Kết quả, đống lửa mà đám a hoàn vùa ra sức thu dọn xong lại bị Nhan Tử La nhóm lên, nàng còn dặn chúng mang thêm gỗ đến. A hoàn mang gỗ đến xong, biết ý đều lui ra hết.
Lửa chiếu trên mặt hai người, Dận Chân cầm củi ném vào trong đống lửa, Nhan Tử La dựa vào vai chàng ngắm trăng.
“Trăng nhìn rất lạnh”, Nhan Tử La nói.
Dận Chân “ừm” một tiếng.
“Chàng nói xem dùng lửa nướng trăng một lúc liệu có ấm áp hơn chút nào không?”, Nhan Tử La hỏi.
“Không hiện thực”, Dận Chân đáp.
“Ung vương gia, thiếp phát hiện ra một điều rằng nói chuyện với chàng cần phải có sự kiên nhẫn cực đại và tinh thần bền bỉ vô song”. Nhan Tử La nói tiếp.
“Quá khen”. Dận Chân vẫn thản nhiên.
“Khiêm tốn.” Nhan Tử La cười, rồi lại tiếp tục ngắm trăng, đột nhiên lại cười.
“Cười gì?” Dận Chân nghiêng đầu nhìn nàng đang cười tươi như hoa.
“Thiếp đang nghĩ Thập tam gia nghe xong bài hát vẻ mặt sẽ thế nào, ha ha!”, Nhan Tử La cười, nói. Lão Thập tam, ta không tin không chỉnh được ngươi!
“Lão Thập tam làm gì nàng?”, Dận Chân hỏi.
“Ha ha, không làm gì. Chỉ là thiếp xót đống dưa chuột, cà chua của mình thôi”, Nhan Tử La trả lời rất thành khẩn.
Dận Chân nhếch nhếch khoé môi không nói gì, xót dưa chuột, cà chua? Quên mất là trước kia chính nàng cắt dưa chuột đắp mặt rồi sao?
“Ung vương gia?”, Nhan Tử La gọi.
“Ừm?”, Dận Chân đáp.
“Đây là rằm tháng tám đầu tiên mà chỉ có hai chúng ta ở bên nhau nhỉ, phải chúc mừng thế nào đây?” Nhan Tử La lại hỏi.
“Vợ chồng già cả rồi”, Dận Chân nhắc nhở nàng.
“Già rồi cũng vẫn phải sống mà! Thiếp cũng muốn hát tặng chàng một bài!”, Nhan Tử La nói sau đó đảo đảo mắt, “Nhưng, lần này nếu chàng gây sự với thiếp, cẩn thận thiếp không khách khí đâu!”
“Vậy phải xem nàng định hát bài gì đã” Dận Chân nói.
Nhan Tử La cười, dựa vào vai chàng bắt đầu hát.
Hát xong hỏi Dận Chân, “Hay không?”
“Điệu gì thế? Không phải là điệu hát của Trung Nguyên”, Dận Chân nói.
“Ừm, trên trời, thỏ ngọc hát khi hạ phàm dụ dỗ Đường Tăng”, Nhan Tử La cười đáp. Thiếu nữ Thiên Trúc[1], mặc dù giờ nàng đã sắp thành phụ nữ trung niên rồi.
[1] Bài hát trong phim Tây du kí.
“Vớ vẩn!”, Dận Chân nói. Mặc dù nghe kì kì, nhưng vẫn rất hay.
“Hát tặng chàng một bài của Tây Vực nữa.” Nhan Tử La hắng giọng hát Cô nương lầu Lan.
Hát xong bài của Tây Vực, Nhan Tử La lại chạy tới Nam Hải, dựa vào vai Dận Chân hát cả buổi tối, cho đến khi miệng lưỡi khô khốc, sao đó mới quay đầu nhìn Dận Chân.
“Sao thế?”, Dận Chân hỏi. Đang nghe rất vui thì nàng lại không hát nữa, nhìn chàng như vậy là có ý gì?
“Vị đại gia này thật là, tiểu nữ nhà người ta hát lâu như thế. Chàng chẳng thưởng cho đồng nào thì thôi, ít nhất cũng phải cho người ta bát nước chứ?” Nhan Tử La nheo mắt, nàng hát tới cổ họng bật đèn đỏ cảnh báo rồi, vị đại gia này lại chẳng biết gọi người mang đến cho nàng chén nước cho mượt giọng.
“Khát rồi?”, Dận Chân hỏi.
“Đúng thế, khát rồi, tiểu nữ hôm nay chỉ hát cho chàng nghe đến đây thôi, ngày mai mời chàng tới sớm!”, Nhan Tử La đứng dậy phủi đất vừa cười, nói với Dận Chân.
“Nàng nói gì?” Dận Chân cũng đứng dậy, đi bước tới trước mặt nàng, nghe giọng điệu này sao mà giống đám phụ nữ của Tần lầu Sở quán thế? Học ở đâu không biết?
“Không nói gì cả!” Nhan Tử La cười bước đi, Dận Chân đứng phía sau lắc đầu thở dài.
Vào phòng rồi uống mấy chén trà, lúc này Nhan Tử La nói cảm thấy đỡ hơn một chút.
