Tương Lai Xán Lạn Chương 25

Chương 25
1974-1975 Máy bán kẹo giữa sa mạc

Elena chìa cánh tay cho Jacob và đỡ ông để ông bước theo kịp. Ông lê chân bước. Dưới cái mũ rơm rộng vành, mồ hôi chảy ròng ròng xuống thái dương ông và chiếc áo sơ mi trắng của ông ướt đẫm ở vùng nách. Ông có vẻ khổ sở. Elena cảm thấy nhựa đang sôi dưới đế dép. Trường học có cách nhà họ vài phố cũng chẳng ích gì, mười phút đi bộ dưới cái nóng như thế quả là cực, nhất là đối với Jacob. Sau sáu giờ học tiếng Hêbrơ, ông chỉ mong một điều: ở trong tầng trệt nhà họ, nơi có tường dày như tường pháo đài và cửa sổ hẹp đến mức người ta hầu như không nhìn thấy bên ngoài, không để ánh mặt trời lọt vào. Nhờ có kiến trúc thích ứng tuyệt vời với điều kiện khí hậu thái quá này, nên ở trong căn nhà nhỏ ấy cũng dễ chịu như ở sân bay có điều hòa của Tel-Aviv. Vừa bước vào, Jacob vật xuống ghế trường kỉ.

- Tôi chết mất.

- Đi tắm đi.

Khi ông ra khỏi phòng tắm, mặc một cái quần soóc và áo phông sạch sẽ và khô ráo, bà đặt lên bàn phần kebab còn lại, một quả cà chua cắt lát và dưa chuột. Họ bình luận về lớp học buổi sáng, rồi cùng nhau nhắc lại bài học. Nhờ có đôi tai âm nhạc, Jacob phát âm rất chuẩn, còn Elena thì có trí nhớ tốt hơn. Họ vừa cười vừa chữa lỗi cho nhau. Bà thích được trở lại ghế nhà trường như thế này. Jacob giặt quần áo trong khi bà làm nốt một bài tập. Ông quay lại phòng khách, mỉm cười nháy mắt với bà.

- Ngủ trưa chứ?

Mới có ba giờ hai mươi lăm. Họ còn thời gian vì đến bốn giờ rưỡi Alexandru mới về. Từ mười lăm ngày nay, đã thành thông lệ. Bà tắm nhanh trong khi Jacob mở cái trường kỉ-giường. Trần như nhộng, họ nằm dài trên tấm đệm mới nhưng hơi quá mềm, và ngực bà tì lên bộ ngực phủ những sợi lông đen mịn của Jacob.

- Lưng em ướt hết này, Lenoush. Như là sương sớm đọng trên hoa.

Khi Alexandru về, bà pha cho nó một cốc nước cam tươi to tướng và giúp nó làm bài tập. Jacob đọc truyện ngắn của Tchekhov bằng tiếng Rumani. Bữa chiều, họ ăn xúp nguội có cà chua, dưa chuột và ớt ngọt với bánh mì dẹt (pita), rồi thay quần áo.

Đêm buông dần. Đó là thời điểm hay nhất. Trời vẫn còn dễ chịu nên không cần mặc thêm áo gilê, hơi ấm dìu dịu bao bọc họ như một vỏ kén tuyệt diệu. Họ thong thả dạo bước trên vỉa hè trải nhựa. Khi nghe thấy từ “sa mạc”, Elena đã tưởng là một nơi nghèo nàn và hoang dã, nơi họ sẽ gặp những con dê gầy gò, những con lạc đà và những đứa trẻ rách rưới. Dimona, cũng như phần còn lại của Ixraen, sạch sẽ và hấp dẫn với những ngôi nhà đá vàng và những tòa nhà nhỏ được bao quanh bởi cây cỏ luôn được tưới nước và nằm ở hai bên đường trải nhựa. Nơi được ưa thích hơn cả là quảng trường rộng lớn mà buổi tối tất cả dân nhập cư thường tụ tập, một ốc đảo thực thụ với những cây cọ, cây xương rồng có những chiếc lá to tròn phủ đầy gai, những đài phun nước bằng đá được chạm khắc kiểu Jérusalem, những chiếc ghế dài đẽo bằng đá vàng và mặt đường lát gạch được cọ rửa mỗi buổi sáng. Khi họ đến đó, vẫn còn ít người. Một đứa trẻ tóc vàng chạy đến chỗ Alexandru nói một từ bằng một ngôn ngữ mà Elena nhận ra là giống tiếng Nga. Chẳng mấy chốc, ba đứa trẻ khác, hai trai, một gái, cũng đến với nó. Chúng nhìn Alexandru, cao hơn chúng, với sự tôn trọng đầy trông chờ, như thể nó là ông già Noël. Alexandru quay về phía mẹ.

- Mẹ có tiền xu không ạ?

Bà lấy tất cả tiền lẻ đưa cho c on. Theo sau là một bầy trẻ không ngừng tăng thêm, nó đi về phía góc Tây Bắc quảng trường, nơi có cái bình to tướng đựng đầy kẹo đủ màu sắc đặt trên giá kim loại màu đỏ. Alexandru đưa cho mỗi đứa trẻ một đồng tiền để bỏ vào cái khe và nhận phần kẹo của mình. Nó hơi khó khăn trong việc duy trì trật tự xung quanh và nói với bầy trẻ vừa bằng tiếng Rumani, tiếng Nga, tiếng Anh và Hêbrơ. Elena ngồi xuống một cái ghế dài gần Jacob và cầm tay anh.

- Làm cho một đứa trẻ sung sướng thật dễ nhỉ?

