng xóm thăm mừng chúc tụng nhau. Biết như vậy là mất thời gian lắm song đó là việc phải đạo, phải lẽ, không làm không được.
Tết đã qua cả chục ngày mà vẫn chưa thể bắt đầu công việc. Cứ ngồi vào giường viết lại có khách đến chơi. Thế là lại phải tiếp. Mà phải tiếp nhiệt tình, tử tế. Phải trà nước đàng hoàng. Phải chuyện trò rôm rả. Nếu không sẽ bị mang tiếng là học cao rồi coi thường dân quê ít học.
Một ngày qua đi là một ngày thấy ruột gan cồn cào như có lửa đốt. Không thể để tình trạng này kéo dài thêm nữa. Tôi thống nhất với cả nhà một kế hoạch: ngày ngày mọi người đi làm cứ khép chặt cửa lại. Ai đến thấy cửa đóng coi như tôi vắng nhà.
- Thế con định trốn mọi người vào giường ngủ vùi hay sao? - Mẹ tôi băn khoăn.
- Ồ, sao ngủ được mẹ! Công việc gấp lắm! Con chủ thế là để tập trung làm việc cho có hiệu quả mà.
- Nhưng đóng cửa, tối thế con viết sao được? - Mẹ hỏi lại.
- Chẳng những đóng của mà con còn muốn mẹ buông màn cho nữa.
- Mẹ chẳng hiểu sao con lại phải làm vậy?
Tôi cười thong thả nói cho mẹ rõ ý đồ của mình.
- Mẹ biết không, trong thời gian 2-3 tháng tới, con phải viết hoàn chỉnh bài văn dài cả trăm trang bằng chính bàn chân của mình để nộp cho nhà trường xét tốt nghiệp cho con. Muốn vậy con phải viết đi viết lại có khi tơi 2-3 lần. Không có không gian tĩnh mịch, không tập trung được đầu óc con sẽ không thể viết được. Vì thế con muốn đóng cứa, buông màn để ngồi viết cho thật tập trung. Không những hạn chế được việc tiếp khách mà còn chấm dứt được sự quấy nhiễu của lũ ruồi vào ban ngày và bầy muỗi vào ban đêm đấy! Chỉ có điều như vậy liệu mẹ có đu tiền mua dầu hỏa cho con thắp đèn cả đêm lẫn ngày trong mấy tháng liền không ạ?
- Gớm! Chuyện ấy đáng bao nhiêu mà con lo. Mẹ sợ nhất là sức khỏe con kỳ này thấy gầy đi nhiều quá. Làm việc liên miên vậy liệu có chịu được không?
- Mẹ cứ yên tâm! Con sẽ có cách để cân bằng mọi nhu cầu.
Thấy tôi trả lời đầy vẻ tự tin vậy những nếp nhăn nơi khuôn mặt mẹ phút chốc như được giãn ra.
Tôi nhớ một câu danh ngôn của ai đó đã khẳng định rằng sự thành công luôn là phép cộng của ba yếu tố: LÀM VIỆC, NGHỈ NGƠI VÀ IM LẶNG. Thấm thía điều đó nên càng những lúc làm việc căng thẳng tôi càng tìm cách nghỉ ngơi thư giãn một cách tích cực, chủ động.
Trưa đến, dù những dòng viết đang thăng hoa, cơm nước xong, ăn một hai quả chuối vườn nhà, sau đó bao giờ tôi cũng nằm ngủ ít nhất nửa tiếng. Chiều chiều khoảng 5 giờ 30, dừng bút tắt đèn cũng vừa lúc anh bạn đồng niên tri kỷ thời ấu thơ Đỗ Minh Thãi cách đó mấy nhà đến rủ tôi đi tắm đi bơi cho thoải mái. Sướng nhất được anh gội đầu cho xả láng.
Khi hết gàu, hết ngứa, xem chừng đầu óc cũng minh mẫn hơn, suy nghĩ cũng sang suốt hơn. Trong buổi viết dù ngày hay đêm cứ khi nào thấy tắc tị tôi lại nằm hít thử sâu mấy hơi, hoặc ra sàn đá cầu mấy phút, hoặc đi dạo quanh sân, quanh vườn mấy vòng để thư giãn tìm cảm hứng ý tưởng mới.