Nhìn nhìn đồng hồ, Dận Chân nhìn Nhan Tử La: “Đi ngủ thôi!”.
Sau đó chàng thấy Nhan Tử La nhìn chàng cười ma mị, chớp chớp mắt nói một câu: “Vị đại gia này, thật xin lỗi quá, tiểu nữ chỉ bán nghệ không bán thân”.
Dận Chân hít một hơi thật sâu, cảm thấy cơn nóng giận từ huyệt Đan Điền xông thẳng lên não.
“Nhan Tử La! Sau này nàng còn dám ra khỏi cửa một bước, ta sẽ giam nàng lại”, Dận Chân nói.
“Vậy hai bước thì sao?” Nhan Tử La hỏi, sau đó mới nói. “Ung vương gia, mới thế mà đã giận rồi sao? Tu luyện không đến nơi đến chốn gì cả! Đừng giận nữa, cẩn thận bốc hỏa rồi, có người sẽ đau lòng đấy!”
Dận Chân trừng mắt lườm nàng một cái, “Ta không dọa nàng đâu!”.
Ngày hôm sau, vừa ăn sáng xong, Dận Tường lại tới, ngồi phịch xuống chiếc ghế trong phòng khách nhà Tứ ca nhìn Tứ ca thở dài.
Dận Chân nhìn hắn, chau mày.
“Tứ ca, Nhan tẩu hát cho huynh nghe bài ‘hoa dại’ gì đó chưa?” Dận Tường uống một hớp trà. Trắc phúc tấn của hắn cuối cùng cũng bị Nhan Tử La làm hư rồi.
“Chưa!”, Dận Chân đáp. Sau đó ngẩng đầu lên nhìn Dận Tường: “Hay không?”.
Dận Tường phun cả hớp trà ra, ướt cả một khoảng đất.
“Hay! Buổi tối huynh bảo Nhan tẩu hát cho huynh nghe”, Dận Tường nói.
Dận Chân khẽ ho một tiếng, bảo nàng hát? Thôi đi, không nàng lại nói năng linh tinh.
“Sao thế Tứ ca? Huynh nghe rồi à?” Dận Tường cười xấu xa. Thế mới đúng chứ, thế mới công bằng, Tứ ca cũng nghe rồi mới công bằng, dù gì Tứ ca vẫn nhiều vợ bé hơn hắn.
Dận Chân trừng mắt lườm hắn.
Đêm tối, Dận Chân đọc sách mệt, thấy Nhan Tử La vẫn đang vừa ngân nga hát vừa đun trà nước lê lá dâu để uống cho mượt giọng.
“Bài ‘hoa dại’ đó hát thế nào?”, Dận Chân cất tiếng hỏi. nghe thế nào mà khiến lão Thập tam phải thở dài?
Kết quả, Nhan Tử La ngừng hát, quay đầu cười, nói với chàng một câu: “Thật ngại quá, vị đại gia này, tối nay tiểu nữ chỉ bán thân không bán nghệ”.
Dận Chân xém chút nữa là bẻ gãy chiếc bút lông.
Ngày tháng nhàn nhã trôi qua, ngày càng lúc càng ngắn, đêm càng lúc càng dài. Khi trận tuyết đầu tiên đến Nhan Tử La chạy ra khỏi trang trại, đạp tuyết ngoài đồng, vui tới mức hét ầm lên mấy tiếng. Đáng tiếc lại không nghe thấy tiếng vang. Ai bảo nàng không vào núi hét, mà lại ngửa cổ lên trời gào. Ông trời làm gì có thời gian trả lời nàng chứ.
Nhà bếp theo tập tục chuẩn bị bánh bột[2], Nhan Tử La nhàn rỗi chạy tới đề đạt ý kiến, kết quả tạo ra một nồi với đầy đủ thứ đồ kì dị hình dạng cổ quái. Đồng chí Khang Hy bỗng có ngày rỗi rãi, sai người bảo thái giám đến lấy mấy chiếc ‘bánh bột’ về, sau khi hấp xong đặt lên bàn, đồng chí Khang Hy gật đầu nói: “Quả nhiên là đồ nhà họ”.
Mùng Tám tháng Chạp[3], nhìn Bách Hợp bưng tô cháo Lạp bát truyền thống đến, Nhan Tử La cười hi hi húp hết, sau đó chạy xuống bếp lật đông tìm tây lấy ra nào là gạo, quả khô, cà rốt, măng tây, nấm hương, tôm, mộc nhĩ, thịt lợn…, tự mình nấu cháo Lạp bát. Đây là món nàng học được hồi đại học khi xem ti vi, mấy năm rồi không làm nên cũng hơi gượng gạo.
[2] Bánh bột (Ngô, mì) là món ăn chủ yếu trong ngày thướng và lễ tết của tộc Mãn.
[3] Tức tết Lạp bát. Tết Lạp bát là ngày tết trong truyền thống của dân Hán, Trung Quốc, cũng coi là tết chuẩn bị đón tết xuân.