- Anh cũng đang nghĩ vậy đấy, Lenoush! Anh tự hỏi ai đã có ý tưởng tuyệt vời đặt một cái máy bán kẹo ở giữa sa mạc thế này nhỉ?

Bà nhìn bầu trời đang chuyển sang màu da cam rồi màu xanh sáng rực rỡ như một bức tranh và nổi bật trên đường chân trời với những ngọn đồi màu nâu đỏ được nhuộm trong cùng thứ ánh sáng ấy. Dimona, thành phố có nhà máy hạt nhân vẫn mãi là cái tên của hạnh phúc.

Về đêm, những người Etiôpi đổ đến. Đàn ông mặc những chiếc áo dài trắng tinh và đầu đội mũ không vành nhỏ màu trắng, còn đàn bà mặc áo thụng hợp với váy áo đầy màu sắc như màu pháo hoa thực sự. Vô số con cái họ tản ra quảng trường. Ngồi cạnh nhau trên hai ghế dài, sáu người đàn ông đánh những cái trống lớn đặt xuống đất giữa đầu gối họ và hát bằng một thứ tiếng châu Phi trong khi đàn bà nhảy múa. Elena chăm chú theo dõi động tác của họ, điệu nhảy thứ hai thì rất khác điệu mà bà đã luôn nhảy, chân trần giẫm đất, đầu gối thay nhau đưa lên hạ xuống theo nhịp về phía những bàn tay xòe ngón, lưng cong gập xuống, đùi vạm vỡ rung chuyển. Nghe những khúc ca của đàn ông, những giọng trầm đồng thanh hát điệp khúc, những tiếng kêu khàn khàn, những đoạn nói nhiều hơn hát mà dù không hiểu từ nào, bà vẫn cảm nhận được vẻ đẹp, bà nhận ra khoảng cách mà mình đã vượt qua từ khi rời Rumani, và có cảm giác đã trở thành khán giả của chính cuộc đời bà.

- Ta về chứ? Jacob gợi ý.

Đã gần mười giờ. Bà gọi Alexandru đang đá bóng với những đứa trẻ châu Phi. Jacob và bà khoác tay nhau đi. Alexandru huýt sáo đi trước họ. Đến nhà, nằm xuống là nó ngủ ngay vì đá bóng mệt. Bà vào phòng nó và nhìn trong bóng tối lờ mờ cơ thể con trai trong quần sịp. Nằm ngửa, tay để phía sau, miệng hé mở, nó nằm trong tư thế kì cục, chân gập và bắt chéo nhau, có vẻ như hoàn toàn thư giãn. Bà mỉm cười và khẽ đóng cửa lại. Bà tuồn vào gần ông, cởi áo ngủ. Bà nhớ đến giấc ngủ ngắn ban chiều, êm dịu xiết bao khiến ham muốn lại trỗi dậy như thể bà đã không gần gũi Jacob từ nhiều tuần lễ. Ông bỏ sách và tắt đèn đầu giường. Cơ thể họ hút vào nhau trong đêm tối, tìm đến với nhau và hòa làm một. Họ vẫn ý thức được Alexandru đang ngủ ở bên kia bức tường nên kìm nén tiếng rên. Họ cùng hưởng khoái lạc, và đùi Elena khép lại trên lưng Jacob, trên làn da nhẵn và nóng, ươn ướt vì mồ hôi toát ra. Ông thả lỏng hoàn toàn trên ngực bà và hình như thiếp đi. Bà khẽ đẩy ông ra để đi rửa ráy. Hai lần trong ngày. Họ đã không có được niềm hứng khởi như thế từ năm tiếp theo hôn lễ của họ và trước khi Alexandru chào đời. Hay có lẽ họ đã không hề có, vì chưa bao giờ họ lại trẻ trung và phóng túng đến vậy. Ở tuổi ba mươi tám và bốn mươi ba, họ khám phá ra khoái lạc. Tất nhiên, đó chỉ là một phần phụ thôi. Một vài tháng nữa, khi biết tiếng Hêbrơ, họ sẽ rời sa mạc, tìm việc làm và tái hòa nhập với thế giới hiện thực.

Bà đang mơ thấy cơ quan an ninh dùng rìu phá cửa căn hộ của họ ở Bucarest thì giật mình tỉnh dậy. Người ta gõ cửa rất mạnh. Jacob ngủ trần bên cạnh bà. Một thứ ánh sáng nhợt nhạt ở trong phòng. Chắc độ năm rưỡi hoặc sáu giờ. Lại có tiếng gõ cửa.

"Jacob!" Bà gọi.

Ông nhảy khỏi giường và mặc vội quần trong khi Elena mặc áo ngủ lại. Ông đến gần lối vào.

- Ai đấy?

- Em là Doru đây!

Alexandru cũng đã thức, đầu bù xù, ngó ra khỏi phòng trong chiếc quần sịp. Jacob mở cửa. Qua khung cửa, Elena nhìn thấy em rể mặc thường phục, cười hồ hởi.

 

- Chuẩn bị hành lý, em sẽ đưa mọi người về Haïfa. Em đã thu xếp ổn cả rồi. Dẫu sao, anh chị không nghĩ rằng em sẽ bỏ mặc mọi người ở sa mạc này chứ!

Cậu ta đã rời Haïfa từ ba giờ sáng để đến làm họ bất ngờ trước sáu giờ. Họ cảm ơn nhưng trong giây lát, Elena mong cậu ta đừng chủ động quyết định vận mệnh của họ như vậy.