Sau hơn 1 tháng miệt mài làm việc giữa vòng tay yêu thương chăm sóc tận tình của gia đình, bạn bè, làng xóm, tôi tạm kết thúc việc viết nháp bản luận văn.
Trở lại La Khê
Tôi quyết định trở lên Hà Nội xin ý kiến thầy Hoàng Như Mai, rồi ở lại La Kêẽ cho tiện quá trình sửa lại, viết lại và chép lại kịp hoàn thiện vào giữa tháng 5.
Trưa ấy, đang ngồi đọc lại những dòng góp ý của thầy Mai ở chiếc bàn giữa nhà bác Hè thì ngoài sân có tiếng hô lớn:
- Cháy! Cháy! Cháy, mọi người ơi!
Tôi chạy ào ra, thấy Tuất, Lộc và bác Hè gái đang tới tấp dùng gậy dập một đám cháy ngay giữa sân rơm. Càng dập, đám cháy càng bùng lên dữ hơn. Tôi liền báo mọi người dừng gậy để tôi xứ lý. Ai nấy ngớ ra không hiểu tôi sẽ dùng cách nào để dập được đám cháy đang loang mỗi lúc một rộng thêm. Tôi nhanh chóng cấp tập dùng chân vén vội phần rơm cận kề quanh đám cháy ra xa. Đám cháy bị cô lập, chỉ lát sau là tắt ngấm trước sự hoan hỉ của mọi người.
Sau hỏi ra mới biết khi cu Tuất sang hàng xóm xin lửa về nấu cơm, vừa tới giữa sân thì bui lửa bùng cháy. Sợ bỏng, cu cậu vứt vội búi lửa xuống sàn rơm đang phơi. Thế là đám cháy bùng phát.
Trong bữa cơm trưa đó bác Hè gái cứ tấm tắc:
- Hôm nay không nhờ anh Ký, chẳng những cháy hết sàn rơm mà không khéo cả cái nhà này cũng thành tro. May quá xá!
- Anh Ký thông minh thật đấy! - Lộc ít nói nhất nhà giờ cũng lên tiếng.
- Bộ! Không thông minh sao anh học tới đại học, dù đôi tay không còn bình thường như mọi người. - Xuân bộc trực khẳng định với giọng nhỏ nhẹ nhưng chắc nịch.
Thời điểm này Long và Cấp vẫn còn đang viết luận văn ở quê nhà. Tôi một mình ở nhà bác Hè đôi lúc cũng thấy buồn buồn. Ấy vậy mà không ít buổi tối Hằng đến rủ đi chơi một chút cho đỡ căng thẳng đầu óc, không hiểu suy nghĩ thế nào tôi vẫn một mực từ chối với lý do: anh bận lắm. Hẹn em bao giờ xong luận văn chúng ta đi chơi cũng chưa muộn. Những tưởng như vậy Hằng sẽ giận. Nhưng không. Hiểu tôi cần lắm quỹ thời gian cho công việc nên mỗi chiều chiều em chỉ đáo qua nhà bác Hè mấy phút xem nếu cần gì thì giúp, không em sẽ về ngay. Hôm thì giúp giặt bộ quần áo. Bữa thì gội hộ cái đầu, cắt hộ mấy cái móng tay. Có buổi, tôi đột ngột bị cảm sốt. Được bác Hè động viên, Hằng vội đi tìm lá về nấu nước xông. Rồi ngồi lại dùng khăn lau mồ hôi cho tôi. Tỉ mỉ nhẹ nhàng vuốt tóc, xoa mặt, bóp tay chân cho tôi.
Những lúc như vậy, tôi muốn nói với Hằng một câu gì đó thật tình cảm. Nhưng rồi không hiểu sao cái miệng cứ ngậm tăm. Không sao cất nên lời...
Mấy ngày qua tôi nhận ra một thực tế hơi đáng sốt ruột: tiến độ bản luận văn sửa lại xem ra hơi "rùa bò". Lý do cơ Bản có lẽ không gian viết ở nhà bác Hè hơi ít yên tĩnh. Tiếng máy dệt từ các nhà cận kề cộng với nhà bác Hè ở gian buồng bên gần như không mấy lúc không ầm ào khua náo. Tôi lại luôn dị ứng với tiếng động mỗi khi cầm bút. Tôi quyết định chuyển địa chỉ ngồi viết đến lớp học ngày 2 buổi. Vì là ngôi từ đường nên không gian ở đây yên tĩnh gần như tuyệt đối. Một thuận lợi nữa là nơi đây có cái bàn học thường ngày của tôỉ.
