Nói cách khác, tất cả những điều này thuần túy chỉ để lăng-xê. Hôm ấy, Nghiêm Khắc đến nhà thăm cô ta, không phải vì tổ quốc và người mẹ, mà chỉ vì hai người bọn họ.
Khi đã làm xong việc cần làm, Nghiêm Khắc ra về. Cô ta đeo một cặp kính râm tiễn Nghiêm Khắc xuống dưới nhà. Dưới nhà có một con phố. Cảnh tượng khá nhộn nhịp. Người sửa giày, người nướng thịt cừu, người sửa xe đạp, người nổ bỏng ngô, người bán ngô luộc, người bán khoai lang nướng.
Trước khi chia tay, cô ca sĩ đến hàng nướng khoai lang, mua một củ khoai nướng. Vừa vặn, phóng viên của một tờ báo lá cải - đang ăn vặt ở quầy hàng đối diện - trông thấy cô ca sĩ. Anh ta rất đỗi ngạc nhiên, rồi thuận tay chụp một pô ảnh. Bức ảnh này người khác chụp thì không sao, nhưng khi người chụp là phóng viên, thì chỉ ngày hôm sau, nó đã xuất hiện trên mặt báo, chiếm hẳn nửa khổ. Có 2 bức ảnh được đăng. Một bức chụp toàn cảnh con phố. Nhộn nhịp người qua lại và hàng quán. Góc trên bên phải của bức ảnh toàn cảnh là một bức chụp đặc tả.
Trước hàng khoai nướng, cô ca sĩ đang cầm một củ khoai lang nhét vào mồm.
Mọi bi kịch đều không có chỗ cho sự lựa chọn.
Trong bi luôn có hài.
Lưu Chấn Vân
Dưới ảnh là lời bình: Bệnh chán ăn là để lăng-xê? Chuyện này đăng báo chẳng sao, bảo là lăng-xê cũng không hề gì. Bản thân sự việc chính là lăng-xê, lăng-xê kiểu tích cực hay tiêu cực thì cũng thế cả. Vấn đề ở chỗ, bên vai phải của cô ca sĩ xuất hiện cái đầu của Nghiêm Khắc. Nghiêm Khắc trong ảnh trông gầy gò, giống y kẻ mắc bệnh chán ăn. Nghiêm Khắc không hề bận tâm chuyện mình lên báo. Gã chẳng phải đã trương ảnh mình trên tấm biển quảng cáo ở đường vành đai 4 suốt ngày đấy thôi. Khổ nỗi, trên báo không phải chỉ có một mình gã, mà bên cạnh còn có một ngôi sao ca nhạc. Thế là to chuyện rồi. Cho dù gã trương ảnh mình cạnh đường vành đai 4, thì trên đời này cũng chẳng có mấy ai nhận ra gã. Chết cái, Cù Lợi - vợ Nghiêm Khắc– lại quá rõ mặt gã. Từ lâu, cô ta đã nghi ngờ gã có bồ bịch bên ngoài. Bây giờ, bức ảnh đăng chềnh ềnh trên báo, nỗi hoài nghi của cô ta chẳng phải đã ứng với hiện thực rồi sao? Tuần trước, Cù Lợi đi Thượng Hải thăm mẹ đẻ, buổi chiều sẽ về đến Bắc Kinh. Xuống máy bay, tất sẽ nhìn thấy tờ báo này. Chỉ vì mỗi chuyện tóc tai không như ý mà cô ta sẵn sàng cãi nhau với hiệu làm đầu.