Đầu tiên, họ ở nhà cha Jacob ở ngoại ô Haïfa. Ông Voicu ốm yếu muốn được gần gũi tối đa con trai và cháu trai để bù lại những năm xa cách. Ông sống cùng vợ, bà Nancy, một bà góa Canađa mà mười năm trước ông đã gặp qua công ty môi giới hôn nhân của nhà thờ Do Thái và vì ông bà đã di cư sang Ixraen trong một ngôi nhà tiện nghi bằng đá vàng trên một quả đồi trồng những cây bách, cam, bao quanh là những quả đồi xanh khác. Ngủ dậy, Elena ra thềm hút một điếu thuốc và chỉ cần với tay là hái được một quả cam. Quả thơm, chua chua thay bữa sáng ngon lành. Trong ngày, Jacob, Alexandru và bà đi Haïfa để tiếp tục học tiếng Hêbrơ, và buổi tối, họ ăn cơm gia đình, ở nhà cha Jacob, nhà một người em khác của ông tên Joseph ở không xa đó, hoặc ở nhà Doru ở Haïfa. Doru, trẻ nhất trong ba anh em, cũng là người hay nói nhất. Giọng anh ta oang oang khắp nhà. Cha và các anh không bao giờ bẻ bác anh ta. Elena đôi lúc thấy khó chịu. Cho đến lúc ấy, bà đã không hề để ý tính thụ động này của Jacob. Bà cũng thấy khó chịu vì sự giống nhau về dáng người giữa Jacob và cha anh, làm cho bà thấy hình ảnh chồng bà như một ông già. Tuy nhiên, ngay khi trông thấy Alexandru và năm anh chị em họ của nó, Amit, Alona, Eyal, Ilan và Zeruya, ba gái và hai trai tuổi trong khoảng từ tám đến mười bốn, ngồi vòng tròn trên gạch hoa trắng của phòng khách, đang đánh bài hoặc chơi cờ và nói lẫn lộn tiếng Anh và Hêbrơ, bà nở nụ cười rạng rỡ.

- Chúng là ng ời một nhà, chị Lenoush, không gì tuyệt vời hơn phải không? - Doru thừa nhận điều đó, một buổi tối khi bắt gặp ánh mắt chị nhìn chúng.

Bà không phủ nhận được.

Một buổi chiều, sau khi từ Haïfa về, bà đi dạo ở Tivon với mẹ chồng, trong khi Jacob nghỉ ngơi.

- Con luôn ngủ mơ y hệt nhau, - bà nói với mẹ chồng - Một viên chức gọi điện thoại và bảo con người ta không cấp hộ chiếu cho chúng con. Con gác máy và muốn hét toáng lên. Lần nào đến đoạn ấy là con cũng tỉnh giấc, đầu nhức như búa bổ. Và khi nhận ra nơi mình đang ở, tại Ixraen, ở Tivon, bên cạnh Jacob, con sung sướng biết bao, mẹ ạ! Con không tưởng tượng nổi.

Mẹ chồng bà kín đáo mỉm cười. Elena đang tự hỏi liệu mình có làm phiền mẹ không thì có ai đó gọi bà Nancy. Họ ngẩng đầu. Một người đàn ông cao, tóc trắng, da rám nắng, từ trên thềm nhà, gần một cây hoa hồng mà ông đang tưới, mỉm cười với họ. Nancy giới thiệu với ông con dâu mình và giải thích rằng cô vừa di cư từ Rumani với chồng và đứa con trai mười hai tuổi sang.

- Xin chúc mừng/Mazel tov, - ông cười niềm nở nói - Chúc bà may mắn. Chúng ta cần máu mới để bảo vệ và xây dựng đất nước này.

Họ chuyện phiếm trong năm phút.

- Ông ấy thật đáng mến! Elena thốt lên ngay khi họ đã


đi xa.

- Phải, - Nancy gật đầu đáp - Cuộc đời ông không suôn sẻ. Đó là một người sống sót từ trại Auschwitz, và ông đã mất đứa con trai út năm 67.

 

Elena trố mắt.

- Kinh khủng quá! Bị tai nạn ạ?

- Chiến tranh Sáu ngày.

- Ôi, con xin lỗi.

Nancy lấy tay chỉ một ngôi nhà họ vừa đi qua và thì thầm:

- Năm ngoái, họ đã mất đứa con trai, khi kết thúc chiến tranh Kippour. Một đứa con trai duy nhất. Thảm quá! Cách đây ba năm, họ di cư đến từ nước Nga.

- Năm ngoái! Cậu bé bao nhiêu tuổi ạ?

- Mười tám thì phải! Nó chuẩn bị vào đại học để học Khoa học chính trị. Nó tên Igor. Một chàng trai dễ thương, và còn là một người chơi viôlông cừ khôi. Buồn thật.

Mười tám tuổi. Nhỉnh hơn Alexandru một chút. Vẫn còn là trẻ con. Elena rùng mình. Mẹ chồng hất cằm chỉ một ngôi nhà nữa mà phía trước đã xây một đường dốc cho xe lăn.

- Nhà này, con trai họ đã mất hai chân năm ngoái. Ở Kiryat Shmona.

Elena không nói gì. Họ im lặng trở về. Giờ ăn tối, Elena quá đau đầu nên không ăn. Khi Jacob trở vào phòng với bà, bà bật khóc ngay khi ông đóng cửa.

- Lenoush? Có chuyện gì thế? Em bị đau à?

Bà thuật lại buổi đi dạo với Nancy. Ông nhìn bà vẻ nghiêm trọng và gật đầu.

- Lenoush, ta sẽ đi. Chúng ta luôn biết rằng dù sao chăng nữa sẽ không ở lại Ixraen. Chỉ là tạm thời thôi mà.