Một buổi sáng, đang say sưa trong mạch viết giữa không gian lớp học chỉ có một mình; tôi bỗng thoáng nhận ra một luồng gió mát phảng phất từ phía sau. Nhưng rồi sự hưng phấn nơi trang viết cuốn tâm trí cháy theo ngòi bút, chẳng còn đế ý đến điều gì đang xảy ra xung quanh. Chỉ khi giật mình bị bàn tay của ai đó từ phía sau quàng qua, bịt trọn hai con mắt, tôi mới dừng bút nhoẻn cười, nhè nhẹ buông tiếng hô mà như reo:
- Ai?... Ai nhỉ?... Chơi gì mà kỳ quá!...
Một lúc lâu bật lên tiếng cười khúc khích.
- Hằng! Đúng Hằng rồi! Buông ra để người ta làm việc mau nào! - Giọng tôi có pha chút "giận mà thương".
Hằng cười ré lên:
- Gớm! Người ta mới đùa có tí mà.. .Thôi ứ chơi với anh nữa! - Hằng buông tay, nguýt một cái rồi định bỏ đi thật.
Tôi vội làm lành:
- Thôi mà! Em đến lâu chưa vậy?
- Lâu rồi! - Hằng dừng lại vừa nhì n tôi cười vừa nói.
- Trời! Thế sao anh không nhận ra nhỉ? Em "đặc công" giỏi quá đấy!
- Sao em biết anh ở đây?
- Em có việc đi ngang qua. Thấy em, bà cụ Thế (chủ nhang của nhà thờ họ) gọi em vào. Cụ đưa em củ khoai luộc ngon quá. Thoáng nhận ra anh, em liền xin cụ thêm một củ mời anh. Biết chỗ anh ngồi làm việc hơi khuất, em liền mượn luôn chiếc quạt mo vào quạt cho anh đỡ nóng đấy. Em đến đứng sau anh lâu rồi. Thấy anh say sưa quá em đâu dám động tĩnh mạnh.
Ngừng giây lát Hàng vừa chìa củ khoai lang đã lột vỏ sẵn đưa gần miệng tôi vừa nói:
- Thôi bây giờ anh nghỉ chút xíu ăn hết củ khoai này đã. Khoai ngon lắm. Anh cứ ăn thử mà xem!
Lâu lâu rồi tôi mới lại được ăn một củ khoai lang bở tơi, ngọt, bùi đến thế từ đôi bàn tay thon nhỏ xinh xinh nhưng hơi gầy của Hằng.
Gần giữa tháng 5 -1970 những trang bản thảo cuối cùng sau nhiều lần sửa chữa kỳ công đã hoàn tất. Tôi quyết định đọc lại và kiểm tra lần cuối các lỗi chính tả, lỗi câu còn sai sót trước khi chép vào bản chính thức. Bùi Hạnh Nhu, Lê Huy Hòa, Nguyễn Cao Cấp và Nguyễn Đức Long đều tự nguyện đăng ký chép hộ. Chữ viết bằng chân nói gì thì nói dù có kỳ công nắn nót đến đâu cũng khó sánh được chữ của các bạn.
Nếu tự chép ít nhất nửa tháng chưa chắc đã xong. Như vậy kế hoạch nộp cho thầy khó mà hoàn thành như dự kiến.
Trong số 4 bạn mà tôi có thể nhờ chép chỉ Lê Huy Hòa là xem ra thuận nhất. Bởi đến thời điểm đó Nhu, Cấp và Long vẫn đang dở dang luận văn của chính mình. Chỉ có Hòa đã nộp xong cho thầy. Tiện ích hơn nữa bất cứ thời điểm nào, ở đâu Hòa cũng tranh thủ giúp được. Dù ngày hay đêm, dù ở nhà bác Hè, bác Nhượng (nơi Hòa trọ) hay ở lớp học, cứ khi nào tôi bố trí đọc được là Hòa chép được.
Sau mấy ngày làm việc khẩn trương, Hòa đã giúp chép trọn vẹn 96 trang bản thảo trên giấy thếp. Cũng vừa lúc Nguyễn Văn Nghiệp (Nghiệp đen)- người bạn cố tri của tôi thủa cấp 3 đang học Thủy lợi đến cầm về đóng bìa và trang trí giúp.