Vừa khéo, hôm đó do gần đây đồng chí Khang Hy thường sai người chạy đến nhà người ta “Xin” bánh bột nên có phần ái ngại, vì vậy đặc biệt cho người mang quà đáp lễ… một nồi cháo Lạp bát. Khi đó Nhan Tử La nghĩ, ông già Khang Hy này lẽ nào cũng muốn nàng cũng phải cắt thành từng miếng, sáng ăn một miếng, chiều ăn một miếng?
Mặc dù có chút bất mãn, nhưng Nhan Tử La vẫn gửi một phần cháo Lạp bát đặc biệt thơm phưng phức do chính tay mình nấu cho đồng chí Khang Hy. Cũng không quên việc cho người mang sang phủ Dận Tường. Kết quả của việc làm ấy là: Ngày hôm sau, trong cung có người đến xin công thức, Dận Tường thì chạy thẳng sang nói rằng sau này bữa sáng sẽ sang nhà nàng xin ít cháo Lạp bát. Sau đó Nhan Tử La thường xuyên nghĩ có nên cho ít hạt ba đậu[4] vào bát cháo thay lạc không.
[4] Cây ba đậu còn có tên là cây bã đậu. các thành phần từ cây bã đậu có thể dùng làm thuốc và gây độc là hạt phơi khô.
Mười lăm tháng chạp, Dận Chân cho người tới đón nàng hồi phủ ăn Tết. Về phủ rồi, theo thông lệ phải tới thỉnh an Nạp Lạp thị, sau đó đi thăm Nữu Hỗ Lộc thị và Cảnh thị. Hoằng Lịch cùng Hoằng Trú đã chạy khắp nơi, ngồi chẳng yên phút nào, thấy nàng cũng không lạ, trèo lên người nàng nhanh như khỉ, khiến nàng ướt mồ hôi!
Qua Hai ba tháng Chạp, Khuynh Thành và Thành Cổn Trát Bố cũng về. Hoằng Lịch và Hoằng Trú lại càng hào hứng, ngày nào cũng lúc lắc chạy theo Thành Cổn Trát Bố, đùa nghịch khắp nhà Nhan Tử La. Mà chúng còn phát hiện ra Nhan Ngạch nương của chúng biết rất nhiều trò mới mẻ, vì vậy thường ở nhà nàng đến tối cũng không về với mẹ. Nữu Hỗ Lộc thị và Cảnh thị thường xuyên đến gặp nàng với bộ dạng như người có lỗi.
Tết vẫn như mọi năm, vào cung, gặp rất nhiều người chưa gặp bao giờ. Nhan Tử La thấy mình bắt đầu có chút không quen với cuộc sống phức tạp này, nàng vẫn thích ở trang trại quê mùa mộc mạc, bụi đất bay khắp nơi của mình hơn.
Đến đầu tháng hai, Nhan Tử La thường xuyên có ý nghĩ muốn chuyển về trang trại.
“Có việc?” Dận Chân niệm xong rồi thấy Nhan Tử La đang nhìn.
“Có việc! Thiếp muốn quay về trang trại”, Nhan Tử La nói.
“Trong phủ ồn ào quá?”, Dận Chân hỏi.
“Chật quá!” Nhan Tử La thở dài, nhìn cái sân vườn này xem, nhìn chỗ nào cũng có cảm giác chật, không thở được.
“Được!” Dận Chân vui vẻ đồng ý. Nhan Tử La sung sướng gọi Bách Hợp thu dọn đồ.
Trước ngày đi một hôm, Nữu Hỗ Lộc thị và Cảnh thị tới.
“Muội muội lại muốn chuyển đi à?” Nữu Hỗ Lộc thị hỏi.
“Sắp đến vụ xuân rồi, phải về xem thế nào’, Nhan Tử La cười đáp.
“Muội muội còn có đất mà trồng, thật có phúc” Cảnh thị nói.
“Có phúc? Có mà có đất ấy! Cảnh tỷ biết không, khắp khu vườn ở đó chỗ nào cũng bụi đất bay đầy.” Nhan Tử La cười.
“Mình ở đâu thấy vui thì chính là có phúc”, Nữu Hỗ Lộc thị cũng nói, nghĩ ngợi một lát rồi ngẩng đầu lên nhìn Nhan Tử La: “Bao giờ tới vụ xuân bọn ta cũng muốn tới thăm trang trại của muội muội, không biết muội muội có hoan nghênh không?”.
“Nếu tỷ không chê bần hàn mà tới ở, đương nhiên muội hoan nghênh, mời còn không được nữa là!” Nhan Tử La cười.
“Vậy thì được rồi, đến lúc đó muội đừng mắng bọn ta tới làm phiền nhé” Cảnh thị đáp.
“Không mắng không mắng”, Nhan Tử La nói.
Trên đường quay về, Nhan Tử La vui vẻ cất tiếng hát, khiến Khuynh Thành cà Thành Cổn Trát Bố đều nhìn nàng khó hiểu.
“Ngạch nương, người thích làm nông dân đến thế à?” Khuynh Thành hỏi.
“Làm gì cũng được, chỉ cần sống vui vẻ theo ý mình là tốt rồi!” Nhan Tử La vỗ đầu con.