- Phải đi ngay, Jacob ạ.

- Em bảo sao cơ? Ngay tức thì á?

Ông miễn cưỡng mỉm cười.

 

- Không thể chờ đợi. Em không thể ở lại đây. Em không thể.

- Lenoush, bình tĩnh nào. Chúng ta không có tiền và anh không thể đòi hỏi gì hơn nữa ở cha và các em trai sau những gì mà họ đã làm cho chúng ta. Alexandru mới mười hai nên không thể bị gọi vào quân đội ngay lập tức. Lúc này không có chiến tranh. Mùa xuân trước, Ixraen đã kí một hiệp ước hòa bình với Ai Cập và Xiri, em biết vậy mà. Chúng ta sẽ đi, nhưng trước hết phải dành dụm tiền bạc.

Bà nghiêng mình nằm xuống, nước mắt giàn giụa. Bà thậm chí không hiểu Jacob nói gì với mình. Bà chỉ hiểu có một điều, là không. Vì ông mà bà đã liều lĩnh chống lại cha mình. Ông sẽ không làm vậy với em trai. Vì rõ ràng chính Doru là người mà ông sợ. Giờ đây, ông cho rằng mình mang ơn cha và các em trai cũng như ơn vợ và con trai vậy. Gia đình họ kết thúc rồi. Còn tệ hơn cơ. Vì ông không nhìn thấy điều đập vào mắt Elena. Tại sao họ lại được rộng lượng chào đón ở Ixraen trong khi bà không phải người Do Thái? Vì họ có một đứa con trai. Họ đã mua tự do cho mình bằng máu của Alexandru.

- Lenoush, tại sao em khóc như vậy? - Ông hỏi với giọng lo lắng. - Anh đã nói gì sai à?

Ông nghiêng xuống đặt tay lên hông bà.

- Ôi, Jacob, anh không hiểu đâu. Anh không hiểu nổi đâu!

Ông không đáp. Cảm giác nóng ấm từ bàn tay Jacob đặt lên hông bà biến mất. Ông đã rời phòng, bỏ mặc bà. Ông chưa bao giờ làm bà khó chịu đến thế. Ít phút sau, ông quay vào.

- Này, em uống đi.

Ông đưa bà một cốc nước. Bà ngồi dậy và uống, không nhìn Jacob.

 

- Xin em hãy nghe anh, Lenoush. Chúng ta bên nhau. Ta sẽ ra đi ngay khi có thể. Nhưng sẽ không dễ dàng. Em phải cho anh một vài tháng để lo liệu.

Cuối tháng Chín, họ dọn về nhà họ, trong một căn nhà hai phòng trên đồi Carmel ở Haïfa mà Doru đã tìm cho. Hiên nhà trông ra biển và phong cảnh quả là diệu kì, nhưng khi ngồi đó vào buổi sáng để uống cà phê, hút thuốc và ngắm mặt nước phẳng lặng và xanh biếc lấp lánh dưới ánh mặt trời, Elena không còn thấy sự thanh thản và nhẹ nhõm ngập tràn trái tim bà như ở Dimona hoặc ngay cả ở Tivon, trước cuộc dạo chơi với mẹ chồng. Trường mới của Alexandru ở quá gần nhà họ nên bà có thể nhìn thấy sân chơi từ hiên nhà mình. Mỗi khi nhìn từ xa, bà tưởng như nhận ra cái dáng thân thương ấy trong số các bạn học của nó, bà liền nghĩ tới hai mươi mốt học sinh bị giết trong một trận tấn công khủng bố của người Palextin vào tháng Năm ở Maalot.

Họ sẽ ra đi. Khó khăn không làm bà sợ. Khi có một mục tiêu và đấu tranh để đạt được, người ta sẽ thành công. Họ sẽ tìm một trong những tổ chức bảo trợ cho những người Do Thái muốn di cư sang Mỹ để được trợ giúp. Bà nói về việc ấy xung quanh bà, ở chợ hoặc ở trường, bà tìm trong danh bạ, và bà tìm thấy những địa chỉ ở Jérusalem hoặc ở Tel-Aviv. Bà phải xoay xở một mình vì Jacob vừa được một nhà máy điện nhỏ ở ngoại ô Haïfa tuyển dụng trong khi bà vẫn đang tìm việc. Khi đi Tel-Aviv hoặc Jérusalem, bà tranh thủ ghé vào những văn phòng của tổ chức bảo trợ người Do Thái, gặp gỡ một nhân viên và gửi lại một bức thư. Nội dung thư phúc đáp luôn giống nhau: "Chúng tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi không có khả năng giúp quý vị." "Rất tiếc." Bà bắt đầu thấy ghét từ này. Bà cần giúp đỡ, chứ không cần thương tiếc.

 

Tháng Mười hai, người ta đề nghị bà một chỗ làm thú vị, giám đốc một phòng nghiên cứu sẽ được thành lập trong bệnh viện lớn nhất của Haïfa vào tháng Ba. Đầu tháng Giêng, bà đi Jérusalem để trao đổi và gặp gỡ những người có trách nhiệm, và hẹn gặp tổ chức quan trọng nhất trong các tổ chức trợ giúp cho người di cư Do Thái, nơi đã gửi thư từ chối họ. Bà lại muốn thử vận may nên rủ Jacob đi để họ cùng nhau thuyết phục. Nếu đúng như bà nghĩ, rằng khó khăn là do bà không phải người Do Thái thì bà sẽ khẳng định bà đã có dự định qui theo. Dù không hề tin vào lần thứ hai này, Jacob vẫn xin nghỉ một ngày để theo bà.