Đúng ngày 19-5, trước khi Hòa cùng tôi mang ra Hà Nội nộp cho giáo sư Hoàng Như Mai, tôi trân trọng ghi vào trang đầu dòng chữ: "Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhật Bác, con thành tâm kính dâng anh linh Bác muôn vàn kính yêu bản luận văn của con với lòng biết ơn sâu sắc".
Xin trích ra đây mấy trang trong bản luận văn ấy để các bạn đọc cùng chia sẻ với tôi đôi dòng cảm thức về Bác Hồ với tuổi thơ:
QUA THƠ BÁC VỚI TUỔI THƠ NGHĨ VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
1- Hiểu sâu Sắc và thương hết lòng tuổi thơ. Tiêu chí đó luôn thấm đẫm trong từng vần thơ của Bác. "Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí M inh... Ai yêu Bác Hô Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam...". Bài hát ấy đã từ bao năm qua vang lên hồn nhiên, đàm thắm thiết tha nơi mỗi cửa miệng, mỗi tâm hồn tuối thơ Việt Nam như một tình yêu, một đức tin đã thành máu thit. Bới hơn ai hết từ thẳm sáu cõi lòng, Bác luôn dành cho tuổi thơ "muôn vàn tình thương yêu" sâu nặng. Hơn ai hết Bác nhận ra nơi các em không chỉ ăm ắp một thế giới mộng mơ hồn nhiên ngày thơ trong sáng đáng yêu rất cần nâng đỡ bảo vệ "như búp trên cành" mà còn sáng láng, long lanh ẩn chứa ở đó bao sắc màu lung linh, bao sức mạnh diệu kỳ của tương lai.
Những ngav bị đầy ải trong các nhà giam Tưởng Giới Thạch, dù phải đối mặt với trăm ngàn sự cùm kẹp dã man thiếu thốn; vậy mà khi nghe vang lên ở phòng bên tiếng khóc thét của một bé thơ chưa đầy tuổi Bác không sao cầm lòng. Trong dòng nước mắt tuôn trào, Bác cảm bút ghi vội những xúc cảm ào dâng, uất nghẹn, òa vỡ:
Oa... oa... oa....
Cha trốn không đi lính nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nứa tuổi
Phải theo mẹ đến ở nhà pha
[Cháu bé trong nhà lao Tân Dưong - Nhật ký trong tù)
Mở đầu bằng cụm từ tượng thanh "oa.. .oa.. .oa" bài thơ không đơn thuần là tiếng khóc cảm thương của thân phận bé thơ phải theo mẹ đi ở tù mà đau đáu vang lên như một tiếng thét tố cáo đòi công lý, đòi quyền được báo vệ, được chăm sóc đối với tuổi thơ của lương tri, của chính bản thân cháu bé "vừa nứa tuổi" đang bị đày ải trong hoàn cảnh hà khác tàn nhẫn của chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch.
Ở bài thơ Hoàng hôn (Nhật ký trong tù) hình ảnh tuổi thơ lần nữa lại được Bác khắc họa sinh động, sừng sững qua bóng hình lũ trẻ mục đồng. Còn gì rùng rợn, đáng sợ hơn, hiu hắt, hoang lạnh hơn khi một ngày đông đã tàn bóng chỉ còn bốn bề: "Giô sắc tựa gươm mài đá núi/ Rét như dùi nhọn chích cành cây"; ai nấy đều co ro, cúm rúm, run rẩy mau mau chạy trốn giữa đâu đây vồi vội những âm thanh: "Chùa xa chuông giục người nhanh bước". Ấy vậy mà lũ trẻ mục đồng thì vẫn thơ thới, thản nhiên đến kinh ngạc: "Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay".
Trẻ thơ là như thế. Chúng hồn nhiên yêu đời. Chúng thách thức tất cả. Chúng là hiện thân của chòi nụ, của tương lai, của mùa xuân bất diệt. Mây trân trọng nâng niu và tin yêu vô hạn những khoảng trời tuổi thơ hồn nhiên trong vắt, tràn đầy sức sống ấy bất chấp ở hoàn cảnh điều kiện nào. Đó thực sự là thông điệp giản đơn, sâu sắc mà bài thơ của Bác gửi chúng ta, nhắc chúng ta luôn nhớ làm lòng nếu lòng ta chưa đánh mất tâm nguyện thiết tha gắn bó với sự nghiệp "trăm năm trồng người".