Bây giờ, thấy Nghiêm Khắc bên cạnh một cô gái khác, lại đăng lên báo, e cô ta dám cầm dao giết người lắm. Cù Lợi có một thói quen. Trước khi vung dao, phải điều tra cho rõ. Mà quá trình điều tra còn đáng sợ hơn cả chuyện giết người. Dựa vào lô-gíc này mà suy đoán, Cù Lợi sau khi xem báo, tất sẽ đến hiện trường để điều tra. Để qua mặt mụ vợ, Nghiêm Khắc muốn bố trí lại toàn bộ hiện trường, diễn lại cuộc sống ngày hôm qua. Đợi khi Cù Lợi đến điều tra, mọi người đều bảo Nghiêm Khắc và cô ca sĩ kia không phải đến cùng một lúc, biến chuyện tất yếu thành chuyện tình cờ, biến hai người có quan hệ thân mật với nhau thành hai kẻ xa lạ, biết đâu sẽ lật lại được vụ án, tránh được kiếp nạn này. Tại hiện trường con phố có mười mấy hàng quán. Với những người nướng khoai, nướng xiên cừu, khâu giày, nổ bỏng ngô..., Nghiêm Khắc đều đã dặn dò, thỏa thuận xong. Duy có tay bán ngô luộc, người An Huy, hễ mở mồm ra là run lẩy bẩy, sợ làm lộ chuyện. Phải tìm một người đóng thế hắn ta. Mà phải đóng cho thật giống. Người giống hắn ta, trong công trường có mà ối. Bèn tìm đến Nhiệm Bảo Lương. Nói xong câu chuyện, Nghiêm Khắc thấm mệt. Nhiệm Bảo Lương cũng đã vỡ vạc. Nhưng gã vẫn hoài nghi:
- Nhỡ bà chị không đọc tờ báo này thì sao? Thế thì chúng mình công toi à?
Nghiêm Khắc:
- Mụ ta không đọc, thì người khác cũng sẽ mách mụ ta. Xung quanh mụ ta, toàn bọn béo.
Bọn béo thì chẳng có đứa nào tử tế cả. Nghiêm Khắc đã từng nói với Nhiệm Bảo Lương rồi. Nhiệm Bảo Lương cũng hiểu. Nhưng gã lại ca cẩm:
- Phức tạp quá. Nếu là tôi, bỏ quách vợ đi. Thế là xong tất tật mọi chuyện.
Nghiêm Khắc trợn mắt nhìn Nhiệm Bảo Lương:
- Sự việc đâu có đơn giản như ông nghĩ. Nếu bỏ được, tôi đã bỏ từ lâu rồi.
Lại bảo:
- Trên ti-vi, ngày nào người ta chẳng diễn kịch? Một người đi kiểm tra thị sát, xung quanh toàn bố trí hiện trường giả. Cũng giống như tôi đối phó với mụ vợ. Mỗi người đều có cái khó riêng của mình.
Nhiệm Bảo Lương hiểu, màn kịch này không diễn không được. Nhưng gã lại gãi đầu:
- Nhưng nếu để đóng kịch, thì sếp tìm nhầm chỗ rồi. Công trường có hàng trăm con người thật đấy. Nhưng từ lúc bò ra khỏi bụng mẹ, họ đều phải quần quật mưu sinh, hơi rỗi đâu mà đi đóng kịch.
Điện thoại di động của Nghiêm Khắc đổ chuông. Nhưng gã chỉ nhìn màn hình, chứ không nghe máy. Ngắm nghía Nhiệm Bảo Lương một hồi, gã bảo:
- Tôi thấy ông được đấy.
Nhiệm Bảo Lương nhảy dựng lên, cứ như oan ức lắm:
- Sao sếp lại đánh giá tôi thế? Lột da ra, tôi là đứa thật thà nhất quả đất!
Rồi tìm cách lái câu chuyện:
- Sếp ạ. Ta bàn chuyện nghiêm túc đi. Tiền công trình chậm hơn nửa năm nay rồi. Phải phát thôi. Tiền nguyên vật liệu còn đỡ, chứ còn lương của công nhân, nửa năm không trả, hay xảy ra chuyện lắm.
Rồi lấy tay làm điệu bộ:
- Trong vòng chưa đầy một tháng, xe tôi bị chọc thủng lốp tới năm lần.
Nhiệm Bảo Lương có một con xe San-ta-na second-hand. Nghiêm Khắc ngăn gã lại:
- Việc tôi nói cũng là chuyện nghiêm túc. Nói gở, nếu tôi bị mụ vợ chém chết, ông đến đâu đòi tiền?
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!