Người đàn ông tiếp họ khoảng ba mươi tuổi. Áo sơ mi khuyết một cái khuy để phanh ra bộ ngực lông lá. Hàng chồng giấy tờ chất đầy trên bàn làm việc, cạnh đó là một cái gạt tàn có lẽ ít được đổ và hai cái cốc bẩn. Anh ta bắt tay mạnh đến mức Elena cố để không nhăn mặt. Anh mời họ ngồi và hỏi họ thích dùng tiếng Hêbrơ hay tiếng Anh. Anh ta có vẻ là một con người, chứ không phải một cái máy hành chính. Elena kể anh ta nghe bằng tiếng Anh việc Cơ quan an ninh cướp nhà của họ ở Bucarest khiến giấc mơ di cư sang Mỹ của họ không thành. Anh ta gật đầu, đôi mắt với hàng mi dài đen vẻ suy tư nhìn bà chăm chú. Giọng Elena run lên về cuối câu chuyện và khi nài nỉ người đàn ông giúp đỡ họ, bà không kìm nén được nên đã bật khóc, mặc dù cái nhìn mạnh mẽ của Jacob như cầu khẩn bà hãy kìm chế. Người đàn ông đưa bà cái khăn giấy - có lẽ là một cử chỉ quen thuộc của anh ta. Im lặng. Trong khi chờ bà bình tĩnh lại, anh ta chơi với con dao cắt giấy, cho nó quay trong tay. Anh hắng giọng và hình như phân vân, rồi nói bằng tiếng Anh bằng cái giọng Ixraen như hát mà bà thích:

- Các vị nghe đây. Tôi thấy các vị có vẻ là những người tử tế. Các vị từ Rumani đến, mẹ tôi cũng là người Rumani - ở Brasov, các vị biết không? Tôi muốn giúp các vị. Các vị có biết tại sao không ai nhận bảo trợ để các vị di cư sang Mỹ không?

- Không, Jacob đáp.

- Bởi vì các vị đã quá già. Ba mươi tám và bốn mươi ba tuổi? Ở bên Mỹ, các vị sẽ không bao giờ tìm được việc làm. Ở đó đang khủng hoảng. Có đầy người thất nghiệp, ngay cả có bằng cấp hẳn hoi. Các vị sẽ lại phải làm lặt vặt hoặc rửa bát đĩa trong quán ăn. Các vị muốn thế ư? Các vị sẽ có một cuộc sống tồi tệ. Nghèo ở Mỹ, không phải trò đùa, tin tôi đi. Lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể dành cho các vị là hãy từ bỏ.

Ngồi trên xe buýt trở về, họ không nói gì. Elena ngắm phong cảnh khô cằn mà vẻ đẹp của nó cho đến lúc ấy vẫn làm bà mê say, rồi thấy một cảm giác ngột ngạt như thể bà bị chôn đến cổ trong cát sa mạc. Ở Bucarest hay ở đây, họ đều là tù nhân. Họ có thể đi du lịch và nói điều họ nghĩ, nhưng đó là một ảo tưởng tự do, bởi vì họ không có quyền ra đi.

- Em biết đấy, - Jacob nói khi xe buýt vào Haïfa, - khi em là giám đốc phòng thí nghiệm, anh chắc rằng em có thể nộp đơn xin việc làm ở Mỹ. Ba mươi tám tuổi, chưa thực là già, nhất là trong lĩnh vực của em. Và chắc chắn là em không có vẻ già tí nào cả.

Bà mỉm cười với ông, biết ơn vì ông cố làm cho bà có chút hi vọng. Suy cho cùng, Jacob, vừa khôn ngoan vừa thận trọng, có thể có lý khi nói với bà rằng trước hết họ phải tạo dựng tiếng tăm nghề nghiệp ở Ixraen và kiếm tiền. Cuộc sống của họ không hề khó chịu. Tháng Mười hai, đồ đạc họ gửi từ Rumani đã đến nơi và làm cho căn hộ của họ cũng tiện nghi và đẹp đẽ như ở Bucarest. Cái bàn của phòng ăn với tranh ghép bằng những miếng kính vuông nhỏ không bị hư hại gì, cho phép họ mời đến ăn tối gia đình Jacob, những người vốn thích tụ họp ở nhà họ vào tối thứ bảy vì Elena làm những món Rumani mà từ lâu họ đã không được thưởng thức. Doru không ngớt lời khen bà; bà đã quen với kiểu lấn át vui vẻ của anh ta. Alexandru cũng đã quen với cuộc sống mới. Cuối ngày học đầu tiên vào tháng Mười, nó đã òa khóc trong lòng mẹ như đứa trẻ lên bốn vì suốt cả ngày nó không hiểu một từ nào, bây giờ nó nói tiếng Hêbrơ hầu như trôi chảy và còn bắt đầu kết bạn nữa. Alexandru yêu quý các em, nhất là con gái của Doru tên là Zeruya, một cô bé cao, đẹp, tóc đen dài với những vết hoe, cô sai khiến bọn trẻ nhưng luôn quan tâm để người ta không quên người ngưỡng mộ vẻ trẻ trung của mình. Có lẽ Alexandru khó chịu đựng nổi một chuyến đi mới, chỉ với quá ít thời gian sau khi di cư từ Rumani sang. Jacob không hề hài lòng với công việc hiện có, một công việc chán ngắt và thuần túy kĩ thuật, nhưng ông sẽ tìm một việc tốt hơn ngay khi Elena bắt đầu đi làm, vào tháng Ba hoặc tháng Tư. Về phần mình, bà thích uống cà phê buổi sáng ở hiên nhà trông ra biển hoặc mặc váy mùa hè dạo chơi trong tháng Giêng.