2- Tôn trọng, tin tưởng ớ các em, Bác luôn chọn cơ hội thuận lợi để giáo dục. Với tuổi thơ mỗi tết trung thu luôn là niềm ước ao khao khát đợi mong. Ngày đó các em được tưng bừng phá cỗ ngắm trăng, được vui chơi thỏa thích cùng bè bạn giữa vòng tay của ông bà, cha mẹ trong cảnh làng quê
thanh bình yên ả. Hiểu các em, thương các em, Bác không thể không đến với các em trong ngày vui bất tận ấy. Và thế là dù bận ngàn việc quốc gia đại sự Bác vẫn dành thời gian vui cùng các em mỗi lần trung thu đến bằng những dòng thư, những lời thơ tâm huyết.
Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung.
Thương các em, nhớ các em Bác luôn mong các em trở thành người tốt. Và thế là trong mỗi bức thư, mỗi vần thơ trung thu Bác không chỉ bày tỏ sẻ chia cùng các em niềm hân hoan ngập tràn náo nức: "Các cháu vui thay, Bác cũng vui thay" mà còn luôn gửi gắm ở đó những lời răn dạy bổ ích. Song tuyệt nhiên đó không phải là những lời giáo huấn khô khan cứng nhắc. Mỗi lời dạy ấy bao giờ cũng thấm đẫm chứa chan một tấm lòng nhàn hậu bao la. Và cứ thế nó đi vào lòng các em như hương hoa, như khí trời, như dòng sữa ngọt ngào sâu lắng.
Thương các em, hiểu sâu sắc tâm lý các em, bài thơ Trung thu 1952 được Bác mởớ đầu bằng một lời khẳng định chân thành: "Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh". Tiếp ngay đó là lời ngợi khen xiết bao âu yếm thân thương: nào “Tính các cháu ngoan ngoãn" nào "Mặt các cháu xinh xinh".
Khi đã chiếm được cảm tình của các em, tạo được cảm hứng yêu thương kính trọng trong lòng các em Bác mới lựa lời đưa ra những điều răn dạy thật ân tình, chí lý, không hề mang tính áp đặt một cách nặng nề quá sức. Làm sao đế các em cảm thấy những việc mình cần làm thật vừa sức, thật phù hợp, thật thích thú. Làm đấy mà cứ như là chơi đấy. Vì thế những điều lớn lao, trọng đại Bác muốn truyền dạy cho các em cứ thế mà tuôn chảy thành những cáu thơ thật giản đơn, bình dị, gần gũi, chân tình; không hề đao to búa lớn, không hề mệnh lệnh mà thủ thỉ như lời ông răn cháu nơi chiếc chõng tre bên hè giữa đêm trăng thu lồng lộng, nồng nàn hương na, hương thị trong vòng tay âu yếm vuốt ve với tấm lòng tha thiết.
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình
Để tham gia kháng chiến
Và gìn giữ hòa bình
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh
(Thư Trung thu 1952)
Phải chăng thấm nhuần tư tưởng ấy của Người nên mới có được những hình ảnh đáng yêu như chú bé Lượm (thơ Tố Hữu). Đi làm liên lạc cho bộ đội giữa những ngày cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn ác liệt, dù tắm mình giữa bom rơi đạn nổ, luôn cận kề với hiểm nguy với cái chết; ấy thế mà gặp ai Lượm cũng hớn hớ hồn nhiên khoe rối rít:
"Cháu đi liên lạc Vui lấm chú à
Ở đồn Mang Cá Thích hơn ở nhà!"
Chỉ có tuổi thơ thế hệ Hồ chí Minh mới có được cái dáng vóc, cái tâm lý kỳ vĩ, hào hùng như vậy!
3- Dạy cách chăm ngoan chứ không đơn thuần dạy chăm ngoan. Bài thơ "Kêu gọi thiếu nhi" được Bác mở đầu bằng hai câu:
"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan"
Ở đây tôi đặc biệt quan tâm từ "biết" mà Bác dùng. Rõ ràng với tuổi thơ việc ăn, ngủ, học hành không chỉ là nhu cầu, là nguyện ước mà còn là quyền lợi và nghĩa vụ. Song cái quan trọng mà Bác muốn nhấn mạnh ở đây không phải chỉ là chuyện ăn, ngủ, học mà là "biết ăn, ngủ, biết học hành".