Một tuần sau, họ nhận được thư của người bạn tên là Dorin. Jacob cầm thư lên khi từ nhà máy về và ngay khi bước vào nhà đã nói với Elena rằng Dorin gửi thư cho họ từ Mỹ. Bà nhíu mày và cầm lấy phong bì. Con tem, in hình một nhà du hành vũ trụ đang bước trên mặt trăng, thực sự đã được đóng dấu ở Mỹ và ở góc phía trái, dưới tên người gửi là một địa chỉ ở Mỹ. Những tin tức sau cùng họ nhận được từ người bạn này là vào cuối tháng Chín, khi Dorin vẫn ở Bucarest, đang lo lắng chờ đợi hộ chiếu của mình và của vợ cùng con gái. Elena xé phong bì và đọc một mạch bức thư viết tay dài sáu trang.

Lenoush và Jacob thân,

Chủ nhật, và mình đang ngồi bên một cái bàn gỗ thông trong căn hộ mới của bọn mình ở Chicago. Ngày mai, mình bắt đầu công việc của một bác sĩ phụ sản tại bệnh viện của Trường đại học Chicago. Mình có ối việc phải làm, như các bạn có thể đoán được, nhưng mình đã quyết định làm sau để viết cho các bạn bức thư này kẻo rồi không có thời gian viết, cho các bạn, những người đã tạo cảm hứng cho bọn mình. Không có các bạn, không có sự quyết tâm của các bạn, chúng mình đã không bao giờ có được sự can đảm
ra đi.

Người bạn kể lại vì sao mà cuối cùng họ cũng nhận được hộ chiếu một tháng sau khi Elena và Jacob ra đi. Ngay ngày hôm sau, họ đã đáp máy bay sang Rôma, và đi thẳng đến Văn phòng Trợ giúp người nhập cư Ixraen. Văn phòng đã nhận bảo trợ và bố trí chỗ ở cho họ trong khi chờ thị thực mà họ đã nhận được chưa đầy hai tháng sau đó, một thời gian thật sự ngắn, chắc nhờ nghề nghiệp của Dorin. Ngày lễ Noël, họ đã đặt chân đến New York, nơi mà một nữ nhân viên của NYANA - Hội đón tiếp những người Mỹ mới tại New York, đã đón họ ở sân bay và đưa họ về một khách sạn ở Manhattan, ở nơi đó, có sẵn một lẵng đầy quả, rượu vang và sôcôla dành cho họ như thể họ là những ngôi sao. Họ đã trải qua sáu ngày dạo chơi trong thành phố, mà tính nhân văn vượt xa điều họ từng nghĩ. Giữa khu Manhattan có một công viên rộng hơn Cismigiu nhiều, phủ tuyết và có vô số trẻ em chơi xe trượt. Cứ như là một bức họa của Bruegel nếu như ta không nhìn thấy những ngôi nhà chọc trời sau những hàng cây. Trên phố, những chiếc xe tải rải cát trên vỉa hè để người đi không trượt chân, và những chiếc xe khác cào tuyết dọc theo hè. Có những xe taxi màu vàng khắp nơi và người ta gọi "Taxi!" để xe dừng lại, những chiếc xe mui gập có ngựa kéo ở xung quanh Central Park, những cây thông Noël khổng lồ sáng trưng, và người bạn không nói với họ về những tủ kính ở các cửa hàng. Họ chưa bao giờ thấy một sự giàu có và dồi dào đến thế. Đó thực sự là chuyện thần tiên.

Sau một tuần, người ta chuyển họ đến Queens, một khu phố khác của New York, nơi có nhiều người nhập cư sinh sống. Trong tòa nhà của họ, không nghe thấy từ tiếng Anh nào, chỉ tiếng Nga, Rumani và Ba Lan. Một mùi khoai tây và bắp cải luộc bốc lên trong hành lang. Ana muốn sớm đi khỏi nơi này. Nhưng trước hết họ phải học tiếng Anh. Hội đón tiếp những người Mỹ mới tại New York giúp người bạn thảo một bản lý lịch và tìm kiếm việc làm. Anh ta cũng lại cực kì may mắn vì ngay lập tức đã nhận được đề nghị tuyển dụng của một bệnh viện đại học ở Chicago. Cả ba người đã cùng đến đó phỏng vấn, và thành phố đư c xây dựng bên bờ hồ đã làm họ hài lòng. Hai tuần sau, họ đã dọn đến Chicago. Corina được học trong một trường Do Thái chất lượng tốt và được cấp học bổng. Lương khởi điểm của Dorin là mười ba nghìn đô la. Họ sống trong một khu nhà hoàn toàn mới với thảm trải sàn trong mỗi phòng, dày và êm đến mức chỉ mới bước chân lên đó thôi, Ana đã có cảm giác mình là một triệu phú. 

Mọi cái diễn ra nhanh đến nỗi không thể tin nổi. Một cái búng tay và hấp! Đã an bài. Tuyết rơi ngoài cửa kính, trời trắng như ở Bucarest trong một cơn bão mùa đông, và cái lạnh dữ dội tới mức gió buốt như cắt vào da thịt ngay khi ta ra ngoài, nhưng không phải bầu trời giống như ở Bucarest, cũng không cùng loại tuyết - thực ra, bông tuyết to hơn nhiều - cũng không phải cùng cái lạnh. Có phải tự do làm thay đổi hương vị cuộc sống?

Cuối thư, Dorin khuyên Jacob và Lenoush di cư sang Mỹ và cho họ một vài địa chỉ ở Rôma có thể sẽ có ích nếu họ theo cùng con đường. Elena tái mặt sau khi đọc thư. Bà đưa thư cho Jacob mà không nói lời nào.

"Thật tốt cho họ", Jacob nói với cái bĩu môi tán thưởng sau khi đọc thư.

Đó là Jacob: một người không thể có đố kị, ghen tức, những tình cảm nhỏ nhen. Phải chăng ông không thấy rằng Dorin đã thành công trong chính kế hoạch mà họ không thực hiện được? Ấy thế mà, khởi nguồn, đó lại là kế hoạch của họ. Chính họ là những người đầu tiên nói với Dorin và Ana về Mỹ và về Rôma. Tại sao họ đã không theo đuổi dự định ban đầu và họ đã không đến Rôma? Họ không có tiền, và thế thì sao nào? Lẽ ra họ đã có thể có được sự bảo trợ giống như Dorin. Nhưng rồi họ đã đi sang Ixraen. Những người em và cha Jacob giúp đỡ họ: thế này hình như đơn giản hơn. Dorin may mà không có gia đình ở Ixraen.

Bà không nói gì với Jacob. Bà cay đắng và tự thấy mình không công bằng. Họ lặng lẽ đi ngủ, đọc sách và tắt đèn mà không nói lời nào. Jacob khôn ngoan biết chờ đợi và để cho bà yên khi bầu không khí như sắp có dông bão. Bà ngủ rất tồi và khi tỉnh dậy thì tính khí khó chịu, buồn nôn đến mức bắt đầu ngày mới bằng việc nôn hết vào toilet bữa ăn hôm trước. Bà lặng lẽ ăn sáng. Jacob đi làm còn Alexandru thì ở trường. Bà ngồi ngoài hiên với bao thuốc và tách cà phê, mắt nhấp nháy vì mặt trời. Bà mệt. Nhìn sang trường con trai, bà thấy bọn trẻ chạy ra ngoài theo hai hàng rất thứ tự. Không có cột khói nào bốc lên ở bất cứ đâu, và bọn trẻ sẽ lại quay vào tòa nhà hai đứa một: đó chỉ là một trong những bài luyện tập sơ tán thông thường trong trường hợp hỏa hoạn. Bà nghiêng người nhưng không nhận ra được bóng dáng của Alexandru. Bà nghĩ về cái lạnh buốt và những bông tuyết to của Chicago. Nếu có cái gì đó mà bà không luyến tiếc, đó là mùa đông.

Khi Alexandru về ăn trưa, bà đã khen bọn trẻ rất thứ tự trong bài tập sơ tán phòng hỏa hoạn. Nó nhìn mẹ không
hiểu gì.

- Sáng nay, ngồi ở hiên, mẹ đã xem các con tập.

- À, tập quân sự!

- Quân sự?

- Dạ vâng. Phòng khi có bom hoặc tên lửa rơi xuống trường.

Những lời này khiến cho bà như bị điện giật. Nhưng bà không để lộ trên nét mặt. Khi nó trở lại trường sau bữa trưa, bà đi dạo, lên và xuống những quả đồi của Haïfa. Ở mỗi điểm dừng xe buýt, bà nhìn thấy những thanh niên nam nữ mặc quân phục. Bà cũng nhìn thấy tương lai rõ đến não ruột. Từ khi lập quốc, Ixraen luôn có chiến tranh. Bà đã học trong lớp dạy tiếng Hêbrơ lịch sử đất nước, một lịch sử vẫn còn hiển hiện mà bằng chứng là tất cả những quân nhân trẻ đều mang súng: chiến tranh độc lập năm 1948, chiến dịch Sinaï năm 1956, chiến tranh Sáu ngày năm 1967, chiến tranh tiêu hao chống Ai Cập năm 1969-1970, chiến tranh Kippour năm 1973. Các cuộc chiến diễn ra ngày càng gần nhau, cứ hai hoặc ba năm một lần. Và từ khi Tổ chức giải phóng Palextin (OLP) bị đánh bật khỏi Jordanie và đến cư trú ở Liban, Ixraen không ngừng bị tấn công trên biên giới phía Bắc. Có thể có hòa bình cho một nhà nước mà kẻ thù xung quanh đều muốn tiêu
diệt nó?

Nếu bà bắt đầu làm việc ở phòng thí nghiệm của bệnh viện vào tháng Tư thì đã quá muộn rồi. Họ an cư, kết bạn, một cuộc sống mới. Có lẽ sẽ quá khó để lại ra đi, bỏ lại mọi tiện nghi để bắt đầu lại tất cả. Và rồi Alexandru đến tuổi mười tám và sẽ nhận được giấy gọi nhập ngũ mà họ biết được thì đã muộn. Sau đó thế nào, bà không muốn nghĩ tới. Bà rùng mình. Cần thuyết phục Jacob ra đi ngay. Bằng mọi cách. Nếu cần thì bà sẽ khóc cho đến khi ông nhượng bộ.

Suốt bữa tối, bà giữ im lặng. Alexandru nói với họ về một bài kiểm tra tiếng Ả Rập mà nó đạt điểm khá nhất - về ngoại ngữ, nó không gặp phải bất lợi như các bạn học. Cha khen nó. Rồi lại im lặng. Bà dọn bàn và rửa bát. Khi Jacob đề nghị làm giúp, bà từ chối mà không nhìn ông. Alexandru vừa ngủ thì đúng như bà dự đoán, Jacob cật vấn bà:

- Điều gì làm em phiền lòng vậy? Bức thư của Dorin à?