Nghe thì đơn giản vậy mà làm được vậy đâu có dễ. Ngay với người lớn cũng chưa mấy ai đã thực hiện được trọn vẹn. Bác nhắc điều này với tuổi thơ chính là Bác nhắc mỗi bậc cha mẹ, mỗi kỷ sư tâm hồn phải quan tàm đặc biệt đến việc dạy các em biết cách ăn, ngủ, biết cách học hành thế nào cho khoa học. Nghĩa là Bác yêu cầu phải dạy cho các em từ tuổi ấu thơ cách làm người ở ngay những việc nhỏ nhặt, đời thường nhất. Vậy là gần 30 năm đã đi qua lời thơ của Bác đến nay vẫn con nóng hổi ý nghĩa nhắc nhở chúng ta trong đổi mới phương pháp giáo dục hãy luôn nhớ phải dạy các em cách học chứ không đơn thuần dạy các em học.
4- Không chỉ có thế, câu thơ trên của Bác còn gợi cho ta nghĩ đến việc giáo dục tuổi thơ một cách toàn diện. Chú ý dạy các em cách học chữ nhưng chớ quên dạy các em cách ăn, cách ngủ. Nghĩa là phải quan tâm dạy các em biết "học ăn, học nói, học gói, học mở" ngay từ tấm bé. Ở 5 điều Người dạy thiếu nhi, quan điểm giáo dục toàn diện càng được Bác khẳng định như một nguyên lý. Cùng với mong muốn mỗi thiếu nhỉ phải biết "Yêu Tổ quốc. Yêu đồng bào. Học tập tốt, lao dộng tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm" Bác yêu cầu các em còn cần phải luôn biết "Giữ gìn vệ sinh thật tốt".
Trong 5 điều dạy thì đây là điều duy nhất được Bác dùng từ "thật" đặt trước từ "tốt" đế nhấn mạnh. Phải chăng ở đây Bác có ý nhắc nhở tuổi thơ, cũng là nhắc nhớ những ai quan tâm tới tuổi thơ phải coi yêu cầu giữ gìn vệ sinh, rèn luyện sức khỏe với tuổi thơ là cực kỳ quan trọng? Cùng với rèn luyện ý thức vươn tới những điều lớn lao cao cả các em hãy luôn biết quan tâm châm sóc thật tốt chính bản thân mình. Cùng với "Yêu Tổ quốc. Yêu đồng bào" các em đừng bao giờ quên yêu chính mình.
Hiểu như vậy chúng ta mới thấy 5 điều Bác dạy thiếu nhi không chỉ chói sáng một quan điểm, một phương pháp giáo dục toàn diện mới mẻ hiện đại mà còn thực sự là một bài thơ châm ngôn ngắn gọn, giản dị, thấm đẫm tính nhân văn và nhân bản sâu sác.
5- Luôn coi trọng giáo dục bằng nêu gương. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với cương vị tư lệnh tối cao của cả dân tộc, đêm ngày Bác đối mặt với cá núi công việc ấy vậy mà khi được tin hai thiếu nhi Lê Văn Thục và Phạm Đồ Hải ở quân khu 2 lập chiến công xuắt sắc, Bác lập tức viết thơ khen tặng.
Bài thơ được truyền tụng khắp nơi đã khơi lên trong tuổi nhỏ cả nước phong trào thi đua lặp công góp phần cùng cha anh đánh Pháp theo gương hai thiếu nhi đó. Không chỉ có thế, ở một bài thơ khác Bác cũng viết trong kháng chiến chống Pháp, ta thật cảm động khi bắt gặp hình ảnh:
"Việc quân việc nước đã bàn
Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau"
Bác Hồ là như thế! Nói và làm với Bác bao giờ cũng song hành gắn quyện với nhau. Yêu các em, trân trọng tin tưởng ở các em Bác luôn cảm thấy hạnh phúc ngập tràn mỗi khi có điều kiện được gần gũi với các em, được vui hát, được lao động, được hòa nhập cùng các em. Bác dạy các em bằng những lời vàng ngọc và luôn tranh thủ mọi cơ hội để dạy các em bằng chính những việc làm rất đỗi đời thường của mình như vậy đó.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!