Bà nhún vai không đáp.

- Lenoush, em thật không biết điều. Chúng ta đã thử mọi cách. Chúng ta không thể ra đi bây giờ, em biết mà.

Bà kể cho ông nghe về cuộc tập dượt quân sự buổi sáng ở trường của Alexandru.

"Phòng khi có bom hoặc tên lửa rơi xuống trường."

 

Vai cụp xuống, Jacob trông giống cha hơn bao giờ hết: một ông già. Bà nhận ra rằng ông không có quyền lực để bảo vệ cho con trai và vợ. Bà thấy ông đáng thương, nhưng cũng đáng giận, và gần như coi thường ông.

- Em muốn làm gì? Ông hỏi.

- Đi Rôma. Đi ngay.

- Mình không có xu nào cả.

- Đã để dành được một trăm đô la. Nói với gia đình anh đi! Hỏi mượn tiền họ, bà nói bằng một giọng cứng rắn.

- Sau tất cả những gì họ làm cho chúng ta ư? Để rồi ta có thể ra đi?

- Phải. Anh là cha Alexandru. Nghĩa vụ hàng đầu của anh là với con trai, Jacob. Ngày nào đó, ta sẽ trả lại tiền cho họ.

- Nhưng để đi Rôma cần có thị thực.

- Ta sẽ xin thị thực du lịch.

- Sẽ chỉ có giá trị một tuần thôi, Lenoush.

- Một khi ở đó rồi, ta sẽ đến Văn phòng Trợ giúp người nhập cư Ixraen. Họ sẽ bảo trợ cho chúng ta. Em chắc vậy. Họ sẽ gặp chúng ta, ba kẻ tị nạn tội nghiệp đến từ Rumani, hai vợ chồng với một đứa con, và họ sẽ giúp chúng ta. Ở đây không thể được vì em không phải người Do Thái và hoàn cảnh chúng ta không đến nỗi nào. Ta có một khoản lương, một căn hộ, một gia đình. Và một đứa con trai mà họ muốn giữ lại, anh không hiểu sao, Jacob?

Yên lặng. Vai xuôi, Jacob có một thái độ cam chịu mà bà không thể chịu đựng được. Bà tự hỏi có cần bật khóc, quỳ xuống và van nài ông, hay bỏ ra khỏi phòng. Ông ngẩng đầu và mắt họ gặp nhau. Bà dồn hết ý chí vào đôi mắt mình, mãnh liệt đến mức bà thấy đau ở thái dương. Ông buông tiếng thở dài:

- Đồng ý. Ta sẽ đi Rôma. Anh sẽ nói chuyện với em trai.

Cơn giận của Elena tan biến. Bà lại thấy nguyên vẹn như trước. Họ là một gia đình, với một khối óc và một con tim.

Cuộc trao đổi với các em của Jacob diễn ra hai tuần sau đó, trong một bữa ăn tối ở nhà Doru. Mỗi người đưa ra ý kiến của riêng mình. Doru và Joseph nhắc lại tất cả lý lẽ mà Elena và Jacob đã nghĩ tới trong những tháng qua, khuyên họ không đi bây giờ mà chờ cho hoàn cảnh tài chính và nghề nghiệp của họ được cải thiện. Cha Jacob sức khỏe gần đây xấu đi, yên lặng nghe, vẻ xa vắng, nhưng Nancy, vợ ông lại nêu ý kiến:

- Elena không phải người Do Thái. Phải là người Do Thái mới hiểu được đất nước này.

Trực giác như mách bảo Elena rằng bà mẹ chồng người Canađa đã cố ý chỉ cho bà nhà của những gia đình mới mất một con trai trong cuộc chiến để cảnh báo người phụ nữ trẻ ngây thơ và háo hức, mẹ của cậu con trai duy nhất ấy. Doru thử đưa một lý lẽ cuối cùng.

- Anh chị không biết rằng dân nhập cư sống cụm với nhau ở Mỹ ư? Anh chị muốn thế à? Rời bỏ Rumani để lại rơi vào “tiểu Rumani” hay sao?

Mỗi mình cậu ta cười. Cậu ta nhún vai rồi kết luận:

- Em chỉ muốn anh trai em được sung sướng. Nếu anh đã di cư khỏi Rumani, là để làm điều anh muốn!

Dầu sao chăng nữa, sẽ chỉ là thử xem sao. Nếu không được, họ sẽ trở lại Haïfa và tiếp tục cuộc sống mà họ đã bắt đầu ở đây. Ba tuần sau đó, họ nhận được thị thực du lịch và một buổi sáng, Doru đưa họ ra sân bay ở Tel-Aviv. Elena chỉ chuẩn bị một vali nhỏ để không gây nghi ngờ. Họ để lại sau lưng tất cả đồ đạc. Doru tặng cháu trai một món quà mừng sinh nhật muộn màng: một cái máy chụp ảnh làm Alexandru sướng rơn và họ bóc tem ngay lập tức để tạo niềm vui cho chuyến đi đầy lo âu này. Xúc động, Elena thật tình cảm ơn em rể. Trong bộ quân phục, cậu ta đưa họ đến tận chân cầu thang kim loại của chiếc máy bay hãng Alitalia. Lên đến bậc thang cuối, bà quay lại trông thấy Doru vẫy tay và mỉm cười với họ. Nước mắt bà trào ra. Ở Ixraen, cậu ta đã nắm giữ vận mệnh của họ. Giờ đây, bà làm chủ cuộc chơi.

Nguồn: truyen8.mobi/t88967-tuong-lai-xan-lan-chuong-25.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận